ôi nhớ cách đây không lâu có một người bạn trên mạng hỏi tôi rằng: Tại sao tôi thích viết về cổ tích, hoàng tử trong nhiều bài thơ của mình. Hẳn tôi là người rất mộng mơ hoặc tôi từng có một mối tình đầu lãng mạn nên khiến tôi hoài vương vấn. Tôi cười rất lâu khi đọc câu hỏi của bạn. Cười vì vui mừng, ai được người khác quan tâm mà không vui . Vui hơn khi đó là một người xa lạ. Kế tiếp tôi cười vì nhớ lại những ngọt ngào của ngày cũ.Tôi qua cái tuổi mười bảy, mười tám từ lâu thì đào đâu ra mơ mộng. Giá mà được an ủi bằng cách có một cuộc tình kiểu đó cũng đở tủi . Có chỗ để gặm nhấm cho chữ nghĩa thêm phần ướt át. '' Ăn mày dĩ vãng '' cũng là một cách giúp đời bớt khô cằn . Lôi nó treo lên rồi sơn phết màu mè hoa lá hẹ . Cho ra vẻ ta đây cũng đào hoa nguyên cành như ai. Nhưng hoàng tử ấy là nguyên mẫu có thật bằng xương bằng thịt hẳn hoi ít nhất cũng từ cách nghĩ của chính cá nhân tôi. Dẫu tôi chưa bao giờ mơ là công chúa ngay cả trong tưởng tượng. Tôi không ưa mấy nàng xiêm áo tha thướt đó . Hồi nhỏ tôi thích làm bà tiên tóc trắng như mây hơn. Bởi vì, bà tiên vung tay một cái là xuất hiện phép mầu.Tôi sống ở Việt Nam không nhiều, tính từ lúc hiểu biết cảm nhận tới rời xa chỉ được vài năm. Có lẽ vì thế mà phần ký ức đó khiến tôi nâng niu và nhớ mãi. Thói thường là vậy cái gì thiếu thốn luôn khiến người ta thấy ngon, thấy thèm, thấy lưu luyến khi nhớ về. Tôi của thời ấy sống vui vẻ hồn nhiên như cọng cỏ, cây lúa bên những bạn bè cùng trang lứa.Đám con nít chúng tôi bày rất nhiều trò để chơi đùa cùng nhau. Tôi ốm yếu mảnh khảnh nên thường bị đám bạn cho ra rìa. Chơi rồng rắn tôi toàn đứng cuối cùng. Chơi đóng tuồng, tôi bao giờ cũng làm quân sĩ. Vác cây kiếm tre ra, quơ qua quơ lại vài cái... rớt kiếm. Bị bắt làm tù binh nhốt trong bụi chuối.Tới một ngày Bông xuất hiện trong nhóm. Nhà Ngoại Bông cách nhà tôi một đoạn đường ngắn nằm phía xóm trên. Trước đó tôi cũng đã từng trông thấy Bông khi mẹ bạn dẫn bạn về thăm ngoại. Nhưng lần này thì khác gia đình Bông dọn về ở lập nghiệp luôn. Người lớn bữa trước bữa sau đã là xem như thân quen huống hồ chi đám con nít. Chẳng biết cớ gì mà tôi với Bông lại nhanh chóng thân nhau dù chúng tôi khác biệt rất nhiều. Bông lớn hơn tôi hai tuổi. Bông khác xa tôi và những bạn gái khác. Vóc người Bông cao lớn, khoẻ mạnh, nước da bánh mật. Mái tóc cắt ngắn kiểu miễng dừa mà Bông hay bảo như vậy cho mát. Bông năng vận động tay chân nhanh nhẹn chơi trò nào cũng hay cũng giỏi. Bông giống như là vị cứu tinh của tôi. Từ ngày có Bông làm bạn đời tôi lên hương thấy rõ.Chơi trò rồng rắn tôi không còn bị xếp cuối hàng nữa. Bông làm đầu rắn tôi đứng sau lưng Bông cố ôm thật chặt cái eo của cô bạn. Yên tâm cười vang hay hồi hộp theo từng nhịp chân của bạn. Chơi trò đóng tuồng tôi với Bông luôn cùng một phe. Bông đóng vai hoàng tử còn tôi vẫn làm quân sĩ, vẫn bị bắt làm tù binh đứng trong bụi chuối. Nhưng chẳng sao cả sớm muộn gì hoàng tử Bông của tôi cũng chiến thắng và giải cứu được đám tù binh. Hoàng tử Bông ngày ấy đầu đội mão kết bằng lá Bình Bát. Áo choàng làm bằng khăn trải bàn. Mặt lấm tấm mồ hôi một mình đánh với hai, ba tên giặc. Trong mắt tôi Bông còn oai phong còn giỏi hơn mấy ông hoàng tử con vua trong mấy tuồng cải lương trên ti vi . Họ chỉ biết đi tới đi lui ca vọng cổ . Không như hoàng tử Bông dám vật tay đôi lăn cù trên đám cỏ với tướng giặc.Chẳng những thế hai đứa tôi còn biết kết hợp với nhau để làm lợi thế. Chơi trò thả diều nếu tôi chịu khó tỉ mỉ dán diều kỷ lưỡng thì Bông luôn biết cách thả cho diều nhanh lên. Đi bắt dế tôi lo đổ nước vào hang còn Bông lo phần chụp bắt khi dế nhảy ra. Hái trái cây tôi trèo thì Bông đứng phía gốc kéo vạt áo ra hứng lấy. Đám con nít trong xóm bày trò gì hai đứa chúng tôi có trò đó. Hết hè tới tựu trường chúng tôi lại học cùng trường dù khác lớp. Sáng sớm í ới rủ nhau đi học. Đôi khi tôi và Bông cũng giận nhau theo kiểu trẻ con. Nhưng nghĩ chơi với nhau lâu lắm là được một bữa là đã thấy buồn, thấy nhớ nhau. Hờn mát chút xíu rồi lại làm hòa dung dăng dung dẻ bên nhau.Năm đó gần tết nhà trường tổ chức cho học sinh dọn dẹp chặt cỏ trồng hoa để lấy điểm thi đua cho lớp. Trong lúc đi dọn cỏ tôi không may đạp trúng một mảnh thủy tinh nhọn. Mảnh thủy tinh đâm xuyên qua đôi dép nhựa mỏng thấu vào gan bàn chân của tôi khá sâu.Những ngày sau, Bông lủi thủi đi bộ một mình. Tôi được Mẹ đưa đi, rước về bằng xe đạp vì vết thương ở chân. Giờ ra chơi lúc tôi đưa mắt nhìn đám bạn đang chuẩn bị kéo ra sân thì Bông xuất hiện trước cửa lớp. Bông đề nghị để Bông cõng tôi ra sân, Bông bảo ngồi một mình trong lớn buồn lắm. Ra sân Bông để tôi ngồi gần đó nhìn Bông và đám bạn chơi đùa. Kẻng báo hết giờ lại cõng vào lớp. Đôi ba lần tôi ái ngại, thành thật hỏi Bông rằng: Có nặng không vậy Bông? . Bao giờ bạn cũng đáp lời tôi bằng câu : Nhẹ hều hà...Khoảng thời gian ngắn ngủi vài tháng đó không ngờ trở thành kỷ niệm khó phai trong đời. Qua tết tôi đi sang bên này bỏ lại sau lưng gia đình, miền quê yêu thương. Bỏ lại trường lớp, bạn bè ngày cũ cùng Bông và những trò chơi thời con nít. Ở chốn mới của tôi làm gì có những trò chơi ấy. Để có thể nhanh chóng hòa nhập theo kịp. Thời gian biểu của tôi ngoài giờ ngủ thì chỉ có học và học mà thôi.Khi tôi trở về thăm nhà thì tôi và Bông đã qua tuổi để chơi những trò con nít ngày cũ dù chúng tôi cũng chưa gọi là lớn. Tôi vẫn gắn bó thân thiết với Bông như xưa. Giống như lời mẹ Bông và mẹ tôi thường nói: Chỗ nào có Bông thì là có tôi và ngược lại. Những lần về kế tiếp chúng tôi dần bước sang tuổi thiếu nữ. Nhiều buổi chiều Bông chở tôi trên chiếc xe đạp chạy trên những con đường làng nho nhỏ. Cái cảm giác ngồi sau lưng cô bạn ấy thật êm đềm và dễ chịu. Đến nỗi tôi từng lãng mạn nghĩ rằng: Sau này khi có người yêu dứt khoát sẽ kêu hắn chở mình như thế. Nhiều hôm hai đứa chèo xuồng đi dọc mé sông hóng mát nghe có cái gì đó len nhẹ vào tâm hồn. Cái mà bây giờ tôi mới biết là mộng mơ thời mới lớn nhìn hoa cỏ chi cũng thấy đẹp. Hai đứa rù rì kể cho nhau nghe những chuyện quanh mình từ trường lớp tới ánh mắt của một gã ngốc nào đó hay liếc trộm.Học hết cấp ba thi rớt đại học. Bông không lấy đó làm buồn như nhiều bạn cùng lớp cũng không thèm luyện thi chờ năm sau. Bông cho rằng mình vô duyên với học vấn và đó chẳng phải con đường duy nhất vào đời. Được gia đình trợ giúp ít vốn Bông ra chợ mở sạp bán trái cây. Với kinh nghiệm nhà vườn của mình hàng trái cây của Bông luôn đông khách. Hoa qủa bán ra luôn là thứ được lựa chọn tốt nhất. Tuy Bông không đẹp rực rỡ nhưng có nét duyên ngầm đậm chất con gái miền sông nước. Nhiều người nhờ mai mốt ướm lời , vậy mà.. đùng một cái Bông tuyên bố sẽ lấy chồng. Người Bông chọn là một anh chàng chạy xích lô mà Bông tình cờ gặp lúc đi giao hàng trái cây trên Sài Gòn. Chẳng biết Bông nhận thấy điểm gì nơi anh ta mà từ lúc quen tới lúc nhận lời làm người yêu chỉ đúng bốn ngày Ba mẹ Bông e dè sợ cô lầm lạc, bạn bè đôi ba người khuyên can Bông có dư khả năng chọn một anh tốt hơn. Bỏ ngoài tai những điều đó Bông vẫn như ngày nhỏ rất mạnh mẽ giữ vững ý định của mình. Không bao lâu sau Bông khoát áo cô dâu theo chồng. Ngày đưa dâu tôi dĩ nhiên có tham dự. Nhìn ngôi nhà bé nhỏ bên bờ sông lộng gió thú thật tôi chạnh lòng cho bạn mình. Tôi là người cuối cùng bước xuống ghe trong buổi đưa dâu ấy. Khi ở trên bờ tôi đã rươm rướm nước mắt rồi. Tới chừng nhìn thấy Bông vẫn chạy dọc bờ sông đưa tay vẫy vẫy thì tôi khóc oà, như thể đánh mất cái gì đó qúy giá.Những lo lắng của tôi và mọi người đã trở thành dư thừa. Bông nhìn người không sai .Chồng Bông là người đàn ông rất tốt .Chẳng những coi trọng gia đình yêu thương vợ con anh ta còn giúp Bông phát triển công việc buôn bán. Ngày hôm nay sạp trái cây của Bông đã trở thành một vựa trái cây nhỏ chuyên cung cấp cho nhiều đầu mối. Cuộc sống Bông rất hạnh phúc, kinh tế khá giả ổn định. Ngày hai buổi Bông đưa đón con đi học , cơm nước, phụ giúp chồng sổ sách. Phần còn lại chồng Bông điều gánh vác hết cho vợ.Cớ ngỡ thời gian sẽ làm nhạt đi tình bạn ngày nào bởi ai cũng có cuộc sống riêng tư như với vài người bạn khác. Chỉ riêng Bông thì không như vậy dù tôi thỉnh thoảng mới về thăm nhà. Tôi ngày hôm nay chẳng còn nhỏ bé, ốm yếu để dựa vào Bông như ngày trẻ nhưng Bông vẫn là '' hoàng tử '' trông mắt tôi. Những khi tôi về tới nhà luôn thấy Bông ở sẳn ngay đấy. Xe ngừng trước ngõ Bông chạy ra giành xách túi lớn túi nhỏ mà không cho tui phụ thứ gì. Miệng không ngừng chặt lưỡi xót ruột bảo rằng xuống máy bay còn phải ngồi xe thêm mấy tiếng mới về tới nhà hẳn là mệt lắm? Mặc kệ tôi giải thích những chuyến bay không là gì với tôi cả. Gần như tháng nào tôi cũng có lịch bay.Ngần ấy năm trôi qua Bông vẫn nhớ tôi thích ăn những món ăn vặt gì, loại trái cây ra sao. Trong những ngày tôi về thăm nhà đi đâu Bông cũng giành phần đưa đi. Bông biết tôi rất nhát ngồi xe gắn máy khi đường đông. Chỉ có Bông chở là tôi thấy yên tâm mà thôi. Ở nơi nào có Bông hiện diện thì Bông gần như không cho tôi rớ tay vào chuyện gì mà giành làm hết. Tôi không đồng ý thì Bông viện cớ tôi lâu mới về thăm nhà để Bông làm cho. Nhưng tôi hiểu Bông thương cái tướng xách không nổi xô nước của tôi.Lần này Bông dẫn tôi về nhà má chồng chơi.- Hiện tại hai vợ chồng sống trong ngôi nhà riêng gần vựa trái cây của Bông -. Giao thông ngày nay phát triển nên bây giờ đi về nhà má chồng Bông rất gần bằng đường sông. Ngồi trên chuyến phà nhỏ chừng nửa tiếng là tới nơi. Bông dẫn tôi về vì mùa này vườn nhà bên ấy đang vào mùa có trái cây chín. Bông quảng cáo là có những món hiếm như Ổi bông gòn, Mận hồng đào đá, Khế ngọt... toàn là những thứ tôi mê. Phà tới bến đã thấy cô em chồng Bông ngồi chờ. Chúng tôi ngồi xuồng nhỏ về nhà thay vì có thể chạy xe gắn máy dọc theo bờ sông. Bông biết tôi thích như vậy. Hình như Bông rất hiểu tôi, hiểu tới không cần phải nói ra bằng lời và lúc nào cũng chìu chuộng để tôi vui lòng.Khi xuồng dừng trước cửa nhà thì hỡi ơi... Nước ròng nên khoảng cách từ xuồng tới cái cầu bước lên bờ là một bãi sình đầy dấu rễ bần. Dân quê như tôi chả ngán chi mấy đó. Tôi nhanh nhẹn xoắn quần lên và toan bước xuống. Đúng lúc ấy Bông ngăn lại. Bông bảo sình ở đây rất non và sâu nhỡ trúng khoảng sình nó lún tới đùi thì làm sao? Cuối cùng Bông đề nghị an toàn nhất là: Để tui cõng bà, lên nhà tui thay bộ đồ là xong. Ban đầu tôi không chịu nhưng ngẫm lại nếu mà ngã trượt dài xuống đám bùn đó thì càng phiền. Coi như buổi đi chơi thành công cốc. Cuối cùng tôi đành quàng tay ôm cổ cô bạn mình như ngày bé thơ. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi vài phút đó kỷ niệm ùa về nơi tâm trí tôi và tan dần ra như một viên kẹo ngọt ngào. Giữa vô thức tôi hỏi lại bạn cái câu ngày cũ : Có nặng không vậy Bông? . Câu trả lời vẫn như xưa: Nhẹ hều hà . Đúng là '' hoàng tử '' của tôi , mặc dù hoàng tử hiện giờ đã là bà mẹ hai con.Con gái lớn của Bông năm nay bằng độ tuổi của Bông mà tôi biết ngày xưa. Có lẽ giống tính cha nên cô bé trầm tính chứ không hoạt bát ưa nói, ưa cười như Bông. Bé cũng học ở trường tiểu học mà chúng tôi từng học. Nhưng do trường cũ kỷ xuống cấp . Thêm vào không thuận tiện đường xá nên người ta đã xây hẳn một trường mới tốt hơn vừa hoàn thành vào tháng trước. Qua tết thì tất cả học sinh sẽ chuyển ra đó học. Bữa nghe tôi khen cô bé nhu mì ngoan hiền, Bông ca cẩm:- Con nít bây giờ sướng qúa không như tụi mình hồi xưa. Nhưng mà tui vẫn thích hồi xưa hơn bà ơi. Cứ như tụi nó suốt ngày ru rú ngồi trong nhà. Không thôi là cắm đầu vô bấm bấm mấy trò chơi điện tử. Thấy tròn trịa vậy chứ yếu lắm, mắc mưa mắc nắng chút là phải đi bác sĩ liền. Tụi mình hồi đó nắng chang chang lội sông, lội ruộng . Tối thui mà còn tắm mưa đâu có bao giờ nghe bệnh hoạn gì đâu. Đi học cũng vậy nào là học thêm, học bớt, học bù. Tiếng anh, tiếng u rồi văn nghệ, văn gừng đủ thứ. Con đi học mà Mẹ phờ râu luôn thời mình đâu có. Có hai đứa mà mệt cở vậy chẳng bù cho má tui hồi xưa một nách năm đứa con vẫn cứ tỉnh bơ như gái còn son.Qua tết, trước hôm sang đây một ngày tôi đi cùng Bông ra trường học mới tham dự ngày khai trường. Nhà trường tổ chức một buổi diễn văn nghệ ăn mừng trường mới cũng như hưởng ứng cái không khí đầu xuân. Tôi đi chủ yếu là để ủng hộ '' gà nhà '' vì con Bông có tham gia trong tiếp mục văn nghệ. Bé múa minh họa cho một ca khúc cùng vài cô bạn học. Tuy vậy nhưng cũng váy kim tuyến lấp lánh, vòng hoa cài quanh tóc trông rất xinh xắn. Tiếp mục kết thúc các bà mẹ rối rít chụp hình cho đám trẻ để làm kỷ niệm. Tôi làm phó nháy, bởi theo cách nói của Bông: Ba cái đồ máy móc tui không rành bà ơi.Sáng nay, Bông gọi cho tôi từ Việt Nam khoe những tấm ảnh rửa ra rất đẹp. Bông nói sẽ kêu chồng gởi cho tôi qua email vì Bông không biết vi tính. Tôi bảo không cần nữa.Trước khi đi tôi đã kịp copy những tấm ảnh ấy vào thiết bị cá nhân của mình. Sau đó, hai đứa trò chuyện năm,ba điều liên quan đến gia đình, xóm làng. Liên tục năm phút cuối cuộc gọi toàn là Bông dặn tôi phải giữ sức khoẻ thế này, thế kia. Phải ăn này, ăn nọ mới tốt như chuyên gia dinh dưỡng chính hiệu. Đêm hôm đi ra đường phải biết cẩn thận đề phòng tựa thể tôi vẫn còn là con bé lên tám lên mười thuở nào. Nói chuyện với Bông xong tôi mới chợt nhớ. Từ hôm về đây vì bận rộn với công việc tồn đọng nên tôi chưa kịp soạn mớ ảnh chụp hôm về quê ra xem. Tôi mở máy lướt tay nhìn những tấm ảnh đang nối tiếp hiện ra. Tôi dừng lại trước ảnh con Bông. Không phải vì chúng đẹp như Bông nói mà do tôi thấy có cái gì đó mơ hồ rất thân thuộc. Tôi nhìn vào gương mặt con gái của Bông. Cái miệng rộng, cánh mũi hơi hênh hếch, đôi mắt tròn xoe...Tôi đưa tay thử che mất vòng hoa phía trên đầu và rồi tôi cười một cách rất hài lòng. Đúng như tôi hình dung, trên màn hình hiện lên khuôn mặt vị hoàng tử ngày xưa của tôi. Tôi kéo ảnh lớn hơn và thả lỏng người . Tận hưởng cảm giác như đang đi ngược về qúa khứ . Tôi thấy một đôi má bầu bĩnh màu bánh mật ửng hồng vì cái nắng của miền nhiệt đới. Tôi thấy chiếc áo choàng bằng khăn trải bàn bay bay. Tôi nghe tiếng thở gấp, tiếng bước chân đang rượt đuổi trên cây cầu tre trước nhà. Nghe cả tiếng phấn khích , cổ vũ của tôi cùng đám bạn tù binh đứng trong bụi chuối khi được giải cứu. Tiếng cười giòn tan hồn nhiên của vị hoàng tử đội mão bằng lá Bình Bát lúc tóm được con dế vừa nhảy ra khỏi hang. Ngỡ như tất cả chỉ mới xảy ra vào buổi chiều hôm nay chứ không phải đằng đẵng mười mấy hai chục năm.Tôi biết, ai mà chẳng có một thời thơ ngây đáng nhớ.Thuận theo tự nhiên tất cả chúng ta đều phải lớn. Dẫu tiếc nuối luyến lưu vẫn chẳng thể níu giữ được khi nó ra đi . Nhạt phai, quên lãng là chuyện không tránh khỏi trong cuộc đời.Nhưng tôi tin có nhiều kỷ niệm được mài bằng năm tháng càng trở nên lung linh hơn, đẹp hơn . Chúng vĩnh viễn không bao giờ phai mờ. Ngược lại, thời gian làm chúng sáng mãi trong trái tim một ai đó.Nhớ nhung qúa đỗi. Ngày xưa ơi...Song Nhi