Éc-cờ-la-len-quen… Éc-cờ-la-len-quen, âm thanh rề rề lập đi lập lại từ chiếc máy phát âm loang truyền khắp nơi trên chiếc tàu chiến, mà không một ai hiểu ý nghĩa của nó là gì, bởi nó không có trong bất kỳ cuốn từ điển nào! Nhưng một nhóm người gồm 150 kỷ sư và khoa học gia cùng với khoảng 100 thủy thủ và sĩ quan trên chiếc tuần dương hạm (guided missile cruiser) biết rất rõ phải làm gì. Đó là một âm thanh huyền hoặc nhắc nhở và ra lịnh mọi người phải ẩn núp bên trong thân tàu và sẵn sàng với nhiệm vụ được giao phó trước một cuộc nổ bom nguyên tử giả (nuclear explosion simulation). Chiếc tuần dương hạm đang nằm trong biển quốc tế, 50 dặm ngoài bờ biển Virginia Beach vào mùa Hè năm 1993 để trải qua một cuộc thử nghiệm sóng điện từ trường (Electromagnetic Pulse - EMP). Ngành kỷ thuật trên thế giới đã và đang được cách mạng hóa. Hãy rút gọn câu chuyện dài thành ngắn, là từ năm 1948 những khoa học gia của AT&T Bell Labs của Hoa Kỳ đã thiết lập, thử nghiệm, và chứng kiến hiện tượng một tín hiệu điện tử được tạo ra với điện năng thành lập lớn hơn điện năng cung cấp! Điều này chắc chắn đã làm ngạc nhiên nhiều người trong lãnh vực khoa học! Đó là sự phát minh ra Trân-sít-to (Transistor), thật vậy, đó là một phát minh vĩ đại nhất của thế kỷ thứ 20. Kể từ đó Trân-sít-to đã đẩy mạnh những thay đổi to lớn trong mọi ngành kỷ thuật tân tiến trên thế giới. Khỏi cần phải chất vấn tầm cở đóng góp to lớn mà Trân-sit-to đã mang lại cho tiện nghi đời sống con người ngày nay. Hãy nhìn chung quanh, chúng ta có thể tìm ra hàng vạn câu trả lời. Thế nhưng, luôn luôn hiện hữu mặt tối trong mọi sự kiện sáng chói đó là, kỷ nghệ tối tân đôi khi cũng đánh bại ngưòi chế tạo ra nó! Hãy để yên sự tưởng tượng của những ai muốn chất vấn về những thành đạt (và đánh bại người chế tạo ra nó) của Trân-sít-to cho chính họ. Nhưng một điều không ai nghi ngờ đó là, cộng đồng khoa học đã đưa khả năng thiết kế dùng Trân-sít-to lên tột đỉnh qua những chương trình phát triễn vũ khí. Đơn giản chỉ vì cộng đồng này được tài trợ bởi chính quyền với tài nguyên dồi dào để thực hiện những công trình cao cấp to lớn. Từ những công trình phát triển cho quốc phòng, những sản phẩm tân tiến đã lần lượt xuất hiện trong những công-ty tư nhân và mang lại lợi ích cho giới tiêu thụ khắp nơi trên thế giới. Sự phát minh ra Trân-sit-to đã đẩy kỷ thuật quốc phòng đến mức độ cao và phục vụ hiệu quả hơn; Và cũng vì vậy, đặc tính của Trân-sít-to đã giúp làm mạnh sức mạnh của mọi binh chủng từ hải quân, lục quân và không gian. Khi nói đến khả năng quốc phòng của Hoa Kỳ người ta không thể không chấp nhận sức mạnh của hải quân. Đó là những tàu chiến và vũ khí điện tử của chúng. Nhưng, sự trỗi dậy sức mạnh vũ khí điện tử tối tân cũng phải gục đầu trước sức hủy diệt của bom nguyên tử. Trong một cuộc nổ bom nguyên tử, ngoài sự giết chết nhân mạng và tàn phá nhà cửa bởi nhiệt phóng xạ và sức gió, những công cụ điện và điện tử ở nơi xa cũng sẽ bị tiêu diệt và “tử” như những con vịt quay. Cho nên, có gì tốt trong việc tạo ra những vũ khí tối tân mà không tồn tại để chiến đấu trong khi bị ảnh hưởng dưới bom nguyên tử!? Cũng nên nói sơ về sản phẩm và sức tiêu diệt của bom nguyên tử ở đây để làm tiền đề cho bài viết này. Khi bom nguyên tử nổ sẽ tạo ra sức gió vũ bão, sức nóng giết chết người và những tia phóng xạ Gamma, Beta và quang tuyến X cùng với những hiệu ứng khác. Hai sản phẩm đầu tiên sẽ gây ảnh hưởng chết chóc trực tiếp đến con người; Sản phẩm còn lại sẽ gây ảnh hưởng gián tiếp. Trong các tia phóng xạ, Gamma là tia giết người khủng khiếp nhất! Tia Gamma với tính chất độ dài sóng ngắn (short wavelength), truyền đi với vận tốc ánh sáng có khả năng xuyên thủng mọi vật chất ngoại trừ kim loại chì dày đặc. Khi xuyên qua vật chất, tia Gamma sẽ phá hủy DNA (cấu tử cơ bản của tế bào di truyền) làm thay đổi tính chất vật chất; Trong trường hợp con người, sự phá hủy cấu tử DNA trong cơ thể sẽ gây ra tử vong hoặc tật nguyền. Ngoài ra, tia Gamma còn tác dụng vào từ trường của trái đất để tạo ra Sóng Điện Từ Trường. Sóng điện từ trường khi tác dụng lên dòng điện sẽ tự cảm tạo nên điện năng (dòng điện và điện thế). Cường độ dòng điện tự cảm sẽ tăng theo tỷ lệ thuận với chiều dài của dây điện nó tác dụng lên, và sẽ xâm nhập vào những bộ phận điện tử không bảo vệ để triệt tiêu khả năng hoạt động của chúng. Cho nên, để “sống sót” khả năng chiến đấu của những tàu chiến hải quân Mỹ dưới sự ảnh hưởng của bom nguyên tử, những vũ khí trên tàu chiến cần phải được “làm cứng” (harden) để chống lại Sóng Điện Từ Trường. Đó là lý do tại sao chiếc Tuần dương hạm nằm trong biển quốc tế ngoài bờ biển Virginia Beach mùa hè năm 1993. Công việc “làm cứng” chống nguyên tử của vũ khí trên tàu chiến hải quân Mỹ được thực hiện bởi các khoa học gia và kỷ sư của đơn vị sóng điện từ trường trực thuộc Trung Tâm Vũ Khí Hải Quân tại thành phố White Oak, bang Maryland, và nhiều khoa học gia cùng kỷ sư khác khắp nơi trên nước Mỹ. Sau nhiều năm thiết kế và xây dựng, bộ máy tạo sóng điện từ trường Cho Tàu Chiến, Thế Hệ Thứ Hai (The Second-Generation Electromagnetic Pulse Radio-frequency Environment Simulator for Ships - EMPRESS II) đã được thành lập để thử nghiệm tàu chiến. EMPRESS II là một khối kiến trúc hình trụ to, cao, thiết lập trên một xà lan. Nó được thiết kế với một hệ thống mạch điện RLC (điện trở, tự cảm, máy tụ điện) gắn nối tiếp. Những bộ phận tụ điện khổng lồ được “sạc điện” (charged) đến mức điện năng ấn định thì hệ thống mạch điện RLC sẽ được “chạm dây đất” (shorted) gây ra khối điện năng khổng lồ “xối xả” tuông ra (burst) và tạo ra hiệu ứng sóng điện từ trường, như kết quả của nổ bom nguyên tử. Trong khi đó chiếc Tuần dương hạm chạy trên một vòng tròn đã xác định quanh xà lan EMPRESS II, và vũ khí máy móc trên tàu được “tắm” bới sóng điện từ trường. Những ghi nhận được thực hiện để khảo sát khả năng máy móc tồn tại trong môi trường ảnh hưởng bởi bom nguyên tử, và khả năng chiến đấu của tàu chiến sau khi được “tắm” bởi một liều nguyên cở Sóng Điện Từ Trường. Để “chụp” được sóng điện từ trường xâm nhập và tác dụng vào vũ khí trên tàu chiến, các khoa học gia và kỷ sư của khối sóng điện từ trường đã thiết kế hệ thống máy điện tính. Dùng điện-kế để ghi nhận sóng điện từ trường xâm nhập vào máy móc và gởi về trung tâm máy điện tính qua những dây vô nhiễm điện từ trường (fiber optic cable), để khảo sát. Sau khi rời công-ty Martin Marietta năm 1987 tôi gia nhập Trung Tâm Vũ Khí Hải Quân tại thành phố White Oak, bang Maryland, và sau đó trở thành kỷ sư sóng điện từ trường của khối EMP Branch. Với 149 khoa học gia và kỷ sư khác, tôi là thành viên thứ 150 của cuộc thử nghiệm sóng điện từ trường trên chiếc Tuần dương hạm mang tên USS Anzio CG-68. Vào tháng 5 năm 1944 quân đồng minh đổ bộ lên biển Anzio của Ý Đại Lợi, và đã đẩy lui quân đội Đức Quốc Xã để mở mạch máu vào thành La Mã. USS Anzio (CG-68) là một Tuần dương hạm thuộc lớp Ticonderoga của hải quân Hoa Kỳ, được mang tên từ trận chiến bãi biển Anzio. USS Anzio khởi sự đóng vào ngày 21 tháng 8 năm 1989. Hạ thủy ngày 2 tháng 11 năm 1990. Hải hành ngày 2 tháng 5 năm 1992. Trước cuộc thử nghiệm nguyên cở (full-scale) sóng điện từ trường trên USS Anzio, các kỷ sư của khối EMP Branch nhiều năm đã thử nghiệm, khảo sát và sửa chữa các máy móc vũ khí trên tàu chiến bị nhiễm sóng điện từ trường. Chúng tôi, các kỷ sư của EMP Branch, đã tự thiết kế và thành lập các máy tạo ra sóng điện từ trường với khoảng tần sóng từ 2 Mhz đến 10Mhz để thử nghiệm nội bộ (localize testing). Những chiếc máy này được thiết kế với những thành phần RLC. Sau khi được sạc điện đầy, sẽ cho máy chạm dây đất tao điện năng thoát lẹ. Lượng điện năng thoát đột ngột, được truyền đi trên một mạch điện R mắc nối tiếp với C và song song với mặt phẳng tự cảm L, sẽ “rung” và tạo ra sóng điện từ trường. Với những máy tự chế này, các kỷ sư của khối EMP Branch công tác trên nhiều tàu chiến của hải quân Hoa Kỳ để “tiêm” sóng điện từ trường vào đường dây dẫn điện của máy móc điện tử, và ghi nhận tính nhạy cảm của của chúng. Ngoài những máy nhỏ tạo sóng điện từ trường này, Trung Tâm Vũ Khí Hải Quân đã thành lập một EMPRESS I, với điện năng bằng một nửa của EMPRESS II, và đặt tại thành phố Solomons, bang Maryland để thử nghiệm nhữngg tàu chiến lớp soái hạm (Frigate class) và các máy điện tử khác. Kết quả của những cuộc thử nghiệm tầm cở sóng điện từ trường thấp dùng để khảo sát và sửa chữa những trường hợp nhiễm sóng điện từ trường, và đưa vào áp dụng cho USS Anzio. Với tất cả những sửa chữa nhiễm sóng được áp dụng, USS Anzio đã sẵn sàng cho một cuộc thử nghiệm nguyên cở sóng điện từ trường, và sẽ được sử dụng như một căn bản cho các tàu chiến hải quân Hoa Kỳ. Vào một ngày mùa Hè năm 1993, sau khi đặt những túi hành lý trong một khách sạn ở bờ biển Virginia Beach, tôi lái xe đưa gia đình đi một vòng trong phố, và rồi chun vào bờ biển. Tại đây, chúng tôi trầm mình xuống biển Đại Tây Dương. Biển lạnh và sóng lớn. Tôi rùng mình giũ những giọt nước biển mặn, ra khỏi nước và ngồi trên bãi cát. Bà xã tôi chạy lanh quanh như con gà mắc đẻ để trông những đứa nhỏ khỏi chui ra xa ngoài biển. Mắt tôi cũng dán lên chúng, nhưng những mảnh bikini nhỏ bé cứ nhảy múa trước mắt làm tôi quay theo. Khoảng một tiếng đồng hồ sau, mấy nhỏ mệt nhòa và chúng tôi rời bãi biển. Trên đường trở lại khách sạn tôi đánh một vòng và ghim xuống địa chỉ một vài cầu tàu câu cá. Tôi mê câu cá. Buổi chiều sắp chết, tôi chở vợ con vào một tiệm ăn đồ biển. Sau bữa ăn tối gia đình tôi trở về nhà. Tôi lục lội trong túi xách tay quân đội nhỏ chứa đầy vật dụng cá nhân để tìm thẻ đi làm, và rời khỏi khách sạn, tôi lái xe đến căn cứ hải quân Norfolk Virginia. Căn cứ hải quân Norfolk đầy nhẫy những tầu ngầm, tàu chiến và hàng không mẫu hạm. Tôi đi bên cạnh chiếc hàng không mẫu hạm USS America CV-66 và cảm thấy mình như con kiến! Chiếc tàu quá to và rợp bóng lên khắp thân hình tôi. Lần đầu tôi chứng khiến và ý thức được sức mạnh chiến đấu của hải quân Hoa Kỳ khi nhìn hàng hàng những tàu ngầm, tàu chiến và hàng không mẫu hạm nơi đây. Tôi đi tìm chiếc USS Anzio CG-68. Đó, nàng nằm lù lù cùng một đống với những Tuần dương hạm khác. Khỏang 6 giờ chiều, tôi gia nhập với những người khác bước lên cầu thang dài đưa đến phòng tiếp tân chính (main quarterdeck) của USS Anzio. Bình thường USS Anzio có khỏang 300 thủy thủ và sĩ quan. Nhưng trong hai tuần lễ tới chỉ có khoảng 100 thủy thủ và sĩ quan vũ khí lưu lại trên tàu để hổ trợ nhóm thử nghiệm. Sau khi tiếp nhận phòng ngủ, chỉ là một giường kép nhỏ bé cho hai người, giường tôi nằm dưới, tôi trình diện tại phòng hangar với bao nhiêu người khác để lấy chỉ thị và luật lệ trong thời gian sống và làm việc hai tuần trên USS Anzio. Luật lệ ở đây rất khắc khe và không có chỗ hở cho lơ đảng, bởi vì USS Anzio được trang bị với những hỏa tiễn và thủy lôi “sống”. Với một tai nạn hay bất cẩn có thể làm con tàu bốc thành mây khói. Sau những thủ tục hành chánh vừa hoàn tất thì mặt trời cũng đã lặn trên biển Virginia. Một buổi lễ đơn sơ được tổ chức trên hành lang chính để thu xếp cất cờ và tan hàng những sĩ quan trực tại phòng tiếp tân. Tất cả thủy thủ và sĩ quan trên tàu với đồng phục từ dưới lên: giày đen, quần trắng, áo trắng, khăn choàng cổ đen, mũ nồi trắng. Đứng sát bên nhau chung quanh con tàu với tay “trói sau lưng”, mắt nhìn đăm đăm về phía trước, để chào hải cảng ra đi; Trong khi con tàu USS Anzio chầm chậm rời bến. Đến chiều tối USS Anzio hội ngộ với EMPRESS II 50 dặm ngoài khơi. Một nhóm kỷ sư điều hành EMPRESS II được một chiếc tàu nhỏ đưa ra xà lan riêng. Tất cả những kiểm điểm cho EMPRESS II và trung tâm điện toán trên Anzio đã được hoàn tất và sẵn sàng cho sáng ngày mai. Tôi nhìn vào lòng biển đen, lạnh và cô đơn, một lần chót trước khi trở vào phòng ngủ. Đêm đầu tiên tôi ngủ trên một chiến hạm ngoài khơi bao la. Âm thanh của sóng biển, tiếng máy động cơ chân vịt, và màng ảnh TV cứ chập chờn lung linh với hình ảnh người phụ nữ xinh đẹp đang gợi tình trong một tiệm bar bắt đầu mờ dần. Tôi đặt lưng xuống chiếc giường sắt chật hẹp và biết rằng tôi còn hai tuần lễ mới toanh để nhảy múa trên chiến hạm này! Buổi sáng kế tiếp và những ngày làm việc sau đó, từ sáng sớm đến chiều hôm, âm thanh Éc-cờ-la-len-quen… Éc-cờ-la-len-quen loang truyền từ máy phát âm vừa chấm dức thì tiếng loa bắt đầu: “Máy đang sạc, tất cả mọi người phải ẩn mình bên trong thân tàu và chuẩn bị, 10, 9, 8, 7, 6, 5, 4, 3, 2, 1,… máy sẵn sàng, dự phòng,…” và ngay sau đó một tiếng nổ bùng vang ra từ EMPRESS II. Sau tiếng nổ, máy phát âm trở lại: “Cuộc nổ hoàn tất” đánh dấu một chu kỳ thử nghiệm vừa xong, và những người đặt máy có thể ra khỏi thân tàu để đặt lại các điện-kế cho chu kỳ kế tiếp. Các chu kỳ lập đi lập lại trong 30 phút. Việc mọi người bắt buộc phải ẩn mình bên trong thân tàu là để bảo vệ họ khỏi bị ảnh hưởng bởi sóng điện từ trường và sóng radar. Sóng điện từ trường cao có thể làm con người mắc bịnh ung thư máu, và sóng vi-ba từ radar có thể đốt cháy da thịt người. Mỗi buổi sáng khi mặt trời nhô lên từ đường chân trời, một luồng gió lạnh thổi trên sân tàu, thì 150 khoa học gia, kỷ sư và thủy thủ đoàn thức giấc. Biển vẫn đen và lạnh, và Anzio vẫn chạy vòng quanh chiếc xà lan EMPRESS II như con chuột canh con mèo nhưng nó không bao giờ tiến đến gần hơn khoảng cách nó cần phải giữ. Tất cả các dàn radar trên tàu đều hoạt động, hàng loạt những tia sóng điện trường quét vào không gian trống vắng, nhưng không có tín hiệu “hồi âm”. Nhưng nó vẫn đưa mắt dõi nhìn, như con chim đại bàng đang rình con cá nhoi mình ra khỏi mặt nước. Sau tiếng “Cuộc nổ hoàn tất” và trước âm thanh “Éc-cờ-la-len-quen”, hai khẩu đại liên bảo vệ tàu, mỗi khẩu mỗi bên, bắt đầu trỗi dậy với những âm thanh kinh hoàng từ động cơ xoay tròn nó. Để xác định hai khẩu đại liên này vẫn còn khạc đạn sau khi được cho ăn đầy đủ lượng sóng điện từ trường, một chiếc trực thăng vờn trước con mắt của bộ máy vũ khí điện tử (SL-32). Như một con chó điên, sau khi nhận chỉ thị từ bộ máy SL-32 hai khẩu đại liên gào thét, quay qua bên mặt, quay qua bên trái và khạc ra hàng ngàn viên đạn trong một phút để hạ sát kẻ thù ngoan cố dám lại gần chiếc tàu chiến. Những âm thanh rùng rợn đã làm tôi khiếp sợ khi nhìn chúng đang hoạt động. Nhìn chúng như tên cảnh sát người máy trong bộ phim Terminator đang tác nghiệp, nhưng chúng nhanh hơn nhiều. Nhưng may thay, hai khẩu đại liên bảo vệ cận chiến không được nạp với đạn thật, và chiếc trực thăng đảo một vòng bay về bãi đậu. Đại liên bảo vệ tàu trong cận chiến không phải là thứ vũ khí duy nhất được thử nghiệm mà còn những hệ thống và vũ khỉ chết người khác như hệ thống bắn thẳng hỏa tiễn - VLS, ống phóng thủy lôi, radar, và hàng trăm vũ khí khác trên tàu. Mỗi thành viên thử nghiệm chịu trách nhiệm cho một số hệ thống giao phó để thâu thập sóng điện từ trường và truyền về trung tâm điện tính. Trung tâm điện tính là một xe mooc, được thiết kế chống lại sóng điện từ trường, trang bị với nhiều dàn máy điện tính Unix, đặt phía sau tàu với màng nhện hàng trăm sợi dây fiber optic chạy khắp nơi từ trên trục radar cao chót vót đến những ngóc ngách dưới hầm máy. Nhân viên thử nghiệm chỉ có 20 phút để đặt máy, lưu vào máy cầm tay mã số điện-kế, băng tần của mỗi điện-kế và truyền về trung tâm điện tính. Có nhiều kỷ sư thử nghiệm chạy vắt giò lên cổ, trên tay mang máy điện báo di động, miệng liên tục gọi về trung tâm điện tính để xác định chắc chắn rằng những băng tần của họ không có gì trục trặc trước khi “bom nổ”. Ba mươi phút dự bị cho một chu kỳ ghi nhận sóng điện từ trường trước khi EMPRESS II nổ phải triệt để tuân thủ, vì vậy mà nhiều kỷ sư thử nghiệm chạy như gà mắc đẻ. Năm giờ chiều đánh dấu giờ chấm dứt của một ngày thử nghiệm, USS Anzio quay đầu rời khỏi xà lan EMPRESS II lang thang trên biển rộng, trong khi trung tâm điện toán chạy lạch cạch với những chuỗi số để lưu vào dĩa cứng. Một ngày từ sáng sớm đến chiều hôm chạy loong toong khắp nơi từ phòng phóng hỏa tiễn, ống bắn thủy lôi, đến những hầm chứa thiết bị phát hiện tàu ngầm (sonar sensor), tôi đã mệt nhòa như con gà chết! Khi màn đêm buông xuống tôi đặt lưng lên chiếc giường sắt mà cảm thấy dường như thân xác vỡ thành từng mảnh vụn. Những buổi sáng kế tiếp khi mặt trời vừa mọc, âm thanh Éc-cờ-la-len-quen … Éc-cờ-la-len-quen lại trỗi lên. Một vài thủy thủ suốt ngày âm thanh nầy nhập trong đầu như tiếng ve mùa hè rỉ rả nên đã ngán tới cổ họng, liền nói: “ĐM… Éc-cờ-la-len-quen … Éc-cờ-la-len-quen cứ chạy trong đầu suốt đêm, làm ngủ không được…” Nhưng rồi họ cũng phải rời sàn tàu chun vào những ngóc ngách phụ tôi để gắn máy điện-kế và quét (scan) mã số vào máy! Suốt tuần lễ đầu USS Anzio không trở vào căn cứ hải quân để đổ xăng. Vào một đêm, biển lặng, bầu trời đầy trăng sao và Anzio đang thả mình lênh đênh về nơi vô định, thì từ nơi chân trời mờ mờ một chiếc tàu lù lù tiến về Anzio. Trên biển đen và tối, hai con tàu hội ngộ và song hành bên nhau như hai con xiêm nga đang vờn tình. Hai con tàu di chuyển cùng tốc độ và giữ một khoảng cách đều bên nhau. Chiếc tàu kia giăng dây từ đầu đến cuối với những ngọn đèn màu đỏ, trắng, xanh sáng rực như để làm duyên cho một cuộc tình trên biển rộng! Hai con tàu đang trong tình trạng sửa soạn cho một pha đổ xăng ngoài khơi biển cả. Vào một thời điểm, nhữngg ngưòi thủy thủ trên chiếc tàu dầu dùng súng bắn hỏa châu phóng lên không một sơi dây được cột một trái banh bay qua bên Anzio. Sau đó là một sợi dây cáp ôm chằm ống dẫn dầu từ từ bò qua khoảng trống giữa hai con tàu, và ống dẫn dầu được găm vào lỗ châm dầu của Anzio. “Chiến dịch châm dầu” được bắt đầu trong khi hai con xiêm nga vẫn song hành cách đều nhau trong cùng vận tốc. Rồi một hỏa châu được phóng đi từ USS Anzio báo hiệu con tàu đã uống đầy đủ nhiên liệu, và bên kia những người thủy thủ lại rút ống dẫn dầu trở về, trong khi những bóng đèn màu vẫn soi sáng trong biển đen và tối. Hai con xiêm nga tách rời ra nhau, chiếc tàu dầu quay đầu đi về một lối và cuộc vờn tình chấm dứt. Anzio suốt đêm quay những vòng tròn giữa biển lạnh và cảm nhận đầy hạnh phúc! Đó là một “chiến dịch đổ xăng” ngoài khơi biển cả ngoạn mục và đầy màu sắc mà tôi chưa lần nào được chứng kiến trước đây. Cộng sản Nga đang trong giây phút “giẫy chết” sau khi Tổng Thống R. Reagan kêu gọi “Ông Mikhail Gorbachev, hãy đập đổ bức tường này đi” vào tháng 6, 1987. Cuối năm 1989 và đầu năm 1990 người dân Nga tuyên bố và khai tử chế độ Cộng sản Nga và đã giựt đổ bức tường ô nhục Bá-Linh. Và bây giờ, năm 1993, ngoài khơi biển quốc tế, có một tàu chiến của hải quân Nga đang tiến về chiếc USS Anzio, thắc mắc và tò mò để biết Anzio đang làm gì? Nhưng họ chỉ tiến đến gần đủ để vẫy tay chào rồi quay đầu ra đi. Một vài tháng sau, hải quân Hoa Kỳ mua một chiếc soái hạm của hải quân Nga và đậu tại căn cứ hải quân Solomons, tiểu bang Maryland chỉ để xem bên trong con tàu chiến nầy có những kỷ thuật tối tân nào. Những máy vi tính của nó được thiết kế với bộ nhớ từ trường khắp nơi. Chúng tôi mở ra xem và thấy những mảnh lưới từ trường hình tròn, như bánh cam làm dẹp lại dùng cho bộ nhớ. Và không ai thích thú để khám phá gì thêm nữa trên con tàu chiến của Nga này. Mỗi buổi sáng con tàu USS Anzio hội ngộ cùng EMPRESS II và tiếp tục thử nghiệm trong hai tuần lễ. Vào một ngày khi cuộc thử nghiệm đang tiến hành, một nhóm kỷ sư và khoa học gia được chọn cho đi… câu cá … trên một chiếc tàu cấp cứu hạ xuống từ Anzio. Họ trở lại cới một con … cá mập … nặng khoảng 45 kilo! Hỏa-đầu-quân của Anzio cắt con cá mập ra thành miếng nhỏ đêm nướng. Buổi chiều hôm đó mọi người trên tàu được nếm một miếng cá mập nướng. Ngon tuyệt cú mèo! Sau món cá mập nướng, mọi người được đãi một trận “nhảy tàu tắm”! Tức là nhảy từ trên boong tàu xuống biển để tẳm. Nghe có vẽ hoang dại quá hả! Nhưng nó đã xãy ra. Những ai muốn tắm biển đều được xếp hàng. Từ trên boong tàu cao, hai người một cùng nắm tay nhau, và một, hai, ba cùng nhảy xuống biển! Tôi không nhớ chính xác chiều cao của boong tàu đối với mặt biển là bao nhiêu, nhưng khi tôi nhảy chạm biển thì dường như tôi đã hụt hơi. Và tôi chỉ nhảy duy nhất một lần, vì tôi sợ chiều cao. Cho nên một lần đã là quá to gan. Có một điều là, trong khi chúng tôi nhảy tắm, thì có một đội thủy thủ tay ôm súng trên chiếc tàu cấp cứu, canh cá mập cho chúng tôi tắm! Sau khi trèo lại lên tàu tôi nghĩ, nếu ai đó bị cá mập “xơi” thì những người thủy thủ kia có thể làm được gì để cứu? Bắn xuống nước để giết cá mập? Tôi lại nghĩ, viên đạn khi bắn vào nước sẽ lệch đi hướng khác. Nhưng “dân chơi cầu ba cẳng” mà, đâu có ngán! Trong nhóm 150 kỷ sư và khoa học gia có bốn phụ nữ, và họ cũng nhảy tắm biển. Nói về tắm, có một lần tôi đi thử nghiệm máy móc trên chiếc soái hạm USS Oliver Hazard Perry (FFG-7) một tuần lễ. Hệ thống lọc nước mặn thành nước ngọt bị chết. Và mọi người trên tàu được nhắc nhở hãy dùng phương pháp “tắm hải quân” mỗi khi cần tắm rửa. Lần đầu tiên tôi nghe chuyện “tắm hải quân”! Có nghĩa là khi tắm thì chỉ được mở nước xối cho ướt người, xong tắt nước. Kỳ cọ cho kỹ xong lại mở nước ra để xối rửa đi. Tức là không được để cho nước chảy liên tục khi “tắm hải quân”. Đó là cách “tắm hải quân” và thế nào là nước qúy hiếm khi đi trên tàu mà hệ thống làm nước có vấn đề! Có những buổi chiều, sau khi nộp những dữ liệu thử nghiệm và sửa soạn những điểm thử nghiệm khác cho ngày mai, tôi đứng sau boong tàu, nhìn xa xa ngoài biển khơi trong khi Anzio từ từ di chuyển để lại sau lưng nó vệt nước trắng xóa. Biển vẫn yên, gió lạnh thổi qua mặt; Tôi nhìn chung quanh và bắt gặp một vài người đang dùng điện thoại di động để gọi về gia đình. Ở thời điểm đó điện thoại di động chưa thịnh hành mấy nên đắc đỏ, cho nên bộ tư lệnh hải quân trên tàu cho phép kỷ sư thử nghiệm dùng điện thoại di động của hải quân để liên lạc người nhà. Tôi đứng một mình trên boong tàu; Không có gì ngoài biển cả vây quanh; Không có gì làm ngoại trừ việc đứng nhìn con nước và theo dõi cảnh mặt trời lặn trên biển; Không một chút lo lắng và đầu óc tôi trống rỗng, như cảm giác mỗi lần ngồi trên chiếc xuồng con đi câu cá trên vịnh Chesapeake. Nhưng thật đẹp để chứng kiến cảnh hoàng hôn xuống dần tận nơi chân trời trên biển. Thỉnh thỏang một đàn cá heo đang rượt đuổi chiếc tàu chiến Anzio, bay nhảy trên mặt biển và rồi đắm mình chìm trong lòng đại dương bao la đen tối, không để lại một dấu vết nào. Ngoài đây, ngay cả chiếc tàu chiến khổng lồ như USS Anzio cũng trở thành nhỏ bé và mong manh. Mặt trời đã lặn; Gío lạnh, tôi trở lại chiếc giường sắt và thắc mắc: làm sao những người thủy thủ kia có thể sống sáu tháng trời liên tục trên biển! Ngày cuối của hai tuần thử nghiệm, tất cả thí điểm đã được lấy thử nghiệm, tất cả dữ kiện đã được lưu vào máy tính. Và tất cả vũ khí máy móc dụng cụ trên USS Anzio đều được thử và hoạt động bình thường như lúc thiết kế. Điều này chứng minh rằng Anzio và máy móc hổ trợ cho chiến cuộc đã được thiết kế chống lại ảnh hưởng của bom nguyên tử thành công, và Anzio được dùng làm căn bản cho thiết kế tàu chiến của hải quân Hoa Kỳ. Phí tổn sáu chục triệu Mỹ kim để thiết lập EMPRESS II. Ngay sau khi được sử dụng để thử nghiệm nguyên tầm cở của sóng điện từ trường trên USS Anzio, EMPRESS II đã bị hủy diệt. Nó chỉ được sử dụng một lần duy nhất, nhưng EMPRESS II và USS Anzio đã đi vào lịch sử. Ngày nay, điều kiện tất yếu về nguyên tử trong quốc phòng không còn tồn tại, và vũ khí hạt nhân cũng được cộng đồng thế giới bài trừ. USS Anzio trở lại căn cứ hải quân Nortfolk. Tôi thu thập những vật dụng tùy thân mang theo. Ngoài tấm thẻ nhân viên, tôi còn có một tấm thẻ hải quân mang theo khi làm việc trên chiến hạm USS Anzio. Căn cứ vào hồ sơ cá nhân của tôi, trên tấm thẻ hải quân có ghi cấp bậc: Thiếu Tá. Tôi rời con tàu, giữ tấm thẻ hải quân và nheo mắt mỗi khi nhớ người thủy thủ nhìn vào tấm thẻ tôi đeo trước ngực và đưa tay lên trán chào theo kiểu nhà binh. Tôi bước đi, mỉm cười và nói với chính mình: “Quái dị, nhưng thắc măc làm chi!” Tôi chưa bao giờ gia nhập một binh chủng nào! Và USS Anzio là chiếm hạm tôi “ăn nằm” trên đó lâu - dài - nhất. Đồng Sa Băng