guyễn Chu Nhạc là cây bút đa tài. Anh từng đoạt Giải Nhất trong cuộc thi sáng tác Truyện ngắn, do Hội Nhà văn kết hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức. Anh cũng đã là tác giả của 7 cuốn sách đề huề, dày dặn, bao gồm ở tất cả các thể loại: Truyện ngắn, Bút ký, Phóng sự, Tản văn, Phê bình Lý luận văn học… Nhưng anh vẫn luôn đau đáu với thơ. Nguyễn Chu Nhạc đến với văn chương bắt đầu từ thơ. Anh làm thơ rất sớm. Nguyễn Chu Nhạc là bạn học của tôi, cũng cầm bút cùng thời với tôi. Nghĩa là anh đã có thơ khi còn là một cậu học trò ở một mái trường quê, từ những năm 60, 70 của …thế kỷ trước. Những năm ấy, đất nước mù mịt bom đạn. Đời sống vật chất vô cùng thiếu thốn, khó khăn, nhưng trong cõi tâm hồn của mỗi người lại rất giàu có, phong phú. Bởi thế, những năm ấy, bọn “nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò” chúng tôi có thể cậm cạch đạp xe, vượt qua hàng trăm cây số bom đạn, tìm đến nhà nhau, chỉ để đọc cho nhau nghe một bài thơ vừa mới sáng tác. Một người mê thơ, say đắm thơ như thế, bây giờ mới cho ra đời tập thơ đầu tiên, sau 7 tập văn xuôi đã xuất bản, đủ biết Nguyễn Chu Nhạc cẩn trọng với thơ ca đến mức như thế nào.Tập thơ “Chút thu” mà bạn đang có trên tay đây, có thể xem như tuyển tập thơ của cả một đời Nguyễn Chu Nhạc, cho đến nay. Đọc thơ anh, tôi luôn thấy thấp thoáng sau những con chữ là hình bóng của một ông đồ. Không phải ông đồ khăn xếp áo the với cây bút lông xưa cũ trong thơ Vũ Đình Liên, mà rất hiện đại với com-lê, cà-vạt và cả dàn vi tính trong tay. Một con người hiện đại như thế, nhưng lại là một ông đồ. Không chỉ có tâm hồn rất trong mà thơ anh còn rất chỉn chu. Anh tung phá mà vẫn mực thước. Tếu nhộn mà không sàm sỡ. Mơ mộng mà vẫn tỉnh táo. Giận hờn mà lại tin yêu. Vầng mặt trời giữa ngọ, rọi chiếu qua tâm hồn các thi sĩ khác có thể nồng oi và chói gắt, nhưng đến với Nguyễn Chu Nhạc thì đã thành một vành trăng thu dịu êm, thậm chí chỉ là trăng suông, nên nhiều khi ta còn không nhìn thấy trăng. Và ta như đi trong chiêm bao. Buông quanh ta là một bầu không gian bàng bạc, hư ảo. Không biết đó là ánh sáng hắt xuống từ trời mây, hay tỏa lên từ sông nước, hoa cỏ? Chính khả năng thẩm thơ của một nhà phê bình sắc sảo đã giúp Nguyễn Chu Nhạc khá đắc địa trong việc sáng tạo thi ca. Thơ anh dào dạt mà vẫn chặt chẽ, vững chãi và tinh tế. Hình như những gì tinh tuý nhất của Nguyễn Chu Nhạc đều có ở đây. Tập tuyển cho ta thấy một bút lực phong phú trên nhiều mảng đề tài. Nguyễn Chu Nhạc là cây bút thông minh. Chính sự thông minh này đã làm cho những con chữ của anh dù rất giản dị mà không nhạt. Mặc dù xét về mặt hình thức, Nguyễn Chu Nhạc không có đóng góp gì đáng kể. Anh không cách tân thơ một cách cực đoan. Thơ Nguyễn Chu Nhạc vẫn viết theo lối truyền thống, cổ điển, vần điệu chỉn chu. Hình thức thơ, suy cho cùng cũng chẳng phải quan trọng, vì nó chả có giá trị gì nếu như thơ không hay. Khi thơ đã đạt đến độ hay rồi thì người đọc chẳng ai còn để ý đến hình thức nữa, thậm chí người ta cũng quên luôn cả những con chữ. Nói như Vũ Quần Phương: “Gặp thơ rồi thì quên chữ, quên câu”. Tuy không quan tâm lắm đến việc cách tân hình thức, nhưng mỗi bài thơ, Nguyễn Chu Nhạc lại viết theo một kiểu riêng. Có bài chỉ mấy nét bâng quơ, chấm phá. Có bài đề huề như một Trường ca, dù lượng chữ không dài, nhưng vẫn dựng được nhân vật, số phận của nhân vật. Đằng sau nỗi dang dở của mối tình quê, kiếp đời quê là một thời đại đau thương và bi tráng. Và đặc biệt, cũng có bài là thể thơ truyền thống cổ điển, nhưng anh lại ngắt nhịp, dựng thành hình khối khác, âm hưởng khác. Chứng tỏ, Nguyễn Chu Nhạc rất có ý thức trong việc làm mới mình, làm đa dạng mình, để tránh cho bạn đọc cái cảm giác đều đều, nhạt tẻ khi đi trong cõi thơ anh. Thi sĩ Xuân Diệu rất có lý khi ông cho rằng, thơ ca luôn tuân theo quy luật đào thải của tự nhiên. Thưởng thức thơ ca cũng giống như người đi chợ chọn vịt. Có con vịt trông bên ngoài xồm xoàm, ta cứ tưởng béo lắm, nhưng khi vặt hết lông rồi, mới hay nó gày nhẳng và bé quắt như nắm tay trẻ con. Ngược lại, có con vịt gày teo, nhưng bỏ hết lông đi, lại thấy nó to xù, múp míp. Hoá ra đấy mới đúng là con vịt béo, nhưng vì lông ướt, do bị bết nước, nên thoáng nhìn, ta không thể nhận ra giá trị thực của nó. Thời gian chính là người vặt lông vịt. Nó cứ im lặng mà tỉnh táo, khách quan, định đoạt lại hết tất cả mọi giá trị ở đời. Cũng theo Xuân Diệu, một tác phẩm nào “thọ” được 50 năm, thì nó có thể vĩnh cửu, vì có khả năng tránh được nạn ô xi hoá của thời gian. Tất nhiên, đó là cách tính của Xuân Diệu, ở thời Xuân Diệu, khi tư duy vẫn còn trì trệ. Bây giờ, trong thời đại mới của chúng ta, với tốc độ phát triển của tư duy như bão lốc, những giá trị giả tàn lụi rất nhanh. Bởi vậy, không cần chờ đến nửa thế kỷ, theo cái thước cũ của Xuân Diệu, một tác phẩm nào sống được đến dăm năm, thì có thể xem như nó đã vĩnh cửu.Những bài thơ của Nguyễn Chu Nhạc viết từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước, tính đến nay, nó đã có tuổi thọ không phải dăm năm, mà gần nửa thế kỷ rồi, vậy mà đọc vẫn không thấy lạc lõng, ấu trĩ. Đó là một cố gắng rất đáng ghi nhận của anh.Nguyễn Chu Nhạc đã là tác giả của nhiều cuốn sách. Trước “Chút thu”, anh còn có bao nhiêu Mùa Xuân, Mùa Đông, Mùa Hạ. Nhưng đấy là những mùa vụ anh dành cho mọi người, dâng hiến mọi người, còn “Chút thu” này, anh chỉ dành cho riêng anh, viết cho chính anh thôi. Đây không chỉ là thơ, mà là chính cuộc đời anh, là số phận của anh bày lên trang giấy. Có những bài như trang nhật ký, là những khoảnh khắc, những tâm sự rất riêng tư của anh, cũng không ít bài thù tạc, tưởng như anh viết chơi để tặng bạn bè. Ta thấy thấp thoáng sau những con chữ là những gương mặt thương yêu, cả hình bóng một người con gái rất gần gũi đấy mà đã hóa thành ảo ảnh. Rồi cơn mưa Miền Trung, một cung đương Tây Bắc, phiên chợ vùng cao, rồi Điện Biên, Viêng chăn… Bao nhiêu vùng đất. Một thoáng chung chiêng sau đèn đỏ. Những giây phút một một mình chống lại cả sự cô độc. Niềm thương nhớ vợ con nơi cuối đất cùng trời. Rồi kiếp người dâu bể, những thế thái nhân tình. Nhiều chuyện rất vặt vãnh, không ai nghĩ đến việc làm thơ, bởi không thể thành thơ được, nếu có viết được thì loại thơ ấy cũng rất khó đọc. Vậy mà, Nguyễn Chu Nhạc lại lấy những nỗi vu vơ, không đâu vào đâu ấy làm đề tài cho các sáng tạo của mình. Người đọc lại thấy thương, thấy đồng cảm và lại tìm thấy một phần của đời mình trong đó. Hình như đó là chuyện của chính mình, là những tâm trạng rất thật của mình, ngỡ như Nguyễn Chu Nhạc đang nói hộ mình. Mới hay, khi trải hết lòng mình, đi hết lòng mình một cách chân thực, mình sẽ gặp bạn bè, gặp mọi người và trong khoảnh khắc mong manh may mắn nào đó, có thể còn gặp được cả nhân loại. Thông thường, trong đời, người ta chỉ đẹp rực rỡ ở lứa tuổi trẻ trung hoa niên và từng trải lịch lãm khi trở về già. Nguyễn Chu Nhạc lại rực rỡ, sung mãn ở cái tuổi sắp thành Trưởng lão! Mừng cho anh.