ọc lại các bài, không những vẫn tươi mát mà còn thêm vẻ trang trọng nhờ thành sách. Từ lâu, tôi đã đánh giá cao các bài của Thủy Cúc có một suy nghĩ độc lập, ăn nói bộc trực, không thích hoa hòe, hoa sói của đứa con gái Nam bộ, Sài gòn.Nhờ tập trung lại, các bài toát lên một lòng nhân ái, một niềm trắc ẩn đối với cái không may, cái bạc phận, cái hẩm hiu của số kiếp người không được phước phần như người khác. Thủy Cúc là cây viết “nhân ái” thứ hai của Tuổi Trẻ. Rất mong còn có tập II, III, để làm pho ký sự pháp đình, lưu lại hậu thế...Con hôn má thật nhiều đấy má nhé. Ông Lâm Võ Hoàng(Chuyên viên kinh tế) ●... Thú thật có nhiều chỗ tôi đã khóc khi đọc. Thủy Cúc viết, “vẽ” sao tài tình thế. Cứ như là đi vào trong tim người ta vậy. Tôi đã từng nói với Thủy Cúc rằng tôi mong Cúc trở thành một luật sư, vì tôi tin rằng với tài năng đó, nhất là với tấm lòng đó, sự tinh tế đó, Cúc sẽ là một luật sư xuất sắc, “cứu” được nhiều người... Luật sư Trương thị Hòa ●... Trước đây tôi vẫn nói với Đông Thức [1] về những bài phóng sự của Thủy Cúc mà tôi rất thích và rất phục. Tuổi già đọc xong một bài, thấy hay lúc đó nhưng rồi lại dễ quên, nay có cả một tập gồm những bài ký sự mình đã đọc rồi, thật không còn gì thích bằng.Thế hệ này có nhiều cây bút trẻ rất có tài, trong ấy có Thủy Cúc, nhưng còn cách thể hiện một bài phóng sự, chuyện xét xử ở tòa án mà thu hút được độc giả không phải là chuyện dễ. Và cũng không phải ai có sách xuất bản, có bài trên các báo thì đương nhiên là một nhà văn; tôi mến Thủy Cúc vì lý do lối viết sống động, nói rất ít mà khiến người đọc - người có tâm huyết - phải nghĩ nhiều, thật nhiều... Bà Tùng Long ●... Khi đọc bài “Cô gái tâm thần” [2], tôi thật sự sửng sốt, căm phẫn trước hành động thú tính của các bị cáo.Tôi muốn xin chị Thủy Cúc cho biết địa chí của cô V. để tôi có thể giúp bớt đi được một phần nào nỗi bất hạnh mà cô ấy gặp phải. Qua thư này, tôi cũng xin Trời Phật phù hộ cho cô V. vượt qua hoạn nạn mà sống lại với đời. Tôi mong cô tin rằng trên đời này còn có rất nhiều người tốt.Tôi với chị chưa bao giờ gặp mặt nhau, chị cũng chưa biết gì về tôi. Qua những bài viết của chị, tôi có thể đoán chị là một người có tấm lòng nhân hậu, một người dũng cảm dám viết lên những mặt trái của cuộc sống. Tôi không biết nói gì hơn là chúc chị hãy dũng cảm hơn nữa, đừng vì những trở ngại của cuộc sống mà chùn bước. Xin chị hãy viết nhiều hơn nữa, viết lên để những người như tôi, những người có lương tri trong xã hội này, có một chỗ dựa. Qua những bài này, người dân sẽ được một phần nào giải toa nỗi oan ức của mình. Kính xin chị hãy vì những người nghèo, những người lương thiện, mà viết lên những nỗi oan ức của họ... Nguyễn Thành Danh(Cư Xá Đô Thành, Phường 4, Quận 3) ●... Bài ký sự pháp đình “Tìm con trong trường bắn” [2] của cô đã làm thay đổi cách suy nghĩ của tôi. Trước đây, tôi là một người đàn bà vô tư, cuộc sống chỉ là chuyện cơm áo hàng ngày, tối ngủ suy nghĩ ngày mai mình có cơm ăn hay không? Có tiền xài hay không? Còn chuyện của ai thì cứ mặc kệ. Không can dự đến mình!Thưa cô, có thể anh Chánh đã giết người, và có thể anh bị oan, nhưng điều đó càng đòi hỏi pháp luật phải làm sáng tỏ, phải có công bằng xã hội. Nhưng hình ảnh người mẹ của anh Chánh đã làm xao xuyên lòng tôi. Tôi cũng có mẹ, mẹ tôi bao phen đã giúp tôi vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống, trong những lần tôi vấp ngã. Nhưng tại sao nhiều khi tự hỏi lòng mình vẫn không thiết tha yêu thương mẹ nhiều bằng chồng con mình. Bài báo của cô đã làm cho tôi tin rằng tình mẹ quá bao la - một tình yêu cho đi mà không mong nhận lại... Hồng (Quận 6) ● Tôi chỉ mới đọc được vài truyện trong quyển Ký sự pháp đình (tập I) thì có người thân ở dưới quê lên, mượn đọc thấy thích quá, nên tôi đã tặng quyên sách cho người này mang về quê. Sau đó, tôi tìm mua lại, nhưng không còn. Tôi rất thích hai truyện “Bài Quốc văn giáo khoa thư dang dở” và “Vụ án làm bột ngọt giả”. Người ta coi phiên tòa bằng mắt, còn cô Thủy Cúc coi bằng trái tim... Bà Ba (Võ văn Tần, Quận 3) Chú thích: [1] Nhà văn Nguyễn Đông Thức, là con của bà Tùng Long.[2] Đã in trong quyển Ký sự Pháp đình - tập I (Báo Tuổi Trẻ - Nhà xuất bản Trẻ phối hợp xuất bản, 1996).HẾT