Một phiên tòa Thụy Điển

     ôi đang ngồi trong Trung tâm báo chí nằm ở tầng ba của Tòa nhà hội nghị thì thấy P. hớt hải chạy lên. F. là cán bộ của Radda Barnen - Tổ chức Cứu trợ Nhi đồng Thụy Điển làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Cô nói: “Sao chị còn ngồi đây? Nhanh lên, trễ rồi!”. Chiều nay theo kế hoạch, tôi sẽ được tháp tùng cùng với bà Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em Việt Nam dự một phiên tòa ở Tòa sơ thẩm nhưng là vào lúc 2 giờ kia, còn bây giờ chỉ mới 1g 10 phút. Tôi nói với F. điều đó, nhưng cô quả quyết phiên tòa bắt đâu vào lúc 1g 30. Rồi cô chạy nhanh xuống lầu. F. đang có thai. Tôi vội la lên: “Chị không nên chạy như thế!” F. gật đầu đồng ý: “Đúng, nhưng chị thì nên nhanh lên!”. Xe chờ sẵn ngoài cửa. Chúng tôi đến tòa án - hầu như không phải đi nữa mà là chạy - lên lầu một. Đồng hồ chỉ đúng 1g 30 phút. Cửa phòng xử án mở ra. Cảm giác đầu tiên của tôi: Họ đúng giờ một cách kinh khủng!
http://vnthuquan.net/user/Ct.Ly/image/ThuyCuc9.jpg
Chiếc bàn trong phòng xử án là loại bàn có mặt dính liền theo hình vòng cung. Hội đồng xét xử ngồi ở đầu trên. Phía bên trái dành cho ủy viên công tố và nạn nhân. Phía bên phải là luật sư và hai bị cáo. Ở đầu kia của hình vòng cung, đối diện với Hội đồng xét xử, là chiếc ghế tách rời của nhân chứng. Sau lưng nhân chứng, năm hàng ghế băng dài dành cho những người tham dự. Năm người của Hội đồng xét xử (theo luật Thụy Điển, Hội đồng xét xử án sơ thẩm gồm một thẩm phán và bốn hội thẩm) đã ngồi sẵn trong phòng. Những người tham dự phiên tòa sau đó mới lục tục bước vào, không ai phải chào ai. Không như ở Việt Nam, người tham dự ngồi chờ và phải đứng dậy khi các vị Hội đồng xét xử cùng kiểm sát viên bước vào.
Phiên tòa bắt đầu, bằng tiếng Thụy Điển. Một cán bộ sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển phải dịch tóm tắt từng đoạn cho bà Bộ trưởng bằng một giọng gần như thì thầm, còn tôi thì phải chồm tới để nghe một cách khó khăn. Ấy thế mà những người ngồi bên trên vẫn ngoái lại nhìn chúng tôi. Sự im lặng đến mức nghe rõ được tiếng sột soạt của những tờ giấy.
Khởi đầu, vị thẩm phán tuyên bố bắt đầu phiên tòa. Ông nói gì đó, và có hai người - hai thiếu niên đang ngồi lẫn trong những người tham dự, đứng dậy, đi ra: đó là hai nhân chứng. Có lẽ để họ đừng bị chi phối bởi diễn tiến của phiên tòa. Ủy viên công tố - một phụ nữ - bắt đầu đặt câu hỏi với người bị hại, ngồi sát bên cạnh bà. Người này tố cáo rằng đã bị hai bị cáo (đều ở tuổi vị thành niên, một người sinh năm 1978, một người 1979) đánh ở trên xe buýt, vào ngày 23/3/1996. Trả lời ủy viên công tố, anh ta nói bị đánh và đá đến 20 cái. Hỏi tỉnh dậy làm gì? Đáp không nhớ, khi bị đánh thì ngất, nằm luôn trên sàn. Vị thẩm phán hỏi chen vào có bị thương tật gì không? Anh ta nói bây giờ thì không đau lắm, nhưng lúc mới bị đánh đau nhiều, ủy viên công tố lại hỏi cảm thấy thế nào? Anh ta nói đánh như thế là dã man. Tới phiên luật sư hỏi người bị hại, có chắc số lần đánh không? Sao đếm dược? Và anh có đánh lại các bị cáo không? Người bị hại nói anh ta bị ba người đánh trong đó một người đánh hôi, anh ta không đánh trả vì bi đánh đau quá, hoa mắt, không thấy đường, và cũng không còn sức. Sau đó, ủy viên công tố thẩm vấn tới bị cáo thứ nhất - tên là M. M. thừa nhận là có đánh, nhưng cũng có những người khác cùng đánh và anh ta cũng bị đánh trả. Bị cáo thứ hai tên E. nói anh ta chỉ đánh hôi. Ủy viên công tố hỏi sao trong biên bản hỏi cung ở cảnh sát, anh ta thừa nhận là có đá nạn nhân, nhưng bây giờ lại chối? Bị cáo bảo anh ta chỉ đánh chứ không đá.
Sau khi thẩm vấn gần 1 giờ đồng hồ, một vị hội thẩm nói vào máy phóng thanh và nhân chứng thứ nhất - một thiếu nữ - bước vào. Vị thẩm phán đọc lời thề làm ba đoạn, cô gái lặp lại. Sau đó là phần thẩm vấn nhân chứng của ủy viên công tố, luật sư và thẩm phán. Thẩm phán hỏi cô gái có thấy rõ vụ việc không? Rằng cô ngồi ở phía sau làm sao thấy rõ được v.v... Sau khi trả lời xong, nhân chứng định đi ra thì vị thẩm phán gọi lại thông báo cho biết là được phép ngồi lại trong phòng. Nhân chứng thứ hai được mời vào. Trả lời ủy viên công tố, nhân chứng này nói rằng các bị cáo đã có đánh, đá người bị hại khoảng 5, 6 cái.
Sau đó, thẩm phán hỏi chuyện cha của bị cáo M. rằng bị cáo ở nhà như thế nào. Ông này ngồi trên một chiếc ghế được đặt tách riêng trong phòng xử án, nói con ông ở nhà cũng ngoan ngoãn, bình thường. Cuối cùng, ủy viên công tố luận tội - trong đó có nói bị cáo M. đã một lần phạm tội cũng chuyện gây gổ, đánh nhau - rồi luật sư bào chữa.
Tất nhiên, trong hoàn cảnh trở ngại ngôn ngữ như thế thì dù rất muốn, tôi cũng không thể nào nghe được chi tiết tất cả các câu thẩm vấn hoặc trả lời, mà chỉ có thể nắm ý chính, cũng may là các cảm nhận khác không đòi hỏi phải có “phiên dịch”. Điều đầu tiên tôi cảm nhận là phòng xử án không có vành móng ngựa. Bên này ủy viên công tố ngồi cạnh nạn nhân thì bên kia, ở phía đối diện, luật sư ngồi cạnh bị cáo. Đối với mỗi đối tượng cần thẩm vấn - người bị hại, bị cáo, nhân chứng... thì lần lượt ủy viên công tố hỏi và đến luật sư, vị thẩm phán lâu lâu mới đặt một câu hỏi chen vào khi thấy cần thiết. Không ai phải đứng lên. Không có sự phân biệt trong đối xử. Bị cáo không phải mặc áo tù và chỉ được mở còng tay trước khi vào phòng xử án, không phải đứng trước vành móng ngựa. Điều cảm nhận thứ hai là về trang phục. Tôi nghe nói Thụy Điển là nước thoải mái nhất trong ăn mặc. Điều này có lẽ đúng. Trong năm người ở Hội đồng xét xử, chỉ có thẩm phán mặc vest, các vị còn lại chỉ mặc sơ-mi ngắn tay, có người choàng thêm áo khoác, có người mặc áo bông hoa đủ màu. Riêng hai vị ủy viên công tố và luật sư đều mặc vest. Các bị cáo và nạn nhân mặc sơ-mi và áo thun. Người tham dự bên dưới thì khỏi nói, đủ kiểu. Ăn mặc như thế trong một phiên tòa lẽ ra phải đem lại một cảm giác không nghiêm túc, thế nhưng không hiểu sao, tôi vẫn thấy không khí rất trang trọng, đường hoàng, cảm nhận thứ ba, không chỉ có mình tôi mà một cán bộ của Việt Nam cũng chia sẻ, đó là không khí có vẻ thân tình. Hoàn toàn không giống một phiên tòa dân sự bên ta, chứ đừng nói là hình sự. Không có sự lớn tiếng, quát mắng, trấn áp. Không có sự xúc phạm, miệt thị. Hay hay dở chưa biết, nhưng không có cái cảm giác bị tổn thương.
Tòa tuyên bố nghị án. Trừ Hội đồng xét xử, tất cả những người còn lại trong phòng xử án - kể cả ủy viên công tố - đều đi ra chung một cửa. Ủy viên công tố đến gặp chúng tôi. Vị cán bộ sứ quán giới thiệu rằng có Bộ trưởng Việt Nam ngồi dự khán. Bà ủy viên công tố nói quan điểm của bà là tội của hai bị cáo này đều nặng, trước đây đã có phạm tội nhưng vì họ còn ở tuổi vị thành niên, nên bà đề nghị chỉ phạt tiền thôi chứ không có án tù. Sau đó, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt các bị cáo 7.000 SEK (tiền Thuy Điển; 1 đô-la Mỹ = khoảng 6.5 SEK).
Sau phiên tòa, vị thẩm phán tiếp chúng tôi. Bà Bộ trưởng có hỏi: nếu xử bị cáo đã thành niên, hình thức phiên tòa có giống như vừa rồi hay không? Ông thẩm phán nói giống y như thế, không có gì khác, về sau, tôi mới biết phiên tòa nói trên là phiên tòa xử kín, chỉ những ai có liên quan mới được tham dự. Để tránh cho những người phạm tội kia - những người chưa trưởng thành, một ảnh hưởng tâm lý không tốt. Mới thấy những tội phạm vị thành niên Thuy Điển đã được tính toán rất chu đáo để họ càng có thật nhiều bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, cơ hội phát triển thành người công dân trong sạch, bình thường.