Hai Hùng SG

    
ằng năm, cứ sau ngày lễ Noel khi cái không khí lạnh ùa về thành phố thì y như rằng mọi công việc chuẩn bị cho ngày tết Nguyên đán cũng dần dần xuất hiện, những vùng trồng trọt đã có các loại bông hoa như: Mai, Cúc.Vạn thọ, Mồng gà, Mãn đình Hồng.v.v...được các nhà vườn chăm sóc kỹ lưỡng nhằm tung ra bán đúng dịp tết, thức đêm thức hôm, tưới nước, bón phân cực khổ như vậy mà năm nào bông hoa có giá hoặc hút hàng thì nhà vườn có được cái tết tươm tất, năm nào thời tiết thuận lợi nên số lượng hàng hóa dồi dào làm cho giá các loại hoa tụt giảm thê thảm,khiến họ bán mãi đến tận chiều ba mươi tết mà vẫn còn ê hề, nhiều người bán những chậu hoa này họ lặng lẽ?chuồn êm? để lại bên vỉa hè những đóa hoa sầu muộn, thì cũng là lúc những gia đình nghèo nơi phố thị rủ nhau ra chợ? Ẳm? vài ba chậu về nhà chưng cho có cái không khí tết với thiên hạ, còn những kẻ bỏ của chạy lấy người kia trở về quê với nỗi buồn man mác để rồi ăn cái tết có khi với cả đống nợ trên vai, nghĩ mà thương cho những người một nắng hai sương làm đẹp cho đời mà đôi khi bị đời trả lại đắng cay và tủi nhục..
Còn nhiều loại hàng hoá khác dành cho ngày tết nữa, nếu liệt kê ra đây tôi e rằng kể lể cả trăm trang giấy cũng không đủ, nên tạm thời kê bấy nhiêu thôi để còn thời giờ cùng tôi trở về những cái tết của thập niên sáu mươi trên quê hương mình các vị nhé.
* * *
Khi cái mùi khói nhang và mùi khét của giấy tiền vàng bạc, giấy Cò bay Ngựa chạy được đốt lên tiển gia đình Táo quân về chầu Ngọc Hoàng thì không khí tết Nguyên đán đã ngấp nghé bên thềm, và khi được cắn những cục kẹo? Thèo lèo, cứt chuột? và nhấp nháp vài ngụm trà sen, trà lài thì đám trẻ con chúng tôi ngày ấy mừng vui khôn xiết vì hồi ấy trẻ con nhà nghèo như tụi tôi mới thấy được hết cái vị béo của mè đen trong cục? cứt chuột?, cái dòn dòn ngọt ngọt của những cục thèo lèo, thời bấy giờ tuy không phải bị thiếu ăn, đói khổ nhưng các gia đình nghèo chỉ dám dồn sức mua sắm cho ngày tết được tươm tất, còn trong năm thì ăn uống đạm bạc, chi tiêu dè sẻn mới đủ tiền lo cho mọi việc trong gia đình.
* * *
Rằm tháng chạp là cái thời khắc bà con có trồng cây Mai trong sân nhà thường hay lặt lá, nói như vậy thì cũng không được đúng cho lắm, vì còn phải tùy theo thời tiết, tôi nhớ không lầm thì năm nào mà trời se lạnh kéo dài thì đa số người ta lặt lá trước ngày rằm tháng chạp cả tuần, còn như trời nóng bức thì lặt lá sau ngày rằm một vài bửa để nhằm cho nụ hoa Mai đủ sức nở ngay vào dịp tết, chưa hết đâu cây Mai còn phụ thuộc vào nước tưới nữa, nếu chưa đến tết mà nụ Mai khá to thì hạn chế tưới nước vô gốc, chỉ dùng bình xịt phun sương vào nụ Mai cho có hơi ẩm để tránh nụ Mai khô nước sẽ bị rơi rụng, và điều cần thiết nhứt là cây Mai phải được trồng nơi có nhiều nắng, không được trồng trong bóng râm, vô phân tưới nước, tỉa cành và thay đất sau một hai năm sau tết để đất mới cung cấp đủ khoáng chất cho bộ rễ thì năm sau mới có được một chậu Mai tốt.
Tôi còn nhớ nhà bà bốn bên cạnh nhà ba tôi có trồng hai cây Mai, không hiểu ông Bốn trồng khi nào mà hai cây Mai này thân nó thật to và cao, cành lá thì sum xuê y như cây cổ thụ thu nhỏ, năm ấy trước rằm tháng chạp cả tuần, ông bà Bốn kêu con cháu trong nhà và những người hàng xóm gần đấy đến để phụ lặt lá vì cây quá nhiều lá gia đình ông làm không xuể, đến ngày hẹn hầu như cả xóm xúm lại quanh hai cây Mai đông nghịch, trẻ con như tôi thì bắt ghế đẩu vói tay lặt những cành gần dưới gốc còn thanh niên trai tráng lực lưỡng thì dùng thang tre dựa vào thân cây leo lên phía trên cao để tuốt những chiếc lá nằm cheo leo trên đó, chừng hơn hai giờ sau thì cây Mai chỉ còn trơ lại những cành khẳng khiu lay động trước gió,ngạc nhiên về điều này thằng Cảnh cháu cậu Tư Tắc xi thắc mắc nói:
- Cây Mai lá tốt ghê mà ông Bốn cho lặt bỏ hết uổng quá trời luôn vậy đó.
Con Tốt cháu ngoại của bà Bốn lên tiếng chọc thằng Cảnh, rồi giải thích cho nó biết:
- Thôi khùng quá ông Cảnh ơi, nói như ông để y sì mấy cái lá trên cành thì tết
? Ma rốc? cũng chưa có cái bông nào nở nữa nói chi là Tết.
Con Tốt đang nói nữa chừng rồi nó tằng hắng mấy tiếng làm ra vẻ trịnh trọng như cô giáo đang dạy đứa học trò của mình, sau đó con Tốt tiếp tục nói:
- Ông Cảnh biết không? Ông ngoại tui nói:? lặt lá cũng như thay áo mới cho cây để trong nách lá nó tức mới nhảy ra những cái nụ nhỏ, rồi nhựa sống trong thân cây thay vì nuôi lá nó bắt đầu nuôi mấy cái nụ này thì mới có hoa nỡ trong ngày Tết? biết chưa ông kẹ?.
Thằng Cảnh nghe con Tốt giảng giải như trên làm đầu óc nó sáng ra, nó lí nhí chống chế:
- Vậy hả? Ai biết đâu nè tui tưởng....
Thằng Cảnh chưa kịp dứt lời, thằng Thành nhảy vô họng nó liền ;
- Tưởng.. Tưởng cái con khỉ khô, cái vụ đó dễ ẹc mà ông còn không biết nữa, thì làm sao ông biết được những chuyện khác.
Nghe mấy đứa nhỏ ồn ào, ông Bốn xua tay ngăn lại rồi ông bảo:
- Thôi xong rồi mấy cháu hốt hết lá Mai đem lại chổ đóng un bà Bốn đang đốt kìa, bây tới cái lu múc nước rửa tay sạch sẽ rồi vô ăn bánh mì, ông có nước đá chanh nè,bửa nay ông mua được mấy chục ổ bánh mì? lò đầu? ngon lắm, có phô mai nữa nghe bây, cứ ăn cho? Thải mái?, tết nhứt mà lo gì thiếu thốn.
Đang ăn uống vui vẻ, mọi người bàn tán và chắc mẫm rằng:
- Hai cây Mai của ông Bốn năm nay vô địch luôn nghe mấy ông, trởi ơi tui thấy nụ nó mọc nhóc trên cành, Hoa Mai nở xong khi rụng xuống đất cánh Mai vàng cả khoảnh sân, ai có máy chụp hình lúc đó chụp vài pô kỷ niệm đẹp lắm đó.
Liền khi đó ông Bốn sai thằng Trọng cháu ngoại của ông chạy vô nhà bưng bộ lư đồng và hai cặp chưng đèn ra sân, ông Bốn trải chiếc đệm dưới gốc cây lê kiu ma làm nơi lau chùi bộ lư đồng, bộ lư của nhà ông Bốn cũng thuộc hàng đồ cỗ quý hiếm vô cùng, năm nào cũng có vài ba chú Chệt ở Chợ Lớn quảy gánh ve chai vô gạ gẫm ông Bốn để mua bộ lư này, xui cho mấy chú Chệt, ông Bốn là người giữ gìn chăm sóc những món đồ xưa trong nhà như của gia bảo, vậy mà mấy tay này dám đề nghị ông bán nó đi, khiến ông nổi trận lôi đình, đuổi mấy chú chạy ra khỏi nhà không kịp thở.
- Ngoại ơi, bộ lư còn bóng lắm lau sơ sơ cho sạch bụi thôi nghe ngoại.
Nghe thằng cháu ngoại ham chơi bàn ra không chịu lau chùi kỹ lưỡng theo ý mình, ông Bốn? bố? cho thằng Trọng một trận:
- Con sao hư quá, ông dặn sao con làm vậy đi, con làm dối thì bộ lư sao đẹp được, con coi bộ lư nhà chú ( Hai Cho ) kìa, con Hồng với chú Hai chùi mới tinh sáng loáng, vậy mới được chứ thôi lau nhanh lên đi rồi phụ bà ngoại con lau lá gói bánh tét nữa đó.
Mới mờ sáng hai mươi chín tết, tôi nghe tiếng con heo nhà bà Bốn kêu en éc,giật mình không hiểu chuyện gì nhưng trong bụng tôi thì nghĩ:
? Không chừng mấy ông ăn trộm vô khiêng con heo của bà bốn không chừng?
Con heo của bà Bốn nuôi khá lâu, nhớ dạo nọ mấy bà? di cư? gánh hai cái lồng sắt mỗi bên ba bốn heo con, khi đi ngang nơi tôi ở mấy bà cất tiếng rao:
- Lợn con đây, giống tốt? dọt sia? thứ thiệt đây, mời bà con mua dùm
Các bà cất tiếng rao hàng lanh lảnh, đầu trên xóm dưới đều nghe, Bà Bốn chạy ùa ra xem hàng, sau một hồi sờ nắn,vuốt ve cuối cùng bà Bốn nắm hai chân sau một chú heo rồi nói:
- Tui mua con này, mấy con kia coi bộ không mạnh bằng thằng Đực này đâu
Sau một hồi trả giá, kì kèo bớt một thêm hai, bà Bốn cũng có được thằng Đực con heo mà với bà nó mạnh nhất trong đám heo con kia. có heo rồi phải có chuồng nuôi nhốt nhưng ngặc một nổi nhà bà Bốn thì cũng không được rộng rãi cho lắm, chỉ có được cái sân nhỏ sau bụi chuối cạnh sàn nước nhà bà là còn trống, bà Bốn nhờ chú Năm Hải thợ hồ ngụ ở xó trên láng dùm một nền xi măng có trải một lớp hồ dầu láng mượt, chú Năm trồng bốn cây trụ sắt ấp chiến lược làm bốn cây trụ của chuồng rồi để đó, bà Bốn nhờ ông tư Tỉnh đạp xe ba bánh xuống trại cưa cạnh cầu Băng Ky mua mấy tấm ván bìa được xẻ ra từ những lóng cây to trên rừng mang về. Vật liệu đơn sơ như thế mà ông bà Bốn cũng đóng xong cái chuồng cho thằng Đực có nơi ăn chốn ở đàng hoàng, thằng Đực lớn nhanh như thổi bởi bà Bốn cưng nó vô cùng, bà nấu những nồi cháo thật to, nào là đầu tôm, cá vụn bà bầm nhuyễn ra nấu chung với cám gạo,chuối cây, rau cỏ khi bà Bốn múc cháo đỗ vào máng thằng. Đực ăn nhanh chóng, và do bà Bốn siêng năng tắm táp chăm sóc thằng Đực như đứa con mình, khiến cho cô Sáu Láng con của bà Bốn? cà nanh?:
- Con thấy má quý cái thằng ng Đực này hơn con nữa nha, con gái má bị cho ra rìa rồi phải hôn?.
Nghe cô Sáu trách mình bà Bốn cười móm mém, phun vội miếng trầu đang nhai rồi nói:
- Cái con này cha bây, thằng Đực này nó mau lớn bây nên mừng chứ ở đó mà cà nanh, tết nhứt là nhờ nó dữ lắm đó con.
Cô Sáu ngây thơ hỏi lại:
- Trời! Nó là heo chứ đâu phải người ta đâu mà nhờ hả má.
- Chừng đó bây sẽ biết, thôi vô tắm rửa lo đi học đi con, mầy ráng học mai mốt má còn nhờ tấm thân nữa chứ...
Thằng Đực được chăm sóc cẩn thận vô cùng, tôi ít khi nghe nó làm ầm ỉ vì. Nó chưa kịp đói thì bà Bốn đã cho nó ăn rồi, có lần nó la làng lớn nhất khi ông già làm nghề thiến heo leo vô chuồng thiến nó theo yêu cầu của bà Bốn. Vậy mà hôm hai mươi chín tết năm đó tiếng kêu thằng Đực vang lên đinh tai nhức óc, tôi chạy nhanh qua chuồng heo nhà bà Bốn, tôi hoảng hốt vô cùng vì đây là lần đầu tiên trong đời tôi thấy người ta làm thịt heo tại nhà,bà Bốn thì ngồi thất thần trong góc bếp, tôi thấy trên gương mặt bà Bốn ràn rụa nước mắt, bà nuôi nó lâu ngày nên mến tay mến chân, nay cũng vì Tết nhứt mà ngyười ta đành hoá kiếp nó thử hỏi sao bà Bốn không khỏi đau lòng?
Họ cạo lông, xẻ ra từng tảng thịt đỏ ối tươi rói, đầu, lòng chân giò được họ bỏ vào nồi nấu một nồi cháo thật to, họ cho huyết vào nồi cháo để chút nữa khi làm thịt thằng Đực xong thì họ cùng nhau thưởng thức nồi cháo huyết thơm lừng...
* * *
Chiều Hai mươi chín Tết, tôi đang phụ ba tôi lau chùi, trang trí chưng dọn bàn thờ gia tiên trong nhà, khi trời nhá nhem tối thì công việc cũng xong, năm nay ba tôi mua mấy sợi dây đèn chớp tắt treo chung quanh bàn thờ, cặp đèn cầy trên bà thờ cũng to hơn cặp đèn năm rồi, bánh trái được chưng lên đủ màu thật vui mắt, nhưng tôi thích nhất là hai phong bánh in và cặp hộp trà và hai thước pháo, vì chúng được gói trong giấy kiếng đỏ, mà màu đỏ thì thích hợp với ngày tết vô cùng, chẳng hạn dưa hấu, pháo, bao lì xì, bông mồng gà, câu đối v.v.. Cái nào cũng màu đỏ, có lẽ theo quan niệm dân gian màu đỏ biểu tượng cho sự hên, sung túc, đầm ấm nên được mọi người ưa chuộng chăng?.
Đang mãi nhìn cái thành quả sau những giờ phụ với ba tôi, thì ngoài ngỏ có tiếng gọi vang lên:
-Phương ơi! đi chợ tết với tụi tui nè, chợ Tết đêm cuối đó, đông vui lắm đi cho biết với thiên hạ.
Nghe tiếng mấy đứa bạn trong xóm réo gọi phía trước nhà, tội lật đật xin ba cho mình theo đám bạn du xuân một chuyến cho biết cái không khí chợ tết về đêm ra sao. Ba tôi cho phép và không quên cho tôi một đồng để dằn túi, ba nói:
- Công việc nhà cũng xong hết rồi, con đi với mấy bạn cho vui, cầm tiền theo có mua gì chút đỉnh thì mua, nhớ về sớm, đi đứng coi chừng lẫn nhau kẻo lạc.
Tôi dạ rân sung sướng chạy ù ra sân, giống như lũ chim được quý bà quý cô mua từ những người bán ở lăng Ông bà Chiểu để phóng sanh, khi cánh cửa lồng vừa hé mở, các chú chim lần lượt tung đôi cánh mỏng vào khung trời bao la rộng lớn.
Cả đám chúng tôi gần chục đứa, tung tăng cười nói cùng nhau cuốc bộ lên chợ, từ nhà chúng tôi đến chợ cách chừng hai cây số, với trẻ con thời bấy giờ quãng đường như thế chúng tôi cảm thấy khá xa,nhưng đêm hôm ấy nó thật gần, mới dăm ba câu chuyện với nhau trên đường thì chúng tôi đã đến gần chợ rồi, trên đường đi bà con đủ mọi giới đổ ra đường kẻ ngược, người xuôi đông đúc vô cùng, ngày thường đôi lúc tôi thấy họ di chuyển vội vã, nhưng đêm ấy dường như không gian dừng lại, mọi người chen chúc mua mua bán bán thật náo nhiệt, đến gần cổng chợ tôi thấy gần bến xe Thổ mộ, những giỏ hoa Vạn thọ, hoa Thược dược Hướng Dương được các chú? sà ích? chở từ vùng Thông Tây hội đem xuống, họ chất đầy hai bên vệ đường, những cây Mai được bứng lên mang theo cả bầu đất được dựng lên thành hàng, những nụ hoa Mai to và bóng lưỡng, chắc chắn sẽ nỡ kịp đúng ngày tết, nhiều người khách đến xem và mua, mọi người trầm trồ khi thấy một ông nhà giàu nọ? rinh? ra xe?cyclỏ máy bốn gốc Mai già, ông ta trả cho người bán cả trăm đồng gì đó làm thằng Cảnh bạn tôi nó? lé mắt? ghé vào tai tôi nó thì thầm:
- Cái ông này chắc nhà giàu lắm mầy ơi, cả trăm đồng nhà tao ăn chắc ba bốn tháng mới hết, xài gì sang thiệt ta? Tao có tiền nhiều chắc cũng chẳng dám mua như ổng đâu.
Tôi xô nhẹ thằng cảnh ra rồi nói vừa đủ cho nó nghe:
- Người ta giàu mua nhiêu đó ăn nhằm gì mầy ơi, tụi mình nghèo thấy bạc trăm như cả gia tài, mầy ráng học đi, lớn lên làm công chức thì thiếu gì tiền mà xài.
Đang mãi mê ngắm nhìn những cây Mai có dáng tuyệt đẹp, tôi nghe đứa bạn kêu làm tôi bừng tỉnh:
- Nè ông Phương theo tụi tui vô chợ đi, ngắm gì ngắm dữ vậy, mấy cây Mai này thua hai cây Mai ông Bốn xa lắc hà ông ơi.
Tôi không hoàn toàn đồng ý với nhận xét của thằng Lập, tôi nói:
- Về gía trị thì cây Mai ông Bốn là vô địch rồi, nhưng mấy cây Mai này họ tạo dáng và uốn những cành rất nghệ thuật tui thấy nó lạ mới nhìn hoài đó chứ, thôi mình đi đi.
Đầu cổng chợ người ta trang trí cái cổng chào tuy đơn sơ nhưng nó gần gũi vô cùng,họ dùng Cỏ tranh, tre, lá dừa, dây lạt buộc thành cổng chào có cái mái tranh nhỏ bên trên trông thật đẹp, bước qua cổng chào những trái dưa hấu được chất đống cao nghiệu, những trái dưa thật to da xanh bóng lưỡng, khi đi ngang qua chúng tôi được bà bán dưa mời nếm thử, những miếng dưa xanh vỏ đỏ lòng ăn vào rất ngọt nghe mát cả trong lòng, ăn miếng dưa này tôi chợt nhớ lại truyện đã học ử trường về sự tích quả Dưa hấu, liên tưởng đến hòn đảo hoang vu nào đó nơi chàng Mai An Tiêm và. Công chúa bị vua cha đày ra đảo, những tưởng họ sẽ dần dà gục ngã khi không còn luơng thực để sống, vậy mà từ sự khám phá ban đầu, rồi những ngày gieo hạt chăm sóc cho đến ngày thu hoạch những trái dưa hấu thật ngon, họ đã được vua cha tha tội và cho đón về sống lại cuộc sống như xưa.
Rời hàng dưa sau khi mua vài trái chúng tôi lần lượt di dài dài vào trong chợ, hàng hoá phong phú vô cùng, bánh mức, lạp xưỡng, trái cây, quần áo. V.v..
Đến gian hàng nọ hai ông? Cắt chú? bán những tấm nhựa in hình bông hoa sặc sỡ, có tấm in hình phong cảnh, mục đồng cưởi trâu thổi sáo, hoặc hoa văn lạ mắt vô cùng, tôi đứng tần ngần hồi lâu muốn mua một tấm nhựa để trải lên mặt cái bàn nước phía nhà trên, nhưng nghỉ lại với một đồng trong túi thì chắc chắn không đủ để tôi thực hiện điều mình muốn, thôi thì tôi sẽ nói mẹ tôi mua vào sáng ba mươi vậy.
Lòng vòng trong chợ cả buổi, chẳng mua sắm được gì thêm, khát nước khô cả cổ họng chúng tôi vào hàng bán nước đá bào si rô, mỗi đứa mua một cục, đứa thì thích mùi bạc hà, đứa thì thích mùi dâu, riêng thằng Cảnh thì chơi trội, nó gọi bà chủ bán cho một chai nước sá xị con Nai hiệu Phương Toàn, nó cầm cái ly sóng sánh đầy nước sá xị, bên trong vài cục nước đá va vào thành ly khi nó cầm cái muỗng khuấy nhẹ lên khiến rôi thèm thuồng được hớp dù một ngụm cũng đủ đã thèm, thằng Cảnh nó dốc cái ly vào miệng uống ừng ực, chừng thấy tôi chăm chú nhìn nó hình như nó đọc được tâm trang của tôi, bổng dưng nó ngưng uống và trao cho tôi phần còn lại của ly nước nọ nó nói:
- Đã thiệt, nè làm một miếng đi ông Phương, lâu lắm rồi tui mới được uống nước này đó.
Thật đúng là? Buồn ngủ mà gặp chiếu manh?, tôi đỡ lấy ly sá xị đưa lên miệng uống một hơi sạch cả ly, hơi gaz và mùi sá xị cay nồng nhưng ngon ngọt vô cùng, chưa kịp trả lại thằng Cảnh cái ly thì tôi nghe tiếng nó càu nhàu:
- Cái ông này ngộ ghê chưa? Uống chút đỉnh cho biết mùi thôi, ông uống ráo nạo rồi còn đâu nữa cho mấy đứa kia nếm thử
Không thèm trả lời thằng Cảnh, tôi nói thầm trong bụng:
? Đưa người ta có chút xíu hà, uống chưa thấm giọng nữa lấy đâu cho mấy đứa kia uống?
Đến cuối đầu chợ trên, ở phía ngả ba đường, nơi có Trường ( Chánh ) ngôi trường tiêu học thời bấy giờ, đối diện là Chùa Bà Thiên Hậu cổng chùa rộng mở, đèn duốc thắp sáng choang, những vòng nhang được treo trên cao cháy lập lòe khói tỏa ra mùi thơm nhẹ, bà con xa gần đến viếng chùa đông nườm nượp suốt từ rằm tháng chạp đến hết rằm tháng giêng, tôi nghe những cô bác lớn tuổi nói ngôi chùa này tọa lạc nơi đây hơn trăm năm và linh thiêng vô cùng, mỗi khi có chuyện oan ức, hoặc gặp khó khăn trắc trở gì đó bá tánh kéo nhau đến chùa để cầu xin phù hộ tai qua nạn khỏi, nghe nói có những người cầu nguyện được bà độ rất hiển linh nên họ mang vàng lễ, heo quay, vải vóc đến cúng tạ ơn bà...
Đang loay hoay cả bọn chúng tôi chưa biết đi đâu, Bổng thằng Thành nó chỉ tay vào góc nhà Dây thép ( tức Bưu điện ngày nay ) có nhiều người ngồi chơi món? Bầu cua cá cọp ) nó nói:
- Cái này chơi vui lắm, mình qua đó thử thời vận xem sao mấy ông ơi!
Chúng tôi xúm lại một bàn bầu cua, ông chủ mặt mày có hơi dữ dằn, tôi véo tay thằng Thành định kéo nó sang bàn bầu cua kế bên do hai người trung niên ăn mặc lịch sự làm chủ, nhưng con ma cờ bạc trong thằng Thành dường như nó xúi giục phải ở lại nên thằng Thành nó phủi tay tôi rồi móc tiền đặt lia lịa vào những con vật bên dưới, mấy đứa đi chung cũng hào hứng tham gia trò đen đỏ này, mỗi lần ông chủ dỡ cắi nắp ra, ba hột bầu cua như trêu người chơi, vì hể đặt con này thì nó ra con khác, ít khi người chơi đánh trúng con vật do chủ lắc Bầu cua dỡ ra, lần lượt các bạn tôi bị cháy túi mặt mày bí xị, riêng tôi phần vì có ít tiền, phần vì không quen với môn chơi này nên tôi vẫn còn giữ nguyên đồng bạc của ba cho, nhưng tôi cũng chơi bầu cua đó chứ, tôi thầm đặt tưởng tượng vào những ván bầu cua, lần nào ông ta dỡ cái nắp đều có con vật mà tôi đã chọn, thấy dễ ăn tôi định lấy tiền chơi thiệt một phen, nhưng biết đâu thắng đâu chẳng thấy nhưng thua cháy túi như mấy đứa bạn chắc tôi sẽ buồn lâu lắm, về sau này khi lớn thêm vài tuổi nữa thì tôi mới hiểu ra rằng, đã tham gia vào cờ bạc thì cơ hội thắng về cho mình rất mong manh, vì người đời có câu? Cò gian, bạc lận? ai vướng vô con đường này thì không sớm thù muộn mang lấy nỗi buồn khôn nguôi khi nhìn thấy tài sản của mình lần lượt đội nón ra đi, khi muốn dừng lại thì đã quá muộn màng, khi rời khỏi bàn bầu cua tôi lấy lời hơn lẽ thiệt an ủi mấy đứa bạn, tôi mong tết nhứt có thử thời vận thì chơi chút đỉnh cho vui, đừng nổi máu ăn thua mà vô tình mình cống nạp tiền của cho đám người chuyên nghiệp trong nghề cờ bạc các bạn nhé...
* * *
Ngồi quay quần bên nồi bánh tét cao nghiệu của nhà ông Bốn nấu, chúng tôi nghe ông bà Bốn thay nhau kể chuyện dời xưa cho chúng tôi nghe, nào là Phạm Công cúc Hoa, Lâm sanh, xuân nương, Nàng út ống Tre..v,.v...
Ngồi canh lửa canh nước cho nồi bánh tét, trời gần sáng thì con mắt chúng tôi đứa nào cũng lờ đờ, miệng ngáp dài ngáp vắn, vậy đó nhưng khi ông Bốn lột mấy đòn bánh đầu tiên xếp ra cái dĩa bàn to tướng, mùi bánh thơm hấp dẩn vô cùng khiến tôi có cảm giác có lũ kiến đang bò trong bụng. Khi ông Bốn nói cái câu:- Ăn thử bánh đi mấy đứa.Thì cơn buồn ngủ trong mổi đứa nó tan biến đâu mất, ông Bốn đãi chúng tôi những đòn bánh đầu tiên, cái béo của thịt mỡ, cái bùi bùi của nhưn đậu xanh, cái dẽo của nếp và mùi thơm đặt biệt của lá chuối khiến chúng tôi ăn một cách thật ngon lành...
Khi cắn vào miếng thịt heo trong nhưn bánh, tôi chợt nhớ đến cái giảy giụa của Thằng đực, tôi nhớ lại khuôn mặt ràn rụa nước mắt của bà Bốn, chợt nghe mằn mặn trên môi, tôi thật sự chạnh lòng khi những hình ảnh của thằng Đực và bà Bốn của năm nào nó tái hiện lại trong tôi mổi khi tết đến xuân về, ông bà Bốn giờ đã thành người thiên cổ từ lâu, hương hồn của thằng Đực có lẽ nó đã được đầu thai kiếp khác, bây giờ cái đám trẻ chúng tôi đứa nào còn hiện diện trên cỏi đời này đều hoa râm đầu bạc, riêng cô Sáu Láng con bà Bốn mỗi sáng thường sách giỏ đi chợ ngang nhà tôi, tôi chận cô lại và nhắc lại câu nói ngày xưa của cô Sáu:
- Má cưng thằng Đực hơn con gái má rồi đó, con gái má ra rìa rồi phải không?
Cô Sáu cười thật to và lấy cái giỏ nhựa để đi chợ quơ về phía tôi một cái rồi cô nói:
- Cái thằng quỷ Phương này nha, chuyện mấy chục năm rồi mà mầy còn nhớ hay thiệt, tết nay lại nhà cô, tao cho bây ăn bánh tét mệt nghỉ nghe bây.
Tôi cũng cười theo cô Sáu, bất giác hình ảnh xưa mấy mươi năn nó ngồn ngộn quay về, tôi thầm nói:
- Ôi thương lắm nhé Tết ở quê mình.
Nắng xuân chiếu rọi xuống mọi ngả đường, gió mang hơi lành lạnh lay động cành Mai trước ngõ, thêm một mùa xuân nữa Tết lại đến với quê mình.
viết xong chiều 26 tết Quý Tỵ 2013
Kính chúc bà con khắp nơi năm mới nhiều sức khoẻ, may mắn và thành đạt
Hai Hùng SG
 

Xem Tiếp: ----