hiều ba mươi tết. Mọi vật trong nhà đều như mới hẳn ra. Tôi tháo bức tranh "con cọp nhí" ra khỏi tường. Mẹ trông thấy, cười:
-Ừ, dẹp đi con! Nó đã cũ lắm rồi!
-Không đâu mẹ! Con chỉ lau sạch bụi thôi, rồi treo lại.
-Cái thằng kì chướng! Sắp tốt nghiệp đại học rồi mà còn mê tranh kiểu Walt Disney.
-Nhưng đây đâu phải tranh, mẹ?
-Bố cậu! Không phải tranh sao gắn được vào tường? Ối chào, bạn mầy đứa nào mà vẽ thật lí lắc, con cọp hệt như con gái. Tao chưa từng thấy cọp thắt tóc bím, ăn kem và nheo một mắt "đá lông mi" như vậy!
Tôi mỉm cười:
-"Chân dung" của bạn con đó, mẹ!
*
Cả lớp bảo "nhỏ Hiền thật xinh đẹp" nhưng với tôi, nó là một con cọp nhí biết mặt áo dài. Bạn bè xác định "đấy là chiếc răng khểnh", nhưng tôi vẫn tin chắc đó là cái mà những người miền sâu thèm được có để đeo lên cổ con trẻ cho chúng ngủ khỏi giật mình. Vâng, đúng vậy! Dù cho trái đất có vỡ làm đôi, tôi vẫn thề trước Chúa trong ngày phán xử. Nó là một con cọp.
Ngày đầu tiên nó vào lớp, như nhận lấy một ngôi sao quả tạ rơi xuống từ trời, tôi phải nhích vào trong để chừa khoảng trống cho nó an vị. Nhưng chỉ vài phút sau:
- Ê, cho mượn cây thước!
Một lúc nữa.
- Ê, có com pa hôn?
Loay hoay một hồi.
- Ê, tui cần viết xóa chút nhé?
Tôi quắc mắt lên:
- Ai tên Ê?
Nó cười nhe "chiếc răng cọp" ra:
- Vậy, Ê tên gì?
- Huy.
- Hì hì, cái tên nghe lãng nhách, tui tên Mai Cổ Hiền!
Thoáng chốc, tôi linh cảm có điều gì bất thường trong cái tên họ đầy bí ẩn này, "Mai" và "xưa" có thể kết hợp thành một cái tên ư? Nhưng đến tiết Anh văn thì sự thể đã rõ, không phải chỉ ở cái tên mà "tính mâu thuẫn" còn tiềm tàng cả trong cách học tập của nó. Thầy bảo:
- Em hãy đặt một câu với thì Future tense?
Nó lên bảng ghi: "I went to school, today". Đợi nó về chỗ, tôi nhếch mép:
- Anh văn "kinh trình độ" thiệt!
Lập tức, đôi mày vòng nguyệt chuyển ngay thành hình dấu ngã:
- Đồ vô duyên! Con trai nhiều chuyện!..
Suốt ba buổi học, cuộc chiến thầm lặng liên tục tiếp diễn giữa tôi và nó, giới tuyến vô hình được thiết lập giữa hai chỗ ngồi. Bốn con mắt tình cờ gặp nhau: chúng trợn lên chỉ còn tròng trắng. Hai cùi chỏ bất chợt chạm nhau: "kịt... kịt"... chúng huých túi bụi như sừng tê giác. Bút, thước, sách vở hoặc bất cứ vật gì lỡ dại rơi qua đất địch: "vèo"... chúng bay xẹt vào một nơi không định trước bởi những cú sút hằn hộc của kẻ thù!..
Nhưng sang buổi học thứ tư. Nó huých nhẹ khuỷu tay vào hông tôi:
- Ê, bồ!
Im lặng, tôi rất dị ứng với lối gọi trịch thượng ấy.
- Huề hén?
Im lặng.
- Hổng muốn huề phải hôn?
Như nghe phải tiếng rít của lưỡi dao lam cứa mạnh lên mặt kiếng, tôi giật thỏm người, ê buốt hai hàm răng và cái đầu bỗng nhiên gật lia gật lịa như một cỗ máy dập đinh:
- Ừ ừ...huề... ừ ừ!
Nó đẩy qua "biên giới" một mẩu giấy:
- Nè, tặng đó!
Một bụi trúc, dưới gốc có cành hoa, tranh vẽ bằng bút chì than. Thoáng nhìn qua, tôi đã buột miệng:
- Quỉ ơi, đẹp quá! Cậu vẽ đấy hả?
Mặt vênh lên trông dễ ghét, nó nhại giọng quảng cáo trên TV:
- Bộ mới biết hả?
- Phi lý! Ai mà trồng hoa dưới khóm trúc?
- Hoa dại đó, đồ ngu!
- Trông chẳng giống hoa gì?
- Hoa dại thì giống hoa gì được, khùng!
Có lẽ, tôi cũng hơi ngốc thật.
- Tặng hả?
- Ừ, quà tặng hòa bình!
- Cám ơn!
- Xí, ai thèm ăn cám, bồ phải đáp lại thiện ý hòa bình của tui!
- Được, mai đáp?
- Không, ngay hôm nay.
- Hôm nay tớ chẳng có gì!
- Có, bồ đi xe đạp phải hôn?
- Ừ, sao?
- Chở tui tới chỗ này rồi bồ về...
Tôi chần chừ. Nó thúc giục:
- Tui cần tới đó liền sau khi tan học 10 phút. Nếu không, tui... mất việc!
- Ủa, trẻ con mà cũng làm việc à?
- Im, đồ con nít!
Giọng nó đã bắt đầu "lên men giấm", nhưng tôi chưa thể im được:
- Cậu phụ việc cho họa sĩ nào đó, phải không?
Nó gằm mặt xuống, mũi bàn chân di di dưới đất, nhưng giọng nói thì cao vút lên:
- Nhiều chuyện! Nói đại đi, chở hôn?
Tôi bối rối, ai đời lại chở con gái, bọn nó sẽ phong tặng là "gã phu xe" ngay. Lớp này đã có bốn thằng được lên chức đó và bốn nhỏ kia cũng được thăng tước hiệu "cô chủ nhỏ" rồi. Trời ơi, tụi nó ác mồm độc miệng lắm! Còn nữa, nếu so sánh trị giá của bức tranh và cuốc xe thì "họa sĩ" hơi bị nổi tiếng, còn "bác tài" thì quá đỗi thiệt thòi! Tôi thu hết can đảm trả lời:
- Không!
Mặt nó đỏ lên, mũi đỏ, rồi mắt cũng đỏ, chân mày phải bỏ dấu huyền, mày trái buông dấu sắc, đôi môi mím chặt lại rồi quặm xuống thành hình chữ "a" in (A). Chẳng nói thêm nửa lời, nó vồ lấy bức tranh vò nát!..
Như bộ phim xềnh xoàng nội dung mà lung tung nhiều tập, tôi và nó cứ xoay quanh cái vòng lẩn quẩn hết chiến rồi hòa, hòa xong lại chiến. Cổ Hiền dữ như... "kiền hổ"! (Tôi không thể dàn trải được ý nghĩa của chữ "kiền", nhưng "hổ" thì trăm phần trăm đúng bon là nó!). Dù vậy, chúng tôi vẫn là bạn. Một tình bạn kỳ cục như tính chất thủy ngân dễ vỡ tung ra mà cũng dễ hòa nhập lại, lạ lùng như cái thành phố nắng mưa bất chợt này, và vô duyên như đứa con nít vừa cười vừa khóc. Cứ thế! Vâng, cứ thế cho đến một chiều...
Cơn mưa đột ngột ập xuống phố, thật to, dai dẳng, gió mạnh ầm ì và tiếng sét. Ngần ấy chả lạ lùng gì, nó mang một hiệu báo dễ hiểu: Mưa cuối mùa. Nhưng, bỗng dưng tôi thích ngắm mưa bay. Tôi mở khung cửa sổ, gió lạnh hắt vào mặt và cũng đúng lúc ấy, dáng một cô bé ướt đẫm đang đứng nép người dưới mái hiên đập vào mắt tôi. Tôi vội mở cửa:
- Mời bạn cứ vào nhà trú mưa, tự nhiên!
Cô bé quay lại, vén mái tóc lòa xòa trên mặt:
- Cám ơn!
Tôi sững người kêu lên:
- Ồ, cậu đấy à?
Đúng, chính là Cổ Hiền. Nó xoay lưng chạy ra đường, tôi chộp vội cánh tay nó kéo ngược lại, chiếc bọc nylon nho nhỏ trên tay nó rơi xuống, những tờ giấy số bung xõa, nửa bay vào nhà, nửa rớt xuống đường mưa!..
Tiếp theo là những ngày hình như thật dài. Nó và tôi thỉnh thoảng trộm nhìn nhau, có khi mỉm cười, có khi gật đầu nheo mắt nhưng tuyệt nhiên im lặng như hai đứa bé chưa biết nói bao giờ. Thầy chủ nhiệm khen:
- Tuần qua, "cái chợ nhỏ" của chúng ta có giảm tiếng ồn!
Không. Đó chỉ là hiện tượng đột xuất mà thôi, như những lúc giao mùa thời tiết thường có phần lạ lẫm.
Chẳng bao lâu, giữa nó và tôi không còn có "chiến tranh" hay "hòa bình", chỉ có thêm trong lớp một "gã phu xe" và một "cô chủ nhỏ". Tôi chở nó đi nhận vé số cho kịp giờ và để rút ngắn quãng đường, chúng tôi buộc phải "dài chuyện" hơn. Nó kể:
- Mẹ tui đi hợp tác lao động nước ngoài, tui ở với ngoại. Nhưng sau này, mẹ không liên lạc thư từ gì nữa! Nghe người ta nói lúc đó có lộn xộn ở Đông Âu, chưa biết chừng mẹ đã chết rồi cũng hổng hay. Hiện nay, ngoại bán bún riêu đầu ngõ, tui bán vé số kiếm thêm!
- Biết đâu mẹ cậu chưa chết, ngày nào đó sẽ thư về?
- Cũng mong vậy, nhưng khó liên lạc lắm, bởi có dạo khó khăn nên ngoại phải bán nhà cũ, dời về đây mua căn nhà bé xíu này!
- An tâm, nếu còn sống chắc chắn mẹ sẽ biết cách tìm cậu, nhưng còn... bố cậu đâu?
Giọng nói nó nghẹn lại:
- Ba chết... hồi tui còn nhỏ!
Hình như có hạt bụi bay vào mắt, hai đứa cùng đưa tay lên dụi.
Xe vấp ổ gà lồng lên như con bò rừng, tay lái chao nghiêng, chẳng ai rớt xuống xe nhưng hình như cả hai đều cố tình buông lửng cho những câu chuyện buồn tuột văng xuống đất. Nó hỏi:
- Gà Quay nè!
Gần đây nó thích gọi tôi như vậy vì cho rằng tôi hiền và... mỡ màng lắm.
- Gì, Cọp Nhí?
Tôi kêu nó thế, vì còn cái tên nào duyên dáng bằng.
- Lớn lên, bồ khoái làm gì?
- Ờ... làm thơ!
- Kỳ vậy? Con trai phải làm quan mới oai chớ?
- Không. Làm quan là làm việc cho người khác, còn làm thơ mới là làm việc cho chính mình.
Nó cười ngất:
- Ừ, thì người ta sẽ mê thơ bồ như khoái ăn gà quay vậy chớ gì!
- Còn cậu, lớn lên làm gì?
- Họa sĩ.
Tôi nhại giọng kiếm hiệp Hồng Kông:
- Nè, đừng có nói là tranh của cậu bán chạy đó nghe!
Nó nhe hết 32 cái răng ra cười:
- Nhưng mình được vẽ người khác theo cách nghĩ của mình, sướng lắm chớ!
Hai đứa cười khanh khách, chiếc xe đạp lắc lư ngoằn ngoèo như con ngựa khùng. Nó phải là họa sĩ. Nó xứng đáng là họa sĩ. Tôi nghĩ như vậy và nói:
- Cọp Nhí này!
- Gì, Gà Quay?
- Tôi nói điều này, cậu đừng nổi... tánh cọp lên nghen?
- Bồ nói đi, cọp có thích thịt gà quay đâu mà sợ!
- Ừ, thì nói... từ nay tớ sẽ nhịn ăn sáng, tiêu vặt để nhường quà cho cậu nghen?
- Xí, hổng thèm! Con gái mà ú như bồ thì chết sướng hơn!
- Không tớ muốn nói là... sẽ dùng tiền đó..."chuyển khoản" qua học phí, sách vở...
Chưa dứt lời, tóc gáy tôi đã dựng đứng vì giọng thủy tinh rít lên sau ót:
- Vô duyên! Đồ con gà quay...khét!
Không cần xoay người lại tôi cũng biết đôi chân mày ấy đang chuyển thành hình dấu ngã…
Tôi vô duyên thật! Ai đời lại đề cập chuyện tiền nong sống sượng đến thế! Quà. Đúng. Tình cảm cũng phải có lớp bao bì của lịch sự. Tôi tặng quà cho nó vào những ngày lễ, bất kể là lễ gì, từ Thiếu nhi, Phụ nữ, Bô lão đến ngày Nhà giáo, Nhà báo, Nhà văn, Nhà binh (Quân Đội ND), Nhà thương (ngày thầy thuốc), ngày sinh các nhà bác học, các nhà thơ... Và tôi bỗng chiêm nghiệm ra rằng mỗi ngày đều là ngày lễ nếu chúng ta thật lòng muốn tặng gì cho ai đó!
Đầu mùa thu ấy, khi vừa bước vào niên học mới lớp 10, nó rưng rưng từ biệt mái trường, thầy cô, bạn bè và... tôi. Mẹ nó từ Pháp về đón nó và bà ngoại xuất cảnh. Tiễn nhau ra phi trường, tôi đọc tặng nó bốn câu thơ trích từ một bài thơ trên báo "... Mấy năm làm bạn học. Kỷ niệm đầy giọt sao. Cách nửa vòng trái đất. Có giọt nào hư hao...". Nó tặng tôi một bức tranh cuộn tròn trong bao giấy kiếng:
- Đấy, chân dung của tui qua cách nhìn của bồ...
Nó nghẹn lại, không nói được nữa! Nó khóc, tôi khóc, Cọp Nhí khóc, Gà Quay khóc... Đường bay nhòa nhạt nước mưa!
*
Tôi lay hoay mãi. Chiếc đinh ốc 3 lần vuột khỏi tay, bức tranh vẫn chưa treo lại được. Mẹ góp ý:
- Tranh phai màu hết rồi con! Nếu thích giữ nó, con nên nhờ họa sĩ giặm lai màu.
Tôi ngẩng lên nhìn mẹ, lắc đầu:
- Không mẹ. Con có một người bạn họa sĩ ở nước ngoài. Sẽ có một ngày nó trở về tô màu lại cho "con cọp nhí", mẹ ạ!
Mẹ cười, nói, rồi bỏ vào nhà trong:
- Mầy rõ vớ vẩn, "bay" quá không nên người được đâu con!
Chiếc Taxi dừng trước cửa. Một cô gái lướt vào nhanh như cơn gió.
- Thưa ông...
Tôi bước ra chào, quá vội vàng nên bức tranh còn giữ trên tay:
- Cô tìm ai?
Cô gái nhìn tôi, nhìn bức tranh và:
- A... Gà Quay đó phải không?
Tôi cũng đã nhận ra chiếc "nanh cọp" và đôi mày dấu ngã.
- Ôi... Cọp Nhí!
Bàn tay tôi như chợt mất hết cảm giác và sức lực, bức tranh rơi xuống giữa hai người. Hình như "con cọp nhí" trong tranh đang ngửa mặt lên cười: "Chúc mừng năm mới nhé!".
NTH