hững giọt nắng vui vẻ nô đùa trên những ngọn cây, lấp lánh qua những tàng cây, kẽ lá, tạo nên những màu sắc lung linh ngộ nghĩnh. Tôi ra khỏi nhà khi nắng chiều còn đang cháy rực ở một góc trời. Chiếc xe cà tàng miễn cưỡng gầm gừ rồi tắt ngúm. Tôi lắc đầu, ngán ngẩm. Như thường lệ, tôi sẽ lại phải tốn một số tiền không nhỏ để tu sửa lại chiếc xe. Mà chắc cũng chỉ vừa đủ để chạy được thêm vài ba tháng. Nhìn bầu trời nắng gắt không một chút mây, trong đầu tôi lóe lên một ý tưởng sẽ gọi điện thoại đến chỗ làm và xin nghỉ một ngày. Tôi sẽ có cả một buổi chiều rảnh rỗi. Có thể tôi sẽ dùng khoảng thời gian này để giải quyết đống đồ dơ còn tồn đọng. Có thể tôi sẽ dọn dẹp căn phòng và tự thưởng cho mình một món gì đó thật ngon. Có thể tôi sẽ dọn sơ căn phòng rồi nằm lăn ra một cách thoải mái và đọc một quyển sách mượn từ chú chủ nhà. Hoặc có thể… tôi sẽ lại làm cái điều mà tôi vẫn thường làm vào những buổi chiều rảnh rỗi, đó là tôi sẽ nằm dài trên giường, trùm chăn kín mít và đánh một giấc giữa căn phòng muôn đời bề bộn và an ủi cái bao tử luôn bị ngược đãi. Nhớ đến cái bụng đói meo, tôi lại nghĩ đến hạn đóng tiền nhà sắp đến, chiếc xe phải sửa và hàng ngàn những món lặt vặt khác cần phải mua. Cuối cùng, tôi tặc lưỡi quyết định cuốc bộ đến chỗ làm. Dĩ nhiên với cái lý do rất đáng thuyết phục là số tiền công của ngày hôm nay sẽ được tôi trích riêng cho khoản để dành… mua xe mới. Tôi thả bộ trên con đường vắng ngắt dẫn đến trạm xe buýt, thích thú ngắm những giọt nắng vàng nhảy múa trên mặt đường bóng loáng. Bỗng nhiên, tôi muốn ví mình như những hạt bụi đường lăn lóc trên vỉa hè. Không biết từ lúc nào đó tôi đã bắt đầu nhồi nhét vào đầu mình những ý tưởng bi quan ấy. Và để tránh những ý tưởng vô duyên ấy được đem ra suy diễn, tôi hướng mắt về những chiếc xe cáu cạnh gần đó và bắt đầu tính toán xem với số tiền lương ít ỏi của mình, tôi sẽ phải để dành trong bao lâu mới có thể rinh về nhà một “cục cưng” như thế. Nhìn lại cuộc đời mình, tôi phát hiện ra hình như mình chưa một lần được ngồi trong một chiếc xe hơi đời mới. Suốt khoảng đời thơ ấu, tôi theo mẹ đến trường trên chiếc xe đạp mini cũ màu xanh lơ. Chiếc xe mà ba tôi đã mua tặng mẹ làm quà cưới. Đó là món quà đầu tiên và duy nhất mẹ nhận được từ ba. Mẹ tôi không giống như những phụ nữ khác, mẹ không cáu gắt hoặc nổi nóng khi có một ông chồng thiếu lãng mạn và thực tế đến khô khan. Mẹ tôi yêu ở ba cái tính khí thẳng thắn, yêu cái cách sống bạt mạng không lo lắng. Mẫu người của ba tôi là mẫu người bốc đồng, bồng bột còn mẹ là một mẫu người hiền lành, chu đáo và sống rất an phận. Có lẽ vì những sự khác biệt ấy mà mẹ đã yêu ba. Tôi còn nhớ từ khi còn bé, tôi luôn nhận ra sự chịu đựng trong đôi mắt mẹ mỗi khi mẹ nhìn ba. Tia nhìn pha lẫn sự nhẫn nại và tha thứ cho những lần ba tôi nổi nóng vô cớ, những lần ba tôi say sưa rượu chè. Mẹ vẫn dành cho ba cái nhìn ấy, kể cả lần cuối cùng khi chúng tôi nhìn thấy ba ở bến xe, khi ông lạnh lùng xách vội chiếc vali để bước theo người đàn bà khác, để lại sau lưng đôi mắt ướt đẫm, chan chứa cái nhìn quen thuộc của mẹ. Từ đó, mẹ tôi bôn ba trong dòng đời thay cho thân phận của người cha, đặt những bước chân đầu tiên chập chững vào dòng đời nghiệt ngã. Chúng tôi không còn bà con, không họ hàng. Ngày xưa, mẹ tôi đã chấp nhận đặt tất cả sau lưng để được sống bên ba để rồi cuối cùng lại nhận lãnh được sự phản bội cho những hy sinh của mình. Mười tuổi, tôi cầm đôi tay mẹ, đôi tay cứng nhắc, chai sần. Lần đầu tiên trong đời tôi thốt lên những tiếng căm hận Tôi hận sự xa cách của họ hàng, hận những cái nhìn dửng dưng lạnh lùng của chòm xóm, hận sự trêu chọc của bè bạn, và hơn hết, tôi hận ba tôi, hận ông đã bỏ lại mẹ con chúng tôi, để vừa lên mười tôi lại bỗng chốc trở thành một đứa trẻ không cha. Mẹ tôi chưa một lần nói hận ba tôi. Từ khi ba tôi bỏ đi mẹ tôi cũng không một lần nhắc đến ông. Thỉnh thoảng, mẹ vẫn ngồi bên khung cửa sổ, tay mân mê những chiếc áo len mẹ đã từng đan cho ba. Có một ngày, năm tôi mười hai tuổi, tôi trở về nhà sau giờ học và nhìn thấy mẹ ngồi thẩn thờ bên khung cửa sổ, nước mắt lã chã rơi đầy trên khuôn mặt, thật chậm rãi, mẹ kéo những sợi len ra từ chiếc áo. Nhẹ nhàng và cẩn thận như đang muốn kéo lùi những kỷ niệm xưa. Chẳng mấy chốc, chiếc áo len dày chỉ còn là một đống len bùi nhùi, rối bời. Khi mẹ ngước lên và nhìn thấy tôi bên cạnh, mẹ khẽ mỉm cười với đôi mắt bình thản, nụ cười đầu tiên kể từ khi không còn có ba bên cạnh. Vài năm sau, chúng tôi đến định cư tại Hoa Kỳ, do người em gái của ba tôi bảo lãnh. Tôi học lại lớp bảy tại một ngôi trường nhỏ gần nhà còn mẹ tôi thì theo phụ việc ở tiệm ăn nơi cô chú tôi làm việc. Trong thời gian hai mẹ con tôi còn chân ướt chân ráo lạ nước lạ cái, cô tôi giữ chúng tôi lại nhà và nhường cho hai mẹ con chúng tôi một căn phòng rộng rãi nhất. Dù ba tôi đã bỏ mặc mẹ con chúng tôi, chúng tôi vẫn may mắn được cô chú coi như những thành viên trong gia đình. Qua một thời gian, khi đời sống chúng tôi đã đôi phần ổn định, vợ chồng cô chú tìm cho chúng tôi một căn chung cư riêng theo ý của mẹ. Trước khi rời khỏi nhà, mẹ tôi dùng số tiền công dành dụm được trong suốt một năm để sắm một bộ bếp lò đắt tiền và đồ dùng nhà bếp mới để tặng lại gia đình cô chú tôi để thay bộ bếp lò đã sắp hỏng. Đối với hai mẹ con chúng tôi, đó là một số tiền rất lớn. Vì vậy, khoảng thời gian đó tôi đã giận lẫy với mẹ vì tôi nghĩ số tiền ấy cần thiết với chúng tôi hơn là đối với gia đình cô chú. Trước thái độ trẻ con của tôi, mẹ chỉ mỉm cười. Cuối cùng có một ngày mẹ cũng giải thích cho tôi hiểu khi đã thật sự chán chường với cái bộ dạng lầm lì, gắt gỏng của tôi. “Mẹ nhờ vả cô chú để đưa con sang đây vì mẹ muốn con có một tương lai mới. Để con thoát khỏi những mặc cảm với bè bạn, chòm xóm. Nhưng dù sao mẹ cũng không muốn mắc nợ người khác. Nhất là những món nợ tình cảm thì không trả nổi đâu con à.” Ngẫm nghĩ lại, tôi thấy mình hiểu và thương mẹ nhiều hơn. Chẳng có người mẹ nào lại đi tính toán với con cái, nhưng phận làm con, tôi biết mình thiếu mẹ nhiều lắm. Bao nhiêu công sức mẹ bỏ ra, sinh thành dưỡng dục, biết đến khi nào tôi mới trả nổi. Còn tình thương mẹ dành cho tôi như đất trời bao la, tôi đếm còn không xuể, thì biết lấy gì đền đáp cho vừa. Và vì vậy, tôi quyết tâm chăm chú vào việc học hành, với mục đích duy nhất trong đời là tìm cho mình một chỗ đứng vững vàng trong xã hội, để mẹ được sống những ngày tháng an nhàn, hạnh phúc. Mười sáu tuổi, tôi tìm được một việc làm bán thời gian ở một tiệm quà lưu niệm nhỏ. Tiệm có tên là Minh Hoa, được nằm sát trong một góc đối diện với cái trung tâm thương mại bề thế ở khu phố Bôlsa. Tiệm bị che khuất bởi những tấm bảng quảng cáo khổng lồ của những tiệm phở, những hàng Food To Go và những tiệm vải treo đầy ắp những bộ quần áo đủ kiểu. Minh Hoa là một căn tiệm nhỏ xíu, cũ kỹ. Thoạt nhìn, vẻ cũ kỹ của căn tiệm tạo cho nó một nét lạc lõng kì dị, dễ làm người ta lầm tưởng tiệm được thuộc về một căn phố cổ nào đó. Cánh cửa trước tiệm mang khung gỗ, với ô kính bên giữa được trang trí bằng hàng loạt những hàng hoa văn truyền thống màu phấn. Một chiếc chuông lớn bằng đồng được móc vào sau cửa, reo vui mỗi lần cánh cửa được đẩy ra và đóng lại. Nhiều bức tranh đủ thể loại được treo đầy trên những bức tường chung quanh tiệm. Phân nửa căn tiệm được chia ra để đặt những chiếc kệ xếp đầy tranh và những pho tượng thạch cao đủ loại. Các khoảng trống còn lại trong tiệm được chiếm cứ bởi những chiếc tủ búp phê cao nhòng, bề thế. Trên những chiếc tủ lớn trưng bày vài chiếc đồng hồ cổ, những chiếc hộp gỗ xinh xắn với những mẫu trang trí được khắc bằng tay, và nhiều món quà ngộ nghĩnh khác. Ông chủ tiệm là một ông bác khá lớn tuổi với mái tóc hoa râm. Tướng tá ông cao to, nhưng đôi vai hơi khum khum mang đầy những nét khắc khổ của những người đã từng trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống. Ông có đôi mắt hiền lành, lấp lánh qua đôi kính trắng, cho người ta cái cảm giác thân thiện ngay từ những giây phút ban đầu. Khi tôi đến xin việc lần đầu tiên, ông liếc sơ qua đơn xin việc của tôi rồi hề hà cười và hỏi: - Chú mày nói tiếng Việt lưu loát chứ? Tôi lí nhí dạ. Rồi ông nói tiếp: - Vậy thì tốt. Thôi được, ngày mai cứ tới đây làm thử, được thì tôi mướn. Thế là từ đó, tôi đến làm ở tiệm mỗi ngày sau giờ học. Công việc của tôi của tôi đơn giản là lau chùi sạch sẽ mọi thứ trong tiệm và túc trực bên quầy tính tiền. Nhưng ngoài ra tôi còn phải sắp xếp và thu gọn theo thứ tự những bản thảo được đặt lung tung trên chiếc bàn phía sau quầy. Những sấp bản thảo thường là những bản thông dịch ông chủ nhận làm cho vài tờ báo trong vùng. Hằng ngày, trong tiệm vắng tênh, thỉnh thoảng mới có một vài người khách ghé ngang. Điều buồn cười là có nhiều thứ trong tiệm chỉ được đặt làm tượng trưng chứ không để bán. Đó là những món mà khi rảnh rỗi ông chủ thường đích thân lau chùi và ngắm nghía. Tiệm này là một trong những căn tiệm đầu tiên ông bà chủ gom góp để mua, trước khi mấy đứa con ông ra trường và trước khi gia đình ông trở nên khá giả. Cách trang trí ở đây đã được bà chủ đích thân thiết kế. Hầu hết những món đồ ưng ý của bà như những chiếc đồng hồ cổ và vài bức tranh trên tường đều được nằm yên ở một chỗ từ khi bà qua đời, vì ông chủ không đồng ý bán bất cứ món nào trong số đó. Chúng gói gắm những tâm sự và kỷ niệm từ cái thủa bà chủ tiệm còn sống. Và thế là căn tiệm vẫn được mở cửa, dù con cái ông đã thành tài và tuổi ông đã khá cao. Riết rồi cũng thành quen. Sau sáu năm, tôi trở nên quen thuộc với mọi thứ trong tiệm, vì chúng cũng chẳng bao giờ bị xê dịch đi chút nào. Tuổi trẻ chúng tôi sống vì tương lai, nhưng tuổi già thì hình như chỉ sống vì kỷ niệm. o O o Khi tôi đến tiệm, ông chủ đã ngồi chiễm chệ sau quầy đọc báo và phì phèo một điếu thuốc lá. Thấy tôi, ông ngước lên cười: - Chú mày chọn ngày đi trễ nhỉ. Lâu lắm mới có một người vừa đến mua hàng. - Chú bán được món gì chưa? - Ờ thì cũng như thường lệ. Đó là một cách nói đùa của chúng tôi. Như thường lệ có nghĩa là chẳng bán được gì, cũng có nghĩa là người nào đó đã hỏi mua những món đồ kỷ niệm và bị ông chủ từ chối. Đa số họ đều nghĩ rằng ông ta điên khi ngồi ôm ấp những kỷ vật ấy. Vào thời đại văn minh như thế này, người ta bỏ ra những số tiền khổng lồ để mua những món theo thời. Còn kỷ niệm thì cứ từ từ chìm vào quên lãng vì nó chẳng đáng giá một xu. - Thôi chú mày coi tiệm nhé, để tau đem mấy bản dịch này đi giao cho tòa soạn. Tôi gật đầu. Ông hối hả ra cửa rồi còn ngoái lại, cười: - Mà nhớ đừng ngủ gật nhá, trộm nó khinh hết đồ đấy. Còn một mình trong tiệm, tôi xoay người sắp xếp lại đồ đạc trên bàn rồi bước ra sau tìm cái sọt rác. Đang lúi húi bên trong, tôi nghe tiếng chuông lúc lắc rồi tiếng sập cửa, nên vội vã trở ra. Vừa ra đến sau quầy, cái đầu tiên đập vào mắt tôi là mái tóc tha thướt dài của vị khách hàng. Cô gái đang say sưa ngắm một bức tranh treo trên tường. Mái tóc dài màu hạt dẻ được xen kẽ bằng những sợi tơ vàng mang nhẹ ánh nắng chiều được xỏa dài ôm sát bờ vai tròn lẳng. Dáng cô cao ráo, gương mặt thanh tú với làn da màu bánh mật. Cô mang vẻ đẹp mạnh mẽ, rắn rỏi như những pho tượng cổ mang dáng vóc của các thiếu nữ Hy lạp. Chắc cô gái cảm giác được cái nhìn tò mò của tôi nên cô quay phắt lại. Đôi mắt nâu lạc lõng trên khuôn mặt mang đầy nét phương đông. Cô tròn mắt nhìn tôi rồi bật cười dòn dã. Tôi cau mày: - What are you laughing about? (Cô cười gì đó?) Khuôn mặt cô gái lộ vẻ lúng túng. Cô im bặt rồi lại nhoẻn miệng cười, khoe hàm răng trắng như ngọc. - Oh no… À, tôi cười vì bề ngoài của căn tiệm làm tôi đang đoán là sẽ gặp một ông chủ khá lớn tuổi. Lần này đến phiên tôi tròn mắt nhìn cô gái. Cô trả lời rất rõ ràng bằng tiếng Việt, tuy không chuẩn lắm vì được pha một chút giọng tiếng Anh. Cô gái cười khúc khích, chắc đoán được suy nghĩ của tôi. - Tôi là người Việt. - À ra thế. Tôi không phải là chủ tiệm, chỉ là người bán hàng. Cô có cần tôi giúp gì không? Cô gái rút trong túi xách ra và đưa tôi một tờ giấy gấp tư. - Anh cho hỏi ở đây có ai tên là Phạm Trường Anh không? Tôi nhìn cô gái một cách ngạc nhiên, không hiểu sao cô ta lại biết tên mình. Tôi gật đầu, nhìn cô gái không khỏi ngờ vực. Tôi giở mảnh giấy trên tay ra, thì ra đó là bản copy của một tờ báo cũ, tôi nhận ra cái tựa với những hàng chữ quen thuộc. o O o Thoáng đó mà đã mấy năm trời. Năm lên lớp tám, tôi được xếp vào một lớp Mỹ thuật. Giờ học đầu tiên, sau khi tự giới thiệu về mình, mỗi học sinh được phát một tờ giấp trắng và một cây bút chì. Cô giáo tôi là một người Đức với giọng nói mạnh mẽ như những nghệ sĩ opera và mái tóc màu bạch kim. Cô đưa bàn tay với những ngón tay dài như những búp măng và chỉ về phía bảng, nơi chỉ có một chữ “draw” (vẽ) duy nhất được viết hoa to tướng. Vài cánh tay rụt rè giơ lên. - What do we draw? (Chúng em sẽ vẽ gì?) Cô giáo cười lớn, vung vẩy đôi cánh tay và nhún vai: - Draw something, anything! (Hãy vẽ một cái gì đó, gì cũng được!) Đó có lẽ là lần đầu tiên trong đời tôi cầm bút lên và nghĩ rằng mình sẽ vẽ một cái gì đó. Tôi đặt ngòi bút lên trang giấy, hí hoáy với những sáng tạo đầu tiên. Tôi bắt đầu vẽ những cảnh sắc, thích thú với những căn nhà nho nhỏ nằm lẫn trong một khu vườn xinh xắn với đầy những bông hoa muôn sắc, lập lòe trong ánh nắng. Tôi vẽ cho mình những chiếc xe hơi đời mới đủ kiểu, đủ màu. Tôi vẽ những cảnh đồng quê Việt Nam, rồi những cô gái duyên dáng trong những tà áo dài lả lướt. Những bức tranh đầu tiên của tôi mang hình ảnh của bản sắc dân tộc mình, của con người và của những ước mơ thời niên thiếu. Sau thời gian đầu tập làm quen với những nguyên tắc cơ bản, chúng tôi bắt đầu tham khảo cách vẽ của những trường phái khác như tranh của Picasso, Michealangelo, Da Vinci, Van Goth và nhiều họa sĩ khác. Chúng tôi gặm nhấp những niềm vui và những nỗi buồn của người họa sĩ. Những người trong một phút bất thần họ đã đắm chìm trong những ý tưởng táo bạo mà không mảy may hay biết rằng những đứa con tinh thần của mình sẽ trở nên vô giá trong hàng vạn con tim. Cuối cùng tôi tìm thấy niềm đam mê của mình qua những bức tranh trừu tượng. Chúng không nói lên những mơ ước tương lai, không nói lên những cảnh vật trước mắt, trái lại, chúng nói lên những suy nghĩ, những cảm xúc trong tôi, những cảm xúc dạt dào chưa được một lần diễn đạt. Với sự khuyến khích của mẹ, thầy cô và bè bạn, những năm đầu của trung học, tôi dành hầu hết thời gian rảnh rỗi ở lớp Mỹ Thuật, thích thú với những kiến thức gom góp được, thưởng thức những bức tranh nghệ thuật đủ loại, và sáng tác. Tôi lăn mình vào những cuộc thi, những chương trình Mỹ Thuật của trường và rinh về nhà hàng lô lốc những bằng khen và phần thưởng. Năm lớp 11, tôi tham dự cuộc thi hội họa do học khu Garden Grove tổ chức với chủ đề “Hope” (Niềm Hy Vọng) và may mắn đoạt được giải nhất. Có thể nói đó là phần thưởng lớn nhất tôi đã nhận được. Tôi vẫn còn nhớ ánh mắt mẹ tôi lúc nhìn tôi tiến lên khán đài, ánh mắt chứa chan niềm hãnh diện và lấp lánh những hạnh phúc. Có được những ủng hộ đó, tôi chìm đắm trong niềm đam mê của mình. Tôi thức dậy mỗi ngày với những ý tưởng sáng tạo và chìm vào giấc ngủ với những cơn mộng mị đầy ắp sắc màu. o O o Bất thần, tiếng cô gái vang lên làm tôi chợt giật mình. Cô nhìn tôi lo lắng. - Nè anh gì ơi, anh không sao chứ? - Tôi lúng túng: - À, tôi không sao. Mà ban nãy cô vừa hỏi gì nhỉ? Cô gái mỉm cười và lắc đầu tinh nghịch. - Tôi hỏi anh ở đây có ai tên là Phạm Trường Anh không? - À à, có. Mà cô hỏi làm chi? - Tôi muốn nói chuyện với ảnh chút. - Vậy à, có chuyện gì cô nói đi. Cô gái khẽ nhíu mày, vẻ mặt không được hài lòng. - Anh này kỳ ghê, tôi có chuyện muốn nói riêng với anh Trường Anh mà. Anh gọi ảnh ra đây giùm đi, hay là ảnh đi vắng rồi? Tôi phì cười: - Còn gọi ai nữa, tôi là Trường Anh nè. Tới đây dường như cô gái mới vỡ lẽ. Hai má cô đỏ hồng và cô cúi đầu bẽn lẽn. Tôi hắng giọng, hỏi lơ: - Cô kiếm tôi có chuyện gì? Mà sao cô có bài báo này? Gương mặt cô gái bắt đầu tươi tỉnh lại, cô mỉm cười: - Tôi quên tự giới thiệu, tôi tên là Anjolique Mai. - Tên Việt của cô là Mai? - Không, đó là tên họ của tôi, tôi theo họ mẹ.” Tôi lắc đầu: - Tôi không nghĩ đã từng gặp cô, tôi không quen nhiều người họ Mai, nếu đã gặp chắc tôi phải nhớ. Đúng là anh chưa gặp tôi, nhưng mấy năm về trước anh đã từng là học trò của mẹ tôi. Tôi đang nhíu mày nghĩ ngợi thì chợt nhớ đến cô giáo Mỹ Thuật thời trung học. Cô Mai Diễm Hân là mẹ cô? Cô gái hớn hở: - Anh nhớ đúng rồi đó. - Cô Hân vẫn khỏe chứ? - Mẹ tôi vẫn khỏe. Nhưng hôm nay tôi đến có chuyện muốn nhờ anh. - Cô nói đi. - Tôi muốn nhờ anh vẽ cho tôi một bức tranh… - Không được. - Anh chưa nghe tôi nói xong đã vội từ chối à? Tôi lúng túng: - À, tôi xin lỗi, ý tôi không phải vậy, nhưng mà tôi không nhận vẽ tranh, cô có thể nhờ chuyện khác, nếu có thể tôi sẽ giúp cô. Cô gái chau mày, bướng bỉnh: - Anh biết tôi khó khăn thế nào mới tìm ra anh không? Tôi đã cất công đến đây, anh chỉ cần vẽ cho tôi một bức tranh, anh lấy tiền công bao nhiêu tôi cũng trả. - Vấn đề không phải vì tiền… - Vậy vấn đề là gì? - Tôi nhìn cô gái, khẽ thở dài. - Đã từ lâu tôi đã tự hứa với lòng sẽ không sáng tác tranh nữa. Gương mặt cô gái thoáng vẻ ngạc nhiên. Đôi môi cô khẽ mấy máy nhưng cuối cùng lại nín thinh. - Thôi cô đừng nói nữa, nói gì cũng vậy thôi. Tôi lấy làm tiếc đã không giúp được cho cô, thôi cô về đi. Đôi mắt cô gái nhìn tôi chăm chăm như muốn hỏi thêm gì đó, nhưng chắc nhận ra sự nghiêm chỉnh, dứt khoát trong giọng điệu của tôi, cô gái thở dài, rồi lặng lẽ quay gót. o O o Tôi vẫn nhớ rõ khuôn mặt xanh xao của mẹ trên giường bệnh. Dù bị hành hạ với cơn bệnh, mẹ vẫn gắng gượng cười. Nụ cười trên gương mặt mẹ buồn hiu như những cánh hoa tươi tắn cuối cùng trong đóa hồng đã gần khô héo. Những ngày cuối cùng của mẹ là những ngày thật ngắn ngủi. Ngắn ngủi vì tôi biết mình không còn được ở bên mẹ bao lâu nữa, sẽ không còn được cảm nhận được sự ấm áp từ đôi bàn tay mẹ, sẽ không còn được gọi tiếng mẹ thân thương mà không thấy cõi lòng bùi ngùi gay gắt. Qua những giây phút cuối cùng bên mẹ, tôi chợt nhận ra mình đã quá hời hợt khi không cảm nhận được trái tim mẹ vẫn ấp ủ tình cảm dành cho ba. Trong cơn hấp hối, mẹ vẫn thầm gọi tên ba tôi. Từ đôi mắt mẹ, những dòng lệ tuôn chảy như tiếng thở dài an phận. Bàn tay khô đét, gầy còm của mẹ xiết chặt lấy bàn tay tôi. Mẹ khẽ mỉm cười, nụ cười chan hoà trong những giọt nước mắt. Ngày mẹ ra đi, trời mưa như trút nước, mưa như khóc, cho một mảnh vụn cuối cùng của một mối tình tan vỡ. Năm đó, tôi vừa tròn mười tám tuổi, dù vẫn đang học giữa năm cuối trung học. Tôi trở lại trường, lại tiếp tục với những bức tranh mới. Nhưng bấy giờ, chúng không còn mang đến cho tôi những niềm cảm hứng. Chúng trở thành những khí cụ để giúp tôi trở nên cô lập hơn đối với mọi người, để tôi khỏi bị nhắc nhớ đến những kỷ niệm ngày xưa và nỗi bi thương vì đã mất đi người mẹ yêu dấu. Những ý tưởng trong đầu tôi dần dần cạn kiệt, thay vào đó là những lo lắng bần thần khi phải mang trên mình những trách nhiệm mới. Học xong trung học, trái với sự mong đợi của thầy cô và bè bạn, tôi quyết định bắt đầu tìm việc làm thay vì cùng bạn bè thi vào các trường đại học Mỹ Thuật. Từ đó, những bức tranh cũ được xếp vào một xó, và cũng như những kỷ niệm của những ngày đã qua, chúng cũng từ từ biến dần vào quên lãng. o O o Hôm sau, trời lất phất mưa, cơn mưa phùn làm không khí mát lạnh, dịu bớt cái hơi nóng oi bức khó chịu trong thành phố. Nhưng những cụm mây mang đầy khí mưa làm bầu trời trở nên xám xịt, mất đi cái vẻ đẹp năng động của những giọt nắng chiều. Trở về nhà sau cả ngày làm việc ở hãng, tôi chợt cảm thấy uể oải, có lẽ bị ảnh hưởng bởi cái không khí ảm đạm bên ngoài. Dù biết sắp đến giờ phải đến chỗ làm thêm, tôi cố nấn ná thêm một chút trước khi rời khỏi nhà, trong đầu vẫn còn lãng vãng chuyện đã xảy ra hôm trước. Nhưng rốt cuộc, tôi cũng lại cố tự lôi kéo mình đến chỗ làm, vì nhớ hôm nay lại đến hạn tôi phải coi tiệm để ông chủ mang những bản thảo mới đi giao cho các toà soạn. Vừa đi, tôi vừa thầm cầu nguyện rằng cô gái sẽ không nổi hứng quay lại tiệm lần nữa, hay ít ra, nếu có quay lại cô gái sẽ nhờ tôi một chuyện nào khác, chẳng hạn như cô sẽ mua một món gì đó trong tiệm và không hỏi thêm gì về chuyện tranh ảnh. Có lẽ vì tôi không phải là một con chiên ngoan đạo, mà cũng có lẽ tôi đã không biết cầu nguyện cho đúng cách, nên thượng đế đã chẳng đoái hoài gì đến lời cầu khẩn của tôi. Bằng chứng là khi ông chủ tôi vừa rời khỏi tiệm và tôi còn đang loay hoay tìm sổ sách thì cô gái lại đến. - Tôi không có ý muốn làm phiền anh, nhưng đây là chuyện rất quan trọng. Tôi thở dài: - Thôi được rồi cô nói đi. - Tôi không biết anh có nhận thấy không, nhưng đối với mẹ tôi, anh là tâm huyết của bà. Mẹ tôi đã đặt rất nhiều tin tưởng vào anh. Bà rất thất vọng từ khi anh thôi học. Cô gái đột nhiên im bặt, những giọt lệ đong đầy trong đôi mắt. - Mẹ tôi trở nên buồn phiền và chẳng khá hơn chút nào dù tôi luôn tìm mọi cách giúp bà nguôi ngoai. Tôi biết mình không có quyền xen vào chuyện riêng của anh, nhưng tôi muốn nhờ anh giúp tôi họa một bức tranh tặng bà. - Cô giáo đã rất tốt đối với tôi. Nhưng cho dù tôi có đồng ý giúp cô đi nữa, một bức tranh thì có thể giúp gì được cho mẹ cô? - Tôi cũng không biết, nhưng tôi cảm thấy đó là điều cần thiết đối với mẹ tôi. Chúng tôi chỉ có hai mẹ con, tôi cần làm một cái gì đó, anh hiểu chứ? - Tôi hiểu, nhưng tôi sợ không thể giúp cô được. Tôi có lý do riêng, thành thật xin lỗi cô. - Nếu anh có chuyện khó nói, tôi không muốn ép, nhưng xin anh suy nghĩ lại một chút. Tôi đứng yên lặng một chút, đầu óc trống không. Cô gái quay bước sau một lúc không nghe thấy tiếng tôi trả lời. Tôi có thể nhìn thấy sự thất vọng qua những giọt lệ chảy dài trên khuôn mặt cô. Sau khi cô gái đi rồi, không gian trong tiệm trở nên tĩnh mịch lạ thường. Mọi thứ trong tiệm mang đến cho tôi cảm giác lạc lõng, xoay quanh bởi những vật vô tri. Tôi bồi hồi tự hỏi không biết tôi sẽ tự giam mình ở trong căn tiệm này trong bao lâu, và chắc chắn nếu không làm việc ở đây thì tôi cũng sẽ phải tìm một việc làm ở một nơi nào khác. Qua năm năm, những gì tôi học được từ cuộc sống là như vậy đó, người ta phải làm việc và làm bất cứ gì họ có thể dù đôi khi nó trái với mong muốn của họ. Vì con người ta còn phải sống và phải tồn tại dù cuộc sống có thật tuyệt vời hay hoàn toàn vô vị. Cô gái đến thăm tiệm hầu như mỗi ngày nhưng dường như cô đã quên bẵng chuyện muốn nhờ tôi vẽ hộ bức tranh. Mà không hẳn là đã quên bẵng, cô không đề cập đến chuyện bức tranh nữa, cũng như cô không hề hối thúc, đòi hỏi hay năn nỉ. Cô chỉ đến và lặng lẽ ngắm những bức tranh được treo trên tường. Ngoài những bức tranh của bà chủ quá cố, một số tranh được treo trên tường là những bức tranh tôi đã vẽ trong thời trung học do một lần người bạn cũ của tôi tình cờ tạt ngang qua tiệm. Sau khi nghe câu chuyện của tôi, ông chủ ngỏ ý muốn mua lại những bức tranh cũ. Lúc đó, tôi đang gặp một số khó khăn nên buộc phải đồng ý. Ông chủ tôi bảo rằng nếu bà chủ tiệm còn sống bà cũng sẽ rất thích các bức tranh ấy. Thế là ông treo chúng lên, và chúng lại nghiễm nhiên trở thành những thành phần trong các kho tàng kỷ niệm trong tiệm. Cô gái không chỉ ngắm tranh, cô nhìn chăm chú vào những tác phẩm, say sưa như đang cố nhìn vượt xa những ấn tượng bề ngoài. Bất chợt đôi khi, cô quay sang tôi, tươi tắn mỉm cười và hỏi: - Có phải bức tranh này anh đã vẽ trong một tâm trạng rất lo lắng, chẳng hạn như trước một kỳ thi qua trọng? - Có phải bức tranh này anh đã vẽ rất vội vã cho những ý tưởng phong phú đột ngột tràn về? Câu trả lời cho những câu hỏi của cô luôn luôn là đúng. Đến độ tôi cảm thấy kỳ lạ vì sự trùng hợp quá ngẫu nhiên. Đến lần thứ ba thì tôi bắt buộc phải lên tiếng. Hôm đó cô gái đang ngắm bức tranh cuối cùng tôi đã vẽ sau khi mẹ tôi qua đời. - Có phải bức tranh này anh vẽ khi có chuyện gì làm anh cảm thấy rất tuyệt vọng, như mất đi một người thân hay một cái gì đó rất quan trọng? Tôi như không tin được ở tai mình, tôi trợn mắt nhìn cô gái. Đôi mắt cô vẫn ngơ ngác nhìn tôi thắc mắc. Gương mặt cô trong sáng, chẳng có chút gì như đang đùa cợt tôi. Nếu gương mặt kia đang dối gạt tôi thì cô nàng phải chắc phải chuyên nghiệp lắm. Tôi không tin vào những trùng hợp ngẫu nhiên, nhất là tôi không tin có những sự trùng hợp đến ba lần. Vậy cô hãy nói cho tôi biết, cô là thầy bói hay đây chỉ là một trò đùa cay cú của cô? Cô gái vẫn yên lặng. Bất giác, cô khẽ mỉm cười, nụ cười sao dễ làm người ta cảm thấy chua xót. - Anh ngạc nhiên vì tôi có thể hiểu được những bức tranh của anh chỉ trong lần đầu tiên nhìn thấy chúng? Cô gái quay sang tôi, đôi mắt đẫm nước. - Nhưng đây không phải là lần đầu tiên. Tôi đã nghe về chúng đến triệu lần vì mẹ tôi luôn nói về những bức tranh của anh. Bà vẫn nhớ từng hoàn cảnh, từng cảm xúc, từng giọt mồ hôi anh đã dùng để tạo nên chúng. Bà vẫn nhớ tất cả, chỉ có anh là người đã lãng quên. o O o Một buổi chiều trong bệnh viện, mẹ và tôi ngồi ngắm ánh hoàng hôn, ngắm những giọt nắng chiều lung linh trong cơn gió thoảng. Mẹ xiết lấy tay tôi, mỉm cười: - Sau này khi con lớn, con muốn làm gì với cuộc đời mình? - Con muốn có một việc làm ổn định và sống với mẹ trong những ngày tháng vui vẻ, an nhàn. Mẹ lại cười, đôi mắt mẹ cũng cười, trông còn rạng rỡ hơn ánh nắng bên ngoài. - Tội nghiệp con, con sắp biến thành ông cụ non rồi đấy. Tôi gục đầu lên cánh tay mẹ, thấy cay cay nơi sóng mũi, những giọt nước mắt cứ lặng lẽ rơi. - Con không muốn làm gì nữa nếu không có mẹ bên cạnh. Bàn tay mẹ vuốt nhẹ vai tôi, đặt nụ hôn nồng nàn trên mái tóc. - Hãy tự sống cho mình con ạ, cuộc đời mình không thuộc về ai cả. Mẹ giương đôi mắt nhìn qua cửa sổ. Tiếng mẹ chậm rãi và trầm ấm, nghe như một tiếng thở dài. - Mẹ luôn mong ước sẽ biến thành những giọt nắng, hay một ánh lửa. Mẹ luôn muốn có một cuộc sống thật tự do, thật phóng khoáng. Dù là cuộc sống thật ngắn ngủi, chỉ cháy lên những sắc màu thật tuyệt vời rồi vụt tắt. o O o Ngồi trước giá vẽ, tôi hý hoáy pha màu. Trong đầu tôi, những sắc màu trên tay và những sáng tạo trong tiềm thức quay cuồng như đang nhún nhảy theo những bản hợp ca. Mùi hăng hắc của sơn dầu tỏa ra đầy trong căn tiệm. Chúng mang đến cho tôi một cảm giác rất quen thuộc, rất thoải mái. Tôi dùng cái giá vẽ do ông chủ tiệm tặng sau khi nghe tôi sẽ bắt đầu vẽ tranh lại, nó quí báu như tấm lòng của ông vì nó cũng là một phần trong số những kỷ niệm vô giá trong tiệm. Tôi nhắm mắt lại, cố nhớ lại bóng dáng của mẹ ngày xưa. Tôi sơn đen phần nền của bức tranh, màu đen tuyền, mạnh mẽ như cá tính của mẹ, trầm lặng nhưng nồng nhiệt. Bố cục của bức tranh là một đôi mắt. Từ đôi mắt ấy, từng cơn lốc quay cuồng. Nếu nhìn thật kỹ, người ta không còn nhìn thấy cơn lốc, nhưng là những nếp nhăn dài, hằn sâu trên da thịt, nếp nhăn của những năm tháng cuộc đời. Những cơn lốc mang đầy những sắc màu của nắng và lửa, mạnh mẽ và nồng nàn, cháy bỏng lên từng hồi cảm xúc. Ngọn lửa dù đang nồng cháy, không làm cho người ta hoảng hốt, trái lại, nó mang đến một cảm giác ấm áp như được bảo bọc trong tình yêu tột đỉnh. Xoay vần theo cơn lốc, những sắc màu ấy rực lên một sức sống thật mãnh liệt, truyền cảm. Nồng cháy như thân phận của một người mẹ vượt thoát ra khỏi những xét đoán, những định mệnh của cuộc đời và sống trong những cảm xúc thực sự của mình dù chỉ trong một chốc. Đó là những mơ ước suy tư của mẹ, tất cả được diễn đạt trong một bức tranh. Như thấy thiếu một chút gì đó, tôi pha thêm một chút phẩm xanh vào giữa đôi mắt. Màu xanh lơ không làm mất đi vẻ đẹp của bức tranh, nó tôn lên những sắc màu huy hoàng trong cơn lốc. Những chấm xanh nhỏ nhoi long lanh như những giọt nước mắt. Màu xanh thanh tao, dịu dàng và quen thuộc đến độ làm tôi bật khóc, khóc ròng rã như một đứa trẻ con bất chợt tìm thấy hình bóng mẹ. o O o Tôi ghé thăm hai mẹ con cô giáo vào một buổi chiều Cả hai rất xúc động khi gặp lại tôi. Sau một lúc trò chuyện, tôi báo với họ rằng tôi vừa được nhận vào một trường Mỹ Thuật ở một vùng khác. Số tiền học bổng tôi nhận được không cao lắm, nhưng cũng không đến nỗi phải chạy vạy lo lắng trong thời gian theo học. Cô giáo ôm chầm lấy tôi, còn cô con gái thì sụt sùi khóc. Mới khóc một chút, cô gái đã bắt đầu nghịch ngợm, cô xoay sang mẹ mình, nháy mắt: - Vậy mai mốt ảnh nổi tiếng thì bức tranh trong nhà mình cũng nổi tiếng, vậy là mình giàu to rồi mẹ ha? Cô gái gõ vào đầu con gái mình, âu yếm: - Không đâu con ạ. Đối với mẹ, bây giờ bức tranh đó đã là vô giá rồi. Tôi chẳng biết nói gì, cứ đứng đó mỉm cười ngờ nghệch trong khi hai mẹ con cô dặn dò đủ thứ. Sau khi từ biệt họ, tôi lái chiếc xe cà tàng khắc khổ của mình ra biển. Tôi muốn dành những giây phút còn lại bên mẹ trước khi bước sang một hành trình mới. Bây giờ trời đã gần tối, bầu trời khoác lên mình một chiếc áo lộng lẫy được phản chiếc lấp lánh trên mặt biển xanh thẳm. Tôi lặng lẽ ngắm nhìn cảnh hoàng hôn tuyệt vời ấy, thích thú ngắm những giọt nắng cuối ngày chói loà lung linh soi mình trên làn nước biển xanh thẳm, như đang khiêu vũ với từng cơn gió lùa trong bản nhạc bất hủ của thiên nhiên. Tôi cảm thấy hạnh phúc được chiêm ngưỡng cái kỳ quan ấy, vì đã quá quen thuộc với những sắc màu rực rỡ, sáng ngời kia. Một cơn gió thoảng qua và tôi bắt đầu cảm nhận được cái hơi ấm của nắng như ôm ấp lấy toàn thân. Cơn gió lướt qua mái tóc, âu yếm và ấm áp như những nụ hôn dịu ngọt của mẹ. Nụ cười của mẹ như còn vương vấn đâu đó trong ánh chiều tà. Từ giây phút này và cho đến mãi về sau, tôi sẽ gọi những sắc màu ấy bằng cái tên rất đỗi thân thương: “Những sắc màu của mẹ”.