ắn lên Gia Lai từ những năm 80-81. Sau này hắn kể, lúc nhận quyết định đi Gia Lai hắn chẳng biết Gia Lai là cái mô tê chi cả, hắn nghe địa danh này lần đầu, thế mà hắn cứ đi. Khi đi, mạ hắn còn nói "Con cố xin về Cheo Reo công tác". Ở Huế, hồi đó người ta biết địa danh Cheo Reo, Phú Bổn hơn là Gia Lai. Còn Pleiku! người ta tưởng nó nằm ở một nơi khác. Hắn lên, chỉ mang theo cái túi xách cà tàng và một vali sách, đa số là sách văn, truyện, khảo cứu... viết về Huế, quê hương của hắn. Tôi và hắn quen nhau nhân một lần ra bưu điện gởi thư cuối năm 81. Có lẽ cái chất Huế nó hiển hiện trên khuôn mặt chúng tôi, lại thêm cái giọng Huế trọ trẹ của tôi và cái giọng Huế rất đậm của hắn làm chúng tôi thân nhau ngay. Hắn là Huế gốc, tôi là Huế lai. Với tôi! Huế xa, xa lắm, tôi xa Huế tính ra đã là đời thứ ba rồi. Còn với hắn thì Huế luôn hiện diện trong lời nói, giọng nói, sở thích, vui, buồn, hờn, giận...nói chung hắn là người Huế "mắc bệnh" nghiện Huế. Nhiều năm thân với hắn, tôi không hiểu tại sao hắn lại bỏ "sông Hương núi Ngự" mà đi. Có lần tôi đùa với hắn "Chắc Huế đói quá nên bỏ đi chứ gì?" chỉ thế mà hắn giận tôi suốt tuần. Năm nào hắn cũng về Huế hai lần. Một lần vào dịp tết, một lần vào dịp hè. Khoảng 26, 27 tết hắn mang vợ con về, bất kể xe cộ khó khăn, dịp về này hắn chỉ ở nhà với ba mạ hắn, đi thăm chúc tết bà con. Lúc lên hắn vui lắm, hắn khoe ba mạ hắn khỏe, trẻ ra, mấy đứa em hắn làm ăn khấm khá, tết ở Huế rất vui.... Còn dịp hè, hắn đi một mình, lâu hơn, có khi là 2 tuần. Trái với những lần về tết, những lần này hắn lên, mặt dài thườn thượt, không nói, bỏ ăn, bỏ nhậu hai ba ngày và khi nguôi ngoai một chút hắn bắt đầu nói bù. Bao giờ cũng vậy, hắn rủ tôi ra quán café vắng rồi mở đầu bằng câu "Quê mình đẹp rứa răng mình lại bỏ mà đi?" hắn nói mà rươm rướm nước mắt. Rồi hắn kể về những ngày ở Huế: thăm nhà xong là hắn xách chiếc xe đạp - sót lại từ thời ông bác - lang thang khắp Huế: Từ chùa Huyền Không, sang Từ Hiếu, về Nam Giao, dọc bờ sông về Bến Ngự, rồi lại qua Cầu Mới, vô Thành Nội... Hắn thích nhất là lang thang dọc đường Lê Lợi, nhớ những "ngày xưa còn bé" theo "em Đồng Khánh" với tà áo dài trắng thướt tha. Có lần hắn đạp xe về tận Thuận An, lúc lên lại rẽ qua Dưỡng Mong, Ngọc Anh, Lại Thế, về lại Vĩ Dạ, qua Đập Đá. Có khi hắn đạp xe thẳng lên Tuần, rồi ghé thăm các lăng tẩm vua chúa nhà Nguyễn ngày xưa... Cứ thế, hắn lang thang khắp Huế suốt tuần, rồi lại thẩn thờ rời Huế mà đi như những lần về. Hết kể chuyện đi lang thang hắn lại nói đến chuyện ăn. Chao ôi! Nghe hắn kể món ăn Huế mà bắt ham: bánh lọc, bánh nậm, bánh ướt, bánh khoái Thượng Tứ, bánh bèo Ngự Bình, chè hột sen, chè đậu đen Vạn Vạn. Hắn kể về nhiều món ăn nghe rất lạ như món chè bọc lọc bọc...thịt heo quay, món chè bông cau - hắn kể - được nấu với bột báng, bột lọc, đậu xanh đãi vỏ nhưng phải cho vào nồi chè một chút hoa cau mới nở - nhất là cau Nam Phổ - mới ngon.... Mỗi lần về Huế món ăn chủ yếu của hắn vẫn là cơm hến, hắn kết luận: cơm hến ngon hơn bún hến (món ăn giống cơm hến nhưng người ta dùng bún thay cơm nguội), bún hến chỉ là cái cải biên của cơm hến mà thôi. Món mà hắn thích nhất là cá bống thệ kho khô ăn với cháo gạo đỏ. Này nhé: cá bống thệ loại nhỏ, tươi roi rói, đem ướp nước mắm, đường, tiêu, ớt, hành hương, rồi cho vào nồi đất, thêm một chút "đường thắng(1)", kho rim. Gắp ra, con cá cong hình cánh cung, thịt chắc, ăn với cháo gạo rằn, chén cháo nấu đặc sệt, nóng hổi, thơm mùi lúa mới, ăn vào nghe vị bùi bùi, ngây ngất. Món này mà ăn vào những buổi sáng Mùa Thu, gió se lạnh, hoặc những ngày Đông mưa dầm xứ Huế thì... tuyệt. Với hắn, cái gì Huế cũng nhất, ăn hột vịt lộn hắn chê rau răm không thơm bằng rau răm Huế, ăn "bưởi Năm Roi" hắn cũng chê không bằng một góc thanh trà Lại Bằng bên bờ sông Bồ của Huế, đến nổi uống café Gia Lai hắn cũng chê café đậm quá uống vào... mệt tim, không bằng café Bưu điện Huế ngày xưa, uống vừa ngon đậm đà, vừa lành, vừa bổ. Hắn kể: hồi xưa, có lần hắn "biểu diễn âm nhạc" cho bồ hắn nghe bằng hai bài "Lưu Thủy", "Kim Tiền" đàn bằng Mandolin. Bị phản đối quá chừng, nếu không hắn sẽ thêm "Tứ Đại Cảnh", "Nam Ai", "Nam Bình"... và có khi kết thúc bằng "Chiều chiều dắt mạ qua đèo (2)" vừa đàn vừa hát nữa cũng nên. Thế mà hắn cũng "tán" được, cũng nên vợ nên chồng và người ta cũng bỏ Huế mà đi theo hắn (cái thằng hiền quá! trước giờ hắn chỉ có một bồ, là vợ hắn bây giờ!). Hắn là người rất tốt, chân tình và hết mình với mọi người, sẵn sàng giúp đỡ bạn bè vô điều kiện. Ai cũng công nhận như thế cả. Nói chuyện, hắn chuyên dùng từ của Huế chính gốc, kể cả những từ rất cổ. Hắn đơn giản "nghĩ gì nói nấy" không chịu "uốn lưỡi bảy lần trước khi nói" bởi thế mà hắn thường bị bạn bè giận "oan". Một buổi tối, hắn đến nhà cô bạn từ thời sinh viên, cô bạn khá thân, ngồi cạnh hắn suốt mấy năm đại học. Hơn mười năm gặp lại, hai người nói chuyện đến tận khuya, câu chuyện đến hồi khoe vợ (chồng), khoe con, cô bạn đưa tấm hình đứa con trai 8 tuổi cho hắn xem. Hắn buột miệng nói một câu "Thằng này ngó (trông) lỳ quá hỉ?". Cô bạn đổi nét mặt, nói vớt "Không, cháu ngoan lắm!". Chao ơi! Con vàng con bạc của người ta, mới nhìn qua ảnh mà đã "chơi" một tiếng "lỳ" ai mà không giận, không phải bạn chắc có khi uýnh nhau chứ chẳng chơi. Tội nghiệp cho hắn! phải hiểu hắn là người Huế, Huế chính gốc, Huế từ đời ông tằng ông tổ. Hắn nói "lỳ" là nói theo kiểu của người Huế xưa, nghĩa là có bản lĩnh, là vững chãi, là không sợ bất cứ khó khăn nào, đó là một tiếng khen. Nhưng cô bạn hắn là người Bắc, cô ấy đâu có hiểu như vậy, cô ấy hiểu "lỳ" hắn nói là "lỳ lợm, không vâng lời", thế mới chết cho hắn. Hơn 10 năm rồi hắn vẫn chưa thanh minh được và cô bạn hắn thì vẫn còn giận cho đến bây giờ. Ba mươi năm xa Huế, hắn vẫn cứ cái giọng Huế "chuẩn" như những người Huế chưa từng bước chân ra khỏi nhà. Đi chợ hắn hỏi người ta "Ở đây có bán chén đoại không?". Vào nhà thuốc hắn nói: "Bán cho mấy viên thuốc đau cái trôốc". Sai con quét cái sân hắn nói "Xuốt cái cươi!..bây". Nhìn con ăn, hắn nói "Ăn rủng rải, con". Cha mạ ơi! Ai biết cái "đoại" hắn nói là cái gì mà bán! Ai biết cái "trôốc" hắn nói là cái gì mà bán thuốc giảm đau, ai biết "cươi, xuốt" hắn nói là gì mà "xuốt cái cươi"! Còn "ăn rủng rải"... chắc chỉ có con hắn hiểu! Những từ Huế mà có khi người Huế - những người suốt đời không bước chân ra khỏi Huế - đã quên, thế mà hắn vẫn cứ dùng. Có bữa vợ hắn khoe đi khoe lại cái áo mới mua, hắn làm một câu "thôi đừng trến nữa!". "Trến?" cha mạ ơi! (xin lỗi cho tôi gọi lần nữa!) ai biết trến là gì?!. Lờ mờ tôi hiểu trến là khoe ra, khoe đi khoe lại trong khi người khác không thích (có phải thế không hỡi những người "rất Huế"?). Hắn nói "rặc ri" tiếng Huế, thường xuyên "mô, tê, răng, rứa", tôi góp ý thì hắn nói "tiếng Huế hay ri răng lại đổi?". Rồi hắn vừa cười hề hề vừa nói thêm: "Mi biết không, người Huế là tổ tiên của người Nhật đó, mi-đi-mô-ri, tau-đi-ra-ga, mi-đi-ga-mô, tau-đi-ga-tê. Mi nghe có giống cô-ni-chi-va, a-na-ta-va, a-ri-ga-tô(3) không?". Cái này thì tôi biết chắc là hắn xạo, nghe quen lắm, hình như hắn "thó" từ một chuyện vui nào đó! Dù có cố gắng nhưng hắn vẫn nói ngọng, ngọng rất Huế, rất dễ thương!. Cái nhà thì hắn nói là cái "dà", nho nhỏ thì hắn nói là "do dỏ". Bởi thế có lần bạn bè bắt hắn nói câu "nhà em nhỏ có giàn nho" sửa đi sửa lại mãi hắn vẫn cứ nói "dà em dỏ có dàng do"... chịu! Đó là những cái thiếu sót, cái "hớ" của hắn, hớ có tính cách địa phương, theo tôi thì hắn không có lỗi, lỗi chăng thì đó là lỗi do hắn yêu Huế của hắn quá mà thôi!. Nhưng cũng có khi hắn... nói bậy. Mới đây thôi, hắn đến nhà bà chị họ. Trông thấy đứa cháu ngoại bà chị hơi ốm yếu một chút, hắn buột miệng "thằng ni yểu tướng quá hè!". Yểu tướng? tướng chết yểu? lần này hắn không gặp may như là lần nói "lỳ" hồi xưa, hắn bị bà chị họ cho một trận, không có chỗ trống để điền vào... lời xin lỗi. Hắn là giáo viên văn, đã từng là giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, thế mà hắn vẫn sợ... nói bậy khi lên lớp, nhất khi dạy bài giảng văn "Đoàn thuyền đánh cá". Trong bài văn này có câu "Biển vẫn lồng lộn...", đứng trên núi thì có gì mà phải sợ biển... lồng lộn? Thế mà hắn vẫn sợ, hắn sợ mình nói lộn theo kiểu "nói lái" của người Huế. Bởi thế cho nên hắn cẩn thận ghi bảng bốn chữ này ngay dưới tên bài học, và khi đọc, hắn đọc từng chữ (vì sợ đọc lộn "biển vẫn lồng lộn" thành "biển vẫn......." thì chỉ có nước...bỏ nghề). Nhưng... thế mà lại ăn! các thầy cô dự giờ ngồi dưới tưởng hắn áp dụng "phương pháp tạo điểm nhấn cho chủ đề" nhờ thế mà hắn được danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và món tiền thưởng gần một phần tư triệu đồng. Nghe hắn rủ, tôi có về Huế một lần, cùng hắn. Đó là năm 95 sau trận bão lớn ở Huế. Đến Lăng Cô, chao ôi là hắn vui! hắn cười nói, hát hò luôn miệng. Bỏ ghế, chúng tôi ngồi bệt xuống sàn phần đuôi xe, cảnh vật chạy lùi về phía sau vun vút. Qua đến Phú Lộc, nhìn nhà cửa, ruộng vườn xơ xác hắn khóc rưng rức và hắn nói với tôi, chỉ một câu, trong nước mắt: "Quê mình răng khổ ri mi!" Bây giờ hắn đã đứng tuổi, già thì chưa phải là già, nhưng dĩ nhiên là không còn trẻ nữa. Hắn đã xa quê hơn ba mươi năm, ba mươi năm xa quê nhưng Huế vẫn thấm đẫm trong tâm hồn hắn, không một chút đổi thay. Tôi yêu hắn vì điều đó, và qua hắn tôi thấy yêu Huế hơn, Huế của hắn và Huế của tôi, mặc dù tôi là người xa Huế đến mấy đời. Và tôi thấy vang vọng đâu đây một giọng hò mái nhì buồn man mác: Chiều chiều trước bến Văn Lâu, Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm? Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông? Thuyền ai thấp thoáng bên sông, Đưa câu mái đẩy, chạnh lòng nước non! Huỳnh Công Toàn ------- (1) Đường đen đun lửa nhỏ để hơi cháy, dùng để tạo màu nâu đen cho một số món ăn khi chế biến. (2) Lý qua đèo, dân ca Huế. (3) Tiếng Nhật: - Konnichiwa (cô-ni-chi-va) (Chào bạn) - Anata wa? (a-na-ta-va) (Còn bạn khỏe không?) - Arigatou (a-ri-ga-tô) (Cám ơn bạn).