ồi ấy khu phố Thiên Hựu này vẫn còn là một vùng đất hoang vu. Thời Pháp đây là vùng đất lưu không ngoài hàng rào của một căn cứ quân sự, chằng chịt dây thép gai và bom mìn. Sau ngày tiếp quản Thành phố, theo bản đồ phân chia địa giới, phía trong hàng rào thuộc quận nội thành, phía ngoài thuộc quyền quản lí của một xã thuộc huyện ngoại thành. Từ đây đến khu dân cư của xã phải đi qua một cánh đồng hơn ba ki lô mét. Vùng đất giáp ranh này hầu như không có người quản lí, trở thành "thánh địa" của bọn trộm cắp lưu manh, của dân tứ chiếng giang hồ, chỉ cần mấy cọc tre, vài tấm ni lông che tạm là có thể trở thành thiên đường của những cặp tình nhân Thị Nở-Chí Phèo, rồi sinh con đẻ cái rồi thành gia đình, thành xóm ấp. Nhiều người hoàn lương trụ lại tìm sinh kế lâu dài. Thoạt tiên họ đào đất làm gạch tự xây lấy nhà, dần dà họ chuyển sang làm gạch để bán, đào đất làm gạch, đất lại thành ao, lại có thêm nghề nuôi cá, nuôi ba ba, thả bèo hoa dâu nuôi lợn...Thành phần cư dân cũng được cải thiện dần, những người lính sống trong doanh trại bên trong hàng rào khi phục viên không muốn về quê cũng ra đây xí một mảnh đất, một khoảnh ao chuôm, với sự giúp đỡ của đồng đội chẳng mấy chốc một ngôi nhà mới ra đời. Nhiều cán bộ nhân viên cỡ tầm tầm không có tiêu chuẩn được phân nhà cũng lần mò ra đây xin hoặc mua lại đất của những người ra trước để làm đất ở. Ông Tuệ phó chỉ huy trưởng khu căn cứ quân sự về hưu được đơn vị chia cho hai trăm mét đất mặt đường gần khu căn cứ, ông bán đi ra đây liên hệ với xã xin san lấp cả một vùng ao chuôm hoang vu hơn năm trăm mét vuông để xây nhà. Ngôi nhà ấy của ông, hai mươi năm về trước, khi ông xây nó được coi là một kiệt tác, nó đẹp hơn, hiện đại hơn cả những ngôi nhà Tây trên khu Ba Đình- Hà Nội. Ngôi nhà ấy lại mọc lên giữa một "xóm liều", giữa san sát các ngôi nhà lợp bằng fe-rô xi măng, giấy dầu, tôn nhựa.giữa những ngôi nhà hộp như các thùng công tơ nơ chồng lên nhau, tường vôi loang lổ...khiến cho sự tương phản thêm chói chang và làm nhiều người khó chịu. Những người biết rõ ông, biết ông cho đến giờ phút này vẫn chỉ là một nông dân thuần hậu, một nông dân 100% từ đầu đến chân, thông cảm với ông cũng không khỏi ngạc nhiên, không hiểu ông lấy đâu ra cảm hứng và hiểu biết để quyết định xây dựng một ngôi nhà như vậy! Suốt ngày ông chỉ quanh quẩn trong ngôi nhà, tay cầm cái giẻ lau, nhìn chỗ nọ ngó chỗ kia thấy ở đâu có nột vết dơ là ông lau ngay tức thì. Phòng khách của ông khá rộng, nó hệt như một show room giới thiệu đồ gỗ mỹ nghệ: Một bộ sa lông mười thớt chạm khảm bằng gỗ mun sọc to bự, một chiếc sập gụ thước tám, một cái tủ ba buồng, tất cả đều làm bằng gỗ mun sọc và được chạm khảm bằng thứ ốc đắt tiền lấp lánh sắc màu. Hết ngồi bệt ở hàng hiên nhìn trời đất, ông lại mở cửa phòng khách vào nghiêng ngó xem đêm qua có hạt bụi nào dám bay qua cửa sổ rơi xuống các bộ đồ gỗ của ông hay không.Dù có bụi hay không ông cũng lau qua một lượt. Xong, đóng cửa lại, ra hàng hiên ngồi bệt sưởi nắng, đứng dậy, ra góc xa của khuôn vườn ngước lên nhìn ngắm toàn cảnh ngôi nhà. Suy nghĩ điều gì đó, ông đưa tay lay lay gốc cây trước mặt rồi lại đi vào nhà, mở của phòng khách, nằm ngửa lên chiếc sập gụ, giang rộng hai tay, nhìn trần nhà, ngáp một cái rõ to và dài. Hình như ông muốn khẳng định ngôi nhà ông đang sống là có thật, là của ông do ông làm ra chứ không phải là giấc chiêm bao. Ông ngồi dậy, bước xuống đất, tay vẫn cầm cái giẻ lau, mặc dù khi nằm ông đã để hai bàn chân thò ra ngoài đề phòng bụi rơi xuống mặt sập nhưng ông không quên lau lại mặt sập một lần nữa trước khi bước ra khỏi phòng. Nhà không mấy khi có khách, ông nẩy ra sáng kiến may mấy tấm bạt lớn phủ kín bề mặt của các bộ sa lông, sập, tủ. Những khi có khách, ông vén bạt lên vừa đủ chỗ cho khách ngồi, chỉ khi khách đứng dậy chào ra về ông mới kéo toàn bộ các tấm bạt ra để giới thiệu cho khách biết sự tinh xảo của các bộ đồ gỗ nhà ông. Vợ ông cả ngày quanh quẫn ở sau bếp, chỉ khi nào thấy ông vui và mở cửa phòng khách bà mới ra đứng ở cửa ngấp nghé nhìn vào ngắm những bộ đồ gỗ mà cả đời bà chưa một lần được thấy. Lấy vợ từ năm mười tám tuổi, cưới nhau xong ông đi bộ đội, gần năm sau nhận được thư nhà, biết mình có con gái đầu lòng. Bôn ba hết mặt trận này đến mặt trận khác, năm vợ ông bốn lăm tuổi, tưởng rằng không còn cơ sinh đẻ, may sao trong lần gặp nhau ngắn ngủi ấy, bà có mang và sinh được thằng Nguyện, đứa con út bây giờ đang học cấp ba. Đối với ông bà, nó là tất cả, đôi khi ông ngồi nghĩ quẩn, giả sử vì một lí do nào đó mà nó không còn, nó không ở với ông nữa thì ông sẽ sống ra sao, nước mắt ông tự nhiên ràn rụa. Chiều chiều ông ra cửa ngóng nó đi học về, trông thấy một đứa trẻ từ xa phóng xe về ông đưa tay vẫy, miệng nở nụ cười, đến gần mới biết không phải con mình. Ông đứng lại, mắt hướng về tốp học trò đi phía sau tiếp tục tìm bóng dáng đứa con trai của mình. Đứa con trai lên tám tuổi mới biết mặt bố, rồi tiếp theo mỗi năm đôi lần bố con gặp nhau ngắn ngủi. Ông mới chỉ được sống cạnh vợ con chưa đầy ba năm nay, từ khi ông nghỉ hưu. Ông thấy mình có lỗi với con và nỗi thương vợ đến xót xa..Từ ngôi nhà lá dột nát ở quê, đi vào, đi ra chạm đầu đến ngôi nhà lầu tiện nghi hôm nay đó là những gì ông đã làm được, dành được trong chặng đường hơn bốn chục năm qua. Ông tưởng đấy là sự đền bù cho những gì mất mát của vợ, của con và của chính bản thân mình, đấy là hạnh phúc có được trong chặng đường già nua tuổi tác còn lại của cuộc đời, té ra không phải vậy, hạnh phúc ấy đang nằm nơi đứa con ông, thằng Nguyện. Ông cảm thấy một cái gì đó còn mong manh xa vời hơn cái ngày ông mặc chiếc áo vá với nắm cơm muối vừng lên đường đi tìm hạnh phúc bốn mươi năm về trước! Ông dành cả tầng hai cho con trai, trang bị cho con không thiếu thứ gì: Dàn thiết bị âm thanh, máy vi tính, điều hòa nhiệt độ...Các môn học chủ yếu đều có hợp đồng mời thầy giáo đến nhà dạy kèm. Nhưng Thằng Nguyện tư chất bình thường lại mất căn bản quá nhiều năm nên ít khi đạt danh hiệu học sinh khá và chưa một lần được xếp loại giỏi. Kết quả Nguỵện thi trượt Đai học. Ông quyết định mời thầy luyện thi cho Nguyện để tiếp tục thi vào năm sau nhưng Nguyện không chịu, muốn được đi làm. - Thời buổi này không bằng cấp, không có kiến thức chuyên môn, biết xin việc ở đâu bây giờ! Ông Tuệ nghĩ thầm. Bổng ông nhớ đến người cháu họ xa, anh Cầu đang là trưởng phòng ở sở Ngoại vụ. Cầu thuở bé học hành chẳng ra gì, thi trượt Đại học, anh xin vào làm chân loong toong trà nước ở Sở Ngoại vụ. Nhờ tài tháo vát, xoay xở anh được tuyển vào ngạch nhân viên rồi kiếm được cái bằng tại chức Kinh tế quốc dân và bây giờ đã là Trưởng phòng Đối ngoại, ăn trắng mặc trơn, về làng cũng xe pháo nghênh ngang như ai...Những anh cùng lứa Cầu, học giỏi, đi con đường chính quy, có người còn đi học nước ngoài về bây giờ cũng chưa mấy người sánh kịp. Nguyện vào làm ở sở Ngoại vụ, đúng vào cái vai anh Cầu mười lăm năm trước. Nguyện coi Cầu là một thần tượng, Cầu bảo gì anh răm rắp làm theo, cúc cung tận tụy. Có lần chuẩn bị cho một buổi mét ting, ông thủ trưởng đến nghiêng ngó một lúc rồi bảo Cầu: - Câu khẩu hiệu các anh treo hơi cao, cho thấp xuống một tý! - Vâng ạ, Cầu ngoan ngoãn kéo Nguyện cùng chạy về phía sau hậu trường, Nguỵên toan leo lên hạ thấp câu khẩu hiệu xuống theo lệnh của sếp, Cầu kéo tay Nguyện đứng lại, "Chẳng cần sửa sang gì đâu"- Cầu bảo. Sắp đến giờ khai mạc, Cầu thì thầm gì đó vào tai Nguyện, sai Nguyện chạy ra báo cáo xem sếp đã vừa ý về độ cao của tấm băng khẩu hiệu hay chưa? Sếp ngớ ra một lúc rồi ngước lên nhìn: "Tốt lắm", Sếp phán. Một lần khác, trong một hội nghị, Cầu chuẩn bị cho sếp một bản báo cáo, sếp lật lật qua các trang rồi bảo: - Bản báo cáo các cậu làm sa đà vào các chi tiết vụn vặt, thiếu tính khái quát, lô gích thiếu chặt chẽ.. Người nghe người ta đâu có cười các cậu mà là cười tôi đấy, các cậu có biết không? Nếu không chịu khó học tập nâng cao trình độ, tôi e các cậu khó đảm nhiệm được nhiệm vụ của một nhân viên chứ đừng nói là Trưởng phòng! Sếp trả lại bản thảo cho Cầu, Nguyện nhìn Cầu sợ xanh mắt. Về phòng Cầu bảo Nguỵện, bản báo cáo này cậu dùng cỡ chữ 12 bây giờ cậu đem vào đổi thành size 14 và sử dụng phông Times New Roman thay cho phông VN Time đang dùng, in trên giấy trắng hơn rồi đưa tôi, chỉ được in một bản và hủy tất cả các bản cũ đi. Cầu đem bản mới đã sửa nộp cho sếp, sếp lật qua, lật lại mấy trang rồi hỏi Cầu: - Cậu thấy bản này so với bản ban đầu của các cậu thế nào? Cầu cười xum xoe: - Nghe anh chỉ dẫn mấy phút bằng em đi học cả đời, bản báo cáo mới viết theo sự hướng dẫn của anh là một bản chính luận sâu sắc, nó không nêu ra những những thành tích chắp vá vụn vặt mà là một bản tổng kết có tính lí luận cao, nó thể hiện được sự vận dụng lí luận một cách sáng tạo vào thực tiển của một địa phương! Sếp cười đắc ý. Hội nghị thành công rực rỡ. Sếp ban thưởng cho Cầu và Nguyện một bữa thịt chó. Ba thầy trò kéo nhau vào một quán nổi tiếng trên bờ đê. Các món được bê ra, sếp gắp một miếng quét vào bát mắm tôm đút tõm vào miệng, đặt đũa xuống phán: - Thịt chó cái đã sinh! Đổi ngay loại chó đực tơ, không có thì đi quán khác! Nguyện le te bê đĩa thịt chó chạy vào bếp, anh mượn một chiếc đĩa khác, gắp thịt bên trên sắp xuống dưới, thịt bên dưới sắp lên trên rồi bê ra, đặt xuống mâm hớn hở: - Con đực tơ này ngon hết ý, em phải đứng chọn từng miếng một đấy! Sếp gắp cho vào miệng, vất đũa xuống mâm, xách cặp đứng dậy bước ra xe. Nguyện mặt xanh như tàu lá, lúc thúc chạy theo sau lưng Cầu. Về nhà, Cầu bảo Nguyện: "Chết rồi con ạ!. Lão có thể không biết Hồ Xuân Hương là đàn ông hay đàn bà nhưng cái món chó này thì con đực con cái, con vện, con vàng.. lão chỉ cần ngửi mùi là phân biệt được ngay. Mày có thể lừa lão về mọi môn khoa học chứ riêng cái khoản ăn nhậu hạ đẳng này thì không qua mặt lão được đâu!" Nguyện mất việc, anh không luyến tiếc gì công việc anh đang làm nhưng buồn vì làm cho bố mẹ anh thất vọng, vợ anh lo lắng ( Anh vừa cưới vợ chưa đầy ba tháng). Ông Tuệ một lần nữa chạy đôn, chạy đáo kiếm việc cho con. Ông hớn hở về bảo Nguyện: - May quá nhà ta quả là có phúc lớn, bố đã xin cho con vào học trường Công nhân kĩ thuật G.T.I. Trường này do nước bạn viện trợ cho ta nhằm đào tạo Công nhân kĩ thuật bậc cao phục vụ cho các ngành công nghiệp. Nhìn mặt Nguyện, ông biết Nguyện chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc vào học trường này, ông giải thích thêm: _ Giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo, ở nước ta lâu nay công nhân chỉ mới được đào tạo ra từ các trường Công nhân kĩ thuật do thực dân Pháp để lại và một số trường do ta mới xây dựng, kiến thức và kĩ năng còn nhiều hạn chế, chưa đào tạo được những người công nhân toàn diện về Đức - Trí- Thể- Mĩ nhằm tạo ra một đội ngũ công nhân hiện đại đáp ứng yêu cầu của một giai cấp lãnh đạo. Các chuyên gia từ nước bạn sẽ đến trực tiếp giúp ta thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Con được vào học ở đây là một may mắn lớn của nhà ta. Dù con có đỗ Kĩ sư, Tiến sĩ thì cũng chỉ là những người thuộc thành phần tiểu tư sản mà thôi. Con đường con sẽ đi sán lạn vô cùng. Nguyện vào trường được phân học nghề mộc mẫu, cả ngày quanh quẩn với cái cưa, cái đục, với khúc gỗ trên tay. Anh liên tưởng đến những điều bố nói, cố hiểu hết những lời bố dạy nhưng anh tự thấy mình không khác anh phó mộc ở quê bao nhiêu. Anh không ngại mình làm việc gì nhưng lo ngại kì vọng của bố không đạt được và anh cảm thấy trớ trêu khi một anh phó mộc làm chủ môt ngôi biệt thự ba tầng chưa nói đến trở thành một người lãnh đạo đất nước như bố anh mong mỏi."Có thể thế hệ của bố, những điều trên là hiện thực, là lẽ đương nhiên, là chân lí, nhưng đến thế hệ mình nói ra điều này sẽ là một sự nhạo báng lịch sử" Nguyện nghĩ thầm. Anh ra trường, nhà máy không có việc làm, được biên chế về phân xưởng phụ sản xuất "kế hoạch ba" nhằm tăng thêm nguồn thu cải thiện đời sống công nhân viên chức. Xưởng của anh nhận làm bất cứ mặt hàng đồ gỗ nào: Từ đóng giường, tủ, chạn bát, thùng phuy gỗ đựng nước mắm.. Thu nhập hàng tháng không được bao nhiêu. Anh không khỏi mặc cảm khi tự so sánh với vợ mình, một cử nhân kinh tế đang làm việc ở mộtViện nghiên cứu.. Làm gì đây, khi anh đã là người bố của đứa con lên năm mà chưa một lần anh có đủ tiền mua cho con một đồ chơi trị giá năm đồng, khi anh là người chồng của một chuyên viên kinh tế thông minh sắc sảo được nhiều người nể trọng mà anh không dám sóng đôi đi đến nhà hát mỗi chiều thứ bảy? Anh quyết định bỏ việc và đi buôn. Làm ra tiền anh đi đứng nói năng mạnh dạn hơn, những ngày rỗi rãi anh đưa vợ đi nhà hàng, siêu thị, mua đồ nữ trang tặng vợ, sắm áo quần đẹp cho con; khăn áo, thuốc bổ cho cha mẹ.. Con trai anh, thằng cu Cườm bụ bẫm, xinh như viên ngọc toàn bích. Mọi người trầm trồ khi thấy anh dẫn vợ con ra vào ngôi biệt thự ngày ngày... Ma lực của đồng tiền dễ làm cho con người lạc hướng. Để kiếm được nhiều tiền anh gia nhập vào các băng đảng buôn lậu rồi sa vào nghiện hút, đánh bạc không biết tự lúc nào. Nguyện bị bắt rồi vào tù. Vợ li dị. Theo quyết định của tòa người mẹ được quyền nuôi con nhưng sau khi li hôn, chị về nhà cha mẹ đẻ, cu Cườm vẫn ở lại nhà ông bà nội, càng lớn cậu càng nghịch. Ông bà rất quí cháu, thằng bé cả ngày quấn ông nội, đi đâu cứ theo ông như cái đuôi. Từ ngày Nguyện bị bắt, cô con dâu li dị chồng về nhà mẹ, ngôi nhà vắng lạnh như nhà mồ. Ông Tuệ trở thành người khó tính khó nết, cả ngày ông chỉ có hai trạng thái: Ngồi câm lặng hoặc cáu cẳn quát tháo. Yêu cháu là thế nhưng có khi nghe cháu hò hét vui chơi ông cũng quát"Câm mồm". Thằng bé ngày một xa ông. Một lần có khách đến nhà chơi, ông cuốn tấm bạt che bộ sa lông mời khách ngồi, khi tiễn khách ra ngõ trở vào thấy thằng cu Cườm đang cầm một vật nhọn vẽ chằng chịt lên mặt bàn chạm khảm, ông quát một tiếng rung cả gian phòng và giơ gậy dọa đánh. Cu Cườm sợ quá chạy vào bếp nấp sau lưng bà. Từ đó thằng bé không bao giờ bước vào phòng khách và dám đến gần ông nội. Ông ân hận và xót xa khi thấy đứa cháu xa lánh mình. Ông ra phố mua kẹo, mua đồ chơi về cho nó nhưng nó cũng không dám gần ông. Vợ Nguyện lấy một người chồng mới người Úc và đưa cu Cườm đi theo. Ông bà nhìn theo đứa cháu chới với như đứng trên con thuyền sắp bị lật. Ông bưng mặt khóc nức nở. Ông bà nhận được thư Nguyện báo đã ra tù nhưng anh quyết định không về nhà"Con sẽ làm lại cuộc đời, nếu không trở thành người tử tế, nếu không tạo được một cuộc sống xứng đáng với cuộc sống của con người con sẽ không về, cầu chúc bố mẹ vạn an và tha tội cho đứa con bất hiếu"- thư anh viết vậy. Ông Tuệ bán cả cơ nghiệp trở về quê cũ, nơi ông xuất phát hơn bốn chục năm trước đây, xây lại ngôi nhà từ đường để thờ tự ông bà, tiên tổ. Lo cho cái sịnh phần của ông bà khi trăm tuổi. Đồ đạc ông mang theo về chỉ duy nhất có chiếc bàn chạm khảm trên mặt có những vết xước do thằng cu Cuờm vẽ nên. Ông dặn vợ không nên lau nhiều sợ mờ mất những vết xước. Đứa cháu nội ở Úc thỉnh thoảng vẫn gọi điện chúc sức khỏe của ông bà theo những lời mà mẹ nó mớm cho nhưng giọng nó lơ lớ và ngọng dần theo thời gian.