ây bay về nẻo ngàn năm ấy
Có chở giùm em bước lạc loài
Ông bác sĩ ngồi đan nbững ngón tay vào nhau rồi vòng qua một đầu gối hết nâng chân lên lại thả xuống, cử chỉ của ông thật khiếm nhã, chẳng sành tâm lý chuyên nghiệp - professional chút nào khi chờ bà mẹ đang đau thương, đứt ruột và đám "gỗ qúy" quyết định có nên "rút dây" cho ông Mộc ra đi hay chưa. Ông Mộc nằm bệnh viện đã hơn một tháng, tình trạng "hết thuốc chữa" và thân thể gầy héo như cái vỏ quế ngâm đi, ngâm lại nhiều lần hết cả xạ hương.
Ông Mộc mong có con trai nối dõi tông đường nhưng vợ ông sinh liền một lúc ba đứa con gái. Ông đặt tên chúng là Cẩm-Lai, Hồng Quế, Hương-Trầm, dựa theo tên của những loài cây gỗ quý trong rừng và cho xứng hợp với cái tên Mộc của ông. Bà sinh xong ba đứa thì "nghẹt". Bạn bè chọc ông là "đạn bị lép"... bắn hoài mà bà Mộc cứ trơ gan cùng tuế nguyệt không chịu cấn thai...ngỡ đã gác mái cho thuyền về viễn phố... Một người quen sành tử vi xem vận số của ông bà liền nói:
- Đúng là số ông phải có đông con, cung Tử-Tức không bị tang-hổ-cô-quả-không-kiếp là những hung tinh chỉ về hiếm muộn xung chiếu còn bà thì được hội tụ gồm nhiều sao cát tường tốt cho đường sinh dưỡng.
Ông Mộc hồi hộp hỏi:
- Tôi chỉ có ba đứa con gái... Cẩm-Lai, Hồng-Quế, Hương-Trầm... sinh năm một, rồi đã hơn bốn năm ròng mong có một thằng cu mà chờ mãi... vậy phải làm sao bây giờ?
Thầy Tử vi vuốt cái cằm không một sợi râu gật gù:
- Thảo nào, thảo nào...
- Là thế nào, ông nói mau đừng làm tôi sốt ruột!
- Ông chơi chữ ác liệt nghen! đặt tên con toàn là các loài gỗ quý như Lai, Quế, Trầm mà không biết... đã quý thì thường hiếm có nên vợ ông nín đẻ chứ không thôi đẻ.
Nghe thầy nói thế, mặt ông Mộc thộn ra một vài giây rồi phấn khởi nói:
- Mẹ kiếp, đứa nào nói đạn ông lép cứ... cứ đưa vợ nó ra đây ông nổ cho một đám mang dìa mà nuôi cho nhà nó nghèo luôn... Con bà nó!
Rồi ông Mộc vui vẻ đãi thầy một chầu lẩu mắm để tạ ơn và ăn uống dưỡng tinh trở lại để bắt đầu... Gõ sừng mục tử lại cô thôn.
Hai tháng sau bà Mộc "dính" bầu.
Cuối năm ấy một bé gái ra đời với sự lạnh nhạt của người cha và hờ hửng của ba chị gái vì tất cả đều rất mong em bé là con trai. Bà Mộc hỏi chồng muốn đặt tên bé là loài gỗ gì giống như mấy chị của nó nhưng ông gạt ngang vì nhớ lời thầy tướng số rằng gỗ quý sẽ lại hiếm hoi, biết đâu bà lại nín đẻ nữa nên ông đặt tên bé gái là Dã-Thảo nghĩa là không hiếm mà nhiều như cỏ dại sẽ làm bà mắn đẻ và biết đâu đứa kế tiếp là thằng cu, có súng ống hẵn hoi để nó nối dõi tông đường và ông thì tha hồ khoe khoang.
Đúng như ông suy luận hay vì số trời đã định mà khi bé Dã-Thảo chưa dứt sữa thì bà đã cho ra đời thêm một cặp trai sinh đôi. Ông Mộc cho thế là đủ không cần sợ hiếm con nên đặt tên chúng là Qúy-Lim và Bá-Trắc. Sau đó bà cũng đã sinh thêm một gái là Giáng-Hương và đứa con trai út đặt tên là Huỳnh-Đường. Tất cả đều là tên các loài gỗ qúy trong rừng nhiệt đới Việt-Nam chỉ có Dã-Thảo là cỏ dại.
Giờ đây bảy đứa con, bảy loài gỗ qúy đang đứng bên giường ông Mộc. Những sợi dây chuyền dung dịch thuốc men gắn vào miệng và thân thể ông như để nối trần gian với thiên cổ rất mong manh. Chúng đang đứng bầu, lấy đa số để quyết định rút ống cho ông đi về với ông bà nơi chín suối. Sau một lúc thảo luận, Cẩm-Lai, Hồng-Quế, Hương-Trầm, Giáng-Hương kéo bác sĩ ra ngoài cho hay kết quả. Còn lại ba người con trai Quý-Lim, Bá-Trắc và Huỳnh-Đường ở lại, nắm tay an ủi mẹ hãy cố vơi bớt đau lòng.
Bà mẹ cũng có quan tâm đến việc ông sắp từ giả cõi đời nhưng bà không hiểu vì sao lòng trí rối bời và đớn đau đến ruột thắt từng cơn... vì cho tới bây giờ vẫn chưa có tin tức gì về Dã-Thảo, đứa con bị bỏ rơi trong gia đình. Bà không tin rằng ngay chính bà cũng đã từng quên lãng là mình còn một đứa con đang lưu lạc, biền biệt vô âm tín, không biết nơi đâu mà tìm. Nước mắt bà trào ra cho một thoáng nhớ về phố núi sương mù...
Thành phố sương mù và mưa phùn đẹp nên thơ nơi hai vợ chồng ông Mộc tới định cư sau tuần trăng mật của hai người. Ba cô con gái sinh năm một được ông bà hết sức thương yêu, chìu chuộng. Một thời gian dài hơn bốn năm không thai nghén, bà mới trở lại nhà hộ sinh. Khác với những kỳ sinh con lần trước, ông Mộc vào thăm vợ đều bồng bế, nựng nịu trẻ sơ sinh và quyến luyến không chịu về, lần này ông chỉ hỏi vợ mà không ngó ngàng gì đến đứa bé sơ sinh. "Em có mệt không? còn đau nhiều không?" ông âu yếm sờ trán vợ nói "ráng ngủ nhiều cho lại sức để mau về với anh và các con em nhé" ông nói xong đứng lên rời bệnh viện, không hề mảy may bồng bế hay xem mặt Dã-Thảo ra sao.
Bé thảo èo uột cũng lớn lên qua sự vô tình của mọi người, nó biết đi hồi nào chẳng ai buồn để ý, nó thôi bú lúc nào cũng không ai cần biết. Năm lên hai tuổi, Thảo bị sốt mê man đến bất tỉnh, bà Mộc biết tình trạng con bé rất nguy kịch nhưng ông thì cho là nó lên ban soàng thôi rồi sẽ hạ nhiệt không cần phải đi cấp cứu. Cho tới khuya hôm đó, người bé bớt nóng rồi bất ngờ toàn thân bị lạnh cứng. Bà lay ông dậy xem nhưng ông không chịu thức. Bên ngoài mưa phùn bay lất phất, một mình bà trùm kín con bé, lội bộ đi dưới sương khuya đẫm ướt, đến nhà một ông bác sĩ già. Ông xem rồi bỏ ống nghe lắc đầu "đã quá trễ!" rồi ông bác sĩ gọi người hầu già tên Nại "Ông giúp giùm xác em bé cho tử tế đợi mặt trời lên tôi sẽ lo liệu... À này ông gọi thằng Quang thức dậy, đốt đèn đưa bà này về nhà". Nhìn người hầu già bế xác bé Thảo đi, bà không một phản ứng, toàn thân bà như một thứ gỗ mục, giá như có một cơn mưa nhỏ cũng đủ làm tan rã thành từng mảnh vụn. Căn nhà đá dưới dốc trống không, dùng làm kho chứa và để tạm xác chết vì ông bác sĩ già, về hưu, chữa bệnh từ thiện này mở phòng mạch trong biệt thự riêng của ông. Lão Nại ngại đi xuống dốc sợ trơn trợt vì sương đêm dầy đặc nên ông bế xác em bé về nhà đá của mình, chờ sáng mai mới đem xuống đó cho nhà chức trách khám nghiệm và gia đình đưa về nhà mai táng. Lão Nại đặt bé Thảo nằm kế bên lò sưởi rồi thắp chín ngọn nến chung quanh xác chẳng biết để làm gì. Sau đó Lão định đi nằm thì có tiếng gõ cửa, "Hết cả đêm... thiệt tình!" lão bực mình than nhưng nghe tiếng khóc rấm rứt thì lão đành đi mở cửa. "Bà không về nhà à" Lão Nại nhìn bà Mộc hỏi. "Ông cho tôi nhìn con bé một chút...hu...hu..." bà khẩn khoản. 
Trời khuya lắc, khuya lơ, côn trùng rên rĩ khắp vườn. Lão Nại đang chập chờn, thiu thiu ngủ thì nghe tiếng người đàn bà hốt hoảng la ó om sòm "Trời ơi con tôi sống lại rồi... Trời ơi! nè ông xem ngực nó ấm nè..ui..con ơi là con". Lão nại bực mình vì giấc ngủ bị phá quấy nhưng cũng tiến lại gần đặt tay lên người con bé. "Lạy Chúa tôi, Giê-Su, Maria, đúng là nó không sao rồi..."
Bé Thảo chết đi, sống lại rồi chưa dứt sữa thì bà Mộc lại sinh đôi. Cả nhà tưng bừng, hân hoan chào đón hai thằng bé ra đời. Khỏi phải nói, người vui nhất chính là ông Mộc. Từ đây ông có con trai nối dõi tông đường rồi thì sợ gì mà không đặt tên theo sở nguyện. Ông lại lấy tên của hai thứ gỗ quý đặt cho hai thằng con là Quý-Lim và Bá-Trắc. Đúng như thầy tử vi nói rằng bà có số đông con nên chưa đầy ba năm sau, bà Mộc đã sinh thêm một gái, một trai nữa đặt tên là Giáng-Hương và Huỳnh-Đường (Gỗ Huỳnh Đường còn được gọi là Quỳnh-Đàn)
Sau cơn bệnh sốt rét chết đi sống lại lần đó, bé Dã-Thảo càng thêm xanh xao, gầy guộc. Hai con mắt lúc nào cũng kèm nhèm, môi nứt nẻ, hơi thở khò khè như người bị hen suyễn. Một hôm ông Mộc không chịu được hình dáng khó coi và tiếng thở khó nhọc của bé Thảo, ông quát "Từ nay dọn cho nó chỗ ăn khuất mắt tôi!". Dã-Thảo thực sự chỉ còn như là một cái bóng ma sống chung với người thân, nó không còn được thưởng thức không khí gia đình trong những tiệc nhỏ sum vầy ấm cúng đến những tiệc lớn như Lễ Phục-Sinh, Giáng-Sinh,Tết Ta, Tết Tây... Nhưng Thảo như một loài cây hoang dã, không cần chăm bón cũng âm thầm tăng trưởng. Dã-Thảo thầm lặng lướt qua tuổi dậy thì rồi lặng lẻ trưởng thành giữa những "cây gỗ quý" trong nhà. Hằng năm từ Chị lớn tới em út đều được tổ chức sinh nhật linh đình, có bạn bè, bà con và khách đến tham dự, chỉ có Thảo thì như một tiền lệ, nghĩa là trước không có thì sau không có cũng không sao. Chính bà Mộc cũng chẳng để tâm tới sinh nhật của Dã-Thảo vì con đông và vì mọi việc tổ chức đều do chồng con lo lấy. Đôi lúc bình tâm bà thắc mắc tự hỏi không biết nó học lớp mấy rồi, ai đưa nó nhập học, nó đến trường, về nhà ra sao, trời mưa, trời nắng có ô, dù gì không?... Rồi bà lại mau quên. Thật ra Thảo chịu sự khắc khe, độc đoán của dì Ngọ, em út của mẹ. Tay bẩn, chân dơ, tóc rối... bị đòn. Tập vở cong góc, bút chì không gọt... phạt quỳ. Dì có hai môn võ công rất thâm hậu đó là cú đầu và véo tai. Nạn nhân thường như bị thôi miên, đứng bất động để cho dì ra tay một cách rất dễ dàng không dám chống cự. Tuy vậy, Thảo cũng được ăn mặc lành lặn nhờ dì hay bươi lại đống quần áo cũ của ba chị để tìm cái vừa vặn với thân thể chậm lớn của Thảo.
Gia đình Thảo qua tiểu bang Virginia thuộc đất nước Hoa-Kỳ sau ba mươi tháng tư năm một chín bẩy lăm. Thảo được ông bà nội chọn ở lại để có người nhờ vả, sai vặt. 
Thảo mang ơn những món tiền cha mẹ, chị em gửi về cho ông bà. Ngoài tiền chợ Thảo được ông nội phát thêm cho ăn quà, may sắm thoải mái nên đối với Thảo, được cha mẹ cho ở lại hầu ông bà là điều may mắn hơn các chị em khác trong gia đình. Vài năm sau Thảo cùng ông bà được bảo lãnh đi đoàn tụ.
Gặp lại anh chị em, Dã-Thảo vô cùng bỡ ngỡ vì tiếng anh, Từ lớn tới bé đều đối thoại bằng tiếng anh với nhau làm Thảo chẳng hiểu gì cả, càng ngày càng cảm thấy lạc lỏng và cô đơn hơn. Thảo tiếc những ngày còn ở quê nhà chỉ làm tròn phận sự thì được rong chơi và có tiền riêng để xài, bây giờ thì khác, Thảo không những hầu hạ ông bà thôi mà còn cho cả nhà nữa.
Ông Mộc cũng nhận ra chuyện không ổn, ông rầy con cái:
- Qua đây thì tất cả bình đẳng hết, tụi bây tự giặt lấy quần áo và chia nhau dọn dẹp lau chùi nhà cửa, không nên để một đứa gánh hết.
Ông la cho có lệ thôi chứ đám con cứ lấy cớ lo làm bài tập, ôn bài thi mà trốn việc để bà Mộc làm. Thảo thương mẹ nên mới ra tay rước hết công việc đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp... 
Quân, một chàng thanh nên tuấn tú, có học thức và rất ngoan đạo, một hôm theo bố mẹ đi thăm người bạn chiến binh là ông Mộc đã được hai nhà dàn xếp cho làm thân và tìm hiểu Hương-Trầm, người con thứ ba trong gia đình. Quân trông thấy sự đảm đang, hiền lành và dáng điệu nhu mì của Thảo, anh đem lòng thương trộm nhớ thầm. Lần nào ngồi trò chuyện với gia đình ông Mộc hay ngồi riêng tư với Hương-Trầm anh đều đảo mắt tìm bóng dáng người thương và hồn thì như phiêu diêu, phách lạc nơi nào. Dịp may cho Quân đến bất ngờ là ông Mộc mê đánh bài Tổ-Tôm nên nhờ chàng tập cho Thảo lái xe để sau này Thảo tự lái đi chợ, đi bỏ thư hoặc đưa ông bà nội đi lễ... Quân cố ý đưa Thảo ra những con đường vắng có thiên nhiên đẹp trữ tình, có nhạc êm diệu pha với những bài tình ca cạn tỏ nỗi lòng nhung nhớ, tương tư. Giữa "không gian như có dây tơ...bước đi sẽ đứt... động hờ sẽ tiêu" đó...Dã-Thảo thấy lòng mình... "Ơ hay lòng chẳng vì sao... lòng chẳng vì sao..." lại se... lòng. 
Tình yêu trong sáng nhưng lén lút của hai người kéo dài được năm tháng thì bị cả nhà phát hiện. Ông bà Mộc hết sức bối rối còn Hương-Trầm thì điên tiết đập phá đồ đạt trong ngoài. Một chuyện ngẫu nhiên xảy ra là ông bà nội thuờng không chịu nổi cái lạnh miền Đông, nay nghe tin thằng con út mới mua nhà ở Cali có ý muốn rước cha mẹ về "phụng dưỡng" và phụ tiền nhà nên ông bà chuẩn bị khăn gói lên đường. Thế là thuận tiện cho việc chia uyên rẽ thúy, ông Mộc bắt Dã-Thảo đi theo hầu hạ hai nội bên Cali. 
Ông bác sĩ môi thâm và miệng hôi thuốc lá trở vào cùng đám con gái. Ông ghé tai bà, cố hết sức ôn tồn nói nhỏ:
- Đến bây giờ chúng cũng không chịu đổi ý. Tôi không lẽ cứ ngồi đây mãi, còn phải về phòng mạch khám bệnh nữa nên tôi xin bà hãy khuyên chúng nó hãy để ông "đi"... như lúc này thì ra đi bình an lắm... nhẹ nhàng lắm bà biết không?
Bà Mộc lắc đầu nói:
- Tôi là vợ nhưng ông nhà tôi cũng là cha chúng nó, tôi thật không có quyền... hơn nữa mọi việc đối với tôi không còn gì khổ lòng hơn là đứa con lạc bước kia không biết ở đâu để réo về nhìn mặt cha nó lần cuối... Con ơi là con!... mày đang ở đâu hở con?
Dã-Thảo lạc loài nơi đâu, đó là một ngày mùa đông ông Mộc sang Cali mướn một căn trong làng mobile home dành riêng cho người già để ông bà nội ra riêng, từ giả đứa con dâu mất dạy và hỗn xược. Nó chê bà hôi, không cho gần hai đứa cháu, không cho bà được đụng tới cái bếp. Bà nhờ Thảo mua gáo múc nước tắm, ông nhờ mua gạt tàn thuốc... đều bị cô con dâu vợ chú Út vất vào thùng rác ba, bốn lần. Về căn nhà bọc thiếc, nhỏ hẹp, nóng nảy ông trở nên gắt gỏng, bà mất dần trí nhớ. Nhiều đêm đi học về bị ông nội khóa cửa không cho vào. Sách vở bị bà tưởng là tạp chí nên cho vào thùng rác. Tiền tiểu bang trợ cấp cho ông bà không nuôi đủ thêm một Dã-Thảo ăn học. Thảo bị ông bà nội đuổi đi khi trời còn tiết đông giá lạnh và Thảo từ dạo đó, lê buớc chân phong trần tha phương... Có gia đình, chị em đông đủ mà chẳng ai... thấu cho lòng cô lữ đêm đông không nhà... 
Thảo tìm được việc, được bà chủ cho một phòng trên lầu cửa tiệm, vừa đi làm, vừa đi học. Hai năm college, bốn năm university, Thảo ra trường và được nhận vào làm cho một công ty thiết kế, xây dựng. Nơi làm việc nhìn ra một cụm cây rừng bên trái đồi thoai thoải thật nên thơ, tình tự... bên cạnh là một công trình đang xây cất nơi mà Thảo đứng trên cao nhìn xuống thường bắt gặp ánh mắt trìu mến của Đạt. Nhiều lần nàng muốn gật đầu về làm vợ hiền nhưng Thảo biết chắc chắn chính nàng sẽ làm hỏng mái ấm gia đình vì hậu quả của tuổi thơ bị hất hủi, vì đã đánh mất thời niên thiếu để phục dịch, hầu hạ những người khác. Thảo tự nhủ có lẽ mình hoặc sẽ rất hà khắc, khó khăn với con cái hay cũng có thể buông xuôi, nuông chìu làm hư đời chúng hết. Lần cuối chia tay nhau, Thảo rơm rớm nước mắt chấm ngón tay vào nước trà, viết xuống bàn cho Đạt xem: "You are the right one but wrong time and wrong place - anh chính là người em mong ước nhưng gặp nhau trong hoàn cảnh thật oái oăm của em"
Và đã hơn bảy năm trôi qua, Thảo chưa một lần về thăm nhà.
Dã-Thảo bị chủ ép phải lấy vacation vì dư quá nhiều. Chưa biết lấy phép đi đâu hay về thăm gia đình thì nàng đọc báo, thấy có tên cha mình sang dự Đại-Hội Thường-Niên Hội Ái-Hữu Quân-Trường Đồng-Đế. Nàng vừa e ngại vì không biết phản ứng ông ra sao, vừa vui mừng vì lâu năm không gặp muốn tận mắt thấy cha mình và để khoe những thành tích đạt được, từ một con bé bị vất ra đường nay là một kỷ sư quang điện. Cha sẽ hãnh diện hay ăn năn?
Từ xa Thảo đã nhận ra cha mình. Ông Mộc trông dường như trẻ ra trong bộ quân phục bảnh bao, đầy phong độ. Thảo định chào cha nhưng dòng người như một lốc xoáy đến đón ông đi mất. Trưa hôm sau Dã-Thảo tìm đến nhà hàng có họp mặt, nàng chọn một bàn bên dãy dành riêng cho khách ăn trưa rồi chờ khi tan tiệc, nàng bước qua run run chào cha:
- Thưa... ba... con chào... ba
Ông Mộc gỡ kiếng đeo mắt ra nhìn Thảo một vài giây rồi nói:
- Ừ, bấy lâu nay sống ở vùng này hả? 
- Dạ. Thưa ba.
- Bây giờ làm việc gì?
- Dạ con làm cho công ty xây cất ạ.
- Khá lắm! Lâu lâu nhớ về thăm mẹ nghe không?
Nói xong bấy nhiêu, không đợi nghe Thảo dạ, ông đeo kiếng, quay lại tiếp tục chuyện trò với các vị đồng môn dường như ông quên hẳn một điều rằng đây là một nơi rất xa xôi và là một cơ hội hiếm có để hai cha con rất tình cờ gặp gỡ nhau. Thảo cảm thấy buồn vô hạn, nước mắt cứ chực trào ra, đau đớn lắm vì cô đã trưởng thành không còn là cô bé vô tư ngày nào. Thảo rút tấm danh thiếp trao cho ông nhưng ông mãi mê nói chuyện chỉ quơ tay không chú tâm cầm lấy nên Thảo đành phải nhét vào túi ông rồi lặng lẻ đi mua chai rượu về cụng say với Đạt để nghe anh chàng làm thơ giải cơn sầu.
"Đêm nay rót rượu một mình
Một mình ta uống
một mình ta say
Ơ... kià
Ngoài kia một mảnh trăng gầy
Thẹn thùng chẳng dám vào đây chuyện trò..."
"Ngồi hai người mà trách khéo rằng uống một mình..." Thảo thầm nghĩ "Lúc chiều bị cha hờ hững bây giờ bị tình cay cú... số ta thật không ra gì!" Dã-Thảo bỏ đi, không thèm nói lời từ biệt với cái "đống" đang say mèm đòi... "thay Thượng-Đế giải trình nhân gian..." 
Hôm sau Thảo tính lái xe đến rước ông Mộc đi ăn rồi về nhà mình ngủ nhưng cha nàng bận đi ăn tối và ngủ nhà bạn để đàm đạo trắng đêm. Hôm sau nữa Thảo lại đến thì ông hết đi ăn sáng với nhóm này thì đi tham quan với nhóm kia... Lúc lên máy bay về nhà, ông chìa tay bắt đi, bắt lại hết người này đến người nọ để cuối cùng không còn lấy một giây cho Thảo, dù chỉ là một giây ngắn ngủi để nắm tay giả từ. Những ngày còn lại cuộc nghĩ phép, Thảo vào bệnh viện trẻ em xin làm thiện nguyện cho đời bớt đơn côi, nàng cảm thấy nhớ mẹ vô cùng.
Hai năm trôi qua, Thảo lại có phép đi nghỉ mát thì bất ngờ gặp lại gia đình. Đó là một ngày nắng đẹp có chiếc Cruise-đại du thuyền ghé bến cảng trong lúc Thảo đang đi hóng gió trên bờ.
Không riêng gì Thảo mà rất nhiều người dừng lại, nhìn con tàu vĩ đại đang cập bến. Khi những sợi dây vừa mới ném lên bờ để nhân viên bến cảng cột vào các trụ neo thì bất ngờ Thảo nhìn lên thấy hai em Quý-Lim và Bá-Trắc đang đứng vịn thành tàu trên cao nhìn xuống. Thảo mừng rỡ, chào đón mọi người rồi đưa cha mẹ, ba chị cùng bốn em đi tham quan phố biển và sắm quà kỷ niệm cho từng người. Cũng chỉ có mẹ hỏi đôi ba câu rồi xoay qua trò chuyện với cha về những người bạn, những người hàng xóm đang sống trên thành phố có khí hậu tốt nhất trên toàn nước Mỹ này. Mấy chị và ba đứa em thì bận rộn với máy ảnh và các cửa hàng bán đồ lưu niệm. Thảo càng cô đơn và lẻ loi hơn lúc mà chiếc du thuyền kia chưa cập bến cảng. Khi chia tay mẹ mới nói:
- Nhớ giữ gìn sức khỏe nghe Thảo.
Thảo dạ và cha cũng lên tiếng:
- Lâu lâu nhớ về thăm mẹ mày nha... Ơ quên, mẹ mày đang đứng đây mà.
Bảy chữ "bye" đếm đủ trên môi những người chị, em. Chỉ bấy nhiêu thôi, chỉ chừng đó thôi rồi con tàu rời bến... Thảo trông thấy những bàn tay đang vẫy chào nhưng khi nhìn kỷ lại thì những người thân phía trên cao kia đang vẫy tay cùng đám đông nơi có Thảo hèn mọn, hình bóng mờ nhạt ngoài tiêu cực trên cái post card của một ngày nắng đẹp tuyệt vời trên bến cảng.
Mấy năm sau vào mùa Giáng Sinh, Thảo về thăm nhà thì chuyện đã vật đổi sao rời. Căn nhà xưa chỉ còn ba mẹ, chị cả Cẩm-Lai cùng hai em sinh đôi Quý-Lim và Bá-Trắc. Hai chị Hồng-Quế, Hương-Trầm và em gái Giáng-Hương đã lập gia đình. Riêng Huỳnh-Đường thì đang ở nội trú một trường đại học tại Boston. Dã-Thảo may mắn được gặp mặt tất cả chị em và mấy cháu trong dịp này. Bao năm sống cô đơn, tủi thân và một nỗi sầu sâu kín đã tạo cho Thảo một đời sống cô lập, chừng mực, khan hiếm tình cảm... Nay Thảo như cánh đồng cỏ khô, lâu năm hạn hán được cơn mưa rào làm tươi mát lại tâm hồn, nàng cảm thấy yêu cái cuộc đời sao quá tươi đẹp, đúng là Chúa ban hồng ân xuống khắp trần gian mà trước đây ngài từng lãng quên... Thảo dành trọn một ngày đi mua sắm quà Noel, nàng cho "cháy" tiêu cái thẻ credit card tín dụng mua quà tặng chị, em cùng mấy cháu và thêm một cái thẻ khác mua quà riêng cho ba mẹ. Chưa bao giờ Thảo thấy tình người ôi xiết bao quý giá giữa vật chất, cỏ cây và cầm thú, nhất là tình thân gia đình, thiếu nó bấy lâu như đã từng sống trong một lãnh địa băng giá ở phía cuối tận cùng của trần gian.
Thảo đứng chờ bên một núi quà gửi trong lều người thiếu niên bán cây Noel, người lái xe đến đón về không phải hai đứa em sinh đôi mà là Quân. Quân xuống xe, bỡ ngỡ chào Dã-Thảo, nói qua hơi thở bay như khói sương:
- I'm sorry... đã tới trễ một chút.
Thảo chờ Quân đến gần hơn thì nghe người thiếu niên bán cây Noel hỏi từ phía sau:
- Do you need help Ma'am "chị cần tôi giúp không"?
Thảo quay lại cám ơn, nàng nhìn chàng thiếu niên mái tóc bồng bềnh, sực nhớ Ryan O'Neal của hàng bán cây Noel trong phim Love Story thì liên tưởng câu "Love Means Never Having to Say You're Sorry"... Yêu nghĩa là đừng bao giờ phải nói lời đáng tiếc... nhưng hốc mắt nàng bao năm cô đơn đã như đầy một giếng nước muốn tuôn trào ra cho dễ chịu hơn chứ không phải là vì Quân đang đứng kia. Thảo cũng nói qua làn hơi bay:
- Anh Quân, anh giúp em một tay cho đống quà kia lên xe.
- Sao... mua nhiều thế?
- Em cũng chẳng biết, chắc lâu quá mới gặp cả nhà, mừng quá, sắm cho thoả thích.
- Lúc Thảo gọi thì anh đang ở nhà ba mẹ nên anh dành đi đón.
Thảo nghe tiếng Quân gọi ba mẹ tự nhiên cái gai của năm tháng tủi thân lại đâm trong lòng làm nhói đau một chút. Thì ra Quân đã kết hôn cùng chị Hương-Trầm, tình yêu của anh nồng ấm như cái lò sưởi nằm một góc nhà chứ không phải là ngọn lửa trên ánh đuốc soi đường cho nhau đi. Thảo hỏi "anh Quân khỏe không?" rồi tặng quà cho người thiếu niên bán cây Noel. Từ lúc đó trở đi Thảo không nói thêm một lời nào cả, chỉ ừm ừ khi Quân hỏi.
Xe chạy qua một cánh rừng. Bông tuyết nhẹ rơi, Thảo nhớ tới Đạt, nhớ ngậm ngùi...
Rồi mùa Giáng Sinh qua mau... Mọi người nhận được quà từ tay Thảo và có cái nhìn khác hơn, thiện cảm hơn nhưng Thảo thật thất vọng vì những đôi mắt của người thân ruột thịt ấy chẳng khác nào những ánh mắt thân thiện của bạn bè quen biết hoặc những người làm chung trong công ty. Trong những ánh mắt ấy thiếu hẳn cái nhìn trìu mến, nồng nàn yêu thương của ngày xưa còn bé bị hất hủi được được mẹ ôm vào lòng an ủi. Tia mắt của người mẹ trẻ ấy là một báu vật của vũ trụ, có lẽ chỉ những đứa con bất hạnh, bị bạc đãi, bị ốm đau hay sai đường lạc lối, tù đày... mới may mắn thấy được, ánh nhìn bao la thương xót đó theo Thảo từ thuở ấu thơ đến những nẻo đường dong ruỗi trưởng thành và chắc chắn sẽ tới lúc nhắm mắt, buông tay lìa đời. Thảo cũng một lần may mắn, một lần thôi mà cũng nhớ suốt đời.. đó là ánh mắt của ba...
Một ngày lúc Thảo lên bảy, cha nhặt được một cuốn tập viết lời kinh cho bà nội mà Thảo nắn nót viết sau những tháng ngày bị dì Út ngắt, béo, cú đầu vì chữ chưa tốt, ba hỏi:
- Chữ ai viết kinh cho mẹ đẹp vậy?
Bà nội đáp:
- Chữ con bé Gụ.
- Con Thảo hả mẹ.
- Ừ, nó bị phạt chép kinh vì không thuộc và hay quên cầu nguyện.
- Mẹ thấy nó đâu bảo nó ra gặp con nhé mẹ.
Dã-Thảo đứng trong bếp nghe liền rón rén, lấm lét bước lên nhà trên thưa:
- Ba!
Ông Mộc nhìn đứa con gái như lâu ngày không gặp, bảo:
- Mày đi thay quần áo rồi đi với ba.
Thảo đang lưỡng lự tự hỏi "không biết ông có lộn người không?" thì ông to giọng:
- Con này, mày có nghe không? Nhớ lấy thêm cái khăn tắm và áo len nghe không!
Thảo chạy nhanh vào nhà lấy quần áo cho vào túi giấy rồi chạy ra, leo lên xe Jeep ngồi.
Đến Nha-Trang, thảo được ăn cá, cua và tha hồ uống nước ngọt. Ba dắt Thảo đến một cái quán sát bãi tắm:
- Chị Năm cho tôi gởi con bé, tôi có chuyện đi đây một chút.
- Được Đại-Úy cứ để nó cho tôi. Nó ăn uống gì chưa?
- Rồi, nó có đói thì nhờ chị vậy.
Rồi Thảo lang thang lội nước và chơi cát cho mãi đến chiều rồi tối vẫn chưa thấy cha về. Người đàn bà tên Năm đóng cửa hàng cũng quên luôn là đang giữ Thảo. Thảo nằm ngủ quên dưới một gốc dừa cho tới khuya thức dậy thì hốt hoảng chạy ngược xuôi trên biển cát gọi cha. Tiếng gọi chìm trong tiếng sóng gào là những lời thống thiết của con bé mới biết kêu cha lần đầu từ thuở thôi nôi. Thảo tìm về gốc dừa cạnh quán nước nằm xuống mệt lã và ngủ say. sáng hôm sau, mặt trời chưa lên, còn hồng ánh dương mai trên biển thì cha về. Ông cúi xuống bế Thảo lên, nức nở:
- Trời ơi! khổ thân con tôi!
- Ba ơi, con ngủ quên ở gốc cây...
- Ừ ba đây, có ba đây, đừng sợ!
Dưới ánh ban mai, Thảo vừa trông thấy đôi mắt bao la yêu thương trìu mến lần đầu tiên của cha, giống như mẹ thường nhìn lúc ấu thơ.
Hai cha con về tới nhà thì mọi chuyện trở lại như xưa riêng Thảo mang ánh mắt của ông đi khắp ngả đường đời... lúc gạo bài thi trong khuông viên đại học, khi chờ nắng tàn trên bờ cát, lúc nhọc nhằn làm ca ba giữa đêm khuya lạnh giá... bỗng một hôm ánh tình thương trên đôi mắt cha chợt tắt trong tâm hồn Thảo vào dịp ông dự lần họp mặt cùng bè bạn ở thành phố này và bao năm qua, mãi tới hôm qua ông đến thăm mới chợt bừng thắp sáng lại tình thương. 
Chiều hôm qua Thảo xong việc, đóng cửa ra về thì mới hay cả building chỉ còn một mình nàng. Thảo sợ kẹt trong thang máy nên đi bộ xuống mặt đường. Vừa tới thang lầu thì Thảo trông thấy như có có ai đang xuống trước, Thảo bước nhanh, muốn bắt kịp người kia cho có bạn trong cái thang lầu âm u, vắng vẻ này nhưng xuống tới mặt đường rồi, Thảo chẳng thấy ai. Đi qua mấy góc phố, Thảo dường như đôi lúc thấy thấp thoáng phản chiếu từ trong gương cửa tiệm có ai đó đang đi theo hoặc đứng nhìn nàng. Gáy lành lạnh, gai ốc nổi trên da, Thảo tháo giầy, đi chân không một mạch về tới căn gác trọ. Không khí trong nhà cũng khác thường, lành lạnh, u tịch làm sao... thậm chí khi Thảo vào phòng tắm, nàng nghe như có tiếng ai đang nấu nước, pha trà... ở nhà ngoài. Thảo ăn uống xong ngồi đọc sách cho đến khi buồn ngủ thì bất ngờ nghe tiếng cha gõ cửa. Thảo mừng rỡ đón cha vào "Ba đến đây hồi nào sao không cho con hay" nàng hỏi và ông im lặng nhưng nhìn nàng rất trìu mến làm Thảo bàng hoàng nghe toàn thân như đang dẫn điện... cái ánh nhìn thương yêu nơi cha mà nàng đã một lần trong đời được thấy nơi một gốc dừa ngày nào xa xưa còn bé. "Con hãy về nhà ngay" ông nói mà môi không lay động" Mẹ nhớ con lắm" rồi tiếng vang lên như từ dưới một giếng sâu hun hút "về mau con ơ....i...ơi". Thảo choàng tỉnh giấc biết mình vừa mơ.
Ngài bác sĩ riêng của ông Mộc, sốt ruột chờ đàn con và bà mẹ quyết định "rút dây" mất hết kiên nhẫn lẽn ra ngoài rít mấy ngao thuốc lá thì trông thấy một người đứng ngơ ngác như đang tìm phòng bệnh nhân nào đó, ông hỏi:
- Cô tìm phòng ông Mộc phải không?
Người đàn bà trẻ đáp:
- Dạ phải ạ.
Một lát sau đó, Thảo đã ngồi bên mẹ, nàng nắm đôi tay gầy guộc của mẹ như muốn chuyền hết hơi ấm và nhân điện sang người bà. Cái nắm tay sau biết bao năm trời đã nối lại tình mẫu tử thiêng liêng kể từ những ngày còn thơ cô đơn, bị hất hủi hay rút vào lòng mẹ trốn. Bà mẹ dường như xúc động lắm, bà thì thào:
- Làm sao con biết ba con sắp lìa đời mà về?
Thảo không biết nói sao, nàng ấp úng:
- Tình cờ thế thôi mẹ à...
Bà mẹ như người vừa rơi xuống trần gian, bà không tin được, không thể nào ngờ được... đứa con tưởng không bao giờ có thể tìm thấy nay lại đang ngồi một bên nhất là để nhìn mặt cha lần cuối. Lâu lắm bà mới nghẹn ngào nói:
- Đức Mẹ đoái thương nhà ta và nghe lời khẩn cầu của má. Con hãy đọc ba kinh với má đi!
Thảo Dạ và nàng bắt đầu lâm râm "Lạy Cha chúng con ở trên trời..." miệng Thảo vẫn mấp máy đọc kinh một cách vô ý thức trong khi tâm trí nàng hồi tưởng lại chuyện hôm qua... được cha đến trong mơ gọi về "mẹ nhớ con lắm... về ngay con ơ...i".
Tất cả mọi người được ông bác sĩ kéo vào đông đủ, không thiếu một ai để nghe bà mẹ bảo:
- Đây là giấy y tá đưa cho mẹ hôm trước nhờ ông bác sĩ đọc giùm...
Bác sĩ đỡ lấy mảnh giấy trên tay bà Mộc, ông tằng hắn rồi đọc "Mình nhớ bảo chúng tìm con Thảo về đây ngay, tôi nhớ nó lắm, nó là Huyền-Gụ bất hạnh của nhà mình. nếu tôi không kịp bà nói tên nó là Huyền-Gụ nghe"
Thảo nghe xong không cầm được nước mắt, nàng càng nhớ rõ hơn bao giờ hết ánh mắt người cha lúc bế nàng lên dưới ánh mai hồng trên biển Nha Trang một ngày xa xưa nhớ mãi ấy...
Tiếng chị cả Cẩm-Lai hỏi:
- Giờ tính sao đây?
Người mẹ chỉ tay vào Thảo, Nguyễn thị Huyền-Gụ, nói:
- Má cho nó quyền của má.
Thảo bước đến nắm tay cha bùi ngùi nhưng trầm tỉnh nói:
- Ba đi rồi mẹ ơi, mấy chị, mấy em ơi! Ba đi từ lúc hai giờ khuya bên con.
Mọi người ngơ ngác nhìn nhau vì đúng là có nghe y sĩ gọi gấp vào lúc gần nửa đêm, báo tin nhịp tim ông đã ngưng nhưng rồi bác sĩ lại cho hay đã vừa thấy biểu đồ nhịp lại sau đó.
Một buổi trưa trời lặng gió, mây lơ thơ, nắng vàng trôi qua những đồng cỏ còn điểm trắng vài cồn tuyết. 
Đạt che dù cho Dã-Thảo rời khỏi nghĩa trang vừa mới lấp đất lên mồ ông Mộc. Chàng muốn làm vơi nổi buồn vời vợi của Thảo nên bắt chuyện hỏi:
- Huyền-Gụ là gỗ gì, để làm chi vậy?
Thảo chợt vui nói:
- Huyền là đen, Gụ là một loại gỗ chắc thường thấy nơi các trường kỷ hay còn gọi là cái sập gụ, cái phản bằng gỗ gụ để các cụ ngồi chơi hoặc đánh bài... Em nghe nội em nói thế đấy.
- Em giờ là gỗ tốt Huyền-Gụ vậy tôi là cây gì?
Thảo ngước mắt nhìn nền trời xanh lơ mơ màng nói:
- Anh sẽ là gỗ thông.
- Tầm thường vậy sao?
- Sao lại tầm thường, những ngọn thông kia sẽ suốt đời rì rào ru đời em bình yên.
- Vậy à... rồi sao nữa?
- Anh biết không, thông ba lá thì cành ngọn nào cũng ba lá như nhau, trước sau như một ví như lòng anh với em sẽ không hề thay đổi.
- Tôi mà được vậy sao?
- Chưa hết, em sẽ không bao giờ khát khao tình thương khi những cánh lá thông kia đều có hình như máng xối... nghìn lá thông gom mây, sương rồi cùng tưới xuống đời em mãi mãi cho đến khi nào cội thông mục nát.
- Tôi... anh muốn được vậy lắm nhưng phải làm sao?
Thảo xúc động vô bờ nghe khi Đạt vừa xưng anh, nàng âu yếm nói:
- Làm sao ư! anh khỏi phải làm gì cả vì gốc thông sẽ là đuốc ngo đốt sáng soi đường tình ta đi, đường tình cho em đi...
Thảo nắm tay Đạt tiến đến tượng Jesus, nàng đặt tay lên chân ngài và ngước nhìn lên, qua nước mắt thương cha lìa đời và hạnh phúc tình yêu, Thảo mơ hồ bắt được ánh mắt rất dịu hiền, nhân ái trên gương mặt Chúa... văng vẳng một lời ca đâu đây vọng về, Thảo hát theo...xin trông cậy Chúa... khác nào em bé ngủ yên... trong tay mẹ hiền... mãi mãi bình yên... mãi mãi bình yên...
Hết
 

Xem Tiếp: ----