uân tước Roxton có lý khi phán đoán rằng trong vết răng của những con thằn lằn bay có chất độc. Buổi sáng ngày hôm sau tôi và Giáo sư Summerlee đều cảm thấy vô cùng đau nhức. Người bắt đầu ngấy ngấy sốt. Đầu gối của Giáo sư Challenger sưng tấy và ông không còn đi lại nổi nữa. Suốt cả ngày chúng tôi phải ở trong lều và vì vậy Huân tước Roxton đã phải làm hết mọi việc thay chúng tôi. Ông chặt thêm rất nhiều bụi cây để củng cố hàng rào chắn. Cả ngày hôm sau đó tôi luôn có cảm giác rằng chúng tôi đang bị ai đó rình rập mặc dù thực ra tôi cũng không thể nghĩ được đó là cái gì. Cảm giác lo sợ của tôi lớn tới mức tôi đã nói điều đó cho Giáo sư Challenger nghe nhưng ông lại cho rằng chẳng qua đó là ảo giác của những người đang lên cơn sốt. Tôi đưa mắt nhìn ngó xung quanh một cách cảnh giác xem có thấy điều gì bất bình thường không nhưng tất cả chỉ là màn đêm và những bóng cây cao lớn trùm lên trên đầu chúng tôi. Tôi nghĩ đến con ma của người da đỏ mà họ gọi là Curupuri – con ma rừng. Tôi nghĩ rằng con ma rừng Curupuri sẽ đe dọa tất cả những kẻ nào dám xâm phạm đến xào huyệt cuối cùng của nó. Đêm hôm đó (đêm thứ ba kể từ hôm chúng tôi đặt chân lên vùng đất Maple White) đã để lại cho chúng tôi một ấn tượng khó quên và ghê sợ. Và cũng chính vì điều đó chúng tôi mới thấy Huân tước Roxton đã hết lòng giúp đỡ chúng tôi như thế nào. Bốn chúng tôi đang say giấc ngủ quanh đống lửa thì chợt có tiếng thét kinh hoàng khiến cả bốn choàng dậy. Khó có thể so sánh tiếng kêu đó với những loại âm thành nào mà chúng ta đã từng nghe. Có cảm giác như tiếng kêu đó phát xa từ nơi cách chúng tôi chỉ vài trăm yard. Âm thanh đó nghe như tiếng kêu chói tai của còi xe lửa nhưng chứa đựng đầy bất trắc lẫn nguy hiểm. Cả bốn chúng tôi lấy tay bịt chặt tai lại để tránh phải nghe tiếng kêu kinh khủng đó. Mồ hôi vã ra khắp người tôi, tim tôi như rụng xuống. Có cảm giác như mọi nỗi thống khổ, mọi nỗi đau buồn, mọi niềm uất ức của cả thiên đường lẫn địa ngục đều nằm trong tiếng kêu đó. Tiếp theo tiếng kêu kinh hoàng là một tiếng cười trầm đục ngắt quãng đan xen lẫn nhau tạo thành một bản hòa tấu của quỷ dữ. Bản giao hưởng quỷ dữ kéo dài liền khoảng bốn phút khiến cho cây cối xung quanh rung chuyển, chim chóc bay lên xao xác. Đột nhiên tiếng động kết thúc. Cả bốn chúng tôi ngồi im lặng. Huân tước Roxton ném thêm vào đống lửa mấy cành củi nhỏ, ngọn lửa bùng lên soi tỏ cả bốn khuôn mặt. - Cái gì thế nhỉ? – Tôi thì thầm hỏi. - Sáng ngày mai chúng ta sẽ biết! – Huân tước Roxton nói – Tiếng kêu đó ở rất gần chúng ta thôi. Có lẽ xuất phát từ trảng cỏ ban chiều cũng nên. - Chúng ta đã có cơ hội xem một vở kịch thời tiền sử diễn ra trên vách núi đá cao ngất ngưởng giữa vùng bình nguyên nơi các loài động thực vật kỷ Jurassic sinh sống. Kỷ Jurassic là thời kỳ mà những con rồng thống trị thế giới – Giáo sư Challenger nói với vẻ mặt nghiêm nghị chưa từng thấy – Thật may mắn cho con người vì đã sinh ra sau thời kỳ đó chứ nếu không thì… Loài người với vũ khí thô sơ như ná hoặc cung tên thì làm sao có thể chống cự được với những loài thú có sức mạnh kinh khủng như vừa rồi? Thậm chí cả với súng trường con người cũng chịu bó tay trước những con quái vật đó mà thôi! Giáo sư ngẩng đầu lên và nói: - Tôi nghe thấy có tiếng gì đó! Từ trong màn đêm im lặng có tiếng bước chân nhịp nhàng đều đặn trên mặt đất đang tiến đến gần tới khu pháo đài Challenger. Bước chân dạo quanh khu trại một vòng rồi dừng lại chỗ cổng. Có tiếng phì phò như tiếng thở của một loài thú lớn. Chúng tôi chỉ có cái hàng rào làm bằng bụi cây yếu ớt để ngăn những nguy hiểm đang rình rập. Bốn người đều cầm chắc khẩu súng trường. Huân tước Roxton lấy tay kéo một bụi cây nhỏ ở tường rào tạo thành một lỗ hổng như cái cửa. - Lạy Chúa! – Ông thì thào – Hình như có ai đó quanh đây! Tôi cúi xuống và nhìn qua vai Huân tước Roxton. Trước mắt tôi là màn đêm đen huyền hoặc, một bóng đen lẫn trong màn đêm đó hiện lên mờ ảo. Bóng đen có vóc dáng thấp hơn con ngựa một chút nhưng nhìn đường nét đó thì phải là một con vật vô cùng mạnh mẽ. Con vật thở hổn hển khiến tôi liên tưởng đến một cái đầu máy hơi nước. Khi con vật di chuyển, tôi nhận thấy đôi mắt của nó xanh như mắt mèo dữ tợn đưa đi đưa lại trong đêm tối. Có tiếng sột soạt, có vẻ như con vật đang chầm chậm bò lại phía chúng tôi. - Nó đang sắp chồm lên cho mà xem! - Tôi nói thầm với Huân tước và lên cò súng. - Đừng bắn! Đừng bắn! Tiếng súng trong đêm tĩnh mịch như đêm nay có thể lan xa đến vài dặm. Hãy cố gắng kiên nhẫn! – Huân tước Roxton nói nhỏ. - Nếu nó bò qua hàng rào thì coi như chúng ta đi đời rồi còn gì nữa! – Giáo sư Summerlee nói. Giọng ông pha một nụ cười lo lắng. - Không! Nó không thể nhảy qua hàng rào được! Nhưng hãy cố kiên nhẫn, đừng bắn! Có lẽ tôi sẽ có cách! Cứ chờ thử xem sao! Sau đó tôi chứng kiến thấy một trong những hành động dũng cảm nhất của con người từ trước đến nay. Huân tước cúi xuống đống lửa và bất thình lình ông nhắt lấy một cành cây đang cháy đỏ rực lao về phía cửa Pháo đài Challenger. Con vật tiến lên phía trước và cất tiếng gầm gừ ghê sợ. Huân tước Roxton không hề nao núng, ông vẫn tiến về phía trước bằng những bước nhẹ nhàng. Nhanh như căt ông ném thanh củi đang cháy về phía mặt con vật. Đúng lúc đó chúng tôi mới trông thấy khuôn mặt nó. Thật là ghê rợn. Trông giống như một con cóc khổng lồ, đầy những mụn và vết lở loét trên mặt, cái miệng rộng đỏ ngồm màu máu tươi. Rất nhanh con vật bỗng nhiên biến mất vào trong rừng. - Tôi nghĩ rằng con vật đó sợ lửa! – Huân tước nói rồi ném thanh củi vào đống lửa. - Ông không nên mạo hiểm như thế! – Tất cả chúng tôi đồng thanh kêu lên. - Không còn cách nào khác. Chúng ta phải thử trước. Chứ nếu như chúng ta bắn nó thì khi nó bị thương nó sẽ lồng lộn lên và chắc chắn chúng ta không còn gì để nói nữa! Thôi cuối cùng thì nó cũng đi rồi! Này thế nó là con gì thế nhỉ? Hai nhà bác học của đoàn chúng tôi nhìn nhau với vẻ mặt do dự. - Cá nhân tôi không thể liệt con vật này vào một loài nào – Giáo sư Summerlee nói và châm tẩu thuốc từ đống lửa. - Ông không dám khẳng định nên đành phải tỏ ra dè dặt như thế chứ gì? – Giáo sư Challenger nói – Tôi cũng không dám nói gì nhiều mà chỉ cho là chúng ta vừa chạm trán với một loài khủng long ăn thịt thời tiền sử. Tôi đã từng tiên đoán rằng có một số loài như thế vẫn đang tồn tại trên vùng bình nguyên này! - Chúng ta luôn phải lưu ý một điều rằng… - Giáo sư Summerlee nói - … Có rất nhiều sinh vật của thời tiền sử mà chúng ta chưa được biết đến. Không nên đặt tên cho những con vật mà chúng ta chưa hiểu kỹ về chúng! - Đúng thế! Không nên phân loại quá sớm. Ngày mai rất có thể sẽ có thêm những thông tin để chúng ta phân loại chúng. Bây giờ việc của chúng ta là đi ngủ. - Nhưng phải có người thay phiên nhau canh gác! – Huân tước Roxton nói gần như quyết định – chúng ta không thể mạo hiểm mạng sống của mình tại một nơi như thế này! Mỗi người phải gác hai giờ đồng hồ từ hôm này trở đi. - Thời gian đó vừa bằng thời gian tôi hút hết một tẩu thuốc… Giáo sư Summerlee nói. Từ lúc đó tôi cảm thấy việc canh gác thật là cần thiết. Sáng hôm sau chúng tôi nhanh chóng nhận ra nguyên nhân của tiếng thét kinh khủng đêm qua. Khu trảng cỏ mà những con thằn lằn răng giông sinh sống ngày hôm qua hôm nay đã trở thành một lò sát sinh khổng lồ. Nhìn những vũng máu và những tảng thịt to lớn văng vung vãi khắp nơi khiến chúng tôi có cảm tưởng có rất nhiều động vật đã bị giết ở đây. Nhưng khi xem xét kỹ mọi thứ còn sót lại chúng tôi nhận thấy đây là máu thịt của một con vật duy nhất, loài vật mà chúng tôi đã có dịp trông thấy mấy hôm trước. Rõ ràng con vật khổng lồ này đã bị một con vật khác tuy không to lớn hơn nhưng dữ tợn hơn rất nhiều xé xác. Hai vị Giáo sư của chúng tôi lại bắt đầu say sưa tranh luận. Hai ông xem dấu vết từng miếng thịt một, trên đó còn in rõ vết răng cũng như móng vuốt của con thú hung dữ kia. - Chúng ta tạm thời chưa nhận xét gì vội! – Giáo sư Summerlee nói và chỉ tay vào một tảng thịt màu trắng nằm dưới đất. Tảng thịt cao đến gần đầu gối của Giáo sư – Những gì đang nhìn thấy khiến tôi liên tưởng đến loài hổ răng kiếm ở đây. Loài vật mà chúng ta đã phát hiện ra xương hóa thạch trong những hang đá thời tiền sử. Nhưng đây là một loài còn to lớn hơn nhiều và có vẻ là một loài bò sát. – Rất có thể đó là loài siêu khủng long! – Giáo sư Summerlee nói. - Chính xác! Nó có thể thuộc loài bò sát ăn thịt nào đấy! Những loài khủng long ăn thịt mà chúng ta còn thấy vết tích của chúng tại khắp các bảo tàng triển lãm động vật tiền sử – Giáo sư Challenger cười vang vẻ rất tự tin. Mọi người có vẻ đồng tình với ý kiến của ông. - Đề nghị mọi người nói ít thôi! – Huân tước Roxton cộc lốc – Chúng ta không biết có điều gì xung quanh đây. Nếu con vật kinh khủng đó quay lại thì sao. Chúng ta không có thời gian để cười đâu và cả bốn chúng ta cũng không đủ làm bữa sáng cho nó! Nhân tiện các ngài hãy cho biết xem những vết trên da con thú này là gì vậy? Trên mảng da màu đá xám là một chấm tròn được tạo bởi một chất gì đó giống như hắc ín. Không ai có ý kiến gì, ngay cả Giáo sư Summerlee cũng không có phát biểu gì độc đáo dù ông nói rằng cách đây mấy ngày ông đã nhìn thấy những dấu vết tương tự như thế trên da của những con thú con. Giáo sư Challenger thì không nói gì, thái độ của ông tỏ ra rất vênh vang tự đắc cứ như thể mỗi mình ông ta đang nắm giữ lời giải đáp. Cuối cùng vì thái độ của ông Challenger mà Huân tước Roxton đã phải hỏi trực tiếp ông. - Tôi xin đại quý ngài rộng lòng cho phép tôi mở miệng để bày tỏ tình cảm của mình – Huân tước nói với vẻ châm biếm tế nhị – Tôi không có thói quen hành động theo phong cách một ai khác và cụ thể ở đây là phong cách của đại quý ngài. Tôi không ý thức được rằng việc xin phép ngài nở một nụ cười ban tới chúng tôi có phải là một việc cần thiết hay không. Một lúc lâu sau chúng tôi mới thấy Giáo sư Challenger cất tiếng xin lỗi về thái độ vừa rồi. Khi đã cảm thấy mọi người thoải mái ông mới bắt đầu nói chuyện. Ngồi trên một cái thân cây và cách chúng tôi mấy thước Giáo sư Challenger mới bắt đầu thuyết trình theo thói quen như đứng trước hàng nghìn thình giả. - Về những vết đen trên da con vật, tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định của người bạn cũng như đồng nghiệp của tôi, Giáo sư Summerlee, rằng đó chính là hắc ín. Trên vùng bình nguyên này nơi có rất nhiều miệng núi lửa thì hắc ín là một chất có liên quan mật thiết tới các loại đất đá dưới tầng sâu khi bị phun trào lên bề mặt. Tôi chắc rằng chất này hiện đang trong trạng thái lỏng và những con thằn lằn bay đã tới nơi đó. Điều quan trọng nhất bây giờ là việc tìm ra bí ẩn về loài khủng long ác thú kia! Tôi đoán rằng vùng bình nguyên này không rộng hơn một quận trung bình của nước Anh. Trong vùng đất nhỏ hẹp này đang tồn tại một số loài sinh vật nhất định. Một số loài trong đó hiện nay đã tuyệt chủng. Tôi cho rằng các loài khủng long ăn thịt kia cách đây mấy ngàn năm trước chỉ là loài thú ăn cỏ bình thường. Sau một thời gian do sinh sản quá mức làm nguồn lương thực bị cạn kiệt dần khiến chúng chuyển sang thói quen ăn thịt bởi nếu không chúng sẽ chết đói. Thượng đế luôn đặt ra chỉ tiêu nhất định về số lượng những con thú hung dữ tại các vùng đất để đảm bảo sự cân bằng. Điều này nảy ra cho chúng ta một nhiệm vụ thú vị là nghiên cứu xem thượng đế đã đặt chỉ tiêu về số lượng tại vùng đất này là bao nhiêu. Tôi cho rằng chúng ta sẽ có được cơ hội để tìm hiểu sát hơn về loài khủng long ác thú. - Tôi nghĩ rằng chúng ta rất có thể sẽ không có cơ hội nào cả! – Tôi chêm vào. Giáo sư Challenger nhướng đôi lông mày to tướng lên nhìn tôi như thầy giáo nhìn một đứa học sinh ngỗ nghịch. - Có lẽ Giáo sư Summerlee sẽ đưa những nhận xét thỏa đáng hơn chăng? Và thế là hai nhà khoa học đáng kính lại lao vào một cuộc cãi vã mang tính khoa học nảy lửa. Hai ông tranh luận về sự tác động giữa tỷ lệ sinh sản của những con thằn lằn bay với nguồn thức ăn và điều đó có ảnh hưởng như thế nào tới sự tồn tại của chúng trên miền đất này. Tôi đã kịp hoàn hồn sau những biến cố nguy hiểm tại vùng đất Maple White. Còn bây giờ tôi lại được thưởng thức thiên nhiên của vùng đất này. Suốt cả ngày buổi sáng chúng tôi lang thang nhìn ngắm vô vàn loài hoa rực rỡ. Tôi quan sát kỹ lưỡng và thấy rằng hầu hết chúng đều có màu trắng hoặc vàng. Theo lời hai vị Giáo sư thì hai màu đó là những màu đặc trưng của các loài hoa nguyên thủy. Có những chỗ đất rộng các loài hoa màu trắng, vàng phủ kín. Mùi hương của chúng làm chúng tôi suýt nghẹt mũi. Những con ong mà chúng tôi thường thấy ở nước Anh bay lượn khắp nơi. Dọc đường đi có nhiều loại cây trĩu nặng quả, trong đó có những loài chúng tôi biết nhưng có nhiều loài mới gặp lần đầu. Quan sát việc loài cây nào thường có chim chóc tới ăn chúng tôi dễ dàng tìm ra những loại quả không độc để bổ sung nguồn lương thực dự trữ của mình. Tại những vùng đất khô chúng tôi phát hiện thấy dấu vết của những loài thú ăn thịt, còn tại những vùng đất ẩm ướt chúng tôi thấy dấu vết của các loài thằn lằn răng giông. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng bắt gặp một vài con khủng long đang đứng thơ thẩn phía xa. Huân tước Roxton dùng kính viễn vọng nhìn và nói rằng ông đã nhìn thấy những vết hắc ín bám lên mình những con khủng long đó. Chúng tôi không sao giải thích được hiện tượng này. Chúng tôi cũng bắt gặp loài lợn rừng với cặp răng nanh dài cong vút. Trên những quả đồi xa xa là những loài thú cỡ lớn màu nâu xám đang bước đi với những bước dũng mãnh. Chúng đi nhanh đến nỗi chúng tôi không kịp phát hiện là chúng là những con gì. Huân tước Roxton nói đó là những con hươu nhưng cả ba chúng tôi đều tỏ ra ngờ vực. Từ hôm gặp sự cố tại pháo đài Challenger chúng tôi luôn trở về trong trạng thái lo lắng. Đêm đó chúng tôi thảo luận rất kỹ về tình trạng hiện thời và bàn kế hoạch cho những ngày sắp tới. Có một điều tất yếu là chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc thám hiểm tại vùng đất này. Giáo sư Summerlee là người bắt đầu khơi mào cuộc tranh luận. Suốt cả ngày hôm nay ông luôn luôn càu nhàu, có lẽ những gì Huân tước nói đã khiến ông suy nghĩ và cảm thấy bế tắc. - Tất cả những gì chúng ta cần làm bây giờ là tìm cho được con đường để thoát khỏi cái nơi rừng rú chết tiệt này! Tất cả mọi người đang tập trung suy nghĩ để làm sao đi sâu vào vùng đất này nhưng theo tôi chúng ta nên tìm đường ra thì tốt hơn. - Tôi thật ngạc nhiên thưa ngài! – Giáo sư Challenger nói - Một người làm khoa học như ngài mà lại có những ý nghĩ như thế! Chúng ta đang ở trên một miền đất có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với những người nghiên cứu khoa học về tự nhiên như chúng ta. Thế mà tôi đã nghĩ khác về ngài đấy, Giáo sư Summerlee ạ! - Ngài phải nhớ rằng - Giáo sư Summerlee nói vẻ chua cay - tôi đang giảng dạy một lớp tương đối lớn ở Luân Đôn, họ đang chờ tôi trở về. Điều này khiến cho vị thế khác xa so với vị thế của ngài. Theo tôi được biết thì ngài chưa bao giờ tham gia công tác giảng dạy. - Thật đúng vậy! Tôi không nghĩ rằng tôi lại dùng cái bộ não siêu việt của mình để làm cái công việc thấp kém không xứng chút nào ấy! Đó cũng là lý do tôi luôn từ chối các cuộc họp mặt mang tính học thuật với bất kỳ ai. - Ngài hãy đưa ra ví dụ? – Giáo sư Summerlee nói và hắt hơi nhưng Giáo sư Challenger đã chuyển chủ đề câu chuyện. - Tôi phải nói rằng việc quay trở lại Luân Đôn lúc này là điều tôi không hề muốn. Vì có quá nhiều thứ để tìm hiểu. - Còn tôi thì chắc sẽ không dám trở về tòa báo gặp ông McArdle mà không mang theo những tài liệu mà tôi đã hứa. Hơn nữa, chẳng có con đường nào dẫn xuống mặt đất đâu, chúng ta có muốn về cũng không về được. – Tôi tỏ ý ủng hộ Giáo sư Challenger. - Anh bạn này đưa ra lý do riêng của anh ta. Đối với tôi lý do mang tính nghề nghiệp của anh ta chẳng có ý nghĩa gì với tôi cả, tuy nhiên như anh ta vừa nói, chẳng có con đường nào dẫn xuống phía dưới cả. chúng ta không nên tốn thời gian vào vấn đề đó. - Nhưng chúng ta đang tốn công sức vào việc khác – Giáo sư Summerlee gào lên - Tôi xin nhắc nhở các vị rằng chúng ta đến đây theo một nhiệm vụ cụ thể mà chúng ta đã thỏa thuận ở Hội nghị Động vật học ở Luân Đôn. Người ta đã trao cho chúng ta nhiệm vụ kiểm chứng những luận cứ khoa học của Giáo sư Challenger. Công việc kiểm chứng đó của chúng ta, theo tôi biết về cơ bản đã sắp hoàn thành. Còn nếu đi sâu vào chi tiết thì khối lượng công việc sẽ vô cùng đồ sộ. Điều đó sẽ cần đến một cuộc thám hiểm quy mô lớn, với những trang thiết bị đặc biệt. chúng ta có nên tự làm, để cho đến lúc nào đó chúng ta không còn đường quay về và những phát kiến khoa học của chúng ta sẽ không có điều kiện được nền khoa học của nhân loại công nhận. Giáo sư đã có những sáng kiến để đưa cả bốn chúng ta lên trên này và bây giờ tất cả chúng ta đề nghị ông ấy hãy nghĩ xem có sáng kiến nào đưa chúng ta trở lại hay không. Giáo sư Challenger tỏ ra vô cùng ngạc nhiên và bất ngờ trước những gì Giáo sư Summerlee nói. - Vấn đề tìm đường xuống dưới mặt đất hiện thời là một việc cực kỳ khó khăn – Giáo sư Challenger nói - Trong tình thế này trí não cũng đành bó tay mà thôi. Tôi cũng đồng ý với anh bạn Giáo sư của tôi rằng việc ở lại miền đât Gỗ Thích Trắng này là không nên. Nhưng tôi kiên quyết không quay trở lại trước khi chúng ta có một số vốn kiến thức nhất định về cái vùng này và kể cả việc chúng ta có thể vẽ được một cái bản đồ. Giáo sư Challenger tỏ vẻ bứt rứt khó chịu. - Chúng ta đã ở đây quá nhiều ngày – Ông nói - và chúng ta vẫn chưa có phác đồ cơ bản nào về vùng đất này. Vùng đất này chỉ toàn là cây cối. Phải mất nhiều tháng trời mới đi hết được. Nếu phía trước mặt có một cái đỉnh núi hoặc đồi nào đó thì mọi chuyện đã khác, đằng này địa hình lại dốc về phía trước. Đúng lúc Giáo sư Summerlee đang nói tôi để ý đến một thân cây bạch quả với những cành cây khổng lồ trên đầu. Cả cành và thân cây đều to và dài hơn hẳn so với những cây xung quanh. Tôi tự hỏi tại sao lại không dùng cây bạch quả này để làm đài quan sát địa thế của cả vùng. Từ ngày còn là một đứa trẻ con của tung tăng trên những miền đất của vùng Ai-len tôi đã là một tay leo cây cự phách. Những người bạn đồng hành rất giỏi trong lĩnh vực leo núi nhưng phải nói thẳng rằng tôi hơn hẳn họ về khả năng leo cây. Mọi người trong đoàn đồng ý với ý kiến của tôi. - Anh bạn trẻ của tôi - Giáo sư Challenger nói trong lúc miệng cắn một miếng táo màu đỏ - có thể leo trèo lên cái cây này, mặc dù sẽ khó khăn đấy. Tôi tán thành cách làm của cậu. - Thế là cậu đã nhận lời rồi nhé! – Huân tước Roxton nói và lấy tay vỗ vào lưng tôi – sao chúng ta lại không nghĩ đến điều này cơ chứ? Trời sắp tối rồi nhưng tôi nghĩ rằng cậu nên cầm theo một cuốn sổ và vẽ sơ qua bản đồ của khu vực này. Huân tước Roxton đứng trên mấy cái hộp trong khi tôi bám vào thân cây và bắt đầu leo lên, còn Giáo sư Challenger thì dùng đôi tay hộ pháp đẩy phía dưới trợ lực. Có ba cành cây lớn sắp xếp như một cái thang. Chả mấy chốc tôi đã leo lên tít trên cao và không nhìn thấy dưới mặt đất nữa. Bên dưới chỉ còn những tán cây rậm rạp. Tiếng của Giáo sư Challenger vọng từ dưới xa xa. Phía trên đầu tôi cũng chỉ toàn lá cây. Trước mặt tôi là một tán cây giống như cái dù. Khi nhìn kỹ tôi suýt rơi xuống đất vì kinh sợ. Một khuôn mặt đang nhìn chòng chọc vào tôi – khoảng cách chỉ khoảng một feet. Đó là một khuôn mặt người hoặc nói cách khác khuôn mặt đó là một khuôn mặt khỉ giống một khuôn mặt của con người. Khuôn mặt trắng bệt và nổi lên những nốt mẩn đỏ, cái mũi tẹt dí, một chòm lông cứng mọc dưới cằm. Đôi mắt ẩn dưới hàng lông mày phóng cái nhìn dữ tợn. Miệng con vật đang há to và kêu những tiếng ghê sợ khiến tôi nhìn thấy rõ hàm răng sắc nhọn trắng ởn. Trong giây lát tôi nhận thấy những tia nhìn hằn thù mà nó chiếu về tôi. Con vật nhảy phắt lên chạc cây phía xa. Toàn thân của con vật phủ một lớp lông thưa màu hung đỏ lẫn vào đám lá cây xanh thẫm. - Có chuyện gì thế? – tiếng Huân tước Roxton gọi vọng lên. - Các ngài có thấy gì không? – tôi kêu to trong khi hai tay bám chặt vào thân cây, tim đập thình thịch. - Có tiếng gì như tiếng trượt chân! Tôi bị sốc đến nỗi không dám leo xuống ngay dưới để kể cho mọi người về việc tôi đã gặp con vượn người kia. Lúc này tôi đã leo quá cao nên không thể xuống nhanh được. Sau khi nghỉ ngơi cho hoàn hồn tôi mới tiếp tục leo lên. Dần dần lá cây đã mỏng dần, khi có gió thổi miên man trên mặt tôi mới biết mình đã ở trên ngọn cây. Tôi quyết định không nhìn chung quanh nữa mà leo thẳng đến chỗ cao nhất. Từ điểm đó tôi được chứng kiến một khung cảnh vô cùng tuyệt diệu. Mặt trời đang chếch phía tây khiến cho vùng bình nguyên bên dưới hiện ra rõ ràng dưới mắt tôi. Đó là một bình nguyên hình elip có chiều dài khoảng ba mươi dặm và rộng hai mươi dặm. Toàn bộ bình nguyên có hình một cái phễu, giữa cái phễu đó là một cái hồ nước chu vi mười dặm. Dưới ánh trời chiều mặt nước màu xanh biếc, ven hồ là những bụi cỏ mọc xen những trảng cát vàng ánh mặt trời. Cạnh bờ cát là những vật thể giống như những con cá sấu. Từ vị trí chỗ chúng tôi đang đứng là những cánh rừng xen với những trảng cỏ dài có đến năm sáu dặm. Từng đàn thằn lằn răng giông và thằn lằn ngón cánh tụ tập quanh hồ. Phía bên kia mặt hồ là một vách đá màu đỏ bazan cao khoảng hai trăm feet. Dưới chân vách đá có những cái lỗ mà tôi đoán chừng đó là miệng hang. Ở một trong những cái miệng hang như thế có ánh sáng đang tỏa ra lung linh. Tôi chịu không thể đoán ra đó là gì. Tôi ngồi trên cây vẽ bản đồ cho đến khi mặt trời lặn hẳn, bầu trời chìm vào bóng đêm. Tôi bèn leo trở xuống gốc cây nơi những người bạn đồng hành đang ngồi nóng lòng chờ đợi. Lúc này tôi cảm thấy mình như một vị anh hùng vừa trở về sau một trận đánh. Một mình tôi nghĩ ra việc leo cây, một mình tôi đã leo lên cây và vẽ được một tấm bản đồ sơ qua về vùng đất bí hiểm này. Cả ba người bắt tay tôi thật chặt. Nhưng trước khi đưa tấm bản đồ vừa vẽ cho mọi người xem, tôi đã kể cho họ nghe cuộc chạm trán với người vượn (tôi cứ tạm gọi là như vậy). - Nó đã ở đó rất lâu! – Tôi nói. - Làm thế nào mà cậu biết điều đó? – Huân tước Roxton hỏi. - Bởi vì tôi luôn luôn có cảm giác một điều gì đó nguy hiểm đang rình rập quanh mình. - Anh bạn trẻ của chúng ta đúng đấy! Anh ta có sự nhạy cảm riêng biệt của người Celtic – Giáo sư Challenger nói. - Có lẽ đó là hiện tượng thần giao cách cảm – Giáo sư Summerlee vừa nói vừa nhồi thuốc vào tẩu. - Vấn đề này tương đối phức tạp – Giáo sư Challenger nói như một vị giám mục đang giảng đạo – con vật mà cậu nhìn thấy đó có ngón tay cái bắt chéo qua lòng bàn tay không? - Không! – Tôi trả lời. - Nó có đuôi không? - Không! - Chân của nó có thể cầm nắm được không? - Tôi nghĩ rằng có thể bởi tôi đã chứng kiến nó di chuyển trên cây nhanh như thế nào. - Nếu tôi nhớ không nhầm thì ở Nam Mỹ có khoảng ba mươi sáu loài khỉ nhưng không có loài vượn người. Phải không Giáo sư Summerlee? Tuy nhiên rõ ràng loài vượn người lại đang sinh sống trên vùng đất này. Điều lạ là loài vượn người này lại không có lông giống như loài khỉ gorrilas – loài vượn người chỉ sinh sống ở châu Phi và phương Đông. Đây là loài vượn có tóc mai không màu. Đặc tính không màu chứng tỏ nó chuyên sinh sống trên cây. Vấn đề đặt ra là con vật này giống con người hơn hay giống vượn hơn. Nếu nó giống người thì chắc là ở đây đã diễn ra một hiện tượng mà giới nghiên cứu nhân chủng học gọi là sự đứt đoạn tiến hóa. Nếu thực như thế thì việc nghiên cứu là nhiệm vụ cấp bách của chúng ta. - Nếu không phải như thế thì… - Giáo sư Summerlee đột ngột cắt ngang – bằng sự thông minh và việc làm vừa rồi của cậu Malone, chúng ta đã có một tấm bản đồ phác thảo của vùng này. Nhiệm vụ cấp bách bây giờ là ngay lập tức rời khỏi nơi này một cách an toàn. - Một cái nôi của nền văn minh! – Giáo sư Challenger lẩm bẩm. - Một cái lọ của nền văn minh thưa ngài! Nhiệm vụ của chúng ta là ghi chép lại những gì chúng ta chứng kiến và dành việc khám phá tiếp theo cho những người khác. Trước khi cậu Malone leo lên cây tất cả chúng ta đã đồng ý như thế rồi phải không? - Tôi cũng cảm thấy rất thoải mái với ý nghĩ rằng việc thám hiểm tiếp theo sẽ dành cho những người khác. Nhưng tôi vẫn chưa nghĩ ra được làm cách nào chúng ta có thể rời khỏi nơi này. Từ trước tới nay tôi chưa từng đầu hàng trước bất kỳ khó khăn gì, tôi hứa rằng ngày mai tôi sẽ có ý kiến về việc trở lại của đoàn ta – Giáo sư Challenger nói. Vấn đề tranh luận tạm thời được gác lại và ngay tối hôm đó bên đống lửa tấm bản đồ được đưa ra xem xét một cách kỹ lưỡng. Giáo sư Challenger đưa bút chì khoanh một vòng đậm nét quanh cái hồ mà tôi từng chứng kiến từ trên cây. - Chúng ta sẽ gọi nó là gì? – Giáo sư Challenger hỏi. - Sao ông không nhân cơ hội này mà lấy tên ông đặt cho nó? – Giáo sư Summerlee nói với giọng mỉa mai. - Tôi tin rằng có nhiều điều sẽ lưu tên tôi lại cho hậu thế – Giáo sư Challenger nói một cách gay gắt – những kẻ ngu ngốc thường muốn lưu tên họ của họ vào những quả núi và những con sông. Còn tôi thì không cần những điều đó. Trong lúc Giáo sư Summerlee chuẩn bị phản công thì Huân tước Roxton can thiệp. - Cậu Malone ạ! Tùy cậy đặt tên cho cái hồ này mà thôi. Cậu nhìn thấy nó trước tiên và cậu có thể gọi tên là hồ Malone mà không ai có quyền phản đối. - Hãy để cho chàng trai trẻ của chúng ta đặt tên cho cái hồ nào – Giáo sư Challenger nói. - Thế thì tôi sẽ đặt tên là hồ Gladys – tôi đỏ mặt nói. - Cái tên hồ Trung Tâm sẽ gợi tả nhiều hơn đấy cậu Malone? – Giáo sư Summerlee nói. - Tôi thích cái tên Gladys hơn! Giáo sư Challenger nhìn tôi vẻ thông cảm. Ông nói: - Thanh niên vẫn là thanh niên. Hãy gọi nó là hồ Gladys.