him đa đa đậu cành đa
Chồng gần không lấy, bậu lấy chồng xa
Giờ đây cách trở quan hà
Trông về cố xứ, lụy sa hai hàng
Quê nội tôi là một làng nhỏ ở một vùng quê hẻo lánh ở miền Bắc, làng La Khê thuộc tỉnh Quảng Yên. Ông nội tôi làm nghề bốc thuốc và dạy chữ nho cho vài mươi đứa trẻ ở trong làng.  Gặp buổi giao thời, những người học trò học chữ Hán lần lượt thôi hết để đổi qua học chữ Pháp, ông tôi chỉ còn nghề bốc thuốc, một cái nghề nhân đạo nhưng thâu nhập chẳng có là bao.  Lợi tức chính của gia đình trông vào cửa tiệm tạp hoá do bà nội tôi phụ trách.
Ông tôi có một đời vợ trước sinh được một trai là bác Cả.  Khi bác Cả được sáu tuổi thì bà nội lớn bị chết trong một trận dịch tả.  Ba năm sau, khi hết tang, ông tôi mới cưới bà nội tôi, lúc đó ông mới ngoài ba mươi, còn bà nội tôi thì đã băm sáu.  Cha tôi tên Phúc ra đời hai năm sau đó, tiếp theo đến chú Đức kém cha tôi ba tuổi và cô Liên kém chú Đức hai tuổi, sau đó bà thôi không sanh nữa.
Tuy là anh em một nhà, nhưng vì tuổi tác chênh lệch quá xa, nên bác Cả sống gần như tách biệt với ba người em khác mẹ.  Thuở nhỏ, cha tôi chơi thân với chú Đức, cho dù tính tình hai người hoàn toàn trái ngược, cha tôi củ mỉ, hiền lành, còn chú Đức năng nổ, hiếu động, cả hai chỉ giống nhau ở một điểm là lười học.  Lúc nhỏ, chú Đức rất nghịch ngợm, năm lên chín tuổi, chú leo trèo thế nào mà bị té từ trên cây xuống, gãy chân.  Dạo đó vào khoảng năm 1940, ở làng quê làm gì có nhà thương, một thày lang được mời đến, thế rồi chỉ với một nắm lá dấu, ông ta dùng mo cau và hai thanh tre làm nẹp để bó chân chú lại.  Sau mấy tháng, vết thương cũng lành, nhưng chân chú thành tật, cứng đơ và phía dưới chỗ gẫy, thịt bị teo lại. Điều đó không là một trở ngại vì chú vẫn đi đứng như người bình thường, chỉ hơi khập khễnh, trời bù lại cho chú có một gương mặt rất sáng sủa, đẹp trai.
Chú Đức thích gảy đàn, thổi sáo, còn cha tôi thì mê vẽ, đi học về, ông chúi mũi vào một xó để ngồi vẽ.  Chẳng ai chỉ bảo, nhưng tự nhiên ông có thiên khiếu về nghành họa, chỉ với một mẩu bút than, ông đã tạo ra nhiều bức tranh tuyệt đẹp, làm ngạc nhiên cả những người lớn.  Nhưng ông nội tôi lại cau mặt, không bằng lòng và tìm cách ngăn cản, ông nói không muốn con mình lớn lên sẽ làm cái nghề bạc bẽo ấy.  Kể ra ông cũng có lý, xã hội thời bấy giờ không trọng dụng nghệ sĩ, người ta mải lo kiếm sống, ít ai chú trọng đến nghệ thuật.  Đa số những hoạ sĩ thời đó đều nghèo túng, có người cơm ăn không đủ no, chẳng ai có thể làm giàu nhờ nét cọ của mình. Vì lẽ đó, ông nội cấm cha tôi vẽ, mỗi khi bắt gặp, ông thường đánh cha tôi rất đau và xé nát hết các bức vẽ, để cha tôi bỏ ý định điên rồ là sau này sẽ trở thành hoạ sĩ.
Mặc dù bị cấm đoán, nhưng cha tôi vẫn không thể nào dẹp bỏ hết những đam mê.  Hết trốn trên cái gác xép nóng như lò lửa để vẽ trộm, ông lại thức rất khuya, chờ lúc mọi người đi ngủ cả để được tự do sáng tác.  Dụng cụ để vẽ của ông không có gì ngoài mấy hộp màu, vài cây bút lông và một xấp giấy vẽ mà ông đã nhịn tiền quà để mua.  Khi lớn lên chút nữa, để thoát khỏi tầm mắt canh chừng của ông nội, cha tôi thường qua nhà bạn ở nhờ, nói dối là để học bài, có khi ông ở nhà bạn cả mấy ngày.
Vì đam mê thú nghệ sĩ, nên cả cha tôi và chú Đức đều chểnh mảng trong việc học, lệt bệt mãi vẫn mà vẫn còn quanh quẩn trong những lớp ở trường làng.  Trong khi đó, bác Cả học rất giỏi, bác thi đậu vào trường Bưởi và được ra Hà Nội học, bác ở nội trú ngay trong trường.  Đậu xong bằng tú tài, bác ra làm thông phán toà sứ và cưới người con gái bác yêu, một cô thiếu nữ tân thời, răng trắng, người Hà Nội.  Ông nội tôi lúc đầu phản đối, nhưng sau đành nhượng bộ, ông vốn nể người con trưởng có địa vị làm rạng danh cho gia đình.  Bác Cả là người có đầu óc tân tiến, theo mới và là một trong những người đi tiên phuông trong phong trào tự do luyến ái, ảnh hưởng rất nhiều đến cha tôi và chú Đức sau này.  Tiếc thay, cuộc hôn nhân hạnh phúc của bác chỉ kéo dài được có bốn năm, khi bác gái sanh con đầu lòng, cả hai mẹ con đều chết vì sanh khó, đứa bé chết vì ngộp thở, còn người mẹ chết vì băng huyết.  Hai cái tang đau đớn đó làm đảo lộn cả cuộc sống đang êm đềm của bác Cả, bác buồn lòng bỏ đi xa và nhất quyết không cưới vợ khác.  Bác ra Hải Phòng học nghề lái tàu, rồi dốc hết vốn liếng dành dụm ra mua một cái tàu nhỏ, đi đây đi đó cho khuây khoả.
Thoạt đầu, bác chỉ có ý định tiêu khiển cho qua ngày giờ, nhưng mãi cũng chán, thêm nữa tiền bạc cạn dần, bác nghĩ ra cách làm ăn với chính cái tàu của mình.  Bác học nghề lưới cá, với bản chất thông minh, lanh lẹ và với sức vóc khoẻ mạnh, chẳng mấy chốc bác trở thành một người đánh cá giỏi nhất vùng.  Tiền bán cá thâu được khá nhiều, bác lại dành dụm mua thêm một cái ghe nữa, thuê người làm phụ.  Rồi cứ đà tiến lên, bác sắm thêm nhiều ghe khác, thuê thêm nhiều người, và trở thành ông chủ.  Chẳng mấy chốc, đoàn ghe của bác đã lên tới vài chục cái, nhưng toàn là ghe nhỏ, đánh cá dọc theo ven bờ nên chẳng được nhiều.  Bác nghĩ ra cách làm ăn lớn nên liều bán hết, gom cả vốn liếng ra đóng một cái tàu lớn, trang bị đầy đủ những dụng cụ, máy móc hiện đại để có thể ra khơi đánh cá ở ngoài xa.  Con tàu Trường Hải của bác trông đồ sộ chẳng kém những tàu đánh cá của người ngoại quốc, mỗi lần ra khơi luới được cả mấy tấn cá.  Ngoài việc bán xỉ cho các bạn hàng chở đi các tỉnh lân cận, số cá còn lại được các hãng nước mắm mua hết, nên bác không gặp khó khăn gì trong việc tiêu thụ số cá đánh được.  Công việc làm ăn phất, bác trở nên giàu có và vẫn cấp dưỡng tiền bạc để nuôi cả nhà.
Cha tôi và chú Đức học hành không mấy khá, thi mãi không đậu nổi cái bằng thành chung.  Thấy con đường học vấn sao mà gập ghềnh khó đi, hai người quyết định rời ghế nhà trường, ra đi lập nghiệp, mỗi người đi theo con đường riêng của mình.  Chú Đức đi theo gánh hát, làm nghề đờn ca.  Cha tôi bỏ vô Nam, ông cương quyết đi xa để tránh cuộc hôn nhân do gia đình sắp xếp, buộc ông phải lấy một người con gái đảm đang nhưng quê mùa.
Vô Sài Gòn, cha tôi làm đủ mọi nghề để kiếm sống, tuy vất vả nhưng ông đã đạt được mục đích là được nhận vào trường Mỹ Thuật, theo học ngành hội hoạ ông vẫn hằng mơ ước.  Chẳng mấy chốc, ông trở thành một hoạ sĩ giỏi, sau khi tốt nghiệp, ông được mời dạy luôn ở trong trường.
Trong thời gian này, ông gặp mẹ tôi, một thiếu nữ người miền Nam xinh đẹp, hiền lành, vì mê tài ông nên bằng lòng làm vợ một người hoạ sĩ nghèo, chưa có tên tuổi, sự nghiệp.  Một đám cưới nho nhỏ diễn ra trong vòng thân mật của bạn bè và những người trong gia đình đàng gái.  Ông bà ngoại lúc đầu không muốn gả con cho chàng trai khác xứ, nhưng sau vì thương con nên ép lòng cho cử hành hôn lễ mà trong lòng cứ lo lắng, không vui.  Sau đám cưới, cha đưa mẹ lên Sài Gòn, thuê nhà ngay cạnh trường vẽ, ngày ngày đi dạy học, mẹ bán xôi chè để phụ thêm, cuộc sống tuy nghèo nhưng hạnh phúc. Tôi ra đời hai năm sau đó.
Năm tôi lên bốn tuổi, được tin ông nội mất, cha tôi đưa vợ con về chịu tang.  Nhân dịp này, bà nội yêu cầu cha đừng đi xa nữa.  Nhà lúc này neo người, không còn bóng dáng đàn ông, cô Liên vẫn chưa có chồng, bác Cả ở xa, chú Đức đi biền biệt không về, bà nội không được khoẻ, nay đau mai yếu…  Thương mẹ già tóc bạc phơ, không biết sống chết lúc nào, cha tôi quyết định ở lại.  Mẹ rất buồn vì phải xa quê, nhưng không phản đối, bà vốn là một người đàn bà hiền lành, chỉ biết tuân lệnh chồng.  Quyết định này làm đảo lộn đời cha, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của hai mẹ con tôi sau này.
Bây giờ nói đến những ngày đầu về quê nội.  Vì bác Cả không có con, tôi là đứa cháu nội duy nhất nối dòng, nên được cả nhà cưng chiều.  Nhưng với mẹ tôi thì trái lại, bà không được xem như người ở trong gia đình.  Mọi người đều nhìn mẹ tôi bằng những cặp mắt đố kỵ, soi mói, một phần là vì mẹ tôi gốc người miền Nam, phong tục tập quán, ngôn ngữ đều có hơi khác biệt.  Nhưng nguyên do chính là vì họ coi thường cha tôi, bao năm bỏ xứ ra đi, giờ này trở về vẫn với hai bàn tay trắng.
Những ngày tiếp theo cha tôi vẫn theo đuổi nghiệp vẽ, nhưng ở cái làng quê hẻo lánh này, thật khó mà sống bằng những nét cọ của mình.  Cha tôi cũng không thể kiếm ra việc làm, nên mọi việc chi tiêu trong gia đình đều phải trông vào cửa tiệm tạp hoá và tiền cấp dưỡng của các Cả.  Bác lúc này giầu có lớn, tiền bạc dư dả nên xài sang, rộng rãi với tất cả mọi người, khiến ai cũng nể, kể cả bà nội.  Trong lúc đó, cha tôi đang lâm vào thế bí, muốn trở lại Sài Gòn cũng không còn đuờng, chỗ ông dạy khi xưa đã có người thay thế.  Cha buồn rầu, chán nản, mặc cảm không nuôi nổi vợ con khiến ông trở nên lầm lỳ, ít nói, cả ngày ông vác giá vẽ đi đâu mất biệt, đến chiều mới về.  Cha rút trong thế giới riêng của ông, để mặc mẹ lạc lõng bơ vơ giữa đám người xa lạ, tôi có cảm tưởng như chính ông cũng biến thành một người xa lạ.  Thật tội nghiệp cho mẹ, bà giống như người lữ hành đi trong sa mạc một mình, không có bạn đồng hành.  Mẹ cố thu hình cho nhỏ nhoi để tránh những đụng chạm, nhưng vẫn không khỏi phải nghe những lời chì chiết, đay nghiến của mẹ và em chồng.  Bà nội vẫn còn mát mẻ với cha tôi về việc cãi lời ông bà học nghề hoạ sĩ mà bà gọi một cách khinh miệt là thợ vẽ, bà còn nói bóng nói gió xa xôi đến việc cha tôi từ chối cuộc hôn nhân do gia đình sắp xếp, mà tự ý cưới về một người đàn bà lạ chủng, không rõ gốc gác, nói năng trọ trẹ không ai hiểu…
Chỉ có bác Cả là thông cảm, mỗi lần về thăm nhà, nghe tiếng eo sèo, bác thường hay can gián bà nội:
Thời buổi này, người ta tự do luyến ái, đâu còn như xưa? yêu ai thì cưới người đó mới là đúng lý.  Chú thím Phúc đã có con với nhau rồi, thôi đừng bàn ra tán vào nữa, chẳng ích lợi gì.
Mẹ nghe thế thì cảm động, thường nhìn bác với cặp mắt biết ơn.  Bác Cả ít khi về, nhưng ở trong nhà vẫn dành cho bác một phòng riêng.  Căn phòng này vẫn để trống kể cả những lúc bác không có mặt, mẹ tôi thường phải vào để dọn dẹp, lau chùi.  Hai mẹ con đứng ngẩn ngơ ngắm những đồ vật lạ mắt, hiếm thấy ở thôn quê thời đó: một bộ máy quay đĩa chạy bằng pin, có cái loa chạm trổ bằng đồng sáng loáng, những chồng đĩa hát bằng nhựa đen, hình tròn to bằng cái quạt mo, bìa in hình ông tây, bà đầm, những cái đồng hồ to nhỏ, đủ loại, phát ra những tiếng chim hót hoặc tiếng nhạc mỗi khi đổi giờ, những bức tuợng bằng đồng đen hoặc ngà voi, và đặc biệt hơn cả là một cái hộp gì hình chữ nhật, khi vặn lên có tiếng người nói hoặc hát, sau này tôi mới biết đó là cái radio.  Toàn là những đồ quí bác mua từ Hà Nội hoặc mua lại của các thủy thủ tàu buôn.
Bác Cả thích căn phòng này lắm, mỗi khi về thường nghỉ ngơi ở trong đó, không ai được vào, kể cả bà nội.  Một lần cô Liên lén vào lục lọi mấy cái đĩa hát, bị bác bắt được, mắng cho một trận nên thân, từ đó cô cạch, không dám bén mảng.  Riêng đối với tôi, bác tỏ ra dễ dãi, bác thường gọi tôi vào phòng riêng để hỏi han:
Ở nhà, mẹ cháu có bị mọi người bắt nạt không?
Tôi do dự một lúc rồi mới đáp:
Thưa bác không ạ!
Thế sao cháu lại ngập ngừng? Bác mỉm cười, sợ ai mà phải nói dối?  Cứ cho bác biết sự thực đi! bác còn lạ gì bà nội với cô Liên…
Cháu không biết phải nói thế nào, nhưng thiệt ra thì cháu chẳng thấy má cháu cãi nhau với ai bao giờ.
Kể ra thì tôi nói cũng không sai sự thật, mẹ im như thóc suốt ngày thì làm gì có chuyện cãi cọ? mẹ nhẫn nhục, chịu đựng, mở miệng ra chỉ để dạ thưa, vâng lời.  Bà nội ít khi to tiếng, chỉ nhắc khéo mẹ những câu đại khái như:
Tùy mợ coi sóc nhà cửa trong ngoài, sao cho người ta nhìn vào là biết ngay tôi có con dâu đảm hay đoảng.
Hoặc những câu mỉa mai:
Thôi mợ đi nghỉ đi kẻo cậu ấy lại xót ruột.  Còn nồi cám lợn chưa nấu, nhưng để tôi bảo con Liên làm cho, nó mà nhúng tay vào thì chỉ một loáng là xong, đợi mợ có mà lợn đến chết đói.
Mẹ tôi làm quần quật suốt ngày từ sáng đến tối như một người đầy tớ không lương.  Có lần nhìn hai bàn tay mẹ nứt nẻ, cha xót xa thở dài, nhưng mẹ mỉm cười:
Coi như bù vào phí tổn ăn ở của mẹ con em, vì mình đâu có kiếm ra tiền…
Thật ra chỉ là câu nói vô tình, nhưng lại làm cha đau lòng, nghe thấy thế, ông cúi gằm đầu, lặng lẽ bỏ đi chỗ khác, từ đó ông tìm cách lánh mặt mẹ.
Cô Liên vì mặc cảm ế chồng nên hay ghen với mẹ, cô thường chì chiết:
Cha mẹ tôi chưa hề cầm trầu cau đi hỏi chị, vậy mà chị vẫn được vào làm dâu nhà này, thế là chị may mắn lắm.  Gặp mẹ tôi dễ dãi, chứ người khác ấy à? họ thì tống cổ chị ra đường từ lâu rồi, cái thứ đàn bà gì mà không rõ gốc gác, gia thế, chẳng đợi nhà chồng cưới xin, đã xách gói theo trai.  Anh tôi chắc bị bùa mê, thuốc lú nên mù quáng, thiếu gì nhà giàu gọi gả con, thế mà không chịu, lại đi ưng chị, đúng là chị tốt số…
Mẹ tôi không trả lời, tính bà vốn hiền lành, nhẫn nhịn.  Trong suốt bẩy, tám năm sống trong gia đình nhà chồng, mẹ chịu bao nhiêu điều tủi cực, chẳng bao giờ thấy bà than van, nhưng nhìn ánh mắt u ẩn của mẹ, tôi biết bà rất buồn.
Còn cha tôi, tôi phải nói sao về ông đây?  Đúng ra cha tôi là một người tốt, thương yêu vợ con, ông cũng là một hoạ sĩ có tài, nhưng sinh không nhằm thời, ở không đúng chỗ.  Ở nhà quê, người ta chỉ thích những tranh lợn, gà, mấy ai hiểu được giá trị của những bức tranh nghệ thuật, thậm chí những bức vẽ khoả thân còn bị chê là nhảm nhí.  Tranh ông vẽ không bán được bức nào, để chất đống trong nhà kho, làm bạn với những đồ vật cũ, cùng chung số phận bỏ thì thương, vương thì tội, tất cả đều phủ một lớp bụi mờ.  Cha thất chí, nhưng âm thầm chịu đựng, không than thở cùng ai, cả với vợ con cũng vậy, giữa cha mẹ hình như đã có một lớp sương mù ngăn cách. Tôi không hiểu vì sao cha hay dấu giếm những ẩn ức mà đáng lẽ nếu chia xẻ với mẹ, có lẽ ông sẽ vơi đi nhiều.  Bác Cả là người từng trải, hiểu được tâm sự của mẹ nên thường tìm dịp để an ủi:
Sông có khúc, người cũng có lúc, chú ấy chưa gặp vận nên chưa khá lên được.  Nhưng nếu là người khôn thì phải biết thức thời, mặc dù có tài, nhưng nếu cái tài ấy không nuôi sống mình thì phải xoay qua nghề khác chứ, cứ khư khư ôm cái mộng hão huyền, chẳng thực tế chút nào.  Sao thím không khuyên chú ấy?
Nhà em có bàn với em đâu?  Thật ra em cũng không hiểu nhà em đang toan tính những gì trong đầu, vợ chồng ít khi nói chuyện…
Tới đây, như chạm đến mối thương tâm, mẹ kéo vạt áo lên lau mắt, bác Cả nhẹ nhàng đặt tay lên vai mẹ an ủi:
Thím đừng buồn, tôi rất thông cảm hoàn cảnh của thím, có chuyện gì cứ nói với tôi, tôi sẽ có cách giúp đỡ.  À, thím cầm ít tiền để may sắm cho hai mẹ con, từ dạo về đây, chả thấy thím có được cái áo mới nào.
Mẹ lắc đầu, từ chối:
Em không dám đâu, mẹ hoặc cô Liên biết được mắng em chết.
Bác Cả nghiêm ngay nét mặt:
Tôi đưa tiền cho thím để sắm sửa cho cháu, ai dám nói gì nào?  À, thằng Trung đã bẩy tuổi rồi, phải cho nó đến trường.  Tương lai của nó, thím để tôi lo, tôi không có con, những gì của tôi, sau này sẽ là của nó…
Mẹ cảm động dơm dớm nước mắt, tôi cũng thấy bác rất tử tế, bác thường hay bênh vực mẹ tôi mỗi khi bà nội hoặc cô Liên eo sèo mắng nhiếc.  Bác lại cho phép tôi chơi những đồ vật mà bác rất quí, những thứ mà mọi người trong nhà không ai được rờ tới.  Có lần cả nhà đi chùa, bác gọi hai mẹ con tôi vào phòng để vặn nhạc cho nghe, bác nói với mẹ:
Ở trên tỉnh bây giờ văn minh lắm.  Nhạc này là nhạc khiêu vũ, người ta mở nhạc để nhảy đầm với nhau, thím đã thấy người ta nhảy đầm bao giờ chưa?
Mẹ mỉm cười gật đầu, bác nói:
Học khiêu vũ cũng dễ thôi, nếu thím muốn, tôi sẽ chỉ cho thím.
Dạ không!  Mẹ đỏ mặt, ai lại ôm nhau coi kỳ quá.
Khiêu vũ là một nghệ thuật, không có gì là bậy bạ cả, chỉ tại người ta nghĩ bậy thì sẽ thành bậy.
Nhưng mẹ vẫn lắc đầu nguầy nguậy, bác cười:
Tôi cũng chỉ nói đùa cho vui.
Dạo này bác có nhiều thay đổi, khác với trước kia mỗi năm chỉ về nhà đôi ba lần, dạo này tháng nào bác cũng về, ở chơi vài ba ngày, có khi cả tuần rồi mới đi, bác nói bác mới tìm được người phụ tá thạo việc nên không bận rộn như xưa.  Lần nào về, bác cũng cho tôi kẹo bánh và những đồ chơi đắt tiền mua ở trên tỉnh.  Bác là người quyền uy, nhưng lại rộng rãi, hào phóng, cư xử rất tốt với mọi người, mỗi lần bác về, cả nhà vui hẳn lên, thành thử ai cũng mong bác, cả mẹ con tôi cũng vậy.
Một lần cách đây không lâu, bác về thình lình lúc cả nhà đi vắng hết, gặp tôi đang thơ thẩn chơi một mình ngoài sân, bác nắm tay tôi dắt vào nhà.  Mẹ đang băm bèo cho lợn ở trong bếp, thấy bác thì ngẩng lên chào, bác nói:
Thím nghỉ tay lên đây, tôi cho xem cái này.
Bác mở va li, lôi ra một bộ quần áo phụ nữ bằng hàng lụa mỏng thật đẹp, đưa cho mẹ:
Đây là quà tôi mua để tặng thím.
Tặng em?  Mẹ kêu lên ngạc nhiên.
Ừ, tặng thím, mặc liền đi! xem có đẹp không?  Thứ lụa này mát và không nhàu, màu vàng nhạt hợp với nước da trắng của thím, tôi gởi mua tận Sài Gòn cơ đấy.
Nghe hai tiếng Sài Gòn, mẹ đứng ngẩn ngơ, đã lâu lắm không nghe ai nhắc đến hai tiếng thân thương này, nỗi buồn xa xứ mẹ âm thầm dấu kín tận đáy lòng, chẳng biết tỏ cùng ai.  Những đêm trằn trọc không ngủ được, nghe tiếng mẹ thở dài, tôi biết mẹ đang nhớ quê, nhớ dĩ vãng, nhớ thuở ấu thơ êm đềm, nhớ thời con gái mộng mơ, nhớ cuộc tình mê đắm mẹ bỏ xứ theo chồng...  Bây giờ tất cả đã qua đi như một giấc mơ, cảnh xưa không còn nữa đã đành, người xưa cũng đã thay đổi, cha không còn là một chàng trai hiên ngang, đa tình, đầy nhiệt huyết, ông bây giờ chỉ là hiện thân của sự mệt mỏi, chán chường, thất chí không thiết đến sự đời, không thiết cả đến vợ con.
Mẹ thở dài, mân mê làn vải lụa mềm có những đường thêu mỹ thuật, áo này mặc vô chắc là đẹp lắm.  Nhưng bà biết không nên nhận vì không muốn làm buồn lòng chồng, mặc cảm tự ái khiến ông từ chối tất cả mọi quà tặng cũng như tiền bạc của các Cả.  Mẹ ngập ngừng:
Em không dám nhận, thôi bác để dành làm quà cho cô Liên.
Liên có phần của nó rồi, ai cũng có phần cả, áo này là tôi mua cho thím, thím không nhận tôi rất buồn.  Thôi, thím đi thử đi coi có vừa hay không?
Tôi cũng thích được thấy mẹ ăn mặc sang trọng và đẹp nên nói thêm vào:
Phải đấy, ít nhất mẹ cũng nên mặc thử một lần coi ra sao.
Vì nể quá, mẹ đành mang áo đi thử.  Khi bà trở ra, cả tôi lẫn bác Cả đều ngạc nhiên, mẹ trông khác hẳn, bộ quần áo kiểu mới, hở cổ làm tôn nước da trắng mát, mái tóc hàng ngày vẫn buộc túm sau gáy, bây giờ để xoã xuống vai, trông mẹ như trẻ lại cả mười tuổi, và rất đẹp.  Nhưng ngay sau đó, mẹ thay lại bộ quần áo cũ bằng vải thô, bộ quần áo đẹp mẹ không dám mặc, bà xếp lại, cất kỹ dưới đáy rương, thỉnh thoảng mới đem ra ngắm.
Trong lúc cha tôi mải mê với những mộng ước tưởng tượng, bác Cả để tâm lo cho tôi từ quần áo, đồ chơi, đến sách vở, cặp da để đi học, cả tiền quà bánh, hoặc thuốc men khi đau ốm.  Năm tôi lên chín, học lớp ba trường làng, bác bảo tôi:
Cháu chịu khó học cho giỏi, đậu xong tiểu học, bác cho ra Hà Nội học.
Được ra Hà Nội học là giấc mơ vĩ đại nhất của trẻ con ở trong làng thời bấy giờ, tôi nhìn bác bằng con mắt ngưỡng mộ và biết ơn.  Có lần tôi buột miệng nói với mẹ:
Ước gì cha cũng được như bác Cả, mẹ nhỉ?
Bà sợ hãi vội bịt miệng tôi lại:
Đừng nói thế, cha con nghe được lại buồn.
Nhưng mẹ làm sao ngăn cấm được tôi có ý nghĩ so sánh giữa người cha quên bổn phận và người bác có lòng, chăm lo, săn sóc cho tôi từng ly từng tí.  Nhiều lúc tôi tự hỏi, liệu trong lòng cha có còn hình bóng của mẹ con tôi?  Dạo này ông đi biền biệt cả ngày, lúc về ít khi nói chuyện với vợ con.
Để có tiền tiêu vặt, cha phụ với bà nội và cô Liên trông coi cửa hàng tạp hoá, ông làm sổ sách chi, thu, tính toán những món hàng có lợi.  Mỗi tháng một, hai lần, ông đi Hà Nội hoặc các tỉnh lân cận để mua hàng về bán, đồng thời cũng đem những sản phẩm của nhà quê như bánh gai, bánh cốm đem bỏ mối ở trên tỉnh.  Những lần đi xa như vậy giúp ông khuây khoả.
Một lần sau chuyến đi, ông dẫn về nhà hai người bạn, họ vào nhà kho đem những bức tranh ra ngắm nghía.  Chẳng biết họ nói với nhau những gì, chỉ thấy cha vui lộ ra nét mặt, hy vọng thắp sáng trong ánh mắt.  Nhưng chỉ một thoáng, cha trở lại thái độ khép kín, ông dấu giếm chuyện riêng, không nói với ai.  Những ngày sau đó, ông chỉ ở nhà, cắm cúi lau chùi các bức tranh, tô vẽ lại những chỗ phai màu, làm khung cho vài bức mới… Mẹ hỏi, cha trả lời vắn tắt:
Sửa soạn cho cuộc triển lãm.
Ông nói với giọng cố làm ra vẻ bình thản, nhưng nhìn vẻ mặt ông, mẹ biết ông hồi hộp lắm, có hoạ sĩ nào lại không hồi hộp lần đầu tiên mang những tác phẩm của mình đi triển lãm? Trước ngày khai mạc mấy hôm, cha thuê một chuyến xe ngựa, chất lên đấy toàn bộ những bức tranh của ông, đem ra bến xe, chở đi Hà Nội.  Ông nói với mẹ:
Anh vắng nhà vài tuần, em đừng chờ.  Hy vọng lần này bán được tranh, sẽ có ít tiền cho mẹ con em.
Ông ngưng lại, nhìn mẹ, nói với giọng tự tin:
Hai người hôm nọ là những nhà phê bình đứng đắn, họ khen tranh  anh đẹp và anh có thể thành công…
Hai ông đó cũng là hoạ sĩ à?
Ừ, họ là những người bạn tốt đã hết lòng khuyến khích, giúp đỡ,  thuê hộ phòng triển lãm… Họ khuyên anh nên thử thời vận một lần xem sao.
Phải đấy, mẹ vui vẻ, bao giờ thì khai trương hả mình?
Ngày mốt, nhưng anh phải đi sớm vì còn phải lo trưng bày và trang hoàng.  Thôi, mình ở nhà, anh đi nhé.
Khoan, đợi em một chút.
Mẹ nói xong chạy vụt vào nhà, một lúc sau trở ra, mẹ dúi cho ông tất cả số tiền dành dụm được:
Mình cầm lấy mà tiêu, lên trên ấy lạ nước lạ cái, không có tiền khổ lắm.
Cha ngượng nghịu cầm tiền nhét vào túi:
Anh sẽ trả lại cho mình, anh đi kỳ này về, mình sẽ có tiền.
Nói xong, ông cúi xuống hôn lên trán tôi, dặn dò:
Trung ở nhà ngoan, hai mẹ con chờ bố về…
Ông nắm lấy tay mẹ xiết chặt, bịn rịn một hồi rồi mới quay bước.  Đó là lần  cuối cùng ông biểu lộ tình thương yêu với mẹ con tôi.
Hơn một tháng sau, cha mới trở về với nguyên đống tranh cao nghệu.  Lặng lẽ không nói một câu, ông đem tranh chất trở lại trong nhà kho.  Mẹ nhìn cha, không dấu được vẻ thất vọng, nhưng vẫn dịu dàng an ủi:
Không sao đâu mình à, thua keo này ta bày keo khác…
Cha cúi gằm đầu, không trả lời.  Không bao giờ tôi quên được nét mặt tuyệt vọng của cha lúc đó, nó biểu lộ một vẻ đau đớn, xấu hổ lẫn nhục nhã, thê thảm tới mức làm tôi rùng mình, linh cảm một chuyện chẳng lành sắp xảy tới.  Quả vậy, mấy hôm sau, lựa lúc cả nhà đi vắng hết, ông khuân hết những bức tranh ra sân, chất thành một đống, châm lửa đốt.
Khi mọi người về đến nhà, bao nhiêu bức tranh tâm huyết cả một đời của cha chỉ còn là một đống tro tàn, còn cha thì biến mất cùng với một ít quần áo và những vật dụng cá nhân.  Cha đã bỏ nhà ra đi biệt tích, không một lời từ biệt, ông đi luôn, không bao giờ trở về nữa.
Biến cố này làm mẹ đau khổ, mất hết niềm tin vào cuộc đời, mẹ cạn nước mắt khóc cho duyên kiếp bẽ bàng.  Thời gian đầu, mẹ gắng gượng chờ đợi, sau biết là hoài công, mẹ ngỏ ý muốn đem tôi về quê ngoại, nhưng bà nội không bằng lòng:
Mợ muốn đi đâu tùy ý, nhưng thằng Trung thì phải ở lại, nó là đích tôn của gia đình này.
Cô Liên nói với vẻ khinh miệt:
Chị thì làm gì được để nuôi nó? lại không đói rã họng ra à?  Đang yên ấm không muốn, lại cứ sinh chuyện… Chị ăn ở làm sao mà chồng cũng chán, đến phải bỏ đi?  Thật đúng là không biết điều, cứ tưởng quí hoá lắm, chị đi đâu thì đi một mình.
Bác Cả cũng không đồng ý, tuy vẫn bênh vực mẹ:
Con Liên chỉ được cái ác khẩu, đừng thèm chấp.  Thím chẳng việc gì phải đi đâu hết, nhà này thím cứ việc ở, thằng Trung để tôi dạy dỗ, sau này nó sẽ thừa hưởng gia tài của tôi.
Mẹ thở dài, chẳng phải vì ham gia tài mà ở lại, nhưng mẹ không thể bỏ trốn khi không biết đường đi nước bước và trong tay không có một đồng xu, cắc bạc.  Tội nghiệp mẹ, một người đàn bà yếu đuối, nhút nhát, từ dạo theo chồng về làm dâu nơi xứ lạ, mẹ chưa bao giờ ra khỏi cái lũy tre làng… Có những đêm hai mẹ con ôm nhau thủ thỉ, mẹ khóc, nước mắt mẹ rơi ướt tóc tôi, mẹ nói mẹ ước mơ được về quê  ngoại, dù chỉ một lần, nhưng mẹ không đành rời xa đứa con duy nhất. Tôi thương mẹ, chỉ biết ngoan ngoãn vâng lời và học thật chăm, mong một ngày nào đó có thể tự lập, tôi sẽ đem mẹ ra khỏi ngôi nhà không tình thương này.
Sau biến cố đó ít lâu thì chú Đức đột ngột xuất hiện, chú trở về nhà sau bao nhiêu năm phiêu bạt giang hồ.  Chú Đức vẫn còn độc thân, nghe nói có dạo chú mê một cô đào hát, hai người ăn ở như vợ chồng một thời gian rồi rã đám, đường ai nấy đi.  Tính chú vốn lãng mạn, bay bướm, không muốn bị cột chân, chú chỉ thích cặp kè nay người này, mai người khác...
Cảm tưởng đầu tiên của tôi, chú là một người đàn ông còn trẻ và rất đẹp trai, ngoài cái chân đi hơi khập khễnh, chú vui tính, ăn nói bặt thiệp, có duyên, đặc biệt chú có cặp mắt lẳng lơ, nhìn ai là như thu hút lấy người đó.  Chú bây giờ là một soạn giả danh tiếng, chuyên viết tuồng cho gánh bầu Thành, đồng thời cũng là diễn viên chính trên sân khấu.  Tuồng của chú ăn khách nên tuy không giàu có, nhưng chú kiếm được khá bộn bạc, chú mua quà cho cả nhà và biếu bà nội một số tiền lớn.  Trong khi cha tôi bỏ nhà ra đi trong thất bại, thì chú trở về trong vinh quang, mọi người vui vẻ đón mừng, nhanh chóng quên đi con người kém may mắn là cha tôi.  
Chú Đức về, đem theo một làn gió lạ, căn nhà từ trước vẫn lạnh lẽo, nay ấm áp hẳn lên với những tiếng nói cười rộn rã, tiếng đàn hát và những câu pha trò dí dỏm, có duyên.  Chú Đức cũng là một người lịch lãm, hiểu đời, chú cảm thông hoàn cảnh trái ngang của mẹ, nên thường nhìn bà bằng cặp mắt trìu mến, xót thương.  Dạo này mẹ hơi gầy đi, nét buồn tạo cho mẹ một vẻ đẹp não nùng.  Từ ánh mắt đầu tiên của chú khi nhìn mẹ, tôi thấy bà hơi giật mình, à phải rồi, cặp mắt đa tình của chú Đức có những nét phảng phất giống cha.  Mẹ cúi mặt trốn tia nhìn như có lửa làm bà nóng ran cả hai má, khi xưa, ánh mắt đắm đuối của cha cũng đã làm mẹ phải bối rối như thế. Với bản tính lãng mạn, ảnh hưởng của những tiểu thuyết tình đọc thời còn con gái, mẹ vẫn muốn sống lại cái thuở ban đầu.  Nhưng đã từ lâu, ánh mắt nồng ấm của cha đã nguội theo với những thất bại trong cuộc đời của ông, mẹ thở dài, cố nén những khát vọng xuống tận đáy lòng.  Tội nghiệp mẹ, mới hơn ba mươi  tuổi đầu, ở tuổi này, người đàn bà nào cũng còn nhiều mộng mơ lắm.
Chú Đức và mẹ ít khi nói chuyện, thỉnh thoảng ra vào chạm mặt, chỉ trao đổi vài câu ngắn ngủi:
Chào chị!
Chào chú!
Có lần cao hứng chú thổ lộ với mọi người là chú đang sáng tác một vở tuồng mới có tên là Lấy chồng xa xứ, chú nói với mẹ:
Chị là nguồn cảm hứng cho tôi sáng tác, chị giúp tôi diễn tả những cảm nghĩ của chị nhé?
Mẹ lắc đầu:
Tôi thấy không tiện, tâm sự của tôi chú biết mà làm gì?
Tôi hiểu, nhưng không sao cả, chị không nói tôi cũng có thể tưởng tượng được.
Hai người ngầm hiểu những ý nghĩ của nhau, tuy không ai nói ra, nhưng những ánh mắt lặng lẽ nhìn nhau đã nói lên một tình yêu câm nín.  Mẹ làm việc quần quật suốt ngày, nhưng vẫn để ý săn sóc chú Đức một cách kín đáo, ngoài những món ăn hợp khẩu vị, phòng chú lúc nào cũng sạch sẽ, ngăn nắp, quần áo được là ủi phẳng phiu.
Tôi thấy chị vất vả quá!  Chú nhìn mẹ ái ngại.
Mẹ cười buồn:
Quen rồi, chú đừng lo cho tôi.
Nói xong, mẹ xoay lưng, đi thật nhanh ra khỏi phòng, chú Đức nhìn theo dáng đi liêu xiêu của mẹ, thở dài.  Mẹ cố tránh gặp mặt chú, dường như mẹ sợ không chống lại được những cám dỗ, và mẹ cũng sợ cả điều ong, tiếng ve.  Tôi còn nhỏ, không hiểu được những bão táp trong lòng mẹ, chỉ biết là mẹ rất buồn.
 
Hò ơ… Chim xa rừng còn thương mây nhớ cội
Người xa người tội lắm người ơi, hờ…
Chẳng thà không biết thì thôi
Biết rồi mỗi đứa mỗi nơi ơ…ơ… thêm buồn
Giọng hò của chú trầm trầm ngân dài, loãng tan trong ánh trăng, nghe như tiếng thở than.  Tôi ngồi im, thả hồn vào dĩ vãng, sống lại thuở nằm nôi, tiếng võng kẽo kẹt, tiếng mẹ ru ầu ơ ngọt ngào.  Mẹ chảy nước mắt, quê mẹ miền Hậu Giang, làm sao mẹ quên được những tiếng hò trên sông nước?
Mùa hè qua nhanh, gánh bầu Thành sắp rời đi lưu diễn ở miền Trung, chú Đức phải đi theo đoàn, mẹ buồn, ra ngẩn vào ngơ.  Ngày chú sắp sửa từ giã lên đường, hai người lén lút bàn nhau:
Tôi có thể đưa chị và cháu đi nếu chị muốn.
Rồi dư luận sẽ ra sao?
Cần gì dư luận, tôi đi kỳ này sẽ không về nữa.
Chú long đong nay đây mai đó, làm sao cưu mang được mẹ con tôi?
Ta cứ liều đi trốn, tôi sẽ đưa chị về xứ.
Tôi sợ lắm, rủi không đi thoát thì hậu quả sẽ không biết thế nào mà lường.  Lại nữa nếu mai kia anh chú sẽ về…
Chị chờ đến bao giờ? tuổi xuân qua mau, chẳng mấy chốc chúng ta sẽ già.
Mẹ thở dài buồn bã:
Đời tôi coi như bỏ đi, nhưng thằng Trung nó cần có cha… Bao lâu tôi cũng đợi.
Chị quyết định như vậy là tùy ý chị.
Dù sao cũng cám ơn chú, mấy tháng nay tôi đã rất sung sướng, như thế cũng đủ.
Nói xong mẹ gạt lệ quay đi.  Sau cùng mẹ đã chọn, mẹ chọn sự hy sinh, mẹ không nghĩ đến thân mẹ, mà chỉ nghĩ đến tôi, mẹ chỉ vì tôi…
Nhưng sự việc không êm đẹp như ý mẹ mong muốn, và một thảm kịch đã xảy ra.  Bác Cả tinh ý nhận thấy những thay đổi của người em dâu, nên một hôm gọi mẹ lên phòng tra gạn:
Mấy lúc này thím buồn lắm, phải không?
Mẹ cúi đầu, cố tránh ánh mắt đầy quyền uy của người anh chồng:
Anh tính từ ngày nhà em bỏ đi…  Mẹ ngưng nửa chừng, nghẹn lời.
Tôi hiểu, thím còn trẻ quá… Bác gật gù, nhưng đừng làm điều gì dại dột, có chuyện gì khó nghĩ, thím cứ nói với tôi, may ra tôi có thể giúp.
Thưa anh, không có chuyện gì cả.
Thế sao mấy đêm nay thím mất ngủ? nhìn cặp mắt thâm quầng của thím, tôi hiểu ngay. Thím coi chừng người nhà để ý, bàn ra tán vào không tốt.
Mẹ giật mình sợ hãi, cái lối nói như đi guốc vào bụng người khác chứng tỏ bác đã hiểu tất cả.  Quả vậy, bác nở một nụ cười mang nhiều ý nghĩa:
Chuyện đó cũng là sự thường thôi, tôi thông cảm, nhưng đừng đi xa hơn.  Thím phải nghĩ đến tương lai thằng Trung, nó cần được học hành tới nơi tới chốn, nó thiếu một người cha, và từ lâu tôi vẫn xem nó như con.  Người long đong nay đây mai đó, đâu có thể lo cho nó được?
Bác quay sang tôi:
Trung, nói đi cháu! có phải cháu vẫn muốn được làm con bác, phải không?
Tôi ngập ngừng, trước đây tôi vẫn ao ước có một người cha như bác, nhưng bây giờ tôi đã lớn, biết suy nghĩ, tôi nhìn mẹ buồn rầu:
Con biết là mẹ thương con, nhưng mẹ cứ chọn con đường nào mẹ thích.
Bác hơi cau mày rồi cười nhạt:
Cái thằng bé này cần phải uốn nắn lại, hy vọng cháu không phải là một người bạc bẽo.  Quay sang mẹ, bác nói tiếp, tôi không tin là thím ngu ngốc mà đi nhầm đường. Thôi được rồi, bây giờ thím đi ra đi, tôi để cho thím suy nghĩ, tương lai của thằng Trung tùy vào sự lựa chọn của thím.
Mẹ ôm mặt rên rỉ:
Tại sao tôi lại phải chọn?  Trời ơi! tôi chỉ muốn yên thân, sao mấy người không để cho tôi yên?
Mẹ lảo đảo đi ra, bà vấp ngã nơi ngưỡng cửa, bác Cả vội đưa tay ra đỡ, cả thân hình gầy gò của mẹ rơi gọn trong hai cánh tay của bác. Vừa lúc đó, cửa chợt mở toang, bà nội từ đâu xuất hiện, trước cảnh đó bà đứng ngây người vài giây rồi kêu rú lên:
Mấy người làm gì thế kia? Trời ơi! sao lại có cảnh loạn luân như thế này xảy ra ngay trong nhà tôi hả trời?
Mẹ run rẩy, phải bám vào cánh cửa mới đứng vững, có trời mới hiểu được những oan khuất của mẹ.  Tôi vội níu lấy áo bà nội, lắp bắp:
Không phải đâu bà, mẹ cháu bị ngã…
Nhưng bà gạt tay tôi ra, quay sang mẹ, gằn từng tiếng:
Mợ vào đây làm gì hả?  Kìa, mợ nói đi chứ? nếu là người phụ nữ chính chuyên, sao mợ lại vào phòng một người đàn ông không phải là chồng mợ trong giờ này?
Nghe tiếng ồn ào, mọi người chạy cả lên, đứng lố nhố ngoài hành lang.  Cô Liên liếc xéo mẹ, cười mỉa:
Tôi tưởng chị mê anh Đức? thì ra tôi nhầm à? hay là chị định bắt cá cả hai tay?  Hừm, đời thuở nào chồng mới đi vắng chưa đầy một năm mà chị đã dở trò chim chuột ở ngay trong nhà, thật là nhơ nhuốc, xấu hổ.
Câu nói đó như đổ thêm dầu vào lửa, bà nội mặt phừng phừng lửa giận, trỏ mặt mẹ, quát:
Con đĩ rạc! nhà có ba người đàn ông, mày định lấy cả ba à?  Thứ đàn bà lăng loàn như mày không thể để trong nhà, hãy cút ra khỏi nhà tao!
Con sẽ đi… Mẹ tôi thều thào, nhưng lạy mẹ cho con đem theo cháu Trung, con không thể xa nó, con sẽ đưa nó về ngoại.
Không được, thằng Trung là máu huyết của con trai tôi, chị không thể đem nó đi, tôi không muốn cháu tôi sống chung với người mẹ hư đốn là chị.  Tôi kỳ hẹn ba ngày, chị phải rời khỏi nơi đây, nếu không tôi sẽ trình lý trưởng và làng nước sẽ gọt đầu bôi vôi chị.
Van mẹ, đừng làm vậy, con chết mất.
Mẹ phủ phục xuống đất lạy, nhưng bà nội quay lưng, giằng lấy tay tôi kéo đi, tôi trì lại và gào lên, nhưng vô ích.  Không bao giờ tôi quên được vẻ mặt thê thảm, tuyệt vọng, và ánh mắt ai oán của mẹ lúc nhìn theo tôi bị người ta kéo xểnh, lôi đi. Đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy bà.
Tôi được gởi ở tạm nhà một ông chú họ, một tuần sau mới được về nhà.  Nhưng về nhà là để đi đưa đám mẹ, bởi vì bà đã thắt cổ tự tử chết ngay đêm hôm đó.  Người ta đưa tôi vào nhìn mặt mẹ một lần cuối cùng trước khi nắp quan tài được đóng lại.  Mẹ nằm im lìm, mình mặc áo nâu, hai tay chắp lại để trước bụng, tóc mẹ xoã dài thành một dòng đen nhánh, mặt mẹ tím bầm, còn in những nét hãi hùng.  Cho đến lúc chết, mẹ vẫn chưa nguôi được oán hờn.  Tôi vuốt cặp mắt vẫn mở trừng của mẹ, thì thầm khấn vái mẹ ra đi bình yên, lạ lùng thay, mắt mẹ khép lại và nét mặt trở nên thanh thản.  Tôi nằm bên quan tài, ở với mẹ suốt đêm hôm đó.  Sáng hôm sau, tôi đưa mẹ ra mộ, ở ngoài đồng, trời lất phất mưa phùn, lạnh và rất buồn, theo sau hai con bò kéo xe tang, chỉ có tôi và vài người hàng xóm.  Bà nội bị cơn đột quị nằm liệt giường không đi được, nhưng còn bác Cả giàu có, đầy quyền uy, còn chú Đức, con người lãng mạn đa tình, háo thắng, chỉ thích đi chinh phục, và người cha vô trách nhiệm của tôi, đâu cả rồi?  Họ là những người trực tiếp và gián tiếp gây ra cái chết của mẹ tôi, bây giờ tất cả đều chạy trốn, không ai lãnh trách nhiệm cả, họ phủi tay trước cái chết đầy oan khuất.  Thương cho mẹ một đời mệnh bạc, lúc chết lại phải gởi xương nơi xứ lạ.
Tôi bỏ nhà ra đi ngay ngày hôm sau, đem theo độc nhất có một tấm hình của mẹ.  Qua bao nhiêu gian khổ, tôi lần mò tìm về quê ngoại.  Phải mãi đến hơn mười năm sau, khi lớn khôn, tôi mới trở lại để thực hiện lời hứa cuối cùng trước quan tài mẹ là đem bà về quê.  Ngủ yên nhé mẹ, bây giờ mẹ đã được về xứ rồi đó.
 PHƯƠNG - LAN
( trích trong tác phẩm Lấy Chồng Xa )

Xem Tiếp: ----