rời nắng chang chang. Thằng Minh đang bơi dưới con suối, nước trong thấy đáy. Một tay Minh quào nước như một chú chó, tay kia nắm lưng quần cụt cho khỏi tuột vì thun đã dãn, nó réo anh nó là thằng Thông, đang cầm cái que khô đi tới lui trên bờ:
- Nhảy xuống đi, nước mát quá trời là mát!
Thông vất cái que, lấy trớn rồi phóng mình xuống suối nhưng rồi lại bò lên ngay vì lạnh. Hai hàm răng nó đánh lập cập và da gà nổi khắp thân mình ốm nhom như cây tăm. Nó bảo em:
- Mày tắm một mình đi, nước lạnh như đá!
Chợt hai anh em cùng nghe tiếng con gái phía sau bụi rậm:
- Bắt giùm em con bướm này đi!
Thông hướng về bụi cây hỏi:
- Bé Thu phải không? Để đó cho anh.
Minh cũng không bơi nữa, nó bò lên bờ rồi nhập cuộc với Thông chạy loanh quanh bắt bươm bướm cho con bé Thu. Đến xế chiều ba đứa nhỏ mới quay về nhà.
Trời chạng vạng tối, Thông và Minh đang ngồi ăn cơm với cha mẹ thì nghe tiếng cô Sáu Ngân bên hàng xóm gào to "Trời ơi! nó đánh chết con nhỏ sắp chết nè, ối Trời ơi là Trời!"
Hai anh em liền bỏ cơm chạy ào ra xem thì thấy cô Sáu Ngân đang dùng tay cào đất lấp lên mình con bé Thu đang nằm ngo ngoe dưới cái trũng đất.
​Minh liền nhảy tới vực con bé dậy rồi cõng nó chạy tuốt ra trốn sau cái quán tạp hóa của bà Tàu. Thông còn đứng ngơ ngác thì bị cô Sáu Ngân níu áo khóc lóc như người mẹ điên "trả con cho tui, Trời ơi nó không nuôi con nữa thì tui chôn cho chết chứ đánh con mà như đánh kẻ thù thì làm sao mà sống được hả Trời?" Minh năn nỉ:
- Cô buông cháu ra, mà làm sao mà bé Thu bị ba "quánh" ​hả cô?
Đầu cô Sáu điên nhưng tai cô thính lắm, nhất là để lắng nghe tiếng dượng Sáu trong nhà có ra can cô đừng chôn con bé không, cô rên rỉ với Thông:
-Con Thu nó lấy cái hủ rượu để nhốt bươm bướm vậy mà ba nó muốn giết nó chết. Thiệt là đồ sát nhân!
Thu thức giấc thấy hai tay mình bắt chéo trên ngực, nàng xoay người muốn nằm cong lưng như con sâu trong kén nhưng khuỷu tay và đầu gối như vừa chạm phải bức tường. Thu nhớ là giường nàng kê ở giữa phòng, chỉ có đầu giường là sát tường thôi. Thu dang tay ra dần khi chạm vách rồi dùng mấy ngón tay bò từ từ lên như chân nhện, tay nàng chưa duỗi thẳng hết thì đã chạm nóc trần... Thu kinh hoàng hét thật to như rách cả cuống họng khi biết mình đang nằm trong một chiếc hòm. Nếu nàng cào rách phần vải mỏng ở dưới lưng sẽ nắm được xác lá trà khô như cái quan tài của bà ngoại hai mươi mấy năm về trước mà nàng nghịch phá trước khi bị đuổi đi cho người ta liệm xác bà. Thu cào cấu, vùng vẫy không biết bao lâu thì lớp gỗ chung quanh nàng bỗng nhiên mềm nhũn ra như da thú, nàng dùng móng tay cào rách nó và chui thoát ra ngoài... Thu bắt đầu xòe đôi cánh rồi vỗ nhẹ bay lên. Chỉ trong chốc lát Thu đã vượt qua những núi đồi, đồng cỏ, mương lạch, khe suối... Bất ngờ Thu không còn nghe tiếng phành phạch của đôi cánh, mình mẩy bây giờ không còn một manh vải che thân, nàng rơi nhanh và trong khoảnh khoắc trước khi dập mình nát như tương trên ghềnh đá, Thu hét to một cách kinh hoàng tột độ thì giật mình thoát cơn ác mộng. Thu cũng vừa nghe tiếng chuông vang và tiếng gõ cửa ở phòng ngoài.
Đạm đậu xe dưới bóng mát một tàn cây, anh đi vòng ra sau nhà ông Dick, băng qua cái sân cỏ úa vàng rồi bước lên thềm nhà nơi mà Đạm nhường lại cho hai anh em Thông và Minh ở thuê hơn sáu năm về trước. Như thường lệ, Đạm gõ cửa xong rồi quay sang ghẹo lũ chim trong chiếc lồng của Minh ở ngoài hiên. Thu bước ra mở cửa cho Đạm vào. Vừa thoạt trông thấy Thu, Đạm ngạc nhiên hỏi lớn:
- Cô sao thế này, cô bệnh à, sao mặt mày tái mét vậy?
Thu vuốt mái tóc cất gọn sau lưng trả lời:
- Em không sao cả. Mời... mời anh Đạm vào nhà.
Đạm biết Minh không có nhà vì ngoài sân không có bóng chiếc Harley-Davidson hai bánh nên chỉ hỏi:
- Thông đâu rồi cô?
- Đêm qua anh Thông không về nhà nên từ sáng tới giờ anh Minh đi kiếm cũng chưa thấy về.
- Thông nó có nói đi đâu không?
- Dạ không.
- Lúc nãy tôi nghe tiếng la trong nhà cứ tưởng là...
Thu cắt ngang
- Dạ tại em nằm mơ ác mộng. Có lẽ thức cả đêm chờ cửa nên mệt quá em ngủ gật.
- Thảo nào lúc mới gặp cô, tôi thấy mặt cô như người mới gặp ma...
Gương mặt Thu vừa đổi nét như có điều gì kinh hãi lắm. Thu run run kể lại giấc mơ bị chôn sống rồi thoát kén thành bướm bay đi cho đến khi bừng tỉnh thì nghe tiếng người gọi cửa.
Đạm trấn an:
- Ai cũng có ác mộng, nhất là khi tâm thần lo lắng, mệt mỏi. Cô rót nước uống cho tỉnh người, tiện tay cho tôi xin một ly, trời nắng gắt quá!
Thu chéo tay bấu hai vai, thổn thển nói:
- Nhưng... nhưng lạ lắm... vì em hay mơ thấy mình bay mà mới bay thì thích lắm, chừng khi rụng cánh thì rơi xuống khi sắp dập nát thì tự nhiên bụng bảo dạ phải thét thật to cho đến khi nghe tiếng thủy tinh đâu đó vỡ tan thì thoát cơn ác mộng trước khi thân thể chạm đất đá nát bấy.
Đạm cũng cho là chuyện lạ, anh hỏi:
- Cô đã mơ như thế lần nào chưa?
- Rất nhiều anh ạ, từ bé tới giờ đó anh.
Có tiếng động cơ xe hai bánh chạy vào sân rồi cả phút sau mới tắt máy. Đạm tiến ra cửa sổ, anh thấy Minh đang ngồi bất động trên xe, hai cánh tay còn vươn cao nắm tay lái như bộ thủ của con vượn đu cây.
- Có tìm được anh Thông không anh Minh?
Giọng Thu vang lên từ cửa chính. Đạm chợt nhận ra mình nãy giờ theo dõi Minh đã khá lâu. Minh im lặng tháo dây, khiêng thùng mì gói và ôm túi thực phẩm tiến vào nhà. Hắn chào Đạm:
- Anh đến thu tiền nhà?
- Phải, và nợ cũ chưa trả xong. Có tìm được Thông chưa?
Minh nhìn Thu vài giây mới quay lại đáp:
- Anh Thông không về đây nữa, ảnh có chỗ ở mới rồi.
Thu quay lưng thật nhanh đưa tay vịn cánh cửa tủ lạnh nhưng không mở. Thu gác cằm lên một bờ vai như mong nó nhô cao lên lau nhanh giòng nước mắt đang trào ra vì không dám dùng tay, sợ hai người đàn ông biết mình đang khóc.
Minh móc từ túi da ra một xấp tiền mặt, đưa hết cho Đạm:
- Số tiền này là tiền trả món nợ mượn anh tháng trước.
Đạm đưa tay lấy bạc và định hỏi tại sao Minh không ký ngân phiếu, tiền này ở đâu ra... nhưng Đạm vừa nhận thấy hai cây đàn guitars trên tường đã biến mất cùng với cái đồng hồ và chiếc lắc đeo tay của Minh cũng không còn. Giọng Đạm xìu xuống như bong bóng xẹp:
- Thế bao giờ trả tiền thuê nhà?
- Anh nói với lão chủ nhà hãy trừ vào khoảng tiền đặt cọc trả trước cho tháng đầu, tháng cuối.
Rồi Minh không nói gì thêm, hắn lẳng lặng xách thùng đồ nghề đi thẳng ra sân.
Đạm nhìn theo nửa bực mình, nửa thương cảm... mới đây mà đã bốn năm...
Đạm nhớ ngày người bạn share phòng bỏ...phố lên rừng Alaska kiếm việc làm thì tháng lương nào cũng chui gần hết vào túi tiền của ông Dick. Hàng xóm chung quanh có thể dùng tất cả tỉnh từ xấu xa gán cho ông Dick như keo kiệt, bủn xỉn, bần tiện, đê tiện, hà tiện... nhưng ông vẫn còn một điều tốt đó là không bao giờ tăng tiền nhà. Một mình Đạm cầm cự tiền thuê nhà nên đành sáng nhịn cà phê chiều ăn mì gói qua ngày. Đạm trả nhà thì ông Dick xiết tiền đặt cọc, ông chỉ cho lại hết khi nào Đạm tìm được người vào thế chỗ. Thế là Đạm viết mấy chữ nhà-cho-thuê vào tờ giấy bị cắt 15 cái tua dưới đáy để ghi một loạt số điện thoại rồi đem dán trên các chợ Việt Nam. Trong số những người đến thuê nhà thì ông Dick chấm hai anh em Thông và Minh, vì cả hai đều chứng mình có công ăn việc làm và bằng lòng cắt cỏ, tiả cây ở sân sau nhưng ông ta lại bắt Đạm thu tiền nhà, sau ba tháng nếu anh em Thông làm đúng giao kèo thì ông sẽ trả tiền đặt cọc cho Đạm không sót một xu. Từ đó mỗi đầu tháng Đạm đến thâu tiền nhà và thường ở lại chơi tới khuya mới ra về. Tháng trước anh em Thông đột nhiên bán cái xe Toyota Corolla và Thông bỏ làm, bay về Việt Nam thì tiền nhà thiếu hụt phải mượn Đạm thêm cho đủ. Đạm thân tình cho mượn và không hỏi lý do.
Minh trầm lặng, cọc cằn nhưng tính tình không tệ lắm, hắn trọng chữ tín nghĩa và rất mực thương anh là Thông. Thông thì có cuộc sống bềnh bồng như trong mơ, rất yêu thơ văn, thích nghe nhạc và cũng rất yêu em mình. Tình thương nhau của hai anh em ngoài bản chất, nỗi xa nhà còn một điều đáng kể là cả hai là thuyền nhân Boat-People, từng chết đi sống lại giữa biển khơi bên cái thùng xăng rỗng làm phao trôi giạt mấy đêm ngày. Minh làm nghề nối ống dưới bến tàu. Tất cả lương tháng của nó trang trải tiền thuê nhà, điện nước, thực phẩm và vật dụng trong nhà còn Thông thì ngồi xét chính tả, xếp dòng cho nhà in khi nào họ cần đến, tiền thù lao chỉ vừa đủ ngồi quán cà phê, nghe nhạc và làm thơ.
Minh đã ra tới chỗ dựng xe mô tô. Đạm tiến gần đứng một bên và trong khi Minh bơm bánh, chăm nhớt, chùi đầu nẹt lửa, Đạm hỏi:
-Sao chú không nói anh tìm giùm cho cái xe hơi khác, vừa túi tiền?
-Em thích lái Motor Harley từ lâu rồi anh.
-Vậy sao không tìm chiếc nào có tay lái thấp một chút? Tay mà vươn lên cao như vậy thì mỏi chết.
-Không đâu anh, mới đầu thì mỏi vai một chút nhưng sau đó rất dễ chịu và lái suốt ngày không bị đau lưng.
-Anh chịu chú thôi. À dạo này chú và con Michelle ra sao rồi?
Michelle làm việc cho Julie’s Café kế bên hãng đóng tàu, ngày nào Minh cũng tới đó ăn sáng trước khi vào hãng. Minh thổi cái bu-gi mấy cái rồi khoan thai nói:
-Em và nó sắp chia tay rồi. Thằng Joe thợ hàn sẽ làm đám cưới với nó ngay trên chiếc tàu tụi em sắp đóng xong. Ông xếp chủ hôn, thuyền trưởng làm lễ, em làm rễ phụ.
-Trời! Quen biết chú mày anh phải đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Đời chú rắc rối quá đi!
-Có gì đâu anh, đời là thế mà!
-Sao chú không hỏi nó làm vợ?
-Nó và em không phải nhân tình, chỉ là bạn thôi.
-Sạo mày, anh đã nhiều lần thấy hai đứa ngủ với nhau mà.
-Michelle chỉ đến vì điểm “Gờ” của nó, ngoài ra chẳng có gì quan trọng cả. Nó mồ côi, bị dượng ghẻ hiếp nên tâm hồn nó đã trơ như cuội đá.
Đạm thắc mắc:
-Điểm gờ là gì?
Minh thản nhiên đáp:
-Là “cái nhọt” trong người đàn bà… Michelle lạ lắm, nó lên giường, chỉ nằm kẹp chân một lát thì buông ra là mình biết đã trúng cái “gờ” của nó… Chỉ vậy thôi rồi nó mặc quân áo ra về.
-Bây giờ nó đi lấy chồng thì tình “gờ” của chú mày thế nào, vẫn tiếp tục ư?
-Không, em muốn lấy vợ. Đã đến lúc nuôi lấy một gia đình có con cái rồi, đó là lý do em đã nhờ anh Thông về hỏi vợ cho em. Nhưng ông Trời bị mù mắt anh ạ... Ổng chơi ngặt lắm! Ổng khiến em ở vậy độc thân suốt đời.
Nói xong Minh mơ màng nhìn vào trong nhà. Đạm thấy vẻ mặt chán đời, buồn thảm não của Minh nên liền chuyển sang vấn đề khác, anh hỏi:
- Tại sao Thông bỏ đi không về hả Minh, chuyện gì đã xảy ra?
Minh không dừng tay, đáp:
- Anh còn nhớ bà Nhạ-Vô-Thường không?
Đạm chợt nhớ ra người đàn bà thường đi ăn tiệm với Thông. Một lần Minh chở Đạm đi ăn trưa gặp hai người trong Phở-Hòa, Thông giới thiệu với Đạm người đàn bà sáng chóa kim cương hột xoàn là thi sĩ có thi hiệu là Nhạ-Vô-Thường, hắn nhìn xuống bàn nói tiếp:
- Em đang trình bày và tạo bản in cho 2 cuốn sách, một tập thơ và một tuyển tập truyện ngắn của... cô ấy.
Đạm nhìn nàng thi sĩ tự giới thiệu:
- Tôi tên Đạm, bạn của ông "Thông nhiều sĩ" này. Rất hân hạnh được biết chị và xin hỏi tác phẩm của chị gởi bán ở đâu để tôi mua về xem.
Nhạ-Vô-Thường hơi ngượng, nàng ấp úng:
- Sách của tôi thì nhiều nhưng chỉ biếu chứ không bán ạ... vì tôi không nghèo đến nổi phải bán buôn nghệ thuật ạ.
Đạm cười nịnh đầm:
- Vậy hôm nào tôi nhờ anh Thông xin chị cho tôi vài cuốn.
Nhạ-Vô-Thường vui vẻ bằng lòng, rồi hai người tiếp tục nói chuyện văn thơ bỏ mặc Thông đang cắm cúi nuốt những lọn phở dài thoòng cùng với tái nạm gầu gân sách, hành trần nước béo, hành chua giá chín... bày la liệt trên bàn như hành hạ triệt để dân chạy bàn cho đáng năm đồng một tô. Đạm được bao ăn phở không tốn tiền lại còn biết thêm nhiều điều như Nhạ-Vô-Thường góa chồng, hưởng trọn gia tài và bảo hiểm nặng ký, ngồi ăn không suốt đời không hết của nên giết thời giờ bằng công việc thiện nguyện và làm thơ, viết truyện. Thông may mắn được Nhạ-Vô-Thường níu áo vì hiền lành, có tài và nhất là "hiểu được hầu hết ý thơ của nàng". Đạm cũng có dăm bài thơ dán trên vách mà anh em Thông dọn vô ở vẫn giữ nguyên, không lột xuống, thông chê:
- Thơ ai mà tệ như thế này sao anh Đạm lại dán lên tường?
- À...ừm thơ của người bạn.
- Anh biểu anh hay chị này đừng nên làm thơ nữa, để dành đất cho thi nhân.
- Ừ nếu gặp anh sẽ bảo nó nên viết văn, đừng làm thơ nữa...
Bây giờ nghe nói Thông hiểu hết ý thơ của Nhạ-Vô-Thường, có lẽ cao siêu và hay lắm, Đạm đề nghị:
- Hay là chị đọc vài câu thơ mà chị ưng ý để tôi nhờ ông Thông này chỉ bảo xem sao.
Nhạ-Vô-Thường không chút khách sáo, nàng đọc:
Trăng tận huyễn muôn sao còn nghi hoặc
Mưa đáy mồ khoảnh khắc gió hoài dương
Đạm quay nhìn Thông ra hiệu cho hắn chùi cọng hành dính bên mép và giải thơ. Thông ngần ngừ, Nhạ-Vô-Thường giục hắn:
- Anh nói đi, như có lần anh đã giải trúng ý hai câu này của Nhạ đó!
Đạm nghe cách xưng hô thì tuy không chắc chắn lắm nhưng cũng khá biết sự liên hệ tình cảm giữa anh Thông-gà-mờ và nàng-tiên-góa kia như thế nào. Thông miễn cưỡng lên tiếng:
- Hai câu ấy nói lên lòng đã yêu thì đừng nghi ngại, đừng để xuống mồ rồi mới hiểu được lòng ai.
Đạm rụt cổ, hai tay đưa lên như chờ bị đóng đinh vào Thập Giá, anh nói:
- Thế này thì tôi xin cúi đầu chịu thua... Tôi thật chưa đủ trình độ để hiểu thơ.
Đạm từ đó xếp hạng Thông vào hàng những kỵ sĩ bắn cung không cần lắp tên.
Chợt nghe Minh hỏi lại:
- Anh nhớ người đàn bà ngồi bên anh Thông trong quán Phở mà mình gặp không?
- À nhớ chứ, thi sĩ Nhạ-Vô-Thường.
- Anh Thông nói với em rằng bà ấy đã đặt nhà hàng để ra mắt sách mà tác phẩm vẫn chưa ra nhà in nên Thông phải ở luôn nơi nhà bà để hoàn tất việc layout.
Đạm nhìn những sợi gân máu nổi lên trên trán Minh, anh trấn an:
- Thì... nay mai xong việc Thông nó sẽ về, đâu lại vào đó.
- Không có chuyện đó vì ảnh nói... sau khi ra mắt sách xong họ sẽ cùng nhau đi du lịch sang Âu châu, Úc châu rồi về Việt Nam để giới thiệu tác phẩm của bà Nhạ-Vô-Thường.
Đạm nhìn vào trong nhà hỏi:
- Thu đã biết chuyện này chưa?
- Chưa, em muốn nhờ anh nói với Thu những gì em vừa kể cho anh nghe. Thôi em tiếp tục với cái xe không thôi trời tối.
Minh vất cái khăn lên yên xe rồi bắt đầu chăm nhớt. Đạm nhin theo, tự nhiên lòng dấy lên một niềm cảm thương.
Những ngày đầu quen biết nhau Minh rất thích xe nhất là chiếc Mustang của thập niên sáu mươi. Đạm giúp ước mơ của nó thành sự thật khi mua lại từ một bà cụ ở một nông trại. Có xe rồi Minh nhường cho Thông chiếc Toyota thường lái đi làm hằng ngày. Vậy là Thông cứ việc lái tới tiệm in và ra quán cà phê không cần phải đổ xăng vì đã có thằng em "thợ máy" lo liệu.
Một hôm, Minh kể cho Đạm nghe rằng, Minh ghé chợ mua thịt về làm tái chanh thì tình cờ gặp một bà hàng xóm ngày xưa, Sau một hồi hỏi han về cuộc sống hằng ngày của hai anh em từ lúc bỏ xứ ra đi, bà chia buồn cùng cái chết của cha mẹ Minh trên đường vượt biển rồi ghé tai Minh nói nhỏ "Con Thu bây giờ cao lớn và đẹp gái lắm! Mày ưng thì về cưới nó ngay không thôi bọn Đài-Loan đem nó đi biệt tăm, biệt tích đó." Nghe vậy Minh bỏ ăn tiêu phung phí, cai rượu bia, bớt hút thuốc lá và cố tình làm thêm giờ phụ trội để kiếm thêm tiền. Minh mong cho mau Tết mà bay về Việt-Nam gặp Thu để xem mặt con bé ngày xưa ra sao và cũng để làm anh hùng cứu mỹ nhân thoát cảnh Chiêu-Quân cống Hồ nghĩa là phải gả thân cho người dị chủng Đài-Loan. Minh vào hãng xin nghỉ phép, ông giám đốc bằng lòng nhưng phải thông qua ông supervisor người Việt-Nam, ông này, nổi tiếng đạo-đức-giả, phán "Tôi thương chú em lắm, hơn cả anh em ruột thịt vì tình đồng đội nhưng chú em mà đi quá một tuần thì tụi nó sẽ cho người thế chỗ lúc đó tôi có quyền lực cách mấy cũng không giữ được cho chú em" rồi hắn bồi thêm rất đểu "nếu trở về mà mất việc thì lại đây tôi giúp chú làm resumé". Minh đang thất vọng thì nghe tin Thông có vé máy bay về Việt-Nam làm đám cưới giả với đứa cháu gái bà chủ tiệm in. Thông không tốn một xu mà còn được mấy bộ y phục và giầy da Ý-đại-lợi đắt tiền, sau đám cưới người ta sẽ trả cho Thông một số tiền đặt cọc trước, số tiền còn lại sẽ được bàn giao khi cô cháu gái được xuất ngoại theo diện đoàn tụ hôn thê. Minh mừng rỡ, xúi anh bán cái xe Toyota lấy tiền về giúp đỡ họ hàng và gia đình bé Thu. Ra tới sân bay Minh dặn dò anh:
- Đẹp xấu không thành vấn đề miễn là Thu chịu qua đây và cô Sáu chịu gả con cho em.
Thông chủ quan:
- Chắc chắn là nên chuyện vì hồi còn ở nhà cả cô và dượng Sáu đều thích Minh. Mà con Thu cần cái gì nó cũng đều tìm tới Minh, nhớ không?
- Em nhớ, à nếu cô dượng gặp khó khăn anh đừng tiếc, cứ việc đưa tiền, qua lại đây anh em mình cố gắng làm ăn kiếm lại.
Rồi Minh bịn rịn tiễn anh lên phi cơ và chợt nhận ra trong đám người cầm boarding pass có bóng dáng ông supervisor đạo-đức-giả cũng đang đứng xếp hàng bay về Việt-Nam.
Thông về tới nơi thì được người nhà của cháu bà chủ tiệm in ra đón tận phi trường. Thông được xếp đặt ăn ngủ ở lầu ba của một ngôi nhà khang trang có nội thất được trang trí mỹ thuật và vật liệu đắc tiền. Qua một đêm chưa được diện kiến cô vợ "tàn tật, xấu xí, ngu đần", sáng hôm sau người tớ gái mời Thông xuống vườn ăn điểm tâm, anh chàng sững sờ đứng chết trân không dám tin con mắt của mình bởi nàng đẹp não nùng. Mái tóc huyền để dài ngang lưng, cặp mắt phượng long lanh hai hạt trân châu, miệng chúm chím môi hồng đào, làn da trắng nuột nà và đôi bàn tay búp măng thật mịn màng...Tên nàng là Hồng-Miên.
Nhờ bà chủ tiệm in sắm cho mấy bộ đồ vía và giầy da bóng lưỡng, Thông cũng không đến nỗi mặc cảm là Việt kiều đói rách mà còn coi bộ xứng đôi vừa lứa với hoa khôi thị thành. Hai ngày đầu được đi chơi, tản bộ, ngồi nhà hàng bên nhau đến ngày thứ ba mới được nắm tay. Ngày thứ năm được hôn lên tóc và nựng bờ vai đến ngày thứ sáu trước khi lập kế hoạch công đồn thì Thông nghe tin như sét đánh ngang tai... Hồng-Miên không chịu đi xuất ngoại nữa, nghĩa là hôn lễ bị hủy bỏ và như thế thì Thông phải trở về "bên đời hiu quạnh" tiếp tục sống cái đời ngồi xét chính tả cho nhà in và mang tiếp trên vai đôi vầng nhật nguyệt cứ rọi xuống thơ văn một đời mộng mị buồn tênh...
Ông thầy của Hồng-Miên bất ngờ xuất hiện với một bó hoa, qùy gối úp mặt trên đùi nàng khóc và thà chết chớ không để nàng theo Thông làm vợ trên xứ lạ quê người. Tự ái được ve vuốt và tình yêu vừa vẫy mạnh đuôi con cá sấu, Hồng-Miên thôi giận người yêu, nguyện ở lại cùng chàng... cái đuôi cá sấu quất một cái đẩy Thông văng ra đường, tiền làm hôn thú giả chưa lấy đồng nào mà đã tiêu gần nửa cái xe Toyota... Thông lần mò về xóm cũ gặp cô Sáu Ngân để nói chuyện gả bé Thu cho thằng em còn đang lo cày ngày, tranh thủ cày đêm để có tiền về rước vợ qua Mỹ.
Năm ngày gần bên người đẹp Hồng-Miên tuy ngắn nhưng đủ để cho con tim tương tư bị bầm giập và mong tất cả đàn bà hãy biến mất hết trên thế gian này thì... phước bất trùng lai hay họa vô đơn chí mà giờ đây cô gái ngồi chung chuyến xe đò đang thiu thiu ngủ gật, ngả đầu sắp chạm vai mình, Thông cố gắng nhắm mắt trao hồn cho Hồng-Miên nhưng đôi mi không chịu khép mà đồng lõa với cái gân cổ... xúi nghiêng đầu nhìn làn ngực no tròn, căng cứng trong chiếc áo bà ba là thành trì quá mỏng manh trước nhựa sống mãnh liệt trên da thịt người con gái miền quê...
Xe chạy qua một con phố "cà thọt" vì những căn nhà hai ba tầng mới xây nằm xen kẽ với những căn nhà trệt thấp bé, tồi tàn. "Em xin lỗi, nãy giờ ngủ quên trên vai làm phiền anh... Anh là Việt kiều phải không?" Thông chưa kịp trả lời giọng ngọt ngào, trìu mến của cô gái thì chợt tỉnh cơn mộng mị. Cô gái bên cạnh đang nghiêm chỉnh ngồi yên. Nắng trưa vàng chiếu vào chiếc áo bà ba màu xanh lá mạ hắt lên nước da bánh mật của cô, làm tăng thêm nét đẹp duyên dáng đầy quyến rũ. Thông cũng vừa nhận ra thiếu chút nữa thì mình cũng đã ngả đầu ngủ quên trên vai cô gái. Thông bắt chuyện làm quen:
- Cô cho tôi hỏi thăm...
Thông chưa kịp nói hết lời thì cô ta đã lấy nón lá lên che mặt giả vờ như sắp ngủ và không nghe gì cả.
Thông cũng ngồi yên, mông lung nhìn ra đồng cỏ dại và tiếp tục "chán ngấy đàn bà con gái".
Xe đến nơi, Thông tìm khách sạn, tắm gội sạch sẽ rồi mới kêu xe đưa mình về xóm cũ. Thông bảo anh xe ôm dừng lại khi nghe tiếng suối reo róc rách rồi lấy que vẽ xuống đất chỉ đường cho anh xe ôm tới nhà dượng Sáu còn mình thì băng ngang nương cỏ mây mà đi. Thông đi đến đâu lòng dạ bồi hồi, thổn thức đến đấy... Từng bụi cây, bờ cỏ đến những viên đá cuội "trơ gan cùng tuế nguyệt" đều gợi nhớ đến thời còn bé... nô đùa rong chơi cùng thằng em chết hụt ngoài biển khơi và con bé Thu thích bắt bướm hay bị đòn ngày xưa. Thông tính nhẩm chắc năm nay nó đã trên hai mươi vì mình đã hăm sáu rồi, "mau thật" hắn chắt lưỡi và cũng vừa nhận ra mái nhà có cái ống khói bể của dượng sáu mới hiện ra sau tàn cây giông.
Cô dượng Sáu, ba má của Thu, không phải là họ hàng của ai trong xóm này. sở dĩ người ta gọi là cô dượng vì cái màn kịch đánh con cái cứ kéo lên rồi hạ xuống mà tuồng tích, nhân vật vẫn không thay đổi. Có người thấy cha đánh con như con ghẻ, không phải con ruột nên gọi là dượng ghẻ, từ đó xóm giềng quen miệng gọi ba mẹ của Thu là cô dượng.
Ngộ thay! bây giờ cô gái trong cánh áo bà ba màu xanh lá mạ hay bị đánh đòn lại duyên dáng, xinh đẹp không một vết sây sướt nào lại là con bé Thu thường chạy rong đuổi bắt bươm bướm năm xưa.
Thoạt nhìn thấy nhau cả hai đều đồng thanh lên tiếng:
- Thì ra là...
- Ừ là anh, ngồi trên xe đò với em chính là anh, là Thông ròm con chú Tín-phát-thư đây.
- Em là con Đông đây, anh nhận ra em không?
Một đứa con gái vừa ôm cái rổ rau đang đứng với thằng em trai bỗng lên tiếng:
- Chị Thu, sao chị lại xí gạt người ta.
Thông nhìn cô gái tay cắp cái rổ cười nói:
- Anh biết mà, làm sao gạt anh được!
Thu cũng cười:
- Anh nhận ra em lúc ngồi trên xe hay mới bước vô nhà này?
- Mới bước vô... còn lúc trên xe thì em ngồi nhìn nghiêng làm sao anh nhận ra được hơn nữa đã mười một năm rồi còn gì.
Thu cười dịu dàng đồng ý rồi hỏi:
- Anh Minh ra sao rồi, sao không về chơi?
Vừa lúc đó cô dượng Sáu bước ra kêu mọi người dùng bữa cơm muộn. Thông vừa ăn, vừa chậm rải kể hết mọi chuyện những năm trôi qua cho cả nhà nghe rồi buông đũa đi thẳng vào vấn đề Minh muốn lấy Thu làm vợ để qua Mỹ phụ nhau làm việc kiếm tiền nuôi các em ăn học và tuổi già của cô dượng. Cô Sáu nghe đến đó liền bật khóc và dượng Sáu cũng nhìn Thu trìu mến.
Những ngày kế tiếp, Thông gọi taxi chở cả nhà đi ăn tiệm, sắm quà vặt y như lời Minh nhắn nhủ "cứ việc tiêu, đừng tiếc tiền..." Cha mẹ Thu đôi lúc muốn từ chối thiệt tình nhưng nghĩ rồi đây sẽ là người trong nhà cả nên không khách sáo, sợ bị Thông buồn lòng.
Hai chị em Đông và Khang đi học lại chỉ còn Thu lái cái xe cũ kỷ, lệch yên ngồi, chở Thông đi khắp nơi đây đó. Một lần ngồi bên nhau ăn kem, Thông hỏi:
- Ba vẫn còn đánh đòn Thu không?
- Dạ không.
- Mẹ đào lổ chôn Thu bằng tay hay bây giờ phải dùng xuổng?
Thu cười, véo vào đùi Thông đau điếng rồi nghiêm trang nói:
- Em nhớ từ năm em mười lăm tuổi, ba không hề đánh em lần nào nữa.
- Tại sao vậy?
- Em đâu biết nhưng em nhớ một hôm ba cầm cái khăn tắm lên nhà ông quát to "đứa nào bị thương rồi lấy cái khăn này chùi, không khai ra tao đánh chết hết!". Em sợ hai đứa nhỏ bị đòn oan nên nhận tội, ba liền nắm tay em lôi đi "mày nghịch phá tối ngày chơi với hủ, lọ, sâu bướm... tao đã nói rồi không được đụng tới chai, kiếng có ngày nó cắt đứt gân mà chết" Ba nói rồi khám tay chân em thấy không hề hấn gì. tự nhiên ông vất cái roi "tử thần" đi rồi nắm chặt tay em ông nói "thôi con ra ngoài phụ mẹ đào khoai đi con" đó là lần đầu ba kêu em bằng tiếng con.
Thông ngu ngơ:
- Ủa sao lạ vậy... thế thì con Đông hay thằng Khang bị thương?
- Trời... có đâu, là em đó!
- Em hả, em bị thương ở đâu mà chảy máu?
- Cái anh này, hông hiểu gi hết... là em có... đó, mười lăm tuổi chứ nhỏ nít gì nữa.
Thông đã hiểu nhưng mặt đờ ra vì chuyện khá xúc động, Thu tưởng anh chàng này ngốc đặc nên nói nhanh:
- Là lần đầu em... có kinh đó!
Nói xong nàng té chạy bỏ cả ly kem ăn chưa hết. Thông ăn hết kem của mình mà vẫn ngồi thờ thẩn, lơ đểnh ăn sạch luôn ly kia của Thu. Không biết chất "môi nào hãy còn thơm cho ta phơi cuộc tình..." hay trong ly kem có chất gì mà Việt kiều Thông ròm giờ đây như dính bùa. Một thứ bùa mê làm tâm trí lúc nào cũng tơ tưởng đến ánh mắt, nụ cười và nhất là làn da bánh mật, cái lưng ong...
Một buổi chiều mưa, mưa qua phố nhỏ buồn tênh, Thông bước theo sau lưng Thu trong một con ngõ hẹp, tiếng mưa rơi rào rạc như âm điệu một bản nhạc chưa đặt lời, Thông nói thì thầm vào tiếng mưa rơi "Thu ơi, anh yêu em!" rất nhỏ và rất khẽ nhưng Thu bỗng khựng lại rồi ngả đầu tựa lưng vào ngực Thông "Em cũng yêu anh!" nàng nói cũng chi vừa đủ nghe nhưng bản nhạc mưa đã ghi âm, lồng tiếng làm đậm đà ngôn ngữ của tình yêu. Ai đó đã nói: " âm nhạc là khoảng trống giữa hai nốt nhạc", điều gì đã xảy ra giữa khoảng cách hai đôi môi đợi chờ... Họ hôn nhau say đắm. Thành phố lên đèn, họ dìu nhau đi hong khô tóc, khô... quần áo. Mưa thầm hỏi "Này em hỡi con đường em đi đó, đúng hay không em? con đường em theo đó chắc qua bao lênh đênh, bao gập ghềnh có làm héo hắt, có dập tắt mất nét tươi nhuận nụ cười?"​
Sáng hôm sau Thông đưa Thu về nhà thú tội "yêu nhau cởi áo qua cầu gió bay" với ba mẹ của Thu. Cô dượng la rầy nhẹ xìu như phất trần phủi bụi xong bắt đầu nói chuyện thành hôn. Cũng có đôi lúc Thông chạnh lòng khi nghĩ tới thằng em nhưng cứ giáp mặt Thu thì lại quên hết.
Hai hôm sau cặp gối trắng phau chia tay đôi tình nhân mới tái ngộ đã chia lìa. Thông lên máy bay về Mỹ với nỗi buồn mai này cuốc bộ thiếu tiền uống cà phê.
Em về gội nắng mùi hoang thảo
Nhuộm ánh ráng chiều nét hư hao
Không gian đã đong đủ những hạt bụi và trần gian đã gom vừa những xúc cảm hợp tan trong ngày để mặt trời vén mây chiếu ánh ráng chiều năm thức mây hồng, ươm sầu vạn cổ. Đám cỏ úa vàng, cành cây trơ xương vừa kết nụ lá xanh cùng mái nhà rêu phong... dưới ráng chiều hợp thành một bức tranh kỳ diệu mà dường như chỉ có họa sĩ của khoảnh khắc thời gian, của một lần rồi buông cọ... mới tạo nên độc bản như lúc này. Đạm là người có cảm tính và giác quan thứ sáu khá đặc biệt nên đứng giữa cái không gian bàng bạc, hoang hoắc này anh linh tính như sắp có chuyện gì xảy ra, buồn lắm!
Minh đã chăm sóc cơ động cho chiếc mô tô Harley, bây giờ bắt đầu lau chùi cho bóng loáng từng cái căm xe cho đến con ốc vít. Đạm đứng bùi ngùi nhìn, lòng tự nhủ sẽ một ngày nào đó, tìm cho được một chiếc Ford Mustang khác cho Minh. Thằng bạn nhỏ tánh hy sinh thì nhiều mà ước mơ quá đơn thuần, nhỏ bé. Thu bưng hai ly nước từ trong nhà ra mời Đạm và Minh, mắt nàng đỏ hoe, môi nhợt nhạt, lúc Thu quay vào nhà, Đạm thấy chân nàng như lạc hồn bước đi trên sương khói. Vừa rồi Thu kể cho Đạm nghe về cơn ác mộng, duờng như anh đã nghe nhiều lần và chính anh em Thông và Minh cũng thường bảo nàng hay thét to giữa những đêm trường tỉnh mịch. Ác mộng do những trận đòn lúc còn nhỏ hay là điềm báo hiệu những gập ghềnh trong tương lai? Dù sao thì Đạm cũng thương qúy và tội nghiệp Thu như người em gái nhỏ.
Nhiều ngày sau khi Thông hứa hôn với Thu rồi lên đường về Mỹ, nàng ốm tương tư... "người đi một nửa hồn tôi mất" và Thông cũng... "một nửa hồn kia bỗng dại khờ. Minh biết anh mình bị hụt cái đám cưới giả với cháu bà chủ nhà in, tiền mất, tật mang thành thân tàn ma dại nên hắn tội nghiệp và càng thương anh hơn, người mà hắn trói tay với nhau vào cái thùng xăng rỗng trôi trên biển như một lời nguyền "sống chết có nhau đến mãn đời". Minh nhờ Đạm điều đình với nhà in về chuyện bội ước nên phải đền bù bằng cách tăng giờ làm cho Thông để Thông vì bận rộn mà quên đi nỗi buồn lỡ yêu cô Hồng-Miên. Từ đó Minh mang theo cái mền vào hãng để xong việc là trốn vô thùng dây điện đánh một giấc cho đến khi tàu hụ còi thì nhảy sang xưởng sơn tàu kế bên mà đục hào, cạo rỉ sét cho tới khuya mới về nhà. Chẳng bao lâu Minh gom góp được chút tiền khá đủ để làm một chuyến "quê hương là con đò nhỏ... êm đềm khua nước ven sông".
Đạm chia tay Minh với những lời dặn dò rồi trao bửu bối cùng cẩm nang như thầy tiễn trò ra trận mạc. Lên máy bay rồi Minh mới tin là ước mơ đã hiện thật. Minh phì cười nhớ lại lời Đạm bày cho Minh cách nói xiêu lòng ông supervisor để được đề nghị cho nghỉ phép hai tuần, chú nói với thằng chả như vầy "Tui thương anh, quý mến anh hơn cả cha mẹ tui nên tui hứa tui đi xong sẽ về làm với anh suốt đời không đổi hãng" Đạm chỉ nói đùa nhưng Minh làm thật khiến thằng cha supervisor người Việt-Nam nổi sùng ký cái rẹt và phán một câu "Chú xin hai tuần, tôi cho chú ba tuần xong rồi về đây tôi ký thêm cho chú đi phép vĩnh viễn". Minh chửi thầm "phất du" rồi mang giấy phép lên chào ông manager-giám đốc. Ông này nói "du được nghỉ thêm một tuần có trả lương và về đây tôi cho du lên làm quality controller" - tức là giám định chất lượng các ống nối.
Khác với anh mình, Minh không ở khách sạn mà ngủ luôn tại nhà "vợ sắp cưới". Qua một đêm, rồi hai, rồi ba... Thu chịu không nổi nữa mới năn nỉ cha mẹ hãy nên nói thẳng với Minh chuyện giữa nàng và Thông và dù có lấy được Thông hay có được xuất ngoại không thì con tim của nàng cũng không thể trao cho ai khác. Cô dượng Sáu đành nói rõ mọi chuyện và còn thuyết giảng lý lẽ của nhân duyên, ông tơ với sợi chỉ hồng.
Minh nghe xong, không nói gì chỉ lẳng lặng bỏ ra đường. Cô Sáu định giữ lại nhưng dượng Sáu ra hiệu cứ để yên và hất đầu ngầm bảo thằng Út đi theo sau xem chừng. Thằng Út thấy Minh ra tới ngã ba con hẻm tự nhiên đứng dán lưng, dán tay vào tường như người Nhện Spiderman rồi bất ngờ búng người ra, co giò đá văng cái lon lên không, con Hiếu đang mở nắp, chưa kịp múc bột lỏng bánh khọt thì bỗng dưng một cái lon móp méo rớt vào. Nó đảo mắt nhìn quanh thì nhận ra anh chàng có tướng đi "cô hồn" hỏi nhà dượng sáu hôm qua đang đứng xoay mặt vào tường hẻm như bị cô giáo bắt phạt không thuộc bài. Thằng Út tiến tới bên cạnh Minh nói nhỏ "Đi theo em, đừng quay mặt lại". Đại hiệp Võ-Hớn-Minh chưa biết sợ là gì, bây giờ đang gãi tai che mặt và lầm lủi bước theo sau thằng Út. Minh cảm thấy những giận hờn, bực tức vơi đi rất nhiều sau một buổi đi rong chơi với thằng em út của Thu. Về tới nhà thì ba má Thu đã ngồi chờ sẵn. Cô Sáu kéo ghế mời Minh ngồi, có lẽ để nói lời phải trái đã làm hư chuyện lấy vợ của Minh. Minh từ chối, hắn ra vườn ngồi xuống một bờ cỏ xanh, miệng ngậm cuống cỏ, gác hai cùi lên đầu gối nghĩ ngợi mông lung. Thằng Út giả vờ rung cây cho rụng trái chín ở gần đó. Bỗng Minh bảo Út vào nhà kêu chị Thu ra.
Thu ra tới, nàng đứng khá lâu sau lưng Minh rồi mới ngồi xuống một bên. Sự im lặng của hai người lại diễn ra khá lâu nhưng cũng rất tốt cho những điều muộn phiền, bối rối trôi đi. Minh lên tiếng trước:
- Thu nhớ hồi nhỏ tụi mình bắt bướm bên kia suối không?
- Nhớ.
- Thu nhớ bài thơ "nhà nàng ở cạnh nhà tôi" mà tui dạy Thu đọc thuộc lòng không?
- Nhớ.
- Thu nhớ hồi nhỏ thu bị thương-hàn tui cõng Thu đi theo dượng sáu lên bệnh xá không?
- Nhớ.
- Vậy sao Thu không chọn tui?
-...
- Ở bên kia nửa trái địa cầu mà tui thường hay nhớ tới Thu luôn, còn Thu có vậy không?
-...
Minh không nghe Thu trả lời, hắn ngồi bật dậy thì thấy mặt Thu dàn dụa nước mắt. Minh bình tỉnh lạ thường hỏi:
- Bây giờ tui hỏi Thu mà Thu phải nói thật lòng nha vì Hảo-Thông là anh ruột tui, cả nhà chết hết, trên đời này chỉ còn hai anh em thôi.
Thu nín khóc nhìn thẳng vào mắt Minh chờ đợi. Minh không ấp úng mà hỏi một cách quyết liệt:
- Thu có yêu anh Hảo-Thông không?
Thu gật đầu.
Minh tiếp:
- Thu có chịu làm vợ anh Hảo Thông không?
Thu mím môi gật đầu. Minh gật gù một lúc rồi lên tiếng:
- Tui phải trở lại Mỹ nay mai không thôi mất việc. Giờ nào còn ở đây đều rất quan trọng cho việc thành hôn và đoàn tụ. Trước khi về đây, người bạn của anh em tui đã giúp khá nhiều cho giấy chứng minh, thủ tục kết hôn và những vấn đề nên làm hoặc nên tránh trước cơ quan di trú. Bây giờ Thu với tui bắt đầu vừa thực tập vừa lo cho xong giấy tờ đăng ký ở đây...
Thu ngắt lời Minh:
- Hai đứa mình làm giấy thành hôn sao?
- Đúng vậy vì không thể thay đổi được nữa. Tui cũng không có nhiều thời giờ mà còn phải chứng minh tài chánh để bảo lãnh Thu đi đoàn tụ nữa.
Sáng hôm sau Minh chải tóc ngược, vui vẻ ra ngồi bệt xuống "quán" bánh khọt, bao hết khách đang ngồi ăn. Tin lan nhanh làm lũ nhỏ kéo nhau lại ngồi làm cô hàng đổ bánh không kịp, mồ hôi cô tứa ra không kịp lau, chén bát không kịp rửa nên có đứa về nhà mang tô chén mình ra đứng chờ phiên. Minh được con Đông nói cho nghe từ khi mẹ nhỏ Hiếu bị nhồi cơ tim, nó phải mở hàng thêm buổi trưa nhưng là gọt bán trái cây, ăn chấm muối ớt. Sau ngày có cái lon rớt vào nồi giống như chuyện phim "Thượng Đế Cũng Phải Cười" có anh mọi nhặt được cái chai của ông trời đánh rớt, cô hàng mười sáu tuổi tên Hiếu ngày nào cũng thay một cái áo... lúc xanh da trời khi tím hoa cà rồi vàng như nghệ... chuyện gì xảy ra chỉ có cô và thượng đế biết...
Võ-Hớn-Minh bày hết lễ vật do Đạm sắp xếp ra bàn nào là phong bì, nhẫn cưới, bông tai, lắc tay, hột bẹt... Cô dượng xúc động mạnh còn ba đứa con đứng trầm trồ khen ngợi. Thật ra Minh đã giấu đi một cái kiềng ngọc thạch cẩn vàng ròng để dành sau này lấy vợ sẽ đeo cho nàng.
Chiếc xe chở đoàn người tiễn đưa Minh ra tới đường cái thì bất ngờ Minh bảo dừng lại chờ. Minh xuống xe, lội ngược vào trong hẻm... Tới "nhà hàng" bánh khọt, Minh kéo cái đòn ngồi bệt xuống cầm cái dĩa chìa ra cho cô hàng xúc bánh rồi chan nước mắm pha lên. Minh ăn ngon lành một lúc hơn chục cặp rồi rút trong túi ra cái kiềng ngọc thạch nạm vàng trao cho Hiếu, cô hàng trái cây, bánh khọt, Minh nói lời đầu tiên với cô hàng kể từ khi đá cái lon văng vào nồi bột bánh:
- Tui hông còn một đồng bạc nào để trả tiền ăn... cô giữ cái này xem như mình huề nhau... Tui nhỏ giờ không quen xin lỗi ai... giờ tui... tui...
Minh đứng dậy nói như chạy làng:
- Tui xin lỗi cô.
Một làn gió mạnh từ đường phố xoáy vào con hẻm nhỏ làm bụi bay mờ mịt. Thoáng một cái mà Minh đã lên xe mất dạng rồi.
Năm tháng sau...
Một đám cưới khiếm diện chú rể, đúng hơn là một bữa tiệc tiễn đưa cô con gái đầu lòng đi đoàn tụ với Võ-Hảo-Thông tận bên miền viễn tây nước Mỹ. Cả nhà dượng Sáu hy vọng một cuộc đổi đời, một tương lai hứa hẹn thoát cảnh nghèo nàn khi Thu và chồng nó sẽ gửi về hàng tháng những món tiền dành dụm được như những gia đình trong xóm từng có người gả con ra ngoại quốc.
Thông, Minh và Đạm cùng một số bạn bè thân quen ra tận phi trường với những bó hoa trao tặng và máy ảnh nháy lia lịa. Mấy lần Đạm xếp Minh và Thu đứng chung với cử chỉ đằm thắm, hạnh phúc của đôi tân hôn hoặc vợ chồng thì đều bị Minh và Thu né tránh và vì vậy mà Thông cũng không chụp được một tấm riêng nào với người yêu.
Thông và Minh kẹt quá đành nháy nhau kéo Đạm ra kể hết sự tình.
Nghe xong Đạm chắt lưỡi, thở dài nói:
- Giờ anh đã hiểu vì sao chú bán luôn cái xe Mustang rồi mua mô tô hai bánh. Anh ngỡ chú hết thích nó chứ.
Minh than thở:
- Tiếc lắm chứ anh nhưng không bán nó thì lấy đâu ra tiền bỏ vào chương mục để hội đủ điều kiện bảo lãnh Thu sang đây.
Đạm lắc đầu mấy cái rồi nói:
- Trên danh nghĩa thì Minh và Thu đứng chung hôn thú nhưng Thông với Thu mới thực sự là vợ chồng, có đúng không?
Không đợi ai trả lời, Đạm nói tiếp:
- Bây giờ thì xem như dễ nhưng sau này có nhà riêng, rồi có con cái và Minh lập gia đình thì rắc rối vô cùng. Từ nay về sau... anh với hai chú không quen biết gì nhau nữa nhe.
Căn nhà có thêm người, đêm đêm vang dăm tiếng cười hạnh phúc và vọng nhẹ tiếng thở dài trằn trọc của ai đó giữa canh khuya.
Ông Dick chủ nhà không hỏi gì về chuyện Thu mà cũng chẳng ai cần thông báo nhà có thêm người cho ông hay nhưng mỗi lần đi ngang qua nhà ông để ra đường Thu thường thấy cái màn cửa lay động và có một lần Thu mách với Thông là cô bị mất hai cái quần lót phơi kín đáo ở sau hè.
Giữ đúng lời, Đạm không hề xen vào chuyện của anh em nhà Thông, Minh nữa. Mấy lần anh định khuyên hai người nên thay nhau đưa đón Thu đi học Anh ngữ và học nghề nhưng lại thôi. Hằng ngày Minh vẫn lái cái chiếc Harley có tay lái cao nghệu đi làm rồi chiều về thường ghé mua thực phẩm và đồ gia dụng. Thu bận rộn chuyện lau chùi, nấu ăn, giặt giũ. Thông thì vùi đầu vào việc mới có thù lao khá là layout, typesetting cho hai cuốn sách của một tác giả chịu vung tiền cho tác phẩm của mình. Đời sống trở nên thoải mái, dễ chịu hơn.
Mùa xuân lướt qua cánh đồng hoa trên đồi, mùa hạ rợp bóng mát trên con đường ngoài ngõ trước... Bây giờ là mùa Thu... chiều vắng khói sương mù, hàng cây khô sầu úa! Hiu hắt đứng trong mưa... mùa thu thay lá và lòng người như lá úa... trong cơn mê chiều...
Thông không về nữa.
Minh lau xong xe, bước lên thềm bốc thực phẩm rãi vào lồng cho chim ăn. Minh cầm ly nước mà Thu đưa lúc nãy rót vào chum cho chim uống. Những chú chim tha hồ ăn uống no nê rồi líu lo kêu, hót. Đạm đến gần một bên cố gắng thuyết phục Minh rằng Thông không thể nào bỏ Thu theo tình mới. Nhạ-Vô-Thường có khối người giàu có, danh tiếng theo đuổi còn Thông thì chỉ là anh ký quèn, yêu nghề thôi. xong việc Thông sẽ quay về. Minh vẫn làm thinh không nói một lời cho đến khi hắn mở toang cửa lồng chim và xua chúng bay đi. Chỉ vài giây cái lồng chim trống rỗng, quạnh hiu đong đưa trước làn gió lướt qua thềm.
Thất vọng nhìn lên bầu trời ảm đạm sắp ngả bóng hoàng hôn, Đạm bước ra đường lái xe đi rồi mới sực nhớ rằng mình chưa nói với Thu lời tạm biệt như mọi lần.
Minh đã cột xong cái mền cuộn tròn và túi quần áo dài như gối ôm vào yên xe. Minh ngồi lên cho máy nổ trong khi Thu đứng một bên, một bàn tay đang níu chặc yên sau bỗng nàng từ từ thả lỏng những ngón tay và hai giòng lệ không ngăn được lăn dài trên má như cố ngăn cũng không giữ được người đi.
Minh rồ máy thật to rồi lái đi, đầu không một lần ngoảnh lại...
Thu thắp hết đèn đóm trong nhà nhưng dường như vẫn không đủ sáng để đánh tan đi nỗi cô đơn và sợ ma trong căn nhà hiu quạnh chỉ còn lại một mình. Nàng không biết mai này sẽ ra sao. Minh đi rồi ai sẽ trả tiền nhà... Từ lúc Minh khiêng thùng mì gói, đồ hộp và cho chim ăn rồi thả chúng bay đi, Thu đã hiểu Minh muốn gì. Bây giờ thì điều cần thiết và nhiệm mầu nhất là Thông bước vào cánh cửa kia, mọi giận hờn, ghen tuông sẽ tan biến hết. Thu sẽ sẵn sàng sa vào lòng Thông nhờ che chở. Chợt có một bàn tay đặt lên vai làm Thu giật thót mình, tận cùng kinh hãi vì sợ ma... nhưng tiếng nói đàn ông vang lên sau lưng và một bàn tay chìa ra trước mặt làm nàng hoàn hồn:
- Did they leave you the money for rent?
Bình thường Thu đã la lên nhưng lúc này nàng lại cúi đầu hết sức bối rối. Một tràng tiếng Anh mà nàng chỉ hiểu được một chữ money là tiền. "Má ơi!" nàng khẻ khàng đau đớn gọi. Bàn tay đàn ông bắt đầu trượt trên lưng cùng tiếng nói rờn rợn như vang lên từ đáy mồ hoang "don't be afraid!" một câu ngoại ngữ bị thu hiểu lầm khi bàn tay kia lần vào trong áo nàng.
Cái bóng thôi đè nặng trên người và đã bỏ đi, Thu nằm yên thấy chai, lọ bay vòng vòng trên nóc phòng và những cánh bươm bướm rơi lả tả xuống sàn... Thu thét lên một tiếng cho thủy tinh vỡ tan để mình được thoát cơn ác mộng nhưng nàng nghe rõ rệt tiếng kêu bi thảm của mình chứ không phải từ trong mộng. Thu cố gào thêm nhưng không há miệng ra được. Chợt một dòng lệ nóng hổi duy nhất trên toàn thân tê lạnh vừa trào ra từ khóe mắt giúp cho nàng thêm một lần gọi được hai tiếng "Má ơi!"
Hết
(Viết xong tại Alpine Peek)
Trần Đại
Tue Apr 02, 2013 

Xem Tiếp: ----