ôi đang bị chìm đắm xuống tận đáy cùng với mảng tối đen hun hút lạnh buốt. Những hình ảnh của 38 năm về trước hiện ra mù mờ trong trí nhớ đang từ từ bị lão hóa theo thời gian. Đã 38 năm trôi qua, kể từ ngày miền Nam phủ màu tang trắng. Cũng vào buổi sáng như hôm nay của 38 năm về trước, cả gia đình tôi, sau những giao động mãnh liệt trước thời cuộc đổi thay, dường như nụ cười đã không còn thấy trên môi mọi người.Cuộc sống bỗng trở nên ngột ngạt, những sự lo âu con đường tương lai mịt mờ như trong sương mù vây kín, những nghi ngại giữa hàng xóm láng giềng, bởi có những gương mặt ngày nào lễ phép khúm na khúm núm, họ đã hiện nguyên hình là thứ sâu bọ lén lút nằm vùng bấy lâu nay. Con hẻm nhỏ nơi tôi ở vào buổi sáng sớm của ngày 30 tháng tư, đám người lạ mặt hùng hổ lớn tiếng thị oai, mang trên tay một đóng cờ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, bắt mọi nhà phải treo lên để đón chào những bước chân đã từng mang đạn bom về dẫm nát miền Nam của chúng tôi. Tội nghiệp cho những lá cờ đó chưa kịp có chỗ để đình đám dương oai diệu võ ngạo nghễ tung bay trước gió. Thì chỉ một thời gian ngắn không lâu nó đã hoàn toàn biến mất ra khỏi tầm nhìn của những người miền Nam chúng tôi. Để thay vào đó một lá cờ màu máu đỏ ối với một ngôi sao vàng, biểu hiệu quyền lực của bọn người từ miền Bắc tràn vào như vết dầu loang cuốn phăng cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam mất tiêu như bong bóng sủi bọt biệt tăm lẫn vào biển cả. Buổi sáng của ngày này năm xưa, tôi nhìn thấy nhà thơ quá cố Bùi Giáng, bỗng dưng ăn mặc thật sạch sẽ với áo trắng bỏ vào quần tây, thầy đi giữa đám người mang khăn rằn, đi dép râu và đầu đội nón tai bèo, dáng dấp rất bình thường, không có vẻ gì là điên điên khùng khùng như tôi thường nhìn thấy mọi khi trên đường phố. Tôi nghe lao xao trong đám người với những gương mặt rực sáng như ngọn sao băng kia,tiếng mất tiếng còn văng vẳng lại cho tôi biết bọn họ đang kéo nhau qua đại học Vạn Hạnh đang tọa lạc gần chân cầu Trương Minh Giảng. Để cái gọi là tịch thu, gom về cho nhà nước đương thời quản chế. Nhưng lạ chưa chỉ chừng khoảng một tuần lễ sau, tôi lại thấy nhà thơ Bùi Giáng trở lại hình dáng tiều tụy điên điên dại dại y hệt như trước đây, mà coi bộ còn điên gấp mấy lần hơn trước nữa,khi từ ngả ba con đường Kỳ Đồng, Trương Minh Giảng. Tôi thấy thầy quấn ngang người một vòng dây xích, rồi vung tay múa chân la to " ta là V-N-G ", tên của một ông lãnh đạo cấp cao của nhà nước đương thời. Tôi nhìn thầy rồi bất chợt mỉm cười lẩm bẩm " thầy cũng tỉnh mộng sớm ghê ". Cả con đường Trương Minh Giảng ngày xưa và luôn cả những người bán hàng trong sạp chợ, không ai mà không biết tới "ông già điên" đó. Nhưng lạ một điều, biết thầy không được bình thường,bị bệnh tâm thần, nhưng tôi lại nhìn thấy trong ánh mắt và trên nụ cười của những người buôn bán trong chợ, ai ai cũng điều tỏ ra tôn kính trước thầy, cho dầu đôi khi thầy có lên cơn phá phách, gây ồn ào náo loạn làm gián đoạn chuyện buôn bán của họ, vậy mà họ vẫn nhìn ông trìu mến, có khi hàng cá tặng cá, hàng thịt tặng thịt cho thầy xách tòng teng trên tay.Tôi đọc thấy trong mọi ý nghĩ, hay nghe những câu chuyện vu vơ về thầy, được truyền miệng qua những người sống quanh vùng Trương Minh Giảng, họ cho rằng thầy là một vị thánh sống, bị đày đọa xuống trần gian làm người. Từ những lời đồn đó đến ngay cả những người dân quê chấn lấm tay bùn, hiền lành chất phát, bán vài mớ rau ngoài đường chợ, họ cũng đều biết thầy là một vị giáo sư học cao hiểu rộng đáng được sự kính phục. Gia đình tôi có cơ duyên được quen biết thầy, những khi thầy mỏi mệt với một ngày la hét bụi bặm giữa những cơn nắng mùa hè cháy da thiêu thịt, hay những cơn mưa bất chợt kéo theo từng ngọn gió đông lạnh giá về trên thành phố. Thầy đến nhà tôi xin phép được ngủ ở trước hiên nhà. Nói là hiên nhà, thực ra chỉ là một hàng hiên chu vi bề ngang chỉ chừng một mét, vừa đủ để hai chiếc xe đạp song song là tới cánh cửa chính vô nhà. Người nhà tôi luôn để cái cổng sắt nhỏ trước khi vô cửa chính không khóa, để thầy tự nhiên vào hàng hiên nghỉ ngơi. Chị Cả tôi lúc còn sống, sau khi chồng đi học tập cải tạo theo chính sách của nhà nước, chị cùng hai đứa cháu nhỏ mở một cái quán ở lề đường vào buổi tối,chỉ ba chiếc bàn và sáu cái ghế nhỏ để bán rượu đế, rượu nếp than cùng khô mực và hột vịt lộn.Thời thế thay đổi, tiểu thư biến thành lọ lem. Nhưng đó chỉ là sự thay dổi bên ngoài cái nhìn của bàng quang thiên hạ. Đâu ai biết bên trong tâm hồn chị tôi là người giỏi về thơ văn, lại có vẻ đẹp sang cả dịu dàng, nên quán của chị rất thu hút những khách hàng trong giới nhà văn hay nhà báo. Họ còn bị kẹt lại quê nhà để cùng chung với biết bao số phận thê lương mỗi ngày như càng đi sâu vào những con đường không lối thoát. Quán dọn dẹp rất khuya, nên thầy Bùi Giáng đôi khi cũng có giúp cho chị tôi mang vào nhà vài ba chiếc bàn hay vài chiếc ghế nhỏ, vì khoảng cách từ chỗ bày bàn và nhà ở cách nhau cũng không bao xa. Vào những năm tháng đó, những hàng quán nho nhỏ mọc lên như nấm chung quanh vùng Trương Minh Giảng. Quán cà phê, quán nhậu, quán cháo trắng, quán chè, sinh tố, và những hàng gánh bán hủ tíu, bún rêu vv và vv. Những người buôn bán nhìn kỹ ra thì cũng nhiều người giống như chị Cả của tôi, là những người trước đây đều có gia đình bề thế, người có ăn có học đàng hoàng. Giờ đây đã hết đường lựa chọn đành phải hòa mình "vàng thau lẫn lộn " trong một cái xã hội hỗn mang để tìm con đường mưu sinh. Tôi vẫn còn nhớ, thầy Bùi giáng lúc tỉnh lúc điên vậy mà đã gắn bó với cái hiên nhà tôi cũng khá lâu, thê thảm thời gian đó chúng tôi thường ăn cơm độn với sắn với khoai, nhưng vẫn luôn nhịn ăn để dành một chén riêng chờ thầy gỏ cửa giữa đêm hôm kêu là " tau đói bụng quá, mi còn chi eng không? ". Nhà đông anh chị em, nên chỗ ngủ tôi sát ngay cửa chính, cho dầu ngủ say cũng nghe tiếng thầy nói vọng vô nhà,tôi là người luôn mở cửa đưa phần cơm độn cho thầy,rồi thầy đưa lại cho tôi chiếc khăn lau mặt cáu bẩn biểu " mi nhúng nước cho tau lau mình, mồ hôi mồ hám chi lọa ".Đôi khi tôi bật cười vì người ngợm như thầy thì phải nhảy xuống sông mà tắm mới mong sạch sẽ, chứ cái khăn ướt nhỏ thì nhằm nhò chi. Rồi một thời gian sau, chúng tôi thấy thầy không có gì để sợ, như sợ một người tâm trí không bình thường. Thỉnh thoảng thầy ghé vào nhà tôi vào buổi trưa, lúc đó chúng tôi có nói cho thầy biết là chúng tôi đang có giấy tờ để đi qua Mỹ đoàn tụ với người anh đi du học năm 1972. Thầy ngồi với chúng tôi trong gian phòng khách, thầy rất ít nói chỉ ngồi trầm ngâm, chúng tôi thì việc ai làm nấy, đứa chùi nhà, đứa lượm sạn và cỏ may trong gạo, đứa may đồ gia công cho mấy chủ tiệm. Thầy ngồi trầm ngâm rồi lặng lẽ quan sát từng đứa một, lúc nào chúng tôi cũng không hay. Thầy nhìn chị Cả tôi, trong ánh mắt mờ đục nhấp nhem hơi bị lệch về phía khác, rồi thở dài nói với chị Cả tôi:" con ni yểu mệnh ". Chúng tôi nghe thầy nói thì bị khựng lại vài giây rồi phá lên cười vì lúc đó chị Cả tôi rất khỏe mạnh, chị không có dấu hiệu gì để cho biết con bệnh ung thu đang ngấm ngầm phát tác trong cơ thể. Hai cô em gái tôi ngưng việc làm,nhao nhao lên muốn thầy coi dùm số mệnh trong tương lai, thầy nhìn vào hai cô em gái tôi, dáng nghiêng qua nghiêng lại như đùa giởn, bất ngờ thầy vỗ bàn thật lớn nói:" hai con ni, nay mai hắn giàu vô hậu ", chị em tôi mở mắt to, vì thực sự lúc bấy giờ cơm cũng không đủ no, áo cũng chưa đủ ấm. Chúng tôi nhìn thấy trên chiếc miệng món vì thiếu răng của thầy đang mim mím một nụ cười đầy thú vị, thầy nói tiếp:" đi qua bên nớ mần chi, tau nói con đường hắn rộng mới ghê, đi mỏi cẳng lém ". Tới khi thầy nhìn qua tôi, giọng thầy bỗng chùng xuống, phán chắc nịch một câu:" con ni số khổ, hồng nhan đa truân ". Rồi như thầy vụt nhớ ra một điều gì, ông moi tìm trong cái bị mà ông thường đeo hàng ngày, thầy reo lên khi cầm trong tay một lá thư, thầy nói:" thằng bạn của tau nó đang ở bên Đức, mi gửi thư xin nó giúp đỡ chút ít tiền để dành khi đẻ con ".Lúc đó cái bụng bầu của tôi cũng đến gần ngày sinh em bé. Thầy dúi lá thư trong tay tôi, nói tôi đừng tự ái cứ tự nhiên xin người ta chút ít tiền đi, thầy còn cười bảo là "bạn tau nó giàu lắm". Tôi nghe lời thầy cũng viết thư cho người bạn bên nước Đức của thầy, nhưng lòng tự trong tôi chỉ viết thư báo ông biết là thầy vẫn bình an. Tiếc rằng lá thư trả lời từ người bạn của thầy, viết cám ơn tôi đã chăm sóc người bạn già của ông, lá thư đã bị mất khi cuộc sống của tôi cũng đã có nhiều sự đổi thay. Ba mươi tám năm trôi qua, câu nói của ông khi nhận định về những con người mệnh danh " Giải Phóng Miền Nam ".Thất vọng rồi tuyệt vọng, giọng thầy không hùng hổ, không phẩn nộ, mà chỉ là tiếng thở dài chùng xuống trong đêm, tiếng nói đặc sệt âm hưởng quê hương của thầy vẫn còn vang vọng đâu đây:" mi biết không, tau tưởng trồng cam, ai ngờ nó ra chanh ". Chị em chúng tôi đều cùng đồng cảm với thầy về ý nghĩa sâu sắc mà thầy thốt ra. Đời người ai cũng phạm phải sai lầm, nhưng có những sự sai lầm sẽ phải ôm hận ngàn thu. Thầy Bùi Giáng đã ra người thiên cổ, nhưng lời tiên tri của thầy đoán biết qua số mệnh của chị em tôi thật chẳng sai. Chị Cả tôi yểu mệnh qua đời khi tuổi còn trẻ. Hai em tôi cơ ngơi vững vàng trong cuộc sống. Còn tôi thì lặng lẽ tháng ngày cùng với những nỗi niềm che giấu cho đến lúc đi về cùng với cõi hư vô... Mầu Hoa Khế May 01-2013 Kỷ niệm với nhà thơ Bùi Giáng