ột buổi sáng Vi chạy ra chợ Kho 11 mua gói xôi đậu phụng. Trước khi chun vào con hẻm nhỏ ra về, Vi bước chậm lại đưa mắt rà hai bên đường khu chợ Kho 11 để tìm một cửa hàng. Gió thổi giật mạnh mấy tấm nilon bên cạnh tiệm tạp hóa bay lất phất làm Vi chú ý và dừng mắt nhìn kỷ vào một cửa tiệm. Vi bước vào nói với bà chủ tiệm Vi là em của chị Hà, đến đây để lấy gói hàng chị Hà gửi. Bà chủ trao cho Vi gói hàng để sẳn bên góc tường, Vi cầm lấy chạy về nhà.
Vi theo chị Hà về xóm nhà nghèo ở Kho 11 quận Tư sau khi rời bỏ quê hương. Trước niên học mới chị Hà dẫn Vi đến thăm gia đình một người thân ở Hòa Hưng và nhờ may cho Vi cái quần sọt kaki màu xanh để đi học. Trước ngày nhập học chị Hà đưa Vi đến trường tiểu học Tôn Thất Thuyết để ghi danh. Vi mặc áo semi trắng và cái quần sọt kaki xanh có hai cái túi. Vi thọt tay vào túi quần đi qua đi lại ngắm nghía mãi, Vi mê nó thấy rõ! Chị Hà nắm tay Vi dẫn đi, chỉ chỗ này chỗ nọ và dặn dò Vi hãy nhớ cho kỷ để sau này tự đi học. Từ đó hằng ngày Vi lội bộ từ con hẻm nhỏ bên khu chợ Kho 11 ra đường Đổ Thành Nhân, đi ngang qua trường Khánh Hội để đến trường tiểu học Tôn Thất Thuyết.
Ngày đầu đến trường Vi nói tiếng Quảng rất chuẩn và chính xác đến 101 phần trăm! Nhưng sao đám con nít học cùng lớp Vi cứ đứng trơ người ra như đám ngũ nghinh, không hiểu Vi nói gì! Sau đó Vi phải đem cái giọng Quảng chuẩn không cần chỉnh này dấu dưới gầm giường, và từ từ học nói giọng Sài Gòn. Đến năm lớp Nhì là Vi học ở trường tiểu học Tôn Thất Thuyết được hai năm, và tiếng Sài Gòn của Vi đã giỏi, thì cũng là lúc Vi phải theo chị Hà dời đi nơi khác.
Vi mang gói hàng và nắm xôi đậu phụng bước vô nhà:
-“Sao mình phải dời đi chỗ khác hả chị? Gói hàng của chị đây nề.”
Chị Hà nắm lấy gói hàng.
-“Đã nói nói với em rồi, mình phải đi vì nơi đây không còn ở được nữa. Em ăn miếng xôi đi rồi giúp chị một tay sắp xếp đồ đạt kẻo trễ.”
-“Nhưng sao anh Ba ở đây được mà mình phải dọn đi?”
-“Em hỏi nhiều quá, sau này lớn hơn một chút chị sẽ nói cho em biết.”
-“Nhưng đi nơi khác em phải đổi trường, em muốn học trường này thôi.”
-“Chị đã nghĩ rồi, nếu em muốn giữ trường này học thì em cứ về đây học.”
-“Vậy chỗ mới không xa nơi nầy lắm hả chị?”
-“Không xa lắm, em đừng lo. Bây giờ em ăn xong chưa, theo chị vào chào anh Ba rồi mình đi.”
Hai chị em xách gói hành lý rời căn nhà trọ bên con hẻm chợ Kho 11, Khánh Hội ra đón xe lam về đường Nguyễn Huệ, Phú Nhuận.
Ở đây được người thân giới thiệu cho một cái chái lớn đủ để kê một cái giường tre, một tấm ví ngăn đôi cái giường và cái bếp. Cái bếp thật sự chỉ có cái lò-sô đốt bằng dầu hôi đặt trên nền đất, bên cạnh là cái lu nước nhỏ màu vàng. Sau khi đặt gói đồ xuống giường, Vi nói với chị:
-“Trời ơi! Xa như vầy mà chị nói không xa lắm, làm sao em về trường cũ học đây?” Vi buồn rầu.
-“Em ơi, chị biết em buồn lắm, nhưng chị chỉ có thể làm những gì chị làm được thôi. Chị cũng buồn như em vậy. Nhưng không còn ở với anh Ba được nữa mà mình cũng không còn ai thân thuộc ở Kho 11 để em ở đó đi học cho gần. Hay là chị xin trường nơi đây cho em đi học, em muốn không?”
-“Em muốn học ở trường Tôn Thất Thuyết thôi.” Vi vùng vằng quay mặt ra ngõ.
-“Cũng được vì cuối khóa học này em thi vào trung học rồi, em không nên đổi trường. Vậy thì chị sẽ mua chiếc xe đạp rồi mỗi ngày em đạp xe xuống đó học nhe.”
Từ đó mỗi ngày Vi thức dậy thật sớm, lọc cọc đạp chiếc xe đạp cà tàng hằng giờ từ Phú Nhuận xuống Kho 11, Khánh Hội để đi học.
Chị Hà hằng ngày ra chợ Cây Quéo bán hàng cho một người thân, tối về hai chị em thủ thỉ chong đèn dầu học trong cái chái chật hẹp. Chiến tranh bom đạn đã san bằng tài sản và nhà cửa của cha mẹ Vi. Gia đình kẻ Nam người Bắc, từ những đứa con trong một gia đình giàu có ở làng bây giờ chị em Vi bước xuống tận cùng xã hội. Chị Hà ngày xưa học đến lớp đệ Tứ rồi chạy giặc. Bây giờ không có điều kiện vào trường nên chị tự học sau những giờ buôn bán phụ ngoài chợ.
Chị Hà bảo Vi phải ráng học cho giỏi để sau này có cái nghề mà sống. Chị nói chứ như Cha Mẹ mình đó, giàu có ruộng đất bề bề mà đâu bằng có cái nghề trong tay. Ba thứ đất đai đó có mang theo được đâu, nên sau ngày tản cư Cha Mẹ mình phải làm lại cuộc đời từ đầu. Khổ lắm em thấy không! 
Có những ngày cuối tuần hai chị em đạp xe đi chơi ở miền quê ngoại ô Gò Vấp. Bên những cánh đồng lúa chín vàng hai chị em rong chơi hồn nhiên chạy nhãy, đuổi bắt những con cào cào màu sắc rực rỡ. Những bông lúa chín vàng uốn mình lất lư trước làn gió mát, cộng với mùi thơm của lúa, của ruộng đồng sông nước và màu vàng nhạc trãi dài xa tít bao la trên cánh đồng đã đưa chị em Hà trở về thời thơ ấu. Ở đó, vào ngày mùa lúa chín chị Hà và đàn con nít trong làng nô đùa trên những thửa ruộng đã gặt xong, chỉ còn những gốc rạ khô nằm phơi mình dưới nắng cháy. Nắng sưởi khô ruộng đồng và những gốc rạ cũng bị mòn đến trơ trụi dưới những bàn chân con nít hằng ngày chạy đá banh trên đó. Những quả banh đơn sơ và mộc mạc như con người miền quê, những quả banh được thắt bằng lá chuối khô, hay đơn giản chỉ là quả bòng quả bưởi được đám con nít lượm đâu đó trong làng! Vậy mà những trận đấu vẫn hào hùng náo nhiệt!
Nhưng hôm nay chỉ có Hà và Vi ngồi một mình nhìn hai con trâu con đang gặm cỏ trên cánh đồng rộng. Nhìn hai con trâu con đứng ngơ ngác, Vi nói:
-“Hình như hai con trâu con bị lạc mẹ kìa chị.”
-“Ừ, hình như nó đang đi tìm mẹ nó. Con trâu con dễ thương quá phải không em. Nó lo đi chơi mãi quên đường về rồi.”
-“Rồi mẹ nó có đi tìm hai con trâu con đi lạc không chị?”
-“Chị nghĩ chắc mẹ nó cũng đi tìm chứ. Ngoài đây hiu quạnh và nguy hiểm lắm, thế nào mẹ nó cũng lo cho chúng nó. Nhưng nhở mẹ nó không tìm được hai con trâu con thì chắc chúng nó sẽ khổ lắm. Rồi con lớn cũng phải dắt theo con nhỏ đi kiếm cỏ để ăn thôi. Em thấy không, con trâu nhỏ nó húc húc đầu vô bụng con trâu lớn đó, chắc nó đang thèm sửa của mẹ nó. Có lẽ nó biết nó đã lạc mẹ thật rồi, và bây giờ nó chỉ còn có con trâu chị trong đời thôi!”
-“Giống như em và chị vậy, phải không chị?”
-“Ừ, giống như em và chị vậy.”
-“Em biết con trâu lớn thương con trâu nhỏ lắm. Phải không chị?”
-“Thương lắm.”
Buổi chiều đang xuống trên cánh đồng và hai con trâu con dẫn nhau đi tìm đàn của nó. Thỉnh thoảng phát lên tiếng kêu “ngá ngọ” gọi mẹ. Vi ngã đầu tựa lên lưng chị, mắt nhìn lên bầu trời màu xám.
Năm đó Vi vào lớp Nhất (lớp Năm), lớp cuối cùng trước khi Vi thi vào lớp đệ Thất (lớp Sáu). Vi phải thi cho đậu, nếu không thì chuyện học hành của Vi sẽ gặp muôn vàn khó khăn, vì trường tư thục học phí cao, mà chị Hà làm đâu ra tiền nhiều để trả học phí cho Vi! Đáp lại công lao cơm áo của chị Hà Vi chăm chỉ học tập nên là một học trò khá và Vi được bạn bè trong lớp bầu làm trưởng lớp. Người thầy lớp Nhất của Vi là thầy Nguyễn Hồng. Thầy Hồng người miền Bắc, mỗi ngày chạy chiếc xe Vespa màu xanh đến trường dạy học. Thầy rất nghiêm. Vi nhớ chị Hà rất vui mỗi lần Vi đem sổ điểm hàng tháng về cho chị ký tên.
Một buổi sáng đang chạy ngang bến Bạch Đằng để đến trường, Vi lọc cọc đạp xe đạp song song chiếc xe hàng cao lớn để núp gió cho đở lạnh. Bất thình lình có một người chạy xe bên cạnh Vi và la to:
-“Đừng chạy song song với xe lớn, nhở nó ngã nó đè chết.”
Vi quay qua liếc nhìn người mới nói, thì đó là thầy Nguyễn Hồng! Vi lính quýnh nói dạ dạ lia lịa rồi lùi ra sau chiếc xe hàng lớn. Thầy Hồng cũng ngạc nhiên khi biết đứa bé đạp xe song song xe hàng lại chính là Vi, đứa học trò cưng của thầy trong lớp. Thầy Hồng dặn dò Vi đừng chạy song song với xe lớn rồi thầy vụt chạy trước. Vi lủi thủi đạp chiếc xe đạp nặng nề đến trường trong cái gió lạnh bang mai.
Sau này chị Hà không làm được nhiều tiền như trước nên sự chi tiêu cho cái ăn cái mặc của hai chị em càng ngày càng sa sút. Vi nói chị Hà cho Vi đi làm kiếm tiền phụ chị. Nhưng còn nhỏ quá Vi không có lựa chọn nào ngoài việc đi bán cà rem. Thế rồi chị Hà cũng đành lau nước mắt đi mua cái phít cà rem để Vi đi bán những ngày cuối tuần và những lúc không đi học. Vi được người ta chỉ chỗ đi lấy cà rem tận trên khu ngã Năm Bình Hòa gần Lăng Ông Lê Văn Duyệt. Từ đó Vi gắn cái phít cà rem trên chiếc xe đạp, len lỏi trong khắp hang cùng ngõ hẻm trong những ngày và giờ không đi học.
Tiếng chuông leng keng vang lên trên khắp nẽo đường thay cho tiếng rao cà rem. Trong tiếng khua leng keng của cái chuông Vi chỉ mong đừng bao giờ gặp người quen! Nhất là bạn bè.
Một hôm từ đường Nguyễn Huệ Vi băng qua đại lộ Chi Lăng và chun vào con hẻm để bán cà rem. Tiếng chuông leng keng lại vang lên, vài ba đứa bé nghe tiếng chuông chạy ra bu quanh chiếc xe cà rem của Vi. Đứa bé bảo Vi mang xe vô sân để nó xin tiền mua cà rem, Vi dắt xe đi theo vào cái sân trong hẻm của đại lộ Chi Lăng. Một đứa bé chạy ra đưa năm đồng bạc để mua cà rem, rồi những đứa bé khác trong nhà, những đứa bé trạc tuổi với Vi, cũng chạy ra mua cà rem, và cái sân vui nhộn với tiếng nô đùa của đám con nít, miệng mút cà rem nói chí chóe. Nghe tiếng nô đùa của đám con nít, một người đàn ông đứng tuổi bước ra sân. Ông sững sờ và ngạc nhiên đứng nhìn Vi, đứa bé bán cà rem! Ông nói:
-“Ủa! Con đó sao, con đi bán cà rem à!!??”
Vi ngước lên nhìn người đàn ông vừa phát ra tiếng nói, rồi cuối mặt nhìn những viên sỏi dưới chân. Vi ngạc nhiên và bối rối không biết phải làm gì! Nhưng Vi không còn cách nào để lẫn trốn, Vi nói:
-“…Dạ, …con đây.”
-“Dạ, …thưa thầy, nhà thầy …ở đây …sao?”
Người đàn ông hỏi:
-“Nhà con ở đâu mà đi bán cà rem nơi này?”
-“Thưa Thầy nhà con ở Phú Nhuận.”
-“Nơi nào trên Phú Nhuận?”
-“Dạ trong hẻm bên cạnh trường Thánh Mẫu trên đường Nguyễn Huệ.”
Vi vừa nói vừa chỉ tay về nơi Vi ở, cách nhà Thầy Hồng chừng hơn 500 met.
-“Con đạp xe đi học xa thế à!”
-“Dạ.”
-“Thôi được rồi, từ đây mỗi sáng con đạp xe đến để ở đây, thầy sẽ chở con đi học và chiều sẽ chở con về đây lấy xe đạp về nhà.”
-“Dạ, con cám ơn Thầy, nhưng…”
-“Không nhưng gì hết, con cứ làm như thầy đã nói.”
Những đứa bé con Thầy lại la to lên, vui mừng và một đứa bé gái nói:
-“A! Anh là học trò của bố em hả. Mai mốt anh đến đây bán cà lem cho em nha. Vui quá, anh tên gì?”
Vi không nói lời nào. Cuối đầu chào thầy rồi lặng lẽ dắt chiếc xe ra khỏi sân. Chiếc xe lăn bánh đi vào ngõ hẻm, và tiếng chuông leng keng cũng không buồn khua lên.
Từ đó mỗi buổi sáng Vi ngồi sau chiếc Vespa màu xanh của thầy Hồng để đến trường. Nhưng Vi không bao giờ trở lại bán cà rem trong hẻm Thầy Hồng nữa.
Sau này Vi biết Thầy Hồng có đến 7 người con, trai có gái có và có những đứa còn nhỏ tuổi hơn Vi.  Cô không đi làm, chỉ ở nhà lo cho mấy người con và lo cơm nước cho Thầy. Ngày cuối niên học, Vi đến nhà Thầy Hồng sớm hơn mọi khi. Trong khi chờ Thầy ra xe, đứa bé gái con Thầy ngày nào hỏi tên Vi, chạy ra nói:
-“Sao anh không đến bán cà lem cho em nữa?”
Vi không trả lời, chỉ cuối mặt nhìn những ngón chân ngoáy ngóa trên mặt đất, lặng lẽ đứng chờ Thầy Hồng bên cổng nhà.
Năm năm sau, Vi học chung lớp đệ Tam với một cặp chị em ở trường Võ Trường Toản. Đứa em trai tên là Ninh và người chị tên là Hoàng. Một hôm trong giờ ra chơi, Hoàng đến bên cạnh Vi dưới sân trường, khẻ nói:
-“Anh vẫn còn nợ em mấy cây cà lem, anh nhớ không?”
-“Ừ, hôm nào anh sẽ đãi em chục cây cà lem để bù. Thầy lúc này khỏe không em?”
Buổi chiều hôm đó sau khi tan học Vi dẫn Hoàng dạo chơi trong sở Thú. Có những lúc Hoàng giận hờn và nhỏng nhẻo:
-“Chọc em khóc rồi, mắc đền anh đó.”
-“Thôi đừng khóc nữa, anh sợ nước mắt con gái lắm, em muốn cái gì anh đền cho.”
Nhìn ánh mắt buồn thăm thẳm của Hoàng Vi lúc nào cũng lo sợ. Hoàng đẹp, hồn nhiên và mang một nét quý phái của Kinh Ðô. Trong cái đẹp và buồn của Hòang hình như có ẩn một điều gì không bình an.
Rồi tháng Tư về, chiến tranh kết thúc. Quê hương bẻ khúc quanh khác và đi vào bóng tối. Hàng trăm ngàn người và Vi ra đi.
Hai mươi năm sau Vi trở lại con hẻm cũ tìm nhà Thầy bên đại lộ Chi Lăng nay đổi thành  Phan Đăng Lưu, nhưng người Thầy đã đèo Vi đến trường trong suốt một niên học nay không còn ở đây nữa!  Con hẻm ngày xưa đã mở rộng và căn nhà Vi bán cà rem nay đã xóa sạch, thay vào đó là con đường tráng nhựa rộng thênh thang. Và Hoàng cũng đã vắng bóng nơi nào. Vi bước đi lạc lõng, nhớ đến ngày xưa nơi đây có những tiếng cười nô đùa hồn nhiên, và mỗi buổi sáng giá lạnh Vi ôm cứng eo ếch của Thầy trên chiếc xe Vespa để đến trường!
Thầy ơi! Biết làm sao tìm lại được Thầy! Vi lẩm bẩm trong miệng, mắt nhìn về nơi xa xăm, thăm thẳm, buồn, như ánh mắt người xưa.
Đồng Sa Băng

Xem Tiếp: ----