- Lần đầu tiên tôi trở về quê hương là sau gần hai mươi năm xa cách. Đó là năm một chín chín ba. Bây giờ lại thêm một lần hai mươi năm nữa. Cái cảm giác vẫn là buồn! Người đàn ông gở cặp kính lão xuống, xếp tờ báo lại bỏ ngay ngắn trên bàn. Ông ta chậm rãi lấy khăn giấy phủi các vụn bánh mì bám trên vạt áo sơ mi màu xám. Chúng tôi đang ngồi ở căng tin phi trường Tân Sơn Nhất chờ chuyến bay về Đà Nẵng đang bị hoãn lại vì thời tiết xấu. Tôi vừa mới quen ông ta lúc làm thủ tục ký gởi hành lý… xxx Sau hai mươi năm xa quê tôi mới có dịp về lại bên dòng sông thơ ấu. Làng tôi là một vùng đất trũng ven sông, nằm bên rìa một thị xã nhỏ. Mỗi mùa mưa về nước sông dâng cao, có năm ngập hơn nửa nhà. Là vùng đất phù sa nên phần lớn dân làng tôi sinh sống bằng nghề trồng rau xanh. Những cây rau cải hoa vàng lá xòe to xanh biếc, những vạt xà lách xum xuê, những luống rau thơm, dưa bí… Quê tôi có những con đường rợp bóng tre xanh, nắng chiếu xuyên qua những vòm tre làm thành những hoa nắng tíu tít trên mặt đường. Tiếng tre đưa kẽo cà kẽo kẹt… Tôi có một cô bạn gái tên Vân. Nhà Vân chỉ cách nhà tôi một con đường nên hai đứa vẫn thường chơi chung từ nhỏ. Những buổi trưa hè chúng tôi thường rủ nhau xuống bến sông chơi buôn bán đồ hàng, chơi vợ chồng. Lần nào cũng vậy, trước lúc dẫn mấy đứa em ra về Vân cũng đều quay lại nói với tôi: Mai nhớ ra chơi nữa nghen. Ờ… Nội tôi bước ra sân nheo mắt nhìn mấy anh em tôi: Tụi bây dang nắng rồi bịnh cho coi. Chơi gì mà chơi miết không ớn! Tôi trả lời: Không có dang nắng đâu nội ơi. Tụi con chơi đồ hàng mà. Em tôi giải thích: Tụi con chơi vợ chồng. Anh hai làm chồng, chị Vân làm vợ. Nội tôi cười: Tổ cha bây! Được rồi, để mai mốt tao hỏi cưới con Vân cho thằng Hòa. Tôi chưa biết mắc cở, đứng nhe răn sún ra cười hì hì… Một buổi sáng kia tôi theo nội ra vườn bắt sâu. Những con sâu cải to gần bằng đầu đũa và mềm như cọng bún. Nội tôi lấy cọng nhang khều khều cho nó rơi xuống đất rồi đào lổ lấp lại. Tôi chạy theo nói: Nội cứ khều cho nó rớt xuống để đó con bắt cho. Nội tôi gắt: Thôi, coi cơm nước rồi đi học chớ trễ. Còn sớm mà nội - Tôi trả lời… Trống trường đánh ba tiếng, chúng tôi sắp hàng vào lớp. Sau khi điểm danh xong, thầy Huy ngồi vào bàn móc cắp kính tuổi ra đeo: Các trò lấy sách Quốc văn ra. Bỗng có tiếng hét to từ phía bàn đầu và tiếng cặp vở rơi ào ào xuống đất. Thầy Huy trừng mắt: Cái gì đó trò Vân? Vân đứng lên mặt mày tái mét: Dạ thưa thầy… con sâu… Thầy tôi bước khỏi bục, ngồi xổm xuống nhìn mấy con sâu bò loe ngoe dưới đất rồi đứng lên giận dữ: Trò nào? Trò nào nghịch đứng lên thầy coi? Tôi sợ hãi từ từ đứng lên, mặt cúi gằm xuống bàn. À, thì ra trò Hòa. Lên bảng quì mau lên. Buổi trưa tan học tôi lẽo đẽo đi về. Cũng con đường làng bóng nắng lỗ chỗ như mọi khi nhưng hôm nay tôi thấy buồn. Hai đầu gối mỏi nhừ vì phải quì suốt buổi học. Vân lầm lũi đi phía trước tôi. Đến bụi tre già ngay ngõ quẹo đầu làng tôi chạy lên. Vân đứng lại nhìn tôi: Hòa ác lắm, tui không chơi với Hòa nữa đâu. Tui lỡ mà - Tôi nói Vân trề môi: Không có lỡ gì hết á. Tôi năn nỉ: Để trưa tôi lấy đất sét nặn cho Vân con trâu. Không thèm, trưa nay tui rủ thằng Cư chơi cũng được. Tự nhiên tôi thấy buồn ghê gớm. Thằng Cư cũng học lớp tôi, nhà ở cuối xóm. Nó to con nên thường hay ăn hiếp tôi. Mặc dù là trẻ con chưa có ý thức gì nhưng tự nhiên tôi cũng cảm thấy ghen tức. Tôi đá bay một cái lon đồ hộp vào bụi tre rồi bỏ chạy một mạch về nhà. Năm đó chúng tôi đang học lớp nhì trường làng… Lên trung học, tôi theo gia đình chuyển về thành phố, chỉ còn nội tôi ở lại quê. Vân vẫn ở quê nhà và đi học tại thị xã. Mùa hè nào tôi cũng về ở với nội và gặp Vân luôn. Nội tôi thương Vân lắm. Bà thường hay nói với tôi: Mày học lẹ lẹ lên. Học xong tao hỏi cưới con Vân cho. Tôi lúc này đã biết xấu hỗ bèn đánh trống lãng: Thời buổi chiến tranh mà tính chuyện vợ con làm gì hở nội. Nội tôi gắt: Thì bởi vậy tao mới nói. Mày có đi lính đi tráng thì cũng còn vợ con ở nhà với nội chớ. Tôi mắc cở quá chẳng biết làm gì, thấy con ki đứng gần bên tôi xách hai tai nó lên làm nó đau kêu ăng ẳng… Năm bảy mươi hai, đang học dở đại học tội bị động viên đi lính. Sau gần mười tháng huấn luyện ở quân trường tôi ra trường với cấp bậc chuẩn úy và được phân bổ về vùng ba chiến thuật. Nội tôi tổ chức buổi tiệc nho nhỏ ở quê để đưa tiễn tôi về đơn vị. Bà mời một số bà con hàng xóm đến, có cả ba má Vân nữa. Nhân lúc mọi người không để ý tôi lẻn sang nhà Vân. Lúc này do hoàn cảnh gia đình Vân đã nghỉ học để phụ giúp công việc gia đình. Tôi rủ Vân xuống bến sông nói chuyện. Thấy Vân có vẻ buồn tôi hỏi: Tui sắp ra đơn vị rồi Vân không mừng cho tui sao? Cũng mừng nhưng sợ lắm. Sợ gì? - Tôi hỏi. Sợ “người ta” đi luôn không dìa nữa.- Vân trả lời Tôi bồi hồi nắm lấy tay Vân: Đừng sợ, được nghỉ phép là tui sẽ dìa thăm Vân liền. Vân không nói gì, chỉ ngồi yên rơm rớm nước mắt. Tôi dặn dò: Nhớ thỉnh thoảng qua nhà nội chơi nghen, cho nội đở buồn. Nội thương Vân lắm đó. Suy nghĩ một chút tôi mạnh dạn ôm lấy vai Vân nói nhỏ: Nhớ đợi tui. Đừng lấy chồng nghe Vân. Vân gục đầu vào vai tôi thút thít: Đợi mà. Tui không lấy ai hết. Và rồi tôi bị cuốn vào cơn lốc chiến tranh đã gần đến ngày tàn cuộc. Những lần về phép cũng ngắn ngủi và vội vội vàng vàng. Hẹn lần tiếp theo sẽ làm đám hỏi. Chưa kịp về thì xảy ra biến cố bảy lăm. Tôi bị cuốn đi theo đoàn người di tản và cuối cùng lưu vong, bỏ lại quê nhà với những người thương yêu hết mực, bỏ lại Vân với lời hứa hẹn chưa thành… Bởi sự cách trở về địa lý, và nhất là sự khác biệt về thể chế chính trị nên mãi gần hai mươi năm sau tôi mới trở về. Tôi đã đếm bước trên con đường làng quen thuộc thuở nào. Vẫn hàng tre kẽo kẹt và bóng nắng loang lỗ ngày xưa. Cuộc sống quê tôi giờ đã yên bình hơn nhưng cái lầm than vẫn còn nguyên vẹn, thậm chí còn nhiều hơn. Nội tôi mắt đã kém. Hôm tôi về bà ôm tôi khóc: Tổ cha mày, tao tưởng mày chết bờ chết bụi ở đâu rồi chớ. Bàn tay nhăn nheo của bà rờ rẩm khắp người tôi. Tôi nói đùa: Con chưa có vợ bà ơi. Kỳ này con dìa bà cưới vợ cho con nghen? Bà cười móm mém: Thôi đi, như ai thì bây giờ cũng có con đàn cháu đống rồi. Tôi biết bà đang ám chỉ Vân. Tôi hỏi: Vân được mấy đứa con rồi hả nội? Năm sáu đứa gì đó tao không nhớ. Hai vợ chồng nó hỏi thăm mày miết đó. Nhớ thằng Tư xóm trên chớ? Có tới thăm cứ hỏi nhà thằng Tư Lay ơn thì người ta sẽ chỉ cho. Sao gọi là Tư Lay ơn hả nội? - Tôi hỏi Vợ chồng nó trồng bông Lay ơn nhiều nhất xứ này đó. Kêu vậy để phân biệt với thằng Tư xà lách. Xế trưa hôm đó tôi tìm đến nhà Vân. Ngôi nhà nhỏ bé nằm lọt thỏm giữa khu vườn rộng. Nhà vắng vẻ. Con ki thấy người lạ sủa lên ong ỏng. Nghe tiếng chó sủa, một thằng bé đen nhẻm khoảng năm sáu tuổi chạy về, theo sau là con chị kéo lếch thếch hai đứa em kề nhau khoảng một hai tuổi. Có ai ở nhà không cháu? - Tôi hỏi. Không có - Thằng bé trả lời cộc lốc - Anh chị đi học, ba má đi chợ chiều mới dìa. Tôi tò mò nhìn vào trong nhà. Nhà cửa khá bề bộn và nhếch nhác. Nằm lăn lóc trên nền nhà là con búp bê gãy tay và mớ đồ chơi bằng nhựa. Có cả những con vật không rõ hình thù được nặn bằng đất sét. Thằng nhỏ lom lom nhìn tôi rồi chợt hỏi: Chú là chú Hòa “Việt kiều” phải không? Tôi bật cười: Đúng rồi, cháu biết chú hở? Biết chớ, tui nghe má tui nói. Tôi bước lại hiên nhà ngồi xuống bên cạnh thằng bé và gọi con chị đến gần: Ba má đi chợ bán gì vậy cháu? Bán bông. Gần tết rồi mà chú - Con chị đưa tay chỉ mấy luống bông Lay ơn đang ra búp - Bông còn nhiều đây nè. Tôi móc túi lấy ra gói kẹo: Các cháu ăn kẹo nè. Thằng bé khịt mũi rồi đưa tay quẹt ngang kéo thành một vệt dài bên má: Không dám đâu. Ăn kẹo rồi ngủ mê chú bắt cóc tụi tui sao? Tôi ngạc nhiên hỏi: Ai nói với cháu như vậy? Má chớ ai. Má dặn người lạ cho kẹo bánh đừng ăn, coi chừng bị bắt cóc. Nhưng chú là người quen. Chú là bạn của ba má cháu hồi nhỏ mà. Thằng bé suy nghĩ một chút rồi nhe hàm răng sún ra cười. Tôi đưa mỗi đứa một thanh kẹo sô cô la, mấy chị em bóc vỏ nhai ngon lành. Cháu tên gì? - Tôi hỏi Cu Đất - Thằng bé vừa nhai vừa nói - Nghe má kể hồi nhỏ chú học giỏi lắm hở? Ờ, cũng tàm tạm. Chú bắt sâu bỏ trong cặp của má bị thầy giáo bắt quì phải không? Ờ - Tôi cười. Má nhát lắm chú ơi. Tui dạn lắm, tui không sợ sâu… Nghe thằng bé líu lo kể chuyện tôi bỗng chạnh lòng. Dĩ vãng tuổi thơ tôi được khuấy lên thấp thoáng có bóng tre bến nước thuở nào. Tôi nhớ tuổi thơ tôi và tôi thương tuổi thơ của thằng cu Đất… xxx Vậy lần đó huynh có gặp được cô Vân không? Có chứ, tôi gặp cả hai vợ chồng. Tội nghiệp! Lam lũ quá chừng. Sau đó huynh không về nữa sao? Sao đợi mãi tới bây giờ? Giọng người đàn ông buồn buồn: Về để làm gì đây? Tôi chỉ là một phận người bé nhỏ, có làm được gì đâu. Nội thì đã mất sau đó không lâu. Vợ chồng Vân cũng chỉ là thân phận con sâu cái kiến trong một xứ sở đầy dẫy những muộn phiền… Người đàn ông cầm lấy cái kính lão chậm rãi đẹo vào và nhìn tôi: Vân chết cũng lâu rồi. Tôi về lần này là để thắp cho cô ấy một nén nhang… Giờ tôi già rồi, sợ sau này sẽ không còn cơ hội nào nữa… Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên người đàn ông nói tiếp: Cô ấy mất cũng vô duyên. Đau ruột thừa mổ rồi bị nhiễm trùng. Thiệt không đáng chút nào! Có tiếng thông báo chuyến bay sắp khởi hành, mọi người lục tục đứng dậy. Người đàn ông nói lời tạm biệt tôi rồi nhẹ nhàng kéo chiếc va ly đi về phía cổng kiểm soát. Chiếc va ly nhẹ tênh bên cạnh một dáng người trĩu nặng tâm tư… LPH