ôi gọi tên em là Sáo. Mười tám tuổi, Sáo như đóa quỳnh hương hé nụ chờ tinh anh phát tiết. Thương ba mẹ và các em bán quán vất vả, Sáo xin nghỉ học để phụ việc với gia đình. Ban đầu ba mẹ còn ngại ngần chưa chấp nhận vì ông bà muốn Sáo cứ tiếp tục thi, hoặc ít nữa thì ghi danh vào đại học để được “bằng chị bằng em”. Sáo năn nỉ. Cô nói mình không muốn rời xa gia đình. Cô thích luôn được sống trong vòng tay thương yêu trìu mến của ba mẹ và không khí đầm ấm của gia đình. Cuối cùng vì thương con ba mẹ cũng đành nghe theo. Ba nói thôi thì tùy con, sau này có sao ráng chịu, không được trách móc ai… Từ đó, Sáo trở thành cô hàng cà phê xinh đẹp nhất phố. Không thể nào đếm hết được những chàng trai đã từng thẩn thờ vì Sáo. Đó có khi là một anh nghệ sĩ tỉnh nhỏ chưa thành danh trầm ngâm bên ly cà phê đen nhỏ giọt, một cậu ấm lòe loẹt khói thuốc phì phà, một anh giáo trẻ đỉnh đạc, một gã lính kiểng hay một anh chàng “đồng bóng” nào đó. Nhưng đông đảo nhất vẫn là những cậu tú tương lai ham nhạc Trịnh Công Sơn và mê thơ tiền chiến…
xxx
Hai mươi ba tuổi, Sáo rực rở như đóa hướng dương dưới ánh mặt trời. Cô đẹp như một thiên thần. Có nhiều bài thơ, bản nhạc viết tặng cô với những lời yêu thương tha thiết. Mắt, môi, gót chân, bàn tay… của cô đi vào thơ nhạc họa một cách tự nhiên và trọng vọng. Một vài kẻ đã thất tình vì cô. Chàng nghệ sĩ vẫn kiên trì mỗi ngày bên ly cà phê chưa bao giờ uống cạn. Cậu ấm lòe loẹt thôi không còn phì phà thuốc lá nữa, hắn bỗng trở thành kẻ biết buồn.Thầy giáo trẻ vẫn điềm đạm như ngày nào nhưng ai cũng thấy có một chút sầu bi ẩn sau đôi kính trắng. Gã lính kiểng ngày nào giờ không thấy mặt, chắc anh ta đã đi ra chiến trường. Riêng anh chàng “đồng bóng” thì vẫn đồng bóng như thuở nào, nhưng trong vẻ điệu đàng của anh ta có phần nào uể oải. Các cậu tú tương lai vẫn đông đảo và ầm ĩ nhưng không phải những gương mặt quen xưa.
Một sĩ quan đến tỏ tình với Sáo chỉ để nhận được lời cảm ơn. Sáo thấy mình còn quá trẻ và nhất là cô không muốn làm ai buồn.
xxx
Hai mươi lăm rồi ba mươi tuổi, hết chiến tranh, Sáo vẫn còn đẹp lắm. Sau một khoảng thời gian xa cách, xáo trộn và lắm sự đổi thay, quán cà phê nhà Sáo tiếp tục được mở ra như trước dù tiếng nhạc đã khác đi, tranh treo đã khác đi và góc vườn cũng khác đi. Sáo lần lượt gặp lại những người xưa. Chàng nghệ sĩ đã thôi không còn để tóc dài như trước nữa, chỉ lặng lẽ nhìn vào ly cà phê nhỏ giọt. Cậu ấm lòe loẹt hình như đã không còn giàu có. Thầy giáo xưa không còn trẻ nhưng vẫn nghiêm trang một nỗi sầu ẩn dấu. Gã lính kiểng trở về sau ngày hòa bình bây giờ là anh phu xe vui tính hiền lành. Anh chàng đồng bóng đã lấy vợ và chắc chắn đã không còn điệu đàng, hoa mỹ nữa. Các cậu tú tương lai ngày xưa bây giờ đã là người lớn nên khá chững chạc, không còn vui đùa ầm ĩ, họ đã biết suy tư. Viên sĩ quan tỏ tình ngày nào nghe đâu đã chết trong trận đánh cuối cùng… Bất chợt Sáo tự hỏi sao mình vẫn tồn tại? Sao mình đã không bay qua sông?
xxx
Ba mươi lăm rồi bốn mươi tuổi, Sáo bây giờ đã là một người chị khả kính. Các em Sáo lần lượt lập gia đình rồi đi ở riêng, chỉ còn mỗi mình Sáo và ba mẹ già lưng còng tóc bạc. Sáo ít khi soi gương dù biết rằng mình vẫn còn giữ được nét xuân sắc một thời. Bằng chứng là Sáo vẫn thường được nghe những lời bóng gió xa xôi. Cây bàng ngày xưa giờ cũng già vì đã qua bao mùa thay lá. Chàng nghệ sĩ bây giờ râu dài tóc xám, vẫn chưa thành danh và vẫn gật gù thinh lặng bên ly cà phê. Cậu ấm ngày xưa bây giờ đã nghèo thật rồi, những lúc buồn cứ ca cẩm về một thời sang trọng. Người thầy bây giờ cũng đứng tuổi, đã thuyên chuyển về quê và đã lập gia đình, rất hiếm khi về phố. Gã lính kiểng và anh chàng “đồng bóng” cũng bạc nửa mái đầu, không ngừng tất tả chuyện mưu sinh. Các cậu tú tương lai ngày xưa bây giờ có người là công chức, có người là công dân. Họ đều còn khá trẻ và bận rộn nên có lẽ không nhớ gì về những ngày đã cũ. Chỉ có Sáo là một lòng hoài niệm về những ngày đã qua, về một thời tuổi trẻ, về những con người đã từng đến rồi đi, những cảm tình còn để lại… Bất chợt ngại ngần. Có lúc Sáo muốn nhắm mắt sang sông nhưng còn e dè lắm nỗi…
xxx
Bây giờ Sáo đã năm mươi tuổi rồi. Sáo cười đầy dẫy vết chân chim. Đôi má tròn ngày xưa đã bắt đầu chảy xệ. Nhưng tôi vẫn nhìn ra được nét hương sắc ẩn dấu bên trong. Những người xưa bây giờ đâu tá? Tôi - thôi cũng chả thèm dấu nữa - gã nghệ sĩ ngày nào giờ bạc đầu, răng rụng quá nửa, những lúc buồn trốn vợ trốn con đến trầm ngâm bên ly cà phê của Sáo để lắng nghe tiếng thời gian róc rách chảy ngược trở về. Tôi quí Sáo lắm! Sáo đã vì đời mà chẳng chịu sang sông.
Đêm uống cà phê ở quán N. Tuy Hòa
LPH

Xem Tiếp: ----