Một năm sau, ông Xuân vẫn chưa về biên giới lại có chiến tranh. Quân Khmer đỏ bắn pháo vào thị xã, gia đình Hằng phải di tản về Long Xuyên. Trường học, bệnh viện sơ tán ra huyện bạn. Xã của Nguyễn phải tiếp nhận nhiều gia đình tản cư tránh tầm pháo giặc. Nguyễn lại lao vào công tác xã hội, dân công, cứu trợ đồng bào tản cư, tiếp tế cho bộ độI chiến đấu ở mặt trận. Hằng vừa bám lớp vừa lo cho gia đình đang gặp khó khăn về đời sống. Chiến tranh đã nã pháo vào ngày đẹp nhất của hai người, nhưng không thể lung lay được tình yêu của họ. Gần hai năm sau, chiến tranh kết thúc. Những người di tản lần lượt trở về quê hương trong đó có gia đình Hằng, cuộc sống dần dần ổn định. Bà Xuân lại khăn gói lên đường ra Bắc thăm chồng. Lần này bà xin phép được thay ông tổ chức lễ cưới cho Hằng khi gia đình Nguyễn tới hỏi. Vì con cũng đã lớn tuổi rồi, chờ ông mãi e lỡ đi tuổi xuân thì của nó. Ông Xuân đồng ý và nghe lòng vui vui với hạnh phúc của con. Ông biết Hằng lấy Nguyễn sẽ được hạnh phúc. Nhưng lúc trước ông cản ngăn vì sợ đường binh nghiệp của mình và sự tiến thân của đứa con gái. Ông viết một lá thư cho Hằng và Nguyễn, bày tỏ nỗi lòng và mong hai đứa tha thứ, bỏ qua chuyện cũ cho ông. Hằng đọc thư xong cảm động rơi nước mắt, cô dùi đầu vào vai Nguyễn nghe lòng sung sướng vô ngần khi biết được sóng gió đã đi qua đời mình như một giấc mơ. Đêm ấy, Nguyễn ở lại với Hằng anh đưa cô đi qua những con đường kỷ niệm, bồi hồi nhắc lại chuyện ngày xưa dù đã chìm sâu trong ký ức suốt mười mấy năm qua, bây giờ tưởng như còn mới tinh. Kỷ niệm vui buồn nào hồi tưởng lại cũng thấy đẹp, và càng đẹp hơn khi họ còn sánh vai cho tới ngày hôm nay, nó trở thành hạt ngọc long lanh đủ màu sắc trang sức cho cuộc tình của hai người. Đêm trăng trên ngã ba sông mênh mông màu huyền diệu. Nguyễn chợt nhìn Hằng và nhìn thật lâu. Vẫn mái tóc dài óng mượt. Vẫn vầng trán thẳng sóng mũi cao cao như thuở nào. Anh thương nàng quá, mười mấy năm đi qua trên vóc dáng ấy đã cướp đi của cô biết bao tươi trẻ. Bây giờ Hằng cũng đã hai mươi tám tuổi rồi, còn Nguyễn thì sắp sửa bước qua tuổi ba mươi. Thấy anh nhìn mình trân trân. Hằng bật cười. Chỉ có giọng cười của cô là còn trẻ mãi như trái tim chẳng bao giờ già. - Hôm nay em lạ lắm hả? - Em lạ thật. Em mỗi ngày mỗi lạ trong anh. - Thật không? - Thật mà. - Vậy là mỗi ngày em là một người yêu mới của anh. - Nên em luôn luôn bí ẩn và quyến rủ, anh nhìn hoài không thấy chán. - Em không ngờ đến hôm nay mình vẫn còn bên nhau. - Mười mấy năm vẫn thủy chung thật phi thường. - Mười mấy năm anh có nhớ không? - Ờ... để tính coi... - Con trai các anh thường dễ quên, tính từ ngày đầu gặp nhau mười sáu năm một tháng, hơn nửa tuổi đời của mình đấy. - Còn tính từ lúc yêu nhau? - Em có biết em yêu anh từ bao giờ đâu? - Tình yêu đến lúc nào cũng không biết, rồi nó sẽ đi lúc nào cũng chẳng hay! Hằng véo vào đùi Nguyễn: - Ừ, nó đến rồi nó đi, chỉ còn hai đứa mình ở lại với nhau mãi mãi mà thôi. - Ở, lại mà không có tình yêu? - Không!!! Hằng nhìn Nguyễn mặt anh thừ ra chợt cô phá lên cười: - Chỉ có tình chồng vợ mà thôi ông ơi! Nói xong, Hằng chụp lên vai Nguyễn, dấu mặt sau lưng anh mà nghe đỏ rân đôi má. Nguyễn về trình bày mọi chuyện với ba mình, ông Đạm nghe xong ngạc nhiên hỏi: - Đến bây giờ mà con còn theo đuổi nó à? Nguyễn cúi mặt đúng là bấy lâu nay anh đã dấu ông. - Dạ, hai đứa con không thể bỏ nhau được... - Chổ người ta khinh bỉ mình mà không biết nhục, còn tính tới làm gì nữa!? - Bây giờ đã khác rồi gia đình bên đó rất quý mến mình. - Hừ! Bây giờ mới quý, nhưng bây giờ thời thế cũng đã đổi khác rồi, con của sĩ quan ngụy, tao dứt khoát không cưới. - Ba! - Nguyễn kêu lên, miệng há hốc, anh đâu ngờ ba mình thốt ra câu đó. - Nhưng mà hai đứa con đã thương nhau. - Đã thương nhau! Tụi trẻ chúng mày chỉ biết đặt ra vấn đề đó, còn những vấn đề khác thì không cần biết tới. Cuộc sống chỉ có bấy nhiêu thôi sao? Con cưới nó là sinh mạng chính trị của con chấm dứt, ba nói trước để sau này khỏi ân hận. - Việc con làm, con không bao giờ ân hận. Con và Hằng quen nhau rồi thương nhau từ mười mấy năm qua, lúc đó trong tình yêu của con không hề có chính trị. Vả lại, Hằng cũng đã là giáo viên giỏi, bản thân là người tốt. - Thôi đừng nói nhiều, con cứ đi hỏi tổ chức, người ta chấp thuận thì cưới. - Ba... Ông Đạm bỏ đi. Nguyễn nghe cổ họng mình đắng nghét. Sao cuộc đờI anh chẳng bao giờ suôn sẽ? Lúc này Nguyễn đến nhà Hằng thường hơn anh bình tĩnh đối phó với định mệnh. Nhưng Nguyễn vẫn dấu Hằng chuyện ba anh không đồng ý, đồng thời tìm lý do để hẹn lần ngày đưa gia đình đến hỏi. Nguyễn đang tìm cách gỡ rối. Anh định tranh thủ với tập thể trường, với tòa án huyện để đứng ra chứng nhận kết hôn cho anh chớ không cần tới gia đình nữa. Bỗng Nguyễn nhận được quyết định điều về phòng giáo dục huyện. Vài tháng sau anh được đề bạc làm phó phòng. Nhiệm vụ mới làm anh ở cách xa Hằng thêm hàng chục cây số, ít có điều kiện tới lui với cô. Ngoại trừ ngày chủ nhật Hằng mong anh công tác tốt, nên mỗi tuần gặp nhau một lần cô cũng hài lòng.