Hằng thấy Vị Ý đi cà nhắc nên bụm miệng cười khúc khích. Vị Ý nói: - Tao phục tài mày. - Em cãi chị là trăm đường em hư, nghe chưa. - Dạ, mai mốt em vâng lời chị ạ. Nói xong Vị Ý cũng cười. Số là tối qua có mấy người bạn trai tới rủ hai cô đi dự tiệc ở nhà họ. Trong số đó có Trường là người theo tán tỉnh Hằng mấy tháng này. Nửa chừng tiệc, Hằng thấy ánh mắt họ lạ quá, cứ nhìn cô và Vị Ý như muốn lột trần cả ra mới thỏa mãn. Hằng khều nhẹ Vị Ý ra dấu bảo rút lui, nhưng Vị Ý vẫn chủ quan ngồi lì lại. Hằng viện cớ ra sau rồi lẻn trốn về kêu mấy cậu em của Vị Ý đem xe đến rước cô. Quả thật, cả bọn ngà ngà say, một tên quay sang ôm Vị Ý, may mà cô lách khỏi. Rồi cả bọn đóng cửa rượt bắt Vị Ý lòng vòng trong phòng, cùng đường, cô phóng đại qua cửa sổ té trặc giò ngã quỵ, may mà đứa em vừa tới đưa cô về nhà an toàn. - Hằng à, chắc tao phải lấy chồng. Ở vầy hoài bị thiên hạ ăn hiếp quá. - Ừ thì lấy phứt đi. Tao thấy ông Lộc coi bộ được, ổng thương mày thật đấy. - Nhưng mà sao... Trái tim tao bây giờ hết rung động nổi. Dang dở một lần, tao chán quá. Vị Ý đã có một đời chồng, do tính cách không phù hợp, hai ngườI chung sống được mấy năm thì ly dị, may mà chưa có con. Vị Ý trở lại sống với bản chất hồn nhiên của mình. Còn Hằng thì chưa có một đời chồng nào cả mà sống như bà cụ non. Vị Ý mai mối cho cô biết bao nhiêu người mà Hằng vẫn khăng khăng chối từ, luôn luôn ôm ấp trái tim băng giá, chung thủy với mối tình đầu. - Tao mà có chồng là đuổi mày về quê đấy! - Mày có chồng đi tao sẽ về quê. Nghe đâu anh ấy sắp cưới vợ. Tao chỉ mong anh ấy cưới vợ xong là tao về, nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ mấy đứa em quá! Nghe giọng Hằng lạc đi, Vị Ý ngước lên nhìn bạn đang tuôn giòng nước mắt. - Nữa khóc nữa, nói chơI mà cũng khóc. - Tao nói thật đó Vị Ý à! Ban ngày Hằng ngồi may, đợi Vị Ý đi làm về là đùa giỡn, đi chơI tâm hồn thả rong theo bạn bè, đêm về Hằng mới sống một mình, sống với Nguyễn, sống với những kỷ niệm mang theo, sống với cõi đời riêng của cô ngập đầy nước mắt. Đêm từ giã Nguyệt, Hằng rời Rạch Giá đi thẳng lên Sài Gòn, cô ghé tìm Vị Ý, cũng may cô ta vừa mới ly dị chồng, đang buồn nên muốn Hằng ở lại chơi cho có bạn, việc trước tiên, Hằng bỏ ra mấy chỉ vàng để học may, cô cần một cái nghề thành thạo để bảo đảm cho cuộc sống, bây giờ nhà may mang tên Ý của Hằng nổi tiếng ở khu vực này. Cuộc sống vật chất dư dã, Hằng phụ giúp được nhiều cho Vị Ý, cô kỹ sư với đồng lương chết đói. Nhưng số tiền mỗi ngày thu nhập thật nhiều, nhưng không bù đắp được nỗi trống vắng trong lòng Hằng. Càng có tiền người ta càng khát khao hạnh phúc. Hằng muốn đơn giản hóa cuộc sống mình nhưng không được, tâm hồn cô luôn diễn biến phức tạp. Cô muốn quên tất cả quá khứ, để sống với tâm hồn thanh thản, tuy ở đây nhưng mọi chuyện ở quê nhà Hằng đều biết hết, Hằng muốn gởi tiền về giúp mẹ, nhưng sợ bị lộ nên thôi, dành dụm mua vàng để sau này trả lại cho bà. Những ngày tháng trôi qua thật vô vị, nhưng một khi đã chấp nhận hy sinh, cô phải bằng lòng với nó, không còn cô Nguyễn đã được vào Đảng, sự nghiệp của anh không còn ai cản trở. Hằng đợi anh xây dựng xong mái ấm gia đình, cô sẽ trở về, không phải để quấy rầy anh mà cô về sẽ về sống bên ba mẹ suốt đời. Nghe tin Nguyễn sắp thành hôn với cô giáo nào đó. Hằng mừng cho anh và cả cho cô, nhưng nỗi mừng ấy sao đau xót quá, cô phải bỏ cơm mấy ngày tưởng không dậy nổi, thế mới biết rằng lúc gay go lòng mình vẫn thiếu dũng cảm. Nhưng không, Hằng đã dũng cảm đứng lên, tiếp tục cuộc sống bình thường, Vị Ý là liều thuốc quý, xoa dịu nỗi lòng của Hằng, hình như cô ta chẳng biết đau khổ là gì, tối ngày chỉ đùa giỡn, hơn ba mươi tuổi đầu mà tính tình như trẻ con. Biết đâu do cái tính ấy mà bị chồng bỏ không chừng. Nhưng trước mắt Hằng, Vị Ý là người sung sướng nhất trên đời, không biết nửa đêm trở giấc một mình, cô ta có nghe mưa lòng hay không? Tiếng xe Honda nổ thật gần rồi bỗng tắt phụt. Hằng ngẩng lên thì gặp Viện đang đi vào. - Vị Ý đi làm rồI hả Hằng? - Dạ, anh vào nhà chơi. Hằng đứng dậy mở tủ lạnh lấy nước. - Hằng để đó cứ làm việc đi. - Vậy anh ngồi chơi, Hằng làm cái áo này cho xong để chiều người ta lấy. Viện là bác sĩ công tác ở bệnh viện Chợ Rẫy, anh họ của Vị Ý thường đến chơi nên tự nhiên như ngườI nhà. - Hôm nay anh không đi à? - Trực hồi tối rồi, bây giờ lang thang chẳng biết đi đâu. - Anh nên ngủ để lấy lại sức. - Cuộc đời sinh động như thế này mà đi ngủ là chán quá! Hằng cười, Viện cũng cười cái giọng nói trầm trầm của anh nghe là lạ, dễ mến. Thấy Viện ngồi im lặng, Hằng quay lại và bắt gặp anh đang nhìn cô. Đôi mắt đằng sau cặp kiếng cận ấy như thăm thẳm một trời yêu thương da diết. - Anh Viện dùng nước. Hằng nhắc chừng rồi cắm cúi vào bàn may. Cô có cảm giác như anh đang chăm chú nhìn mình, hai tay cô như nổi da gà. Hai năm nay, Hằng nhận được ba lá thư tỏ tình của Viện, những lá thư thống thiết làm Hằng cảm thấy thương hại anh hơn, người lớn tỏ tình có khác, cụ thể và táo bạo, Viện bằng tuổi Hằng, vì sao chưa có vợ Hằng cũng chẳng màng tìm hiểu. Vị Ý dùng hết sức mình để tác hợp cho hai người. Những buổi đi chơi, Vị Ý thường rủ Viện theo. Rồi có lúc cô cố tình đi lạc bỏ lại Hằng với Viện. Hằng thấy Viện bối rối hơn cô. Hai người nói chuyện trời trăng mây nước rồi về. Hằng bảo là khi nào cô quên được người xưa, sẽ cho Viện hay, ai chớ Viện có can đảm chờ đợi cái ngày ấy, anh quan niệm có chí ắt có ngày làm nên, ông bà xưa thường nói: “đẹp trai không bằng đeo dai mà”... mà. - Hằng ạ, tao nhận được tin là ông Nguyễn đã xù đám cưới rồi. - Thật không? - Hằng chợt reo lên. - Mày mừng lắm sao mà hỏi dữ vậy! Hằng biết mình đã bộc phát lỡ trớn nên làm thinh. Thế là Hằng buồn mới phải nhưng sao cô nghe lòng mình nhẹ nhõm. Con ngườI ta không thể nào sống mãi với điều không thật được. - Tin chắc chắn đấy. Như vậy là bạc râu mày với về quê được. Thôi lập gia đình ở đây đi. HồI sang này anh Viện tới phải không? - Ừ. - Tao thấy ảnh tội nghiệp quá, lặn lội thân cò tới đây hoài mà chẳng kiếm được con tôm con tép nào. Nghe Vị Ý nói, Hằng nín cười không được. - Hay là tao đề nghị với mày điều này, nói thật chớ không đùa đâu nhé. Mày quay về với Nguyễn đi, chàng ta không cướI vợ là còn thương mày đó. Mày ác quá, ai đâu nỡ cư xử với người mình yêu như vậy. May Nguyễn là ngườI có bản lĩnh, chớ anh ta thất tình tự vận là mày mang tội giết người. Biết mày còn ở Việt Nam, Nguyễn sẽ mừng “hết lớn”. Hằng nói mà rưng rưng nước mắt: - Tao về sẽ làm khổ ảnh thôi. Vương vấn cùng tao ảnh sẽ mất cả gia đình, sự nghiệp. - Mất cái gì. Bây giờ người ta đã đổi mới, không còn đặt nặng vấn đề lý lịch nữa. Ở đây có những người đi lính chế độ cũ mà giờ làm việc tốt vẫn được kết nạp vào Đảng. Lý lịch của mày mà có “gram” nào. Câu nói của Vị Ý làm Hằng suy nghĩ mãi. Có thể nào mình còn điều kiện trở lại gặp Nguyễn? Chiều nay, Vị Ý đi làm về đã chạy ù tìm Hằng: - Hằng, tao vừa được tin ba mày về. Hằng mừng quá đánh rơi cả cây thước đang cầm trên tay. Ba cô đã được về sum họp với gia đình. Cả nhà chắc vui mừng lắm. Nhưng còn thiếu Hằng, niềm vui của người cha trở về sau hơn mười năm xa cách không trọn vẹn. Bây giờ Hằng mới thấy là mình có tội lớn quá. Tâm sự của Hằng lúc này chỉ có Vị Ý hiểu được mà thôi. Cô ra vào thẫn thờ như người mất hồn, chẳng biết xử trí thế nào? Làm sao gặp được ba mà không ai biết!?