áu văn nghệ là một cái gì tự nhiên mà có trong một con người, nó không hình thành tự sự giáo dục nên được dùng từ máu. Hay nói một cách hoa mỹ, là những người yêu văn nghệ. Họ có thể là một người có giọng hát hay, có tài năng diễn kịch giỏi, có khả năng diễn đạt một câu chuyện, một tình cảnh nào đó qua thơ văn làm say đắm lòng người thưởng thức, nhưng cũng có thể họ không có những tài năng trên mà chỉ bằng lòng say mê âm nhạc, kịch nghệ, thơ văn. Tất cả họ, có thể say sưa lắng nghe một điệu nhạc, chìm đắm trong một câu chuyện, và hòa quyện với nhau thành một khối gồm những người hoạt động văn nghệ (văn nghệ sĩ) và những người thưởng thức văn nghệ ( được xem là khán thính giả). Bắt nguồn từ cái máu này, có người nhờ duyên may, gặp được người tài giỏi trui luyện và thành công vượt trội, có người nhờ điều kiện gia thế mà vươn lên (con nhà nòi). Nhưng tựu trung họ vẫn buộc phải có cái năng khiếu bẩm sinh … Người có máu văn nghệ, dễ vui, dễ buồn cho nên dễ hòa mình vào một khúc hát, một vỡ diễn, và người xem dễ bị lôi cuốn để quên mất thực tại. Điều này làm cho trái tim dễ bị tan nát, nhưng rồi cũng dễ khuây khỏa để bước tiếp chặng đường chông gai mà mình đang đi qua. Cứ nghe một điệu nhạc buồn thì lòng ta chùng xuống, cứ nghe một đoạn nhạc vui thì mọi người cảm thấy phấn khích lên nhưng cho dù buồn hay vui, nếu thích thì những người mê văn nghệ, văn gừng này sẳn sàng ca cẩm suốt ngày điệu nhạc mình thích, lẩm bẩm những lời thơ mình yêu và chìm sâu trong những câu chuyện lâm ly bi đát đầy chất đời thường... Tôi là một trong số những người đó, từ thuở thiếu thời chắc 10 hay 12 tuổi gì đó, với tâm hồn trong sáng của trẻ thơ thời đó, biết gì đến ba chuyện tình cảm, thế nhưng tôi mê làm sao cái bài Lẻ bóng, giọng ca trầm buồn của Thanh Thúy làm cho tôi lịm đi trong nó. “Có người hỏi tôi tại sao, ưa ca bài ca sầu nhớ ưa ngắm trăng mờ hoàng hôn …:" Nghe mà như mình là nhân vật chính trong bài nhạc, thế là tôi vẫn thường chìm đắm một mình vào lời nhạc và mỗi lần hát thì tôi lại xúc động, nước mắt tuôn trào, mà không hiểu tại sao? Tôi thích cái cảm xúc đó, và lại đi tìm cảm xúc bằng cách cất lên những lời hát ướt như mưa tháng tám. Tôi không phải là một người ủy mị hay nói một cách chính xác, tôi xếp vào loại nghịch ngợm, ngang tàng, là con gái, nhưng chơi với anh kế và mấy người bạn của anh nên cũng chẳng khác gì con trai, đứa nào đi ngang tôi sẳn sàng đưa chân ra bắt cẳng (cũng chỉ là nghịch ngợm) tôi chơi đủ trò chơi tạt lon°, tạt hình°, rượt bắt vả dĩ nhiên trò con gái tôi cũng chơi tuốt như nhảy dây đánh đủa, nhưng cái chơi mà tôi thích nhất, là tụm nhau lại thành một nhóm, dàn dựng vở múa với bài “ Cánh hồng Trung quốc…Kìa là nàng Trung Hoa xinh…” hoặc bài “ Cành hoa trắng … Một nàng tiên cất cánh bay về nơi trần gian …:” thậm chí tôi sẳn sàng lấy cái khăn bàn sọc ca rô xanh quấn quanh người rồi lắc lư múa ấn độ, một tay để trên đầu, một tay để dưới cằm đu đưa cái đầu xem như là một vũ công Ấn độ thiện nghệ. Màn trình diễn tiếp theo của anh tôi là ca 6 câu vọng cổ nhạy lời ca nghê sỹ Minh Cảnh trong bài …”Lòng dạ đàn bà” Cuộc trình diễn văn nghệ tự tổ chức cho bà con trong xóm xem hong có tiền thù lao, mà chỉ cốt yếu là vui, cả đám vui, gia đình các cha mẹ, ông bà vui. Và tôi nghĩ, cái hoạt cảnh văn nghệ đó không phải chỉ diễn ra ở bọn tôi, mà ở nhiều nhóm trẻ như vậy trong mọi miền, mọi đất nước thời đó. Người diễn cũng như người xem trình diễn bị tinh thần văn nghệ quyến rũ vào một cuộc chơi không đẳng cấp. Thanh niên ở thập niên 60, đa số đều biết đàn, phổ biến là đàn ghi_ta, hình ảnh chàng thanh niên ôm đàn dạo nhạc làm cho các cô gái rất ngưỡng mộ và dễ gần gủi, anh tôi biết đàn, và tôi có người dạo nhạc để ca nên không phải ngưỡng mộ người khác. Thế nhưng với tình hình chiến tranh thời đó, anh tôi phải vào quân ngũ, và trước khi anh tôi đi tôi bắt đầu tập đàn để đàn cho mình hát. Cây đàn được xem như là một người bạn để tôi chia vui sẻ buồn khi cần thiết. Đôi ba bài nhạc cổ điển, một số gam hòa âm là đủ để tìm vui rồi. Niềm vui của thanh thiếu niên thời bây giờ hình như không giống lúc trước, ít người biết đàn, ít người thích đọc sách. Họ thường mất thì giờ nhiều vào những quán cà phê, quán rượu, để nói chuyện nhãm, hoặc chăm chút vào những trò game, để khi buông ra đầu tóc phờ phạc và phải nói, họ chẳng gặt hái được gì cho tri thức ngoài những chiến thắng ảo... Một cách tiêu cực hơn, đối với những trò chơi sắt máu, biến tâm tính họ hung hăng hơn, nóng nảy hơn thay vì lịch sự văn hoa giá vẻ hơn... Đọc sách và chơi nhạc là hai thú vui mà tôi cảm thấy đầy đủ cho nhu cầu giải trí tinh thần, nên tôi cũng không cần tìm kiếm gì khác hơn và cuộc sống tôi mang tính lặng lẽ là vì đó! Có điều nỗi buồn thì lúc nào cũng xâm chiếm cứ như là trời sanh ra để buồn. Buồn vu vơ, buồn lãng nhách, nắng ngã màu cũng thấy buồn lòng, trời giăng xám cũng thấy buồn lòng, ai đó không phải với ai đó, nhìn thấy cũng buồn lòng. Và một nỗi buồn gặm nhấm nhiều hơn hết đó là mặc cảm … Tôi cứ có mặc cảm như là cha mẹ mình không thương mình bằng chị cả và anh kế. Chị Cả rất đẹp, mặt chị lúc nào cũng như ánh trăng rằm, da dẻ chị trắng trẻo, nụ cười rất tươi và ánh mắt chị thì cũng rất tình tứ, tôi thì hình như không có những điểm đó, lại nhỏ hơn chị 4 tuổi, nên Ba chẳng quan tâm mấy! Ba thường cho tiền lớn cho chị xài những gì chị thích, và đi ra ngoài Ba thường mua cho chị vải vóc đẹp, hay những cây bút máy đắt tiền (ngày xưa là Pilot nấp vàng), tôi thì chỉ được xài tiền cắc ba dư thôi. Chị đi thi Trung học mấy bận, ba lấy xe hơi đưa đi, đón về mấy bận, tôi thì không được cái diễm phúc đó dù khi đi thi Tú Tài. Lúc đó tôi thật sự không hiểu và buồn cho sự hẩm hiu của mình, nhưng sau này tôi ngộ ra được một chút, vì ba nghĩ chị là con gái rượu, ba kỳ vọng vào chị nhiều hơn là tôi. Đối lại, mẹ tôi rất khó khăn với chị (có lẽ sợ chị hư hỏng), chị không được phép đi bơi, không được đi chơi mà không có ba mẹ. Bây giờ thỉnh thoảng chị vẫn nhắc: "Chị ghét ghê nơi, mẹ không cho chị đi học bơi với bạn, nên bây giờ chị không biết bơi". Tôi cười đáp, tại mẹ cưng chị lo cho chị. Riêng tôi thì tá lả âm binh, chẳng ai rầy rà gì cả, cuối tuần, tôi đạp xe lên nhà bạn trong ruộng, phía sau hồ tắm Lido gần cầu Băng Ky để tụ tập nấu ăn, có khi theo chị em của một người bạn khác đi qua Thủ Thiêm, nơi có một nhà nghỉ đơn sơ, với một cái ao dùng để bơi to (tôi gọi là ao vì nó không được xây tráng gạch như hồ bơi), bắt ngang ao là một cái cầu, tôi được bạn hướng dẫn, muốn thả ngửa được thì phải nằm duổi người ra, ngã đầu cho nước chấm trán để tạo thế cân bằng.Giữa cầu có một cầu thang đi xuống ao,nước khá sâu, tôi theo đường ấy xuống dạ cầu, hai tay níu dạ cầu, đầu thì ngửa ra, chân thì duổi thẳng như bạn hướng dẫn, sau khi tư thế hoàn chỉnh, tôi từ từ buông dạ cầu ra, và đấy là nơi tôi biết thả ngửa lần đầu tiên.Sự gan lì liều lĩnh khiến tôi suýt chết mấy lần nhưng ba mẹ tôi hoàn toàn không hay biết! Không rầy rà ở đây đồng nghĩa với chẳng quan tâm… Tôi còn nhớ những ngày đầu anh tôi vào quân trường, ba mẹ tôi Chúa Nhật, chuẩn bị thức ăn, lò chảo đem vào quân trường thăm nuôi, nuôi cả những người bạn của anh tôi lúc đó. Nhưng lại chẳng nhớ để lại cho tôi đồng nào, hoặc thức ăn gì để ăn trưa. Lúc đó tôi thật sự mủi lòng! Nhưng thật thì tôi không bị đói, vì đến giờ trưa tôi được mẹ vú kế bên nhà gọi qua ăn cơm. Cho đến bây giờ, tôi luôn cảm nghiệm một câu trong thánh kinh _ Chúa nói: “Anh em đừng lo ngày mai ăn gì? mặc gì?. Hoa huệ ngoài đồng nay mọc mai tàn mà Chúa còn khoác cho nó những chiếc áo đẹp đẻ huống gì con người!” Chúng ta chỉ lo sống sao cho tốt thôi! Mẹ tôi là một người cần kiệm, mẫu mực. Vào những năm 1966 – 1967 chiến tranh leo thang, công việc làm ăn gia đình trở nên khó khăn hơn, đường lưu thông buôn bán thường bị bế tắt, đường xá bị đấp mô, cuộc giao tranh giữa hai lực lượng ngày càng gay gắt. Mẹ tôi ra chợ buôn bán kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Cũng tốt, cuộc sống cũng ổn định, thế nhưng đến năm Mậu Thân 1968, cuộc chiến xảy ra trong nội thành, đường chợ cũng bị ngăn trở, mẹ tôi không thể ra chợ buôn bán, và thế là mấy bà rãnh rổi lại ngồi vào đánh tứ sắc. Một môn chơi hấp dẫn và tưởng như là vô hại, nhưng không! Sự hấp dẩn của nó làm cho người ta ghiền gẫm, và từ ăn thua nhỏ đến lớn, và không chơi thì không chịu được. Mẹ tôi đã nghiện tứ sắc trong khoảng thời gian đó. Sau đó vài năm, tôi thôi học, đi làm. Là một công chức, lương mới vào được gần 7.000đ. Tôi ăn sáng ăn trưa tại sở, cuối tháng trừ tiền câu lạc bộ, còn độ 5.000đ, tôi về đưa cho mẹ tôi 3.000đ còn 2.000đ để dằn túi đổ xăng hay mua sắm gì đó khi cần thiết… Tôi vẫn không quên chiều thứ bảy hôm đó, tôi về đưa tiền cho mẹ để phụ chi tiêu trong gia đình. Nhưng tối hôm đó, mẹ tôi lại lên nhà bà Phán chơi (đánh tứ sắc), và sáng hôm sau, mẹ tôi về hỏi tôi: - Con còn tiền không, đưa cho mẹ thêm vì mẹ hết tiền rồi! Tôi móc 2000đ vỏn vẹn trong túi còn lại cho mẹ mà lòng buồn vô hạn. Tôi đi lể ngày Chúa Nhật mà nước mắt cứ rơi rơi, cờ bạc là cái gì mà có thể biến mẹ tôi từ một người đảm đang, hiền hậu trở thành như thế, mẹ không biết rằng tiền con mình đưa là nửa tháng lương, nếu như xài năm ba ngày mà hết thì tôi cũng không buồn, đằng này chỉ có một đêm. Và trong thâm tâm tôi, tôi hứa với lòng dù sau này thoải mái thế nào tôi cũng không đánh bạc, cũng như không cho con cái mình đánh bạc dù là chỉ chơi cho vui. Gia đình tôi đã mất một căn nhà từ chuyện bài bạc ấy! Của cải không mất cách này thì mất cách khác, cái điều tôi cảm thấy tiếc là tôi có cảm giác xa cách mẹ mình từ dạo đó. Cuộc sống yên lặng của tôi càng yên lặng hơn, và đến một lúc tôi muốn tung cánh chim non của tôi đến một khung trời xa xăm nào đó, để tôi không phải suy nghĩ về những điều mình cần có hoặc đáng lẽ ra phải có.… Tôi đã thực hiện ước mơ của mình, tôi đã tung cánh đến một khung trời xa lạ, nơi đó tôi có một cái tổ của riêng tôi, nơi tôi có thể nghêu ngao hát một mình khi buồn, ngồi vào bàn viết một cái gì đó khi nhớ! Và nằm lì trên giường vào ngày Chúa Nhật không buồn nhúc nhích. Đấy cũng là một cái thú _ Thú cô đơn! Thế nhưng cái cô đơn nó chỉ thú vị khi không phải đối mặt với những khó khăn nguy cấp, vì khi thật sự gặp khó khăn nguy cấp như thiên tai, bão lủ, thì sự cô độc đúng là đáng hải hùng! Cảm giác một mình không ai trợ giúp trong nguy biến quả là khó chấp nhận. Nhất là ở cái tuổi đời quá trẻ _ 19 tuổi. Cuối cùng tôi cũng phải tung cánh chim tìm về tổ ấm. Phải nói trong chuyến đi xa đó, tôi gặt hái được nhiều tình cảm thân thương, cũng như kinh nghiệm sống, và cũng trong chuyến đi xa đó tôi hiểu thế nào là mái ấm gia đình. Dù thương nhiều hay thương ít, ít ra chúng ta vẫn có tình thương, vẫn có một sợi dây liên hệ giúp cho ta an tâm mà sống. Với một thời gian ngắn làm việc với giới nghệ sỹ, tôi thấy họ có những nét đáng yêu riêng, cũng như có những bê bối nhất định, và chính những điều đó làm nên con người nghệ sỹ. Khi họ trình diễn, họ biết họ đang cố gắng thi thố tài nghệ trước công chúng, và trong công chúng có ta, nên nhiều người có cảm giác người nghệ sỹ ấy đang diễn cho mình, và họ luôn muốn tìm hiểu về người nghệ sỹ mà họ thích, đi sâu vào cách sống vào đời tư của nghệ sỹ đó, sự đi sâu này dẫn đến việc người ta lợi dụng, chỉ trích nhiều điều không đáng, họ quên phân biệt ra hai điều, điều mà người nghệ sỹ liên hệ với người ái mộ là vở diễn, là bài hát, và đời tư của người nghệ sỹ là của người nghệ sỹ. Khi người nghệ sỹ trình diễn không nghiêm túc, thiếu sự chuẩn bị kỷ càng, người nghệ sỹ có lỗi với công chúng và đáng bị khiển trách. Còn đời tư của họ thì dẫu sao cũng là của họ, chúng ta nên tôn trọng mà không vạch bới, dạng vạch lá tìm sâu. Trong thực tế, làm người không ai là hoàn hảo cả. Và với những suy nghĩ như thế, dù nghệ sỹ nào, nhà văn nào, tôi thích đến đâu tôi cũng chẳng tìm hiểu về đời tư của họ, đơn giản tôi nghĩ họ cũng như bao nhiêu người với đầy đủ hỉ, nộ, ái, ố và chất đam mê trong họ còn cao độ hơn người thường để mới gọi là nghệ sỹ! Mở trang tin tức ra, một bài viết nói về một diễn viên nào đó khoe váy ngàn đô, khoe nhà triệu đô, tôi có cảm giác sao mà dư giấy mực, dư hơi quá. Họ có nhà đẹp, thì đó là chuyện của họ, họ có váy đẹp thì cũng là chuyện của riêng họ, xăm xoi làm gì! Để tâng bốc họ lên hay đưa cái phong trào đua đòi lên, khiến cho bao thiếu nữ mù quáng chạy theo những cái phù phiếm chẳng có ý nghĩa cao đẹp gì trong cuộc sống! Thế nhưng, mới vừa đây, tôi lại tò mò đọc những dòng nhật ký của một nghệ sỹ mà tôi yêu mến từ thuở nhỏ! Ca sỹ Khánh Ly. Vào những năm tháng thiếu thốn vật chất, ai đó từ nước ngoài về thường hỏi gia đình, bạn bè cần gì để người ta mang về biếu, tôi cũng không ngoại lệ, sau nhiều lần được người bạn thân gặn hỏi để có món quà đúng ý thích, tôi chỉ xin mấy cái đĩa Khánh Ly chánh gốc, để thưởng thức cho tới...! Giọng ca mà tôi yêu thích. Với chất giọng khàn đục, có khi sâu lắng tận đáy lòng, có khi vút cao vào tận mây ngàn, với lời lẽ đầy triết lý của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn được cô giàn trải, đối với tôi là quá đủ, và thật vậy, vì tự xưa, tôi đã dùng lời ca của cô để ru ngủ và cũng với những lời ca đó để thức dậy một cách tỉnh táo. Tôi đã được như nguyện với “Năm mươi đời vẫn hát, Bên Đời Hiu Quanh, Nguyệt ca và Ca khúc Da Vàng " Với đôi mắt không mấy gì ngon lành, nhưng tôi đã nuốt chửng những lời tâm sự của cô, những lời đã được viết từ lâu nhưng đến hôm nay tôi mới có dịp đọc đến... Và tôi đã hiểu, tại sao giọng ca của cô lại chất chứa nhiều tâm sự đến như vậy! Nếu đem so sánh cái buồn của mình với cái buồn của cô thì chẳng thắm thía vào đâu! Nếu đem những cái khó khăn mà mình phải trải qua với một chút khó khăn của cô mà mình được biết, tôi cảm thấy mình cũng đã quá may mắn rồi. Hai cuộc sống có vài điểm tương đồng, nhưng bản sao tôi thì khá mờ nhạt. Vậy thì hãy tự an ủi vì cũng có những nỗi buồn giống tôi và đừng than vãn gì nữa. Cô đề cập đến thứ tình bạn trong sáng mang đậm chất văn nghệ, tôi tin vào điều đó! Cũng như cái mong muốn sống trọn niềm vui của đêm vì ngày mai khi mặt trời lên mọi sự có thể thay đổi... Có những tình cảm được xếp là tri kỷ, hai người bạn luôn quý mến nhau, cho dù xa cách bao lâu, bao xa, khi gặp lại thì mọi việc cũng như hôm qua. Vì bản chất của cả hai là không thay đổi. Im lặng làm một điều gì đó bên nhau là đủ ấm cho cái tình bạn rồi! Nghĩ tới đây! Tôi lại chợt nhớ đến một cô em nhỏ! Nhỏ bằng nửa tuổi đời tôi, thế nhưng cơ duyên nào hai chị em lại mến nhau! Chúng tôi không ngồi cạnh nhau trong một gian phòng, chưa hề gặp nhau một lần, chúng tôi ngồi cạnh nhau trong một forum, bên chiếc máy vi tính, em _ tôi mỗi người một việc, mở voice để nghe tiếng thở nhè nhẹ của mỗi đứa, thỉnh thoảng trao đổi nhau một vài điều gì đó, và mỗi đứa lại làm việc của mình. Rất đơn giản, nhưng rất vui, ấm áp. Và có lẽ cuộc sống sẽ vui hơn khi mọi người tìm đến nhau, để thông cảm, để chia sẻ, chứ không phải để yêu cầu! Tôi chạnh nghĩ, nếu những phóng viên nhà báo chịu khai thác những điểm này tức là những điểm đẹp trong đời sống một số nghệ sỹ, những khó khăn mà các nghệ sỹ phải vượt qua để có một chỗ đứng trong nghề nghiệp, làm gương tốt cho lớp trẻ phấn đấu đi lên thì hay hơn là đi tung hê những xa hoa, hào nhoáng mà họ có. Làm diện mạo của hai chữ văn nghệ loang lổ. Cách đây không lâu, trên đài truyền hình VN có phỏng vấn ca sỹ Quang Dũng với những bước đầu khó khăn trong sự nghiệp, đây là một chiều hướng tốt cần phát huy để khán thính giả gần với nghệ sỹ mà mình yêu thích trên bình diện văn nghệ đúng nghĩa. Huyền Băng