Chiếc xe đò liên tỉnh vừa dừng lại thì có năm ba hành khách đã lục đục bước xuống. Trong số đó có một cô gái tuổi chừng mười sáu, mười bảy đang ngơ ngác nhìn quanh như ngỡ ngàng trước cảnh lạ, người xa. Thấy những người đồng hành với mình đã rẽ hết vào các con đường đất nối liền xa lộ, cô gái cũng định tự chọn cho mình một hướng để đi nhưng khi nhìn lên bầu trời thấy mây đen vần vũ báo hiệu sắp có mưa thì lộ ra nét lo ngại. Chợt một tiếng gọi thật to: - Ôi… Quỳnh! Mày đi đâu mà lạc đến cái xứ sở này vậy? Cô gái tên Quỳnh giật mình quay mặt lại, không giấu vẻ mừng rỡ: - Ồ… Lụa! Không tìm thấy được mày là kể như đêm nay tao phải tạm trú ngoài đường rồi. Lụa ôm lấy vai bạn tíu tít: - Cái mặt mày mà ở ngoài đường chắc chắn sẽ bị người ta bắt cóc mất thôi. Con gái thành phố mà lên đây cũng giống như hoa hồng giữa vùng sa mạc vậy. Quỳnh e thẹn thụi nhẹ vào lưng bạn: - Chưa gì đã làm cho tao phải mắc cỡ rồi đó nghen. Nào… đưa tao về nhà mau rồi tao sẽ kể nguyên do của cuộc viếng thăm đột xuất này cho mày nghe. Nhưng mà nè, tao sẽ ở đây với mày khá lâu đấy, liệu có làm phiền nhà mày không hả nhỏ? Với thái độ vồn vã. Lụa giành xách túi hành lý cho bạn: - Mày khỏi lo chuyện đó đi Quỳnh. Má tao và anh Hai sẵn sàng tiếp đón mày ở đây chơi hết mùa hè luôn. Miễn là mày đừng có đòi về bất tử. Chỉ có điều là sợ mày không thích nghi được với cuộc sống nông thôn thôi. - Hứ! Mày làm như tao là tiểu thư con nhà quan “tổng trấn” không bằng. - Chứ còn gì. Mày không phải là con quan của thời xưa nhưng là con quan của thời nay còn gì nữa! Quỳnh khẽ trề môi nói: - Ba tao chỉ là một giám đốc thôi, có gì mà nổ dữ vậy. Sợ làm bạn mất vui nên Lụa đành gạt đi: - Ấy! Nói thế thôi chứ mình quan tâm tới người lớn làm chi. Mày đã cất công lên đây nghỉ hè với tao chắc là khoái cảnh đồng quê lắm! - Tất nhiên rồi. Nghe mày kể trong thư, tao háo hức chỉ muốn đi ngay thôi. Hai cô gái háo hức bá vai nhau đi sâu vào trong con đường mà lúc nãy Quỳnh toan chọn. Đi độ trăm mét thì dừng lại trước một cánh cổng khá lớn bằng gỗ nhưng thật chắc. Lụa quay lại bảo bạn: - Nhà tao ở đây này. Nhích vô một khoảng trống vừa đủ cho người lọt vô. Lụa ngoắc Quỳnh đi theo mình. Cô gái vừa chân ướt chân ráo về vùng quê đã cảm thấy thích thú vô cùng trước khu vườn cây ăn trái của gia đình nhà bạn. Dọc theo con đường mòn dẫn vào nhà là một hàng chôm chôm sai trĩu quả đang chín rộ đỏ ối một vùng trời trông thật thích mắt. Quỳnh chưa kịp mở miệng khen thì Lụa đã lên tiếng khi ngó qua nét mặt bạn: - Chỗ này chỉ ít thôi, chưa đáng để mày mê đâu Quỳnh ơi! Cứ vô nhà nghỉ ngơi rồi tao sẽ dẫn mày đi tham quan hết thảy khu vườn này. Xin bảo đảm là mày sẽ khoái liền và không muốn trở về thành phố nữa. Nghe bạn quảng cáo, Quỳnh thấy nao nao trong dạ: - Thiệt không… nhưng mày có nuôi nổi tao không? - Xí! Mày ăn bao nhiêu mà sợ nhà tao nuôi không nổi? Quỳnh cười hì hì: - Nhiều lắm! Và tao thích nhất là trái cây nhà mày. Lụa đã đưa bạn vào đến sân còn quay lại nhảy dựng lên: - Ối! Tưởng gì chứ trái cây thì tao cho mày ăn thoải mái, chỉ lo mày không chứa nổi trong bụng thôi nhỏ ơi! Chuyện trò tới đây thì Quỳnh trở nên khép nép đưa mắt nhìn vào ngôi nhà ngói khá đồ sộ nằm chính giữa khu vườn. Một bầy chó khoảng bốn, năm con nằm rải rác gần đó bỗng ùa ra sủa ỏm tỏi khi thấy có người lạ đến. Lụa phải lên tiếng gọi chúng rồi dẫn bạn vào nhà: - Vô đây và cứ việc tự nhiên đi. Má tao hiền lắm… cả anh Hai tao cũng vậy. Rồi Lụa quay vào trong gọi mẹ rối rít lên: - Má ơi! Có bạn con ở thành phố lên chơi. Quỳnh trông thấy chiếc mành trúc nơi buồng cửa lay động và một giọng nói thật dịu dàng từ trong ấy vọng ra: - Thế à? Con tiếp bạn đi. Má bận chút xíu sẽ ra liền. Lụa đặt chiếc túi hành lý của bạn lên bộ ván ngựa đen bóng rồi lăng xăng đi rót nước. Còn lại một mình, Quỳnh đảo mắt ngó quanh khu nhà ngoài để dành tiếp khách trong khoảng thời gian vắng mặt bạn cho tới khi Lụa trở vào: - Mày uống nước đi Quỳnh. Đón ly nước có màu sắc tựa nước trà từ tay bạn, Quỳnh đưa lên miệng nhấp một ngụm. Cô khẽ chau mày: - Nhỏ ơi! Mày cho tao uống nước gì ngộ vậy? Ngó thái độ của bạn, Lụa bật miệng cười: - Nước vối đó khỉ ạ. Tuy khó uống nhưng dùng nó tốt hơn nước trà nhiều. Quỳnh chưa kịp nói gì thêm thì mẹ của Lụa vén mành bước ra, bà nhìn bạn của con cười hiền hòa: - Cháu ở thành phố lên chơi với con Lụa nhà bác hả? Với thái độ khép nép, Quỳnh vội rời chỗ, đứng lên. Cô gái khoanh tay thật lễ phép: - Dạ, thưa… cháu chào bác ạ. Lụa nhanh nhẩu nói với mẹ: - Má ơi, Quỳnh lên đây để nghỉ hè với con, má thấy có phiền hà gì không? Bà Năm mẹ của Lụa tỏ ra vui vẻ: - Chỉ ngại bạn con không thích ở đây thôi. Nghe mẹ nói thế Lụa bèn day qua phía Quỳnh cười hóm hỉnh: - Đó thấy chưa! Tao đã nói là nhà tao ai cũng hiếu khách mà. Chợt có một bóng người lấp ló ngoài thềm cửa: - Ê, chưa hẳn là như vậy đâu nha nhỏ. Còn ý kiến của “đại ca” đây nữa chi? Lụa giới thiệu với bạn: - Anh Hai của tao đó! Ảnh ưa chọc ghẹo nhưng chưa đến nỗi xấu bụng đâu. Bà Năm nhìn ra cửa: - Nhân à. Bạn của em còn từ thành phố cất công lên đây đó! Đừng có trêu chọc mà làm cho nhỏ Quỳnh bỏ về là không xong với con Lụa đâu nghe. - Gì mà chưa chi má đã “cảnh giác” con dữ vậy? Bạn của nhỏ Lụa thì cũng giống như bạn gái của con thôi mà. Con đâu nỡ ăn thịt cô ta chứ. Dù chưa trông thấy bộ dạng của anh Hai bạn xuất hiện, nhưng câu nói ấy cũng làm cho Quỳnh đỏ mặt và thầm run rẩy trong lòng. Cô liên tưởng đó là một chàng trai ngổ ngáo lắm chứ không phải là loại hiền gì. Song trót đã xuống tới đây thì cứ chờ xem sao đã. Mình có thể trở lại thành phố mà… Như đoán được ý nghĩ của bạn, Lụa liền phân giải: - Anh Hai tao tính khí hơi khác thường nhưng rất nể nang tao. Mày đừng lo bị bắt nạt nghe Quỳnh. Còn có tao đây nữa chi? Tuy chưa lấy lại được vẻ bình thường, nhưng Quỳnh vẫn làm bộ gật: - Tao không đến nỗi yếu bóng vía lắm đâu mà phải sợ anh mày. Nhỏ Lụa cười khanh khách: - Phải vậy chứ! Gặp thứ dữ anh Nhân không dám đụng tới đâu. Nơi cửa, một cậu con trai khoảng mười chín tuổi bước vào, cậu ta nhìn trân trân vào chỗ hai cô gái rồi cất tiếng: - Toàn là người đẹp chứ có phải là “cọp” đâu mà tự xưng mình là thứ dữ hả cô bé? Lụa cong môi lên với anh: - Cô bé nào ở đây? Anh phải gọi là hai “nàng công chúa” mới đúng. - Chà, gay nhỉ… nhưng nếu muốn như thế thì phải biểu bạn em gọi anh là “hoàng tử” đi. Quỳnh nghe đôi má mình nóng bừng lên như thể đang đi ngoài trời nắng gắt. Không dám liếc qua phía anh Nhân, Quỳnh cúi mân mê những ngón tay búp măng thật đẹp của mình để chờ nghe Lụa bênh vực. Nhưng người “cứu bồ” cho Quỳnh lại là bà Năm. Bà đi lại gần con trai: - Nhân… con làm cho nhỏ Quỳnh thẹn rồi kìa. Mau ra vườn hái ít trái cây đem về tạ lỗi đi. Nhưng cậu con trai không làm theo lời mẹ mà lại ngoắc tay bảo Quỳnh: - Đi cô bé… ai lại ngồi nhà mà hưởng thụ thế, coi sao được. Lụa đanh đá trợn mắt trước mặt anh: - Dào ơi, ở đây không có ai là cô bé đâu nha. Anh nói lộn cho nói lại lần nữa đó. Nhân tỏ ra khó chịu nhìn em gái: - Nhỏ tuổi hơn người ta mà không chịu làm cô bé thì làm lớn với ai? Quả là đởm dáng quá. Thốt ra câu nói đấy, Nhân quay ngoắt đi ra cửa nhanh cũng như khi đi vào, không chờ nghe ai phản ứng mặc cho Lụa nhảy cẫng lên và Quỳnh phải sạm mặt. Trước tình thế bất ngờ này, bà Năm phải vội vàng cải chính nhưng vẫn không làm cho tự ái Quỳnh dịu lại. Cô gái nhìn mẹ bạn: - Thưa bác! Cháu nghĩ là sự có mặt của cháu ở đây sẽ không tiện lợi lắm. Cháu xin được nán lại chơi với nhỏ Lụa một lát sẽ quay về thành phố ạ. Bà Năm khẽ kêu lên: - Ồ, sao vậy cháu? Mới hồi nãy bác nghe con Lụa nói là cháu sẽ ở đây với nó đến hết mùa hè kia mà. Quỳnh im lặng, trong khi Lụa giành lên tiếng: - Mày đang giận anh Hai tao chứ gì? Thôi cho tao xin đi Quỳnh ơi! Bản tính của anh tao là như vậy đó! Nếu mày coi tao là bạn bè thì bỏ qua mà ở lại đây với tao nghe. Bảo đảm khi quen rồi mày sẽ thấy ảnh không khó ưa như buổi ban đầu nữa. Bà Năm cũng vội nói vô để giữ chân Quỳnh lại: - Coi, con Lụa nói phải đó cháu à. Thằng Nhân nó ăn nói hơi hàm hồ cũng bởi thần kinh của nó không bình thường cho lắm! Ở đây không ai chấp nó hết, bởi tại họ đã biết. Còn cháu mới tiếp xúc với nó lần đầu nên giận cũng phải thôi. Thế rồi bà kể cho Quỳnh nghe về nguyên nhân gây ra sự bất thường cho con trai. Đó là một tai nạn mà chính Quỳnh khi nghe xong cũng không thể nào ngờ được. Sự kiện xảy ra cách đây mấy năm khi Nhân đang ở lứa tuổi của Quỳnh và Lụa bây giờ, cậu đã rất dũng cảm lao vào một đám cháy để cứu sống hai đứa trẻ thoát khỏi bị lửa thiêu. Để rồi sau đó cậu trở thành nạn nhân khi chiếc kèo nhà từ bên trên đổ xuống đập vào đầu. May nhờ người ta kịp đưa ra nên mới còn sóng sót chứ không Nhân đã bị chết cháy vì lòng dũng cảm của mình rồi. Nhưng sau khi điều trị xong trở về thì tính tình của Nhân bỗng dưng thay đổi không còn bình thường như xưa nữa. Có lẽ bởi vết thương nơi đầu làm động đến hệ thần kinh. Tuy nhiên Nhân cũng chỉ bẳn gắt và nói năng thiếu tế nhị chứ cũng chưa làm điều chi quá đáng. Có thể gọi là bị “mát” như nhỏ Lụa đã phát biểu? Quỳnh cảm thấy mình cần thông cảm gia đình bạn nên vui vẻ trở lại. Lụa khoái chí ôm bạn xoay một vòng: - Phải vậy chứ. Tao biết mày luôn là đứa tràn trề tình cảm mà. Rồi để xua tan những gì còn vương vấn trong lòng Quỳnh, Lụa đem đồ đạc bạn vào buồng mình cất đi. Xong xuôi, cô gái trở ra kéo Quỳnh đi xuống dưới nhà rửa mặt cho mát trước khi chuẩn bị dọn cơm. Bữa ăn trưa không có Nhân nhưng Quỳnh không tiện hỏi, hơn nữa cô cũng rất sợ anh chàng “mát dây” này làm cho quê nên giả bộ lờ đi. Dùng bữa xong, Quỳnh được Lụa đãi món trái cây đầu tiên là sầu riêng. Những múi sầu riêng thơm lừng và ngọt lịm thấm sâu vào đầu lưỡi khiến người ta ăn xong rồi mà hương vị vẫn còn đọng lại nơi miệng người thưỡng thức. Quỳnh háo hức muốn được theo bạn ra vườn ngay. Nhưng sau đó trời đã đổ mưa rào nên phải theo Lụa vào buồng nằm nghỉ. Hai cô bạn gái từng học chung một lớp nằm ôm nhau trò chuyện sau một tháng nghỉ hè chia tay. Lụa thì thầm kể cho Quỳnh nghe về nỗi nhớ bạn, nhớ trường và nhớ cả căn phòng nội trú có năm đứa chuyên môn nghịch phá. Còn Quỳnh thì tâm sự lại cho Lụa nghe cuộc sống của mình tại gia đình trong những ngày hè qua chẳng có gì thú vị. Ba và mẹ cô thường luôn cãi cọ rồi dẫn đến tình trạng sắp sửa ly hôn, nên cô chán nản bỏ nhà tìm lên đây với bạn sau khi đã khuyên can cha mẹ không được. Biết tâm trạng của Quỳnh hiện đang rất buồn khổ, Lụa tìm lời an ủi: - Mày cứ ở đây với tao một thời gian là sẽ vui trở lại ngay. Nhưng cũng cần viết thư báo về cho ba má mày biết kẻo họ sẽ cuống quít lên đi tìm vì ngỡ mày bị người ta bắt cóc đem bán thì phiền lắm! Quỳnh khẽ trề môi ra: - Hừ… tao to thế này ai mà dám bắt, mà bắt để làm chi? Tao thấy không cần phải báo tin về nhà đâu. Lúc này thì ba má tao đang làm thủ tục ly hôn, họ không có thời gian quan tâm tới sự biến mất của tao đâu Lụa à. Lụa vòng tay ôm lưng bạn: - Rồi mày sẽ chọn ai giữa mẹ và cha? Nghe bạn hỏi, Quỳnh chợt rưng rưng ngấn lệ ở khoé mắt: - Tao không biết. Bởi thật tình mà nói thì tao không muốn mất người nào. Lụa lặng người đi, cảm thông với nỗi khổ tâm của bạn. Tiếng Quỳnh lại khe khẽ vang lên: - Mong ước của tao hiện giờ là ba má tao từ bỏ ý định ly hôn. Nhưng tiếc thay họ đã gởi đơn lên tòa rồi. Không khí trong căn phòng bỗng chùng xuống như nỗi lòng của hai cô bạn gái còn đang ở tuổi vị thành niên. Họ ôm nhau rồi thiếp đi giữa buổi trưa hè không có gió xôn xao và vắng cả tiếng chim dù quanh nhà là cả một khu vườn cây ăn trái.