Chương 32
Tôi là ai

    
ôi nghĩ, tức là tôi tồn tại.
-Descartes-
Tôi chỉ là tôi, một người đàn bà, chứ không phải là “giới thứ hai”.
-Lacy Stone-
Tất cả đều bắt đầu như vậy
Đều bắt đầu từ gương mặt rực rỡ và cũng kiệt sức vì tiều tụy.
Đó chính là sự thử nghiệm.
-Marguerite Dumas-
Sự việc đã xảy ra như vậy, khiến người ta đau đầu, phải thét lên, tưởng như phát điên.
Tôi không phải là người đàn bà máu lạnh, tôi cũng không phát điên. Tập truyện ngắn “Tiếng kêu của bươm bướm” lại tái bản. Bố Già và chị Đặng đã sắp xếp cho tôi tới các trường đại học để tuyên truyền, trả lời các hỏi của sinh viên nam như “Thưa cô Nghê Khả, cô có bao giờ cô thoát y không?”, hoặc tranh luận với các sinh viên nữ về các đề tài như “Phụ nữ có phải là giới tính thứ hai?”, “chủ nghĩa nữ quyền rốt cục muốn điều gì?’.
Khi tới Phúc Đán, tôi đã nằm trên bãi cỏ một lúc, ngắm trời và nhớ về người đó.
Những ngày tháng sau đó là đám cưới thứ hai của Chu Sa. Chú rể là Dick-một họa sĩ trẻ đầy ý chí và tự mãn, nhỏ hơn chị tám tuổi. Ngày tổ chức đám cưới chỉ cách tang lễ của Thiên Thiên ba tháng hai mươi ngày. Có thể đa số mọi người đều không ý thức tới điều này, trừ tôi.
Đám cưới được tổ chức tại phòng tranh Lawrence trong công viên Phục Hưng. Đó cũng là ngày chú rể tổ chức triển lãm cá nhân. Có rất nhiều khách trong và ngoài nước, kể cả Madona. Cô tặng cô dâu chú rể mỗi người một phần quà hậu hĩnh, là một chiếc đồng hồ vàng Omega để bày tỏ phong cách của mình. Dù sao Dick cũng là một trong những người đàn ông mà cô để tâm nhất.
Tôi không nói nhiều với cô. Đột nhiên tôi không còn thích cô nữa. Có lẽ cô ta cũng không nói gì với Thiên Thiên, có lẽ cô ta cũng không quyết tâm muốn khống chế đám bạn mà cô ta quen. Nhưng tôi cũng không còn muốn gần gụi với cô ta nữa.
Người quá đông. Không khí oi bức khiến người thấy khó chịu. Tôi chào về sớm.
Bên Đức luôn có email gửi tới, của Mark, của Shamir. Tôi báo cho họ tin về cái chết của Thiên Thiên. Tôi nói giờ đây trái tim tôi đã bình lặng vì tiểu thuyết của tôi sắp kết thúc. Đó là món quà tốt đẹp nhất dành tặng cho Thiên Thiên và quãng thời gian cùng chung sống đó.
Shamir mời tôi tới Đức sau khi hoàn thành tiểu thuyết. “Điều đó rất có lợi cho việc hồi phục của cô. Hãy tới đây ngắm những nhà thờ tháp nhọn, cánh rừng Đen và con người. Tôi tin rằng Mark rất mong cô tới”.
Các lá mail của Mark luôn dài lê thê, không ngại kể cho tôi gần đây anh làm gì, đi đâu, cãi nhau với vợ ra sao. Tôi không biết cảm giác tin tưởng thế nào mà anh là xúc động muốn tâm sự với tôi như vậy. Có lẽ về sức lý giải và trực giác, một phụ nữ viết văn là có thể tin cậy được, dù cho tôi đã lấy trộm chiếc nhẫn cưới gắn ngọc bích xanh của anh. Đó là chiếc nhẫn tôi vẫn luôn đeo ở ngón cái, vì quả thực nó quá đẹp.
Tôi đã định cuối tháng Mười, sau lễ quỷ sẽ tới Berlin. Đó là ngày lễ mà tôi hằng ưa thích, khá lãng mạn và giàu sức tưởng tượng. Một trò chơi đeo mặt nạ đóng giả để xua đi mùi vị của cái chết.
Trước khi đi Đức, tôi sửa soạn một số, chỉnh sửa lại bản thảo cuốn tiểu thuyết, dọn dẹp lại căn hộ ở ngoại ô phía Tây. Tôi định dọn về sống cùng bố mẹ. Chìa khóa căn hộ phải trả lại cho Connie. Đồ đạc của Thiên Thiên vẫn còn đó. Tôi chọn trong đó một bức tự họa của Thiên Thiên, tập thơ Dylan Thomas mà anh yêu thích và chiếc sơ mi trắng mà anh vẫn thường mặc.
Trên chiếc áo vẫn còn mùi của anh. Tôi áp mặt lên đó, hít hà. Một cảm giác quen thuộc khiến người ta nhớ lại hạnh phúc từng đánh mất.
Tối đó lại đúng ngày cuối tuần. Tôi đi bộ rất lâu, xuyên qua con đường Hoành Sơn đầy cây ngô đồng, đi vào cái ngõ đầy kí ức.
Tiệm ăn của Connie ở phía trước, đèn đóm sáng rực, trên khung cửa sổ là bóng dáng các thực khách ăn vận sang trọng. Tới gần, có thể nghe thấy tiếng người đang hát tình ca La tinh và những tràng pháo tay lịch sự vang lên ngay sau đó.
Tôi đi lên bậc tam cấp, hỏi nhân viên trông cửa xem Connie ở đâu. Anh ta dẫn tôi đi, xuyên qua dãy cửa ngoằn ngèo. Tôi nhìn thấy bà ăn vận chải chuốt trong đám người đang đứng. Bà mặc váy đầm buổi tối hở vai, tóc búi cao, tô môi son rất đậm, nom thật đẹp, thông minh, giống một con hạc duyên dáng.
Trong đám người đó có một đôi nam nữ mặc trang phục màu đen gắn ngọc trai đang nhảy một điệu La tinh sôi động. Họ rất trẻ và đẹp. Cặp đùi của cô gái được chàng trai duyên dáng nắm lấy, rồi xoay vòng liên tiếp, khiến người khác phải chóng mặt. Connie vừa kết thúc cuộc trò chuyện với một người đàn ông tóc bạc đứng bên, thoáng một cái đã nhìn thấy tôi. Bà chen ra, bước về phía tôi.
“Cháu yêu quý, cháu khoẻ không?”, bà hỏi và ôm ghì lấy tôi. Tôi mỉm cười, gật đầu. “Cô rất đẹp, luôn đẹp mãi”, tôi nói rồi lấy một chùm chìa khóa từ trong túi ra, đưa cho bà. Tôi đã báo trước cho bà về kế hoạch của tôi qua điện thoại.
Bà nhìn chùm chìa khóa, im lặng hồi lâu rồi đón lấy. “Tới giờ cô vẫn không hiểu… Sao mọi thứ lại biến đổi nhanh đến vậy? Cô đã làm gì sai? Tại sao Thượng đế lại đối xử với cô như vậy. Ok, quên hết đi. Cháu là một cô gái thông minh. Hãy chăm sóc mình thật tốt nhé”. Chúng tôi hôn giã biệt nhau. Juan cũng tới chào và ôm tôi. “Tạm biệt”, tôi vẫy tay, đi nhanh ra cửa. Âm nhạc và vũ điệu vẫn tiếp tục, nhưng không còn liên quan tới tôi nữa.
Đi xuống sân vườn, vừa bước ra ngoài cửa, tôi va phải một bà cụ tóc bạc, đeo kính, da dẻ rất trắng, nom như vợ một giáo sư. Tôi liên miệng nói “xin lỗi”, nhưng bà không thèm để tâm, cứ đi thẳng tới cửa sắt.
Bảo vệ vừa nhìn thấy bà đã vội khóa sập cái cửa sắt hình hoa uốn lượn. Bà già ra sức đẩy nhưng không có kết quả, liền lớn tiếng chửi, “Đồ hồ ly tinh, đồ hại người, mười năm trước ngươi giết con trai ta không đủ sao, giờ lại hại chết cả cháu ta. Tâm địa mi độc ác. Ta nguyền rủa mi ra đường bị xe đụng chết…”.
Tiếng của bà khàn khàn. Tôi đứng lặng bên bà. Tôi biết bà già đang phẫn nộ và mất thăng bằng này là ai. Đó là lần đầu tiên tôi gặp bà.
Không thấy bà xuất hiện trong đám ma của Thiên Thiên. Hẳn Connie không muốn bà tới. Connie vẫn luôn sợ bà và tránh né. Nhưng bà nội Thiên Thiên vẫn tìm được tới cửa.
Bảo vệ cửa khẽ khuyên nhủ: “Bà ơi, bà đã tới mấy chục lần rồi. Việc gì phải khổ thế, già cả như vậy rồi, về nhà nghỉ ngơi đi”.
“Hừ”, bà phẫn nộ nhìn, “Không ai có thể tống ta vào Viện tâm thần đâu. Cô ta tưởng tặng cho ta mấy chục vạn dưỡng lão là xong chuyện sao. Nhất định ta phải đòi công lý”. Bà lại bắt đầu đẩy cười, tôi vội đi lên đỡ bà.
“Bà ơi”, tôi khẽ gọi, “Để cháu đưa bà về, trời sắp mưa rồi”.
Bà nhìn tôi nghi ngờ, lại nhìn trời. Những đám mây dày trên trời đang bị ánh đèn thành phố rọi chiếu thành màu đỏ sẫm.
“Cô là ai?”, bà hạ giọng hỏi. Tôi sững sờ nghĩ hồi lâu. Một cảm giác ấm áp và cay đắng bao phủ khắp người tôi, khiến tôi nhất thời không biết trả lời bà cụ kiệt sức và không người giúp đỡ này ra sao.
Đúng vậy, tôi là ai? Tôi là ai?