ài tuần sau khi Bruno chuyển tới Ao Tuýt cùng với gia đình và chẳng còn mảy may hy vọng được gặp Karl, Daniel hay Maurin nữa, cậu quyết định rằng tốt hơn cậu nên bắt đầu tìm cách nào đó để tự mình tiêu khiển bằng không dần dần cậu sẽ phát điên lên mất. Bruno chỉ từng biết mỗi một người mà cậu cho là bị điên, đó là ông Roller, một người đàn ông trạc tuổi cha cậu vẫn sống loanh quanh nơi góc phố phía sau ngôi nhà cũ của cậu ở Berlin. Người ta thấy ông thường hay đi lui đi tới khắp con phố suốt từ giờ này qua giờ khác cả đêm lẫn ngày, luôn miệng tranh luận gay gắt với chính mình. Đôi lúc giữa những cuộc tranh luận đó, khi sự bất đồng vượt quá tầm kiểm soát, ông sẽ lập tức thụi vào cái bóng của mình đang đổ trên tường. Có lần cuộc tranh luận dữ dội tới nỗi ông nện sầm sầm nắm tay vào bức tường gạch khiến hai bàn tay bật máu rồi sau đó ông đổ khuỵu xuống, bắt đầu gào khóc ầm ĩ và đập đập tay vào đầu. Một đôi khi Bruno còn nghe thấy ông thốt lên những từ ngữ mà cậu không được phép dùng, và mỗi khi nghe ông nói những từ đó, Bruno lại phải ngăn mình không cười khúc khích. “Con không nên cười cợt chú Roller tội nghiệp,” mẹ Bruno nói với cậu vào một buổi chiều sau khi cậu kể cho mẹ nghe câu chuyện về lần phát điên gần nhất của ông. “Con không biết trong suốt cuộc đời mình chú ấy đã phải trải qua những chuyện như thế nào đâu.” “Chú ấy bị điên,” Bruno nói, làm động tác ngoáy ngoáy ngón tay bên thái dương và huýt gió để diễn tả việc cậu nghĩ ông ta điên rồ tới mức nào. “Có hôm chú ấy còn tới gần một con mèo trên đường và mời nó về nhà dùng bữa trà chiều nữa đấy.” “Thế con mèo đó nói gì?” Gretel hỏi, cô đang làm một chiếc bánh sandwich trong góc bếp. “Chẳng nói gì cả,” Bruno giải thích. “Nó là một con mèo mà.” “Ý mẹ là,” mẹ cậu nhấn mạnh thêm. “Franz đã từng là một chàng trai rất đáng yêu – mẹ biết chú ấy từ khi mẹ còn là một cô bé. Chú ấy rất tốt, hiểu biết và có thể biểu diễn những bước khiêu vũ trên sàn tuyệt vời như Fred Astaire ấy. Nhưng chú ấy bị chấn thương rất nặng trong Đại Chiến, một chấn thương ở đầu, và đó là lý do vì sao chú ấy hành động như bây giờ. Chẳng có gì đáng cười cả. Con không thể hiểu những người thanh niên trở về sau cuộc chiến như thế nào đâu. Nỗi đau khổ của họ.” Lúc đó Bruno chỉ mới 6 tuổi và cậu không thật sự hiểu rõ điều mẹ cậu đề cập đến. “Chuyện đó đã xảy ra cách đây nhiều năm rồi,” mẹ cậu giải thích khi cậu hỏi bà về điều đó. “Trước khi con chào đời. Franz là một trong những thanh niên chiến đấu trên chiến lũy của chúng ta. Khi ấy, cha của con cũng biết Franz rất rõ; mẹ tin rằng hai người đã chiến đấu cùng nhau.” “Thế chuyện gì đã xảy ra với chú ấy hả mẹ?” Bruno hỏi. “Điều đó không quan trọng,” mẹ cậu nói. “Chiến tranh không phải là một chủ đề thích hợp để chuyện phiếm. Dù mẹ e rằng chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ phải dành rất nhiều thời gian nói về nó thôi.” Câu chuyện đó xảy ra ba năm trước khi gia đình cậu chuyển đến Ao Tuýt và suốt thời gian đó Bruno cũng chẳng dành nhiều thời gian nghĩ tới ông Roller, nhưng đột nhiên cậu tin rằng nếu cậu không làm một việc gì đó có ích, một việc gì đó để đầu óc mình được động não, thì rồi trước khi kịp nhận ra, cậu cũng sẽ lang thang trên các đường phố tranh luận với chính mình và rủ rê những con vật nuôi cùng tới các buổi hội hè mất thôi. Để tự làm mình khuây khỏa, Bruno đã dành cả một buổi sáng và một buổi chiều thứ bảy dài để bày ra trò tiêu khiển mới cho bản thân. Ở cách ngôi nhà không một đoạn – về phía bên phòng Gretel và không thể nhìn thấy được từ cửa sổ phòng cậu – có một cây sồi to lớn, thân cây rất rộng. Một cái cây cao với tán cành lực lưỡng, đủ chắc chắn cho một cậu nhóc trèo lên. Nó trông cổ thụ tới nỗi Bruno đi đến kết luận rắng nó chắc chắn phải được trồng từ một thời điểm nào đó cuối thời Trung Cổ, một thời kỳ lịch sử gần đây cậu mới được học và đang cảm thấy hứng thú – đặc biệt là phần về các hiệp sĩ phiêu lưu tới những miền đất viễn phương và phát hiện ra biết bao điều kì thú khi họ ở đó. Bruno chỉ cần có hai thứ để tạo ra trò tiêu khiển mới: một ít dây thừng và một cái lốp xe. Dây thừng thì rất dễ kiếm vì dưới tầng hầm ngôi nhà có hàng cuộn, và chuyện liều mạng chạy xuống đó kiếm con dao thật sắc cắt bao nhiêu dây tùy thích cũng chẳng mất mấy thời gian. Cậu mang toàn bộ số dây kiếm được tới bên cây sồi và đặt xuống đất chờ dùng tới. Còn cái lốp xa lại là chuyện khác. Trong cái buổi sáng đặc biệt ấy cả cha lẫn mẹ cậu đều không có ở nhà. Từ sớm mẹ cậu đã vội vàng ra khỏi nhà, đón tàu đến một thành phố gần đấy chơi một ngày để đổi không khí, còn lần cuối cậu nhìn thấy cha là lúc ông đang đi về hướng những gian trại và những con người ở xa xa bên ngoài cửa sổ phòng cậu ấy. Nhưng như thường lệ vẫn có rất nhiều xe tải và xe jeep của quân lính đỗ sát gần nhà, và cậu biết không thể trộm lốp từ bất cứ chiếc xe nào, vẫn luôn có khả năng cậu tìm được một chiếc lốp dự phòng ở đâu đó. Khi bước ra ngoài cậu tháy Gretel đang nói chuyện với trung úy Kotler và, mặc dù không thật hào hứng, cậu vẫn quyết định anh ta là người thích hợp để hỏi. Trung úy Kotler chính là viên sĩ quan trẻ tuổi mà Bruno gặp ngay ngày đầu tới Ao Tuýt, người lính đã xuất hiện ở tầng trên nhà cậu và nhìn cậu trong một giây lát trước khi gật đầu rồi tiếp tục bước đi. Kể từ hôm đó Bruno đã nhìn thấy anh ta nhiều lần – anh ta đi ra đi vào ngôi nhà như thể anh ta sở hữu nơi này và văn phòng của cha cậu rõ ràng không hề là chốn nằm ngoài phạm vi đối với anh ta – thế nhưng hai người chẳng thường xuyên nói chuyện với nhau cho lắm. Bruno không thật sự hiểu tại sao, nhưng cậu biết rằng cậu không thích trung úy Kotler. Ở anh ta toát ra vẻ gì đó khiến Bruno cảm thấy vô cùng lạnh lẽo và muốn khoác ngay lên mình một bộ quần áo liền quần. Tuy vậy, quanh đây cũng chẳng còn người nào nữa mà nhờ cậy nên cậu đi tới, gom hết sự tự tin để cất tiếng chào. Hầu hết mọi ngày viên trung úy trẻ tuổi này đều trông rất bảnh bao, sải bước quanh nhà trong bộ đồng phục phẳng phiu như thể được là ủi cẩn thận ngay trong lúc anh ta mặc trên người. Đôi giày ống đen của anh ta luôn luôn đánh xi láng coóng, mái tóc vàng hoe rẽ sang hai bên và được giữ ngay ngắn hoàn hảo bằng một chất gì đó khiến cho mọi dấu lược hằn lên rõ rệt như một cánh đồng mới được cày xong. Thêm nữa anh ta lại sức quá nhiều nước hoa cologne đến nỗi người khác có thể ngửi thấy anh ta từ khi còn rất xa. Bruno đã nghiệm ra rằng không nên đứng xuôi chiều gió với anh ta vì nếu không cậu sẽ có nguy cơ bị ngạt thở mất. Tuy nhiên, vào ngày đặc biệt hôm nay, một buổi sáng thứ bảy rực nắng, trông anh ta không thực sự chỉnh tề, chải chuốt. Thay vào đó anh ta mặc một chiếc áo phông trắng thả ngoài quần, tóc lòa xòa xuống trán. Cánh tay anh ta cháy nắng một cách đáng kinh ngạc và anh ta có những cuộn cơ bắp mà Bruno ước gì mình cũng có được. Hôm nay trông anh ta có vẻ trẻ trung hơn đên mức Bruno thấy ngạc nhiên; sự thật thì anh ta làm cậu nghĩ tới những cậu bé học lớp trên ở trong trường, những đứa cậu luôn tránh xa. Trung úy Kotler đang say sưa nói chuyện với Gretel và bất kể anh ta đang nói gì thì đó chắc hẳn là những điều vô cùng thú vị bởi vì cô đang cười lớn và lấy ngón tay xoắn xoắn tóc thành những lọn xoăn. “Xin chào,” Bruno nói khi họ tiến lại gần họ, và Gretel nhìn cậu với vẻ khó chịu. “Em muốn gì?” cô hỏi. “EM chẳng muốn gì cả,” Bruno bật lại, lườm cô tóe lửa. “Em chỉ đi ngang qua để chào một tiếng thôi.” “Anh sẽ đành phải thứ lỗi cho em trai của tôi thôi, Kurt ạ,”Gretel nói với trung úy Kotler. “Nó mới có chín tuổi, anh biết rồi đấy.” “Chào buổi sáng, bé con,” Kotler nói, với tay ra và – thật kinh khủng – sục tay vào xoa đầu Bruno, một hành động khiến Bruno muốn húc anh ta ngã xuống đất và giậm bình bịch lên đầu anh ta. “Điều gì đã khiến cậu thức dậy và đi loanh quanh sớm đến thế vào một buổi sáng thứ bảy thế này?” “Đâu còn sớm nữa,” Bruno nói. “Đã gần mười giờ rồi mà.” Trung úy Kotler nhún vai. “Khi tôi bằng tuổi cậu, mẹ tôi không thể lôi tôi ra khỏi giường trước giờ ăn trưa. Bà vẫn bảo lớn lên tôi sẽ chẳng bao giờ có thể to cao và khỏe mạnh được nếu cứ ngủ hết cả đời như vậy.” “Ồ, về điểm đó thì bà đã khá sai nhỉ?” Gretel cười điệu đà. Bruno ném cho cô một cái nhìn khó chịu. Cô đang nói bằng một giọng điệu ngớ ngẩn tới nỗi nghe như thể cô chẳng có tí não nào trong đầu. Bruno chỉ muốn lập tức tránh khỏi chỗ hai người đó và không dây gì tới những chuyện họ đang bàn luận nữa, nhưng cậu chẳng có lựa chọn nào khác ngoài đặt lợi ích quan trong nhất cuả mình lên trên hết và đề nghị trung úy Kotler điều không thể tưởng tượng nổi: nhờ giúp đỡ. “Tôi băn khoăn không biết có thể nhờ anh một việc được không,” Bruno nói. “Cậu có thể hỏi,” trung úy Kotler nói, câu này lại làm Gretel bật cười mặc dù nó chẳng có gì đáng cười cho lắm. “Tôi băn khoăn không biết quanh đây có cái lốp xe thay thế nào không,” Bruno tiếp tục. “Từ một chiếc xe jeep nào đó chẳng hạn. Hoặc xe tải. Một cái anh không dùng tới.” “Cái lốp(2) không dùng tới duy nhất mà gần đây tôi từng thấy là cái của trung sĩ Hoffschneider. Ông ấy đeo nó quanh thắt lưng,” trung úy Kotler nói, đôi môi anh ta mím lại thành một thứ gì đấy từa tựa như một nụ cười. Điều này chẳng có tác động chút gì tới Bruno, nhưng nó làm Gretel vô cùng thích thú tới nỗi cô trông như sắp sửa nhảy múa ngay tại chỗ. “Ồ, ông ấy đang dùng nó à?” Bruno hỏi. “Trung sĩ Hoffschneider ấy hả?” trung úy Kotler hỏi. “Phải đấy, tôi e là như vậy. Ông ta hết sức gắn bó với chiếc lốp của mình.” “Thôi nào Kurt,” Gretel vừa nói vừa lau nước mắt. “Nó không hiểu anh nói gì đâu. Nó mới có chín tuổi thôi mà.” “Ôi, chị có thể làm ơn im đi không,” Bruno hét lên, trân trân nhìn chị cậu bằng ánh mắt giận dữ. Phải tới đây để nhờ vả cái tay trung úy Kotler ấy đã đủ tệ lắm rồi, nhưng còn khủng khiếp hơn là từ đầu đến cuối cứ bị chính bà chị gái mình trêu chọc. “Chị thì cũng mới có mười hai tuổi chứ mấy,” cậu nói thêm. “Vậy nên hãy thôi cái trò giả vờ khôn ngoan hơn tuổi của chị đi.” “Tôi đã gần 13 tuổi rồi, Kurt ạ,” cô nói, nụ cười của cô giờ đã tắt, gương mặt cứng đờ vì hoảng sợ. “Chỉ vài tuần nữa thôi tôi sẽ được 13 tuổi. Một thiếu niên. Giống như anh ấy.” Trung úy Kotler mỉm cười và gật gật đầu nhưng không nói gì cả. Bruno nhìn anh ta chằm chằm. Nếu như trước mặt cậu là một người lớn khác, cậu hẳn đã trợn tròn mắt lên nhìn anh ta để ra hiệu với anh ta rằng cả cậu và anh ta đều biết rõ đám con gái thật ngớ ngẩn còn các bà chị thì luôn hết sức nực cười. Nhưng đây không phải là một người lớn nào khác. Đây là trung úy Kotler. “Dù sao thì,” Bruno nói, phớt lờ ánh mắt tức tối mà Gretel đang chiếu vào cậu, “ngoài chỗ đó ra còn nơi nào khác tôi có thể tìm được một chiếc lốp thay thế không?” “Dĩ nhiên là còn,” trung úy Kotler nói, giờ anh ta đã thôi cười và dường như đột nhiên cảm thấy chán ốm vì tất cả chuyện này. “Nhưng thật ra cậu muốn dùng nó làm gì?” “Tôi nghĩ tôi có thể làm một cái đu,” Bruno trả lời. “Anh biết đấy, với một cái lốp và vài sợi dây thừng treo trên cành cây.” “Chính xác,” trung úy Kotler nói, gật đầu một cách thông tuệ thể như những thứ đó giờ chỉ là quá vãng xa xôi đối với anh ta, mặc cho một sự thật rằng chính anh ta, theo lời Gretel nói, cũng chưa thoát khỏi tuổi thiếu niên. “Ừ, hồi nhỏ chính tôi cũng đã làm rất nhiều chiếc đu như vậy. Tôi từng có bao nhiêu buổi chiều vui vẻ chơi đu cùng bạn bè.” Bruno cảm thấy thật kinh ngạc khi cậu có thể có điểm gì đó chung với anh ta (và thậm chí cậu còn ngạc nhiên hơn nữa khi biết rằng trung uy Kotler đã từng có bạn). “Vậy anh nghĩ sao? Cậu hỏi. “Có cái nào ở quanh đây không?” Trung úy Kotler nhìn cậu chằm chằm và có vẻ đang cân nhắc việc đó, như thể anh ta không chắc liệu anh ta nên đưa ra cho cậu một câu trả lời trực tiếp hay lại cố gắng chọc tức cậu như anh ta vẫn thường làm. Rồi anh ta chợt nhìn thấy Pavel – người đàn ông già nua vẫn tới đây vào mỗi buổi chiều để giúp việc gọt rau quả trong bếp trước mặc một chiếc áo khoác trắng vào và phục vụ bàn ăn – đang đi về phía ngôi nhà, và điều này dường như giúp anh ta đưa ra quyết định. “Ê, ông già!” anh ta hét lên, rồi sau đó nói kèm thêm một từ mà Bruno không thể hiểu nổi. “Lại đây nào, đồ...” Anh ta nhắc lại từ ấy, và có gì đó trong âm điệu thô thiển của nó khiến Bruno phải nhìn sang hướng khác, cảm thấy xấu hổ khi đã góp phần vào tất cả chuyện này. Pavel đi về phía họ và Kotler nói với ông bằng giọng rất xấc xược, mặc cho thật sự anh ta chỉ đáng tuổi cháu ông. “Hãy đưa cậu bé con này tới kho xưởng ở phía sau nhà chính. Ở đó có vài lốp xe cũ xếp dọc bức tường. Cậu ấy sẽ chọn lấy một chiếc rồi ông hãy mang nó tới bất cứ chỗ nào mà cậu ấy yêu cầu, hiểu chứ?” Pavel giữ chiếc mũ ở trong đôi tay đạt trước ngực và gật đầu, hành động đó làm cho đầu ông cuối xuống thậm chí còn thấp hơn vốn dĩ. “Vâng, thưa ngài,” ông nói bằng giọng thật lặng lẽ, lặng lẽ tới nỗi thậm chí có cảm giác như ông đã chẳng nói gì. “Rồi sau đó, khi nào trở vào bếp, ông nhớ phải rửa tay sạch trước khi chạm vào bất kỳ thứ đồ ăn nào, đồ... bẩn thỉu.” Trung úy Kotler nhắc lại từ mà anh ta đã dùng hai lần trước đó và anh ta còn khạc nhổ một chút. Bruno liếc qua Gretel, ban nãy cô còn đăm đắm nhìn ánh nắng nhảy nhót trên mái tóc của trung úy Kotler bằng ánh mắt ngưỡng mộ, nhưng giờ đây cô cũng như em trai mình, trông cô có vẻ hơi khó chịu. Cả hai chị em chưa từng thật sự trò chuyện với Pavel trước đây nhưng ông là một người phục vụ bàn ăn rất chu đáo và cả hai, theo như lời cha dặn, không được sống vô ơn. “Giờ thì ông đi đi,” trung úy Kotler nói, rồi Pavel quay bước đi về phía nhà kho, Bruno theo sau, chốc chốc lại ngoái nhìn về phía chị gái cùng người lính trẻ và cảm thấy một nỗi khẩn thiết khủng khiếp muốn chạy lại đó để lôi Gretel đi cùng, bất chấp sự thật là chị cậu thấy rất phiền hà, luôn tự cho mình là trung tâm và luôn xấu tính với cậu. Những điều đó, suy cho cùng, là việc cô luôn làm. Cô là chị gái cậu. Nhưng cậu ghét ý nghĩ phải để cô ở lại một mình với một người đàn ông như trung úy Kotler. Thật sự chẳng còn cách nào khác để diễn tả chuyện này: rõ ràng anh ta chính xác là một kẻ đáng ghê tởm. Tai nạn xảy ra vài giờ sau khi Bruno chọn được một chiếp lốp vừa ý và Pavel kéo nó lên cậy sồi lớn ở phía bên có thể nhìn thấy từ phía bên cửa sổ phòng Gretel, và sau cả khi Bruno đã trèo lên rồi trèo xuống, lên rồi xuống, lên rồi xuống thân cây để thắt những sợi dây thừng thật chắc quanh các cành cây và quanh chính chiếc lốp. Cho tới lúc cái đu vận hành vô cùng hoàn hảo. Trước đây cậu đã từng làm một chiếc đu như vậy rồi, nhưng hồi ấy cậu có Karl, Daniel và Maurin giúp đỡ. Còn lần này cậu phải làm điều đó một mình và điều đó khiến cho mọi việc rõ ràng là phức tạp hơn rất nhiều. Tuy vậy, bằng cách nào đó cậu vẫn tự xoay xở được và sau vài giờ cậu đã có thể sung sướng yên vị giữa chiếc lốp xe rồi đu từ sau ra trước như thể chẳng còn chút bận tâm nào tới thế giới xung quanh. Cậu lờ đi thực tế rằng đó là một trong những chiếc xích đu kém cỏi nhất mà cậu từng chơi trong suốt cuộc đời. Cậu gập người nằm vắt qua chính giữa chiếc đu rồi dùng chân tự lấy đà thật mạnh rồi đẩy mình bay lên khỏi mặt đất. Mỗi khi chiếc lốp bay ra phía sau, nó bổng lên không trung và chỉ tránh đập vào thân cây chỉ trong gang tấc, nhưng vẫn đủ gần để Bruno huých chân vào thân cây để bay lên thậm chí còn nhanh hơn và cao hơn trong lần đu tiếp theo. Mọi việc diễn ra vẫn êm xuôi cho tới khi cậu trượt tay bám khỏi chiếc lốp một chút lúc đạp vào thân cây, và trước khi kịp nhận ra cậu đã ngã lộn nhào xuống, một chân vẫn còn mắc trong rãnh lốp xe còn mặt cắm xuống đất cùng một tiếng uỵch dữ dội. Mọi thứ tối sầm lại trong một chốc rồi sau đó sáng rõ trở lại. Cậu vừa ngồi dậy được trên mặt đất thì bị chiếc lốp đu trở lại đập vào đầu, cậu kêu ối lên một tiếng và tránh ra ngoài đường bay của nó. Khi đứng dậy cậu có thể cảm thấy rõ một bên cánh tay và chân cậu rất đau vì cậu đã ngã đè mạnh lên chúng, nhưng không đau kiểu như bị gãy. Cậu kiểm tra bàn tay và thấy chi chít trầy xước, nhìn tới khuỷu tay thì lại thấy một vết rách rất kinh. Tuy vậy chân cậu còn đau hơn nữa, và khi nhìn xuống đầu gối chỗ ngay dưới gấu quần sooc, cậu thấy có một vết rách toát dường như chỉ chờ cậu ngó ngàng tới, bởi vì ngay khi tất cả sự chú ý tập trung vào đó, vết rách bắt đầu chảy máu khá ghê. “Ôi, trời ơi,” Bruno hét to lên, chằm chằm nhìn vào vết thương và băn khoăn không biết phải làm gì tiếp theo. Tuy vậy cậu cũng không cần phải ngồi lo lắng quá lâu, bởi vì chiếc đu mà cậu buộc này nằm cùng bên với gian bếp của ngôi nhà, còn Pavel, người giúp việc đã giúp cậu tìm thấy chiếc lốp xe đang đừng gọt khoai tây bên khung cửa sổ và đã nhìn thấy tai nạn đó. Khi Bruno ngước lên lần nữa cậu đã thấy Pavel đang vội vã chạy về phía mình và chỉ khi ông chạy tới nơi cậu mới cảm thấy đủ tin tưởng để mặc cho cảm giác chóng mặt dữ dội vốn đang bủa vây xung quanh được bao phủ lấy cậu hoàn toàn. Câu khuỵu người xuống một chút nhưng lần này thì không ngã xuống đất nữa bởi vì Pavel đã bế xốc cậu lên. “Cháu không biết chuyện gì đã xảy ra nữa,” cậu nói. “Cái đu chẳng có vẻ gì là nguy hiểm cả mà.” “Cậu đã bay lên quá cao,” Pavel nói bằng âm điệu trầm tĩnh khiến Bruno ngay lập tức cảm thấy an toàn. “Tôi nhìn thấy cả. Lúc đấy tôi đã nghĩ cậu có thể gặp tai nạn bất cứ lúc nào.” “Và cháu đã gặp rồi,” Bruno nói. “Rõ là thế.” Pavel bế cậu qua bãi cỏ trở vào nhà, đưa cậu vào bếp rồi đặt cậu xuống một trong những chiếc ghế gỗ. “Mẹ cháu đâu rồi ạ?” Bruno hỏi, đưa mắt khắp xung quanh tìm kiếm người cậu vẫn tìm kiếm đầu tiên mỗi khi gặp tai nạn. “Mẹ cậu vẫn chưa về, tôi e là vậy,” Pavel nói, quỳ dưới sàn nhà trước mặt cậu và kiểm tra đầu gối của cậu. “Ở đây chỉ có mình tôi thôi.” “Vậy thì chuyện gì sẽ xảy ra đây?” Bruno hỏi, bắt đầu hơi hoảng, một cảm xúc khiến cậu suýt phát khóc. “Cháu có thể chảy máu tới chết mất.” Pavel khẽ bật cười lắc đầu. “Cậu sẽ không chảy máu tới chết đâu,” ông nói, đẩy một chiếc ghế đẩu ra xa và đặt chân Bruno lên đó. “Cứ để yên một lát. Hộp cấp cứu ở gần đây thôi.” Bruno nhìn theo ông đi quanh trong bếp, lôi từ trong tủ ra một chiếc hộp cấp cứu màu xanh rồi đổ đầy nước vào một cái bắt nhỏ, cho ngón tay vào thử trước để đảm bảo nước không quá lạnh. “Cháu có phải đi bệnh viện không ạ?” Bruno hỏi. “Không, không đâu,” Pavel nói khi ông quay lại quỳ gối xuống chỗ cũ, nhúng một miếng vải khô vào bát nước rồi chấm nhẹ nhàng lên đầu gối Bruno, cậu nhăn mặt đau đớn khi ông làm vậy mặc dù thật sự thì không hẳn đau tới mức đó. “Chỉ là một vết rách nhỏ thôi. Thậm chí không cần phải khâu nữa kìa.” Bruno cau mày và cắn môi thật căng thẳng khi Pavel lau máu trên vết thương rồi bịt thật chặt bằng một miếng vải khác vào đó trong vài phút. Khi ông mở miếng vải ra, thật nhẹ nhàng, máu đã cầm lại, rồi ông lấy ra một chai nhỏ chứa chất lỏng màu xanh từ hộp cứu thương và chấm chấm nhẹ lên vết thương, cảm giác nhoi nhói khiến Bruno liên tục phải kêu “Ối” mấy lần. “Có đau tới thế đâu,” Pavel nói, nhưng bằng một giọng thật dịu dàng và đôn hậu. “Đừng làm cho vết thương tệ hơn bằng cách nghĩ nó đau hơn thực tế.” Bằng cách nào đó những lời nói ấy đã tác động tới Bruno và cậu đã cưỡng lại được cái thôi thúc muốn kêu thêm vài tiếng “Ối” nữa. Còn Pavel, sau khi bôi xong thứ chất lỏng màu xanh đó cho cậu, ông lấy từ trong hộp cứu thương ra một chiếc băng gạc và dán lên vết rách. “Xong,” ông nói, “Tốt hơn cả rồi đấy,nhỉ?” Bruno gật đầu và cảm thấy hơi xấu hổ về bản thân vì đã không thể hiện được vẻ dũng cảm mà cậu muốn thể hiện. “Cảm ơn ông.” Cậu nói. “Không có gì,” Pavel nói. “bây giờ cậu phải ngồi yên trong ít phút nữa trước khi cậu lại chạy đi chơi với đôi chân này, được chứ? Hãy cho vết thương thư giãn đôi chút. Và hôm nay đừng có tới gần cái đu nữa đấy nhé.” Bruno gật đầu và giữ chân duỗi thẳng trên chiếc ghế đẩu trong khi Pavel đi về phía bồn rửa tay và rửa tay thật kỹ, thậm chí còn dùng bàn chải kì cọ mặt trong móng, sau đó ông lau khô tay và trở lại với công việc gọt khoai tây. “Ông có kể với mẹ chuyện này không ạ?” Bruno hỏi, cậu đã dành vài phút cuối băn khoăn không biết mọi người sẽ nhìn cậu như một anh hùng gặp phải tai họa hay là một tên quỷ sứ bày ra trò nghịch chết người. “Tôi nghĩ bà ấy sẽ tự mình nhìn thấy thôi,” Pavel nói, ông vừa mang những củ cà rốt đặt trên bàn, ngồi xuống đối diện với Bruno và bắt đầu gọt vỏ vào một tờ báo cũ. “Vâng, cháu cũng nghĩ thế,” Bruno nói. “Có thể mẹ sẽ muốn đưa cháu đi bác sĩ.” “Tôi không nghĩ như vậy đâu,” Pavel trầm tĩnh nói. “Ông biết làm sao được?” Bruno nói, câu không muốn tai nạn của cậu bị lãng quên dễ dàng như thế. (Xét cho cùng, đó chính là chuyện thú vị nhất xảy ra với cậu từ khi tới đây mà). “Vết thương có thể tồi tệ hơn so với vẻ bề ngoài.” “Không đâu,” Pavel nói, hầu như chẳng buồn lắng nghe Bruno, những củ cà rốt đã thu hút quá nhiều sự chú ý của ông. “Ồ, làm sao mà ông biết được chứ?” Bruno nhanh miệng hỏi, cảm thấy mỗi lúc một tức tối mặc cho sự thật rằng đây là người đã bế xốc cậu lên khỏi mặt đất, đưa cậu vào nhà và chăm sóc cậu. “Ông đâu phải là bác sĩ.” Pavel ngưng gọt cà rốt trong giây lát và nhìn Bruno qua chiếc bàn, đầu ông cuối thấp, hai mắt nhìn lên, như thể ông đang băn khoăn xem nên nói gì trong trường hợp này. Ông thở dài và có vẻ như cân nhắc về điều đó một lúc rất lâu trước khi nói. “Phải, tôi là bác sĩ đấy.” Bruno nhìn chằm chằm ông kinh ngạc. Cậu không hiểu gì lời ông vừa nói cả. “Nhưng ông là người phục vụ mà,” cậu nói chầm chậm. “Và ông gọt rau quả cho bữa tối. Làm sao ông có thể cũng là bác sĩ được.” “Này thanh niên,” Pavel nói (và Bruno đánh giá cao sự lịch sự của ông khi gọi cậu là “thanh niên” thay vì “bé con” như trung úy Kotler), “tôi thật sự là một bác sĩ. Đâu phải một người cứ chăm chăm nhìn lên trời hằng đêm thì có nghĩa anh ta là một nhà thiên văn, cậu biết rồi đấy.” Bruno không hiểu Pavel muốn nói gì nhưng có gì đó trong những lời ông nói khiến lần đầu tiên cậu nhìn ông thật kỹ. Đó là một người đàn ông khá nhỏ bé và rất gầy nữa, với những ngón tay dài và gương mặt xương xương. Ông già hơn cha cậu nhưng trẻ hơn ông nội, điều đó vẫn có nghĩa là ông đã khá già và mặc dù Bruno chưa từng nhìn thấy ông trước khi tới Ao Tuýt, có một cái gì đó trên gương mặt ông khiến cậu tin rằng trước đây ông từng có một bộ râu. Nhưng giờ thì không còn nữa. “Nhưng cháu không hiểu,” Bruno nói, mong muốn hiểu rõ ngọn ngành chuyện này. “Nếu ông là bác sĩ, vậy thì tại sao ông lại phục vụ bàn ăn? Tại sao ông không làm việc trong một bệnh viện ở nơi nào đó?” Pavel ngập ngừng một lúc lâu trước khi trả lời, và trong khi ông ngập ngừng như vậy Bruno chẳng nói gì. Cậu không rõ vì sao nhưng cậu cảm thấy việc lịch sự nên làm là chờ đợi cho đến kho Pavel sẵn sáng lên tiếng. “Trước khi tới đây, tôi đã hành nghề y,” cuối cùng ông nói. “Hành nghề?” Bruno hỏi, cậu không quen với từ này. “Thế hồi đó ông đã làm việc không tốt ạ? Pavel mỉm cười. “Tôi đã làm rất tốt,” ông nói, “Cậu biết không, tôi đã luôn muốn trở thành bác sĩ. Từ hồi còn bé. Từ hồi tôi bằng tuổi cậu bây giờ.” “Cháu thì muốn trở thành một nhà thám hiểm.” Bruno nói ngay. “Chúc cậu may mắn,” Pavel nói. “Cảm ơn ông.” “Vậy cậu đã từng thám hiểm ra thứ gì chưa?” “Lúc còn ở ngôi nhà của gia đình cháu ở Berlin, cháu đã hoàn thành bao nhiêu cuộc thám hiểm ấy chứ,” Bruno nhớ lại. “Nhưng mà hồi ấy, đó là một ngôi nhà rất lớn, lớn hơn ông có thể tưởng tượng được nhiều, vậy nên có rất nhiều chỗ để khám phá. Chẳng giống nơi đây chút nào.” “Chẳng có cái gì giống nơi đây cả,” Pavel đồng ý. “Ông đến Ao Tuýt từ lúc nào ạ?” Bruno hỏi. Pavel đặt củ cà rốt và chiếc gọt xuống trong giây lát và suy nghĩ. “Tôi nghĩ tôi đã luôn luôn ở đây,” cuối cùng ông nói bằng một giọng lặng lẽ. “Ông lớn lên ở đây à?” “Không,” Pavel nói, lắc lắc đầu. “Không phải, tôi không lớn lên ở đây.” “Nhưng ông vừa nói...” Trước khi câu kịp nói tiếp, giọng của mẹ cậu đã vang lên ở phía bên ngoài. Ngay khi nghe thấy bà, Pavel đứng bật dậy khỏi chỗ ngồi và quay lại bên chậu rửa với những củ cà rốt, chiếc gọt và tờ báo đầy vỏ, quay lưng lại với Bruno, cuối đầu xuống thấp và không nói gì nữa. “Chuyện gì đã xảy ra với con vậy trời?” mẹ cậu hỏi khi bà xuất hiện ở nhà bếp, cuối xuống xem miếng băng gạc phủ lên vết rách của Bruno. “Con đã làm một cái đu và sau đó con bị ngã từ trên cao xuống,” Bruno giải thích. “Rồi chiếc đu đập vào đầu con và con suýt nữa ngất xỉu, nhưng ông Pavel đã chạy ra đưa con vào nhà và lau sạch vết thương rồi băng bó lại cho con, đau lắm nhưng con không hề khóc mẹ ạ. Cháu không khóc lần nào, đúng vậy không ông Pavel?” Pavel hơi quay người về hướng hai mẹ con cậu nhưng không ngẩng đầu lên. “Vết thương đã được lau sạch,” ông khẽ nói, mà không trả lời câu hỏi của Bruno. “Không có gì phải lo lắng nữa đâu.” “Lên phòng con đi, Bruno,” mẹ cậu nói, bây giờ trông bà rõ ràng không hề thoải mái. “Nhưng con...” “Đừng cãi lời mẹ... lên phòng con đi!” bà quả quyết và Bruno bước xuống ghế, dồn trọng lượng cơ thể sang bên mà cậu đã quyết định gọi là cái chân tồi tệ, khiến nó hơi đau một chút. Cậu quay người rời phòng bếp nhưng khi bước về phía cầu thang cậu vẫn còn nghe thấy mẹ đang nói lời cảm ơn Pavel, và điều này khiến cậu vui vì chắc chắn ai cũng có thể thấy rõ là nếu không có ông thì cậu hẳn đã bị chảy máu cho tới chết. Cậu nghe thấy lời cuối cùng trước khi lên tầng và đó cũng là câu cuối cùng mẹ nói với người phục vụ đã nhận mình là bác sĩ. “Nếu Ngài Chỉ huy hỏi, chúng ta sẽ nói rằng tôi đã lau vết thương cho Bruno nhé.” Đối với Bruno điều đó thật sự quá sức ích kỷ và là cách mẹ tranh công một công việc mà mẹ không làm. Chú thích
2. Spare tyre vừa có nghĩa là lốp xe thay thế vừa có nghĩa là phần mỡ thừa ở bụng
2. Spare tyre vừa có nghĩa là lốp xe thay thế vừa có nghĩa là phần mỡ thừa ở bụng