rong suốt mấy tuần sau khi xảy ra chuyện này Bruno vẫn tiếp tục rời khỏi nhà khi ông Liszt đã ra về còn mẹ cậu thì đang chợp mắt ban chiều, cậu cuốc bộ vất vả một đoạn đường xa dọc theo hàng rào tới gặp Shmuel, hầu như chiều nào nó cũng ở đó chờ cậu, ngồi bệt khoanh chân, nhìn chằm chằm xuống khoảng đất bụi bên dưới. Một chiều Shmuel có một bên mắt thâm đen, và khi Bruno hỏi nó về vết thâm ấy thì nó chỉ lắc đầu bảo nó không muốn nói tới chuyện đó. Bruno cho rằng trên khắp thế giới này đâu đâu cũng có bọn chuyên đi bắt nạt chứ chẳng riêng gì trong các trường học ởBerlin, và chắc hẳn là một trong số bọn chúng đã làm ra chuyện này với Shmuel. Cậu tha thiết cảm thấy muốn giúp bạn nhưng không thể nghĩ ra mình làm được gì để cải thiện tình hình, mà cậu cũng thấy Shmuel muốn vờ như chuyện đó chưa hề xảy ra. Ngày nào Bruno cũng hỏi Shmuel liệu cậu chui qua hàng rào sang bên đó để hai đứa có thể chơi cùng nhau thì có được không, nhưng ngày nào Shmuel cũng bảo không, đó không phải là một ý tưởng hay. “Mà tớ không hiểu sao cậu lại nóng lòng muốn sang đây đến thế,” Shmuel nói. “không có gì hay lắm đâu.” “Cậu chưa thử sống trong nhà tớ đấy thôi,” Bruno nói. “Thứ nhất là nó không có năm tầng, có mỗi ba. Làm sao có ai sống nổi ở một nơi nhỏ như thế chứ?” cậu đã quên chuyện Shmuel kể về tất cả 11 người phải sống chung cùng một phòng trước khi bọn họ tới Ao Tuýt, bao gồm cả cái thằng Luka cứ suốt ngày đánh nó ngay cả khi nó không làm gì sai. Một hôm Bruno hỏi tại sao Shmuel và tất cả những người khác ở phía hàng rào bên đó đều mặc cùng kiểu pyjama sọc và đội mũ vải. “Đó là thứ họ phát cho bọn tớ khi bọn tớ tới đây,” Shmuel giải thích. “Họ mang hết quần áo khác của bọn tớ đi.” “Nhưng cậu chẳng khi nào thức dậy buổi sáng mà cảm thấy thích mặc cái gì đó khác à? Chắc hẳn phải có cái gì đó khác trong tủ quần áo của cậu chứ?” Shmuel chớp mắt và mở miệng toan nói gì đó nhưng rồi nghĩ thế nào lại thôi. “Thậm chí tớ còn chẳng ưa đồ sọc,” Bruno nói, mặc dù điều này không đúng cho lắm. thực sự thì cậu rất thích đồ sọc và cậu cảm thấy ngày một chán ngán vì cứ phải mặc quần âu với áo sơ mi, thắt nơ bướm, đi giày quá chật với mình trong khi Shmuel và bạn bè nó được mặc đồ pyjama suốt cả ngày. Mấy ngày sau, một hôm Bruno thức dậy và lần đầu tiên trong suốt nhiều tuần trời đổ mưa to. Trời bắt đầu mưa vào một thời điểm nào đó trong đêm, thậm chí Bruno còn thấy hình như cơn mưa đã đánh thức mình, nhưng khó khắng định rõ bởi đến khi cậu tỉnh hẳn thì chẳng cách nào biết được chuyện đã xảy ra như thế nào nữa. khi cậu ăn điểm tâm sáng đó, mưa vẫn rơi. Suốt giờ học buổi sáng với ông Liszt, mưa vẫn rơi. Trong khi cậu ăn trưa, mưa vẫn rơi. Và khi họ kết thúc một bài học nữa về lịch sử và địa lý vào buổi chiều, mưa vẫn rơi. Đây quả là tin xấu bởi vì nó có nghĩa cậu sẽ không thể rời khỏi nhà tới gặp Shmuel. Chiều ấy Bruno nằm trên giường đọc sách thấy thật khó có thể tập trung, thế rồi khi thấy “trường hợp vô vọng” đi vào tìm cậu. cô không hay vào phòng Bruno, khi rảnh rỗi cô thích liên tục sắp đi sắp lại bộ sưu tập búp bê hơn. Tuy nhiên, trong cái thời tiết mưa gió này có gì đó khiến cô muốn tạm dứt ra khỏi trò chơi đó và không thể quay lại chơi ngay. “Chị muốn gì?” Bruno hỏi. “Chào hay đấy,” Gretel nói. “Em đang đọc,” Bruno nói. “En đang đọc gì?” cô hỏi cậu, và thay vì trả lời cậu chỉ quay bìa sách lại cho cô tự thấy. Cô xì một tiếng khiến nước bọt bắn cả vào mặt Bruno. “Chán ngắt,” cô dài giọng nói. “Không chán tí nào,” Bruno nói. “Nó kể về một cuộc phiêu lưu. Hay hơn búp bê là cái chắc.” Gretel không nổi đóa lên với mấy lời khiêu chiến nhử mồi đó. “Em đang làm gì?” cô nhắc lại, thế này còn khiến Bruno bực mình hơn. “Em nói với chị rồi, em đang cố đọc,” cậu gắt gỏng. “Nếu một ai đó để yên cho em.” “Chị chẳng có việc gì làm cả,” cô đáp. “Chị ghét trời mưa.” Bruno thấy chuyện này thật khó hiểu. đằng nào thì Gretel cũng đâu có vẻ đã từng làm bất kể việc gì chứ, đâu có như cậu, cậu có những cuộc phiêu lưu, khám phá nhiều chỗ và còn kết được một người bạn. cô hầu như chẳng khi nào ra khỏi khu nhà. Cứ như thể cô đã quyết định cảm thấy buồn chán chỉ bởi vì trong trường hợp này cô không được lựa chọn về việc có ở trong nhà hay không. Nhưng dù sao, cũng có những khoảnh khắc em trai và chị gái có thể hạ vũ khí tra tấn xuống trong chốc lát mà nói năng như những người văn minh, và Bruno quyết định biến lúc này thành một trong những khoảnh khắc ấy. “Em cũng ghét mưa,” cậu nói. “Lúc này lẽ ra em đến chỗ Shmuel. Cậu ấy sẽ nghĩ em đã quên cậu ấy.” Từ ngữ bay ra khỏi miệng cậu nhanh hơn cậu kịp ngăn chúng lại, cậu thấy dạ dày mình quặn lên và trở nên tức giận với chính mình vì đã nói ra điều đó. “Em nên ở chỗ ai hả?” Gretel hỏi. “Gì cơ?” Bruno hỏi, chớp mắt vờ ngây thơ nhìn cô. “Em vừa nói em nên ở chỗ ai?” cô lại hỏi. “Em xin lỗi,” Bruno nói, cố nghĩ cho thật nhanh. “Em không nghe chị rõ lắm. chị có thể nói lại được không?” “Em vừa nói em nên ở chỗ ai?” cô hét tướng lên, vươn người về trước để lần này không thể nghe nhầm được nữa. “Em có nói em nên ở chỗ ai bao giờ đâu,” cậu nói. “Có, em có nói đấy. Em đã nói ai đó sẽ nghĩ em đã quên người ta.” “Gì cơ?” “Bruno!” Gretel nói bằng giọng đe dọa. “Chị điên à?” cậu hỏi, cố gắng khiến cô nghĩ rằng cô đã hoàn toàn tưởng tượng ta chuyện đó, chỉ có điều không thuyết phục cho lắm vì cậu không phải là một diễn viên kịch thiên bẩm như bà nội, thế nên Gretel lắc đầu và trỏ một ngón tay vào cậu. “Em đã nói gì, Bruno?” cô khăng khăng. “Em nói có một ai đó em nên ở cùng. Ai vậy? Nói cho chị ngay! Không có ai quanh đây để chơi cùng đấy chứ, phải không?” Bruno cân nhắc về tình trạng tiến thoái lưỡng nan mà cậu vừa mắc phải. Một mặt, chị cậu và cậu có một điểm chung cốt yếu: cả hai không phải người lớn. Và mặc dù chưa bao giờ thèm hỏi, rõ rành rành là ở Ao Tuýt này chị cũng cô đơn y hệt như cậu vậy. Xét đến cùng, hồi còn ở Berlin chị có Hilda, Isobel và Louise để chơi cùng; bọn họ có thể là những cô gái nhiễu sự nhưng chí ít họ cũng là bạn của chị. Ở đây chị chẳng hề có ai ngoại trừ bộ sưu tập những con búp bê vô hồn vô cảm. Rốt cuộc cũng đâu có ai biết Gretel đã phát điên lên ra sao? Có khi thấy chị ấy còn tưởng tượng ra bọn búp bê đang nói chuyện với mình nữa kia. Nhưng đồng thời, có một sự thật không thể chối cãi rằng Shmuel là bạn của cậu chứ không phải của chị và cậu không muốn chia sẻ người bạn đó. Chỉ có một cách để giải quyết chuyện này đó là nói dối. “Em có một người bạn mới,” cậu bắt đầu. “Một người bạn mới ngày nào em cũng tới gặp. và giờ cậu ấy đang chờ em. Nhưng chị không được nói với ai đâu đấy.” “Sao không?” “Vì cậu ấy là một người bạn tưởng tượng,” Bruno nói, cố hết sức để trông ra vẻ ngượng ngùng, y như trung úy Kotler khi anh ta bị mắc kẹt trong câu chuyện của chính mình về người cha ở Thụy Sĩ. “Bọn em chơi với nhau hằng ngày.” Gretel há hốc miệng, chăm chăm nhìn cậu em rồi cười phá lên. “Một người bạn tưởng tượng!” cô rú lên. “Chẳng phải em đã hơi lớn với trò người bạn tưởng tượng rồi à?” Bruno cố sao trông có vẻ e thẹn và xấu hổ để làm cho cậu chuyện thêm phần thuyết phục. Cậu co người lại trên giường và không nhìn vào mắt cô, điều này tạo hiệu quả rất cao và khiến cậu nghĩ rằng có lẽ suy cho cùng mình chẳng phải một diễn viên tối đến thế. Cậu ước gì mình có thể làm mặt mình đỏ lên nhưng khó quá. Cậu đành nghĩ về những chuyện xấu hổ đã xảy ra trong những năm qua và băn khoăn không biết chúng có thể giúp cậu đạt được mục đích hay không. Cậu nghĩ về lần cậu quên chốt cửa phòng tắm rồi bà nội đi vào và thấy hết mọi thứ. Cậu nghĩ về lần cậu giơ tay phát biểu rồi gọi cô giáo là “mẹ” và mọi người đã cười cậu thối mũi. Cậu nghĩ về lần đang cố gắng biểu diễn một trò đặc biệt trước mặt bọn con gái thì bị ngã xe đạp đánh oạch, rách cả đầu gối và bật khóc tu tu. Một trong mấy chuyện đó có tác dụng và mặt cậu bắt đầu đỏ bừng lên. “Nhìn em kìa,” Gretel nói, xác nhận điều đó. “Em đỏ dừ hết cả rồi.” “Vì em không muốn kể với chị,” Bruno nói. “Một người bạn tưởng tượng. thật tình, Bruno, em đúng là một trường hợp vô vọng đấy.” Bruno mỉm cười bởi vì cậu biết hai điều. Thứ nhất, cậu đã nói dối mà không bị phát hiện và thứ hai, nếu có ai đó là “trường hợp vô vọng” quanh đây thì đó không phải cậu. “Để em yên,” cậu nói. “Em muốn đọc sách.” “Ôi, sao em không nằm đó nhắm mắt lại để cậu bạn tưởng tượng đọc sách cho em nhỉ?” Gretel nói, lúc này trông cô thật tự mãn vì đã nắm được một điều gì đó ở cậu và không vội buông tay. “Tiết kiệm công sức cho em còn gi.” “Có lẽ em nên bảo cậu ấy sang thổi bay hết tất cả những con búp bê của chị ra khỏi cửa sổ,” cậu nói. “Cứ thử xem, sẽ rắc rối to đấy,” Gretel nói, và cậu biết cô không đùa. “Thôi, kể cho chị xem nào, Bruno. Em với cậu bạn tưởng tượng đó làm gì cùng nhau mà khiến cậu ta trở nên đặc biệt quá vậy?” Bruno suy nghĩ một lát. Cậu nhận ra mình thực sự muốn nói chút chút về Shmuel và đây có thể là cách để làm điều đó mà không phải tiết lộ với Gretel sự thật về sự tồn tại của nó. “Bọn em nói về mọi thứ,” Bruno nói với Gretel. “Em kể cho cậu ấy về ngôi nhà của bọn mình hồi còn ở Berlin và tất cả những ngôi nhà khác cùng những con phố, quầy rau quả, tiệm cà phê, và chuyện mình không nên đi vào thành phố vào chiều thứ bảy trừ khi ta muốn bị xô bên nọ đẩy bên kia, rồi về Karl, Daniel và Maurin và chuyện chúng là ba người bạn thân nhất trần đời của em.” “Thú vị quá nhỉ,” Gretel nói với vẻ châm biếm bởi vì gần đây cô mới tổ chức lễ sinh nhật lần thứ 13 và cô nghĩ rằng câu chế nhạo đó có độ tinh tế cực kỳ cao. “Thế cậu ta kể gì với em?” “Nó kể với em về gia đình nó, về cửa hiệu đồng hồ mà nó từng sống bên trên, về những cuộc phiêu lưu đã đưa nó tới đây, về những người bạn mà nó từng có và những người tới đây nó mới quen, về mấy đứa trước đây nó từng chơi cùng và giờ thì không còn nữa vì chúng đã biến mất mà thậm chí chẳng chào tạm biệt.” “Nghe có vẻ như nó là một thùng chuyện vui ấy nhỉ,” Gretel nói. “Ước gì nó cũng là bạn tưởng tượng của chị.” “Hôm qua nó còn kể với em là đã mấy ngày rồi nó không thấy ông nó mà cũng chẳng ai biết ông nó đang ở đâu và mỗi khi nó hỏi cha về ông thì cha nó bắt đầu khóc và ôm nó thật chặt tới mức nó sợ rằng cha sẽ siết mình tới chết ngạt mất.” Bruno nói đến câu cuối và nhận ra rằng giọng mình đã trở nên rất lặng. đây thực sự là những điều Shmuel đã kể với cậu, nhưng vì lý do nào đấy lúc đó cậu không hiểu rằng chuyện ấy hẳn phải khiến bạn cậu buồn tới mức nào. Khi chính mình nói những lời này ra thành tiếng, Bruno cảm thấy thật tệ là cậu đã không cố nói điều gì đó cho Shmuel khuây khỏa mà thay vì thế lại bắt đầu nói về những thứ ngớ ngẩn như trò khám phá. Mai mình sẽ xin lỗi nó, cậu tự nhủ. “Nếu cha mà biết em đang nói chuyện với bạn tưởng tượng, em sẽ không thoát khỏi rắc rối đâu,” Gretel nói. “Chị nghĩ em nên thôi đi.” “Tại sao?” Bruno hỏi. “Bởi vì nó không lành mạnh,” cô nói. “Đó là dấu hiệu ban đầu của bệnh điên.” Bruno gật đầu. “E là em không thôi được,” cậu lên tiếng sau một khoảng lặng kéo dài. “Em không nghĩ em muốn làm thế.” “À, cũng vậy cả thôi,” Gretel nói, cô đang trở nên thân thiện hơn qua từng giây, “Nếu là em, chị sẽ giữ nó cho riêng mình.” “Vâng,” Bruno nói, cố tỏ ra buồn bã, “Có lẽ chị đúng. Chị sẽ không kể với bất kỳ ai chứ, phải không?” Cô lắc đầu. “Không một ai. Ngoại trừ người bạn tưởng tượng của riêng chị.” Bruno há hốc miệng. “Chị cũng có một người bạn?” cậu hỏi, tưởng tượng ra Gretel ở một khu khác bên hàng rào, nói chuyện với một cô bạn đồng trang lứa, mỗi lần gặp hai người lại cùng nhau mỉa mai châm biếm hàng giờ đồng hồ. “Không đâu,” cô nói, cười lớn. “Chị 13 tuổi rồi, vì Chúa! Chị không thể nào chịu nổi việc hành động như một đứa trẻ, dù em thì có thể.” Và với câu nói đó cô ngúng nguẩy đi ra khỏi phòng. Qua hành lang Bruno có thể nghe thấy cô đang nói chuyện với đám búp bê trong phòng, rầy la bọn chúng rằng cô mới vừa quay lưng đi là bọn chúng nháo nhào thành một đống lộn xộn khiến cô phải sắp xếp lại thế này, rằng chúng nghĩ cô không có việc gì hay ho hơn để làm với thời gian của mình hay sao? “Chỉ tại một số người!” cô nói to trước khi bắt tay vào công việc. Bruno cố gắng quay lại với cuốn sách, nhưng giờ cậu không còn hứng thú với nó nữa, thay vào đó, cậu nhìn ra ngoài trời mưa mà tự hỏi liệu Shmuel, dù lúc này nó ở đâu, có cùng đang nghĩ đến cậu không và có nhớ những cuộc chuyện trò của hai đứa nhiều như cậu đang nhớ không.