Khởi hành từ Sàigòn lúc 7: 30. Tôi đến vùng dì Phong ở đúng 12 giờ. Chiếc xe đò chạy vào bãi đậu của một quán ăn để hành khách xuống ăn cơm trưa. Giờ này có lẽ nhà dì Phong cũng đang ăn cơm nên tôi theo hành khách vào quán. Tôi gọi một đĩa cơm sườn và một ly đá chamh dùng cho qua bữa. Tất cả hành khách đều ăn uống vội vàng rồi lại lên xe ngồi, chuyến xe tiếp tục chạy đến Nha Trang vào buổi chạng vạng. Nơi đây không có loại xe Honda "ôm" như ở các thành phố. Những chuyến xe lam đầy khách ngồi cả trên mui, thường chạy vút qua và tôi chẳng thể giơ tay vẫy đón. Nhớ lại những lời dì Phong chỉ bảo, tôi dời quán, tay cầm valy đựng quần áo và sách vở, đi ngược lên quốc lộ. Hai bên đường nhà cửa dựng lên sát nhau, tuy là một vùng quê nhưng thấy thật hiếm hoi có những tàng cây lớn trong sân mỗi nhà. Đồng ruộng có lẽ ở phía sau những dãy nhà kia, tôi đoán vậy vì dì Phong đã cho biết ở đây đa số dân chúng sống bằng nghề nông. Từ xa, tôi đã nhận ra ngôi nhà của dì Phong dễ dàng nhờ những lời tả cặn kẽ của dì mỗi khi đi Sàigòn ghé thăm gia đình tôi. Ngôi nhà duy nhất ở vùng này không quét vôi mà trát bằng những viên đá nhỏ xanh nhạt. Trước nhà có hai chữ Thanh Vân màu đỏ. Ngôi nhà mới xây cất, cao hai tầng trông to lớn, bệ vệ nổi bật giữa những mái nhà thấp mái ngói đen đã cũ. Tôi không tưởng nổi sự ngạc nhiên của dì Phong khi nhận thấy tôi đặt valy trước cửa nhà. Dì và một cậu con trai đang loay hoay tính toán với những quyển sổ, ở một chiếc bàn có vân vàng bóng kê sát góc nhà. Tôi nói chào dì và bà đã buông cây bút Bic đang cầm ở tay, đứng trợn mắt ngó tôi, thở hổn hển một lúc mới nói được. - Thằng khỉ, mày làm dì hết hồn! Tôi cười. - Chính dì làm cháu hết hồn thì có. Cháu cứ tưởng dì bị đứng tim. Bấy giờ bà mới cười và hỏi thăm tôi vồn vã. Cùng một lúc bà đặt cả chục câu hỏi về tôi, gia đình tôi, thời tiết Sàigòn, và tôi chẳng biết phải trả lời câu hỏi nào trước. Cậu con trai đứng dậy, chống hai tay lên mặt bàn nói - Má để anh ấy thở đã chứ. Má hỏi lu bù vậy ai trả lời nổi. Dì Phong kéo tay cậu nhỏ đứng trước mặt tôi. - Quên mất, để dì giới thiệu: Đây là Minh, con trai lớn của dì. Còn đây là anh Thanh, con bác Trung. Cậu em cúi chào tôi. Tóc cậu để khá dài. Cậu mặc chiếc áo thun màu đỏ có in hình trái tim với chữ Love và chiếc quần jean ống rộng. Trông cậu có vẻ là một dân chơi miền quê. Tôi nói: - Còn chú và em Phượng đâu dì? - Ông ấy và con nhỏ vừa ăn cơm xong là đi giao hàng ngay, chiều mới về. Mùa hè nghỉ học, hai đứa con của dì đều trở thành thư ký phụ giúp việc ghi chép sổ sách. Đang mùa hái đậu, công việc khá bận rộn. À, mải nói chuyện quên mất, để dì nói người dọn cơm cho cháu. - Cám ơn dì, cháu đã ăn cơm ở quán. - Sang thế, vậy Minh hãy dẫn anh con lên lầu nghỉ trưa. Tôi cúi xuống xách valy đi theo cậu em. Dì Phong nói - Bỏ valy đấy, dì nói người làm đem lên cho. Tôi cười. - Nặng nhọc gì đâu, để cháu tập thể dục cho khỏe. Cậu em dẫn tôi lên lầu hai của ngôi nhà. Minh mở cửa và đưa tôi vào một phòng lớn. Em kéo những tấm màn che cửa sổ màu xanh lá cây cho nắng ùa vào. Nhìn ra ngoài, tôi thấy những cánh đồng lúa vàng nhạt lấp lánh ánh nắng ở phía xa, sau dãy nhà bên đường. Minh nói: - Anh ở phòng này được không? Phòng vẫn bỏ không dành cho khách. Em sẽ nói người làm thu dọn lại. Tôi nhìn quanh căn phòng. Bàn ghế, tủ quần áo, giường nệm, quạt trần, tất cả đều còn mới và bốn bức tường còn thơm mùi sơn. Tôi nói: - Tốt quá rồi, phòng của anh ở Sàigòn còn nhỏ và bê bối hơn phòng này nhiều. Cậu em cười. - Em nghe má em ca tụng anh ghê lắm. Hy vọng anh sẽ truyền cho em ít "nghề". Tôi hỏi: - "Nghề" xoay tiền má chăng? - "Nghề" đó em không cần phải học thêm, em dư sức xoay tiền má khi cần. Em muốn học "nghề" ăn chơi của dân Sàigòn để cho bọn ở đây "lác mắt". - Chuyện đó dễ quá mà. Bài học đầu tiên, em hãy bỏ chiếc áo thun màu đỏ đi. - Sao vậy, áo này mốt mới mà anh. - Em thấy đó, trời đang nắng chói chang. Chiếc áo thun màu đỏ rực trông "xốn" con mắt quá. Vả lại, do em ngăm đen, màu đỏ làm do em đen thêm. Em hãy để dành chiếc áo đó vào mùa mưa. Người ăn mặc đẹp là người biết cách chọn màu áo và kiểu áo hợp với thời tiết, màu do và khung cảnh mình sống. Cậu em gật gật đầu. - Anh nói có lý. Vậy bây giờ em phải mặc áo màu gì? - Màu trắng. - Cám ơn anh. Bây giờ anh nghỉ trưa, chiều em sẽ dẫn anh đi thăm phố quận. Minh đi ra, đến gần cầu thang em ngoảnh lại chỉ tay về phía cuối hành lang. - Em quên nói với anh, nhà tắm ở phía đó. Tôi nghe tiếng dép của Minh đang đi nhanh xuống cầu thang, nhỏ dần rồi mất hút. Tôi bật cười cho tính dễ nể phục của cậu em. Về cách ăn mặc tôi có biết quái gì đâu. Những lần đi chơi với tôi, cô em gái vẫn luôn miệng chê tôi ăn mặc lôi thôi, chẳng giống con giáp nào. Nhưng thực hành mới khó, lý thuyết ai mà chẳng nói được. Tôi mở valy lấy khăn tắm. Cần phải tắm rửa, gội sạch lớp bụi đường nhớp nhúa bám đầy trên người để có giấc ngủ trưa thỏa mái, chiều còn đi chơi. Tiếng gõ cửa làm tôi thức dậy. Suốt buổi sáng ngồi trên xe đò không chợp mắt được. Người mệt đừ nên vừa ngả lưng xuống giường tôi đã ngủ một giấc đã đời. Tiếng gõ cửa dè dặt vang lên. Tôi hỏi: - Ai đó? - Em đây. Nhận ra tiếng Minh, tôi nói: - Cứ vào. Cậu em đẩy cửa vào. Em đã thay chiếc áo thun đỏ bằng chiếc áo vải sợi màu trắng có hàng cúc trước ngực được cài cẩn thận. Tôi mỉm cười nói: - Chiếc áo hợp với em lắm, nhưng hãy mở một hạt cúc trên cùng trông cho “chic" hơn. - "Xích" là gì vậy anh? - Là ăn mặc đúng điệu. Minh mở một hạt cúc và nói: - Anh đi rửa mặt rồi em đưa anh đi dạo phố. Rửa mặt và thay quần áo xong, tôi theo Minh xuống nhà. Dì Phong đang ngồi ở bàn đếm tiền thấy tôi đi, dì cười hỏi: - Ngủ được không? - Dạ, cháu ngủ một giấc chẳng còn biết trời trăng gì nữa. - Dì sợ cháu lạ nhà ngủ không được. Má cháu nói cháu rất khó ngủ. Tôi cười. - Có lẽ tại đây yên tỉnh nên cháu ngủ dễ dàng. Minh nói - Con đưa anh ấy đi xem phố huyện. - Có gì mà xem. Cả huyện còn nhỏ hơn một con đường Sàigòn. Tôi nói: - Dạ, miền quê chắc có nhiều cảnh lạ, cháu cũng muốn được gặp các cô thôn nữ xem sao. Dì cười. - Ôi trời, họ đâu có đẹp bằng các cô ở sàigòn. Hai anh em đi chơi nhớ về sớm ăn cơm. Minh dẫn chiếc Honda màu đen từ trong nhà ra. Chiếc xe có ghi đông cao uốn cong và những đồ phụ tùng bằng đồng bóng loáng. Ở bình xăng dán đầy những bông hoa màu sắc rực rỡ. Tôi nghĩ cậu em bày đặt ăn chơi kiểu cọ cho bằng dân ở tỉnh, để quên đi mặc cảm dân quê của cậu. Con phố chính chẳng có gì đáng nhìn. Nhà cửa, quán nước, bàn billard trông có vẻ như một vùng ngoại thành sàigòn. Minh chạy xe chậm hai vòng cho tôi quan sát rồi em quay lại hỏi tôi. - Anh thấy có gì đặc biệt không? Tôi nói: - Em chở anh đi xem mấy cánh đồng chắc là thú vị hơn. Minh rồ ga cho xe chạy nhanh. Ra khỏi quố huyện chừng hai trăm thước, tôi đã thấy những cánh đồng nằm sát hai bên quốc lộ. Khi quay lại thấy huyện lỵ đã nằm sau dãy đồi trồng chuối và khoai mì, tôi nói Minh ngừng xe. Cậu em tắt máy dựng xe bên đường. Tôi đi xuống ngồi ở một bờ ruộng cỏ mọc xanh mướt. Cánh đồng trải dài đến tận dãy núi màu xanh lam ở phía xa. Đồng lúa trong ánh nắng buổi chiều vàng rực khiến tôi nhớ đến mấy bức tranh sơn dầu vẽ phong cảnh miền quê của cézanne. So sánh những tranh đó với đồng lúa này, tôi phục tài dùng màu vàng của nhà danh họa người Pháp. Thiên nhiên có những màu sắc đẹp lạ lùng và một người vẽ dở như tôi chẳng bao giờ pha trộn được màu sắc đó. Màu vàng vốn là màu tôi thù ghét, nhưng nhìn cánh đồng lúa chín vàng trước mặt, tôi đã yêu vẻ đẹp óng ả, rạng rỡ, tiềm ẩn sức sống mãnh liệt của màu vàng. - Anh làm gì mà có vẻ mê cánh đồng này quá vậy? Tiếng Minh làm tôi giật mình. Cậu em đã đi xuống bờ ruộng và đứng ở bên tôi lúc nào. Tôi ngắt một gié lúa, bứt hạt bỏ vào miệng nhai. Những hạt lúa non mềm ngọt. Tôi nói: - Anh mới nhìn thấy đồng lúa chín lần đầu. Vẻ đẹp nào mới nhìn thấy lần đầu cũng khiến mình say mê. Minh cười. - Anh mê cánh đồng này còn hơn nông dân. Nếu làm ruộng chắc anh sẽ trúng lớn. Cậu em tôi cũng biết khôi hài đấy chứ. Chưa hiểu nhiều về em, nhưng tôi đã mến em ở tính vui vẻ đó. bất cứ người nào (hay con vật nào) biết tạo nụ cười cho người khác tôi đều quí mến. Đấy là lý do tôi ưa thích con khỉ hơn các con vật có bề ngoài xinh đẹp. Tôi mến con khỉ, tôi thương con khỉ hơn vì nó đã làm hề không công cho mọi người xem. Tôi cười trả lời cậu em. - Biết đâu đấy có thể anh sẽ cưới một cô thôn nữ và lập nghiệp luôn ở đây. À, ruộng nhà em nằm ở đâu? - Ruộng nhà em nằm rải rác nhiều nơi, nhưng cho người ta thuê hết rồi. Bây giờ chỉ còn rẫy giao cho bác Năm coi. - Rẫy là gì vậy? - Đấy là những mảnh đất rộng và người ta trồng nhiều thứ hoa mầu như Đậu xanh, đậu phụng, khoaimi, dưa. Trong rẫy còn có vườn trồng táo, ổi, mít, dừa, xoài. - Rẫy nhà em ở gần đây không? - Cách chừng năm cây số. - Vậy chở anh đi xem. - xem hết mọi thứ trong chiều nay chắc đến ngày mai anh phải nằm nhà, vì ở đây chẳng có gì đáng để xem cả. Tôi bèn xổ danh ngôn. - Việc gì làm được ngày hôm nay chớ để đến ngày mai. Biết đâu ngày mai anh đau bụng và chẳng thể đi đâu. - Anh đau bao tử à? - Tim, gan, ruột, bao tử, lá lách, phổi phèo, đầu óc... cái gì trong người anh cũng dễ đau. Vì vậy anh rất quí những giây phút khỏe mạnh. Minh cười. - Đau cái gì cũng được, nhưng hễ đau tim thì mệt lắm. Tôi vừa ngồi lên xe. Minh đã rồ ga cho xe "vọt" đi khiến tôi xúyt ngã và phải bám chặt vào hông cậu em. Hai bên đường xen lẫn giữa những cánh đồng lúa chín vàng còn có những cánh đồng lúa xanh ngắt. Tôi không nhìn thấy bóng một ngôi nhà ở đây. Gió thổi tóc tôi bay ngang tai kêu vo vo như tiếng thông reo ở Đà Lạt. Xe chạy thêm một lúc một lâu, tôi đã thấy những mái nhà tranh màu xám tro. Hai bên đường không còn những cánh đồng lúa, thay vào đó những cây cao cành lá xum xuê. Tôi đoán chúng là những cây xoài vì đã có dịp thấy hình dáng những cây đó trong những mảnh vườn rộng lớn ở Long Xuyên. Đang chạy xe thật nhanh trên quốc lộ, Minh quẹo xe vào một con đường đầy ổ gà và cho xe chạy chậm để tránh những chiếc xe lam đầy người chạy ngược lên. Dọc theo một bên đường có con sông nước phẳng lặng, bên kia sông có đồi cát chạy dài màu nâu đỏ, Minh cho xe chạy đến một bãi cỏ rồi ngừng lại. Em chỉ cho tôi thấy trường trung học của em nằm ở một bên đường, gần ngôi đình cổ sắp đổ nát. Ngôi trường xây cất theo hình chữ U và đang xây thêm lầu ở dãy lớp ngang. Trong sân trường những cây muồng trổ đầy hoa vàng và những cây phượng đầy quả dài và dẹp màu xanh nhợt. Những quả phượng sắp chín, như thế ngày tựu trường chắc cũng sắp đến. Minh nói: - Em học ở đây từ lớp sáu, lúc đó chưa có lớp dãy ngang kia. Em Phượng cũng học ở đây, năm nay nó lên lớp chín. Trường trông "quê" không anh? Tôi đáp. - Không! Trông nó thân mật lắm, vì nó đúng là một ngôi trường. Có sân chơi, cây cối, hàng rào, xa chợ búa. Khác hẳn những trường ở Sàigòn xây cất sát đường, ôn ào, nhiều lầu, cứ như khách sạn hay thương xá. Minh lắc đầu. - Chắc anh mê ngôi trường này như mê cánh đồng rồi. Vậy ngoài nghề nông anh nên xin dạy thêm ở đây. Tôi cười vỗ vai Minh. - Thôi đi. Anh thích xem mấy cái rẫy hơn. Minh cho xe chạy dần vào phố. Phố ở đây lớn hơn phố nơi nhà Minh ở. Nhà cửa xây sát nhau và toàn là nhà ngói. Có những ngôi nhà có lẽ xây đã gần trăm năm theo kiểu kiến trúc xưa, thấp, nhiều cột, loang lổ lớp vôi trét chứ không phải xi măng. Có những nhà buôn mới xây, to lớn, kiểu cọ và vượt lên trên những mái nhà cao là những dàn ăng ten trắng bạc của máy tivi. Trên vỉa hè, thưa thớt người qua lại, tôi chợt trố mắt nhìn một cô bé ăn mặc rất "chic" đang đi tới. Em mặc áo sơ mi màu hồng phấn bỏ ra ngoài quần màu đen ống hẹp. Trông tướng em thật sang. Khi em đi ngang, tôi thấy nước da trắng của em ửng hồng hình như đã tắm nắng quá nhiều. Những buổi chiều ở Sàigòn ngồi ở quán cà phê, tôi đưa mắt nhìn rất kỹ các cô bé đi lại bên ngoài cửa kính, nhưng thú thật chưa lần nào tôi gặp một cô bé "hợp nhãn " như cô bé này. Đảo xe lại, chạy nhanh qua cô bé một lần nữa, Minh nói: - Anh thấy con nhỏ đó thế nào? - Tuyệt lắm. Em biết cô ta không? - Biết chứ. Dân học ở Tây về đó. Mới đến đây ở chừng nửa tháng. Kiêu lắm. Không thèm nói chuyện với ai đâu. Có ngày em và tụi bạn sẽ cho ăn đòn. Tôi buồn cười cho tính của em giống hệt tính của tôi ngày xưa. Ăn không được thì đạp đổ. Nhưng khổ nỗi những gì mình ghét và muốn đạp đổ thường khiến mình phải nhớ đến, nghĩ đến nhiều hơn. Tình "thù" vẫn khiến người ta khó quên hơn tình "thương”. Chắc Minh đã bị cô bé cho "ê mặt" trong một lần nói chuyện làm quen nào đó, nên cậu em tôi mới hậm hực như vậy. Còn hậm hực chắc Minh còn "mất ngủ" nhiều vì cô bé. Minh nói: - Anh muốn xem mặt con nhỏ lần nữa không? Tôi nói: - Thôi. Anh thích đi xem mấy cái rẫy hơn. Minh cằn nhằn. - Mấy cái rẫy có gì đẹp đâu mà anh ham xem dữ vậy. Biết Minh còn muốn cho cô bé chú ý đến mình nên tôi vỗ vai em bảo. - Ừ, cũng nên xem cô bé một lần nữa, không phí của trời. Biết đâu ngày mai anh sẽ bị đau bụng... Chẳng đợi tôi nói hết câu, Minh chống chân xuống đường làm trụ, quẹo xe thật gắt. Chiếc xe chạy nhanh vượt qua cô bé một đoạn đường rồi Minh cho xe chạy vòng lại chậm chậm. Khi chạy ngang cô bé, Minh bóp còi xe "tin tin tin" và tôi đã bật cười thấy cô bé đưa hai tay lên bịt tai, nhưng mắt vẫn thản nhiên nhìn về phía trước. Minh nói: - Anh thấy con nhỏ kiêu chưa. Rồi có ngày em phải cho nó ăn đòn. Tôi nói: - Tại cái còi xe của em kêu như xe chữa lửa nên cô bé không dám nhìn. Lần sau, em nên điều chỉnh cho cái còi kêu êm ái hơn. Minh nhẹ tay bóp thử còi xe. Hai tiếng "tỉn tỉn" vang lên như tiếng heo kêu khi ngái ngủ. Tôi cười nói: - Lúc nãy cái còi chịu kêu êm ái như vậy, chủ nhân của nó chắc ăn rồi Minh phì cười. - Anh chọc quê em hả? Chạy hết con đường phố trải đá. Minh sang số một cho xe chạy vào con đường nhỏ lầy cát. Hai bên đường những cây keo lủng lẳng trái chín, mở phơi "cơm" trắng. Xe leo lên một dốc cao, máy nổ ầm ĩ, rồi lao xuống dốc thật nhanh. Biển hiện ra trước mắt tôi. Xanh thẫm. Tươi Mát. Như xưa. A! Biển, người tình đầu của ta. Tôi không ngăn được tiếng kêu thầm mừng rỡ như gặp lại người yêu từ lâu xa cách. Những ngày mới lớn, tôi đã dành mối tình đầu cho biển cả ở miền Trung. Ngày đó, tôi vẫn thường trốn học, rướn người, cong lưng đạp chiếc xe đạp cọc cạch trên đoạn đường ngược gió dài bảy cây số để được gặp biển. Gặp biển không phải để bơi lội, vẫy vùng thỏa thích trong nước xanh mát hay đùa nghịch với những lớp sóng bạc đầu. Gặp biển tôi chỉ đúng nhìn màu sắc thay đổi của nước và lắng nghe tiếng sóng rầm rì như lời kể lể trò chuyện thân tình. Hình như Rimbaud đã nói "Người ta không thể đứng đắn được khi mới mười bảy tuổi". Quả thật, năm mười bảy tuổi tôi đã chẳng đứng đắn chút nào. Thay vì dành tình yêu cho một cô bé cùng lớp đã chú ý đến mình, tôi đã đem tình yêu ấy dâng cho biển cả. Mười bảy tuổi đã qua đi đã mười năm. Tôi tưởng tôi đã trở nên người đứng đắn. Đã quên biển. Nhưng không ngờ trong lần gặp lại biển bất ngờ này, tôi vẫn còn bàng hoàng xúc động. Trái tim có lẽ chẳng bao giờ đứng đắn khi nó đã lỡ yêu một cái gì thiếu nghiêm trang. Tôi chẳng biết nói với biển điều gì, dù trong lòng có quá nhiều điều muốn nói: Ngaỳ xưa mặc cho bạn bè chế diễu là điên khùng, tôi vẫn thản nhiên đứng lẩm bẩm trò chuyện với biển hằng giờ. Kể cho biển nghe những gì mà tôi chẳng thể tâm sự với ai. Bây giờ tôi đã lớn. Đã biết xấu hổ. Muốn giữ kín những tâm sự và chẳng dám thốt nên lời trước người nào, ngay cả với biển hay với bóng mình. Chẳng dám thốt nên lời để chia sẻ những tâm sự riêng, đấy có phải là lý do khiến người lớn cảm thấy khó sống hơn trẻ thở. Tôi đang say mê nhìn biển. Minh đã ngừng xe và nói: - Anh giúp em đẩy xe qua mấy đụn cát kia là tới rẫy. - Đi thăm rẫy phải khó nhọc vậy sao? - Không đâu. Tại em chạy đường tắt cho mau. Chạy theo quốc lộ cũng được, nhưng hơi xa và không đi ngang phố. Hai anh em hì hục, bậm môi đẩy chiếc xe vượt qua những đụn cát. Đến một hàng rào gồm toàn cây xương rồng và những cây dương cao, tôi nghe có tiếng chó sủa vang. Một con chó vện ta lớn từ hàng rào chui ra, chạy xô về phía chúng tôi. Minh tặc lưỡi kêu: Ki ki. Ki ki. Con chó thôi sủa, nhảy chồm lên người Minh ngoắc đuôi mừng rỡ. Minh quay qua nói với tôi. - Con ki ki nhà em nuôi để giữ rẫy. Đến mùa trái cây chín, ban đêm người ta đi hái trộm nhiều lắm. Đi đến một cái cổng làm bằng kẽm gai có khóa, Minh gọi lớn. - Bác Năm ơi, bác Năm. Đợi một lúc, có một người đàn ông mặc quần áo đen, tóc lốm đốm bạc ra mở cổng. Minh đẩy xe vào và giới thiệu. - Đây là bác Năm, người coi rẫy. Đây là anh Thanh của con ở Sàigòn mới ra chơi. Ba con có ở đây không bác? - Ba cậu và cô Phượng đang đợi người ta chất đậu lên xe ngoài kia. Minh quay sang tôi nói: - Vậy là khỏe rồi. Anh sẽ gặp ba em và con nhỏ lí lắc bây giờ, khỏi phải đợi đến tối. Anh ngồi lên xe, em chở đi cho mau. - Anh muốn đi bộ nhìn rẫy vui hơn. - Cũng được. Em chỉ sợ anh mỏi chân. Bác Năm đi trước rồi biến mất sau những lùm cây. Minh dắt xe đi trên một con đường nhỏ và tôi đi bên cạnh em. Tôi không biết rõ rẫy của nhà Minh rộng đến đâu, chỉ thấy cây ăn trái mọc um tùm xanh mướt. Cao hơn hết là những cây dừa trĩu trái và Minh chỉ cho tôi biết những cây xoài, ổi, mãng cầu, chùm ruột, táo gai, sa bô chê. Tôi thích nhất là những cây táo gai, cành lá rậm rạp vươn ra như một cái lọng. Những trái táo lớn bằng đầu ngón tay cái, vỏ bóng loáng, chín vàng, trông no mắt và tôi không ngăn được tính tham ăn, đưa tay hái những trái táo ở các cành thấp nhất. Táo dòn tan vỡ trong miệng ngọt lịm và tỏa hương thơm dịu dàng. Tôi hỏi Minh. - Hột táo ăn được không em? Minh cười. - Được, nếu anh muốn có một cây táo trong bụng. - Thật đáng tiếc. Luôn luôn người ta phải bỏ đi một phần nào của cái gì mình ưa thích. Tôi nói vậy khi phải nhả những hạt táo rơi xuống mặt đất cát. - Đất này bỏ không, hả em? - Người ta mới nhổ đậu xanh và sắp sửa trồng dưa để lấy hột bán vào dịp tết. Hai bên con đường cát nhỏ, cách nhau một khoảng xa, tôi nhìn thấy có hai căn nhà lợp tranh, vách ván, nằm đối diện nhau. Căn nhà nào cũng được phủ che bởi những tàn cây ăn trái rợp bóng mát. Tôi hỏi: - Nhà của ai vậy? Minh chỉ một căn nhà đang có những sợi khói nhỏ vươn lên. - Đấy là nhà bác Năm. Còn căn bên này là nhà chú Tám, nhưng chú ấy đã nghỉ việc đi làm nghề sửa xe Honda rồi. Căn nhà bây giờ bỏ không. - Bác Năm sống một mình? - Không. Bác Năm sống với vợ và cô con gái. Chị Ngọc làm y tá ở nhà thương huyện, thỉnh thoảng mới về nhà. - Anh sẽ nói với chú và dì cho anh ở căn nhà bỏ không kia. Minh cười. - Anh cần một y tá túc trực để chữa bệnh đau bụng? Tôi cười đáp: - Có thể lắm, vì ở đây có nhiều trái chín. Từ xa, tôi đã nhận ra chú Phong là người đàn ông đang đứng đếm những bao đậu xanh do công nhân chất lên một chiếc xe toyota loại pickup. Chú đã đến ở nhà tôi một lần cùng với dì Phong và tôi không quên được mái tóc của chú chải ngược về sau, bôi đầy dầu chải tóc bóng láng. Một cô nhỏ tóc cột thành hai bím ở đâu trong lùm cây chạy ra. Em đứng chống nạnh quát. - Sao anh không ở nhà giúp má. Anh dẫn bạn đi hái táo hả? Minh trợn mắt quát. - Đừng hỗn mày. Đây là anh Thanh con bác Trung ở Sàigòn mới ra hồi trưa. Và Minh quay qua nói với tôi. - Em đã nói con nhỏ này lí lắc lắm mà. Phượng đó, con gái cưng của ba má em. Cô nhỏ nhìn Minh "xì" một tiếng, rồi vòng tay nói với tôi. - Em xin lỗi vì anh thay đổi nhiều quá, nên em không nhận ra. Tôi ngạc nhiên hỏi: - Em đã gặp lần nào đâu mà biết anh thay đổi? - Em biết anh từ hồi anh mười tuổi kia. Minh quát. - Đừng xạo mày. Hồi đó, mày chưa có mặt ở cõi đời này. Cô nhỏ quay qua cãi với Minh. - Em xạo hồi nào. Má có cho em xem một tấm ảnh má chụp với anh Thanh hồi ấy mười tuổi, ở đâu Hội An. Anh không tin về hỏi lại má xem. Tôi bật cười. - Em nói đúng. Hồi đó và bây giờ dĩ nhiên tôi thay đổi nhiều. Cô nhỏ háy mắt ngúyt Minh. - Anh thấy em nói đúng chưa? hồi đó đầu anh Thanh húi cua trông "cù lần" thấy mồ. Còn bây giờ... Tôi cười hỏi: - Còn bây giờ thì sao? - Bây giờ tóc anh dài lòng thòng trông "cần lù" thấy mồ. Vừa nói xong, cô nhỏ bỏ chạy về phía chú Phong. Minh một tay giữ xe, một tay ôm bụng cười rũ rượi - Em đã nói con nhỏ lí lắc lắm mà. Có ngày em sẽ cho nó ăn đòn. Khi đến gần chỗ chú Phong đứng, tôi thấy cô nhỏ đang núp sau lưng chú cười khúc khích. Tôi nói chào chú và chú Phong đưa tay cho tôi bắt. - Nếu con Phượng không nói trước, chắc chú không nhận ra cháu. Lần gặp cháu ở Sàigòn cách đây ba năm rồi còn gì. Cháu thay đổi nhiều quá. Trông cao và mập hơn xưa. Cũng như dì Phong, chú Phong hỏi tôi nhiều câu hỏi về gia đình và về chính tôi. Sau cùng chú nói: - Lâu ngày mới có dịp ra đây, cháu nên ở lại chơi với các em một tháng. Tôi nói cho chú biết lý do tôi ra đây, như vậy tôi phải ở lại khá lâu. Rồi tôi ngỏ ý với chú tôi muốn ở một mình trong căn nhà bỏ trống ngoài rẫy. Chú nói: - Ở đây buồn chết và thiếu tiện nghi làm sao cháu sống nổi? Tôi nói: - Cháu cần sự yên tĩnh để làm việc. Về tiện nghi cháu chẳng cần gì nhiều ngoài một cái bàn, một chiếc ghế, một cái giường. Cơm nước cháu có thể tự nấu lấy. Lúc này, cô nhỏ mới rời lưng chú Phong, đúng ra góp ý kiến. - Cơm nước để em nấu giúp cho. Minh nói: - Anh Thanh không thích ăn cơm nhão, cơm khê, cơm sống do mày nấu. Đã có người khác lo cho anh ấy rồi. Cô nhỏ hỏi: - Anh nấu hả? - Không, chị Ngọc. Chú Phong cười. - Thằng này chỉ nói bá láp. Thôi trời sắp tối rồi, chúng ta đi về. Chuyện của cháu, chú sẽ bàn lại với dì. Bây giờ cháu lên xe cùng về với chú và em Phượng. Tôi nói: - Dạ thôi. Cháu về bằng Honda cùng với em Minh cho vui. Minh cười nói: - Anh Thanh đã ngán con nhỏ lí lắc kia rồi!