Chương I
LỄ KHÁNH THÀNH

    
ặt trời sắp lặn đằng sau những quả đồi phía tây. Thời tiết rất tốt. Về phía trước, mặt biển như hòa vào bầu trời ở phía đông và đông-bắc, những đám mây nhỏ còn phản chiếu những tia nắng cuối cùng, những tia nắng mà chẳng mấy chốc nữa sẽ chìm vào bóng hoàng hôn, một hoàng hôn rất dài ở một nơi có vĩ độ năm mươi lăm độ của nam bán cầu. Đúng vào lúc đĩa mặt trời vừa khuất hẳn dưới đường chân trời thì một phát đại bác vang lên trên tuần dương hạm Santa-Fé, và lá cờ của nước Cộng hòa Argentina được kéo lên đỉnh cột buồm sau, nó phần phật cuộn bay trong gió biển.
Cùng lúc đó một chùm tia sáng tỏa lan rực rỡ từ đỉnh ngọn hải đăng được xây cách vịnh Elgor, nơi tuần dương hạm Santa-Fé thả neo, một tầm súng. Hai người gác đèn cùng đám thợ tụ tập trên bãi cát còn thủy thủ đoàn thì tập họp trên boong trước của chiến hạm, tất cả cùng reo vang chào đón chùm tia sáng đầu tiên được thắp lên ở nơi bờ biển xa xôi này.
Hai phát đại bác nữa lại vang lên như đáp lại những tiếng reo hò đó, những tiếng nổ đập vào những ngọn núi xung quanh vang dội trở lại nhiều lần. Những lá cờ trên chiến hạm lại được hạ xuống đúng theo nghi thức hải quân; và sự im lặng lại bao trùm lên hòn đảo “đa quốc gia” nằm đúng ở nơi gặp nhau của hai biển lớn Đại Tây dương và Thái Bình dương.
Sau đó, đám thợ bước lên boong của chiếc Santa-fé và như vậy trên bờ chỉ còn lại ba người để làm công việc gác đèn.
Một người gác đang làm nhiệm vụ trong phòng, hai người kia chưa về nơi nghỉ ngay mà còn dạo bước chuyện trò dọc theo bờ biển.
- Anh Vasquez này! - Người trẻ nói - ngày mai chiếc tuần dương hạm mới nhổ neo chứ...
- Đúng thế Felipe - Vasquez đáp - và tao hy vọng là chuyến đi về này được suôn sẻ.
- Có xa không anh Vasquez?...
- Chuyến đi bao xa thì trở về cũng y như thế.
- Chưa chắc thế đâu - Felipe vừa cười vừa đáp.
- À này - Vasquez tiếp - đôi khi lúc đi, thời gian lâu hơn lúc về trừ trường hợp gió không được ổn định lắm!... Nhưng nói cho cùng một ngàn rưỡi hải lý cũng không phải là xa nếu như con tàu có máy móc ngon lành và chuyến đi thuận buồm xuôi gió.
- Và nếu như thuyền trưởng chiếc Lafayate lại rành đường đi nữa thì hẳn là...
- Thì tàu cứ việc thẳng đường mà đi, lúc đi đã theo hướng nam, như vậy lúc về ta cứ hướng bắc mà tiến, và nếu gió cứ tiếp tục thổi từ đất liền ra thì ta cứ men theo bờ biển mà đi, cứ như đi trên con sông mà thôi.
- Nhưng con sông đó chỉ có một bờ - Felipe tiếp.
- Mặc, miễn là có gió, tốt nhất là luôn luôn được gió thổi.
- Đúng thế - Felipe nhận xét - nhưng nếu gió cứ luôn đổi chiều thì...
- À, nếu thế thì không may rồi, tao mong rằng gió sẽ không thổi ngược và nếu được như thế chỉ trong vòng nửa tháng là nó có thể băng qua một ngàn rưỡi hải lý để đến buông neo trong cảng Buenos Aires... Thí dụ, nếu gió thổi từ phương đông lại thì...
- Nhưng nếu gió không thổi từ đất liền ra nữa mà thổi từ biển vào thì làm sao tìm ra nơi trú bão!
- Đúng như mày nói. Từ mũi đất lửa hay còn gọi là Paragonie, không nơi nào có bến ghé. Lúc đó chỉ còn cách là lao thẳng ra biển, nếu không muốn đâm vào bờ!
- Nhưng anh Vasquez này, tôi cho là trời sẽ vẫn tiếp tục tốt như thế này đấy!
- Tao cũng đồng ý với mày, hiện vẫn mới là ngày đầu của mùa biển lặng kéo dài đến ba tháng nữa mà... 3 tháng nữa cũng dài đấy chứ...
- Và thế là công việc trên đảo đã hoàn tất vừa khớp với thời tiết nhỉ.
- Ừ. Chúng ta đang ở vào đầu tháng Chạp. Thời tiết mùa này tốt như tháng Sáu ở Biển Bắc. Mùa này rất hiếm khi xảy ra những cơn bão xoáy. Còn khi chiếc Santa Fé đã vào đến bến rồi thì dù cho có gió, có bão đi nữa cũng mặc. Chẳng phải lo sợ hòn đảo cùng với ngọn hải đăng này chìm xuống đáy đại dương!
- Nhất định là thế rồi. Nhưng sau khi đã báo cho ở nhà biết tin tức thì bao lâu sau con tàu mới trở ra đây cùng với những người thay thế cho bọn mình?
- Ba tháng nữa, chú em ơi!
- Và họ sẽ tìm ra đúng đảo này đấy chứ?
- Tất nhiên rồi. Và với chúng ta trên đảo nữa chứ - Vasquez đáp trong khi xoa hai tay vào nhau, đoạn ông đưa tẩu thuốc lên miệng rít một hơi dài và nhả khói mù mịt - Mày biết không, chúng ta đang ở một nơi không phải là trên boong một con tàu mà mưa bão có thể đẩy tới, đẩy lui, và nếu có là một con tàu đi nữa, thì nó cũng đang neo đậu chắc chắn ở cái đuôi của châu Mỹ, không thể trôi đi đâu cả. Cho dù vùng biển này có hiểm trở đi nữa, cho dù người ta đồn đại nhiều chuyện về vùng biển ở mũi HoRn này đúng là như vậy! Và cho dù tàu thuyền bị đắm nhiều ở hòn đảo Đa Quốc gia này, hay cho dù bọn cướp xác tàu đắm không thể tìm ra nơi nào dễ làm giàu hơn nơi đây, và còn nhiều điều nữa! Nhưng mọi chuyện rồi sẽ phải thay đổi, Felipe ạ! Giờ đây hòn đảo Đa Quốc gia đã có ngọn hải đăng của nó, không cơn bão nào có thể thổi tắt đèn! Các tàu thuyền qua đây nhờ nó mà nhận ra đường đi, nhờ nó mà tránh được nguy cơ va vào các tảng đá ở mũi Santa-jean, ở mũi San-Diegos hay mũi Fallows, ngay cả trong những đêm trời tối đen như mực!... Chính chúng ta là những người thắp đèn và nó sẽ hoạt động ngon lành trơn tru.
Vasquez nói lên những điều ấy bằng tất cả nhiệt tình không chỉ để trấn an mà còn nhằm làm giảm bớt những căng thẳng trong những tuần lễ sắp đến trên hoang đảo này, những ngày sẽ không gặp được một đồng loại nào từ đây cho đến ngày cả ba được thay thế bằng toán khác.
Để chấm dứt câu chuyện, Vasquez nói thêm:
- Này chú mày, bốn mươi năm qua, tao đã lăn lộn trên mọi vùng biển của cựu lục địa cũng như tân lục địa, khi thì làm thợ học việc, lúc làm thủy thủ, lúc thì chỉ huy tàu. Giờ đây khi sắp về hưu tao chỉ muốn làm anh gác đèn pha, và đèn pha nào mày biết không? Gác cái đèn nào nằm ở tận cùng trái đất.
Và thực tế là trên hoang đảo này, ở xa đất liền, xa cái văn minh, tên gọi này mới đúng làm sao!
- À này Felipe - Vasquez vừa nói tiếp, vừa lấy tay gõ chiếc tẩu thuốc đã tắt vào lòng bàn tay kia - mấy giờ thì mày thay cho Moriz?
- Mười giờ.
- Tốt lắm, và đến hai giờ thì đến lượt tao thay chú mày cho đến sáng.
- Đúng thế. Còn bây giờ thì tốt hơn hết là hai chúng ta đi ngủ.
- Ừ, thì đi.
Vasquez và Felipe cùng leo lên khu đồi thấp có tường xây chung quanh, chính giữa là ngọn hải đăng; cả hai đi vào chỗ ở dành cho đội gác. Cánh cửa khép lại ngay sau khi họ vào.
Một đêm yên tĩnh trôi qua. Vào lúc trời gần sáng, Vasquez tắt ngọn hải đăng đã cháy gần suốt mười hai tiếng. Thủy triều ở vùng biển này nói chung yếu nhất là dọc theo duyên hai châu Mỹ và châu Á trông ra Thái Bình dương. Trái lại, ở chung quanh Đại Tây dương, thủy triều rất mạnh và mạnh chỉ dội vùng biển Magellan xa xôi.
Ngày hôm đó, thủy triều bắt đầu rút từ lúc sáu giờ sáng và chiếc tuần dương hạm phải chuẩn bị máy móc từ sáng sớm để có thể lợi dụng hiện tượng đó. Nhưng vì chưa chuẩn bị xong nên thuyền trưởng quyết định chờ đến tối lúc thủy triều lên mới ra khỏi vịnh Elgor.
Chiến hạm Santa-fé của hải quân Cộng hòa Argentina là một con tàu có trọng tải hai trăm tấn, sức máy là một trăm sáu mươi mã lực, được chỉ huy bởi một thuyền trưởng và một phó thuyền trưởng. Thủy thủ đoàn dưới quyền gồm năm mươi người trong đó có cả lính thợ. Tàu có nhiệm vụ canh phòng đường biển kéo dài từ cửa sông Rio de la Plata đến eo biển Lemaire trên Đại Tây dương. Vào thời kỳ này, các công xưởng hải quân chưa thể đóng được những con tàu có tốc độ lớn như các tàu tuần tra, tàu phóng lôi và một số loại khác. Vì vậy, chiếc Santa-fé nói trên chỉ di chuyển với tốc độ tối đa là chín hải lý một giờ. Với tốc độ này tàu cũng đủ sức tuần tra vùng biển này nơi đa số các thuyền, tàu qua lại nơi đây đều là thuyền đánh cá.
Năm nay, chiếc Santa-fé có nhiệm vụ đôn đốc công trình xây dựng ngọn hải đăng ở cửa vào của eo biển Lemaire. Tàu phải chuyên chở đám thợ xây cùng các vật liệu mà công trình đòi hỏi. Tất cả công việc trên đã được hoàn tất một cách tốt đẹp nhờ theo kế hoạch của một kỹ sư giỏi của Thủ đô Buenos-Aires.
Thế là chiếc Santa-fé buông neo ở cuối vịnh Elgor đã ba tuần lễ. Sau khi đã chuyển lên bờ lương thực dự trữ cho bốn tháng, sau khi đã bảo đảm không còn thiếu thứ gì cho tổ gác đèn cho đến ngày có nhóm khác ra thay thế, thiếu tá Lafayate dự định đưa toán thợ trở về ngay cả nếu như có tình huống bất ngờ xảy đến, làm trì hoãn việc hoàn tất công trình. Từ một tháng nay, chiếc Santa-fé đã lo chuẩn bị để quay về đất liền.
Tóm lại, trong suốt thời gian neo đậu ở đây, thiếu tá Lafayate không có gì phải lo ngại cho tàu vì tàu đang ở trong vịnh rất an toàn, chỉ có biển động mới làm ông lo ngại. Tuy nhiên, về mùa xuân, ở vùng biển này, thời tiết ôn hòa và giờ đây mới bắt đầu sang mùa hạ, người ta có lý do để hy vọng sẽ không có thay đổi gì lớn về thời tiết ở khu vực này.
Bây giờ là bảy giờ sáng, thiếu tá Lafayate và viên thuyền Phó là Riegal ra khỏi ca-bin của họ nằm ở phần trên đuôi tàu. Các thủy thủ đã hoàn tất công việc lau rửa sàn tàu, những xô nước rửa cuối cùng vừa được trút qua các lỗ thoát nước. Cùng lúc đó, viên hạ sĩ quan cũng đã thu xếp xong các công việc chuẩn bị sẵn sàng cho lúc nhổ neo. Mặc dầu giờ xuất phát sẽ vào buổi chiều nhưng mọi việc hầu như đã hoàn tất: buồm đã được kéo ra khỏi bao, các ống thông gió, các la bàn đã được lau chùi bóng lộn, chiếc xuồng lớn đã được kéo lên, còn chiếc xuồng nhỏ thì vẫn còn bập bềnh trên sóng.
Khi mặt trời đã lên cao, lá cờ hiệu được kéo lên đỉnh cột buồm sau.
Bốn mươi lăm phút sau, bốn tiếng chuông được vang lên từ phía mũi tàu và các thủy thủ đã sẵn sàng bên cạnh các hàng súng ở mạn tàu.
Sau khi ăn sáng cùng nhau, hai sĩ quan cùng đi lên tháp chỉ huy để xem tình hình thời tiết. Sau khi thấy trời quang, biển lặng, họ ra lệnh cho viên hạ sĩ quan cùng lên bờ.
Suốt cả buổi sáng hôm đó, thuyền trưởng muốn xem xét lại lần cuối ngọn hải đăng và những công trình phụ của nó, là nơi ở của tổ gác và kho chứa lương thực và chất đốt, sau cùng là kiểm tra lại máy móc trên ngọn hải đăng, xem có vận hành tốt không.
Bước lên bờ, ông thiếu tá đi cùng viên hạ sĩ quan đến khu xây dựng xung quanh ngọn hải đăng. Mọi người đều tỏ vẻ lo ngại cho ba người gác đèn sắp phải sống trong cảnh cô đơn buồn chán trên đảo.
- Ở đây gay đấy - thiếu tá nói - những con người dũng cảm này phải xem như luôn phải đương đầu với nghịch cảnh để sống còn, đấy là cuộc sống của người thủy thủ thời xưa và việc gác hải đăng bây giờ đối với họ chỉ là một sự nghỉ ngơi tạm thời mà thôi.
- Đương nhiên là như thế rồi - thuyền phó Riegal lên tiếng - nhưng có sự khác nhau giữa việc gác hải đăng ở một nơi nhiều tàu thuyền qua lại, dễ liên lạc với đất liền và việc gác hải đăng ở nơi hoang đảo cô quạnh, tàu thuyền chỉ thấp thoáng ở xa.
- Tôi đồng ý với ông về điều đó. Vì vậy cho nên cứ ba tháng lại phải thay tổ gác một lần. Ba người này, Vasquez, Felipe và Moriz sắp bắt đầu nhiệm vụ trong giai đoạn ít gay go nhất.
- Đúng vậy, thưa thiếu tá, họ sẽ không phải chịu đựng mùa đông khắc nghiệt ở mũi Horn này...
- Đúng là kinh khủng - thuyền trưởng xác nhận - Từ lần trinh sát mà chúng ta đã thực hiện cách đây vài năm ở eo biển này, từ vùng Đất lửa đến vùng Đất Hoang vắng, từ vùng Trinh nữ đến vùng Pilar, tôi không học thêm được bài học nào về các trận bão cả! Nhưng các người gác đèn của chúng ta đã có một chỗ ở vững chắc mà gió mưa không làm gì nổi. Họ không thiếu lương thực và chất đốt cho dù nhiệm vụ của họ kéo dài thêm hai tháng nữa cũng không sao. Chúng ta đã để họ ở lại trong tình trạng mạnh khỏe, thì lúc gặp lại họ, họ vẫn mạnh khỏe như vậy, bởi vì khí hậu ở đây dù có lạnh lẽo, nhưng ít ra nó cũng trong lành!...
Hai vị sĩ quan đi đến nơi Vasquez cùng hai bạn gác đang chờ. Sau khi đáp lại lời chào đúng theo nghi thức quân đội của ba người gác, hai vị sĩ quan dừng lại. Trước khi hỏi chuyện, thiếu tá Lafayate quan sát họ, từ đôi giày hải quân cho đến chiếc áo khoác có mũ đội đầu may dính liền với nhau.
- Đêm qua, mọi chuyện đều ổn cả chứ? - ông hỏi người tổ trưởng.
- Tốt, thưa thiếu tá. - Vasquez đáp.
- Các anh có nhìn thấy tàu, thuyền nào ở ngoài khơi không?
- Không có cái nào cả, và vì trời không có sương mù, chúng tôi có thể nhìn thấy đốm lửa ở cách đây 4 hải lý.
- Đèn chạy tốt chứ?
- Đèn sáng liên tục, thưa thiếu tá. Tận cho đến lúc mặt trời mọc.
- Anh không bị lạnh trong phòng trực chứ?
- Không, thưa thiếu tá. Phòng trực rất kín gió vì cửa sổ có những hai lẦn kính.
- Chúng tôi sẽ đi thăm chỗ ăn ở của các anh, rồi sẽ đến ngọn đèn sau.
- Tuân lệnh thưa thiếu tá - Vasquez đáp.
Nơi ở của tổ gác được xây ngay dưới chân tháp bằng những bức tường dày dán có thể đương đầu với cả phong ba gió bão. Hai sĩ quan lần lượt thăm qua các gian phòng bày biện một cách thích hợp. Rõ ràng với công trình như thế này thì không còn gì đáng ngại. Mưa gió hay bão táp vốn rất dữ dội ở vùng vĩ độ gần sát nam cực này cũng chẳng phải lo.
Các gian phòng được ngăn cách nhau bởi một hành lang mà ở cuối hành lang là cửa để vào bên trong tháp đèn.
- Chúng ta leo lên nào - thiếu tá Lafayate nói.
- Tuân lệnh.
- Chỉ cần một mình anh đi theo chúng tôi.
Vasquez ra hiệu cho hai đồng đội đứng ngoài hành lang. Đoạn ông đẩy cửa cầu thang và bước lên, hai vị sĩ quan đi theo.
Cầu thang xoáy trôn ốc không tối tăm lắm. Các bậc lên bằng đá và được gắn vào bờ tường. Có mười lỗ châu mai soi sáng cầu thang từ dưới lên.
Khi mọi người đã tới phòng trực mà ở bên trên là thiết bị đèn thì hai sĩ quan ngồi xuống một băng ghế hình tròn gắn vào tường. Từ phòng này, bốn chiếc cửa sổ nhô trổ ra, tầm mắt mọi người có thể bao quát cả bơn phía đến tận chân trời.
Mặc dầu trời không có gió mạnh nhưng ở độ cao này, ta cũng nghe tiếng gió rít mạnh mẽ, xen lẫn tiếng kêu sắc của các loài chim biển.
Sau khi nhìn bao quát đảo và cả vùng biển xung quanh, hai sĩ quan leo lên một cái thang dẫn đến hành lang bao quanh ngọn hải đăng.
Nguyên một phần đảo trải ra dưới mắt họ, phía tây hoang vắng như mặt biển; còn từ mạn tây bắc sang phía nam có một vòng cung khá rộng, ngắt quãng đôi chỗ bởi các ngọn núi của mũi Saint - Jean. Ngay dưới chân ngọn hải đăng là vịnh Elgar mà trên bờ vịnh, các thủy thủ của chiếc Santa-fé đang đi đi lại lại. Không một cánh buồm, không một làn khói tỏa ngoài khơi. Chẳng có gì ngoài sự mênh mông của đại dương.
Quan sát trên nóc ngọn đèn biển được chừng mười lăm phút thì hai sĩ quan cùng Vasquez leo xuống và cùng trở về tàu.
Sau khi ăn trưa xong, thiếu tá Lafayate cùng thuyền phó Riegal lại vào bờ lần nữa. Họ dùng thời gian còn lại trước khi tàu nhổ neo để đi dạo trên bờ bắc của vịnh. Trước đây đã nhiều lần vì không người hướng đạo nên ông chỉ quanh quẩn chung quanh phạm vi tháp đèn mà không dám đi thám sát xa hơn. Hôm nay hai sĩ quan thử lần đầu tiên kéo dài cuộc đi dạo của mình ra xa hơn. Bước qua eo đất hẹp nối liền vịnh Saint - Jean với phần còn lại của đảo, hai người đứng quan sát bờ cảng mà từ phía bên kia nhìn qua nó có hình dáng của một viên ngọc trai trên chiếc vòng cổ là vinh Elgor.
- Này ông Riegal - viên thiếu tá nói - cái cảng Saint-Jean này thật tuyệt. Nó đủ sâu để nhận những con tàu tải trọng lớn. Chỉ tiếc là lối vào cảng hơi khó. Phải chi có một chiếc hải đăng nhỏ nữa thẳng hàng với hải đăng Elgor, sẽ cho phép tàu lớn dễ dàng vào đây tìm nơi trú ẩn.
- Và đấy sẽ là ngọn hải đăng cuối cùng mà ta thấy, khi qua eo biển Magellan - thuyền phó Riegal nói thêm.
Vào lúc bốn giờ chiều, hai sĩ quan quay trở về; sau đó từ giã ba chiến sĩ trong tổ gác đèn đang đứng trên bờ đá để chờ đợi giờ tàu xuất phát. Đúng năm giờ, áp suất trong nồi súp-de của pháo hạm bắt đầu tăng, ống khói tàu nhả ra từng đám khói đen lớn. Mặt biển đang ở trong tình trạng triều dừng và chiếc Santa-fé sẽ kéo neo ngay lúc nước triều bắt đầu xuống.
Đúng sáu giờ kém mười lăm, thuyền trưởng phát lệnh nhổ neo và cho máy chạy. Hơi nước xì mạnh qua các ống thoát về phía mũi tàu, viên thuyền phó đang kiểm tra thao tác của các thủy thủ, chiếc mỏ neo vừa kéo lên giá đỡ và con tàu rùng mình khởi động.
Chiếc Santa-fé dần xa bờ, trong khi ba người gác đèn vẫy chào từ giã. Và cho dù Vasquez có nghĩ gì chăng nữa, cho dù hai người lính gác kia có nhìn con tàu xa bờ mà lòng vẫn không xao xuyến thì các sĩ quan và thủy thủ trên tàu lại rất nao lòng khi phải bỏ lại đằng sau họ ba con người trên cái hoang đảo ở nơi địa đầu châu Mỹ này.
Chiếc Santa-fé, với vận tốc vừa phải, đi men theo bờ biển giới hạn vịnh Elgor về phía tây bắc. Chưa tới tám giờ tối con tàu đã ra tới đại dương. Sau khi vượt qua mũi San-Juan, tàu mở hết tốc lực, bỏ lại eo biển về phía tây và khi bóng đêm đã trở nên dày đặc thì ánh sáng của ngọn Hải đăng của tận cùng thế giới này chỉ còn thấp thoáng như một ngôi sao ở cuối chân trời.