uối năm, khi những dãy gió rét mùa Đông Bắc tràn về, Bạc Liêu choàng lên mình một màn sương sáng ủ mỏng. Hơi lạnh hạ xuống tận chân người, trôi lơ vơ như đám mây trời, ve vuốt lên những làn da quen chịu mùi nắng nóng, làm co ro và xám xanh. Đường phố khom lưng cong cong, nhỏ dài như sợi chỉ kéo đến tận chân trời biển mặn. Gió biển thổi nhẹ vào những hàng me xanh mới màu trái non, thả chiếc lá nhỏ xíu bay lững lơ, rơi xuống và đậu xuống mái của dãy nhà xây theo lối kiến trúc Pháp cổ, nơi làm việc của tỉnh trưởng Bạc Liêu thời Pháp thuộc. Khu làm việc hành chính được che mát dưới những tàn cây bồ đề và hàng dương già cũ, một thiết kế hoàn chỉnh để người và cây gặp nhau trong một lắng đọng của thiên nhiên, đạt đến một thư thả trong những rối bời bận rộn. Giờ đây, những cánh cửa xanh đã khép lại, im lìm. Đôi lúc, bàn tay gió kéo đến gõ gõ giật giật. Không một tiếng vọng lại. Không một lời đáp trả. Một trăm năm, thời gian quá lâu để cho những hào nhoáng kia còn đọng lại. Bóng cũ, người xưa. Tất cả đã vùi chôn vào đất, đắp lên những kiêu sa ngã mạn của đời trước bằng hờ hững của đời nay. Vài năm trước, khi vào đây tôi quen một ông lão làm vườn có mái tóc đượm màu mây, thời gian bỏ sót những vệt sóng trườn trên làn da, dẫn tôi đi xem từng chổ một trong dinh, ông huyên thuyên kể về lịch sử từng căn nhà, từng góc cây, chiếc đồng hồ đá, từng kỷ niệm riêng về ông nội lão, người từng làm nhân viên hành chính trong dinh cơ này. Ông nói những ngôi nhà kiểu cổ còn rất nhiều ở đây, ngoài kiến trúc Pháp dễ nhận ra là những cái cửa sổ rất lớn được xây dựng trên cao để đón gió biển. Những cơn gió đến từ biển thổi vào cửa sổ, gió chạm các vách ngăn, gió luồn xuống tầng trệt, gió lùa vào cả những căn phòng kín. Nheo nheo đôi mắt ngó xa xăm trời, tàn thuốc vừa cháy rụi đến tay, giọng ông chùng xuống tiếc nuối, ở nhà cổ là có một máy điều hòa thiên nhiên với năng lượng của gió và biển. Đi tiếp vài trăm mét, Nhà Lớn, dinh thự của Hội đồng Trạch nằm cạnh sông Bạc Liêu hiện ra trước ánh nắng chiều vàng nhạt. Những mãng tường, chiếc cầu thang dẫn qua mấy tầng lầu, các bu-long… tất cả vật liệu để làm ra ngôi nhà kia đều đến từ Paris, chở trong con tàu lớn, lướt trên luồng sóng dữ, xuyên qua các đại dương và xây lên bằng bàn tay của những người thợ được chọn lọc. Người xưa thật biết ăn chơi. Không biết bao nhiêu hạt lúa do tá điền làm ra, bao nhiêu mồ hôi đã thấm vào đất, bao nhiêu công người oằn lưng trên những cánh đồng thẳng cánh cò đã bỏ ra đủ để đổi lấy cơ ngơi ảo vọng này. Trong buổi chiều nhá nhem, chiếc Austin Mano thời thượng từ từ dừng bánh trước cửa lớn. Một dáng người sang trọng mặc áo vest trắng, tay cầm gậy batoong, đầu đội nón hồng mao bước xuống. Cổng mở. Những người đầy tớ mặc bộ bà ba đen đứng xếp hàng, khoanh tay, cuối đầu chào Trần Trinh Huy, tay công tử ăn chơi nổi tiếng Nam Kỳ Lục tỉnh. Những ngọn đèn măng sông được thắp sáng lên trong dinh và ngoài sân. Tiếng đàn kìm khải lên điệu nhạc trầm. Người thiếu phụ buông rơi mái tóc buồn trên lưng, ngó đôi mắt mòn mỏi, khuôn mặt héo hắt về phía xa, một vệt mờ khói khỏa lắp bóng người đi biệt dạng. Quá khứ được kéo về qua màn kịch được dựng lại cho những du khách hiếu kỳ xem rõ. Bỏ lại thành phố sau lưng, đi theo con đường thẳng, ta nhìn thấy một cung trời, một mãng biển hiện ra cuối điểm dừng của nhận thức hạn hẹp. Bên bờ biển này, vào đợt thủy triều rút, mực nước tụt xuống, bờ cát nhô ra vàng. Tháo giày, bỏ dép. Đôi chân trần chạm vào đất chạm nghe mát lạnh, vài cơn sóng biển mỏng tang hiền lành tràn vào những dấu chân bỏ lại. Dăm bóng ngư dân nghèo cuối lưng cong cong tranh thủ kéo lưới trong dòng nước cạn, vài kẻ vung chài lưới vẽ lên mặt nước một hình tròn lỏm, có người trầm mình xuống nước, nhẫn nại chạm tay vào cát tìm kiếm và thu hoạch chút gia tài biển bỏ sót. Thủy triều lên. Người dạo mát, kẻ bám biển quay vào. Nước biển được rót tràn bờ, mênh mông. Tôi ngó vào giỏ của một cậu bé tóc ngắn có làn da đen màu trộn giữa biển mặn và nắng đổ, thấy vài gram tép, cá lưỡi trâu, dăm con ốc và sò huyết đựng lưng chừng. Công sức đủ cho một buổi cơm sáng nghèo, đôi khi, cậu bán lại tất cả thành quả cho những du khách nhiệt tình, nhận tiền, cậu nhét vào lưng quần và đi về phía hàng ghe neo đậu. Lựa một chổ ngồi, từ nhà hàng Hương Biển nhìn ra ngoài khơi, trên nền trời và nền biển, những chiếc tàu cá xếp thành hàng đang vút đi về phía xa, nhỏ bé và mất dần sau vệt mờ xa khuất. Hình lặng, âm động. Giữa tỉnh mịt của mênh mông biển và trời, tiếng sóng chạm bờ nghe như điệu nhạc chờ phát sau tấm phông màn sân khấu, khán giả đợi thêm một cảnh, nấn ná xem thêm một kịch đời. Âm và ảnh đó đặt ta vào tâm trạng nhẫn nại của người đi, hi vọng của kẻ ở lại cho một nhóm người trên một con tàu nhỏ, trên một biển rộng, trên một muôn trùng sóng gió, trên một rủi ro nằm lại giữa dòng nước lạnh ngắt. Ngư dân đã dựng lên sát mé biển này hình tượng một người mẹ, người mẹ của chung tất cả loài người, Quán Thế Âm Bồ Tát tay cầm bình nước cam lồ và nhành dương liễu đứng thanh tịnh nhìn về khơi xa. Tình thương từ trái tim mẹ sẽ nối sợi dây đến với người lênh đênh, đêm và ngày, tuần và tháng, cho đến khi những khuôn mặt cũ trở về nhòe nhạt sau làn hương khói dâng lên tạ ơn mẹ. Từ một bức tượng tôn thờ mẹ của ngư dân, giờ đây đã có một ngôi chùa mọc lên, những nhánh hoa vô ưu nở đỏ trên cành, khách hành hương chiêm bái có thêm những người chưa đi biển, người mới lần đầu biết biển. Từ giả biển mặn, ta dạm bước lang thang trên con đường cong cong rợp mát bóng nhãn, những hàng tre ngã đầu nghiên nghiên hai bên. Tháng giêng không phải mùa nhãn chín nhưng ghé lại và ngồi xuống đâu đó dưới những hàng quán trên vùng Giồng Nhãn, ăn đặc sản biển và loại uống rượu được chưng cất từ những trái nhãn chín đượm mùi hương là điều chẳng nên bỏ qua. Bước vào quán, bạn thấy tay đầu bếp cầm cọ chuối thoa chút dầu mỏng lên chiếc chảo nóng, đổ chén bột nhỏ pha màu vàng nghệ vào và lắc lắc cho bột tràn mỏng theo hình tròn. Bánh sắp chín, đầu bếp bỏ nhân trộn thịt vịt bằm, tép bạc, đậu xanh, giá sống, cà rốt băm nhỏ vào giữa bánh và cuộn lại. Nhận chiếc bánh xèo còn hơi nóng bay phất phơ từ cô gái mặc áo bà ba tím nhoẻn cười nụ làm khách càng thêm đói. Dùng tay xé một miếng bánh xèo vừa miệng ăn, gói lại bằng những món rau sống miệt vườn gồm lá xoài non, đọt cóc, đọt sộp… chấm vào vị nước mắm thấm. Nhai chầm chậm, nuốt nhè nhẹ. Ta nghe vị chua của lá cóc, vị chát của đọt sộp, vị ngọt của thịt, vị bở của tép và mùi nghệ thơm trong chất bánh giòn tan. Một ly rượu nồng đượm mùi nhãn uống vào. Tất cả tan xuống, tỏa ra và thấm dần lên vị giác. Mùi bánh, vị rượu đem tới và đánh thức những tình yêu còn chìm trong mê ngủ của khách, tình yêu dành cho biển, tình yêu dành cho những điều được tạo hóa ban tặng cho người - thiên nhiên khi còn cuộn mình ngủ trong mộc mạc. NGUYỄN VĂN HIẾN