guyệt Quế kéo cao cổ áo, cái lạnh đầu đông mới chớm mà đã làm buốt một bên vai. Buổi sáng sớm và buổi chiều có lẽ cũng không khác nhau. Trời nặng một màu xám đục có vẻ như ướt mà lại khô, khô thốc vào trong mũi, cuốn cho bằng hết những mềm mại trên má, trên môi, trên đôi bàn tay đang ủ kín trong hai túi áo lạnh như tìm chỗ trú ẩn ấm áp. Mặt trời trốn kỹ sau những lớp mây dầy đặc. Những cây trồng dọc theo lề đường hè phố trơ những xương xẩu đen đủi như ám khói, chỉ còn những bụi cây rải rác nằm dưới gốc là còn một màu xanh lục tối om, cũng đang ngủ hay chết sững? Băng ghế nhỏ chỉ đủ cho 4 người với vóc dáng trung bình ngồi đợi xe bus, cỡ mập quá khổ thì đâm thiếu. Khói thuốc của người đàn ông ngồi cách nàng dường như không chịu tan, cứ lẩn quẩn trong chu vi nho nhỏ của cái khung nhựa và chút mái che hẹp của chỗ đợi. Bà lão da màu tóc đã trắng như cước lốm đốm tí xam xám như chút tiêu của hoàng hôn đời rắc vội trên từng lớp uốn quăn quăn ngắn ngủn thưa thưa, trùm ba bốn lớp áo, cứ nhích nhích ngồi sát vào Quế để chừa một khoảng cách xa hơn giữa bà ta và người đàn ông da trắng cỡ trung niên đang thả khói liên miên như hun thêm cái màu sương khói của một ngày thứ năm giữa tuần đang trăn trở vào đông. Quế không thấy sự cọ sát không mang tính thân thiện này của bà ta làm nàng khó chịu. Có lẽ nàng đã gặp bà ta trên cùng chuyến xe này ít nhất 2, 3 lần nhưng chưa bao giờ ngồi cạnh. Hai đầu gối bà lão chụm lại như dồn ép sức nóng trong thân nhiệt vào một điểm. Quế thấy hai cái đầu gối ấy rung rung không biết vì lạnh hay vì bà ta rung đùi? Và nàng chợt nhếch môi cười, một nụ cười bâng quơ của sáng ngày Thứ Năm. Cũng một ngày lưng chừng chưa đi tới đâu của tuần lễ. Chiếc xe bus xịch tới đem theo cái mùi khói khét lẹt và những tiếng thở mệt nhọc rồi thả ra một tiếng khi ngừng hẳn lại ở trạm xe đón hành khách. Cánh cửa trước mở. Vài người khách từ trong xe bus bước xuống trong một nhịp độ tương đối thong thả. Ba người chờ cùng đứng dậy nối đuôi nhau lên. Bỏ tiền hay chìa cạc rồi tìm chỗ ngồi. Quế theo sau bà lão và tình cờ họ lại ngồi cạnh nhau. Chuyến xe mỗi ngày Thứ Năm kéo dài từ trạm chót này ra đến xa lộ chạy thẳng vào phố mất 45 phút. Người ta làm gì trong 45 phút dài ngất ngư ấy? Đọc sách, học bài, ngủ gỡ, tán chuyện hay thiền giả với đôi mắt thả rong suốt dọc đường. May cho Quế, nàng chỉ đi chuyến xe bus này mỗi tuần một lần vào ngày Thứ Năm vì Tuân, chồng nàng cần xe để di chuyển xa thay vì như những ngày khác dùng chung xe. Quế ở vào trường hợp nào như những loại kể trên trong 45 phút đường dài? Cũng tuỳ, nhưng học bài và ngủ không có Quế. Học gì nữa? Còn ngủ? Quế không quen ngủ giữa đám đông cho dù đôi lúc những tiếng rì rì của máy xe và những chuyển động đong đưa quyến rũ đến độ nàng ngồi ngây như tượng và hình như ngủ với đôi mắt vẫn mở mà chết mọi cảm giác. Đoàn xe chợt chậm lại. Tai nạn trên đường. Nhưng có lẽ đã đựơc giải tỏa. Hành khách trên xe lố nhố chỉ chỏ với đôi mắt tò mò nhiều hơn thương cảm. Cũng chỉ là chuyện hàng ngày! Bà lão bên cạnh Quế cũng nhìn ra nhưng rồi quay vào chắp tay trên ngực lầm bầm điều gì. Nàng nhìn bà lão và tự dưng muốn gợi chuyện. Nàng đợi bà ta trở lại vị thế cũ mới bắt chuyện: “Tai nạn không tránh được phải không bà?” Bà lão nhìn sang Quế có chút ngạc nhiên trên đôi mắt bé tí loé lên sau những lớp da chùng đè chụp trên gương mặt nhiều kẻ vạch khắc sâu hoắm: “Làm sao được!” Bà ta cũng như Quế, chỉ là những kẻ ngụ cư trên đất nước này với một quá khứ rời, lủng lẳng bên mình trên chặng đường còn lại với những bước chân khác, gượng gạo chập chững len vào giòng người đa chủng tìm một chỗ đứng cho mình. Tiếng Anh của bà lão khá thông suốt nhưng mang nặng tính và âm hưởng của giòng cũ. Tò mò, Quế hỏi: “Xin lỗi, nhưng bà là người ở đâu?” Bà lão hiểu ngay Quế muốn nói gì, trả lời: “Tôi người Nhật, định cư ở đây cũng trên 30 năm. Còn cô sao?” “Tôi là người Việt Nam. Ở Mỹ cũng lâu bằng bà” “Quen chưa?” Quế cười cười nhìn bà ta: “Cũng quen mà cũng không quen” Bà lão gục gặc đầu lẩm bẩm: “Quen mà không quen”. “Bà có về lại xứ bà thường không?” “Thỉnh thoảng. Về thăm thôi.” “Sao vậy? Bà không muốn sống ở quê nhà sao?” “Thì như hồi nãy cô nói đó, cũng chỉ vì cái chuyện “quen mà không quen”. Ba mươi năm cột ở một chỗ, nhổ lên để trồng lại coi bộ không dễ. Đời người trồng đi trồng lại nhiều không tốt. Mà ở đâu quen đó, lạ vậy!” Bà lão cũng phải cỡ bẩy mười mấy gần 80 hay 80 ngoài mà còn sắc bén như một lưỡi dao sáng loáng nhọn hoắt. Khi nào thì người ta đang từ quen trở thành không quen hay ngược lại? Nàng chỉ trả lời một câu hỏi thông thường mà bỗng dưng sự thường ấy lại trở nên một sự gì “bất thường”! Có thể cười ngạo với chút ngậm ngùi. Mà sự thể là như thế! Đó có thể chỉ là một chuyện vu vơ đầu ngày giữa hai người xa lạ trên cùng một chuyến xe. Đến phiên bà ta bắt chuyện trước, với giọng nói lớn hơn như đã vượt qua một mức của sự e dè tự nhiên: “Cô tên gì? Tôi là Shima, Shima Sonoda.” “Tên tôi là Quế”, nàng cười thân thiện và lập lại tên người bạn đồng hành với chút thích thú, rồi hỏi: “Bà sang Mỹ cùng với gia đình hả?” “Tôi sang đây do con gái tôi bảo lãnh. Nó lấy chồng Mỹ. Gia đình cô ở đây hết chứ?” “Vâng. Cả gia đình tôi ở thành phố này cả” Bà Shima bỗng dưng trở nên xa vắng, giọng bà nghe như mơ hồ lạc điệu: “Cô là người may mắn.” Tôi không được như vậy.” Quế tò mò: “Bà còn con cái ở bên Nhật sao?” Bà Shima lắc đầu: “Ở bên đó tôi chỉ còn họ hàng xa, những người cỡ tuổi tôi chẳng còn mấy… Tôi có ba người con, một trai, hai người con gái, chết một.. trong năm 1945. Bây giờ chỉ còn lại một trai, một gái thôi”. Quế không nói gì thêm, mà cũng chẳng biết phải nói gì. Nhưng chính bà ta lại cất tiếng: “Cô còn trẻ hơn con gái tôi” “Vâng, năm 1945 tôi chưa ra đời. Trông bà còn trẻ và khỏe lắm” “Nhiều lúc tôi cứ hỏi Thượng Đế sao bắt tôi sống lâu chi thế?” Quế bật cười: “Trời ơi, người ta mong sống thọ, sao bà lại nói như vậy?” “Cô thấy sống vui không? Ôi thôi, đừng để ý, tôi già hay nói lung tung!” Câu hỏi đột ngột như chút hé cửa của một ngôi nhà ảm đạm. Nàng trả lời câu hỏi không phải của bà Shima mà cũng chính đôi lúc nàng đã tự hỏi mình như thế. “Lúc vui lúc buồn phải không bà?” “Cô có biết cái vô hình là cái nặng nhất không?” Quế ngạc nhiên không hiểu: “Cái vô hình là cái gì? Bà muốn nói..?” “Niềm vui không phải là cái vô hình” rồi bà ta nói tiếp “Cái vô hình là cái không tan biến được. Cô có gia đình rồi chứ? Cô được mấy cháu?” Bà Shima đi từ một sự trừu tượng sang một sự đối nghịch hiện thực. Nàng hơi ngạc nhiên, nhưng đáp: “Vâng. Tôi được một cháu, cháu gái 15 tuổi” “Cháu ngoại gái tôi cũng cỡ đó. Chúng nó may mắn sinh ra trong thời bình, không như mẹ nó!” Bây giờ Quế mới để ý đến đôi bàn tay của bà Shima. Những vết sẹo chằng chịt lồi lõm không chừa chỗ nào trống cho làn da nhăn nheo với thời gian. Đấy là cái vô hình mà bà ta nói đến đây chăng? Mà hình như khi người ta bắt đầu nhắc đến cái riềm bên ngoài của một câu chuyện là tự dưng cứ thế lân lan đến phần bên trong. Hay là khi đã đến lúc một người cần phải thốt ra những tiếng thở dài, và Quế bỗng dưng như một sự tình cờ có mặt ở đó, để nghe, chỉ để nghe. Nỗi vô hình không tan biến được ở bà Shima bắt đầu như sau: “Có những điều mình quên dễ dàng giống như sáng nay tôi để quên kính ở nhà, nhưng cũng có những điều khó quên quá! Mà cũng chính những cái khó quên đó làm mình quên nhiều chuyện khác! Tôi đã mất đi một phần của mình cách đây 60 năm… Gia đình tôi ở Hiroshima vào thời điểm chiến tranh đang leo thang, năm 1945 chắc cô biết chứ? Quên! Chắc lúc đó cô chưa ra đời? –Không đợi Quế trả lời, bà ta kể tiếp- Tương đối thì vùng chúng tôi ở không đến nỗi nào trong lúc những thành phố như Tokyo hay Yokohama đã bị tàn phá nhiều. Không phải mình tôi mà cả những người sống trong vùng này đều tin rằng chiến tranh không lan tới đây. Lúc đó tôi đã góa chồng, mặc dù mới 23 tuổi với một nách 3 đứa con nhỏ. Mới sáng sớm mà chúng tôi đã nghe còi báo động hụ phải xuống hầm trú ẩn ở sau nhà. Nhưng thời đó lúc nào cũng phải sửa soạn thức ăn mang theo khi xuống hầm trú bom vì không biết phải nằm dưới đó bao lâu, nhất là tôi có con nhỏ nên càng phải đề phòng. Trẻ con thích đồ ngọt nên lúc nào tôi cũng làm mứt vừa để dành được lâu không sợ bị hư mà trẻ lại thích. Chính cái thứ mình làm ra mà nó lại làm mình ray rứt đến như vậy!” Kể đến đây rồi bà lão ngừng lại như để bắt thêm hơi thở hay chính là để thở ra những ký ức và những bóng tối của chiến tranh? Rồi lại kể tiếp: “Akiko là đứa nhỏ nhất của tôi, năm đó nó được gần 3 tuổi. Nó thích mứt cam nhất. Sáng hôm đó khi tôi đang làm mứt, con bé cứ lằng nhằng đòi ăn mà tôi không chiều theo ý nó vì muốn để dành cất vào hũ, phòng khi không có gì ăn… Vậy mà tôi tiếc... không cho nó ăn! Tại sao tôi lại có thể tiếc với con một điều nhỏ nhặt như vậy? Tôi đã để lỡ cơ hội cho một sự bày tỏ.... dù là vụn vặt! Sáng sớm mùa hè năm ấy chúng tôi đã phải chui vào hầm sau nhà khi nghe còi báo động, nhưng chỉ lát sau lại êm. Tôi chờ một lúc rồi ra khỏi hầm trước, tay còn bế con Ariko. Vừa lên khỏi hầm là đã thấy tai mình ù đi như bị điếc, cả trời đất sáng lòa như cả mặt trời trên kia vừa rơi xuống đây… và cái ánh sáng.. sức nóng kinh hoàng ấy cùng những cụm mây hay khói không biết nữa bốc cao làm tối sầm trời đất. Nhiệt độ tăng lên đến mức không thể tưởng tượng nổi! Chắc địa ngục thì cũng chỉ đến thế! Rồi mưa cô ơi! Những hạt mưa đen như mực. Có biết đâu chính những hạt mưa từ trời cao ấy chứa đầy chất độc.. giết người! Tôi không thể hiểu đó là cái gì nhưng như một sức hút từ trời cao, con bé tuột khỏi tay tôi… Phải nói là nó bị cướp đi mới đúng!… Hai đứa sau cũng leo khỏi hầm, chúng níu lấy tay tôi. Giống như một giấc mơ, tai bị điếc không nghe thấy gì cả, mắt thì lòa đi, đầu óc u mê ngơ ngẩn. Làm sao mà tôi cùng anh chị của nó ra được đến bờ sông Ota thì không hiểu!.. Chẳng bao giờ có thể biết được tại sao! Khi đến được bờ sông Ota, thân người chúng tôi nám đen, rát bỏng và không còn mảnh quần áo. Còn bé Ariko.. đâu mất! Lúc đó tôi bắt đầu tỉnh tỉnh một chút, cả ba mẹ con đi tìm con bé Ariko. Tôi gọi tên nó cho đến khi lạc cả giọng. Quanh chúng tôi là những bóng ma cháy nám với những đôi mắt thất thần! Tôi nghĩ đó là ngày tận thế!... Vậy mà.. ba mẹ con tôi là một trong 100 ngàn hibakusha còn sống sót tại Hiroshima sau trái bom nguyên tử đã đi vào lịch sử chiến tranh của con người…” Bà Shima ngừng lại. Quá khứ sâu thăm thẳm trồi lên rồi lại tuột xuống tận đáy của một trí nhớ bạc thếch. Những nhà những cửa, trời mây vùn vụt bên ngoài theo tốc độ của chiếc xe bus như đẩy nhanh quá khứ lùi về sau. Quế lại nhìn xuống những vết sẹo trên bàn tay bà Shima. Những vết sẹo đã lành da căng cứng vì hụt, vì thiếu da, không nhăn nổi theo với quy luật của thời gian như niềm đau vô hình nhức nhối, như những vết thương tưởng đã lành mà vẫn căng cứng như thách đố. Nàng buột miệng nói: “Chiến tranh thật kinh khủng phải không bà?” “Chiến tranh.. chẳng bao giờ hết chiến tranh cả! Mà cho dù có hòa bình thì chiến tranh vẫn còn đó, không quên được!... Chiến tranh, hòa bình là hai nửa của một vòng tròn. Vậy mà..” Bà ta ngừng lại không nói nữa. Quế cũng yên lặng. Bà Shima lại kể tiếp, bây giờ không phải là chuyện riêng mà là chuyện chung của những nạn nhân trong thời kỳ đó. “Những hibakusha.. Quên! Tôi cứ quen nói như vậy! Hibakusha là những người sống sót sau vụ đó. Tôi và các con tôi cũng là một trong những hibakusha. Chúng tôi mang một dấu ấn do chiến tranh để lại! Người ta xa lánh, kinh sợ những hibakusha vì sợ ảnh hưởng của những phóng xạ gây bệnh tật. Chuyện lập gia đình với những người liên hệ đến nạn nhân trong vụ này là một điều người ta tránh tuyệt đối! Chúng tôi trở thành như một thứ hủi bị người đời xa lánh! Đã bị thương tật đã đành, nhưng đến đời các con tôi cũng cùng chung số phận! Nhiều hãng xưởng từ chối không mướn, có những gia đình khi lấy vợ lấy chồng cho con cái còn thuê mướn người điều tra tông tích xem cha mẹ ông bà có phải là hibakusha hay không! Tôi đã giận dữ, thù hận không chỉ chiến tranh mà còn cả những người đồng chủng với mình... Khi con gái tôi lập gia đình với một người Mỹ.. và theo chồng nó về xứ sở này.. tôi đã nghĩ khác đi! Để thay đổi người ta cần phải có thời gian, cô có nghĩ vậy không? Hay mình phải vượt lên cái tầm thường để cởi bỏ hết? Đến chừng này tuổi tôi không còn thù ghét một cái gì. Giá mà tôi thay đổi được ý nghĩ của mình sớm hơn có lẽ tốt hơn” Quế trả lời mà trong tâm đang tự vấn mình, hoài nghi về câu trả lời của mình: “Đúng thế! Nhưng không phải dễ!” Câu chuyện giữa hai người đến đây như dừng lại, mỗi người như lại tách ra với những ý nghĩ riêng của mình, hay vẫn cùng đề tài? Bên ngoài trời vẫn không sáng hơn. Và buồn, như nỗi buồn vô hình của người đàn bà ngồi bên đang chở nặng trên vai hơn 80 năm không phải của một cuộc đời mà có lẽ của nhiều cuộc đời! Giống như Quế, đôi lúc nhìn lại mình của những ngày trước đây, thấy mình khác, ngay cả trong những suy tưởng và hành động. Rồi tò mò và đôi lúc phủ nhận để bảo rằng mỗi người chỉ có một cuộc đời. Hay người ta sống nhiều cuộc đời trong một đời? Đó là được hay mất? Ôi thôi, sao rắc rối quá! Như trường hợp bà Shima, thay đổi, nhưng không quên. Ngay trong những lời kể lể tuy ôn hòa nhưng vẫn trĩu nặng những mất mát. Rồi vẫn chính bà ta lại tiếp tục câu chuyện: “Sống lâu, sống dài, chỉ để gậm nhấm những thứ đã trôi qua. Mà càng lâu càng có thì giờ suy xét, sai có, đúng có, vô nghĩa cũng có nốt. Cái vô nghĩa nhất mà tôi thấy đó là tôi được sống mà Ariko.. chết! Đó cũng là được mà cũng là thua! Này, cô có biết đánh bạc không?” Quế chưng hửng: “Đánh bạc?.. À không, tôi chưa thử bao giờ” “Cuộc đời giống như nhiều canh bạc. Ăn thì vui mà thua thì cay. Toàn hên xui cả. Tính toán vứt đi! Mà canh bạc đời.. hay cho mình nhiều bất ngờ. Thật tức!” Có lẽ cái tức đó mà bà Shima bực đến cắt ngang câu chuyện. Hay những chuyện muốn kể cũng chỉ có thế và người kể cũng không muốn nói thêm. Hay, quá khứ phải khuất mắt đi cho người sống được sống. Bà Shima Sonoda -tự dưng Quế nhớ cái tên này rất lâu- và những điều bà ấy kể, nói, làm dầy thêm cuốn tự vị sống của mình, Quế bâng khuâng nghĩ như vậy. Nàng sẽ nhớ lại câu chuyện của ngày hôm nay vào lúc nào trong cuộc đời trước mặt? Nhưng chắc chắn nàng sẽ không kể cho Tuân nghe vì không muốn chồng nàng phê bình: “Em thật vớ vẩn!”. Tuân sống nhiều hơn nghe và suy nghĩ. Nàng biết mình yên ổn bên cạnh một người giản dị không chỉ trong lối sống mà còn trong những tư duy. Nàng cần sự đơn sơ ấy để cân bằng hóa những thứ lộn xộn đang quấy rầy cái đầu nhỏ bé của mình, như những mảnh nhỏ trong câu chuyện vừa nghe còn lắng lại. Khi xe bus rẽ vào trong phố và ngừng lại ở trạm, Quế nắm tay bà Shima hơi lâu vừa để tạo cơ hội sờ vào những vết sẹo của bà lão rồi nói: “Cám ơn bà đã chia sẻ nhiều điều với tôi. Ngày mai nghe nói thời tiết khá hơn. Trời đẹp làm mình dễ chịu hơn phải không bà? Đâu phải lúc nào trời cũng xấu đâu, lúc này lúc kia”. Bà Shima nhướng mắt nhìn Quế. Cái nhìn lâu, im lìm, sâu thẳm ngập đầy cái rưng rức đau xót tỉnh táo không phải chỉ trong đầu trong tim mà cả da, cả xương, rồi đọng lại ở đuôi con mắt già sụp mí. Rồi chợt nháng lên chút tia nhìn hóm hỉnh. Và để trả lại, bà ta vỗ vỗ tay Quế không nói thêm điều gì. Bà thấy mình đã nói quá nhiều trong ngày hôm nay. Một ngày trời xấu! Mặc Bích