ái bóng người lom khom đang cúi xuống, tra chìa khóa vào cửa, một bên vai trĩu xuống vì chiếc bị đang xách ở tay. Lần nào cũng thế, phải xoay, phải lựa, phải lắc nhè nhẹ thì cửa mới mở. Dùng vai đẩy cửa vào, cầm chìa khóa, tay với bật đèn, còn chân nhoài ra sau đẩy ập cửa. Bỏ chiếc bị ngay sát cửa, ông Tài buông mình xuống ghế, người ông thưỡn ra như một miếng thịt nằm trên thớt chờ người ta xẻo, cắt. Ông ta lười biếng ấn gót để cởi giầy, ngọ nguậy mấy ngón chân. Cái sướng đi từ mấy ngón chân lên đến đầu rồi luồn xuống hai cánh tay, bàn tay buông thõng đang ì ra như thể mượn tay ai. Lúc này đúng là ông đang phiêu diêu miền cực lạc, tận hưởng một sự bay bổng thoát hồn, nhẹ mà nặng. Cái nặng trĩu trùng xuống, dãn ra mở bung cho cái nhẹ là đà bay lên. Cổ ông tựa vào triền đệm êm đưa cái mặt xương xương trát đầy phấn trắng, đôi môi vẽ to dầy đỏ choét đang ngoác cười dù ông chỉ hơi há miệng. Những quầng đen tô quanh mắt làm đôi mắt sụp ở hai góc bỗng huy hoàng xếch lên ở khoé đuôi làm thành một gương mặt vui nhộn, thấy muốn cười. Lớp phấn trát quá trớn bữa nay trít cứng trên mặt ông như đóng mặt nạ. Đầu ông trống hoác, mọi thứ dường như tuôn chảy rì rỏ suốt đường về để đến bây giờ sạch bách. Chẳng bao lâu, ông thiếp vào giấc ngủ mệt mỏi nhưng bình thản như trẻ thơ. Cái miệng bây giờ há to hơn chút đỉnh. Tiếng thở nghe rè rè mà đều, thụt ra hít vào, không vui tai trên khuôn mặt có cái miệng cười được vẽ rộng đến gần mang tai. Khi ngọn đèn trong phòng sáng hơn, chiều bỗng thành đêm và cái đồng hồ nằm tuột dưới bao tử bắt đầu reo, ông Tài tỉnh dậy. Mắt ông nhíu lại trước cái ánh sáng chói lòa không dịu như trong giấc mơ dở dang. Cổ họng ông khô khốc. Năm rồi mười phút. Ông đã về lại. Cứ đi rồi về, sao không đi luôn cho mọi việc trở thành giản dị? Vào phòng tắm, trút hết mọi thứ. Đứng dưới vòi nước âm ấm, ông mắt nhắm mắt mở nhìn những giòng nước dưới chân mình loang lổ mầu.. Những lớp phấn trên mặt tan đi. Nào kỳ nào cọ, tắm thật lâu, chẳng phải để đón ai, nhưng chỉ để tẩy cho sạch cái mặt hề, một công việc làm bị đánh giá thấp nhưng đối với người yêu nghề, yêu những tràng pháo tay và tiếng cười, làm hề là một thứ tuyệt đỉnh của mọi cảm xúc, một thứ vượt thoát trèo lên khỏi mình để mang lại những niềm vui cho người khác. Người ta cần nụ cười như một thứ gia vị của đời sống. Hề mang tấm áo của tuổi thơ, hồn nhiên, dung dị, thoải mái đi thẳng vào lòng người rồi trôi tuột như nước, chẳng vướng bận. Còn công việc bán hàng bán thời gian là một sự nhàm chán còn hơn nhai và nuốt! Tắt vòi hoa sen, choàng tấm khăn lông ba ngày chưa giặt đưa lên mũi ngửi rồi phất qua phất lại gọi là lau khô. Đứng trước tấm gương đục mù như nhìn vào một màn sương mỏng, ông xoa lên mặt gương. Cái mặt hơi phệ trong kia đang nhìn ông với vẻ hồ nghi. Ông thích nhìn cái mặt hề hơn, không muốn nhận cái thằng này, trông nó lao láo và chán bỏ mẹ! Ông Tài lẩm bẩm với cái miệng hơi mím lại trên đôi môi mỏng quẹt, hai mép hơi chẩy xuống theo đường nhăn. Chẳng chải đầu, chẳng mặc quần áo, tồng ngồng đi ra. Vẫn cái đèn sáng loà trong phòng đón ông, vỗ trên thân thể trần trụi nửa như ngạo nửa như thách thức. Ông Tài nói trổng: “Vậy đó, làm gì nào!”. Nói xong ông phì cười một mình, chắc chắn nụ cười không được như lúc làm hề vì không có những tiếng cười và vỗ tay đáp lại! Ở truồng một lúc lại thấy lạnh, chắc vì đói nữa, ông lục trong mớ quần áo vừa giặt hãy còn nhăn nhúm kiếm chiếc quần sọc, cả áo, trông hơi giống tù. Người-tù-thời-đại-ở-căn-nhà-số-123-đường-Tidla ngồi ăn bữa tối trước màn ảnh truyền hình với hộp cơm phần mua vội lúc chiều. Nhai mà không biết mình nhai gì. Ăn rồi nuốt, không chút hương vị. Lục trong tủ lạnh tìm được mấy trái ớt, cắn thử. Ngon! Có một tí vị mà giựt cả toàn thân. Đã! Làm hai ba trái đến khi mặt nóng bừng, nước mắt nước mũi tràn ra. Sướng! Hộp cơm chỉ vơi độ một nửa nhưng mấy trái ớt chỉ còn lại mấy cái cuống khô héo. Kể ra tìm cái sướng cũng không khó, chỉ phải đúng lúc, đúng điệu! Chuyện “đúng” đó cũng là một vấn đề! Quái, đời lắm vấn đề thế! Cái vị của mấy trái ớt còn lại đâu đó, dư vị của cái sướng này làm nhớ đến cái sướng kia. Cái sướng trong trí nhớ là một thứ ảo, giả hình và lừa gạt một cách khốn nạn vào những ngừơi tin nó! Màn hình trước mắt vẫn léo nhéo, chúng nó bắn giết nhau, cười cười ngả ngớn, chúng nó đang làm những chuyện trong đời người, đen trắng vàng đều thế cả. Không xem nữa nhưng không tắt. Ông Tài vẫn nhìn Ti Vi nhưng lại nhìn thấy những thứ khác, những thứ mà mới đây ông cho là ảo, là giả, là khốn nạn! Ông nhớ đến mùi thơm, đến nụ cười thật buồn và đôi mắt không nói thật, đôi mắt chẳng thuộc về ai. Tại sao ông không nhớ đến nụ cười đĩ thõa mà chỉ nhớ nụ cười buồn? Bởi vì chỉ có nụ cười gượng của Trâm mới là của ông trong một cách hiểu nào đó, trong một không gian và khoảng cách thật giới hạn giữa trái tim và cái đầu mà trí khôn đã cùn đến nửa! Trâm, Trâm.. và những mắt trước mắt sau tìm những mới lạ bất ngờ. Màn hình Ti Vi chợt nháng lên như tia chớp rồi tắt ngúm. Lại tắt điện! Sang đến Mỹ mà còn bị cúp điện bất tử, tư bản gì, tư bản về chiều! Đang là những tiếng động, ánh sáng rồi bỗng tối thui. Bóng đêm đang thắt lại chung quanh ông, chỉ còn mùi đồ ăn ở hộp cơm đang ăn dở dang. Trí nhớ nhầu nát hỗn độn được dịp thay màn hình Ti Vi tranh nhau loé lên. Một buổi tối dư thừa, chắc chắn sẽ mất ngủ để đành phải bám víu vào cái đầu, sai khiến những suy tưởng của mình rồi thèm phút “tiêu diêu miền cực lạc” khi nãy! Đèn lại bật sáng! Ông Tài vẫn còn ở trong cái thế thụ động, hơi giậït mình chút đỉnh. Ông uể oải đứng dậy ra bếp vất hộp đồ ăn thừa vào thùng rác. Trở lại phòng khách, mắt ông chợt dừng ở cái hình thù dài dài màu trắng nằm dưới sàn ngay sát cửa ra vào. Một cái thư? Không phải từ người đưa thư vì ông có hộp thư riêng. Vậy của ai? Lá thư không có tem, không có tên người gửi? Bóc vội, nét chữ quen thuộc của Trâm làm ông thảng thốt! Làm phiền gì nhau nữa đây em? Tự dưng không muốn đọc! Em đã đi thì đi luôn cho nó xong chuyện, phiền nhiễu làm chi? Ông Tài nhất quyết không đọc và ném lá thư vào đống báo bên cạnh ghế sofa. Cái màu trắng mới quái ác gì đâu, cứ sống sượng đâm vào mắt mình! Thay vì ném vào thùng rác như ông muốn với sự chống đỡ yếu xìu, ông Tài nhét lá thư dưới chồng báo cũ. Sự không nỡ ném đi làm ông khó chịu đến điên người! Phải chi mình có thể làm hề ngay lúc này! Chỉ có những giây phút xênh xang với bộ quần áo xanh đỏ phủ ngoài, cái mặt trát phấn trắng như ma với cái mồm đỏ choét ngoác ra ông mới chế ngự được chính mình. Có lần cái thằng hề đó làm mọi người cười lăn trong lúc chính nó là cọng bún thiu ẻo qua uốn lại mếu máo! Trẻ con và người lớn đã cười vì sự mếu máo của thằng hề! Chỉ có mình ông mới biết rằng mình mếu thật, mếu trong cái huy hoàng của ánh đèn xanh đỏ với những tràng pháo tay tưởng như vỡ rạp. Ngày nào cũng như ngày nấy! Chắc cũng sẽ có những người tự hỏi làm sao người ta có thể làm hề mỗi ngày được như thế? Trong cái giả người ta có thể sống thật, trong cái thật người ta lại không dám sống thật! Đêm nay có người không ngủ đi lang thang như cái bóng vật vờ, một thứ vô thừa nhận mà cuộc đời còn chê! Ở cái giờ khắc mà đêm đã chín, vơ vẩn ngoài đường phố, vào công viên.. không rình mò mà lại thành ra rình mò! Đôi tình nhân ôm nhau dưới bóng tối đồng lõa của tàng cây cao. Ông Tài lẩm nhẩm chửi thề! Ông đang muốn chạy trốn khỏi những phiền nhiễu mà không xong! Nhưng nhịp bước đều đều của đôi chân cũng có tác động ru ngủ. Đi cho đến lúc chân muốn rục, ông quay về nhà, chui vào giường… tay còn với bấm nút đồng hồ báo thức rồi.. thăng! ° Tiếùng nhạc nho nhỏ bật lên từ cái đồng hồ báo thức làm ông Tài tỉnh giấc. Mở mắt mà không tỉnh! Lạ, sáng nay sao im thế? Ngoài trời đã sáng nhưng im phắc! Ông Tài lồm cồm dậy, ghé gần cửa sổ vạch màn nhìn ra ngoài. Bên kia đường trước mấy căn nhà, xe còn đậu nguyên. Hôm nay chủ nhật! Khi mặt trời đã lên cao và nóng, cái im vắng mới đây tan mất. Loáng thoáng nghe tiếng xe, tiếng người lao xao rồi cả tiếng máy cắt cỏ. Ông Tài nghĩ đến cái vườn sau nhà mà cỏ bắt đầu mọc vô trật tự. Cũng phải làm gì thôi! Cái máy cắt cỏ của ông chạy như người hết hơi, khặc khừ nhả khói khét lẹt, ngáp ngáp đớp cỏ. Mồ hôi vã ra thấm ướt lưng áo. Được hai phần ba sân, ông ngừng tay nằm bệt dưới sàn cỏ vừa cắt. Mùi cỏ hăng hăng xông vào mũi. Chuyện đang làm đi ra khỏi cái thời khóa biểu đều đặn trong tuần rồi cái mùi đất mùi cỏ ngai ngái cho một cảm giác mới mẻ dễ chịu. Bỗng ông nghe có tiếng trẻ nói: “Ê! Ông có sao không vậy?” Ông Tài ngồi dậy tìm bằng mắt. Bên kia hàng rào mắt cáo, thằng bé da trắng tóc vàng chừng 5, 6 tuổi mặc cái quần cụt trễ xuống phơi tí bụng trắng hếu, áo thung màu vàng ngắn ngủn đang tò mò nhìn ông. Như thói quen khi làm hề, ông ngoác miệng ra cười làm điệu bộ. Thằng bé thú vị nhìn ông nhưng nó không cười. Ông Tài làm quen,nói: “Không sao hết!” Rồi bỗng dưng ông nói vu vơ “Nằm dưới đất khoái lắm!” Lần này nó cười, nói: “Kiến cắn chết!” “Sao chết được?” Ông Tài thích thú nhập vào câu chuyện. “Mẹ tôi bảo có thể chết vì kiến cắn” Bây giờ ông Tài cười thật. Năm sáu tuổi nó nói “Mẹ tôi bảo”, lớn chút nữa chắc cũng còn nói thế nhưng lớn hơn nữa chủ từ “mẹ” sẽ được thay thế bằng “tôi”, rồi bằng gì nữa.. nó hay một cái tên nào khác? “Tôi bị kiến cắn hoài có chết đâu?” Thằng bé nhìn ông bằng cặp mắt hoài nghi: “Mẹ tôi bao giờ cũng nói đúng!” Lại “mẹ tôi” nữa! Ông không nên đùa với chữ “mẹ” của nó mặc dù vẫn còn muốn cười. Ông lại gần hàng rào. Cái mũi hỉnh hỉnh lốm đốm tàn nhang của thằng bé trông ngộ nghĩnh hết sức! Mấy ngón tay be bé xinh xinh của nó đang níu lấy mấy mắt cáo hàng rào trông như mấy nụ hoa còn bum búp. Tự dưng ông thấy lòng mình mềm ra và nôn nao trong một tình cảm bất chợt như có lần nhìn hoa nở trong mưa bên bến sông vắng, thấy lòng chấp chới mênh mang một cảm xúc dị thường. “Cháu tên gì?” “Daniel” “Tôi chưa bao giờ thấy cháu ở đây vậy?” “Bố mẹ tôi mới dọn tới đây.” Nói xong nó cười thân thiện, nhe mấy cái răng trắng nõn mới mọc hãy còn cái cao cái thấp. “Ông tên gì vậy?” “Tài!” Thằng nhỏ lại cười nữa: “Tên gì kỳ vậy? Ông người Tàu hả?” “Không phải Tàu, người Việt” “Người Việt là người gì?” Ông Tài chưa kịp giải thích với người hàng xóm tí hon thì chợt nghe tiếng người đàn bà quát: “Danny! Đi vô nhà ngay! Làm gì ngoài đó vậy? Không có nói chuyện với người lạ!” Một người đàn bà ngoài ba mươi gầy nhom đang xăm xoi đi tới. Không thèm nhìn mặt ông Tài, bà ta kéo thằng bé đi vào trong nhà, miệng làu bàu: “Trông đúng là phường bất lương, muốn gì thằng bé chứ?” Ông Tài đứng chết trân! Mặt ông đỏ lên không phải vì nắng! Thằng nhỏ theo mẹ đi vào nhà mà còn ngoái cổ nhìn lại. Quay lại nhìn sân cỏ, ông uể oải cắt nốt phần cỏ còn lại trong sân. Khoảng vườn nhỏ bỗng dưng rộng hẳn ra. Ý nghĩ nằm dài trên ghế nhựa uống một lon bia, ăn một chút gì trong buổi sáng chủ nhật ngoài vườn không còn mấy hấp dẫn. ° Chủ Nhật khác ra sân sau, tình cờ ông lại nhìn thấy thằng bé đang nghịch trong vườn. Nó cũng thấy ông nên nhìn. Ông Tài giơ tay, một tín hiệu thân thiện. Thằng bé cũng giơ tay lên ngoắc ngoắc. Ông thấy vui vui, niềm vui tự nhiên nhưng biết là chỉ có thế dù muốn có người bạn nhỏ, một thứ tình không bận bịu và êm ả, chẳng níu kéo mà cũng chẳng phải giữ gìn thủ thế. Những viên thuốc xanh đỏ phải uống mỗi sáng là một thứ câu giờ. Cái trò câu giờ nhân thế mới tào lao làm sao! Nó cứ lắt la lắt lẻo như lá úa trên cành, chờ cơn gió mạnh bứt đi. Và trước mặt chỉ là một màn hình Ti Vi không hình, không tiếng, chỉ toàn những đốm sáng giựt giựt với sự vô nghĩa loang kín mặt hình. Ông Tài đã nghĩ nhiều lần đến sự chấm dứt tình trạng câu giờ của mình. Khi nào chuyện “muốn” trở thành cụ thể? Khó hơn ông tưởng! Hóa ra trong thân xác vật vờ của ông vẫn còn chút lửa chưa chịu tắt. Rồi ông lại tiếp tục ngoan ngoãn ngốn những viên thuốc đều đặn như một thứ cầu kinh làm mê đi mọi xúc cảm, nếu còn! ° Trâm nhìn xuống bụng mình rồi thở dài! Bao nhiêu năm sống với Tài, để đến khi chia tay lại dính cái bầu! Người ta có thể oán ghét, chán nhau mà vẫn dính bầu trong một giây phút không phải lỡ làng mà chỉ vì bị chính mình đốt, đốt cho đến mù lòa!! Toàn là những chuyện ngoài ý muốn! Nàng không biết khi nhận được cái thư Tài sẽ nghĩ sao? Trâm đã phải bỏ thư vào cửa vì biết Tài đã thuê hộp thư khác. Sự sai biệt 12 năm giữa hai người đã trở thành một khoảng cách vĩ đại khi người ta không còn yêu nữa. Hay bởi vì không còn tình yêu nữa nên nàng mới thấy những điều trước kia không nhận biết, hay đây chỉ là một cách trốn chạy mặc cảm tội lỗi, một thứ chia bớt lỗi lầm, tại anh tại em, tại cả hai đàng! Hay tại anh cả? Trâm cũng không ngờ rằng mình dứt nhanh như thế. Không phải vì ai khác. Có ai đâu, Tài cứ tưởng như thế trong sự mù quáng ghen tương tối tăm của chàng! Bây giờ đứa con trong bụng sẽ là gì đây, chắc chắn không phải là một gạch nối vì không có gì để nối cả, Trâm chỉ muốn cho Tài biết về sự có mặt của đứa trẻ này. Bỗng dưng nàng thấy tội nghiệp cho cả ba! Tài sẽ hiểu lá thư không phải là một sự níu kéo, chắc chắn như thế, mà chỉ là một sự bắt buộc phải thông tin. Rồi nàng lại hối hận! Lẽ ra cũng không nên báo cho Tài biết. Để làm gì chứ? Cái mầm sống lạ lùng này sẽ thay đổi Trâm ra sao, nàng tự hỏi mình nhiều lần? Điều đầu tiên là Trâm thấy quên chính mình bớt mà chỉ nghĩ đến nó. Năm, mười ngày qua cũng không thấy Tài liên lạc. Thoạt đầu Trâm chờ đợi, tưởng tượng ra đủ thứ phản ứng của một người mình đã chung sống cả mười mấy năm. Nhưng rồi thất vọng, khó chịu, giận dỗi. Bỗng dưng lại cứ phải chờ đợi và nghĩ đến.. Tài! Thật khó chịu, không phải chỉ bực với Tài mà nàng bực cho quyết định gửi lá thư của mình! Ngu xuẩn! Không còn từ gì đúng hơn! ° Ông Tài mua một xách bia, ít đồ nhậu. Bao lâu ông chưa nhậu và say nhỉ? Không còn nhớ nữa! Thế có nghĩa là lâu lâu lắm! Có chấm dứt thì cũng phải chấm dứt một cách vinh quang ngon lành. Giống mấy ngọn đèn trên sân khấu, khi tắt là tắt cái rụp. Về đến nhà, ông Tài bầy mọi thứ ra bàn, mở Ti Vi dù không xem, ông cần âm thanh, bất luậïn là âm thanh gì. Không thay quần áo, mặt vẫn còn trát phấn, ngồi xuống ghế, mở chai bia. Ông uống từng ngụm, mắt nhắm nghiền như tìm trong chất nước mà ông vừa tống xuống dạ dầøy một chút tình tri kỷ nào đó. Một thứ tri âm lâu ngày không gặp. Vậy mà rốt cục cũng chẳng phải là cố nhân! Vậy nó là thứ gì? Đối với ông coi bộ chẳng thứ gì ra thứ gì! Cả tháng nay ông Tài không uống viên thuốc nào, không muốn tiếp diễn cảnh câu giờ. Cũng có thấy khác, khác nhiều! Mà lạ, cũng không thấy hài lòng về chuyện tự mình dứt không uống thuốc. Chẳng thấy thỏa mãn về quyết định của mình. Hay mình nhầm? Không, mình đã quyết định đúng, ông nghĩ như thế và ngắm nghía lọ thuốc ngủ cực mạnh trước mặt. Muốn gì nữa? Một giấc ngủ luôn không dậy! Đó là chót đỉnh vinh quang. Vậïy mà trong ông có đứa phản bội thì thầm chửi ông “Đồ hèn!” làm ông Tài thấy lao đao trong cái rung rinh ngập nước ở tròng mắt ông, sóng sánh mà không tràn, chưa tràn thì đúng hơn! Nhưng cái thèm muốn mạnh mẽ của một ngày mai không tới có nghĩa lý quá đối với ông. Một thèm khát không tên gọi, không hình thù rỉa rói ông ngày này qua ngày khác và hiện tại đang quấn lấy ông, mơn man rồi thắt chặt, hứa hẹn một vượt thoát tuyệt diệu.. hơn mọi thứ trên đời này. Ông Tài nốc cho bằng hết lọ thuốc ngủ rồi nằm xoài ở chiếc sofa với cái mặt hề đang cười của ông, chờ, không màng tới hai vệt nước đang không còn chỗ chứa trào ra chẩy dài trên má. Những tiếng động từ chiếc Ti Vi vẫn liên tục, nó không để ý đến người hề nằm kia. Vô tình đến thế! ° Larry, lão chủ tiệm càu nhàu: “Cái thằng Tài chắc không muốn làm nữa rồi! Hôm nay là ngày thứ tư nó không đi làm mà cũng chẳng gọi vào. Tao cho nó nghỉ luôn” Long đỡ lời: “Nhiều khi ông ta bịnh. Lâu nay thấy ông ta không khoẻ” “Bịnh cũng phải nói chớ! Mày có gặp nó bảo là tao đuổi nó” Long không nói gì thêm nhưng nghĩ đến chuyện ghé thăm ông Tài chiều nay. Hai người cùng chủng tộc màu da hiểu nhau hơn, chàng thở dài. Khi người làm ca kế tiếp đến, Long vội vã chuyển giao như trút gánh nặng. Thay vì về thẳng khu chung cư, Long giữ ý định ghé thăm ông Tài. Chàng đã đến nhà ông ta một lần. Căn nhà nhỏ nằm trong khu lẫn lộn cả da màu và trắng. Những căn nhà phải trên 20 tuổi là ít. Trước nhà ông Tài cả đống báo. Không lẽ ông ta đi vắng? Long ngần ngừ định đi luôn nhưng rồi xuống xe đi vào tận cửa. Chàng bấm chuông. Nhìn vào trong qua kẽ hở của chiếc màn không khép kín, thấy màn ảnh Ti Vi bật sáng. Vậy là ông ta có nhà. Long bấm chuông mấy lần vẫn không thấy ai mở cửa. Chàng ghé mắt nhìn vào lần nữa. Có đôi giầy to quá khổ, kiểu giầy của mấy bọn hề trong gánh xiệc gác lên trên thành ghế sofa. Long đập cửa gọi: “Anh Tài! Anh Tài ơi!”. Vẫn không thấy động tĩnh gì. Nhìn vào, vẫn thấy đôi giầy kệch cỡm ở yên trong vị thế đó. Một cái gì không ổn! Long chắc chắc như thế. Lại bấm chuông rồi đập cửa, rồi gọi. Phải gọi 911 thôi. Khi xe cứu thương và cả xe cảnh sát đến, Long giải thích sơ sài. Họ đi vòng ra phía sau lắc cửa. Cửa nào cũng khóa chặt. Ra cửa trước, họ tông cửa vào. Một mùi hôi lợm giọng ùa ra. Xác của ông Tài đã bắt đầu có mùi! Cái chết của ông Tài không ám ảnh Long nhiều bằng cái mặt hề quái dị của ông. Người đàn ông có vẻ tầm thường mà chàng không biết mấy đã chọn chàng làm người khám phá ra cái chết của ông ta. Giữa Long và ông Tài không có tình cảm nào đặc biệt ngoài tình đồng hương, ngoài ra không chút liên hệ. Vậy mà chàng không thể không nhớ đến ông ta! Long không quên được cái miệng ngoác rộng đỏ chét như đang cười ngạo với chàng. Có những đêm tỉnh giấc giữa khuya, cái miệng cười lạ lùng ấy tuy không phát ra tiếng cười nhưng cứ lơ lửng trong đầu chàng như một chiếc đèn lồng ma quái và cái ánh sáng huyền hoặc từ chiếc đèn đỏ ấy chỉ ánh lên chút lửa giả tạo chập chờn mang một nỗi buồn mênh mông. Đó không phải là nỗi buồn mà là một cái gì vơ vẩn không thể chia sẻ với ai! Cái chết và niềm sợ hãi làm gì đã có trong lứa tuổi Long? Đúng là vơ vẩn chớ chi nữa? ° Trâm ghé đến căn nhà cũ khi bụng của nàng đã khá lớn. Buổi chiều tháng bẩy, nóng đã dịu, lòng đường vẫn còn ấm mà đôi chân nàng lạnh ngắt. Trước cửa nhà, bảng “For sale or lease” cắm nghễu nghện. Nàng đứng lặng yên dù biết rằng không còn gì để nhìn. Nhưng mái nhà kia, hàng dậu ở sân trước, khung cửa.. mọi sự vẫn thế, chỉ có Tài không còn ở đó! Lần này nàng không hối tiếc đã đến đây. Ít nhất Trâm đã cố gắng. Nàng sờ tay lên bụng lẩm bẩm “Mình đã cố gắng, đã thử, nhưng sao được!”. Tài không bao giờ biết rằng chàng đã không biến mất hẳn. Tưởng rằng đã tuyệt tích, ai ngờ! Mặc Bích