roject phải nộp trong vòng một tháng đối với Hương quá vội vã, không đủ thì giờ! Tám con người, cả nam lẫn nữ, và phải là những người xa lạ? Người thầy giáo đã nghĩ ra những đề tài quái gở!!! Làm quen, bắt chuyện và ghi lại, rồi nhớ và về nhà vẽ lại 8 người đó. Sao nhiều chuyện thế cho năm học cuối! Cũng chỉ là một trong những đề tài phải làm, nhưng tốn quá nhiều thì giờ, công sức. Nguyên chuyện làm quen, hỏi chuyện đã không phải dễ đừng nói đến chuyện gì khác! Hương thở dài khi đóng cửa phòng.
Chiếc thang máy mới trong khu chung cư trườn từ lầu 3 xuống lầu 1 êm ru. Bỗng dưng Hương lại nhớ cái thang máy cũ kiểu cổ được làm từ năm 1940 khi căn chung cư mới được xây. Nó xọc xạch và có những tiếng động mà thoạt tiên mới đến tưởng đâu thang máy sẽ ngưng nửa chừng hay tuột dây đi một lèo! Vậy mà bây giờ lại nhớ!
Ngày Chủ Nhật đầu tháng 9, trời đã dịu hơn với những cơn mưa bất chợt. Mưa ở Manhattan đổ xuống đột ngột như lũ. Lúc nào Hương cũng mang sẵn chiếc dù nhỏ dù không có vẻ gì là trời sẽ mưa. Phải đổi hai lần xe điện ngầm mới lên tới Central Park. Ngày nghỉ nên không đông, nhưng người ta vẫn có thói quen vội vã chạy xuống hầm chờ tàu điện đến. Chẳng ai để ý đến ai, chỉ ngong ngóng đợi. Đợi cái âm thanh rầm rập của những bánh xe, những ánh đèn loang loáng quét trên đường rầy đen đủi bụi bậm mà thỉnh thoảng vài chú chuột thành phố béo mập từ ngõ ngách nào chạy tuột ra rồi thoắt lại vụt vào bóng tối. Hương đang tiếc một ngày chủ nhật không được dậy muộn! Ước ao duy nhất trong lúc này là được ngủ vùi trên tấm nệm trong căn gác trọ chung với Erika, cô bạn gái người Đại Hàn có khuôn mặt như một con búp bê bằng vải.
 Ngồi trong tuyến xe điện đang lao đi lắc lư, Hương nghĩ đến những điều mình phải làm trong ngày hôm nay. Những chữ “phải.., phải.., phải..” tiếp nối nhau như thúc giục và đẩy nàng nhìn tới trước. Cái nhìn của Hương chợt đụng vào gương mặt mệt mỏi chảy dài với hai bên khóe đổ xuống của một thiếu phụ da màu có mái tóc nhuộm vàng quạch, khô như cỏ cháy. Cổ áo rộng trễ một bên lộ một phần ngực trần, không thách thức mời mọc nhưng chỉ như một xác định thêm về sự mệt nhoài hiển nhiên. Bà ta cũng nhìn Hương. Cặp mắt không có mầu rõ rệt, dường như lẫn với màu da nâu vàng, lẫn với mầu tóc, lẫn cả với những ù lì trong dáng ngồi buông thả mà hai chân xoạc ra như kênh nỗi chán chường để phô bầy trọn vẹn những điều không cần nói.
Trong đầu Hương lóe lên một ý tưởng: “Đây là một đề tài tốt để vẽ! Nhưng không dễ bắt chuyện! Thái độ đó như  một căn nhà với nhiều cửa kính nhưng đóng chặt. Trong khung cảnh này cũng khó! Thì giờ cũng không có bao nhiêu. Bà ta có thể xuống bất cứ trạm nào gần nhất”.
Đúng như Hương dự đoán, thiếu phụ uể oải đứng lên ở ngay trạm ngừng đầu tiên. Bà ta đi ra khỏi toa xe như một bóng ma thất thểu. Mà có lẽ cũng chẳng ai chú ý đến ai. Ở đây là thế. Nếu mà người đàn bà có cởi tung quần áo ra ngay đó, cũng chẳng ai thèm để tâm! Người ta còn những băn khoăn khác.
Đến trạm thứ nhì, Hương theo đoàn người hối hả từ đường hầm chui lên khỏi mặt đất. Bên trên, ánh sáng vỡ lòa. Có gió mát và những tiếng kèn xe inh ỏi. Nàng sang bên kia đường, lại xuống một đường hầm khác để bắt kịp chuyến xe điện thứ hai.
Mười lăm phút sau, Hương đến Central Park. Mọi sự đều khác, đẹp đẽ hơn, sạch sẽ hơn và đương nhiên sang trọng hơn nhiều lắm.
Công viên rộng mênh mông nằm ngay giữa thành phố, thản nhiên chiếm những phần tốt đẹp nhất để trả lại cho những con người thành phố chút thiên nhiên và yên tĩnh, dù là giả tạo và tạm bợ. Có lẽ, đôi lúc người và người đều cần những giả tạo và tạm bợ đó, như cần nước, cần thở.
1- Thành phố đã mất
Hương lững thững khoác chiếc xắc tay khá lớn lên vai băng ngang đường số 15 Central Park Ave. để vào công viên. Vài chiếc sạp nhỏ bên ngoài bày bán kỷ vật hay hot dog. Mùi xúc xích nướng thơm lừng lẫn với mùi phân ngựa và cỏ thoảng trong gió. Hương đảo mắt tìm những mục tiêu. Phía trước nàng, vài người chạy bộ ngược chiều. Xa hơn có hai người đi bách bộ. Chắc không còn trẻ với những phần lưng hơi cong và dáng đi nặng nhọc. Người già có lẽ dễ làm quen hơn? Để xem. Những con đường trải sỏi vòng bên trong công viên lên xuống thoai thoải đưa sâu vào bên trong. Hương không còn nghe thấy tiếng xe cộ bên ngoài mấy. Bên bờ cỏ thỉnh thoảng có người ngồi dựa gốc cây đọc sách hay ngắm trời mây, nhưng khách tản bộ là nhiều nhất.
Ngang một băng đáù, người đàn ông mập mạp da đen nhánh nhe răng cười với Hương. Hàm răng trắng bóc hổng một lỗ trống ngay đàng trước với đôi môi thâm xì dầy cộm đang trễ xuống theo nụ cười. Nụ cười hiền hòa thân thiện làm Hương muốn làm quen. Mục tiêu này được đây, nàng thầm nghĩ và Hương cũng cười lại, chân dừng bước.
Ông ta nói trước:
“Trời đẹp quá!”
Trong đầu nàng nghĩ ngay đây là một người homeless. Thế này là dễ bắt chuyện lắm.
Hương khởi đầu bằng câu phụ họa:
“Hy vọng hôm nay không mưa”
“Cô bé không coi thời tiết sao? Không có mưa đâu”
Nàng tính nhanh trong đầu để làm sao đi vào vấn đề ngay. Hương chỉ có 4 ngày chủ nhật cho 8 con người!
Hương ngồi xuống băng đá cạnh ông ta rồi đưa đẩy vào chuyện luôn.
“Ông ở đây hả?”
“Tôi mới đến đây thôi. Còn cô?”
“Tôi là sinh viên, học ở đây”
Ông ta gục gặc cái đầu gọn lỏn với đám tóc xoăn tít sát da.
“Cô ở đây thích không?”
“Dạ thích chứ. Thành phố lớn, trường học cũng nhiều, nhiều thứ để học hỏi”
“Tốt, tốt lắm!”
“Ông thích thành phố này không?”
“Cũng OK thôi”
“Hồi trước ông ở đâu?” Hương xoay hẳn người để nhìn mục tiêu. Nàng cần phải nhớ từng chi tiết trên mặt người này.
Người đàn ông da đen không biết bao nhiêu tuổi, 35, 40, 50? Cái mũi bè bè thật to nằm ngay chính giữa mặt như ngăn cho phần má hai bên tách riêng, mỗi nơi một cõi. Cái đầu mũi tròn ủng khoằm xuống nhìn vành môi tim tím, tai tái đang vểnh lên trong cái trề môi kèm theo cái nhún vai khi nói:
“Ở một nơi chẳng còn nữa..”
Hương tò mò nhìn ông ta kỹ hơn nữa. Dù làn da đậm màu, nhưng dưới ánh nắng nàng vẫn nhìn thấy những nếp gấp ở trên vầng trán không cao lắm, ở hai bên mép kéo thành vệt xuống chiếc cằm vuông hơi bạnh ra. Những sợi râu xám trắng thấp thoáng ở cằm. Nàng lại hỏi:
“Là ở đâu vậy?”
“Ở một nơi không ai muốn đến nữa!”
“Chỗ nào ghê vậy?” Hương càng tò mò.
“Cơn bão Katrina thổi tôi trôi dạt tới đây”
Hương mở to mắt. Té ra ông ta không phải là người vô gia cư như nàng nghĩ. Nàng buột miệng:
“Ông từ New Orleans?”
Đôi mắt có hình tam giác vì nhích lên ở chính giữa và sụp xuống hai đầu của người đàn ông sáng lên như bắt gặp một thứ gì đang kiếm tìm. Ánh mắt đó thay cho câu trả lời.
Tự dưng Hương không biết phải nói gì hơn. Những hình ảnh trên màn hình TiVi cách đây 1 năm về những tàn phá của trận bão Katrina đã đi vào lịch sử, không ai là không biết!
“Cô học gì ở đây?”
“Tôi học về mỹ thuật. Năm cuối của chương trình này”
“Vậy thì cô nhậy cảm với những cái đẹp, cái xấu, hơn một người bình thường”
Điều này có lẽ đúng, Hương nghĩ vậy và nàng đáp:
“Tự nhiên như vậy, tôi có muốn thế đâu”
“Đó là một tài năng Trời cho, cô phải biết cám ơn đã được như thế”
“Cám ơn?.. Tôi chỉ nghĩ đến như một hướng đi. Còn ông thì sao?”
“Cô đoán coi!”
Hương lại được dịp quan sát ông ta kỹ hơn nữa. Cổ bạnh ra nối với đôi vai rộng vạm vỡ. Chiếc áo thung màu trắng cụt tay sáng rỡ trên làn da đen nghịt. Cánh tay không có những bắp thịt của một người lao động hay chơi thể thao. Mà trông ông ta cũng không có dáng vẻ của một người tất bật khuân vác nghèo nàn. New Orleans, cái tên gọi, thành phố và những cư dân, rồi đời sống..? Tự dưng Hương nghĩ đến nhạc jazz!
“Ông có phải là nhạc sĩ không?”
“Nếu tôi bảo đúng thì cô nghĩ sao, và ngược lại nếu tôi bảo tôi làm nghề chài lưới thì cô thấy thế nào?”
“Tôi hỏi ông có một mà ông hỏi lại hai ba!”
Ông ta, tên gì không biết, ngửa cổâ lên cười khằng khặc. Nụ cười thỏa thuê khi cả người, cả khuôn mặt, những thớ thịt rung rung nhún nhẩy thoải mái theo lồng ngực lên xuống phập phồng. Cái miệng được dịp phô bày hết bao nhiêu răng, cái còn cái mất.
“Thú vị thực!”
Hương hơi khó chịu khi có cảm giác là mình bị trêu ghẹo.
Ông ta biết ngay nên cố nín cười rồi lắc đầu:
“Tôi.. chơi nhạc.. chuyên nghiệp”
“Saxophone? Trombone? Clarinet? Drum?”
Ông ta giơ tay lên như đầu hàng khi trả lời:
“Một thứ thôi. Saxophone”
“Bây giờ ở đây, ông chơi nhạc ở đâu?”
Tất cả những nét rạng rỡ lúc ban đầu bỗng dưng biến  mất, chìm sâu dưới làn da đen xậm như  trời đang sáng bỗng dưng tối đen! Cái miệng khép lại, như câu chuyện đến đó là dứt.
Ông ta không trả lời mà Hương cũng không hỏi gì thêm. Có lẽ câu hỏi vội vàng của nàng đã đưa ra không đúng lúc. Dù sao nàng đã nhớ khá kỹ những đường nét trên gương mặt này, mục tiêu thứ nhất!
“Tôi không còn chơi nhạc nữa!”
Câu nói bất ngờ làm Hương ngạc nhiên, nhưng nàng không dám hỏi thêm. Sự yên lặng của Hương bên cạnh ông ta như  cây như cỏ quanh đây, như mây như trời trên kia, dửng dưng mà an toàn, có nghe đấy rồi bay mất, mất tiêu.
Quay sang nhìn Hương, ông ta có vẻ ngạc nhiên khi không còn thấy nàng liến thoắng như lúc trước.
“Cô không thắc mắc vì sao ư?”
Hương nghiêng đầu nhìn bầy vịt trắng bóc đang lạch bạch xuất hiện từ sau triền đồi. Có lẽ bên dưới có hồ nước? Nàng trả lời mà mắt vẫn không rời bầy vịt ở đàng kia:
“Tôi hỏi nhiều quá, làm phiền ông”
Nàng không nhìn ông ta nữa. Trí nhớ nàng đã thu thập đủ những điều phải ghi lại trên giấy.
“Không sao. Ở đây, giữa thành phố này buồn quá! Chẳng bao giờ tôi có thể nghĩ rằng mình sẽ sống ở đây. Nơi đây và nơi tôi sinh ra lớn lên sống bao năm, khác nhau nhiều quá! Sự khác biệt làm chới với. Trong biển người ở đây, mỗi người chỉ là một con số.. Chỉ có ngồi ở đây nhìn trời đất cây cỏ là mới thấy yên được đôi chút. Yên cái đầu mà không yên được.. “ Ông ta chỉ vào ngực lắc đầu: “Ở đây nó không chịu yên!”
Định không nói gì nữa, nhưng không hiểu sao trên môi Hương lại mấp máy thành một câu hỏi khác dù mắt nàng vẫn nhìn về hướng bầy vịt đang le te tiến lại gần:
“Ông có trở lại New Orleans lần nào không?”
“Một lần!”
“Ông không muốn trở về đó sống sao?”
“Không còn ai! Thành phố đã mất. Thật đấy!”
Câu nói còn hơn một tiếng thở dài, rơi vào khoảng không gian thanh thoát rồi tan loãng.
“Lần đó tôi về, tưởng là được về luôn! Thành phố, người quen đâu hết. Về thành phố cũ mà mình lại thành kẻ lạ!”
Câu trả lời đến đó rồi chìm đi, dường như có chút ký ức chợt loé lên nhưng không gầy lên nổi một hình ảnh nào rõ rệt trong khung cảnh này.
Tưởng rằng câu chuyện thế là dứt, nhưng những hạt mưa bất chợt rơi xuống, lác đác hạt to hạt nhỏ mà làm thay đổi toàn diện. Người người nhốn nháo chạy mưa, trú mưa dưới những tàn cây lớn. Những màu sắc tươi sáng của trời của đất, cây cỏ đều biến dạng theo cùng một màu ảm đạm.
Hương căng chiếc dù màu đỏ đứng dưới một cây lớn gần đó chờ ngớt mưa. Người đàn ông da đen khi nãy cũng đã đứng gần nàng từ lúc nào. Ông ta nhe răng cười:
“Cho ké với!”
Hương đưa chiếc dù lên cao theo với chiều cao của ông ta. Người đàn ông cười hiền hòa nói:
“Để tôi cầm dù cho vì tôi cao hơn cô”
Chiếc dù đỏ chỉ che được nửa phần trên, từ đầu gối trở xuống, hai ống quần jean của Hương đã đổi sang màu xanh đậm. Nàng nghĩ đến 7 hình ảnh khác nữa phải tìm kiếm. Cơn mưa làm mất thì giờ và trở ngại cho nàng! Chán quá!
Tiếng người đàn ông nói làm nàng giật mình. Hương hỏi lại:
“Xin lỗi, ông nói gì?”
“Ồ, không, có gì đâu. Tôi nói một mình.. Đứng trú mưa thế này lại.. thấy buồn!”
Ông ta lại làm nàng tò mò.
“Sao vậy?”
“Tôi nhớ đến một cơn mưa khác đã qua.. dưới hàng hiên.. Cũng mưa như thế này..”
Hương chẳng nói gì. Trước mặt nàng những vạt nước mưa thi nhau đổ xuống vội vã, chen chúc. Bầy vịt không còn thấy đâu. Nàng mong cho mưa chóng tạnh. Kể ra nói chuyện bâng quơ với ông ta cũng làm Hương đỡ nóng ruột.
“Ông không còn gia đình ở New Orleans sao?”
Người đàn ông có vẻ ngạc nhiên khi thấy Hương trở lại đề tài lúc ban đầu.
“Cha mẹ tôi đã qua đời cả. Tôi là con một, chẳng có ai”
“Vậy thì buồn quá! Nếu thế ông trở lại làm gì?”
Ông ta cười, tiếng cười lẫn trong tiếng mưa nghe không vui:
“Cô còn trẻ, có tương lai. Những người như tôi hay già hơn nữa thì chỉ còn quá khứ. Dĩ vãng thường đóng những cái đinh vô hình khó quên. Tôi trở về vì cảm thấy mình thuộc về chốn ấy. Người ta cần một nơi để trở về, cần một chỗ thân thuộc.. để bám víu. Vì vậy tôi trở lại New Orleans.”
“Ông có tìm được điều ông muốn tìm không?”
“Tôi tìm được.. điều mình không muốn tìm..”
Hương không hỏi nữa vì nghĩ là ông ta sẽ nói tiếp vì những điều người đàn ông da đen này đang nói thật trừu tượng. Những cảm nghĩ và tình cảm riêng tư đương nhiên là mông lung.
Cũng như cơn mưa, khi đã trút xuống thì không ngừng. Người đàn ông nói tiếp:
“Một năm sau thành phố vẫn ngổn ngang và hoang phế như cơn bão mới trở lại. Thành phố thoi thóp chờ đợi những cư dân trở về. Người ở lại, người trở về dường như tắt tiếng cười. Tôi chỉ gặp toàn những gương mặt ủ dột lạnh câm, gượng gạo trong nụ cười. Nhịp sống của thành phố lạc điệu. Chỉ vài hàng quán mở cửa vì không có khách. Những cái mùi quen thuộc của thành phố như mùi cà phê thơm ngát ở góc đường, mùi thức ăn hải sản, khói thuốc quyện trong từng ngách đường.. mùi trác táng.. đâu hết cả. Chỉ thấy mùi rác, mùi bùn..
Đêm đầu tiên ở New Orleans, tôi trở lại quán rượu nơi vẫn thường chơi nhạc vào cuối tuần. Đi bộ từ đầu dẫy phố mà tôi đã sợ. Cô biết tôi sợ gì không?”
“Ông sợ cướp hả?”
Người đàn ông rú lên cười, lắc đầu:
“Cô bé ơi là cô bé! Cướp nào đâu!”
“Vậy ông sợ gì?”
“Tôi sợ chạm vào sự thất vọng!”
“Rồi ông có thất vọng không?”
Không thấy ông ta trả lời. Hương quay sang nhìn. Da mặt ông ta vốn đã đen nay lại càng đậm mầu hơn. Tự dưng nàng nghĩ chắc người đàn ông này đang buồn lắm.
“Chỗ đó chính là nơi tôi muốn trở về. Ở quán rượu nho nhỏ tồi tàn và cũ kỹ, có một góc là của tôi. Với cái góc tôi tối đó, chút ánh sáng và cái kèn, tôi được hoá thân để trở thành một cái gì tuyệt diệu cho chính mình... Tuyệt vời, thật như thế!”
Lần này Hương đặt câu hỏi một cách dè dặt, dường như nàng bắt đầu cảm nhận được một điều gì đó trong những lời kể của người đàn ông da đen:
“Cái quán.. đó..” nàng không biết phải nói như thế nào, hay vì nàng sợ lại chạm vào nỗi thất vọng của ông ta?
“Quán rượu vẫn ở đó nhưng đã đóng cửa”
Tội nghiệp ông ta quá, Hương nghĩ thầm như vậy. Nhưng không hiểu sao nàng lại rụt rè nói:
“Thành thử ra ông không chơi nhạc nữa?”
“Không, tôi chơi lần cuối.. ở ngay trước cửa quán.. dù quán đóng cửa. Tôi mang kèn đi theo.. và muốn được chơi một lần.. Không có đèn sân khấu, nhưng có đèn đường. Ở khoảng cuối đường này các cửa tiệm khác đều đóng cửa, không hiểu tạm thời hay vĩnh viễn nên chẳng có một bóng người... Rác rưởi đầy đường.. Chỉ có mình tôi, nỗi buồn, thất vọng và cô độc. Chưa bao giờ tôi chơi nhạc mà lại không có khán giả. Ngày hôm ấy.. quả thực tôi chơi nhạc cho sự mất mát của chính mình, cho những lề đường không một tiếng chân người qua lại. Còn nữa chứ, cho những bảng hiệu đóng cửa nghiêng ngả, cho những ổ khóa bắt đầu rỉ sét, cho những vách tường gạch ngả rêu, và cho sự câm nín vô vọng của một thành phố mà người ta không còn muốn nhớ đến..
Tôi đã chơi nhạc liên tục cho đến khi không còn hơi sức mà thổi kèn nữa..”
Không thấy ông ta kể tiếp. Câu chuyện của ông ta buồn quá.
Cơn mưa nhẹ hạt hơn nhưng vẫn chưa tạnh hẳn. Chao ơi, mất bương một ngày Chủ Nhật rồi! Hương than thầm.
Có lẽ biết ý, ông ta nói với nàng:
“Gần tạnh mưa rồi, nếu cô cần đi thì cứ đi đi. Tôi đứng chờ ở đây không sao”
Hương nhìn dò hỏi:
“Ông OK hả? Xin lỗi tôi còn nhiều bài vở phải làm cho ngày mai. Thật ra chờ thêm một lúc nữa cũng được”
“Cám ơn.. cô bé đã kiên nhẫn nghe một người già nói lẩm cẩm..”
Hương không biết phải trả lời thế nào, nàng chỉ cười.
Nhưng rồi bỗng dưng nàng hơi áy náy vì người đàn ông này không hề biết ông ta sẽ trở thành project số 1 của nàng!
“Thôi, chào ông nhé!”
Ông ta nhếch miệng cười, nụ cười như Hương nhìn thấy thoạt ban đầu.
Chiếc dù đỏ của Hương trở thành một cái chấm rực sáng di động dưới làn mưa lất phất. Người đàn ông trung niên da đen nhìn theo cái chấm đỏ đang xa dần. Điểm màu rực sáng ấy thu nhỏ, thật nhỏ và biến vào trong mưa.. Ông ta vẫn không đổi tầm nhìn như đó là một điểm cố định. Những hạt mưa chợt thưa đi, kẽ lá xanh hơn.
Buổi tối cuối cùng ở New Orleans đó vẫn còn chập chờn trước mắt. Đứng ở dưới gốc cây tại Central Park mà tiếng con chó hoang mất chủ tru lên trong đêm tối ở lề đường New Orleans ngày nào vọng lên từ tâm hồn ông như nhắc đến một chốn phải trở về.
°
Tối hôm đó khi vẽ theo trí nhớ hình ảnh người nhạc sĩ da đen mà Hương đã gặp trong Central Park, nàng đã gặp gỡ ông ta một lần nữa khi nhớ đến nỗi buồn của một người không còn nơi để trở về.
Nàng định vẽ ông ta với nụ cười và hàm răng cửa với lỗ hổng nhưng không biết vì sao Hương lại ghi lại trên giấy một khuôn mặt buồn rầu như thế. Có nụ cười hiền hòa rộng mở, có lỗ hổng trên hàm răng cửa, nhưng ánh mắt xa vời và buồn bã.
Tại sao nàng lại vẽ một sự tương phản như thế nhỉ? Hay vì đấy chính là hình ảnh của người nhạc sĩ già?
Mặc Bích
 

Xem Tiếp: ----