Mới sáu giờ sáng thứ hai, Đan Nghi đã khá thướt tha trong bộ quần áo dài gấm trắng muốt. Cô bé đi ra đi vào trong sân, miệng nhóp nhép nhai chewing gum. Nhìn vẻ nôn nóng của cô con gái, bà Huyền bảo: - Ngồi một chỗ mà chờ vẫn còn hơn là đi tới đi lui, nhìn con mẹ chóng mặt quá. Nghi càu nhàu: - Ngồi một chỗ con không chịu nổị Phải làm một cái gì đó để đốt thời gian chớ mẹ. Liếc nhìn đồng hồ, Nghi nguyền rủa: - Cái thằng bốn mắt này ngủ quên hay sao mà giờ này vẫn chưa ló mặt tới. Hừ! Mai mốt mẹ đừng bắt con đi với nó nữa. Đầu năm học đã phải dài cổ để chờ, coi chừng tới cuối năm con thành hươu cao cổ mất. Hừ! Thằng cận này là quỷ! Bà Huyền cau mày: - Lớn rồi! Con không thay đổi cách xưng hô cho dễ nghe được hay sao Nghi? Mẹ chưa bao giờ nghe Khôi gọi con là nó, trong khi con mở miệng là thằng này thằng nọ. Đan Nghi xụ mặt: - Mồm mép nó... ủa quên mồm mép Khôi chả vừa đâu. Nó toàn gọi con là "đi ngang" không hà, sao mẹ không mắng nó chứ! Bà Huyền bật cười: - Có như vậy cũng vừa với con. Đan Nghi chưa kịp nói tiếp đã nghe tiếng kèn xe ngoài cổng. Con bé chào mẹ rồi ào ào ôm cặp bước ra. Giọng Nghi hầm hừ: - Làm gì tới trễ dữ vậy... lão cận? Vẫn thái độ trầm tĩnh ung dung như ông cụ non, Khôi đưa tay sửa gọng kính rồi nói: - Trễ đâu mà trễ, tại... mấy người ham đi học sớm nên mới tưởng như vậy. Ngồi sau lưng Khôi, Nghi bĩu môi: - Xí! Ai thèm ham vào lớp sớm chứ! Giọng Khôi lấp lửng thật dễ ghét: - Ai thì người đó biết. Nghi gân cổ lên: - Đầu năm đi sớm vẫn hơn. Vẫn cái giọng ông cụ, Khôi chậm rãi nói: - Học cả tuần, học quanh năm suốt tháng còn đầu năm gì nữa. Nghi muốn vào sớm chắc phải có vấn đề... Thổi chewing-gum nổ cái bóc, Nghi vờ vịt: - Đúng là không có chuyện gì qua nổi bốn mắt của Khôi. Chả là hôm nay Nghi hứa khao tụi con gái 1 chầu kem. Khôi nhíu mày: - Về chuyện gì nhỉ? Nghi vừa nhóp nhép kẹo cao su vừa trả lời ậm ự: - Chuyện từ hồi hè ấy mà! Nhớ không? Khôi kêu lên: - À, nhớ rồi! Bài thơ đã xưa như trái đất giờ lại bới móc lên để tốn tiền. Ngốc vừa vừa thôi! Đan Nghi nổi cáu: - Tự nhiên mắng người ta ngốc. Ông quả là ngố, chả hiểu thế nào là câu "Quân tử nhất ngôn". Tui đã hứa với tụi nó nếu có bài đăng Mực Tím là khao. Chuyện xảy ra từ hè, nhưng chưa khao thì bây giờ phải nghiêm túc thực hiện vì danh dự của mình chứ! Khôi tung ra 1 câu nghe thật dễ xa nhau: - Người ta dễ chết chìm vì danh dự hão lắm. Đan Nghi cụt hứng, cô bé nhai ngấu nghiến chewing-gum rồi tiếp tục thổi lốp bốp bên tai Khôi cho bõ ghét. Nghi biết cu cậu chúa ghét cái trò mà cu cậu gọi là lai căng này. Quả là Nghi không sai, cô phùng má cho bong bóng nổ chừng mới 1 phút thì đã nghe giọng Khôi bực tức: - Đẹp cái trò du côn ấy đi mà Nghi. Mình đã thỏa thuận rồi còn gì! Đan Nghi vẫn nghiến răng: - Vâng! Thưa... ông để con nuốt... nó cho vừa lòng ông ạ! Khôi kêu lên thảng thốt: - Trời ơi! Sao lại nuốt? - Chớ... phun xuống đất cho ông mắng là phá hoại môi trường thành phố hả? - Nghi mát mẻ. Khôi tấp xe vào lề ngay 1 thùng rác công cộng rồi hất hàm: - Nhả... đại đi, không thì trễ thật đó! Đan Nghi cười. Đúng là lão già khó chịu. Cô bé nhả vội miếng kẹo cao su vào thùng rác rồi leo lên xe cho Khôi chở tiếp. Tới chân cầu chữ Y xe dồn cứng ngắc, Nghi chắt lưỡi: - Tiêu đời rồi! Đã bảo phải đi sớm hơn mà không chịu nghe. Khôi gắt: - Đừng càu nhàu nữa! Có cảnh sát ngay cầu, không kẹt đâu mà nhằn. Đan Nghi vẫn không ngậm miệng: - Như vầy cũng đủ hít no khói rồi, nói chi tới chuyện kẹt cầu. Tội nghiệp bộ áo dài mới, nó sẽ hôi rình mùi khói cho mà xem. Rồi cả hai cùng thoát khỏi cái nỗi "Đoạn trường ai có qua cầu mới hay". Ngồi đằng sau buồn miệng, Nghi chúm môi huýt sáo hàng lô hàng lốc những bài nhạc không đầu không đuôi và bài thơ "Qua cầu rớt dép" của mình. Khôi làm thinh không nói gì, nhưng Nghi cũng thừa biết "ông cụ" cũng đang bực cái trò du côn trong những trò du côn của cô. Tính ra Nghi có đến hàng tỷ cái trò mà bọn con gái trong lớp thường nhăn mặt, bĩu môi như thấy Nghi thổi chewing-gum, phóng xe ào ào trên phố và huýt sáo ầm ĩ giữa giờ ra chơi, hoặc nhảy 1 lượt mấy bậc thang để tranh về sớm với tụi con trai... Những lúc như vậy, Nghi thường hỏi Khôi ý nghĩa những cái trề nhún ấy. Anh chàng không trả lời mà sửa lại gọng kính rồi nhìn cô trách móc. Cái nhìn... thủy tinh của Khôi y như cái nhìn dè bỉu của bọn con gái, nó làm cô ghét thấu xương. Nhưng hôm nay ngồi sau lưng Khôi, Nghi líu lo huýt sáo liên khúc những bài tình ca, mà lão cận vẫn làm thinh quả là điều lạ. Chẳng lẽ màng nhĩ của lão có vấn đề? Không lý nào khi vừa mới đây Khôi đã không chịu nổi âm thanh lốp bốp của bong bóng chewing-gum mà giờ đã khác? Chịu hết nổi thái độ hóa đá ấy, Nghi hậm hực thúc vào lưng Khôi: - Ê... Bill Gates, làm gì câm như hến vậy? - Câm để Nghi huýt gió nghe cho đã... - Khôi ậm ự. Đan Nghi búng ngón tay đánh tróc: - Xì! Ông không cam phận dữ vậy đâu. Chắc là ông đang... tư duy chuyện gì rồi! Khôi lấp lửng: - À thì mình đang nghĩ tới chuyện lớp sắp có thêm bạn mới. Nghi kêu lên: - Bạn mới hả? Boy or girl? - Boy? - Sao ông biết? Khôi ra vẻ bí mật: - Hỏi làm chi. Nghe thế đủ rồi! Đan Nghi vẫn không bỏ tật tò mò, cô gân cổ lên: - Nghi vẫn chưa đoán được tại sao Khôi phải suy nghĩ khi lớp có thêm bạn thì vui. A... tui hiểu rồi, Khôi không muốn có người lạ mặt ngồi kế bên chứ gì? Ích kỷ vừa thôi Bill Gates à! Chỗ ngồi kế bên ông là chỗ công cộng mà! Khôi chống chế: - Không phải vậy đâu... Mà thôi! Nghi nghĩ sao thì tùy. Vào lớp, Đan Nghi bị lũ con gái bao vây tứ phía. Dầu biết bọn chúng thường ngày vẫn thường lườm nguýt sau lưng mình, nhưng vốn lòng dạ... bao dung, rộng lượng, Nghi chả để bụng làm chi. Cô muốn dịp này chứng tỏ cho tụi nó thấy Đan Nghi là người phóng khoáng, dù cô biết tỏng bọn chúng đang lợi dụng cơ hội đã qua để đòi khao. Vừa nở nụ cười vờ khiêm tốn nhưng thật ra rất xấc xược, Đan Nghi vừa hào hứng nói: - Giờ ra chơi mời các bạn xuống căn tin ăn kem mừng bài thơ đăng từ hè rồi của mình. Cả tổ vỗ tay rần rần. Nghi hả hê khi thấy mấy con nhỏ điệu... nhảy nhót của lớp cũng vui vẻ cười với cô. Thế đấy, 1 bài thơ 4 câu đăng báo mực tím từ hồi nẫm đủ làm... uy tín Đan Nghi tăng lên gấp bội. Sao Nghi xem thường bọn con gái giả bộ ngoan hiền này quá! Lớp Nghi vẻn vẹn có 9 mống con trai, còn bao nhiêu là gái hết, nhưng chỉ vài đứa là chơi được, nên dù không muốn Nghi vẫn thân với 9 thằng khác... đầu tóc hơn. Và để đấm những cái mồm bà Tám nhiều chuyện, thỉnh thoảng cô phải khao như thế này. Mẹ vẫn nói: - Đời người ta bạn bè thì nhiều, nhưng tri âm, tri kỷ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều ấy quả không sai. Ngao ngán nhìn quanh, rồi quay ra sau nhìn Khôi đang chăm chú coi lại bài, Nghi chợt thắc mắc... Chẳng biết lão cận mọt sách có gương mặt khờ khờ như Bill Gates này có phải là tri âm, tri kỷ gì đó của nàng không. Nghĩ cũng lạ, chả hiểu 2 đứa có nợ nần gì với nhau không mà cứ học chung. Từ nhà trẻ, tới mẫu giáo, cấp 1, 2, 3... Để cứ mỗi đầu năm học khi dò danh sách lớp, Nghi đều vái ông địa đừng bị học chung với thằng đeo hai mảnh đít chai ấy. Thế nhưng bụt nhà không thiêng. Ông địa không đáp ứng với lời khẩn cầu thảm thiết của Nghi, cô lại tiếp tục bị Khôi kềm kẹp. Chả là vì Nghi có nhiều thói hư tật xấu như của một thằng con trai, trong khi Khôi lại có rất nhiều ưu điểm của 1 cô gái ngoan hiền, lại đạo mạo, thâm trầm và chịu khó như 1 bà lão. Bởi vậy, Khôi luôn luôn tâu gởi với mẹ Nghi những tội trạng cô phạm trong lớp. Đó là chuyện đời xưa chứ bây giờ Khôi đã thôi thói mách lẻo rồi, nhưng anh chàng cứ y như 1 cô bảo mẫu suốt ngày để mắt tới Nghi rồi phê bình phán xét. Mà có lẽ cũng chỉ mình Khôi chịu đựng nổi Đan Nghi trong suốt bao nhiêu năm, khi những đứa bạn cứ chập chờn như những cái bóng phù vân, vừa thân đó đã chia tay. Mẹ vẫn bảo: "May mà mày có thằng Khôi, nếu không chẳng có đứa bạn nào ra hồn". Lúc ấy Đan Nghi đã vênh váo: - Mẹ nói thế nó sẽ lên mặt với con. Nhưng ngoài Khôi ra, con còn có khối thằng bạn khác còn thân hơn nữa kìa! Mẹ chép miệng: "Mẹ nói thế mà vẫn chưa hiểu ra. Mày đúng là ngốc". Tới bây giờ Nghi vẫn chưa biết mình ngốc ở chỗ nào. Mà thôi! Nghĩ làm chi lời lẩm cẩm của mẹ. Mình không phải là con nhỏ tò mò, nhưng cũng muốn xem mặt... thằng bạn mới sắp vào lớp này coi tròn méo, cao lùn, đen trắng ra sao.