Ban đầu tôi nghĩ khu nhà trọ như một trại gia binh, sau nhớ lại thì nó giống một trại chăn nuôi gia súc. Bốn mươi căn phòng, mỗi căn rộng chưa tới hai chục mét vuông đôi mặt vào nhau. Ở giữa là dãy hành lang dài hun hút. Khu nhà trọ táp nham này chứa đủ các thành phần từ thợ thuyền đến công chức, và chẳng mấy khi họ đứng lâu, ngó mặt nhau nói chuyện thân thiện. Mới tờ mờ sáng mọi người đã vội vội vàng vàng dắt xe máy, xe đạp hoặc hộc tốc chạy ra bến xe buýt. Chiều tối mịt họ mới lác đác kéo nhau về, kẻ trước người sau, với sự mệt mỏi bám lủng lẳng trên mí mắt, trên những đôi chân bước chậm. Chính xác hơn, khu nhà trọ này giống cái tổ ong thu nhỏ. Một tổ ong trong mùa gió rét, mưa bão! Nhưng sáng nay thì không như mọi ngày. Một sự bất tiện. Một sự quấy rối. Một sự bất ngờ. Lẫn lộn những cảm xúc bực bội và thích thú. Đó là tiếng gõ cửa. Những tiếng động nhẹ đã làm chao đảo, không, chính xác là làm đảo lộn trật tự vốn được giữ gìn cẩn thận theo thói quen sẵn có và lười biếng bấy lâu nay. Hơn ba tháng ở khu này, lần đầu tiên tôi đón nhận tiếng gõ cửa thong thả, không ngập ngừng, không vội vàng. Thoạt nghe hơi khó chịu nhưng hình như những tiếng lốc cốc phát ra từ sự đụng chạm giữa các ngón tay và cánh cửa gỗ đã đè ép sự bực dọc xuống ở mức độ thấp hơn nhiều lần. Tôi khoát thêm chiếc áo ngoài để che đậy sự hở hang khi chỉ một mình trong phòng, nhón gót hé cánh cửa. Một chiếc đầu lướt qua kẻ hở. Một khuôn mặt dài ngoằng khi mới thoạt nhìn qua khe hẹp. Chiếc đầu lùi lại. Khe hở của cánh cửa mở rộng và khoảng tối biến mất. Chiếc đầu lên tiếng: -Chào chị. Tôi tới trọ gần tuần nay. Nếu không phiền thì chị cho tôi mượn kim chỉ khâu lại hột nút bị sút. Định ra đầu hẻm mua, nhưng nghĩ các vị phụ nữ thế nào cũng chỉn chu hơn trong chuyện may vá… Chiếc đầu nói thêm những gì nữa nhưng tôi không để ý. Sự nói dài của Chiếc đầu khiến cánh cửa dưới tay tôi cũng chỉ hé thêm vài phân một cách dè chừng. Chiếc đầu ngưng đột ngột và thở dài đánh sượt nghe thật rõ khiến tôi bối rối, bàn tay tự động hé rộng cánh cửa thêm vài phân: -Có thể đấy – tôi trả lời – nhưng anh phải nói chỉ màu gì? -Dạ màu xanh nhạt hay trắng cũng được. Tôi kéo cánh cửa hẹp thêm một chút như thể phòng ngừa Chiếc đầu có thể bất ngờ chui tọt vào bên trong, trong khi tôi quay vào tìm kim chỉ. Mở chiếc va li tìm chiếc hộp chứa lỉnh kỉnh các thứ vặt vãnh nhưng cần thiết của phụ nữ, và lôi ra đúng loại chỉ khâu Chiếc đầu yêu cầu, tôi đưa cho hắn qua khe cửa hẹp: -Anh có thể giữ lấy mà không cần trả lại. Bàn tay Chiếc đầu chạm vào bàn tay tôi. Và thay vì nói lời cảm ơn, Chiếc đầu lại xuýt xoa: -Ôi bàn tay chị đẹp quá. Tôi đóng sập cửa lại nghe thành tiếng. Lần đầu tiên có người khen bàn tay tôi đẹp. Tôi lật qua lật lại hai bàn tay; xoè mười ngón rồi cong lại nhìn ngắm. Trời đất có đẹp thiệt dưới con mắt hắn hay chỉ là sự nhầm lẫn, tâng nịnh lấy lòng? Tôi nằm ườn trên ghế, lật tiếp tạp chí Thời Trang Phụ Nữ để không nghĩ về bàn tay, lời khen nịnh và thái độ của Chiếc đầu bên kia cánh cửa đóng. Những chiếc váy dài, váy ngắn, áo pulls, soutiens, slips …màu sắc sặc sỡ, đủ loại như một rừng cờ tổ quốc của nhiều chủng tộc đang quàng vai bá cổ diễu hành trên đường lớn. Lại một chiếc đầu thò vào, bím tóc buông thõng trước ngực: -Em ở sát phòng chị đây mà. Em tên Mai. Chiếc bàn ủi của em bị sao đó không ăn điện. Chị làm ơn cho em mượn. Trời ơi, thiệt là phiền chị quá trời - Giọng nói miền Nam nhào nhão nghe dễ chịu đến lạ. Tôi cúi xuống gậm bàn lôi chiếc bàn ủi đưa cho cô gái. Không thể đoán được tuổi tác, không đẹp, nhưng khuôn mặt phúc hậu. Cô ta vội vã rụt đầu và biến mất sau cánh cửa, quên cả kéo sát lại. Thôi kệ, ta không ngắm được gì, không sờ soạn nắm được tay ai, ngồi hàn huyên to nhỏ với ai trong khu tổ ong thì để chút không khí chủ nhật luồng vào tận phòng tắm cũng chẳng mất mát gì, tôi tự nhủ như vậy, cầm bằng như không khí cũng được xếp loại sinh linh trên trái đất này. Em ơi…nếu như đôi ta… Em ơi… nếu như đôi ta… câu vọng cổ cứ lặp đi lặp lại một cách sộn sựt trên mặt đĩa bị trầy xước phát eo éo qua hai chiếc loa nhỏ, đập vào tai khiến tôi tưởng tượng đến Chiếc đầu đang ngồi dạng chân xỏ chỉ qua lỗ kim bị trật hoài. Chuyện này rất có thể sẽ xảy ra. Chuyện kim chỉ không phải dành cho đám đàn ông con trai. Tệ thật, tinh thần cộng đồng của bầy ong nơi tổ này không được phát huy một cách triệt để. Giá như có một thủ lĩnh – tôi nghĩ vẩn vơ – mà lấy đâu ra thủ lĩnh kia chứ? Ai rỗi công đâu mà đứng ra gánh vác chuyện hàng tổng? Nhảm nhí. Thiệt nhảm nhí. Tôi đứng dậy, vói tay tắt chiếc loa vi tính. Những câu em ơi… sậm sựt tắt ngấm. Bỗng dưng Chiếc đầu lọt hẳn vào bên trong, kéo theo cả tấm thân đồ sộ đo chật khung cửa. Chiếc đầu chìa gói kim chỉ về phía tôi: -Trả lại chị. Cảm ơn rất nhiều. Ủa mà chủ nhật chị không đi đâu sao? Xin lỗi, tôi hơi tò mò thái quá. -Không có chi. Câu trả lời khiến Chiếc đầu chưng hửng. Hắn đưa tay lên gãi đầu theo thói quen của những gã con trai có thói tán tỉnh vu vơ, mắt nhìn quanh như thể che lấp sự hổ thẹn bắt đầu tăng lên. Chiếc đầu lúng túng thật sự, mắt dán chặt vào bức tranh khoả thân, buông câu nói không dành cho ai. -Đẹp thật, tuyệt. Tôi nói: -Xin lỗi, tôi hơi nhức đầu – và đỏ mặt. Chiếc đầu quay lui: -Chào chị. Bây giờ thì tôi mới kịp hoàn hồn, nhìn lại khoảng cách Chiếc đầu đứng bên trong khung cửa và bức tranh. Hắn nhìn thấy gì nhỉ? Tôi hoảng hốt bỏ tờ tạp chí xuống nền đất, chạy lại đúng chỗ lúc nãy Chiếc đầu đứng, và đứng đúng với tư thế của hắn, cũng ngoái đầu nhìn về phía bức tranh, ước lượng khoảng cách và độ sáng: cũng đến chục bước chân, độ sáng thì nhoè ở một nửa khung tranh. Như vậy Chiếc đầu chỉ có thể nhìn thấy một cách lờ mờ, không rõ ràng. Tôi tạm an lòng và thầm nhủ, sẽ không để bất kỳ gã đàn ông con trai nào ngắm bức tranh này lần thứ hai dù là trong tư thế đứng nhìn ngắm không rõ ràng như Chiếc đầu lúc nãy. Thật ra bức tranh ấy không có gì là ghê gớm. Chỉ tội một điều: nó chính là chân dung tôi. Người vẽ nó không phải là gã hoạ sĩ cuồng tình mà chính là Lan, con bạn thân sắp đi lấy chồng nay mai của tôi, theo trí tưởng tượng của nó. Tôi không hiểu mấy về hội hoạ, nhưng khi nó chìa bức tranh ra, tôi không khỏi ngạc nhiên. Có điều gì đó khó diễn tả đang phát ra từ thân thể tôi bằng thứ màu nước trơn tuột. Nó lạnh lẽo một cách nồng nàn; héo buồn đến ngây dại trên một tấm thân hừng hực những đồi trũng nhấp nhô, xa vắng, mời gọi, xô đẩy… với thân thể loã lồ từ gót chân đến hai cánh tay giơ thẳng vượt khỏi đầu, chân chéo vào nhau chỉ thấy một miền cỏ mượt xanh hình tam giác nối liền từ háng lên phía dưới khoang bụng… Chiếc đầu là kẻ lạ duy nhất nhìn thấy sự ẩn hiện thấp thoáng, hư ảo, nhạt nhoà những đường nét không thật rõ ràng. Chiếc tổ ong bị xé toạt trong buổi sáng chủ nhật tình cờ này rồi. 2. Chui khỏi tổ ong nhỏ, ra bên ngoài là tổ kiến khổng lồ. Tất cả mọi loại kiến chen chúc nhau trên đường, ngược xuôi; nối đuôi nhau, hối hả suốt cả ngày thâm đêm. Con kiến con trong đàn khổng lồ là tôi rêụ rã dẫn chiếc xe xẹp lốp lê lết đã bốn trăm mét nhưng chẳng tìm ra chỗ vá. Đôi chân giống chiếc chân giả vặn gai ốc; tay nhừ mỏi, thân thể nhớp nháp qua lớp mồ hôi rịn vấy áp vào quần áo đến nhột nhạt khó chịu. Đến đôi giày gót cao mới thật khốn nạn: nó nghiến sít, thắt chặt đôi chân như bàn tay thô ráp, nham nhở của gã cà bông bóp thít lại, nhoi nhói. Ôi trời, một con bé cắm đầu dắt xe giữa dòng người xuôi ngược như một kẻ lạ. Tôi chẳng biết phải làm thế nào nữa? Công ty thì sáng nay có cuộc họp sớm, nghe nói quan trọng. Đành phải gọi về thôi. Tôi cố đẩy chiếc xe đáng nguyền rủa lên vỉa hè. Phía sau lưng, tiếng nói hơi quen quen gọi giật. -Nè chị, sao vậy? Bể lốp à? Khổ thật! Chiếc đầu trờ tới, cho xe leo lên lề, sát gần chỗ tôi đang loay hoay tìm cách gạt chân chống choãi ra. Chiếc đầu nhanh hơn, đỡ lấy tay nắm, dựng chân rồi khum người quay vòng vòng bánh xe trước, một tay áp lên vành bánh xe đang quay. Tôi không hiểu hắn đang làm cái trò gì; cứ như là hắn đang tìm kiếm lỗ thủng trên chiếc lốp đen thui hay một vật gì cấu xé vào đâu đó khiến chiếc xe bị xẹp. Cuối cùng Chiếc đầu đứng lên, chìa trước mắt tôi chiếc đinh nhọn, kêu lên: -Xong rồi! -Là sao? -Là chiếc ruột bị nát như người ta băm ruột vịt xiêm xào sả ớt - Chiếc đầu nói thản nhiên. -Can cớ chi tới vịt xiêm? Chiếc đầu như không nghe tôi nói gì, lên tiếng: -Nếu như chị không ngại tôi là kẻ gian, cỗm mất chiếc xe đáng giá năm mươi triệu này thì chị có thể lấy chiếc cà tàng của tôi chạy tạm tới công sở, chiều về đổi lại. Còn nếu quá tám giờ tối mà không thấy tôi mò về, tức thị tôi đã bán chiếc xe này và đã đi xa thiệt xa? Lúc đó chị nên báo cho chính quyền sở tại để họ phát lệnh truy nã - Hắn nói một thôi dài - Chị mà tìm ra chỗ vá xe thì cũng mất đến nửa tiếng nữa. Thôi lấy xe tôi đi đi kẻo trễ giờ làm việc! Chiếc đầu nói giọng kẻ cả, như ra lệnh. Tôi ngó bộ dạng hắn, nhìn ngược từ đầu xuống chân. Không có dấu hiệu nào chứng tỏ hắn là kẻ dối trá. Đến nước này thì tôi phải nghe theo, không còn cách nào khác. Đỡ lấy chùm chìa khoá trên tay hắn, tôi nói cảm ơn và bỏ mặc hắn với chiếc xe xẹp lốp giữa phố đông. Đầu óc trống trơn. Không nghĩ mình sẽ phản ứng ra sao nếu như hắn làm thật?. Không nghĩ mình tới công ty có còn bị trục trặc gì nữa không? Chiếc xe cà tàng của hắn không giở chứng giữa đường. Nó ì ạch cõng tôi đến sở đúng giờ. Ngồi vào phòng họp. Mọi việc diễn ra chính xác và nhanh gọn. 3. Tôi không nhớ mình đã đi chiếc xe nào, chỉ mang máng đó là chiếc xe màu xanh rêu đã tróc sơn. Nhưng trong nhà để xe có hàng chục chiếc màu rêu biết làm thế nào? Chính xác là tại vị trí này, nhưng cũng có hai ba chiếc giống nhau, chiếc nào là của Chiếc đầu? Lôi chùm chìa khoá ra tra vào các ổ khoá, xe nào cũng mở được? Vầy là thế nào? Chỉ còn nước đứng đợi cho mọi người lấy hết xe ra, chiếc còn lại là của mình đi khi sáng? Mình đâu có số điện thoại của hắn để có thể hỏi rõ. Đành lòng vậy. Đứng chờ. Khởi đầu và kết thúc một ngày đều xui xẻo như nhau. Nó không có hình dạng, nhưng sự bực bội, căng thẳng thì có thừa? Lúc về tới tổ ong nhỏ, tôi dựng xe trước cửa và liếc nhìn các ô cửa khép mở không đều. Không thấy dấu hiệu nào là có bóng dáng Chiếc đầu trong khu tổ ong. Cứ tưởng tượng rằng Chiếc đầu biến mất thì sự thể sẽ như thế nào nhỉ? Trên TV thỉnh thoảng vẫn thấy mấy khuôn mặt non choẹt, rất dễ thương bị còng tay chỉ vì chiếc di động và vài trăm ngàn như những thứ cần thiết cho đời sống tạm bợ cần phải đổi lấy thật nhanh chóng? Thời buổi táp nham này đến không thể phân biệt Phật Chúa với những tên mạt hạng thì nói chi đến… Ôi hơi quá đà, đi xa rồi. Tôi thốt nho nhỏ trong miệng, cố đẩy những ý nghĩ u ám trong đầu ra ngoài. Lòng trống không như cái bụng đang đói. Đúng lúc tôi đang cởi soutien, quần lót thì tiếng Chiếc đầu vang lên: -Chào chị, xe chạy tốt chứ? Tôi vọng ra từ trong buồng: -Không có chi, tốt. Lúc tôi thay áo quần xong thì Chiếc đầu mở rộng cửa, đẩy xe vào góc: -Má tôi gửi vào mấy cân sò. Tôi muốn mời chị món quê nhà. Nhưng ngồi đây chắc không tiện mà sang bên tôi lại càng bất tiện hơn. Nếu chị đồng ý, tôi mời chị qua bên kia cầu Rạch Chiếc. Chị có thể nhìn ngọn dừa nước còn tôi thì nhìn mấy cây cau thẳng đuột để ai cũng thấy quê nhà sát bên mình. Tôi bật cười về lối ví von và cách mời chào khá đặc biệt, nghĩ hắn là người có thể tin cậy được nhưng vẫn cứ trù trừ. Chiếc đầu cười cười vẻ chế nhạo: -Tôi làm mất xe chị thì nguy to, nhưng làm mất chị thì có thể là điều may mắn. -Anh có dám làm vậy không? -Nếu chị cho phép? -Không đời nào! -Là nói vui, chứ tôi không bao giờ có ý nghĩ sàm sỡ đó. -Vậy thì tôi đồng ý ngồi nhìn cau, nhìn dừa với anh nhưng phải về trước 8 giờ. Bỡi tôi có hẹn với người bạn. -Cảm ơn. -Tôi cảm ơn mới đúng chứ sao lại anh? Anh kêu đãi tôi món ngao sò gì kia mà? -Đúng thế (…) Chiếc xe cà tàng của Chiếc đầu chở tôi ngồi sau, giữ một khoảng cách vừa phải. Tôi để ý qua mấy chỗ đèn đỏ, hắn chậm rãi dậm thắng. Té ra hắn cũng là con nhà tử tế, khá lịch sự trong đời sống khi hắn xách bọc sò đưa cho chủ quán, kéo ghế cho tôi, lau chén đũa, lật ly… Tôi ngồi quan sát, thấy hắn không đến nỗi nào, cũng có thể gần gũi, bạn bè được. Và ăn uống với Chiếc đầu chỉ là cái cớ để hắn dốc bầu tâm sự về hoàn cảnh gia đình, về những công việc hắn đang làm, những trắc trở, khó khăn thời mới ra trường. Tóm lại hắn là người có ý chí, cứng rắn nhưng không thiếu tình cảm. Những cốc rượu vơi đi là thêm một thông tin, những vỏ sò mở banh ra trống trơn là thêm một chi tiết bất ngờ về cuộc đời hắn. Hoá ra Chiếc đầu là con nhà danh giá, bị sơ sẩy trên đường làm ăn khiến gia đình lâm vào ngõ cụt. Giờ thì chính Chiếc đầu là người gượng dậy và đang đến gần đích, theo như lời hắn giải bày. -Chị biết không? - Chiếc đầu ngó ra phía đường – Gia đình tôi xuống dốc lúc tôi học năm thứ ba, vừa kèm trẻ vừa hoàn tất học trình vừa đau vừa giận cô bạn. Cô ta quay lui như lính nghe khẩu lệnh “đằng sau quay”. Vậy đấy, rồi mọi chuyện cũng ổn. Giờ tôi phải khôi phục lại công ty của ba mẹ tôi bằng bất kỳ giá nào. -Chúc anh thành công – Tôi nâng cốc rượu vang trắng lên - những con sò của anh ngọt lắm. Cảm ơn – Nói và tôi liếc nhìn đồng hồ. Lúc đi qua chiếc cầu gỗ nối liền quán với khu đất trống bên ngoài, Chiếc đầu bất ngờ cầm tay tôi: -Cảm ơn chị đã dành cho tôi một buổi tối thật đẹp. Tôi không rụt tay lại, với ý nghĩ là lúc này không nên để Chiếc đầu mất đi niềm hứng khởi. Bàn tay tôi nằm gọn trong tay hắn hình như cũng âm ấm đôi chút, nhưng khi ngồi sau yên xe tôi vẫn giữ một khoảng cách khá an toàn, thật an toàn cho đến khi về tới khu tổ ong.