hững ngày đi dưới mưa thu ở Jeju, tôi thường nhớ người bạn vong niên ở Cần Thơ. Tôi với ông đều đam mê đá. Lý do có lẽ khác nhau. Tôi mê đá bởi nhìn thấy một chút mình trong đá, tồn tại tự nhiên, cứng cỏi, thô mộc phơi mình trước nắng mưa miên viễn, nhưng người yêu đá sẽ nhìn thấy ở nó sự dịu dàng. Và đó là tri âm. Ý nghĩ này đeo đẳng khi tôi nhìn thấy núi lần đầu. Giờ thì yêu đá hơn hoa. Mà, Jeju thì toàn đá và đá, muôn trùng đá. Ở giữa bữa tiệc đá, trong cơn say ngây ngất, tôi ước gì bạn cũng ở đây. Hình thành sau đợt núi lửa phun trào hàng triệu năm trước, nên Jeju được cấu tạo từ dung nham và tro bụi, đá trên đảo thẳm một màu đen. Màu đá gợi lên sự huyền bí, dịu dàng, và một chút gì đó buồn bã, hắt hiu. Ngồi trong quán ăn bên đường, ngó mưa miên man nhỏ xuống một bờ rào đá, tôi có cảm giác, chỉ chút nữa thôi đá sẽ mềm nhão ra như đất ở quê mình. Nhưng mưa đã triệu năm rồi, đá vẫn vĩnh cửu trên hòn đảo xinh đẹp này. Đâu cũng đá, mở mắt ra chưa thấy người đã thấy đá. Đá xếp làm rào quanh những vườn quýt trĩu quả, đá hờ hững gá lên nhau ngăn những thửa đất cây cỏ xanh mầm, đá quây lấy những đồng cỏ chăn thả ngựa. Đá xếp làm tường nhà, làm biển hiệu quán ăn, làm cọc tiêu những con đường dọc bờ biển và cả một công viên đá rộng hơn 2 hecta… Jeju “đãi” người yêu đá đến no căng, ngây ngất. Trong những khu phố sầm uất vẫn thấy đá nằm ở chân tường và những bức tượng Hareubang, mà anh bạn Ha Jae Hong chuyển qua Việt ngữ rất nôm na là “ông bác đá” làm cả đoàn cười nôn ruột. Ở đâu cũng thấy “ông bác đá” này, ven đường, bãi biển, trong những cửa hàng bán đồ lưu niệm… miệng cười bí hiểm, mắt to, mũi to, hai tay đặt trước bụng, an nhiên. Trông bức tượng vị thần đá rất hiền hậu. Sự hiền hậu toát ra từ đường nét đục đẽo giản dị, từ cái màu trầm mặc của đá. Góp phần cho một Jeju yên ả, thơ mộng và sâu lắng, đá làm dịu lại sắc vàng quýt chín, sắc đỏ rực của rừng cây đang trút lá, sắc xanh rờn của những thảm cỏ mùa thu… Màu đá, trong một liên tưởng bất chợt, tôi nghĩ tới màu máu đã khô rồi. Hòn đảo này sinh ra từ tro than, bắt đầu sự sống từ hủy diệt nên suốt chiều dài lịch sử của mình, đôi lúc lại từ hủy diệt, Jeju hồi sinh. Ngày 3 tháng 4 năm 1948, chính quyền Nam Triều Tiên đã đưa quân đội đến Jeju tiến hành cuộc thảm sát được coi là một trong bốn cuộc thảm sát lớn nhất thế giới. 130 làng bị đốt cháy, 12.000 người được chính thức ghi tên trong nhà tưởng niệm. Nhưng người Jeju nói con số thường dân thiệt mạng lên đến 30.000, nghĩa là sự thật chỉ là một phần ba sự thật. chỉ vài phút đứng trước phần bia của một ngôi làng, tôi đếm được 109 người họ Lee. Trong những tác phẩm của giới họa sỹ đảo Jeju về cuộc thảm sát, họ vẽ những gương mặt vùi trong đá, những hình người vắt chông chênh trên đá. Và trên nấm mộ của những em bé vô tội, đá vẫn một gam màu xám đen u uất, như những giọt nước mắt của trời đã đông đặc lại, khóc cho sự nhẫn tâm không hiểu nổi của con người. Nhưng niềm hy vọng nơi con người lại lấp lánh ngay trong nỗi thất vọng. Tôi nghĩ tới người bạn vong niên không vì đá gợi nhớ, mà vì lời ông nói trong một bữa trà nào, người viết luôn nhìn thẳng vào sự thật, phản ánh sự thật. Bài học về sự thật tôi được nghe lại ở đây, khi thông tin cuộc thảm sát đảo Jeju bị bưng bít, những nhà văn, nhà thơ của đảo đã viết, tranh đấu cho đến khi bi kịch được phơi bày. Vài người đã qua đời sau những tháng ngày bị tù đày, bạc đãi. Người kể lại câu chuyện này, tiếp tục cuộc đấu tranh này cũng là một nhà văn kiêm huấn luyện viên bóng đá. Khoát cánh tay ngắn và chắc nụi về phía biển, anh gửi lời xin lỗi về miền Trung, nơi mà người lính Nam Hàn đã gây nên những cuộc thảm sát. Anh nói về cuộc hàn gắn bằng văn học nghệ thuật, và cả bóng đá nữa, nếu có thể, giữa hai vùng đất mang nhiều nỗi đau này. Người vẫn còn mang vết thương đã toan đi chữa vết thương cho người khác. Tôi nghĩ nghề viết và người viết cũng đơn giản vậy, chữ lành, an ủi những vết thương của người đời để làm dịu vết thương của chính mình. Tôi rời Jeju trong cảm giác yêu lần nữa cái công việc chữ nghĩa mà tôi đang theo đuổi. Tôi mang theo một Hareubang nhỏ. Mỗi khi nhìn bức tượng, tôi lại nhớ “bữa tiệc đá” Jeju, nhớ vẻ đẹp mạnh mẽ của sự phục sinh, vẻ đẹp mãnh liệt của sự sống, và vẻ đẹp tinh tế của nỗi buồn… Chú thích:
- Đảo Jeju là đảo lớn nhất Hàn Quốc, nằm ở phía Tây Nam, rộng 73km, dài 41 km, với dân số hơn 600.000 người. Đây cũng là tỉnh đảo tự trị duy nhất của Hàn Quốc, cách đất liền 120 km, cách Seoul khoảng 50 phút bay.
- Đảo núi lửa Jeju cùng với hệ thống các đường chảy nham chính thức được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới (tháng 6 /2007)