gủ trưa dậy rồi mà chiêm bao vẫn chưa dứt. Tôi ngồi trên bậu cửa sổ ở tầng áp mái. Mây bắt đầu trùm phủ lên tôi, cứ vài ba phút đậm đặc mù mịt, rồi gió thổi xiết, lướt qua mặt chỉ còn một lớp mây mỏng tang, gờn gợn. Thị trấn như cô gái đang nghịch ở phòng thử quần áo, thoắt xuất hiện với vẻ kín kẻ trầm mặc thoắt sau lại tung tăng trong bộ áo choàng mỏng manh gợi cảm, vài vạt nắng nắng lấp ló quanh chân váy. Tam Đảo hụp xuống một dòng sữa trắng đục rồi rồi trở lại bằng những chóp nhọn, những mái nhà ngói đỏ, sau đó là ô cửa sổ còn muộn màng một ngọn đèn, rồi thì những giàn su su xanh ngắt cũng hiện ra, với vài cái lưng áo đang cúi lom khom. Hai anh bạn đang chụp ảnh ở cửa sổ bên cạnh ngây ngất trước cuộc trình diễn của mây mù. Một món quà trước khi chúng tôi xuống núi. Cuối cùng thì Tam Đảo đã giữ tròn lời hứa, tặng cho người chang chang đồng bãi Tây Nam Bộ một ít mộng mị, đa cảm của mình. Ở bậu cửa sổ, thật khẽ khàng thì tay sẽ giữ được một vốc mây trong vài giây. Nhìn đoàn vận động viên đua xe đạp đang lao vút qua các triền dốc, màu áo, nón cứ chấp chới trong mây, nghĩ, chẳng biết cái chị áo xanh sáng qua đứng bên đường khóc một mình, hôm nay đã hết buồn chưa. Ba ngày đi rong thị trấn, cô gái đứng khóc bên chiếc xe đạp dưới cái bờ đá đòng đưa vài bông bí vàng rực rỡ là hình ảnh duy nhất làm tôi nhớ. Cảm giác còn lại là chờ đợi, tìm kiếm, hy vọng… vào một cái gì đó không rõ ràng. Và rồi mây mù đến, làm dịu lại cái ngột ngạt những ngày qua, vì chờ đợi hơn nửa giờ để được phục vụ ly cafe lạt có giá từ mười lăm đến hai mươi ngàn, vì những quầy chuối vàng rực anh họa sỹ hí hửng mang về có vị… chua loét (sau này nghe nói người ta tẩm một loại hóa chất gì đó cho chuối được vàng óng, nên chuối non vẫn cứ vàng óng), vì những ngôi đền, miếu cửa luôn treo ổ khóa gỉ sét với mấy dòng bên cạnh, “quý khách muốn vào viếng đền thì liên hệ với XYZ…”, vì những anh chị bán hàng cáu kỉnh, quạu quọ, xua khách như… ruồi, “muốn mua hàng miền Nam thì về miền Nam mà mua, ở đây đếch có”… Bỗng thấy thiên nhiên thật nhọc nhằn, đẹp để xoa dịu, bù đắp cho những vết xước do con người gây ra cho con người. Hoa dại tím ngằn ngặt. Một tán cây bỗng rực đỏ giữa biển màu xanh bên dưới vực. Rêu óng mượt trên mảng tường biệt thự bỏ hoang. Nắng trong trẻo dịu dàng, không gợn chút khói. Và mây mù nữa, chảy ròng ròng suốt một buổi chiều và cả những hôm sau. Nhưng tôi vẫn còn cảm giác thiếu vắng khi đi lang thang trên những con đường dốc. Mây thôi, với tôi chưa đủ. Tôi thèm được thấy người. Ở đây thiếu vắng những nụ cười. Trên những con đường chi chít hoa dại hiếm hoi mới thấy vài trẻ con chơi, kẹo buồn xo trong túi vì không vơi đi mấy. Có lúc đứng nhìn ong bay trên giàn su su cứ thèm có cô gái nào đó ló đầu ra thẹn thùa cười, thèm thấy bà mẹ nựng nịu đứa con nhỏ của mình ngoài hiên, thèm đi qua dãy phố rộn rã tiếng xoong chảo khua, tiếng cười đùa. Qua con dốc nhỏ, gặp một cụ già kèm nhèm ngồi nướng bánh đa, bỗng mừng quá sức, vì sập tối thì đừng mong gặp được những chậu than nhỏ ở ngoài đường như vầy. Thị trấn sạch sẽ, phẳng phiu đến đơn điệu, vô cảm, phố chỉ rặt khách sạn và quán ăn, chợ lum khum nhỏ xíu với vài quầy hàng lưu niệm với những món hàng quen thuộc có thể gặp ở bất cứ đâu trên đất nước này. Bên kia những cái cỗng rào cũng có thể nhận được một nụ cười, nhưng ngay sau đó là lời mời chào, “vào nhà hàng em ăn cơm...”. Tôi nhìn những khách sạn im ắng và thưa thớt bóng người, tự hỏi khi mùa đông trở lại, khi mây mù vây bủa dày đặc, nhà này không còn nhìn thấy nhà kia, thị trấn này sẽ trùm chăn nằm ngủ? Khách du lịch thưa thớt. Ông chủ của những nhà hàng khách sạn về Vĩnh Yên, Hà Nội… sau khi cắt đặt một vài người ở lại trông nom. Đây là nơi họ kinh doanh, không phải nơi họ sống. Ông già bán một quầy nước nhỏ đìu hiu ven bậc thang xuống thác Bạc, bằng câu chuyện đời mình, lại giải thích được tại sao thị trấn có vẻ không có sức sống, dù thơ mộng bên sườn núi. Những người dân lao động đã được (hay bị?!) chuyển xuống khu dân cư dưới chân núi. Theo hướng ngón tay quăn queo, vượt qua những ngọn cây xa xa, là xóm ông, nơi mỗi ngày ông già bảy mươi tuổi cắp thùng nước đá đi về gần mười cây số để kiếm sống. Tôi nhìn về phía nhà ông, nghĩ, ở đó, tôi mới nhìn thấy khói le lói từ những bếp than tổ ong sắp bắt lửa, mới nhìn thấy một ngày thường, thấy mồ hôi trên những khuôn mặt lam lũ, nhọc nhằn, nhưng gần gủi, thân thiện. Ở đó, tôi mới ghi được những bức ảnh trẻ con mắt trong veo níu nhau ríu rít cười phô răng sún. Chứ không phải chỉ có mây mù...