húng tôi ngồi trong quán phở, ngoài trời rét căm căm. Lạnh đông, được ăn phở ấm lòng biết mấy! Phở Cali ngon nổi tiếng nhờ thịt bò vừa tươi vừa rẻ. Người Cali rất sành ăn, chỉ có những quán phở vừa thơm ngon đậm đà hương vị - giá cả phải chăng mới trụ được ở vùng này. Bằng không sẽ rơi vào thảm cảnh " tưng bừng khai trương - âm thầm dẹp tiệm ".
Tôi đang hít hà vị phở Bắc thơm ngon, mắt dán vào màn ảnh truyền hình lớn trước mặt. Những tà áo lụa thướt tha theo phong cách Thái Tuấn, chao ơi là đẹp! Mồ hôi tôi đang chảy thành dòng...
Người đàn ông cao lớn vừa xuất hiện trước mặt khiến tôi bỡ ngỡ. Có chút mắc cỡ, tôi tẽn tò dùng giấy lau mồ hôi.
- Chào cô Nguyen!
Người đàn ông với sắc phục lính rằn ri...đang ngắm tôi ăn phở. Ai vậy ta? Tôi cố moi cái ký ức cũ mèm ra xem, mình đã quen biết tên lính trẻ măng này ở đâu?
Hắn ngã nón, lộ ra mái đầu đinh ngắn ngũn. Chịu! Tôi không sao nhớ được.
- Ha haha...chẳng lẽ em đã thay đổi nhiều đến vậy sao? Alex, thằng bé hàng xóm của cô đây mà! Còn hai cô bé này? Đã là thiếu nữ rồi ư? Xinh quá!
Khuôn mặt hai con bé cũng đầy ngỡ ngàng... chúng chẳng hiểu ở đâu lại nhào ra một ông lính cao chòng nhòng.
- Bim và Bo không nhớ anh à? Tôi đã từng dạy các em đạp xe đạp đó mà!
- Alexander! Hai con bé đồng thanh kêu lên. You look so great - so cool! Rồi hai đứa kéo Alex ngồi xuống.
- Anh ăn phở với tụi em nha! Tự dưng biến đi đâu mất tiêu, wow! Tụi em đoán chắc anh đi theo cô nào?
- Anh vào quân ngũ đã ba năm rồi. Ôi! Nhìn các em lớn phỗng lên thích thật. Gặp lại các em vui quá!
Tôi gọi cho Alex một tô phở xe lửa kèm ly cafe sữa đá.
- Cô biết không? Mỗi khi có dịp về đây em luôn nhớ món ăn Việt Nam. Nhất là món chả giò của cô đó, lần nào vào đây cũng gọi bún chả giò. Vâng! Hôm nay cô gọi phở thì em xin thử vậy.
- Phở mới chính là món quốc hồn quốc túy của đất nước tôi. Trông Alex chững chạc quá làm sao tôi nhận ra? Cả con bé Camelia cũng khuất bóng. Hai đứa không về thăm bố sao?
- Thăm bố? Nhưng Alex không muốn gặp người đàn bà đó, lại không muốn bố phiền lòng. Tránh đi thì hơn! Thỉnh thoảng mời bố đi ăn tối, đi uống cafe...Cô có gặp bố Alex thường không?
- Đôi khi! Càng ngày thấy bụng ông ấy càng to, mặt lúc nào cũng đỏ gay...
- Chính ả đã làm hư bố...
- Chẳng ai làm hư ai cả! Họ đều thích uống rượu nên tìm đến với nhau.
Mắt Alex thoảng làn sương mờ, tôi lãng sang chuyện khác.
- Nếu đây là lần đầu tiên Alex ăn phở để cô chỉ cho.
Tôi rắc ít tiêu vào tô, nặn miếng chanh vào, thêm tí tương đen.
- Alex đã thử ăn cay chưa nhỉ?
- Chút chút thì ok.
Tôi thêm tí tương ớt, tí giá, rau quế xé nhỏ rồi trộn đều lên.
- Món phở đã sẵn sàng, xin mời người lính thử!
- Yes. Sir!
- Anh phải nói là: yes, Madam chứ! Bọn trẻ cười hồn nhiên.
Tôi không ngờ Alex dùng đũa thông thạo thế!
- Ngon quá! Nước soup thật thơm. Nhưng trong trái tim của Alex vẫn là những cái chả giò nóng hổi từ tay mẹ các em đấy, và cả những món khác nữa mà hai đứa từng chia sẻ với anh...Các em hạnh phúc lắm! Biết không nhóc con?
Khi chúng tôi dọn đến ngôi nhà mới, tôi đang mang thai thời kỳ cuối. Một hôm đi chợ về vừa đậu xe vào sân nhà, có thằng bé mặt mày sáng sủa đi xe đạp tới hỏi tôi:
- Cô đang có em bé phải không? Đừng xách nặng, để Alex giúp cô. Thằng nhỏ nhanh nhẹn xách mấy bọc đồ ăn vào tận bếp nhà tôi. Sau đó còn với tay đóng trunk cửa xe.
- Alex rãnh lắm! Cô cần gì thêm Alex sẵn sàng.
Alex 12 tuổi, em gái Camelia lên 9, con gái tôi 6 và 4. Bốn đứa trẻ thường chơi với nhau trước sân nhà. Con tôi học chung trường với Camelia gần nhà. Sau khi tôi sanh, cúng đầy tháng em bé có làm món chả giò. Tôi sai con gái bưng một đĩa qua cho anh em Alex. Một lát sau bé chạy về hớn hở khoe
- Mẹ ơi, Alex muốn thêm chả giò kìa. Tôi mời hai đứa nhỏ vào nhà lấy thêm chả giò, mời thêm xôi gấc. Thấy đĩa xôi đẹp mắt Alex nhường cả cho em gái, chỉ ăn chả giò. Sợ chúng khô cổ tôi pha thêm đá chanh.
- Đây là món eggroll phải không cô? Ở trường cũng có nhưng chẳng giống của cô, của cô ngon tuyệt.
- Vậy thì mỗi khi làm món này cô sẽ nhớ tới các em.
Bố mẹ chúng nó xa nhau từ khi Camelia 3 tuổi. Mẹ chúng sống trong dưỡng trí viện vì bệnh tâm thần. Cha chúng làm nghề lái xe vận tải, thường xa nhà luôn. Có bà nội qua lại trông nom cháu. Những bữa cơm nóng hổi đầm ấm không khí gia đình là điều chúng khao khát nhất.
Alex rất thương yêu em gái. Nó làm hết mọi chuyện trong nhà. Camelia ăn nói không trôi chảy, bản tính nhút nhát thường núp sau lưng anh. Năm nó lên 10 tuổi vẫn không biết cách nói chuyện cho rõ ràng, vẫn cứ chậm chạp lắp bắp. Người nó ốm nhom, mặt đầy tàn nhang, tóc để dài loe hoe ít khi được gội chải gọn ghẽ. Khuôn mặt nó lúc nào cũng buồn rười rươi...
Anh nó trái lại, trưởng thành trước tuổi, làm việc nhanh gọn đâu ra đó. Sau giờ học luôn ở nhà để bảo bọc em gái.
Một hôm nghe con gái tôi mách chuyện.
- Mom muốn nghe chuyện kỳ lạ ở trường không mom?
- Là chuyện gì đó?
- Hôm nay trong giờ ăn Camelia bỗng ho sặc sụa, phải đưa vào phòng y tá khám bệnh.
- Nó có bị sao không?
- Cô giáo bảo nó uống phải rượu đó mom, chắc ba nó đưa nhầm...
Từ đó tôi bắt đầu có ác cảm với bố chúng nó.
Năm sau đó Camelia lên lớp sáu chuyển qua trường khác, không còn chung đường với con tôi. Ngày nào cũng thấy hai anh em đạp xe đi học, ngang qua nhà tôi chỉ vẫy tay chào ít khi dừng lại. Những đôi giày của chúng sỉn màu cũ mèm, quần áo lôi thôi. Có khi tôi thấy Camelia còn mặt cả áo rách. Chúng dần xa cách các con tôi, tuổi vị thành niên tâm tính thường thay đổi bất chợt, tôi thấy cũng là điều bình thường thôi, dần dà vì ngại cũng không hỏi tới.
Trước tết tôi mua một bộ ba chậu hoa bằng gốm sứ rất đẹp, trồng vào ba loại hoa sống đời: trắng - đỏ - vàng, lấy ý tam hỉ mừng năm mới đặt thành hàng ở sân trước. Ba chậu hoa được chăm sóc cẩn thận đơm bông xum xuê ụ tròn như mâm xôi, ai nhìn cũng thương. Chưa đến tết, mất một chậu. Tôi bực trong lòng lắm! Một hôm đi dạo ngang qua nhà Alex, tôi bắt gặp chậu hoa yêu quý của tôi chiễm chệ ngay trước cửa nhà. Tôi xông xáo gõ cửa, Alex chào tôi bằng giọng con trai vỡ ồ.
- Alex này, chậu hoa này ở đâu con có?
- À! Cũng chẳng biết nữa, không rõ của ai.
- Của cô đấy nhé! Có phải con hay em bưng từ nhà cô về đây?
Alex ú ớ vò đầu bứt tai...Con em lấp ló sau lưng anh...
- Tụi con làm vậy là hư lắm, cô giận!
Chúng giương mắt nhìn tôi...im lặng.
- Lấy đồ yêu thích của người khác là rất xấu, tụi con không biết hay sao?
Hôm nay cô chỉ bưng chậu hoa về, nếu có lần sau cô chắc chắn sẽ gõ cửa để nói chuyện với bố đấy!
Hai đứa sợ sệt vâng dạ rụt rè.
Tôi đắc ý lắm, rốt cuộc châu cũng về hiệp phố thôi. Vài hôm nữa đến tết, còn hên chán!
Loại chậu này người ta bán theo bộ, tôi mất đi một cái khó lòng mua được cái khác thay thế. Theo lời người bán đây là loại sành sứ Giang Tây chỉ thỉnh thoảng mới on sale để trống kho. Tôi bỏ ra một trăm đô tậu chúng về với giá 50% off. Mang về nhà bị anh xã cười chọc quê.
- Hàng giả mạo thôi em ơi! Sành sứ Giang Tây...ở đâu bán em bèo thế?
Tôi mặc kệ! Có câu " ngàn vàng không mua được món đồ mình yêu thích ". Giang Tây Giang Tàu gì cũng là made in China. Tôi thích kiểu dáng thanh mảnh của chúng, những họa tiết trang trí trông rất Tây Phương, khác hẳn loại gốm trang trí nét vẻ xưa như tranh thủy mặc. Hàng xịn thì sao? Tôi làm gì đủ tiền để mua.
Chập choạng chiều, bố Alex gõ cửa nhà tôi.
- Chào bố Alex! Có chuyện gì thế? Mời vào!
- Không cần vào đâu! Tôi vừa tan sở nghe hai đứa nhỏ mách lại. Tôi thấy không vui nên mới sang gặp cô.
Tôi dẫn bố Alex ra sân, chỉ vào ba chậu hoa và kể chuyện.
- Ah! Tôi nhận ra chậu hoa này mà. Một buổi sáng tôi bỗng thấy nó chình ình ngay trên lối đi. Chẳng biết làm gì với nó nên đặt nó trước cửa nhà cho vui mắt vậy mà! Ra là của cô.
- Hay nhỉ! Chậu hoa của tôi bỗng dưng mọc cánh trong đêm...bay qua sân nhà anh rồi ở lại. Anh đang kể chuyện cổ tích đấy à?
Hắn bỗng lúng túng, vụng về tay chân quơ loạn xạ... Tôi khoan khoái ngắm trái táo của gã Adam mắc lại giữa cuống họng. Trái táo dường như đang phình to ra..
- Ậy! Ai mà biết được vì sao nó đến kia chứ?
Rồi hắn đổi giọng gầm gừ...
- Mà... Ah! cô có đích mắt nhìn thấy chúng bưng chậu hoa đi không?
Hắn kênh mặt trợn mắt dọa tôi. Tưởng tôi sợ hắn chắc? Tôi ghét nhất cái loại đàn ông hay ra oai trấn áp tinh thần người ta.
- Đây là cách anh dạy con phải không?
Trái táo tội tình cứ chạy lên chạy xuống trồi trục trong ống cổ đỏ gay như cổ con gà cồ xung trận.
Hắn cứ nhìn tôi trân trân...
- Tôi tưởng anh đến để xin lỗi tôi với thiện chí. Ah! Mà nếu anh đã uống rượu? Tôi không thèm chấp đâu nha!
Hắn nổi lửa thật sự, nắm chặt tay hắn thành hai cú đấm. Tôi đâm hoảng. Chồng tôi làm mãi trên Los Angeles, còn lâu mới về tới nhà.
Tôi chạy vào nhà lấy điện thoại múa trên tay để cho hắn biết rằng: tôi sẵn sàng gọi 911.
Đột nhiên hắn xuống giọng - nói mà như khóc.
- Tôi không uống rượu trong lúc làm việc bao giờ. Chắc cô chưa từng biết, tôi đã từng phục vụ trong quân ngũ bốn năm. Tôi không hề dạy con tôi ăn cắp. Cả cái xóm này đều coi thường cha con tôi. Tôi vẫn hy vọng không có cô trong số đó. Nếu cô không thấy tận mắt xin đừng vu khống.
- My God! tôi mà đích mắt nhìn thấy hả? Sẽ mời cảnh sát đến nói chuyện với cha con anh. Mà tôi nghĩ anh cũng chẳng quan tâm đến tụi nhỏ mấy đâu.
- Tụi nó là tất cả cuộc đời tôi...ôi! Gào xong hắn ngồi bịch xuống đất ngay trên thảm cỏ trước thềm nhà tôi. Trời đất! Hắn muốn gì vậy? Ăn vạ với tôi chăng? Vừa lúc nãy đây còn bậm môi trợn mắt hung hăng lắm mà. Hắn im lặng giương đôi mắt buồn bã nhìn tôi, thoảng tia hằn học...Có phải hắn muốn đấm vỡ mặt tôi lắm không? Hay hắn đang tự dồn nén cơn bực tức. Nếu tôi là hắn tôi sẽ làm gì? Hắn vẫn giữ im lặng...Tôi bỗng thấy thương bờ vai của hắn. Một người đàn ông vừa phải đi làm vừa phải chăm sóc con. Ở vào nghịch cảnh như hắn liệu tôi có nuôi dạy các con chu toàn. Một người đàn ông không thể nào mất mặt trước một phụ nữ, càng không thể trước một phụ nữ nhỏ bé hơn mình lại đến từ một quốc gia xa lắc...Tôi đã không lường trước điều này, hắn cũng cao ngạo như tất cả đàn ông khác. Tôi vỗ vào bờ vai to bè của hắn nhỏ nhẹ.
- Bố Alex về đi, về mà lo cho các con. Tôi tin anh không dạy con điều xấu. Cho tôi xin lỗi nhé, vì đã khiến anh buồn lòng. Từ từ tôi sẽ lựa lời nói chuyện với đám nhỏ.
- Đừng! Cô không cần phải nói gì nữa hết. Hãy để chúng yên. Tôi biết cô đã từng thương mến tụi nó. Có thể tôi vụng về trong cách dạy con. Nhưng tôi không muốn ai coi thường con tôi!
Hắn vừa nói những điều thật tự đáy lòng với thái độ dịu dàng hiếm thấy. Câu nói của hắn có giá trị hơn muôn ngàn lần lời xin lỗi. Hắn đã để tôi nhìn thấy hôm nay, một tình yêu thương bảo bọc tuyệt đối dành cho con cái mình - Là cái thứ mà tôi suốt đời thiếu vắng.
Tôi thấy mình run giọng nói với hắn mà như nói với một người nào đó rất thân quen của mình.
- Bố Alex! Hãy quên câu chuyện ngày hôm nay, coi như chưa từng có gì xảy ra giữa chúng ta nhé! Hàng xóm láng giềng với nhau mà.
- Cám ơn cô Nguyen đã thông cảm.
- Vậy nhé! Chào anh.
Cả buổi tối lòng tôi cứ áy náy mãi vì cách xử sự nông nổi của mình. Hai đứa nhỏ chắc càng tránh mặt tôi. Bố tụi nó sẽ ngượng ngùng khi đi qua nhà tôi. Sao bỗng dưng tôi có cảm giác như một tên tội phạm vậy. Lòng dạ đàn bà của tôi quá hẹp hòi. Có nhiều cách để nói chuyện, tôi thẳng thắn quá chạm tự ái người ta. Tôi chỉ làm mẹ đâu biết tâm trạng người bố nghĩ gì. Tôi chỉ biết lo cho con ăn ngon mặc ấm, tôi đã bao giờ biết bảo vệ các con tránh những thương tổn cần thiết. Nếu tôi đích mắt thấy tụi nhỏ lấy chậu hoa thì đã sao? Dành lại và làm to chuyện ư? Hay gọi cảnh sát như hồi chiều đã hăm he hắn? Đôi khi những lời lẽ nhẹ nhàng có sức ảnh hưởng lớn hơn những lời đanh thép cáo buộc. Sao đến bây giờ tôi mới nhận ra?
Bọn nhỏ tránh mặt tôi hoàn toàn.
Bố chúng càng niềm nở với tôi hơn trước! Điều này chứng tỏ bản lĩnh của hắn mạnh mẽ hơn tôi rất nhiều. Năm mới, gặp tôi mặc áo dài chuẩn bị đi lễ chùa hắn chận lại chúc tôi " cung hỉ phát chồi ". Hắn còn khen chiếc áo tôi đẹp, tôi thẹn gì đâu chỉ dám lí nhí mấy câu.
- Các cháu có khoẻ không?
- Nhờ ơn cô, khoẻ lắm! Tôi cũng vậy phây phây.
Một hôm gặp hắn đi bộ ngược chiều với tôi, bên cạnh hắn một gương mặt đàn bà lạ - chắc lại nhân tình mới rồi. Tay này cũng đào hoa lắm, đổi người tình thường xuyên. Vừa thoáng thấy tôi hắn rỉ tai người đàn bà của hắn và chỉ về tôi. Cái thằng cha nát rượu này đang nói xấu tôi đây. Tôi đến gần người đàn bà của hắn.
- Chào chị! Tôi đoán chị vừa nghe một điều không mấy tốt về tôi.
- Không đâu! Cô Nguyen hiểu lầm rồi, anh ấy và các cháu vẫn nhắc cô luôn. Anh ấy vừa giới thiệu với tôi - một người hàng xóm không có tuổi.
Ngay lúc này đây tôi thèm được đấm vào bản mặt của hắn. Rõ ràng hắn đã bỡn cợt tôi, khiến tôi ray rứt vì những điều mình đã làm. Tay này dám đi rêu rao với khắp thế gian, rằng đàn bà Việt Nam rất nhỏ nhen ích kỷ, ưa gây sự với hàng xóm hổng chừng!
- Hôm nay gặp lại Alex, thấy cháu chững chạc nên người cô vui lắm! Sao bỗng dưng các cháu biến mất vậy? Rồi em gái cháu bây giờ ra sao?
- Em cũng đi học xa rồi cô ạ, ngành điều dưỡng gần chỗ mẹ vẫn ở đấy!
- Vậy mẹ có khá hơn trước không?
- Buồn lắm cô ơi! Mẹ trở bịnh nặng, vào phòng cách ly luôn rồi. Đã lâu tụi cháu không thăm được - Mẹ chẳng còn biết điều gì!
- Alex này, nếu cháu không ngại có thể cho cô biết vì sao mẹ vào dưỡng trí viện không?
- Mẹ có bịnh trầm uất từ nhỏ, mất hết người thân. Bố đã gặp mẹ ở chiến trường Irag rồi đem về nhà. Mẹ vốn ít nói và chịu thương chịu khó. Sau khi sanh Camelia mẹ rất bẳn tính và thường hay cãi nhau với bố. Trong một lần say rượu bố đã nói điều gì đó tổn thương mẹ trầm trọng, rồi mẹ chuyển bệnh tâm thần. Có một lần bố nghi ngờ mẹ làm hại tụi con nên gởi mẹ vào dưỡng trí viện. Từ đó bố lấy rượu làm vui. Bố thương tụi con lắm, chẳng lấy người đàn bà nào khác cho tới khi tụi con khôn lớn. Gần đây bố uống nhiều lắm, khuyên can bố không được. Bố vừa thất nghiệp rồi, bị sa thải...
- Cháu đã có người yêu chưa?
- Thỉnh thoảng! Cháu mong có bạn gái người Việt Nam ghê, kiếm mãi vẫn không ra!
- Cháu còn trẻ mà, từ từ...Cơ duyên! Đúng lúc tự nó đến, lo chi? Cháu tính sẽ làm gì khi hết hạn phục vụ?
- Cháu sẽ học đại học, và đi tiếp cuộc đời của một quân nhân. Cháu thích phụng sự đất nước.
- Cô rất hãnh diện vì cháu. Có điều này cô vẫn để trong lòng lâu lắm. Là chuyện chậu hoa đấy, Alex còn nhớ không? Có lẻ các cháu đã ghét cô lắm phải không?
- Không đâu ạ! Buổi tối hôm đó, Camelia đóng cửa phòng không gặp ai. Bố uống rượu suốt đêm. Riêng cháu đã mấy lần bắt gặp Camelia đem về nhà nhiều hoa tai và các trang sức thời trang từ siêu thị. Bọn cháu làm gì có tiền. Bố và cháu biết em có chút bịnh, nhẹ thôi nên lúc nào cũng phải canh chừng em cẩn thận. Bây giờ em ngoan lắm. Cô yên tâm! Cô chẳng có lỗi gì cả.
Nghe được những điều này từ miệng Alex, tôi trút được gánh tâm tư cứ trĩu nặng trong lòng.
- Vậy hai đứa có từng ghét từng sợ cô không? Sao tránh mặt cô?
- Vì ngại thôi, vẫn quý mến cô mà! Bố cháu bảo cô là người hàng xóm tốt nhất, thật đó!
Tôi cố che đậy nỗi cảm xúc dâng trào trong lòng mình, không thể để Alex nhìn thấy một góc cạnh yếu đuối trong lòng tôi. Tôi lại dán mắt vào màn ảnh truyền hình mà trong lòng lại rất muốn nói với Alex: " Bố cháu mới là người hàng xóm tốt nhứt - người lính tốt nhất - người cha tuyệt vời nhất! "
Chàng lính trẻ ôm vai tôi siết nhẹ...Trong phút chốc tôi thấy mình quá nhỏ bé, càng nhỏ nhoi hơn trong mắt bố Alex - Một kẻ mà tôi vẫn coi là tên nát rượu...Tôi chẳng bao giờ uống rượu nhưng lại xử sự như người say...
Alex ôm hôn từng đứa con tôi rồi xin phép đãi mẹ con tôi bữa ăn đó.
- Chắc hôm nào Alex về thăm bố, ghé qua chơi với Bim - Bo một ngày được không cô?
- Sao không? Nên về thăm bố thường khi cháu còn có thể. Cả Camelia nữa - cô mong gặp lại nó.
- Cô chẳng nhận ra em nữa đâu! Đã là một thiếu nữ dịu dàng xinh đẹp, có thể em kết hôn nay mai. Bồ nó là bạn cháu, cũng là một quân nhân.
Chúng tôi tiễn Alex ra cửa, chiều vẫn chưa tắt nắng. Từng sợi nắng xiên xiên đổ chéo trên cầu vai Alex. Bây giờ ở chỗ đó vẫn còn trống trãi lắm. Một ngày nào đó sẽ lấp lánh quân hàm...
Tôi muốn nhanh chân về lại nhà mình trước khi trời tắt nắng. Giờ này bố Alex thường tưới cỏ trước sân. Tôi muốn chủ động chào hỏi người hàng xóm bằng tấm chân tình mà Alex đã dành cho tôi. Tôi cũng muốn một lần được ngắm thật kỷ chân dung người đàn ông mà tôi ở cận kề suốt 12 năm qua, gương mặt đó chắc mang nhiều đường nét của Alex. Hình như tôi chưa bao giờ chào hỏi anh ta một cách tử tế. Cả cái tên của anh tôi cũng mơ hồ.
Mưa phố núi 27012013
 

Xem Tiếp: ----