ĩ nhiên Tôn Tẫn chỉ là cái biệt hiệu chúng tôi đặt cho anh để gọi cho vui thôi chứ thật ra không có gì giống nhau cả. Theo điển tích thì Tôn Tẫn là người nước Tề, là một quân sư, một nhà chỉ huy quân sự nổi tiếng thời Chiến Quốc. Tôn Tẫn bị Bàng Quyên, một người bạn học vì ghen ghét tài nên đã mượn pháp luật mà trị tội chặt cả hai chân. Còn anh bạn của chúng tôi chỉ bị cụt một chân tới đầu gối, phải đi chân giả khập khiểng.
Chúng tôi quen nhau khi cùng lên vùng kinh tế mới sinh sống theo lệnh của nhà cầm quyền. Cả một khu rừng được ủi thành những đường ngang. Một con đường lớn thẳng góc nối những đường ngang này lại thành con đường giao thông chính. Hai bên đường phân ra thành từng lô gia cư nhìn đối diện nhau, phía sau lô gia cư là lưng của một nhà nào đó khác của đường ngang tiếp theo… và những gia đình sống trong cùng một đường ngang đó gọi là một “đội”. Thôn tôi ở có từ đội 1 đến đội 12, nhà tôi ở đội 4, nhà anh Vinh - Tôn Tẫn - ở đội 10, vậy là gia đình anh lên sau gia đình tôi một hai tháng gì đó.
Những người cùng cảnh ngộ thường dễ làm quen với nhau, nhất là trong cái kiểu hoàn cảnh giống như mình bị hiếp đáp và đe nẹt. Hơn nữa dạo ấy chúng tôi chỉ vừa ngoài hai mươi tuổi, cái tuổi sống rất thật và cởi mở tấm lòng. Tôi làm nghề dạy học, anh Vinh cũng như hầu hết người trong thôn làm nghề nông trên những đồng đất tự khai phá. Ngoài ra anh còn có thêm nghề cưa gỗ, cái nghề nhọc nhằn nhưng kiếm tiền thì cũng sướng. Tôi ngày một buổi đi dạy học, buổi còn lại thường lên rẫy với gia đình. Chỉ có buổi tối thì buồn. Rừng sâu heo hút tối om om, đường sá đi lại thì gập ghềnh mùa khô và sình lầy mùa mưa. Tôi thường hay ra khu tập thể giáo viên ở gần đội 10 để chơi. Nói chuyện tào lao riết cũng hết đề tài, chúng tôi bày ra đánh domino, hết đánh domino lại rủ nhau ra quán cá phê cô Mai cạnh đó uống cà phê nói dóc. Bên ngọn đèn dầu leo lét, chúng tôi gọi mấy ly cà phê và và dở bịch thuốc rê ra hút, ngồi nghe lén tiếng hát Lệ Thu hay Khánh Ly bên cái máy cassette cũ rè rè vặn nhỏ, chúng tôi cảm thấy cuộc đời vậy là vui lắm rồi! Và tôi quen anh Vinh cũng trong một dịp cà phê như vậy.
- Buổi tối ngồi uống cà phê nghe nhạc buồn quá. Mấy ông thầy về nhà tôi chơi không? Về kiếm xị rượu uống cho ấm.
Chúng tôi theo anh Vinh về nhà. Nhà chỉ có anh là lớn lớn, tiếp theo là Mân, đứa em trai tuổi cũng trạc tuổi như tôi và hai đứa em gái nữa. Anh kêu hai đứa em gái lấy rượu và nướng mấy con cá khô, gọi thằng em trai cùng ra ngồi chơi chung.
Tôi hỏi:
- Ông bà già đâu anh?
- Chỉ có mấy anh em thôi. Bà già bịnh chết gần hai năm nay rồi. Ông già thì đang “cải tạo” chưa về.
Tôi im lặng không hỏi thêm nữa vì nghĩ tò mò chuyện gia cảnh người khác cũng không tế nhị lắm. Cũng may Vinh là người vui vẻ, anh rót rượu ra mời và nói cười một cách tự nhiên, kể về chuyện trồng lúa trồng mì, chuyện cưa xẻ gỗ… Sau vài vòng rượu ai nấy đều cảm thấy ấm lên và câu chuyện trở nên tự nhiên hơn. Anh Vinh nói:
- Chắc là mấy thầy cở tuổi thằng Mân em tôi đây. Vậy là tôi lớn hơn đó. Thôi thì … ngoài công việc dạy học ở trường là vai trò ông thầy thì mình coi như anh em đi, để thỉnh thoảng gặp nhau cho vui ha.
Một người bạn của tôi chợt nói:
- Anh bị cái chân như vầy giống Tôn Tẫn quá, vậy gọi anh là Tôn Tẫn được không?
Anh cười hà hà:
- Giống đâu mà giống. Tôn Tẫn bị cụt hai chân, tôi còn chân rưỡi mà. Nhưng muốn gọi sao cũng được. Cái tên Tôn Tẫn này nghe cũng hiên ngang đó.
Một người bạn khác hỏi:
- Anh bị cái chân lâu chưa?
- Năm bảy ba. Thiếu úy nhảy dù mà…
- Vậy là anh đã giải ngũ rồi, sao lại đi kinh tế mới? Tôi hỏi
- À, mấy anh em tụi này đi kinh tế mới là theo “diện” ông già. Ổng trước đây làm xã trưởng, có đi cải tạo một năm xong rồi. Về nhà lại tham gia “phản động phản điếc” gì nó nên bị bắt lại. Thiệt là tào lao hết sức.
Nói xong anh lại cười khà khà…
xxx
Kể từ sau cái hôm đến nhà chơi đó tôi bắt đầu quen biết và giao thiệp với anh nhiều hơn. Cái tên Tôn Tẫn ban đầu là do chúng tôi gọi anh, sau rồi nhiều người khác trong thôn cũng gọi, riết thành quen luôn. Ngoài tính cởi mở và vui vẻ anh Tôn Tẫn còn rất tháo vác và giỏi tổ chức công việc. Trong nông nghiệp, anh và đứa em trai làm những việc nặng nhọc như cày cuốc, đào xới, chuyên chở, hai đứa em gái làm việc nhẹ hơn như thu hoạch, gieo trồng, chế biến. Ngoài những ngày chính vụ, anh và đứa em trai còn thường xuyên đi rừng cưa gỗ. Anh nói với tôi nông sản chỉ để làm lương thực phòng hờ chuyện thiếu ăn thôi vì mấy món này mua bán rất rẻ. Gỗ chính là nguồn thu nhập và sắm sửa của gia đình. Anh say sưa mô tả về các kỹ thuật cưa líu cưa lo cưa ngang cưa dọc gì đó mà tôi không nhớ được. Khi đã hơi thân nhau rồi tôi có hỏi anh về thời chinh chiến, anh cười buồn: “Chiến tranh thì có gì vui đâu, chỉ là chết chóc và mất mát thôi mà… chỉ có điều nó kết thúc không có hậu chút nào”
Hai năm sau thằng Mân, em trai anh lấy vợ, anh đứng ra tổ chức lễ cưới, mời mấy anh em trong dàn nhạc đờn ca sáo thổi trong huyện về trình diễn. Năm sau nữa ông già anh được tha về, cũng sống lẫm lủi rẫy rừng khiêm tốn vậy thôi, mọi lo lắng giao lưu cũng chỉ từ anh Tôn Tẫn. Ngày chủ nhật nghỉ làm anh thường tạt vào trường học chơi với tụi tôi, đánh cờ tướng, cờ domino hoặc đàn hát. Tôi vẫn thỉnh thoảng cầm đèn pin lội bộ từ đội 4 ra đội 10 ghé trường học rồi ghé nhà anh chơi, tào lao ba điều bốn chuyện. Có lần tôi hỏi anh ngày xưa chiến trận ở đâu, anh kêu con em gái lấy cây đàn ghi ta, từng tưng chỉnh dây rồi hát: “Tháng giêng đưa quân ra Huế, cố đô hoang vu điêu tàn… Tháng ba về trấn ven đô, chong mắt hỏa châu giữ cầu….” Rồi anh kể, có lần hành quân qua một xóm nhỏ vào buổi sáng sớm, tự nhiên có một du kích từ trong một căn nhà chạy ra, lính nổ súng và cậu du kích trẻ kia ngã xuống. Anh tới xem, nhìn thấy trong miệng cậu ta còn miếng cơm nhai chưa nát, nước mắt anh chảy dài…
Cũng có lần tôi hỏi anh sao không lấy vợ, anh nói ai thương mà lấy thằng cụt chân kia chứ. Tôi nói anh giỏi giang quá trời thiếu gì cô để ý, anh khều khều tôi ghé đầu lại gần nói nhỏ:
- Cái này nói riêng thầy Tám (anh gọi tôi theo thứ ở nhà) biết thôi, không được tiết lộ nghen?
Tôi tò mò:
- Chuyện gì mà quan trọng dữ vậy ta?
- Năm bảy ba anh bị cái chân, cũng có bị tổn thương “hai hòn bi”.
- Chết cha! Tôi la lên
- Ê, nói nhỏ thôi chứ. Anh chỉ bị đường con cái thôi chứ chiến đấu vẫn ngon đó. Tháng trước đi thị xã mua mấy cái lưỡi cưa anh có “thử” rồi, ngon lành lắm nghen, hà hà…
xxx
Ở cuối thôn, đội 12, có cô Thủy, con của một cảnh sát già góa vợ. Thủy là con gái út, các anh chị ở đâu không thấy, chắc là đã có gia đình riêng đâu đó rồi, chỉ thấy cô ở với người cha trong một căn nhà tranh vách đất. Cô này nhỏ hơn tôi vài tuổi nhưng rất lanh lợi và hoạt bát. Cô thường đi buôn bán nông sản về thị xã, dĩ nhiên chẳng nhiều nhỏi gì nhưng trong cái thời ngăn sông cấm chợ thì đây quả là công việc của một người tháo vác. Thủy không đẹp nhưng có duyên, đặc biệt mắt cô như biết cười. Nói chuyện với mình, trước khi miệng cô nở nụ cười thì dường như đã thấy từ mắt cô đã có sẵn niềm vui chực chờ đâu đó.
Rồi một ngày kia cô Thủy có chửa, cả thôn râm ran bàn tán. Lại càng bàn tán hơn nữa khi đám hỏi diễn ra giữa hai nhà cô Thủy và nhà anh Tôn Tẫn. Ngay sau đó là một đám cưới đơn giản diễn ra. Tôi cũng là một trong những thành viên hăng hái dựng rạp che lều chuẩn bị cho đám tiệc. Cuối bữa tiệc, anh Tôn Tẫn ép tôi ở lại uống rượu, tôi say gần chết, nằm ói trên chiếc đi văng của cô dâu chú rễ, sáng dậy mắc cở chả biết trốn đi đâu. Vài tháng sau cô Thủy sinh một bé gái, tôi từ trường học gần đó ghé qua trạm xá thăm, gặp anh Tôn Tẫn đang hân hoan vui sướng. Anh khoe: “Gần ba ký, đẹp còn hơn công chúa Bạch Tuyết trong truyện bảy chú lùn…”
xxx
Tôi sau đó cũng lập gia đình và điều chuyển đi nơi khác, cách chỗ cũ gần mười cây số, nhưng vẫn hay đạp xe về thăm vì ba má tôi vẫn còn ở đó. Thôi nôi rồi sinh nhật lần nào của bé Tiên - con gái anh Tôn Tẫn và cô Thủy - tôi cũng được nhắn về tham dự, dù thường là bữa tiệc chỉ được tổ chức đơn sơ và khiêm tốn. Năm bé Tiên khoảng năm tuổi có một sự cố xảy ra. Hôm đó chủ nhật tôi về thăm ba má xong lửng thửng cuốc bộ ra nhà anh chơi. Đến trước cổng nhìn vào thấy hình như nhà có khách. Đang tính lỉnh đi đâu đó chợt anh nhìn ra kêu lên:
- A! thầy Tám, ghé vô uống miếng nước chơi
Tôi còn đang phân vân thì anh khập khiểng bước ra khoác tay qua vai nói nhỏ:
- Vô đây với tôi, thằng này là cha ruột bé Tiên tới xin nhận con đó.
- Ủa, thằng cha này ở đâu ra vậy?
- Nó là cán bộ thuế vụ ở trên huyện.
Tôi cảm thấy có chút lo lắng:
- Bé Tiên đâu rồi?
- Cô nó dẫn qua hàng xóm chơi rồi.
Tôi bước vào nhà, chào quanh quất rồi ngồi xuống cái ghế bên cạnh anh Tôn Tẫn. Xung quanh cái bàn vuông còn có cô Thủy, ba cô Thủy và người thanh niên mà tôi vừa biết là cha ruột của bé Tiên. Anh này khoảng tuổi tôi, người tầm thước, nhìn cũng không đến nỗi khó ưa.
Anh Tôn Tẫn giới thiệu:
- Đây là thầy Tám, hồi trước là giáo viên ở đây, cũng là người thân thiết của gia đình nên mình cứ tự nhiên nói chuyện.
Anh thanh niên lên tiếng, như tiếp tục câu chuyện đang dở dang:
- Như đã trình bày với chú Hai và anh Vinh, nguyện vọng của tôi là xin được nhìn nhận bé Tiên là con. Tôi biết mình có lỗi vì đã bỏ rơi “giọt máu” của mình nhiều năm nay, tôi hứa sẽ bù đắp hết sức.
Ba cô Thủy nói:
- Thật là khó cho bé Tiên. Tự nhiên ở đâu xuất hiện một người cha khác, chắc là nó không chấp nhận đâu.
- Từ khi con bé sinh ra tới giờ - anh Tôn Tẫn nói - tôi chưa bao giờ nghĩ nó không phải là con ruột của tôi, và tôi chắc chắn nó cũng vậy. Việc cho anh nhìn nhận nó tôi cũng không bằng lòng nói chi tới việc dẫn nó đi. Bây giờ gia đình ai yên phận nấy rồi, tôi nghĩ không nên làm cho nó xáo trộn thêm.
Chàng thanh niên nhăn nhó:
- Kẹt cái là vợ tôi bị “nâng”, đi khám cùng khắp rồi mà đâu có chữa được. Mà ông bà già thì phàn nàn suốt ngày…
Tôi nghĩ mình cũng nên có ý kiến:
- Về mặt pháp lý thì anh chẳng có lý do gì để nhìn nhận bé Tiên là con mình cả. Việc anh Vinh và cô Thủy đây công nhận mối quan hệ huyết thống giữa anh và bé Tiên đã là một việc tử tế rồi. Giả như cô Thủy phủ nhận bé Tiên là con anh thì anh cũng chịu thôi. Đó là chưa nói nếu ra tòa sẽ không ai xử cho anh được quyền lấy lại bé Tiên đâu.
Chàng thanh niên có vẻ tức tối, anh to tiếng:
- Nhưng bé Tiên đúng là con tôi, nó là “mầm sống” của tôi!
“Xoảng” cái ly nước vỡ tan tành dưới nền nhà. Anh Tôn Tẫn đứng lên giận dữ:
- Anh ra khỏi nhà tôi ngay trước khi tôi không kềm chế được nữa. “Mầm sống” cái gì? Xin lỗi anh con chó con mèo ngoài kia cũng có mầm sống đó. Anh không hơn con chó con mèo thì nói gì đến mầm sống mầm chết.
Chàng thanh niên chụp lấy cái mũ trên bàn rồi đi như chạy ra phía cổng. Cô Thủy nhào tới ôm chầm lấy anh Tôn Tẫn, gục đầu vào ngực anh òa lên nức nỡ…
Lê Phú Hải
 

Xem Tiếp: ----