ản tin tối, ngày 15 - 6 – 2012, Đài truyền hình Việt Nam cho biết: Nhân dịp Đoàn ca nhạc Hàn Quốc (trong đó có nhiều ngôi sao nổi tiếng) sang thăm và biểu diễn tại Việt Nam. Giới trẻ hâm mộ ở thành phố Hồ Chí Minh đã ra sân bay đón khách. Nhưng không gặp. Vì họ ra khỏi sân bay bằng đường khác.
Bị hẫng hụt, bọn người hâm mộ vừa khóc ầm lên, vừa chạy đuổi theo xe khách. Có cô gái trẻ đã ngất xỉu đi, vì quá xúc động. Lại có người quá si mê, đã nói thẳng thừng rằng, cơ hội nghìn năm mong đợi này, nếu cha mẹ không cho tiền, thì sẽ giết cha mẹ chết, để lấy tiền mua vé đi xem “ngôi sao thần tượng” của mình biểu diễn.
Đến khi đêm diễn két thúc, người ta chen nhau chạy ùa lên sân khấu tặng hoa, để được bắt tay “các sao”. Có người còn sung sướng, ôm hôn cả chiếc ghế mà thần tượng của mình vừa ngồi!
Ôi, tuổi trẻ! Cái thời tràn đầy nhiệt huyết, tràn đầy mê say, và cũng tràn đầy cả những điều kỳ lạ…
Nhưng, kể ra cũng không có gì khó hiểu, sự hâm mộ, đam mê có phần thái quá ấy, không phải bỗng nhiên mới nẩy sinh. Mà là cả một quá trình, từ khi ta mới mở cửa cho tất cả các nước vào đầu tư. Người Hàn Quốc đã đem vào nước ta, không chỉ vốn liếng và kinh nghiệm của một nền kinh tế cồng nghiệp tiên tiến, mà đồng thời họ còn đem vào nước ta cả nền văn hoá giầu bản sắc của họ nữa.
Hàng hoá Hàn Quốc tràn vào nước ta. Từ những vật rất nhỏ bé như thỏi son môi, cho đến những hàng hoá cao cấp hơn, như các phim truyền hình, trên ti vi các gia đình người Việt, cũng đều mang nhãn mác Corea (Hàn Quốc).
Dân ta đang sống trong một nền kinh tế còn nghèo nàn và lạc hậu. Thậm chí còn đói cơm rách áo. Vì chiến tranh và đường lối kinh tế xơ cứng. Cho nên đã bị cuốn hút, trước một đối tượng giầu có hơn mình. Nhất là một số chị em phụ nữ, đã bất chấp cả những khó khăn to lớn về ngôn ngữ và văn hoá bất đồng. Họ ước mơ đến miền đất hứa, ước mơ lấy được một tấm chồng giầu. Nghe đâu, ở một làng quê xa xôi nào đó, có cô gái trẻ đã thề với lòng mình, và bạn bè làng xóm rằng: Nếu không lấy được chồng là người Hàn Quốc đẹp trai như các nam diễn viên phim Hàn Quốc, thì sẽ nhẩy xuống sông tự tử, chứ không thiết sống nữa.
Chẳng biết rồi cô gái ấy có thực hiện được ước mơ của mình không? Nhưng cho đến nay, đã có 50.000 cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc (Tin của Đài truyền hình Việt Nam, ngày 22 - 12 - 2012). Và trong số năm mươi nghìn nàng dâu ấy, nhiều người đã sinh con đẻ cái, gia đình hạnh phúc yên vui. Ngoại trừ một trường hợp xấu duy nhất đã xẩy ra. Do bạo lực gia đình, người chồng đã quá tay, đánh chết vợ. Sự việc quan trọng đó, khiến cơ quan ngoại giao Hàn Quốc, đã gửi công hàm đến cơ quan ngoại giao Việt Nam bày tỏ: “Rất lấy làm tiếc…”. Và hứa sẽ có biện pháp ngăn chặn, không để cho tình trạng đáng tiếc đó xẩy ra nữa.
Vâng. Chắc chắn sẽ là như vậy. Song kẻ viết những dòng này vẫn nghĩ rằng: 50.000 cô dâu kia, sau khi đã toại nguyện, lấy được chồng Hàn Quốc rồi, và nhất là đã được làm dâu xứ người rồi, chắc các cô mới hiểu, trước đây mình đã đứng núi nọ trông núi kia cao. Và hiểu rằng, không phải cứ lấy được chồng giầu thì sẽ có gia đình hạnh phúc. Vì, như một bộ phim nào đó đã nói: “Người giầu cũng khóc cơ mà!
°
° °
Song cái sự bồng bột ấy, cũng chẳng riêng gì cãc bạn trẻ bây giờ. Cả cái thời non trẻ của chúng tôi ngày xưa cũng vậy, cũng tràn đầy nhiệt huyết, và cũng si mê y như các bạn trẻ bây giờ. Tôi còn nhớ, và chắc chẳng bao giờ quên, lần đầu tiên được trông thấy lá cờ đỏ sao vàng, bay phấp phới trên đầu một đoàn người, vừa đi, vừa vung tay gào thét: “Đả đảo đế quốc Pháp!”, “Đả đảo đế quốc Pháp!”. Và chen lẫn vào những tiếng gào thét ấy là tiếng trống cái của làng thùng thùng vang dội lên, vừa tưng bừng vừa thôi thúc. Khiến tất cả tóc gáy và các lỗ chân lông trên người tôi cùng dựng ngược lên, nổi gai lên. Tôi mê mụ đi, chẳng kịp đắn đo gì nữa, liền chay theo đoàn người, đi xem mít tinh chào mừng Cách mạng tháng Tám thành công. Năm ấy tôi mới mười lăm tuổi, kể cả tuổi mụ.
Rồi tiếp đến những năm trường kỳ kháng chiến. Tuy đầy gian lao, nguy hiểm, nhưng tuôỉ trẻ đã bất chấp tất cả. Chúng tôi vẫn hăng say, và tràn ngập lòng tin vào Cách mạng và Kháng chiến. Thậm chí niềm tin yêu đó còn “dư thừa” để chấp nhận cả những điều hết sức vô lý, nhứ nhà thơ Việt Phương đã viết: “…Ta nhất quyết đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thuỵ Sỹ…”. “Va…Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ…”!
Chúng tôi tin cả những lời các nhà tuyên giáo thường giảng dậy như: “Đế quốc Mỹ chỉ là con hổ giấy”. Mặc dù chúng tôi cũng biết cái “con hổ giấy” ấy đã thả hai quả bom nguyên tử xuỗng nước Nhật, làm hàng vạn người chết, khiến phát xít Nhật phải đầu hàng các nước Đồng minh vô điều kiện. Và bọn “giặc lùn” đang chiếm đóng nước ta phải đình chì hoạt động, chờ quân Đồng minh đến tước vũ khí, rồi cút về nước. Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim mất quan thầy, tư nhiên sụp đổ. Việt Minh nhân cơ hội vùng lên, dựng cờ khởi nghĩa, cướp được chính quyền dễ dàng như nhặt được báu vật bỏ rơi.
Câu thứ hai các vị Tuyên giáo hay nói là: “Chủ nghĩa tư bản đang giẫy chết”. Cứ tưởng chúng giẫy lâu lắm thì cũng đến vài ba chục năm là cùng. Ngờ đâu, đến nay đã hơn nửa thế kỷ trôi qua mà chúng vẫn còn giẫy chưa chết! Không những thế, trái lại đến nay cái bọn giẫy mãi không chết ấy lại được chính những người vẫn cho là chúng đang giẫy chết, giải chiếu hoa ra ngoài ngõ, mời vào đầu tư mới hay chứ!...
Nhưng theo học thuyết Mác, thì sự tiêu vong của Nhà nước Tư bản chủ nghĩa, là sự phát triển tất yếu của lịch sử nhân loại. Chỉ có điều cái ngày tận số ấy là bao giờ, thì hẳn là chưa có nhà tiên tri thông thái nào biết chính xác?
Thưa các bạn trẻ, liệu các bạn có được trông thấy cái ngày vui vẻ âý không? Còn lớp già chúng tôi thì không thể.
Về cái thời xa xưa ấu trĩ đó, nhà thơ Việt Phương còn viết: “…Tất cả những gì xấu xa của tao là thuộc về mày/ Tất cả những gì tốt đẹp của mày là thuộc về tao…”. Vâng. Nhưng đó chỉ là cách nói, cách diễn đạt của riêng nhà thơ thôi. Chứ, theo đúng khẩu khí và ngôn từ của các nhà tuyên giáo thời bấy giờ, thì không hẳn là như vậy. Mà là: Tất cả những gì xấu xa ở trên đời này, đều là của bọn “phi vô sản” (Tức các giai cấp tư sản và tiểu tư sản) sinh ra. Chứ giai cấp vô sản ( Tức công nhân, nông dân và binh lính) thì không có cái xấu. Bản chất của giai cấp vô sản đồng nghĩa với cái tốt. Cũng như “Ông Tiên”, “Nàng Tiên” đồng nghĩa với cái đẹp. Phật đồng nghĩa với thiện. Quỷ đồng nghĩa với ác
Nếu trong đời sống xã hội xẩy ra trường hợp người vô sản phạm phải sai làm, khuyết điềm, thì đó là do họ bị ảnh hưởng, bị lây nhiễm thói hư tật xấu của các giai cấp:”phi vô sản”. Chú sai phạm đó không thuộc về bản chất giai cấp của họ.
Và cũng cái thời bồng bột, ấu trĩ một cách hết sức chân thành ấy, tại một lớp học chính trị, ông Trưởng ban tuyên giáo tỉnh, lên bục giảng về kinh tế - chính trị của Liên Xô. Sau một hồi tràng giang đại hải ( Thòi bấy giờ, ai nói dài, nói dai thường được coi là người có trình độ ly luận cao), ông bảo: “Nền khoa học công nghệ chế tạo máy móc của Liên Xô rất phát triển. Các nhà khoa học Xô Viết đã chế tạo được những cỗ máy rất hiện đại. Để chỉnh trang đô thị, người ta có thể di chuyển cả một ngôi nhà từ phố này sang phố kia, mà ngôi nhà vẫn nguyên vẹn, vững chắc. Có trường hợp, chủ nhà sáng đi làm, chiều về thì ngôi nhà của mình đã được chuyển sang phố khác rồi”. Cả lớp ồ lên, chủng tôi vừa ngạc nhiên, vừa xít xa thán phục!
Thời ấy, chúng tôi ắn như nhau, mặc như nhau, suy nghĩ như nhau, và nói năng cũng giống hệt nhau. Chẳng ai có ý nghĩ trái chiều, phản biện (Mà nếu có, thì chắc chắn cũng không thể tồn tại được). Cho nên chắng ai nghĩ cái chuyện máy chuyển nhà của thầy Tuyên là bịa đặt. Bởi nêú đó là sự thật, thì Liên Xô đã trở thành một quốc gia vi phạm quyền tự do cư trú của con người, vào bậc nhất thế giới rồi! Giá lúc bầy giờ thầy Tuyên có được những giây phút thăng hoa, hứng thú xuất thần của nghề nghiệp, mà “phịa” ra rằng, các nhà khoa học Xô Viết đã “sáng chế” ra được giống gà ba chân, và mỗi ngày đẻ được bốn năm quả trứng, thì chúng tôi cũng sẵn sàng tin ngay đó là sự thật!
Rồi một buổi giảng khác về kinh tế - chính trị Trung Quốc, thầy Tuyên lại chứng minh: “Các đồng chí Trung Quốc xây dựng và quản lý nền kinh tế Xã hội chủ nghĩa của họ rất khoa học và chặt chẽ. Nếu ta đến bất cứ một nhà máy nào, chỉ hỏi mượn một chiếc búa thôi, thì sẽ được trả lời: “Để chúng tôi còn thỉnh thị Mao Chủ tịch”.
Ôi! Đất nước Trung Hoa rộng lớn mênh mông, Mao Chủ tịch dẫu có là thánh thần, thì cũng chỉ có một cái đầu, và hai cái tai như mọi người, làm sao ông có thể nghe được hết những lời “thỉnh thị” vào loại tầm phào như vậy, và làm sao ông biết được nước mình có bao nhiêu chiêc búa để quyết định cho hay không cho mượn? Một chuyện bịa đặt vừa vô lý, vừa ngô nghê như vậy, mà chúng tôi cũng tin. Là vì ngay từ cái thuở đầu tiên đi theo Cách mạng và Kháng chiến, chúng tôi đã gửi lòng tin tuyệt đối vào người lãnh đạo. Tin cấp trên đã nói sao, thì nhất định sẽ là thế, chắc như đinh đóng cột, chẳng cần phải nghĩ suy, lựa chon xem đúng hay sai…
Rồi vào khoảng năm 1951 hay 1952 gì đó, thế kỷ trước, không rõ tháng nào. Một hôm thủ trưởng cơ quan, giao cho mấy đứa chúng tôi, vào rừng hái hoa và kết một vòng, để cơ quan làm lễ truy điệu (Ở vùng kháng chiến không có cửa hàng hoa). Thủ trưởng không cho biết truy điệu ai. Chúng tôi rất hồi hộp, nhưng nhìn thấy nét mặt ông rất buồn và nghiêm, nên không dám hỏi. Chúng tôi lận vào rừng sâu, xục xạo kiếm tìm, leo lên các lùm cây, chọn cành này, bỏ cành kia. Một lúc khá lâu rồi cũng hái được đủ số cần dùng. Ngoài mấy bông mẫu đơn, còn toàn hoa dại, chẳng biết tên chúng là gì. Cứ thấy đầu cành có bông trắng, bông đỏ, hay vàng là hái. Có hoa rồi, nhưng làm thế nào để kết thành vòng, thì chẳng thằng nào biết. Loay hoay, buộc vào, cởi ra mãi, toát cả mồ hôi hột. Rồi cuối cùng cũng thành một cái tạm gọi là vòng hoa.
Chiều hôm ấy, tất cả cơ quan đều tập trung lên hội trường. Vòng hoa để trên bàn, tựa vào vách nứa, bên cạnh dựng một cây cờ lá rủ. Không có hương, nến và di ảnh., Cho nên đến lúc ấy, chúng tôi vẫn chưa được biết truy điệu ai. Rồi thủ trưởng đứng lên, vẻ mặt đầy xúc động, cặp môi run run, ông vừa thốt lên được mấy lời: “Thưa các đồng chí!”, thì im bặt, và hai hàng nước mắt lăn xuống má. Cả hội trường lặng phắc. Mấy giây sau bình tĩnh trở lại, ông nói tiếp: “Tôi vô cùng đau đớn và thương tiếc báo tin để các đồng chí biết, Đại Nguyên Soái Stalin, vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Liên Xô, và của phong trào Cách mạng thế giới đã từ trần!..”. Thế là cả hội trường bỗng oà lên tiếng khóc. Khóc nức nở, khóc vật vã không thể kìm nén được. Ai cũng cảm thấy ruột gan mình đau đớn, xót xa y như chính người ruột thịt của mình qua đời vậy. Khiến thủ trưởng cơ quan đâm ra lo sợ, chúng tôi còn trẻ người non dạ, sẽ hoang mang dao động, trong lúc cuộc kháng chiến còn trường kỳ gian khổ. Cho nên ông giải thích: “Tuy Stalin qua đời là một tổn thất cho phe ta. không thể bù đắp được. Nhưng các đồng chí cứ yên tâm, rồi Đảng cộng sản Liên Xô sẽ cử đồng chí khác lên lãnh đạo đất nước, và phong trào Cách mạng thế giới…”. Vâng. Đã đành là tre già măng mọc, nhưng măng chưa phải là tre. Vả lại, nén đau thương cũng đâu phải là việc dễ dàng. Có lẽ, phải đến bẩy tám hôm sau, tinh thần và tình cảm của chúng tôi mới trở lại thăng bằng.
Rồi khoảng hai hay ba năm sau, qua dư luận lén lút, từ người này truyền sang trai người kia, chúng tôi được biết: Tại Đại hội Đảng cộng sản Liên Xô lần thư hai mươi, ông Khơ-rút-sốp (Khrushchev), Tổng bí thư đọc báo cáo mật về tệ sùng bái cá nhân, tố giac Stalin đã sát hại hàng trăm tướng lĩnh quân đội Xô Viết, và các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ, trí thức bất đồng quan điểm với mình. Và chính bản thân ông Khơ-rút-sốp, thời gian ấy đang là một Trung đoàn trưởng, cũng được Đại Nguyên Soái gọi đến “phê bình” bằng một cái bạt tai nẩy đom đóm mắt!
Dư luận bảo, bản báo cáo đó, ở Việt Nam thời gian ấy, được coi là một văn kiện tuyệt mật, chỉ những quan sếp cỡ từ Bí thư tỉnh uỷ trở lên mới được đọc, hoặc được nghe phổ biến. Nhà thơ Việt Phương ngày ấy đang là thư ký, hay cố vấn của các vị lãnh đạo cao cấp, chắc ông được đọc bản báo cáo ấy, cho nên ông mới dám viết những câu thơ, mà các nhà thơ khác, dù có lá gan bằng thép, chắc cũng không dám viết: “…Ta đã thấy những chỗ lõm lồi trên mặt trăng sao/ những vết bùn trên tận đỉnh chín tầng cao…”.
Tiếc rằng những thông tin quan trọng về Stalin đến với chúng tôi quá muộn. Nếu đến sớm hơn, trước ngày cơ quan tổ chức lễ truy điệu, thì chắc rằng chúng tôi đã không phí hoài nhiều nước mắt đến thế!
Cũng như 50.000 cô dâu Việt Nam trên kia, vì thiếu thông tin, nên sau khi đã được trải nghiệm cuộc sống làm dâu xứ người rồi, các cô mới hiểu rằng, niềm hạnh phúc lấy được chồng Hàn Quốc, không lơn lao đến mức, nếu thất vọng thì phải nhẩy xuống sông tự tử, như cô gái trẻ ở làng quê xa xôi kia. Bởi vì chết như vậy là dại dột, là phí hoài./.
TP Uông Bí, ngày 30 - 12 - 2012
Tạ Hữu Đỉnh
 

Xem Tiếp: ----