ăm nay hình như thời gian đi nhanh hơn, vừa mới Tết Tây lại chuẩn bị Tết ta. Đâu đó đã vang lên những bài hát Xuân, những bài hát chúng ta nghe quen thuộc năm này qua năm nọ, một trong những bài ấy là bài "Anh Cho Em Mùa Xuân", do Nhạc Sỹ Nguyễn Hiền phổ nhạc từ bài thơ Nụ Hoa Vàng Cho Em của nhà thơ Kim Tuấn.
Tôi gặp anh Kim Tuấn từ khi còn bé tí, hình như lúc mới lớp ba lớp nhì gì đó. Vì là anh họ nên chúng tôi luôn gọi anh là anh Khuê chứ ít khi gọi bằng bút hiệu làm thơ của anh. Tôi là con gái út thường được theo Thầy tôi đi thăm viếng bà con các nơi. Khi ấy vào buổi sáng, Thầy tôi hay đến nhà bác B.T., thân sinh của anh Khuê, nhà bác là tiệm thuốc tây Kim Tuấn ở đường Phan Bội Châu dưới phố.
Đến nhà, người lớn trà nước nói chuyện với nhau thì bác gái luôn đưa tôi ra phía sau tìm thức gì đó cho tôi ăn và hỏi chuyện. Hai bác chỉ có anh là con trai một nên có lẽ bác gái cũng hơi buồn khi anh đi vắng, nhà vắng vẻ. Đối với anh tôi là cô em nhỏ trong nhà. Anh rất hiền, ít nói, hay cười. Tôi vẫn nhớ mãi, bác gái thường đặt tôi ngồi trên bộ xa lông nệm dày êm ái, chung quanh có những chiếc gối đệm lưng màu đỏ đậm thật là ấm mắt. Bác thường làm bánh mì ốp la cho tôi nếu xuống sớm. Khi đến bữa trưa thì bác làm cơm và cả nhà dùng bữa chung. Có khi xế chiều thì bác gọi những phần nem lụi từ gánh nem nướng của bà Khanh trước nhà vào cho tôi nhâm nhi. Rất nhiều lần ăn xong bác bảo tôi lên giường ngủ trưa. Không quên được chiếc giường nệm cao ngất mà tôi phải leo lên một cách vất vả, với khăn trải giường bằng sa tanh trắng láng mướt và mát mẻ...
Đến nhà nhiều lần nên hai bác coi tôi như con ruột và anh Khuê cũng dành thì giờ nói chuyện với tôi mỗi khi gặp. Anh hay hỏi chuyện học hành trường lớp và chú ý đến môn văn của tôi. Mấy năm sau, khi tôi học trường Nữ Pleime thì anh dạy Anh văn ở trường Phạm Hồng Thái. Tôi nhớ mãi một câu chuyện anh đã kể cho học trò trong lớp và kể lại cho tôi nghe như sau.
-Ngày cuối tuần có một phụ huynh mời anh đến nhà. Khi anh đến, các cô con gái mang trà ra mời. Anh cầm chén trà lên, ngón tay chạm dưới đáy chén thì thấy nhớt nhợt.... Thì ra người nào đó rửa bát đã không để ý và không rửa kỹ dưới đáy chén. Anh khuyên các cô học trò, từ nay khi rửa chén bát phải để ý rửa kỹ dưới đáy, vì khi người lạ đến, chỉ cần thấy điều sơ hở đó là họ đánh giá không đẹp về mình ngay.
Câu chuyện anh kể cứ nằm hoài trong đầu tôi. Từ khi đến tuổi phải rửa chén bát, tôi luôn luôn để ý rửa thật sạch bên dưới của các món ly chén... Và khi đến nhà ai, tôi tránh không dám để tay đụng dưới đáy ly chén của họ, sợ lỡ đụng nhằm chỗ rửa không sạch thì cảm giác ấy không bao giờ xoá được, chẳng thà không biết còn hơn.
Khi tôi lớn dần, anh hay nói chuyện thơ văn. Tôi cũng thuộc nhiều bài thơ anh đưa cho xem và chép vào vở. Từ lúc nào không rõ, ở nhà gọi anh là "Vĩnh Khuê những bước chân âm thầm", cái tên dài thoòng rất đặc biệt, và tôi lúc nào cũng lẩm nhẩm bài hát ấy. Rồi Tết đến thì lại thuộc làu bài, "Anh Cho Em Mùa Xuân", khi nào chưa nghe bài ấy thì hình như chưa có Tết, đối với tôi. Những ngày đầu năm, cả nhà có khi đi chung, có khi mấy chị em đi riêng, thường xuống nhà hai bác chúc Tết, nhưng phần lớn là để gặp anh nói chuyện. Hàng ngày, có khi đi học về, mấy chị em cũng ghé vào nhà anh một tí trước khi về nhà.
Sau này, gia đình anh dọn về Saigon, hai bác ở tại căn nhà đường Phát Diệm. Lúc đó anh Khuê đang làm thầy giáo. Những năm tháng trước khi bác trai còn khỏe, lần nào đến thăm, chúng tôi cũng ở lại ăn cơm với cả nhà. Bác gái vẫn thương tôi như ngày nào và sự ân cần của bác không thay đổi. Lần đến thăm trước khi đi, anh đi vắng, lúc đó bác trai đã rất yếu, phải thở bình oxy. Chị Khuê, mà tôi gọi là chị Phương, thay bác gái làm cơm đãi khách, hai cháu bé con anh, Bảo Khôi và Bảo Khánh, thật là đẹp trai, mạnh khỏe và hiếu động. Tôi chơi với hai cháu chạy theo muốn hụt hơi. Bác gái đã lớn tuổi, vẫn là hình ảnh một người mẹ hiền đối với tôi. Chị Minh Phương là người hiền lành và chu đáo chăm lo gia đình. Tôi rất thương chị dù mới gặp lần đầu tiên. Hai chị em tâm sự với nhau khi tôi phụ chị làm cơm. Tôi thấy chị quá giỏi, trông nom cha chồng đau bệnh, mẹ chồng già yếu, và hai con nhỏ đang còn phải lo ăn lo bú, mọi việc trong tay chị tươm tất. Người ta nói, sau lưng một người đàn ông thành công là một người đàn bà..... Tôi không cần biết gì hơn, nhưng tôi biết lúc đó, anh Khuê chắc hẳn yên tâm khi ở nhà có một người vợ đảm đang như chị.
Sau này dù ở xa tôi vẫn biết anh tiếp tục làm thơ. Mấy mươi năm rồi, thơ anh vẫn vậy, tình cảm và dịu dàng, êm ái. Tôi thích nhất mấy câu này của anh, mà tôi đã chép giữ lại từ ngày ấy,
Ở trên núi ta làm thơ với núi
có khi buồn làm bạn với rừng khô
dăm chiếc lá xạc xào trong trí tưởng
thiên thu ơi lòng nhớ cõi mơ hồ
Ở trên núi có trời cao gió cuốn
một mình ta phiêu lãng cùng mây bay
một mình ta phiêu lãng cuối chân ngày
ta xứ lạ khói chiều trong mắt đỏ
em ngậm ngùi chốn ấy nào ai hay
.....
(Mình Ta Trên Núi - Thơ Kim Tuấn)
hay là những câu:
.....
Người ở đâu ta ở chốn này
núi nhìn xanh thẳm chiều mây bay
mắt nhìn xanh thẳm cơn phiền muộn
ta với đời ta như giấc say
Giấc say một chút buồn ghi dấu
tình đã mù khơi cùng gió bay
em đã mù khơi cùng cõi mộng
ta đã mù khơi nào có hay
....
(Một Chút Buồn - Thơ Kim Tuấn)
Trong những ngày cuối năm nghe lại bài nhạc Anh Cho Em Mùa Xuân, những lời thơ của anh gần như đã nằm lòng vì tôi đã nghe bài này từ mấy mươi năm qua, tôi nhớ đến anh và muốn viết vài hàng, nhắc lại những kỷ niệm về một người anh kính mến. Năm 2003, ngay hôm sau tết trung thu tôi nhận được tin ở nhà gọi sang báo là anh đã qua đời, thật là bàng hoàng và thương tiếc vì anh ra đi quá sớm. Mỗi lần trung thu hay Tết Nguyên đán thì tôi lại nhớ đến anh cùng gia tài thơ anh để lại... Có lẽ cũng nhờ hơi hướng thơ văn nơi anh khi tôi gặp anh lúc còn rất nhỏ, mà tôi đâm ra yêu thích thơ thẩn từ khi mới lớn cho đến bây giờ.
Thật sự anh đã cho mọi người mùa xuân, một mùa xuân bất tận qua những lời thơ ngọt ngào của anh. Xin cám ơn anh đã để lại cho đời những vầng thơ dịu dàng, êm ả thấm sâu và sống mãi trong lòng người.
Đến bây giờ thì anh đã "một mình ta phiêu lãng cùng mây bay" rồi phải không anh?
Nguyệt Hạ
(LT-TD)
 

Xem Tiếp: ----