Nơi không chỉ có khói núi

    
ai đứa trẻ đứng thập thò ngoài cổng, bộ dạng rụt rè. Đứa con trai chân đất mặc quần cộc, áo ngắn tay màu đất, tiệp với đôi chân mốc cời. Đứa con gái mang dép nhựa, quần đen hụt lên trên mắt cá chân, tóc hoe rối nùi, trên tay xách bịch ni lông màu đen, không rõ đựng thứ gì. Trực ngồi trên chiếc đẩu gỗ mộc sần sùi, nửa muốn chạy ra mở cánh cổng ghép bằng những cây chà rang, nửa muốn ngồi miết để quan sát điệu bộ lóng ngóng của chúng. Cả hai có vẻ chịu đựng, chờ đợi sự lên tiếng của các cô giáo trong căn nhà tập thể.
Qua khung cửa bằng những vạt cây cắm sâu vào vách đất, thân thể hai đứa bé bị vạch từng đoạn gãy khúc, mờ mờ trong màn sương núi đặc lềnh, lung linh, hư ảo trước vạt núi màu xanh phía xa bắt đầu co lại, nhòe nhoẹt lớp khói trắng quấn thít, từ từ như người ta kéo tấm vải mỏng phủ trên đồi cỏ hoang. Khúc sông trước mặt cũng đục lềnh lớp khói trắng sà thấp sát mặt nước. Khói núi tuôn xuống xuôi theo gió cuối ngày lúc mỗi dày thêm, lạnh ngắt.
Hai đứa nhỏ chắc thấm lạnh, Trực nghĩ và đứng dậy quơ đôi dép dưới gậm bàn bước ra sân.Thấy Trực, đứa con trai dịch nép sau lưng chị. Cánh cổng kéo qua bên, ngã nhoài về phía sân. Trực nói:
-Các em vào nhà, kẻo lạnh.
Đứa con gái bối rối chuyền chiếc túi từ tay này sang tay kia, lí nhí:
-Má em… má em biểu mang cho cô… – nói và đặt chiếc túi đen xuống thảm cỏ và chạy ngược ra hướng bờ sông. Đứa con trai lúp xúp chạy theo sau, thỉnh thoảng ngoái lại ngó về phía Trực. Bóng của chúng lượn trên đồi cỏ rồi nhòa dần trong lớp sương trắng ở đoạn những ruộng bắp bạt ngàn. Trực chưa hề biết chúng, có lẽ là học sinh của lớp Thẩm hay Diệp, Trực đoán vậy.
Trực quay vào nhà, quành xuống sau chái bếp xách theo bọc cá hai đứa học trò nhỏ mang biếu, đổ ra chiếc rổ nhựa. Một vài con quẫy mình hay cố nhoi chiếc đầu nhỏ lên trên những con khác. Đó là những con cá lúi, cá mương vảy bạc lấp lánh, dài như phần đầu sơ chiếc đũa bếp, có lẽ người nhà của chúng quây lưới trong các tum hay đánh dẹp bên những con suối.
Trực ngồi trên chiếc đòn kê đổ rổ cá vào thau thì Thẩm và Diệp từ phía rẫy trồng sắn sau trường trở về, khiêng theo bó củi khô dựng bên đầu hồi. Thẩm hỏi gì thế? Trực nói cá của học trò mang biếu, không rõ học trò của cô nào. Thẩm thọc gáo dừa vào lu múc nước rửa tay vừa liếc nhìn thau cá lầm bẩm: cá lúi nướng dầm mắm ngò thì không còn gì bằng. Tiếc rằng bọn mình không phải là đàn ông con trai để có thể nhấm nháp chút rượu trong buổi chiều trắng khói núi như thế này. Diệp đứng cạnh đang kéo ống quần để lộ bắp chân tròn trắng, xì một tiếng dài, bảo: nhìn những con cá nằm trong dĩa mắm ớt tỏi mấy bà không cảm thương thân phận đàn bà con gái tụi mình sao. Trắng phau thế mà phơi chình ình trên dĩa đợi người ta thọc đũa vào ngoáy. Bà nào cũng chuẩn bị tới cột số “băm” hết trơn trọi rồi còn thú nỗi gì? Thẩm hứ đánh cốc “nói xàm” rồi quày quã bước vào nhà. Diệp đứng xớ rớ một lúc, không nghe Trực nói gì, khum người chui qua hàng rào thưa khóa cửa các phòng học. Trực rửa sạch sẽ những con cá cuối cùng cũng vừa lúc ý nghĩ tòe ra, đụng cột số “băm” Diệu nói. Chưa biết có xàm thiệt hay không, nhưng bốn năm rồi cứ bám riết nơi núi cao suối sâu này, đôi lúc cũng tủi lòng. Nhan sắc không biết phô bày với ai. Những người dân miền núi chân chất thiệt thà, luôn nghĩ ba cô giáo là những con người chỉ cách thần núi thần sông một sải tay, đám thanh niên thì luôn nhìn họ ở một khoảng cách xa, nên son phấn cũng trở nên ngượng ngịu trên đôi gò má xàm xạm lỗ chân lông. Hiếm hoi lắm mới nhìn thấy vài người đàn ông thồ hàng từ xuôi lên đổi các loại nông thổ sản cho đồng bào rồi ào trở về như thể chốn này là nơi ma thiêng nước độc không nên qua đêm… Sự xuất hiện đột ngột và ra đi cũng đột ngột đôi lúc gợi nhớ những mẫu tình vụn vặt thời học trò: nói vài câu vu vơ góc sân trường, khẽ chạm tay nhau những đêm diễn văn nghệ hay ngồi bên ly nước góc phố… dường như không đủ sức để hạt mẩy chút mầm xanh yêu đương. Thỉnh thoảng Trực bật cười một mình, nụ cười giống hệt nồi cá kho bốc mùi sả, ớt và thứ mùi nặng trịch lưu cửu. Đó là những con cá tràu, cá nhét cong khum lại như cố chịu đựng sức nóng từ đáy xoong vồng lên, đến khi, như không còn sức chịu đựng, chúng cứ ùng ục giống tiếng rên khẽ.
Ba cô giáo thường xuyên dùng món ăn này và mỗi khi ngửi mùi cá kho, Diệp nhăn mặt kêu giống y chang cái mùi con gái ẩm mốc. Thẩm lừ mắt, thì bà cuốn xéo về thành phố đi. Việc gì giam giữ thân gái trinh nơi hóc núi này. Diệp buông đũa cười ha hả, khéo xúi dại, có nước đi bán bia ôm. Mà nghề bia ôm nay chỉ toàn các em mười chín hai mươi, làm gì có chỗ cho thứ gái già này… Diệp kéo dài mấy chữ cuối câu và khóc òa, chén cơm và đôi đũa trên tay thiếu chút nữa là rơi xoảng xuống nền đất ẩm. Trực dùng đùa gõ lên thành xoong, các bà ăn nói cẩn thận, chớ quá bi lụy… rồi buông đũa quẹt nước mắt trước tiên. Mâm cơm chiều trở nên lạnh ngắt. Con mèo mướp ngồi chồm hổm liếc nhìn các bà chủ không hiểu cớ sự, kêu mấy tiếng meo meo rồi bỏ đi nơi khác. Thời gian cứ lếch thếch bay qua đầu ba cô giáo bằng những chuyện không đâu như vậy, thỉnh thoảng nó như chiếc kềm nhéo nhẹ vào da thịt, không trầy xước nhưng cũng gợn nhói lên chút đau tê.
Trực bưng rổ cá vào bếp, kẹp chúng nằm sắp hàng trên chiếc kẹp tre và mang vào bếp cời than hơ lửa. Trực định bụng chỉ cần nướng sương rồi hong khói theo cách mà Trực học được dưới chợ thị trấn, ai muốn ăn gì tự chế biến. Mùi cá nướng bắt đầu bay tỏa ra thơm phức khiến Trực nghĩ ngay đến chuyện những cọng ngò màu xanh cuộn quấn lợn cợn màu ớt đỏ quanh những con cá nướng và Thẩm và Diệp. Trực lên gian trên mang theo mùi cá nướng đậm đặc trong buổi hoàng hôn tràn khí núi lạnh. Căn phòng vắng hoe, không rõ hai đứa đi đằng nào vẫn chưa về?
Gian nhà tối dần, khói núi len vào tận bếp, lạnh. Trực quay xuống cời than, vần nồi cơm rồi đứng lên dựa vào phên cửa nhóng sang phía bờ sông. Vẫn chưa thấy bóng Thẩm và Diệp ở đoạn bến nước. Nhớ những hôm trời lạnh dữ, nửa khuya Diệp cong người rúc mũi vào ngực Trực, tiện tay mở cúc áo vân vê đầu vú, kích động cho nó căng cứng lên. Lúc đầu Trực cảm thấy nhột nhạt, giận, nhưng rồi những cảm giác mới lạ, khó tả làm Trực tê rúm cả người và mệt nhoài trong giấc ngủ chập chờn với những giấc mơ về sự đụng chạm thịt da căng phồng niềm phấn kích bóng nhẫy. Sáng dậy Trực nghiêm mặt: tối nay bà Diệp nên ngủ riêng. Diệp nhăn nhó: trời lạnh thế này tôi đến chết cóng mất. Thẩm lê chiếc chổi trên nền đất: cô Trực không nên gây mất đoàn kết. Sướng khổ có nhau, chuyền chút hơi ấm cho nhau đâu mất mát gì mà la nguây ngẩy, cứ như con Diệp hãm hiếp bà không bằng.Trực như không nghe thấy, vục mặt xuống thau nước pha nóng, dùng chiếc khăn ấp nước lên mặt như thể che lấp sự xấu hổ, lơ mơ nghe tiếng nói xa gần nửa bỡn cợt hờn dỗi, nửa trách móc. Lúc vắt chiếc khăn mặt lên sợi mây phơi căng ngang trước đầu hồi, Thẩm đi xuống dựng chiếc chổi ở chái phên, tiện tay nhéo nhẹ vào hông Trực. Bà mà giả bộ. Tôi nằm nghe bà rên ư ử như con mèo cái trong mùa động dục. Trực đỏ mặt bỏ ra giếng tìm chiếc gàu, không trả lời, không phân giải; chỉ thấy nóng bừng trên hai vành tai, tê cay nơi sống mũi.
Lúc cây đèn dầu đốt lên, hắt bóng mình chao lượn trên vách đất, Trực bắt đầu sốt ruột. Trời cứ tối dần. Dãy núi phía xa chỉ còn là khối đen thẫm trong màn đêm. Sự lo lắng pha chút sợ hãi khiến bóng đêm trở nên dữ dội hơn. Trực nghĩ ngay đến sự cố tưởng tượng ban chiều, mở một nụ cười như mếu. Nụ cười ngay chính Trực không nhìn thấy. Nụ cười cô đơn chúc đậu trên đôi môi lạnh. Lạnh như từ chỗ ở này từ ngôi trường này vào tới làng xa hụt bước chân trong bóng tối nhập nhòa để có thể lang thang nhìn những quầng đèn sáng hắt ra từ những căn nhà sàn, từ mùi chua ngai ngái bã hèm, mùi phân gia súc vung vãi trên nền đất, đầy ắp sự êm đềm, ấm cúng hơn căn nhà và ngôi trường đứng biệt lập trên dãy đồi hướng ra phía bờ sông.
Đang loay hoay với mớ ý nghĩ lộn xộn thì từ bến nước có tiếng hú gọi đò. Trực đứng bật lên, nhóng cổ nhìn về phía bến tối u u. Lại nghĩ, thôi kệ. Chừng nào chúng về thì về, hơi đâu rồi quay vào nhà, ngồi tì tay vào chiếc bàn gỗ mộc nhưng mắt vẫn nhóng qua ô cửa sổ lệch. Con mèo mướp nhảy tọt lên lòng Trực, dúi chiếc đầu cọ cọ vào bụng kêu meo meo có vẻ như vỗ về, an ủi cô chủ: thôi chị đừng buồn, sơm muộn gì hai chị ấy cũng về… Trực vuốt lên lưng nó. Lớp lông mềm mượt như tơ gây chút cảm giác ấm áp tẻ muộn.
Con mướp đang nằm im bổng dưng nhảy khỏi lòng Trực, phóng vút qua ô cửa cùng với những tiếng meo meo lướt nhẹ trong đêm và mất hút đâu đó. Lát sau nó lại cất tiếng nghe xa ở phía góc sân trường, trên lối mòn dẫn ra bờ sông, lúc mỗi rõ dần cùng với hai khối đen nhấp nhô di động. Trực vặn to ngọn đèn dầu, nhoài người ra khung cửa. Thẩm và Diệp đã về. Hú hồn, Trực kêu lên nho nhỏ và chạy ào ra như một đứa bé chờ mẹ đi chợ về quá lâu. Nếu như mắt lúc này nhòe ướt thì Trực là con bé con thực. Hai chiếc bóng đen rõ dần. Trực dịch cánh cổng và căng mắt thật to như thể thu hết hai người bạn đồng môn vào sâu trong đồng tử. Bóng hai người ngã chúi về phía con dốc ngược lên nhà. Trực nói vọng ra:
-Hai bà đi đâu dữ thế?
-Qua bên nhà Ama Bơk coi có tin tức, công văn gì từ Phòng gửi lên không?
Lúc cả ba bước hẳn vào nhà, Trực hỏi:
-Không có tin vui?
-Không – Thẩm đáp cụt lủn và với tay lên giá gỗ rót đầy cốc nước uống ực một hơi, trong khi Diệu nằm ngã lên giường, giang rộng chân tay như kẻ bị câu móc.
Trực hiểu tiếng “không” của Thẩm khi nhìn thấy cô nàng đang đung đưa kẽo kẹt chiếc võng gai mắc giữa hai cây cột. Tiếng “không” mỏi mệt rớt gọn xuống nền đất với dài theo sự chờ đợi, hy vọng mỏi mòn ngày về thành phố. Tờ giấy cam kết phục vụ miền núi ba năm càng lúc càng giống hình ảnh bà mẹ đi chợ dưới con mắt trẻ thơ, khiến mỗi khi chạm nhẹ vào nó cả ba cứ loay hoay vừa lo lắng sợ hãi vừa tìm cách tự an ủi, rồi ngó vào mặt nhìn nhau như mếu.
Tiếng đập bèm bẹp. Đập muỗi. Trực ngoái lại:
-Ăn chút gì chớ?
-Thôi tao mệt, mai ăn luôn thể.
Trực ái ngại leo lên giường buông mùng, khẽ khàng nằm xuống cạnh Diệu. Tiếng võng vẫn đu đưa kẽo kẹt, đều đều.
Cái lạnh từ những khối đá vô tri tận rừng núi sâu bắt đầu len tận vào vạt giường. Trực cong người lại ôm riết lấy Diệu, chờ hơi ấm từ người nó chuyền qua…
Cuối buổi học, Thẩm cho học sinh tập hợp trước cột cờ căn dặn: ngày mai có các thầy cô trên tỉnh về thăm chúng ta. Nhớ ăn mặc thiệt đẹp, nhất là nói các bạn còn đang nghỉ ngày mai phải đi đông đủ, sẽ có thưởng.
Thẩm nói dứt câu, có tiếng lao nhao “thưởng, thưởng” nổi lên dưới sân khiến cô giật mình với lối nói dối vốn dĩ cô rất ghét. Thẩm dáo dác nhìn chúng rồi tự trấn an “chẳng qua là bản năng tự nhiên của con người trong những hoàn cảnh thúc bách” và bật cười. Ờ có thưởng, nhưng chưa biết thưởng gì. Các em về nhắn lại với bạn, nhớ đi học thật đông đủ.
Thẩm cho giải tán. Đám học trò miền núi ùa chạy xuống chân đồi như đàn ong vỡ tổ. Những bàn chân đen đủi lướt trên đường đất, trên những vạt cỏ xanh rờn rồi tản dần qua các ngả đường, khuất lấp trong những cây rừng còn sót lại bên vệ đường, nhấp nhô bên các ruộng mía, đồi cỏ… Sân trường phút chốc vắng hoe, chỉ nghe thoang thoảng mùi khét nắng, mùi cây rừng bị đốt cháy, mùi lông bò bay vờn quanh chỗ các cô giáo đứng. Nét mặt Thẩm có chút tươi. Trực và Diệu cũng vậy khi mường tượng ngày mai ngôi trường ít còn ai nhớ đến này sẽ được Sở được Phòng về thăm. Chưa biết thăm gì, nói gì nhưng dường như có chút niềm vui len lén mơn man, vuốt ve đầu óc ba người đông đặc sương núi này.
Thẩm, Trực, Diệu lục đục cả đêm không ngủ với mớ tâm trạng mừng lo trộn lẫn. Cả ba ngóng chờ lãnh đạo về thăm trường ngày mai như thể chính phái đoàn này sẽ mang đến cho ba cô hơi hớm phố phường, văn minh đô thị, sự sôi nổi ồn ào của tuổi trẻ thành phố, sự rạo rực của con tim chưa định hình.
Sáng ra, ba cô giáo ngồi ba góc. Chính giữa bàn là đống son phấn ngổn ngang. Những món đồ trang điểm hình như cũng lây niềm vui vơi các cô chủ. Hiếm hoi lắm chúng mới được tập trung đầy đủ trên mặt bàn để nhìn mặt nhau, được những bàn tay thon mềm chạm khẽ vào vuốt ve, nâng niu, chuyền sang hơi ấm và niềm hạnh phúc nở xòe như nhnữg cánh hoa dại mọc tràn trên khoảng sân cỏ trước nhà.
Ngày thứ hai chúng lại được các chủ nhân kéo dựng dậy thật sớm, nhưng niềm vui tựa như vết cào xước trên bức cổ họa, có chút gì gần như sự chịu đựng quá sức trong vẻ mặt của ba người.
Ngày thứ ba, không còn là sự nâng niu, nhẹ nhàng, trân trọng. Chúng được lôi ra và vất lăn lóc trên bàn. Thê thảm hơn là không ai buồn động đến, chỉ nghe những tiếng thở sượt dài.
Thẩm là người đầu tiên ném chiếc lược đang cầm trên tay, văng đụng vào lọ nước hoa Chanel, đụng tiếp vào hộp kem Bioré, xoãi ngang gần sát với núm bông thoa phấn, gần thẳng góc với chiếc bút chì tô mắt.
-Tao không còn đủ sức để nói dối với học trò được nữa. Ngày nào cũng chầu chực. Ngày nào cũng ngóng dài cổ về phía bến nước như chờ ngọn lửa đêm giá rét…
Diệu ôn tồn:
-Bà đừng làm ồn lên. Có khi bị trục trặc gì đó biết đâu chừng!
-Trục trặc gì thì cũng phải báo.
-Ai báo cho bà?
-Bộ mày tưởng đây là khu chợ xổm sao? Một ngôi trường hẳn hoi, có tên trong danh sách, có giáo viên đứng lớp, có học sinh, phụ huynh…
Trực gom hết những món đồ trang điểm cho vào tủ, nói giọng cầu hòa.
-Đến giờ lên lớp. Thôi hẵng chờ một bữa nữa. Cứ theo triết lý dân gian “bất quá tam”… Trực nói và ôm tập giáo án bước qua trường trước tiên.
Câu nói của Thẩm và hình ảnh đám học trò cứ lởn vởn mãi trong đầu Trực suốt cả buổi, tựa hồ mũi kim nhọn hoang mang mỗi khi chúc đầu găm sợi chỉ vào tà áo sút. Mũi kim lúc một cồn cào, sôi réo hơn khi mà buổi chiều sắp tắt, những vị khách vẫn biệt dạng sau những dãy đồi, đám học sinh nhấp nhổm đưa mắt nhìn nhau, len lén nhìn về phía cô giáo lòng đang rối bời hết ngồi xuống ghế lại đứng lên bước ra cửa, quay lại… như thể đang tìm kiếm vật rơi quý báu.
Ngôi trường vắng lặng cùng với chút nắng chiều sót lại trên chỏm cây cao trước cổng. Cả ba mặt mũi héo xàu chẳng khác cọng hành vớt ra từ xoong nước sôi. Thẩm quăng xạch tập giáo án lên bàn:
-Thế này thì quá thể, không còn chịu nổi nữa.
Diệu chun mũi:
-Thôi bà ơi, từ tỉnh về tới đây ngót nghét bảy chục cây số. Bộ bà nghĩ những đôi chân mịn màng, những giày vớ bóng lộn có thể chịu đựng nổi như lũ mình sao?
-Còn tụi mình, những bốn năm ròng rã thì là cái gì, hả?
-Bà bớt giọng đay nghiến kiểu đó đi. Ai bắt lên? Cả ba đều làm đơn tình nguyện hẳn hoi mà? Thôi họ không về thì đỡ phải nhọc công đón tiếp, phân giải. Kẹt là không biết phải ăn nói sao với đám học trò và cha mẹ chúng để có thể hiểu ra vấn đề.
-Chẳng có vấn đề gì ráo trọi. Vấn đề là ngày mai tao sẽ xuống chỗ ông Hào hỏi cho ra lẽ.
-Ôi chào chuyện vặt – Trực kêu lên, vừa nghe tiếng mở cúc áo của Thẩm giật bừng bựt kiểu bắn bông vải của các bà mẹ thuở xa xưa. Câu nói của Trực như để khỏa lấp cơn bực bội vô hình đang ào ạt dâng lên như nước lũ vây quấn cả ba người, như cố lăn tảng đá lấp kín miệng núi lửa trong lòng Thẩm đang chực phun trào. Những hoang mang a tòng với cái lạnh buốt về đêm khiến Trực cứ lăn trở trên giường như người bị chứng đau khớp hành hạ.
Giấc ngủ chập chờn ngắc ngoải của Trực, sự mỏi mệt của Diệu khựng lại lúc về sáng, khi cả hai nhìn thấy mảnh giấy đặt dưới lọ hoa sành cắm đầy bông hoa dại hái quanh nhà tập thể. “Tao đi gặp ông Hào đây. Chiều về sớm”.
Diệu liếc nhìn tờ giấy, bĩu môi:
-Đồ khùng.
Nét chữ nguệch ngoạc, ngã chúi về phía trước dễ gây sự tưởng tượng về một Thẩm đang nhoài người trên những con dốc, bờ đá kéo lăn theo nỗi bực bội tìm ẩn lâu nay trong người nó. Cũng may Thẩm chỉ mới chúi người chứ chưa vấp ngã. Không hiểu lần này nó có té lăn xuống chân dốc không…
Lớp học như mọi ngày, vẫn thưa thớt không bao giờ đông đủ sĩ số.
Trực và Diệu thay nhau chạy qua chạy lại lớp của Thẩm.
Những đứa học trò nhanh nhẹn tháo vát trên nương rẫy giờ ngồi trong lớp giống như những con chim bị nhốt trong lồng, ngơ ngác nhìn hai cô giáo.
Trưởng thôn Ama Bơk là người đến trước tiên. Ông ngồi dạng chân trên chiếc ghế đẩu khuyết một mảng chỗ tựa lưng, phì phèo điếu thuốc sâu kèn to bằng ngón tay cái, bốc mùi khét lẹt. Một lúc sau ba bốn người nữa cùng đến ngồi trên chiếc băng dài, hết ngó lên kèo nhà lại cúi xuống phun nước bọt phèn phẹt trên nền đất. Gian nhà đầy khói thuốc và mùi đàn ông. Họ còn mang theo mùi núi rừng, nương rẫy và nắng và khói lạnh tràn kín gian nhà với những đôi mắt mở to thảng thốt. Diệu đầm đìa nước mắt vừa rót nước mời khách vừa lấy ống tay áo quẹt ngang. Trực lóng ngóng sau chái bếp um khói. Thẩm nằm vật trên giường ngăn đôi gian nhà bằng tấm phông màn vải hoa, tay giữ chặt chiếc túi xách căng phồng như sợ ai đó giật đi mất. Chừng mươi đứa học trò đứng thấp thỏm ở hiên trường, mắt ngó chăm chăm về phía khu tập thể. Lúc Trực quay lên vừa thấy ông trưởng thôn dụi tắt điếu thuốc nhét phần còn lại vào túi áo. Ama Bớk hắng giọng:
-Khổ. Thiệt khổ – và khạc nhổ xuống nền đất.
Trực và Diệu ngồi ở đầu chiếc bàn dài đối diện với trưởng thôn và những người đàn ông khác.
-Mấy cô mang cái chữ lên cho tụi nó. Giờ mấy cô mang về thì cái đầu của lũ nó sạch trơn.
Diệu huých nhẹ cùi chỏ vào hông Trực, dùng ngón tay cào cào lên mặt bàn gỗ. Trực nói giọng thật nhỏ:
-Dạ… tụi cháu…
-Từ ngày có mấy cô về dạy cái chữ, dân làng mừng lắm. Tụi nhỏ biết được cái chữ, biết tính giạ lúa thùng bắp. Biết viết cái chữ cho dân làng vay tiền… Tụi tôi biết được chuyện này chuyện nọ… Bây giờ mấy cô bỏ đi… thì hết ai dám về! Mấy cô mang tuốt cái chữ của tụi nhỏ đi theo…
Có tiếng hít mũi nho nhỏ, không rõ của Thẩm nằm ở trong hay của Diệu. Trực lại lí nhí:
-Dạ…
Tiếng người đàn ông ngồi đầu băng ghế cất lên:
-Mấy đứa nhỏ có cái chữ bằng hột lúa, hột bắp. Tụi nó mang được cái chữ ra bờ ruộng, lên rẫy lớn bằng trái bầu trái bí… Rồi cái chữ đẻ ra bắp lai, đẻ ra con heo tốt con bò tốt đều có mấy cô… Giờ mấy cô bỏ hết chữ vào túi mang đi…
Nghe những thanh âm đều đều, đứt khúc, ngập ngừng cuộn theo yết hầu lên xuống của người đàn ông đen gầy ngồi trước mặt, như thể ông đang mắc nghẹn khúc sắn luộc trong cổ họng khiến lòng Trực thắt lại, Diệu thì quay mặt đi chỗ khác và Thẩm bắt đầu sụt sùi nghe thật rõ trước khi vẹt tấm màn ngăn, bước ra với bộ dạng thảm não. Thẩm nhìn ông trưởng thôn, nhìn những người đàn ông màu da đồng hun, nước mắt ràn rụa:
-Tụi cháu không định… – Thẩm bỏ dở câu nói nửa chừng và nhìn qua ô cửa như gửi theo sự trách móc ở đuôi cặp mắt ướt tới một nơi chốn không thật rõ ràng.
Ông trưởng thôn đổi tư thế ngồi sau khi nghe câu nói lơ lửng của Thẩm và cho tay vào túi áo định lấy nửa điếu thuốc còn lại ra đốt. Nhưng ngón tay ông không chạm vào mẫu thuốc thừa mà dừng lại ngập ngừng bên mép túi, nhìn theo hướng nhìn của Thẩm và thở xì ra:
-Mùa bắp đang trổ cờ… trái bắp sẽ no tròn, không bị răng cưa vì các cô còn ở bên này bến nước với dân làng… – Giọng Ama Bơk có vẻ hoảng hốt thật sự.
Ông trưởng thôn còn nói nhiều nữa về rừng cây, về những đứa nhỏ, về con chữ nhưng dường như cả ba cô giáo không còn nghe thấy gì nữa. Trước mắt họ là những dãy núi xanh đậm nhô lên phía sau những ruộng bắp, những cánh đồng mía ngút ngàn kéo theo con sông nhỏ lượn quanh. Nhánh sông nhìn thấy từ bến nước sẽõ hòa vào dòng sông lớn, dòng Krông Pa trôi xuôi ra biển, mang theo mùi hương núi rừng, mang theo giấc mơ khắc khoải, sự chờ mong của tuổi thanh xuân tròn bóng và sự khát khao thỉnh thoảng uốn lượn dập dờn theo tiếng đàn đinh goong chưa thoát ra khỏi nhánh sông trước mặt ngôi trường. Tiếng đàn ấy chưa bao giờ dành riêng cho ba cô giáo trẻ. Nó là cõi lòng riêng mở về một hướng khác, hướng mà các cô đang mơ tới và chưa hề được chạm nhẹ một cách ấm áp.
Nhưng giờ đây, khi ngoảnh lại trong khoảng cách nhìn gần, thấy những đứa học trò chân đất, chân tay mốc cời, đứng túm tụm bên kia sân trường nhìn sang ngơ ngác khiến các cô chạnh lòng. Mấy cô mang hết cái chữ của tụi nhỏ đi theo… những âm giọng đều đều giống mũi chỉ khâu vết thương hoác miệng, đau rát.
Những người đàn ông nói thêm mấy câu an ủi, động viên rồi đứng dậy bước xuống bậc thềm đá, nhấp nhô xa dần cuối dốc. Những đứa học trò nấn ná một lúc sau cũng tản dần về các hướng mà không nghe tiếng cười la hét như mọi khi.
Thẩm đứng lặng người nơi mép bàn. Diệu thì xoay xoay bình trà nóng trong tay như thể đó là điểm tựa trống trải của mùa gió núi hiu nhẹ đang đến thật gần. Trực nhìn hai người bạn trong nỗi co ro lạnh ngắt, buột miệng:
-Chốn này là của những đứa trẻ ấy, tao không chịu nổi những ánh mắt thất thần như bầy gà con lạc mẹ.
Câu nói dường như ngân ngấn chút nước mắt, nhòe những bóng người đàn ông đen đúa, những đứa trẻ đen đúa có những bước đi ngã chúi dưới con dốc.
(tháng 4.2006)