Chiếc xe đò liên tỉnh đưa tôi về thăm quê ngoại thân yêu sau bao nhiêu năm xa cách. Xuống xe, tôi đi bách bộ trên con đường trải cát thẳng tắp. Thoang thoảng trong gió hương cau, hương bưởi ngọt ngào. Cảnh vật gần như đều thay đổi, chỉ có dòng sông quê hương vẫn xuôi chảy êm đềm như ngày nào. Hàng dứa xanh vẫn soi mình dưới mặt sông đang đưa tay vẫy chào đứa con thân yêu trở lại. Bên đường mọc lên nhiều ngôi nhà mới, mái ngói đỏ tươi. Thấp thoáng trong các vườn cây xanh um là vô số chùm quýt sai oằn, da đã ửng vàng, hấp dẫn vô cùng. Cây trái đặc biệt của quê hương tôi đó. Những cột điện cao vút đứng thành hàng thẳng tắp làm lòng tôi reo vui: “Ðiện đã về đây rồi!” Quanh tôi, cảnh vật tươpi đẹp hơn, chứng tỏ cuộc sống cuả dân làng tôi sung túc hơn xưa. Bước chân thoăn thoắt đưa tôi đến một bến sông thân quen và tôi bàng hoàng đứng lặng. Chiếc cầu quen thuộc đâu rồi? Chiếc cầu bằng gỗ rộng chừng hai mét bắc ngang sông ghi lại những kỷ niệm thời thơ ấu của tôi không còn nữa. Chỉ còn lại một bến sông vắng lặng và bên kia sông có một chiếc đò đang thẫn thờ cắm sào gối bãi. Tim tôi như thắt lại và lệ bỗng tràn mi. Một người đàn bà đang bế một đứa con gái, tay dắt một đứa con trai đang đi đến. - Cô chờ đò à? Tôi cũng sang bên đó. - Dạ quê ngoại cháu ở bên kia sông. Lâu lắm rồi cháu mới về thăm. Dì làm ơn cho biết cây cầu này đã dở từ bao giờ? - Cô mới về nên không biết. Cây cầu hư mục hết rồi, người ta dở đã gần một năm nay. - Dở cầu rồi làm sao học sinh sang sông đi học được hả dì? - Trường học bên kia bây giờ là chỗ làm việc của Liên tập đoàn, trường đã dời về cạnh Ủy Ban nhân dân ở gần chợ. Trường mới cất vách tường, mái ngói đẹp lắm. Ở đây cần qua lại thì đã có đò cuả cô Sáu. Ðể tôi gọi đò cho... cô Sáu ơi! Cho qua đò... Bên kia sông, một người đàn bà đội nón lá chạy xuống nhổ sào, đẩy chiếc đò ra. Chiếc đò nhỏ bập bềnh trên sóng nước. Một thanh niên ăn mặc sang trọng, tay xách một túi lạp xưởng và một xâu cá khô, tay kia cầm một cặp rượu ngon thong thả đi xuống bến. Anh ta đứng cạnh chúng tôi chờ đò. Nhìn người thanh niên, tôi thấy quen quen. Một vết sẹo nằm chéo xuống thái dương bên trái nhắc tôi nhớ lại. Ðúng là Quân rồi! Cái sẹo của một lần té đau vì nghịch ngợm. Quân cùng học với tôi suốt thời gian ở cấp I. Nhiều năm trời xa quê, tôi thay đổi nhiều nên Quân chưa nhận ra. Quân nhìn tôi từ đầu xuống chân. Gió sông lồng lộng thổi bật hai thà áo dài làm tôi luống cuống. Cái nhìn đầy vẻ sống sượng như bị cuốn hút của Quân làm tắt ngấm mối thiện cảm của tôi. Tôi bỗng bỏ ý định chào hỏi bạn mà quay mặt nhìn ra sông. Chiếc đò thuận gió lặng lẽ vượt dòng và từ từ vào bến. Tôi đưa tay dắt đứa bé trai xuống đò theo người đàn bà. Quân xuống sau cùng nên ngồi trước mũi đò. Tay anh khoanh lại trước ngực, vẫn tiếp tục nhìn như xoáy vào người tôi. Ðò từ từ quay mũi ra khỏi bến. Nước sông hôm nay đục chảy cuồn cuộn, cuốn theo những đám lục bình nở đầy hoa tím. Những đóa hoa giản dị của sông nước miền quê gắn bó bao kỷ niệm thời thơ ấu, cho đến bây giờ vẫn còn làm lòng tôi rung động. Chiếc dầm để dưới tay Quân nhưng anh không bơi tiếp người đàn bà lái đò. Gió sông lồng lộng thổi ngược. Chiếc đò lắc lư tiến lên một cách nhọc nhằn. Từng nhịp chèo nặng nề chống chọi sức nước, sức gió như một người bệnh đang cố gắng trở mình. Người đàn bà tay đang giữ chặt hai cháu bé buột miệng. - Nước ngược, gió ngược như thế này, chèo mà đứt gân, cô Sáu ơi! Không có tiếng trả lời, chỉ có tiếng gió vù vù trên mặt sông, tiếng mái chèo bì bõm, tiếng sóng vỗ ì oạp vào mạng đò... Không dằn lòng được, tôi nhìn Quân, anh ta đang ngồi thản nhiên vuốt ve hai chai rượu quí... Tôi chồm tới, nắm lấy cây dầm để dưới chỗ Quân ngồi, tựa đầu gối lên túi xách, tôi bậm môi bơi tiếp người đàn bà. Từng mái dầm quấy mạnh vào dòng nước đục. Mặc cho gió tung bay hai tà áo, trong tư thế này tôi không còn khép nép được nữa. Quân tròn mắt nhìn tôi thoáng chút bối rối. Tôi chẳng thèm nhìn lại anh ta. Sức lực tập trung vào mái dầm đấu tranh với dòng nước chảy xiết. Mồ hôi vả ra trên trán, chảy dài xuống má. Mồ hôi rịn ra ướt đẩm lưng áo. Người chèo, người bơi cật lực như vậy chiếc đò mới từ từ vào bến an toàn. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Mọi người lên bến. Tôi rút khăn lau mồ hôi trán, trong khi Quân trả tiền cho người chủ đò. Người đàn bà tròn mắt ngạc nhiên rồi khoác tay không nhận: - Quân, em cất đi... Làm việc ở Liên tập đoàn lương bổng là bao! Có bao giờ cô nhận tiền đò của em đâu. Sao hôm nay em khách sáo vậy? Quân cười, nhún vai rồi bỏ tiền vào túi nhưng vẫn chưa đi, hình như đang đứng chờ tôi. Tôi bước đến bên người đàn bà và không còn tin ở mắt mình nữa. Cô tôi đây sao? Cô tôi thay đổi như thế này sao?! Tôi không thể nào lầm được. Tóc cô tôi đã bạc nửa mái đầu, mặt hơi thon hơn xưa, da sạm đi vì nắng gió, nhưng tôi nhận ra cô ngay khi nghe lại giọng nói trầm ấm thân quen đã thấm sâu vào lòng tôi, vào tim tôi. Giọng nói ngọt ngào đã rèn cho tôi thành một học sinh giỏi văn, thi cử hiển đạt. Giọng nói thu hút đã đưa tôi vào một thời hoa mộng thần tiên của năm cuối cấp I, ảnh hưởng suốt quá trình học tập vươn lên của tôi. Tôi bước đến nắm lấy tay cô, nước mắt rưng rưng: - Cô ơi, cô còn nhớ em không? Cô ngạc nhiên nhìn tôi, môi run run: - Em... em có phải Cẩm Hồng không?... Cô trò nắm lấy tay nhau, nghẹn ngào, xúc động. Quân ngỡ ngàng nhìn tôi giây lát rồi quay mặt bước đi. Cô tôi tháo chiếc khăn choàng trên đầu, lau khuôn mặt còn đầm đìa mồ hôi. Cô dẫn tôi vào căn nhà lá nhỏ ở bến sông. Nhà chỉ có một chiếc giường, một bàn viết và một kệ đầy những sách. Tất cả đều nói lên sự thanh bạch của một nhà giáo. - Cô ơi, cô còn dạy học không cô? - Cô nghỉ hưu đã một năm nay rồi em, nghỉ từ lúc ngôi trường dời về phố chợ. - Sao cô không chọn nghề khác mà đưa đò vậy cô? - Cô yêu mến chốn này, yêu mến ngôi trường cũ kỹ này, mặc dù bây giờ nó là nơi Liên tập đoàn làm việc... nhưng cô không muốn xa nó. Nó gắn bó với cuộc đời cô trong ba mươi năm giảng dạy. Cô chấp nhận kiếp sống của một giáo viên về hưu hẩm hiu, đạm bạc... ở lại bến sông làm nghề đưa đò. - Ðưa đò... cực khổ quá cô ơi! Cô tôi cười, trên gương mặt có nhiều nét già nua hơn xưa, nhưng nụ cười của cô vẫn trẻ. - Ngày trước cô cũng đưa đò... đưa rước các em trên dòng sông tri thức. Bây giờ cô cũng tiếp tục... đưa đò. Làm nghề nào cũng có cái cực, nhưng cũng có niềm vui riêng của nó em ạ. Tại bến sông này cô thường gặp lại những học sinh đã trưởng thành. Có em đã đi bộ đội, có em vẫn còn là sinh viên, có em đã lập gia đình tay bồng tay dắt trẻ. Nhiều em đã quên cô, nhưng cũng có những em là giáo viên hoặc hiệu trưởng cấp II cấp III kính mến cô như ngày xưa. - Gặp lại cô, em bỗng nhớ đến “Câu chuyện một dòng sông” mà cô đã kể cho em nghe. Chuyện thật hay và cảm động, cô còn nhớ không? - Làm sao cô quên được tác phẩm làm rung động trái tim non nớt của cô lúc cô mới học cấp II. Ngày trước cô giảng như thế nhưng đến bây giờ cô mới hiểu được ý nghĩa sâu sắc mà tác giả muốn gởi gắm cho mình. - Cô ơi! Dòng sông và cô có khi nào tâm sự với nhau không? - Ðối với người sống về nội tâm thì chuyện ấy rất thông thường. Cô sống một cuộc sống thực tế mà thơ mộng, thanh bần mà an lạc... - Cô đưa đò vất vả quá mà đủ sống không cô? - Có gì đâu em, ai cho hay không cho cũng được. Lúc rãnh, cô sáng tác thêm. Cuộc sống tuy đạm bạc, nhưng cô vẫn giúp ích được cho người khác, thế mới vui. Ðâu phải mình chỉ sống cho mình. Có hai người khách đến chờ đò. - Em chờ cô một lát nhé. Cô trò mới gặp nhau, còn nhiều điều tâm sự mà... - Xin phép cô, bây giờ em về nhà cậu ruột. Chiều mai em sẽ trở lại thăm cô. Cô gật đầu có bẻ buồn buồn rồi vội vã xuống bến. Nhìn dáng người gầy gầy của cô trong chiếc áo bà ba trắng và cái nón lá cũ, tôi thấy lòng rưng rưng buồn. Bao kỷ niệm xưa dồn dập hiện về... Cô là giáo viên chủ nhiệm khi tôi học cấp I. Cô đã tận tụy rèn luyện cho tôi thi đổ học sinh giỏi văn vòng huyện và vòng tỉnh. Cô bỏ ra không biết bao nhiêu thì giờ và trí tuệ để giảng dạy cho tôi, từ lúc câu văn tôi đặt chưa có hình ảnh, màu sắc cho đến lúc câu văn sinh động, biết sử dụng những biện pháp tu từ. Cô không nệ hà khó nhọc luyện cho tôi có óc quan sát, biết nhận xét và giàu tưởng tượng để có thể viết được những truyện ngắn nhỏ. Cô đã làm cho tâm hồn tôi thêm phong phú và có sức rung động nhạy bén. Có lần, tôi mải mê chơi chòi, đến giờ học bồi dưỡng tôi vẫn không đi. Không có gì vô lý cho bằng bỏ cuộc chơi đầy thú vị để ghì đầu vào những bài văn khô khan, đầy sức tưởng tượng. Ðang hý hoáy xé lá chuối làm bánh tằm thì tôi nghe tiếng cô gõ cửa và gọi: - Cẩm Hồng ơi, em có nhà không? Hai chị em tôi chơi khuất trong góc sân nên cô không trông thấy. Tôi chạy ra ôm lấy cô từ sau lưng. Cô quay lại ân cần sờ trán tôi: - Ôi, cô tưởng là em bệnh rồi. Bộ mê chơi em không nhớ giờ học à? Tôi quên phắt mình là một đứa trẻ trốn học, nũng nịu nói với cô. - Học nhiều... em mệt quá! Hôm nay em nghỉ một bữa nghen cô... Em đang... chơi chòi. Cô cười, nụ cười của cô hiền lành như một bà tiên. Cô xoa đầu tôi: - Ờ, hôm nay cô cũng... mệt. Thôi, cô trò mình cùng chơi chòi một bữa... Thế rồi chiều hôm ấy, trên chiếc chiếu manh trong góc sân, bé Hoa gối đầu lên đùi cô ngủ, tay còn cầm sợi dây đưa võng búp bê. Tôi ngồi bên cạnh cô, say sưa nghe cô kể chuyện “Búp sen xanh”. Từ đó cô trò tôi càng khắn khít với nhau hơn. Mỗi ngày cô giảng cho tôi nghe thật nhiều. Lối dạy văn vừa chơi vừa học của cô ảnh hưởng tốt cho việc rèn luyện của tôi (vì sức khỏe kém, bị gò bó tư tưởng là dễ nhức đầu lắm). Cô yêu tôi như con và tôi kính cô như mẹ. Tôi còn nhớ, sau khi tôi viết truyện “Dòng sông kỷ niệm” thèo dàn ý của cô, tôi đưa cho cô chấm. Cô dẫn tôi đi bách bộ trên chiếc cầu ván bắc ngang sông. Mặt sông rộng như một tấm gương khổng lồ, phản ánh hình ảnh nên thơ của làng tôi. Cô chỉ xuống dòng nước: - Em xem kỹ đi! Dòng nước hôm nay thế nào? - Dòng nước đục lờ, cuống theo những đám lục bình. - Thế sao em lại tả dòng sông quê hương bốn mùa nước trong leo lẻo. Có đúng không “bé con” của cô? - Nhưng... đối với em, con sông rất đẹp... - Ðúng. Tình cảm yêu mến quê hương làm cho ta thấy cảnh vật quê ta đẹp, nhưng văn chương có giá trị ở chỗ nói lên sự trung thực. Một tác phẩm nào dù có chỗ ta hư cấu đi nữa vẫn phải diễn đạt bằng sự rung động chân thành của con tim mình, sự kiện phải đúng sự thật bên ngoài. Nếu không, sẽ mất giá trị của bài văn. - Cô thường dẫn tôi đi tham quan cảnh đẹp quê hương. Những buổi chiều dạo chơi trên cánh đồng lúa, cô làm sẵn cho tôi một con diều giấy có cái đuôi dài thượt. Cô trò ngồi thảnh thơi nhìn cánh diều nhởn nhơ bay lượn. Nơi thảm cỏ xanh lấm tấm hoa trắng đầy thú vị đó, cô kể cho tôi nghe nhiều chuyện hay về các nhà văn trong và ngoài nước. Càng ngày cô càng nâng trình độ hiểu biết về văn của tôi vượt xa cấp I mà tôi không hề hay biết. Cuối mỗi buổi thả diều, tôi hoàn thành một đoạn văn và sung sướng được cô hôn lên mái tóc, hôn lên trán. Cả hai cô trò cùng cười, nắm tay nhau ra về. Có hôm, cô hì hục đạp xe chở tôi ra tận sông cái. Cô trò ngồi nhìn dòng sông rộng mên mông, gió thổi lào xào các bụi lau, sóng vỗ rì rầm vào bãi vắng. Cô chỉ tôi quan sát cảnh mặt trời lặn trên sông. Buổi đi tham quan lò gạch trời mưa to, hai cô trò không mang áo mưa nên phải trú mưa dưới một mái hiên. Cô ôm tôi vào lòng vừa để che mưa, vừa sưởi ấm cho tôi. Tôi sung sướng lại mong trời cứ mưa như thế này mãi. Lúc về, vô cùng vất vả vì phải lái xe lạch bạch trong bùn, hết sức cẩn thận để cho xe khỏi ngã... Kể làm sao cho hết những kỷ niệm đẹp cửa cô đối với tôi. Kỳ thi văn vòng toàn quốc năm ấy, tôi gặp đề bài: “Em hãy kể lại một câu chuyện của bản thân em có ý nghĩa ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Tôi đã vận dụng tất cả số vốn văn chương của mình để nói lên tâm trạng một cô bé được vinh dự đi thi học sinh giỏi văn tại Thành Phố Hồ Chí Minh. Ngồi trong phòng thi, tôi nhớ đến công lao nhọc nhằn của cô giáo đã tận tụy rèn văn cho mình ở vùng sông nước Ðồng Tháp xa xôi. Tôi đã để rơi những giọt nước mắt xúc động chân thành trên trang giấy thi... Không ngờ tôi lại thi đỗ vòng toàn quốc, đem lại vinh dự cho trường lớp, cho tỉnh nhà. Từ đó, tôi bước vào lĩnh vực sáng tác, nhờ cô gởi bài lên báo thiếu nhi. Mười năm đằng đẳng trôi qua, tôi theo ba mẹ ra tỉnh học. Ông bà ngoại tôi đã qua đời từ lâu. Lúc còn ở đây, tôi chỉ là một cô bé cấp I, bây giờ tôi đã là một sinh viên Ðại học Sư phạm. Hôm nay, tôi trở về thăm quê với bao nỗi hân hoan. Tôi cứ ngỡ là không được gặp cô, người đã nêu cao ngọn đuốc văn chương khai sáng cõi lòng tôi, nào ngờ có cuộc hạnh ngộ hôm nay với bao nỗi xúc động, nghẹn ngào. Tôi đã đi thăm mộ ông bà, viếng tất cả bà con hàng xóm, trước khi trở về tôi lại đến thăm cô. Cô trò tâm sự bên nhau suốt một đêm dài trong ngôi nhà lá ở ven sông: - Dòng sông hiền hòa này đem nước mát và phù sa bồ đắp ruộng đồng, nó như tình thương của cô đối với các em... “cho đi mà không lấy lại bao giờ”. Cô cũng nhờ dòng sông này chở bao trăn trở, muộn phiền của cô trôi dạc ra biển cả. Cô biết để mà vui sống, “mình vì mọi người”... góp phần cho các em thành đạt, đó là niềm vui của cô, mà đó cũng là một cách tỏ lòng nhớ ơn người thầy khả kính đã từng nuôi dạy cô nên người. Cuộc đời một cô giáo nghèo suốt ba mươi năm trời giảng dạy chỉ còn lại một chiếc đò hằng ngày đưa rước khách độ nhật. Cuộc sống vất vả mà thanh bạch, thế mà đêm đêm cô vẫn hăng say sáng tác để có tiền giúp đỡ các sinh viên đang học Ðại học Sư phạm gặp khó khăn. Cô nghèo nhưng tấm lòng cô quãng đại bao dung. Có ai biết người giáo viên đem ngọn đuốc trí tuệ đến cho đoàn học sinh đông đảo, đem ánh sáng văn chương soi rọi vào những nẽo tăm tối trong lòng mọi người lại sống trong một căn nhà nhỏ bé, ban đêm chỉ có ngọn đèn dầu lờ mờ, trong khi toàn xã nhà sáng choang ánh điện. Bên ngọn đèn hắt hiu ấy, người giáo viên về hưu vẫn nhẫn nại, âm thầm dệt những vần thơ tuyệt hảo, những bài văn trong sáng, làm cộng tác viên của các báo, tiếp tục xây dựng thế hệ mai sau. Trước khi xuống đò, tay tôi run run lén nhét vào hộc tủ bàn viết của cô một phong thư (tôi biết, nếu tôi đưa tận tay thì cô không bao giờ nhận): Ðồng Tháp, ngày... tháng... năm 1994. Cô kính yêu của em, Em không ngờ ngày về thăm quê còn gặp lại cô trong mừng vui và xúc động. Cô là người mẹ thứ hai trong cuộc đời em. Mười năm xa cô, em đã vâng lời cô theo đuổi sự nghiệp văn chương như một kiếp tằm cống hiến cho đời những sợi tơ vàng óng ánh. Cô là một tấm gương sáng cho em. Cuộc đời cô tận tụy hy sinh, chỉ nghĩ và lo cho người khác mà không nghĩ đến mình. Em viết truyện ngắn dự thi trong một nguyệt san và đã đoạt giải. Số tiền thưởng nhỏ bé này em xin tặng cô để cô mua một máy đuôi tôm đưa đò. Cô ơi, cô đã lớn tuổi rồi, sức khỏe suy kém, không còn đủ sức chống chọi với sóng gió trên sông đâu. Xin cô đừng từ chối. Thành quả của em ngày hôm nay bắt đâu là nhờ ở sự tận tụy dạy dỗ của cô. Em mong chiếc máy đuôi tôm sẽ giúp cô bớt nỗi nhọc nhằn, cũng như có em chèo chống bên cạnh cô. Mai đây ra trường, dầu em có đi nhận nhiệm sở ở chân trời góc biển nào em vẫn không quên được cô. Cô là người giáo viên bồi dưỡng văn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trồng người, là người lái đò trên dòng sông tri thức đã đưa thế hệ trẻ tiến lên thành đạt. Cô đã cho tâm hồn em thêm phong phú, giúp đỡ em lớn lên đi vào đời bằng những bước chân vững vàng, cứng cáp. Ðứa học trò luôn nhớ ơn cô Cẩm Hồng. Cô đưa tôi sang sông. Cô trò chia tay nhau vô cùng bịn rịn. Tôi rảo bước trên con đường đầy nắng gió, vẫn còn thấy dáng gầy gầy của cô trên con đò nhỏ dõi mắt nhìn theo. Lệ tôi làm nhòa cảnh vật chung quanh. Mai đây ra trường, dầu nghiệp giáo nghèo, tôi vẫn tận tụy yêu nghề mến trẻ, vẫn kiên trì bám trường, bám lớp và tươi cười đứng trên bụt giảng nhờ tấm gương sáng của cô giáo kính yêu.
Dương Thị Hồng Lạc