Mấy hôm nay, Tuấn đột nhiên nghỉ học. Vào lớp, Lan cảm thấy buồn và lo nghĩ vẩn vơ. Về nhà trọ, Lan không làm gì được, cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ như người bệnh tâm thần. Chợt có người mang thư đến. Lan vội mở ra xem. Ðọc xong thư, Lan hụt hẩng, nghẹn ngào. Nước mắt ứa tràn mi chảy trên đôi má tái ngắt. Từ trong sâu thẳm trái tim âm vang lời Lan tự hỏi: “Tuấn, anh đi thật rồi sao? Sao không nói với Lan một lời từ giã? Sao không cho Lan gặp mặt anh lần cuối trước khi anh lên đường?” Lan úp mặt vào hai lòng bàn tay cho những kỷ niệm của ngày tháng qua lần lượt kéo nhau gọi về... Trước đây, mấy bạn Lan ai cũng bảo là Lan có số đào hoa. Hết người này đeo lại có người khác bám; Thằng Thành “tin tin” với chiếc Dream bóng nhoáng ở đầu hẻm đã trổ tài lái lượn, bóp kèn săn đuổi. Thằng Thái cận lù khù ở cuối hẻm cũng viết thư tỏ tình. Nhưng tất cả đã nằm ngoài vòng đai của trái tim Lan. Chỉ có anh, người học chung lớp Anh văn, không cần nói lời nào, không cần có bước chân theo đuổi, thậm chí không cần cả ánh mắt nhìn Lan... Vậy mà anh đã làm cho trái tim Lan rung động, xao xuyến. Lan đã khổ sở và đã tự dằn vặt mình trong vòng nghịch lý: “Là con gái, khi thương, nào ai dám nói”. Nhưng cuối cùng, trái tim Lan cũng tìm ra cách để tiếp cận anh. Lần đầu, giả vờ nhờ anh giải dùm bài tập, tim Lan như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, lời nói ngượng nghịu làm sao ấy. May nhờ thái độ ân cần của anh đã đưa Lan qua giây phút ngỡ ngàng và chúng ta bắt đầu quen nhau từ dạo ấy. Nhưng anh không giống với những người con trai khác. Không một lần hò hẹn cùng Lan đi chơi, không một lời nói nào có tính chất tỏ tình. Tất cả mọi việc tiếp xúc với Lan diễn ra một cách bình thường. Chỉ có đôi mắt anh nhìn Lan dịu dàng, tha thiết hơn và có lẫn một chút u buồn. Ðối với Lan, như thế cũng đủ ấm lòng. Anh còn nhớ không, có lần Lan mượn cớ trả công “Sư phụ”, Lan đã mời anh về quê chơi. Anh cứ từ chối mãi. Lan buồn và nói như muốn khóc anh mới nhận lời. Sáng hôm đó chúng mình đã rời thị xã bằng hai chiếc xe đạp chạy song song nhau. Lan líu lo như chim chia vôi buổi sáng. Còn anh có vẻ phấn chấn nói cười vui vẻ như người đi tìm vùng đất lạ. Lan nhớ trên đường đi Lan cắt cớ hỏi anh: - Sao ông mặt trời mới mọc mà đỏ thế hở anh? Anh cười trả lời tỉnh queo: - Tại nhìn thấy Lan, ổng mắc cở! Cả hai cùng cười ồ, làm xe xuýt đụng vào nhau. Ðến vườn nhà Lan món đầu tiên Lan thiết đãi anh là nước dừa xiêm. Anh khen nước dừa ngọt lịm và như bắt trớn, anh đã thật thà kể chuyện. Anh nói rằng hồi nhỏ, có lần đến nhà thằng bạn chơi, khát nước hai đứa đã thi nhau uống nước dừa. Anh cố uống xong trái thứ hai đã ngã ra phát ách, làm cả nhà thằng bạn chạy lo quýnh quáng. Lan cười chọc anh: - Vậy anh với Lan uống thi nữa đi! Anh cũng không vừa: - Chắc là anh không thể phát ách nữa đâu, anh chỉ sợ bụng của Lan khó coi thôi. Lan đã đấm vào vai anh thụi thụi. Cũng lần đi chơi đó, khi mình đi đến gốc cây sa bô chê, anh tinh mắt đã nhìn tháy trái chín, anh hái xuốn bẻ đôi chia cho Lan một nửa và nói: - Tặng Lan nửa miếng “Sao cô chê”. Lan cười nói nửa đùa nửa thật: - Hổng dám nhận “Sao cô chê” đâu. Lan chỉ ăn “Sao cô mê” thôi. Chứ ngọt thấy mồ mà ở đó “Sao cô chê”. Anh cười và đột nhiên nói với giọng mơ màng: - Cây vườn nhà Lan cây nào cũng ngọt: Dừa, mận hồng đào, bưởi, sa bô chê... Lan được ăn hoài những thứ ấy, cho nên anh thấy Lan cũng... Lan hỏi dồn: - Cũng sao anh? Ðôi mắt anh trở nên u buồn và anh ậm ừ: - Thì Lan cũng... cũng có giác quan thứ sáu. Sau câu nói của anh, Lan cười rồi anh cũng cười theo. Tụi mình cười gì anh nhỉ? Anh còn nhớ không? Tụi mình có dịp đi chơi bằng xuồng ở dòng sông trước nhà Lan. Không biết bơi, anh cũng tài khôn cầm dàm đòi bơi. Chiếc xuồng quay mòng mòng thiếu điều lật úp. Chừng đó, anh mới xanh mặt ngồi êm ru, xem Lan lèo lái chiếc xuồng mà tắm tắc khen ngợi. Lan e thẹn, đội má ửng hồng hơn, vốn dĩ nó đã hồng dưới ánh nắng buổi trưa. Không biết mắc mớ cái chi, bỗng dưng anh ứng khẩu làm thơ chọc ghẹo: Hồng đào mận, mận hồng đào Rơi đâu không được? Rơi vào má ai Trời xanh chép miện, nhìn hoài Lắc đầu than thở: bồng lai ai bằng? Ðể đỡ mắc cỡ, đồng thời khóa miệng và thọt thẳng vào tim đen của anh, Lan cũng đã ứng khẩu hai câu thơ đố: Chúng mình mang tiếng nhà nghèo Ðầu sông cuối bái sơn keo kết tình. Quả thiệt hai câu thơ đố bất ngờ của Lan làm anh phải suy nghĩ. Một lát sau anh cười hỏi: - Lan đố phải ra xuất gì? Chứ không anh cứ mãi tìm lời giải đáp ở trên chiếc xuồng thì khổ. Lan sợ bị chọc ghẹo nữa nên nói liền: - Xuất cây và con đấy. - Vậy thì Lan cứ bơi đi. Chừng nào anh tìm được sẽ đáp. Lát sau anh chỉ vào rặng bần xanh um, cành treo lơ lửng đầy quả và kêu lên: - Nó đây rồi phải hôn? Anh đứng lên, vội vàng hái trái đưa cho Lan rồi bảo Lan bới xích ra và chỉ những ổ ong bần đang đóng dưới da cây bần. Lan cười, gật đầu. Cả hai đứa mình cùng nhấm nháp vị chua chua chát chát của những trái bần một cách ngon lành. Khi xuồng ra đến ngã ba sông. Lan đã kể cho anh nghe câu chuyện tình buồn ở vùng nước xoáy đầu sông. Có đôi trai gái, ở quê Lan, họ yêu nhau, nhưng gia đình hai bên cấm cản không cho họ cưới. Thế là hai người tự chung sống và tự lập. Hàng ngày họ dùng xuồng chở đầy lá dừa qua thị xã bán. Có lần họ đi đến ngã ba này, xuồng chở nhiều lại bị con nước xoáy cuốn vào nên lật úp. Chàng trai cố ôm người con gái lội vào bờ, nhưng con nước xoáy quái ác đã nhấn chìm họ. Nghe xong, anh thở dài và nói: - Chuyện tình buồn nhưng đẹp, vì sống và chết họ vẫn có nhau.
*
Ít lâu sau, không biết như thế nào, anh tự nguyện rủ Lan về nhà anh chơi. Ðến nhà, khi tiếp xúc với mẹ anh, Lan mới biết anh là con một. Còn ba anh thì đã đi Mỹ từ lâu. Hai mẹ con anh sinh sống nhờ vào huê lợi của mảnh giồng, mấy công ruộng. Bà kể cho Lan nghe rất nhiều về anh nào là anh rất thương mẹ, chăm học, chăm làm, tuổi ấu thơ của anh đã trải qua những năm tháng vất vả cơ hàn.... nghe mà thương. Lan còn nhớ bà đã chỉ cây me to ở cạnh hông nhà và bảo rằng hồi nhỏ, có lần hái me, anh xuýt chết vì nó. Anh mê hái những trái me vòng ở chót nhánh lỡ xẩy tay, may mà anh còn nắm được nhánh cây phía dưới. Anh đeo toòng teng trên cây vừa xanh mặt vừa kêu mẹ. Mẹ anh chạy ra trông thấy, bà biến sắc bảo anh bám chặt vào và la cầu cứu. Bà con chạy lại người lấy mền giăng phía dưới, kẻ trèo lên cây kéo anh vào. Bởi thế nên khi anh kêu Lan ra ngồi dưới gốc me, Lan đã ôm bụng cười ra nước mắt. Anh ngạc nhiên nhìn Lan, Lan cố nhịn cười nói: - Lan ngồi ở đây mà cứ liên tưởng cái “bịt” và cái “bộp”. Vở lẻ, anh hóm hỉnh: - Trể một giây nữa thôi là có kẻ lọi chân và bốn người bể trán. Thôi Lan cứ thử đi. Cây me này anh đã năn nỉ mẹ đừng đốn và bắt nó đứng chờ cho Lan ăn trái đó. Lan phì cười và lột vỏ rồi bẻ một đốt me chín cho vào miệng. - Me ngọt... ngon quá anh ơi! Anh cười: - Anh đã bảo mẹ đặc biệt để dành cho Lan mà. Sau đó anh dẫn Lan ra giồng để bẻ bắp - những luống bắp thẳng hàng khoe đầy trái, chứng tỏ anh đả bỏ ra nhiều công sức để chăm sóc. Khi đem bắp vào, anh đốt lửa và dạy cho Lan cách nướng. Bắp nướng phải để nguyên vỏ đặt trên lửa ngọn, chừng lửa cháy, gần hết lớp vỏ ngoài, thì hong trên lửa than. Trái bắp vừa ngọt vừa thơm. Lan bổ sung: - Phi mỡ hành phết lên nữa mới ngon tuyệt phải hôn anh? Anh cười: - Chưa ngon, phải “hé răng cắn vào” mới ngon chứ. Khi ăn bắp, anh đã đưa ra câu đố gọi là “trả thù” Lan. Anh đố: - Ðố Lan chứ cây gì mà: Mẹ cầm cờ, con mang câu, chẳng bao lâu, mẹ con đi mất... ủa mà... chém chết... Lan cười dòn tan: - Dễ ợt. Cây bắp phải hôn! Anh nói đúng và đôi mắt trở nên u buồn... Vậy mà... Tuấn ơi, anh đã nghìn trùng xa cách, để lại cho Lan nỗi sầu hụt hẫng mênh mông, cùng với những kỷ niệm êm đềm khó quên. Ánh mắt u buồn của anh làm nhói cả trái tim Lan. Ánh mắt ấy giờ đây Lan mới thấu hiểu. Nó phát sinh từ sự đấu tranh vật vã giữa lý trí và trái tim anh. Lý trí bảo anh đừng làm khổ Lan, nhưng trái tim đã không chịu vâng lời, nó đòi quyền được yêu thương. Như trong thư của anh có đoạn “Anh dự định ra đi trong im lặng để chuyện chúng mình sẽ theo thời gian mà phôi pha, Lan không phải khổ. Nhưng anh không thể dối lòng mình là anh thương Lan và đã xem những ngày tháng mình quen nhau là khúc dạo đầu cho bản tình ca chuyện hai đứa mình. Lan có đồng ý với ý kiến của anh không?”... Tuấn ơi! Với ý tưởng cao thượng và trái tim yêu thương nồng thắm của anh dành cho Lan, nó đã tăng sức và điều khiển nhịp đập của trái tim Lan rồi. Giờ đây, dù đứng trên đỉnh sầu vời vợi, Lan luôn lắng nghe khúc dạo đầu của bản tình ca vẫn ngày đêm ngân lên và điệp khúc mãi trong từng tế bào của chúng mình.Huỳnh Kỳ Thai