Ðức Chúa Jêsus đã phán, trong hai dịp, về "Thế giới ngày mai" hay "đời sau" (Ma-thi-ơ 12:32; Mác 10:30). Từ ngữ nầy cũng được dùng hai lần trong sách Hê-bơ-rơ 2:5, 6:5. Có sự tương phản giữa thế giới ngày nay hay đời nay, với đời sau. Nhiều người quá lưu tâm đến những sự việc của thế giới ngày nay, nên quên rằng có một thế giới ngày mai. Những tri thức của chúng ta về đời sau có giới hạn. Có nhiều điều chúng ta không biết về điểm nầy. Tuy nhiên đã có những điều khải thị, đủ làm thỏa mãn sự cần hiểu của chúng ta. I. Sự Chết Sự chết về phần thể xác là số phận chung của loài người: "Theo như đã định cho loài người phải chết một lần" (Hê-bơ-rơ 9:27). Tất cả mọi người đã sống trên quả đất đều đã chết, trừ hai ngoại lệ vinh diệu là Hê-nóc và Ê-li: "Bởi đức tin Hê-nóc được cất lên và không hề thấy sự chết" (Hê-bơ-rơ 11:5). "Hai người cứ vừa đi vừa nói với nhau, kìa có một cái xe lửa và ngựa lửa phân rẽ hai người; Ê-li lên trời trong một cơn gió lốc" (II Các Vua 2:11). Tất cả mọi người sống ở thế gian đều sẽ chết, trừ phi Chúa giáng lâm trong thế hệ nầy. Vậy sự chết là gì? Thật là một câu hỏi khó trả lời, cũng như câu hỏi sự sống là gì? Sự chết không phải là sự chấm dứt hiện hữu. Nó chấm dứt đời sống trên thế gian, nhưng khi một người chết, người đó không ngừng hiện hữu. Ðức Chúa Jêsus đã phán: " Ðừng sợ kẻ giết chết thân thể mà không giết được linh hồn" (Ma-thi-ơ 10:28). Sự chết là sự phân rẽ linh hồn với thân thể. Nhà thông thái đã bày tỏ như sau: "Và bụi tro trở vào đất y như nguyên cũ, và thần linh trở về nơi Ðức Chúa Trời, là Ðấng đã ban nó" (Truyền-đạo 12:7). Ðôi khi sự chết được mô tả như là sự trút bỏ linh hồn. Ðó là từ ngữ đã được dùng chỉ cái chết của Ðức Chúa Jêsus khi Ngài đã kêu to lên, và đã trút linh hồn (Ma-thi-ơ 27:50). Có hai hình ảnh ngôn từ được dùng trong Kinh Thánh Tân Ước để diễn tả sự chết. Hình ảnh thứ nhất ám chỉ thân thể và được gọi là sự ngủ. Trong sự chết hình như thân thể bị ngủ. Chúng ta thấy danh từ "ngủ" được dùng nhiều lần. Chuyện kể sự chết của Ê-tiên đã kết thúc với câu: "Người vừa nói rồi lời đó, thì ngủ" (Công-vụ 7:60). Và nói về Ða-vít thì có lời ghi chép rằng: "Vả, vua Ða-vít lúc còn sống, làm theo ý chỉ Ðức Chúa Trời, đoạn qua đời" (Công-vụ 13:36). Phao-lô an ủi những giáo hữu ở thành Tê-sa-lô-ni-ca về sự chết của những thân nhân họ rằng: "Hỡi anh em, chúng tôi chẳng muốn anh em không biết về phần người đã ngủ, hầu cho anh em chớ buồn rầu như người khác không có sự trông cậy" (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13). Danh từ ngủ cũng gợi ý sự thức. Trong lúc chết thân thể ngủ nhưng sẽ có một sự thức lúc hồi sinh. Hình ảnh thứ nhì dùng để nói về sự chết, có liên quan đến linh hồn, hay phần thuộc linh và được đề cập đến như một sự ra đi. Ðó là hình ảnh thường dùng nhất của Phao-lô: "Muốn đi ở với Ðấng Christ" (Phi-líp 1:23). Bàn về cái chết của mình mà ông cho rằng gần đến Phao-lô người đã nói: "Kỳ qua đời của ta gần rồi" (II Ti-mô-thê 4:6). Ðó là hình ảnh của một chiếc tàu nhổ neo để ra khơi. Thế nên, lúc chết thân thể con người được đặt nằm dưới lòng đất; còn linh hồn thì đi về một thế giới khác, ở đấy nó sẽ sống đời đời.II. Trạng thái trung gian Ðiều nầy chỉ vị trí và tình trạng của kẻ chết, giữa sự chết và sự sống lại. Khi người ta chết thì người ta đi về đâu? Linh hồn có ra đi không? Danh từ Hê-bơ-rơ trong Kinh Thánh Cựu Ước--Sheol--đồng nghĩa với danh từ Hy-lạp Hades trong Kinh Thánh Tân Ước. Tiếc thay trong bản Kinh Thánh "King James", những chữ nầy đã được dịch ra là điạ ngục. Nhưng đó là một sự dịch sai lầm đã được sửa chữa trong bản sau. Chữ nầy có nghĩa là chỗ ở của sự chết, mà không nói gì đến trạng thái của người chết. Tất cả những người chết đều ở "Hades" (chỗ người chết ở). Ðiều nầy không có nghĩa là địa ngục đã bị bãi bỏ. Có một chữ dịch đúng danh từ địa ngục là Gehenna, và đó là chữ mà Chúa Cứu Thế của chúng ta đã dùng, khi Ngài phán: "Thà rằng một tay mà vào sự sống, còn hơn đủ hai tay mà sa xuống địa ngục, trong lửa chẳng hề tắt" (Mác 9;43).Vài chân lý về tình trạng của kẻ chết đã được khải thị trong Kinh Thánh 1) Người công nghĩa Linh hồn của người tín đồ Cơ đốc sẽ trở nên như thế nào, khi họ chết đi? Có người nói nó nằm ngủ dưới mộ với thể xác. Quan niệm nầy hoàn toàn trái ngược với vài đoạn trong Kinh Thánh. Ðức Chúa Jêsus đã phán cùng tên ăn trộm trên cây thập tự giá rằng: "Hôm nay, ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi" (Lu-ca 23:43). Bàn đến cái chết của mình, Phao-lô đã nói: "Muốn đi đến ở với Ðấng Christ" (Phi-líp 1:23). Trong Khải-huyền 14:13 chúng ta có điều hứa chắc sự ban phúa lành: "Từ rày, phước thay cho những người chết, là người trong Chúa." Thế là ba chân lý đã được khải thị về cái chết của người công nghĩa: Họ được vào lạc viên; họ được ở với Ðấng Christ; và họ được sung sướng. Ðiều nầy trái ngược với mọi lý thuyết của một lò luyện tội, mà nơi đây các linh hồn công nghĩa phải qua một giai đoạn khổ sở, trước khi họ được vào nơi đầy phúc lành của kẻ đã được cứu chuộc. 2) Kẻ hung ác Kinh Thánh khải thị rất ít về tình trạng kẻ hung ác giữa sự chết và sự sống lại. Tất cả những sự hiểu biết của chúng ta về điều nầy đã được bày tỏ trong hai đoạn Kinh Thánh. Trong thí dụ về người giàu với La-xa-rơ, Ðức Chúa Jêsus đã phán: "Người giàu cũng chết, người ta đem chôn người ở nơi âm phủ đang bị đau đớn, ngước mắt lên" (Lu-ca 16:22-23). Trong II Phi-e-rơ 2:9, chúng ta có đoạn mô tả cái chết của người công nghĩa: " Chúa biết cứu chữa người tin kính khỏi cơn cám dỗ và hành phạt kẻ không công bình, cầm chúng nó lại để chờ ngày phán xét." Cũng như người chết công nghĩa được ở trước mặt Chúa trong trình trạng phước hạnh, kẻ chết hung ác bị chia cách với Chúa và bị ở trong một trạng thái khốn nạn.III. Sự trở lại của Ðấng Christ Bởi có quá nhiều lý thuyết về sự tái lâm của Ðấng Christ, nên có người không chú ý đề cập đến giáo thuyết nầy. Theo lời của Ðức Chúa Trời, thì đó là hy vọng được ban phước hạnh của tín đồ Cơ đốc: "Ðang chờ sự trông cậy hạnh phước của chúng ta, và sự hiện ra của vinh hiển Ðức Chúa Trời lớn và Cứu Chúa chúng ta, là Ðức Chúa Jêsus Christ" (Tít 2:13). Ở đây, sự hiểu biết của chúng ta cũng bị giới hạn. Ði quá xa những điều khải thị trong Kinh Thánh luôn luôn vẫn là một điều nguy hiểm. Tuy nhiên, có nhiều chân lý đã được phát lộ về sự tái lâm của Ðấng Christ. 1) Sự chắc chắn Chúa sẽ tái lâm Không có chân lý nào trong lời Ðức Chúa Trời được bày tỏ rành rẽ hơn điều nầy. Ở đây ta chỉ cần trưng dẫn vài đoạn. Khi các môn đồ đứng trên núi Ô-li-ve, nhìn lên các tầng trời Chúa đã thăng thiên, "thì có hai người nam, mặc áo trắng hiện đến trước mặt, và nói rằng: Hỡi người Ga-li-lê, sao các người đứng ngóng lên trời làm chi? Jêsus nầy đã được cất lên trời khỏi giữa các ngươi, cũng sẽ trở lại như cách các ngươi đã thấy Ngài lên trời vậy" (Công-vụ 1: 10-11). Phao-lô đã nói: "Vì sẽ có tiếng kêu lớn, và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Ðức Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống" (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16). Và trong Hê-bơ-rơ 9:28 "Ðấng Christ... sẽ trở lại hiện ra lần thứ hai, không phải cất tội đi nữa, nhưng để ban sự cứu rỗi cho kẻ chờ đợi Ngài." Ðức Chúa Jêsus đã phán cùng các môn đồ: "Các ngươi từng nghe ta nói rằng: Ta đi, và ta trở lại cùng các ngươi" (Giăng 14:28). Ngài đã phán dạy cho các môn đồ nhiều điều về sự sẵn sàng cho ngày tái lâm, của Ngài. Ðoạn hai mươi bốn trong sách Ma-thi-ơ và những đoạn tương tự trong các sách Tin Lành khác đã trình bày rất nhiều về sự trở lại của Chúa. 2) Tánh cách sự tái lâm của Ðấng Christ Nhiều điều đã được khải thị về điểm nầy. (1) Một lối riêng biệt và hiển nhiên Hai người hiện đến trước mặt các môn đồ trên núi Ô-li-ve đã nói: " Jêsus nầy đã được cất lên trời khỏi giữa các ngươi, cũng sẽ trở lại như cách các ngươi đã thấy Ngài lên trời vậy" (Công-vụ 1:11). Ngài sẽ trở lại cùng một lối riêng biệt như khi Ngài lên trời. Và sự tái lâm của Ngài sẽ hiển nhiên, ai cũng trông thấy. "Kìa, Ngài đến giữa những đám mây, mọi mắt sẽ trông thấy" (Khải-huyền 1:7). Sự tái lâm của Ngài vì thế có nhiều ý nghĩa hơn sự trở lại trong tinh thần. (2) Thình lình và không đoán trước được Ðó là lời Ðức Chúa Jêsus tự mô tả về sự tái lâm của Ngài. Sự tái lâm sẽ đến bất thần như một ánh chớp loá lên: "Vì như chớp phát ra từ phương đông, nháng đến ở phương tây, thì sự Con Người đến sẽ cũng thể ấy" (Ma-thi-ơ 24:27). Con người ở thế gian sẽ không đoán trước được sự tái lâm nầy: "Vì cũng như trong những ngày trước nước lụt, người ta ăn, uống, cưới, gả như thường, cho đến ngày Nô-ê vào tàu,--và người ta không ngờ chi hết cho đến khi nước lụt tới mà đùa đem đi hết thảy,-- khi Con Người đến cũng như vậy" (Ma-thi-ơ 24:38-39). (3) Trong sự vinh hiển vĩ đại "Khi Con Người ngự trong sự vinh hiển mình mà đến với các thiên sứ thánh" (Ma-thi-ơ 25:31); "Bấy giờ người ta sẽ thấy Con Người lấy đại quyền đại vinh ngự đến trên đám mây" (Mác 13:26). "Vì nếu ai hổ thẹn về ta và về lời ta, thì Con Người sẽ hổ thẹn về họ, khi Ngài ngự trong sự vinh hiển của mình, của Cha và của thiên sứ thánh mà đến" (Lu-ca 9:26). 3) Thì giờ Chúa hiện đến Có nhiều điều lẫn lộn trong sự con người cố gắng ấn định thời giờ tái lâm của Ðấng Christ. Từ ngày Chúa đã lên trời, chẳng có lúc nào không có người mong ước Ngài sẽ trở lại trong thế hệ của họ. Tốt hơn hết là chúng ta nên ghi nhớ những điều Chúa chúng ta đã phán về sự trở lại của Ngài. (1) Thời giờ nầy chỉ có Cha được biết mà thôi Chúng ta có những lời nầy của Ðức Chúa Jêsus trong Mác 13:32: "về ngày giờ đó, chẳng ai biết chi hết, các thiên sứ trên trời, hay là Con cũng chẳng biết nữa, song chỉ Cha mà thôi." Ðây là một trong những bí mật mà Ðức Chúa Cha đã giữ kín trong lòng Ngài. Và chính làm thế là hay hơn cả. Ta thử tưởng tượng nếu con người biết ngày giờ Chúa tái lâm. Nếu sự kiện vinh hiển nầy xảy ra gần kề, thì thế nào cũng có sự hỗn loạn như trong trường hợp của Phao-lô ở thành Tê-sa-lô-ni-ca. Nếu thì giờ đó được biết là còn ở trong tương lai xa thẳm, con người chắc sẽ hoàn toàn không để ý đến nó nữa. Nhưng vì bởi chẳng ai biết được nó sẽ là bao giờ, cho nên mọi người khá sống trong sự sẵn sàng: "Vậy thì các ngươi cũng hãy chực sẵn, vì Con Người sẽ đến trong giờ các ngươi không ngờ" (Ma-thi-ơ 24:44). (2) Cảnh cáo sự tò mò tìm hiểu các bí mật của Ðức Chúa Trời Con người không nên tọc mạch đi vào những điều bí ẩn mà Ðức Chúa Trời thấy không cần phải khải thị. Các môn đồ hỏi Chúa sắp thăng thiên, về thời giờ phục hưng của nước Y-sơ-ra-ên, Ngài đã phán: "Kỳ hạn và giờ ngày mà Cha đã tự quyền định lấy, ấy là việc các ngươi chẳng nên biết" (Công-vụ 1:7). (3) Một thái độ chờ đợi Thái độ về phía con cái Ðức Chúa Trời phải là một thái độ chờ đợi. Chúa có thể tái lâm bất cứ giờ phút nào. Ðức Chúa Jêsus đã phán: "Vậy hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày nào Chúa mình sẽ đến" (Ma-thi-ơ 24:42). Sự dự bị hay nhất cho ngày Chúa tái lâm là sốt sắng trong công việc Ngài đã giao phó cho chúng ta làm. "Phước cho đầy tớ đó, khi chủ đến thấy làm như vậy!" (Ma-thi-ơ). 4) Thời kỳ thiên niên Cuộc tranh luận về ngày giờ Chúa chúng ta tái lâm đã đặt ra vấn đề thời kỳ thiên niên được bàn cãi nhiều nhất. Danh từ nầy nguyên gốc lấy ở từ ngữ La-tinh, có nghĩa là một ngàn năm. Thời kỳ một ngàn năm chỉ được ghi chép có một lần trong Kinh Thánh, ở sách Khải-huyền 20 1-10. Sự giải thích gặp phải nhiều khó khăn, trong một đoạn Kinh Thánh có quá nhiều hình ảnh và biểu tượng, như đoạn nầy.Tuy nhiên, có nhiều đoạn Kinh Thánh khác làm sáng tỏ vấn đề. Có hai phái giải thích mệnh danh là phái tiền thiên niên và phái hậu thiên niên. - đây chúng ta chỉ có thể phác họa sơ nội dung giáo điều của hai phái mà thôi. (1) Phái tiền thiên niên Thể theo phái nầy, thế giới càng ngày càng đi về chỗ gian ác, cho đến cùng độ, lúc Ðấng Christ trở lại. Sự hiện đến của Ngài sẽ gồm có hai mặt: Trước hết, sẽ có sự hiện đến của Ðấng Christ để đưa các thánh Ngài lên trời, trong lúc ấy kẻ chết trong Ðấng Christ sẽ được sống lại, và những tín đồ Cơ-đốc còn sống sẽ được biến hóa, và tất cả sẽ cùng được đưa lên trên các tần mây để gặp Chúa. Ðiều nầy đôi khi được gọi là sự hoan hỉ và đã được mô tả trong I Tê-sa-lô-ni-ca 4:15-17. Và tiếp theo đó sẽ có một thời kỳ đau trên mặt đất. Lúc bấy giờ xứ Y-sơ-ra-ên sẽ trở lại cùng Chúa và trở thành những sứ giả truyền bá Tin Lành. Rồi kế đó sẽ có sự hiện đến với các thánh Ngài. Khi thời kỳ đau khổ chấm dứt thì Ðấng Christ sẽ tái lâm với các thánh Ngài và sự phán xét các quốc gia sẽ tiếp diễn. Sa-tan sẽ bị nhốt và Ðấng Christ sẽ ngự trị với các thánh Ngài trong một ngàn năm. Ðến hết thời kỳ nầy, Sa-tan sẽ được thả ra và cuộc chiến tranh vĩ đại ở Armageddon sẽ xảy ra và Ðấng Christ sẽ thắng trận cuối cùng, và Sa-tan sẽ bị ném vào hồ lửa. Rồi đến sự sống lại của kẻ gian ác và sự phán xét trước ngai trắng vĩ đại. (2) Phái hậu thiên niên Thể theo sự giải thích của phái nầy, sẽ có một cuộc đắc thắng tiệm tiến của Tin Lành trong thế giới mà tuyệt điểm là một thời kỳ công nghĩa, công bằng và hòa bình sẽ được nối tiếp trong một ngàn năm. Vài nhà bình giảng hiện kim đã cho thời kỳ thiên niên là một thời gian vô hạn định, trải qua từ lúc Chúa bị đóng đinh trên thập tự giá cho đến ngày tận thế. Lúc Ðấng Christ xuất hiện thì có cho sự tái sanh toàn thể của kẻ chết, cả công nghĩa lẫn gian ác, tiếp theo đó là sự phán xét. Có lẽ đa số tín đồ Cơ-đốc ngày nay thấy sự nhiệt thành hầu việc Chúa là điều quan trọng, hơn là sự bỏ phí thì giờ tranh luận về những chi tiết liên hệ đến sự giải thích đứng đắn thời kỳ thiên niên, hoặc những chi tiết thuộc về ngày giờ và cách thức tái lâm của Chúa. Ðiều chắc chắn sự hiện đến và chiến thắng của Ngài mà ai cũng công nhận phải là nguồn hy vọng và niềm hứng khởi thường xuyên của chúng ta.IV. Sự sống lại Trong khi những tín đồ Cơ-đốc đứng đắn có thể không đồng quan điểm với nhau về hai sự sống lại, một của người công nghĩa, hai của kẻ gian ác, thì tất cả đều nhìn nhận rằng cả người công nghĩa lẫn kẻ gian ác đều sẽ được sống lại. Ðiều nầy đã được cả Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước dạy rõ. Trong Ða-ni-ên, chúng ta đọc thấy sự bày tỏ chân lý như sau: "Và nhiều kẻ ngủ trong bụi đất sẽ thức dậy, kẻ thì để được sống đời đời, kẻ thì để chịu sự xấu hổ nhơ nhuốc đời đời." Và Phao-lô nói: "Và tôi có sự trông cậy nầy nơi Ðức Chúa Trời, như chính họ cũng có vậy tức là sẽ có sự sống lại của người công bình và không công bìnhề (Công-vụ 24:15). Những câu hỏi mà người ta đã đặt ra cho Phao-lô trong thời kỳ bấy giờ cũng còn được nêu lên: "Nhưng có kẻ sẽ nói rằng: Người chết sống lại thế nào? lấy xác nào mà trở lại?" (I Cô-rinh-tô 15:35). Sự kiện sống lại của thân thể chẳng nên cho là điều khó chấp nhận đối với những ai tin ở Ðức Chúa Trời. Như Phao-lô đã nói với Ac-ríp-ba: "Làm sao các ông lại cho rằng chẳng có thể nào tin được sự Ðức Chúa Trời khiến những kẻ chết sống lại." Nếu Ðức Chúa Trời lúc nguyên sơ đã dựng nên thân thể con người từ cát bụi, thì há Ngài không dựng nổi thân thể từ cát bụi sao? Sự cứu chuộc sẽ không được trọn vẹn cho đến lúc có sự sống lại. Khi một tín đồ Cơ-đốc chết, linh hồn họ đi đến ở cùng Chúa, nhưng thể xác họ được chôn dưới đất. Ðó có phải là sự kết thúc không? Kinh Thánh nói: "Không phải thế." Thể xác sẽ được sống lại, một thể xác được cứu chuộc, hợp với một linh hồn được cứu chuộc. Tính chất của thân thể được sống lại sẽ ra sao? Kinh Thánh khải thị rất ít về sự sống lại của kẻ gian ác, nhưng có nhiều chân lý về sự sống lại của người công nghĩa. Sự sống lại của Ðấng Christ khiến cho chúng ta tin chắc, sự sống lại, và là mẫu mực sống lại của con cái Ngài. Hai sự việc đã được chứng minh. 1) Căn nguyên được duy trì Sự sống lại của thân thể, trong phạm vi có thật, sẽ được thực hiện với thể xác của chính người đã chết. Thân thể của Ðức Chúa Jêsus đã ra khỏi mồ. Ngài tự hiện ra sống động giữa các môn đồ, và cho họ thấy những dấu đinh đóng ở tay Ngài. Trong một phạm vi có thật nào đó, chính thân thể ấy của Chúa đã được chôn ở dưới mồ. Cùng một cách, thân thể con cái Ðức Chúa Trời cũng sẽ được sống lại như vậy. 2) Thân thể biến đổi Thân thể được sống lại sẽ khác với thể xác lúc chết. Phao-lô nói: "Thịt và máu chẳng hưởng nước Ðức Chuá Trời được, và sự hay hư nát không hưởng sự không hay hư nát được" (I Cô-rinh-tô 15:50). Ông mô tả sự biến đổi của thể xác như sau: "Thân thể đã gieo ra là hay hư nát, mà sống lại là không hay hư nát; đã gieo ra là nhục, mà sống lại là vinh; đã gieo ra là yếu, mà sống lại là mạnh; đã gieo ra là thể huyết khí mà sống lại là thể thiêng liêng" (cùng một chương câu 42:44). Theo như trên chúng ta biết rằng thân thể sống lại sẽ không bị hư nát, nhưng mạnh mẽ, vinh hiển và thiêng liêng. Nó sẽ như thân thể của Ðấng Christ vinh hiển: "Nhưng chúng ta là công dân trên trời; ấy cũng từ nơi đó mà chúng ta trông đợi Cứu Chúa mình là Ðức Chúa Jêsus Christ, Ngài sẽ biến hóa thân thể hèn mạt chúng ta ra giống như thân thể vinh hiển Ngài" (Phi-líp 3:20-21). "về sự chúng ta sẽ ra thế nào thì điều đó chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Ngài hiện đến chúng ta sẽ giống như Ngài vì sẽ thấy Ngài như vốn có thật vậy" (I Giăng 3:2).V. Sự phán xét Vài nhà bình giảng cho rằng sẽ có nhiều cuộc phán xét trong khi có người cho rằng chỉ có một mà thôi. Tuy nhiên tất cả đều công nhận là có sự phán xét. Kinh Thánh Tân Ước có chứa đựng những điều bày tỏ rành mạch như sau: " Vì Ngài đã chỉ định một ngày, mà Ngài sẽ lấy sự công bình đoán xét thế gian" (Công-vụ 17:31). "Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét" (Hê-bơ-rơ 9:27). 1) Mục đích Mục đích của sự phán xét không phải là để quyết định số phận. Ðiều nầy đã được định sẵn lúc người ta chết. Sẽ không có một dịp may thứ nhì trong thế giới ngày mai. Tiến sĩ thần học A.B. Strong nói: "Mục đích sự phán xét cuối cùng không phải là sự xác nhận mà là sự biểu lộ đặc trưng và là sự ấn định trạng thái ngoại tại thích ứng" (Hệ-thống thần đạo học: Systematic Theotogy trang 582). Phao-lô nói: "Bởi vì chúng ta phải ứng hầu trước tòa án Ðấng Christ hầu cho mỗi người nhận lãnh tùy theo điệu thiện hay điều ác mình đã làm lúc còn trong xác thịt" (II Cô-rinh-tô 5:10). Mục đích của sự phán xét sẽ là sự ban thưởng và hình phạt. Không phải tất cả những người được cứu rỗi đều được thưởng giống nhau và không phải kẻ hư mất đều bị xử phạt như nhau. Ðức Chúa Trời sẽ trả lại cho mỗi người thể theo việc làm của họ. Sự ban thưởng và sự xử phạt sẽ được áp dụng thể theo trường hợp và phẩm hạnh. 2) Nhân vật Kinh Thánh tuyên bố rằng chính Ðấng Christ sẽ làm thẩm phán: "Vì Ngài đã chỉ định một ngày, khi Ngài sẽ lấy sự công bình đoán xét thế gian, bởi người Ngài đã lập, và Ðức Chúa Trời sống lại, để làm chứng chắc về điều đó cho thiên hạ" (Công-vụ 17:31). "Bởi vì chúng ta thảy đều phải ứng hầu trước toà án Ðấng Christ, hầu cho mọi người nhận lãnh tuỳ theo điều thiện hay điều ác mình đã làm lúc còn trong xác thịt" (II Cô-rinh-tô 5:10). Ðấng duy nhất xưng danh Cứu Chúa là Ðấng con người phải đứng trước mặt Ngài đã chịu phán xét. Có một ngày Ðức Chúa Jêsus đã đứng trước Phi-lát; rồi có một ngày Phi-lát sẽ đứng trước Ðức Chúa Jêsus. 3) Tính chất Tính Chất sự phán xét cuối cùng sẽ như thế nào? (1)Cá nhân Như vậy mỗi người trong chúng ta sẽ khai trình việc mình với Ðức Chúa Trời" (Rô-ma 12:14). Cá nhân sẽ không bị lẫn lộn trong số đông. Và mỗi người sẽ khai trình việc mình, chứ không phải việc người khác. (2) Phổ cập Sự phán xét bao hàm tất cả mọi người. "Vì chúng ta hết thảy sẽ ứng hầu trước tòa án Ðức Chúa Trời" (Rô-ma 14:10). Không ai có thể lẩn trốn được. "Tôi thấy những kẻ chết, cả lớn và nhỏ, đứng trước toà" (Khải huyền 20:12). (3) Ðầy đủ Sự phán xét sẽ bao gồm tư tưởng, lời nói và hành động. "Vậy chớ xét đoán sớm quá, hãy đợi chờ Chúa đến, chính Chúa sẽ tỏ những sự giấu trong tối ra nơi sáng, và bày ra những sự dự định trong lòng người" (I Cô-rinh-tô 4:5). Ðức Chúa Jêsus đã phán: "Và ta bảo các ngươi, đến ngày phán xét, mỗi người đã nói những lời vô cớ, đều sẽ phải khai trìnhề (Ma-thi-ơ 12:36). Và trong Khải-huyền 20:13, chúng ta đọc: "Và mỗi người trong bọn sẽ bị xử đoán tùy công việc mình làm." (4) Công bằng và không tư vị Ðức Chúa Trời không tư vị ai. Sự con người đứng trên mặt đất không có liên lạc gì với sự con người đứng trước mặt Ðức Chúa Trời. Và công lý sẽ không bị lầm lẫn. Mỗi người sẽ nhận lấy phần xứng đáng của mình. (5) Chung thẩm Sự phán xét có tính cách chung kết, và sẽ không có sự xử lại. Lời phán xét của ngày đó sẽ còn mãi đời đời.VI. Trạng thái cuối cùng Tiếp theo sự phán xét, cả những người công nghĩa và hung ác đều đi vào trạng thái cuối cùng có tính cách vĩnh cữu trong thời gian. 1) Người công nghĩa Trạng thái cuối cùng của người công nghĩa có thể được nghiên cứu trên hai phương diện: (1) Tình trạng của họ Kinh Thánh nói rằn người công nghĩa đi vào một cuộc sống đời đời. "Rồi những kẻ nầy sẽ vào hình phạt đời đời, còn những người công nghĩa sẽ vào sự sống đời đời" (Ma-thi-ơ 25:46). Mỗi tín đồ Cơ-đốc đều có sự sống đời đời. "Ai tin Con thì được sự sống đời đời" (Giăng 3:36). Nhưng sự vinh hiển cuối cùng thuộc về thế giới ngày mai. Sự sống đời đời hơn sự hiện hữu đời đời một trời một vực. Nó không chỉ nhiều về số lượng thời gian sống, mà chỉ phẩm chất của sự sống. Ðó là cuộc sống hoàn toàn, vinh hiển và đầy quyền năng; một cuộc sống không bị ràng buộc bởi những giới hạn của thời gian. Ðức Chúa Jêsus đã phán: "Vả sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Ðức Chúa Trời có một và thật cùng Jêsus Christ là Ðấng Cha đã sai đến" (Giăng 17:3). Ðó là một sự sống bầu bạn với Ðức Chúa Trời và hầu việc Ngài cách vui thích. (2) Chỗ ở của họ Chỗ ngự cuối cùng của người công nghĩa là thiên đàng. Ðức Chúa Jêsus mô tả chỗ ở thật sự: "Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi ta đã đi, và đã sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó." (Giăng 14:23). Trong lời của Ðức Chúa Trời, thiên đàng đã được mô tả bằng nhiều hình ảnh nhưng không có mỹ từ nào có thể tả chính xác sự vinh hiển ở đây. Mọi điều làm cho đau đớn và buồn khổ đã bị cất bỏ: "Sẽ không có sự chết; không có than khó, kêu ca hay đau đớn khổ sở nữa." (Khải huyền 21:4). Thiên đàng sẽ bao gồm tất cả mọi thứ làm thỏa mãn những ước vọng sâu xa nhất của linh-hồn--sự nghĩ ngơi, bình an, vui vẻ, tình thân mến và hầu việc. 2) Kẻ gian ác Trạng thái cuối cùng của kẻ gian ác cũng có thể được xem xét theo hai phương diện: (1) Tình trạng của họ Cũng như người công bình được đi vào sự sống đời đời, thì kẻ gian ác đi vào sự chết đời đời. Nhưng cũng như sự sống đời đời, ban sơ không chỉ sự hiện hữu đời đời, sự chết đời đời cũng không có nghĩa là chấm dứt hiện hữu. Ðó là sự phân cách khỏi Ðức Chúa Trời và sự vinh hiển của một cuộc sống đời đời. Cũng như người công nghĩa sống một tình trạng bình an vui vẻ, kẻ gian ác sống trong tình trạng khốn khổ và đau đớn: " Sẽ có tiếng khóc lóc và nghiến răng, khi các ngươi thấy Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp cùng hết thảy các Ðấng tiên tri đều ở trong nước Ðức Chúa Trời" (Lu-ca 13:28). (2) Chỗ ở của họ Chỗ ở cuối cùng của kẻ gian ác được gọi là hỏa ngục. Chỗ nầy cũng vậy, đó là một chỗ có thật. Nó đã được mô tả bằng một giọng văn bóng bẫy nhưng không tránh được tánh cách ghê gớm thật sự của nó. Ðức Chúa Jêsus đã nói đến nó như một nơi tối tăn ở phía ngoài và như một chỗ mà "sâu bọ của chúng chẳng hề chết và lửa chẳng hề tắt" (Mác 9:48). Chỗ ở của kẻ gian ác có thật và đời đời. Khi chúng ta nghĩ đến những điều nầy thì những lời trong Giăng 3:16 càng trở nên quí giá: " Vì Ðức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy, không bị hư mất mà được sự sống đời đời." Và chúng ta càng cảm thấy nhiệm vụ của chúng ta là chia xẻ Tin Lành cứu rỗi cho một thế giới đang hư mất trong tội lỗi.