SỐ PHẬN
Đêm khuya không dám dang chân ruỗi
Vì ngại non sông xã tắc xiêu

Lý Công Uẩn.

Một buổi chiều con đường từ làng Gióng đến Cổ Pháp đã thưa người đi lại.
Ánh nắng đã nhạt dần, đàn mục đồng thủng thỉnh đánh trâu về làng, nghêu ngao hát.
Tiếng trống thu không đã đổ hồi, giữa cảnh tịch liêu của đồng ruộng trong khung cảnh xam xám của hoàng hôn.
Hôm ấy xóm “Lòng Lợn” cũng kém vẻ nhộn nhịp, mặc dầu là ngày áp phiên chợ Gióng. Một vài người khách thương ngồi trên chõng tre hóng mát, nói chuyện phiếm. Một chiếc đèn to treo ở giữa quán bán hàng cơm, ném ra một ánh sáng vàng vọt xuống hai dãy giường tre kê giáp lưng vào tường, để ở giữa một lối đi rộng. Mọi bận thì những giường đó đã chật ních những khách trọ, vì họ tính cần phải ở lại xóm Lòng Lợn một đêm để hôm sau kịp đi chợ Gióng.
Tại sao lại gọi là xóm Lòng Lợn? Nguyên trước kia, ở đấy chỉ có mấy căn nhà lá tồi tàn để bọn hành khất trú chân. Chúng tụ họp đông đúc, ăn uống chè chén rồi sinh sự đánh nhau, có khi gây ra án mạng. Đào Cam Mộc có lần đi kinh lý qua, thấy thế, ra lệnh cấm ngặt không cho lai vãng, hội họp nữa. Được ít lâu có một gia đình gồm hai vợ chồng và ba đứa con trai đến ở làm nghề bánh đa. Năm sau một người đàn ông đến bỏ tiền thuê dựng một ngôi hàng cơm chứa trọ. Khách đường qua lại thấy chủ quán lịch thiệp, nhà cửa sạch sẽ, rủ nhau vào ăn uống rất đông. Chủ quán có tên đầu bếp, nấu nướng rất giỏi, lại thạo về món lòng lợn tiết canh, nên tiếng lành đồn xa, người ta gán ngay cho cái tên xóm Lòng Lợn. Ngôi hàng cơm vì thế mà mỗi ngày một thịnh vượng, rất được tín nhiệm của khách. Chủ quán cũng là tay học thức, lại thêm tính tình hào hiệp, lời ăn tiếng nói uyển chuyển dịu dàng, vẻ phong lưu tiêu sái khác hẳn người thường.
Trong nhà, chậu hoa, cây cảnh, giả sơn một ngọn đặt trong cái bể con đủ cả đình chùa miếu mạo, ngư ông quăng lưới, tiều phu gánh củi, phong cảnh u nhã ưa nhìn. Chủ quán tự làm một đôi câu đối dán ở cánh cửa:
Vui với Giang Sơn ba chén rượu
Góp cùng Tuế Nguyệt mấy vần thơ.
Nét chữ tươi như hoa, ai trông thấy cũng tấm tắc khen ngợi. Đôi khi có người tò mò hỏi đến gia thế. Ông ta trả lời rằng:
- Tiện nội mất sớm, đường tử tức cũng muộn màn. Tôi muốn tục huyền nhưng chưa kiếm được người vừa ý.
- Giai nhân trong thiên hạ thiếu gì, ông muốn người như thế nào?
- Tôi năm nay gần 50 tuổi, tinh thần cũng suy nhược nhiều. Vả tính tôi không hiếu sắc, thì cần gì tìm người đẹp. Nếu duyên trời dun rủi, gặp một quả phụ nào học rộng, tài cao, tôi xin kết bạn tri kỷ, sớm tối chén rượu cuộc cờ, thì lúc chết cũng không oán hận gì.
Thấm thoát gần 6 năm…cho đến một buổi chiều. Cũng như mọi ngày, chủ quán bắt ghế ngồi hóng mát ở vệ đường, đón mời khách qua lại.
Cảnh thôn quê buồn bã, lặng lẽ chìm vào trong bóng tối. Thỉnh thoảng luồng gió mát nhè nhẹ lướt qua làm cho mọi người lại khoan khoái dễ chịu. Mảnh trăng bạc đã dần nhô khỏi đầu núi, treo lơ lững giữa màn xanh xanh của da trời.
Chủ quán và khách hàng đang chuyện trò vui vẻ không để ý đến một người đàn ông, tay cầm chiếc gậy to sù, đứng ngơ ngẩn trước cái quầy kê ở gần cửa ra vào.
Tên tửu bảo lúc bấy giờ đang kiểm điểm bát đũa, thấy dáng điệu khả nghi của người kia, hất hàm hỏi rằng:
- Ông muốn gặp chủ nhân tôi chắc?
Người ấy gật đầu trả lời:
- Phải.
Giọng nói thều thào có vẻ mệt nhọc vô cùng.
Tên tửu bảo để ý nhìn khách, rồi mỉm cười một cách chế nhạo:
- Chủ nhân tôi giao du rất rộng, gặp quý khách thật thoả lòng khát vọng.
Người đàn ông nhận thấy lời nói hàm súc mọi ý nghĩa trào lộng, bỗng chạm đến lòng tự ái, quắc mắt đập tay xuống bàn quát to:
- Ngươi đừng có vô lễ, muốn nếm quả phật thủ này chắc.
Chủ quán thấy to tiếng, vội chạy vào mắng tửu bảo, rồi xin lỗi khách. Người đàn ông vẫn còn giận, nói tiếp:
- Chúng tôi dẫu nghèo nhưng cũng có thể trả được tiền trọ. Tên kia hỗn sược, dám khinh rẻ áo rách, thật không phải giống người.
Chủ quán tươi cười chắp tay nói:
- Xin quý khách bớt giận, vào nghỉ chân xơi nước, chúng tôi sẽ có lời thưa sau.
Người đàn ông có vẻ hài lòng bước vào trong quán.
Bấy giờ mọi người mới để ý đến cách phục sức của khách.
Hắn mặc một cái áo cánh nâu đã bạc màu, vá chằng chịt những mụn vải đen, miếng to miếng nhỏ, trông rất ngộ nghĩnh, buồn cười. Cái quần ngắn cũn cỡn, buông tới ngang ống chân, rách một chỗ rộng ở đùi. Hắn đeo một cái bị đã cũ, không biết đựng gạo hay quần áo. Chiếc nón xơ cả lá, vành sén đi sén lại tròn như cái nồi đất núp trên đầu, không đủ che bộ mặt đen sạm vì nắng.
Cả cái hình thức tồi tàn ấy, đã tố cáo một đời sống lam lũ, bên cạnh những đống rác bẩn thỉu, hôi hám. Con người ấy có lẽ luôn luôn bị đói rét hành hạ tàn nhẫn, nên khi hắn ngửi thoáng thấy hơi cơm đưa ở nồi ra, mắt hắn bỗng sáng lên và chăm chú nhìn về phía bọn khách đang ngồi đánh chén ở giường.
Chủ quán vồn vả hỏi:
- Quý khách có xơi gì không?
Hắn ném một câu gọn thon lỏn:
- Ăn cơm.
Tên tửu bảo bưng chiếc mâm gỗ để ở giường, rồi mang cơm và thức ăn lên.
Hắn ăn ngấu nghiến, loáng một cái đã hết mâm cơm, xỉa răng uống nước xong, hắn lấy tiền ra trả sòng phẳng rồi hỏi:
- Ở đây có yên không?
Chủ quán đáp:
- Từ khi chúng tôi mở ngôi hàng ở đây, chưa có vị khách nào bị mất trộm cả.
- Tôi đi đường có ít tiền, sợ gian phi để ý, nên phải ăn mặc trá hình như thế này, xin tôn ông chớ cười.
Chủ quán cũng vui vẻ đáp:
- Vâng, thời buổi này, thật giả khó lường. Biết ai gian, ai ngay mà tin cậy đồng tiền. Khách quan đề phòng như thế là phải.
Xong câu chuyện phiếm, mọi người thu xếp đi ngủ. Người khách nằm ngay ở cái giường cạnh bức ván gỗ, bên kia là phòng của chủ quán.
Đèn đã tắt, tiếng quạt phành phạch rền một lúc rồi im hẳn. Trong cảnh tối đen, ầm thầm tiếng muỗi vo ve hoà với hơi thở đều của mọi người đang say sưa trong giấc điệp.
Đến nửa đêm thì người khách chợt tỉnh giấc. Hắn se sẽ ngồi dậy. Mặt trăng lùa vào cánh song để rơ những vệt trăng bạc xuống mặt đất. Ngoài sân, một con chuột chạy qua, một chiếc lá rụng, làm hắn giật mình lắng tai nghe. Khi đã biết rõ mọi người đã ngủ yên cả, hắn rút một con dao sáng quắc ở trong mình ra rồi nhẹ nhàng nhẩy xuống đất.
Dưới ánh trăng, hắn nhìn thấy cửa buồn nửa khép nửa mở, hắn mừng quá tiến lại mấy bước, thò mũi dao sẽ lách vào khe cửa, đẩy rộng hai cánh ra, rồi vững tâm hắn nắm chắc chuôi dao, nhẩy vọt vào buồng nhẹ như chiếc lá rơi…
Đầu trống canh năm, khách trong quán đều trở dậy, gồng gánh đi chợ. Không ai để ý đến người khách hôm qua và cũng không cần biết xem người ấy đã đi rồi hay còn ở lại. Tên tửu bảo quét dọn nhà cửa, rũ giường chiếu, rồi bắt cái ghế ngồi cạnh quầy đợi khách.

*

Phạm Kim Chung lúc rời quê hương, sang Siêu Loại tìm em, không thấy đành phải lang thang đi hành khất cho qua ngày. Nhiều khi nghĩ đến thân mình trước kia sung sướng dường bao, kẻ hầu người hạ, mà bây giờ bơ vơ nơi đất khách, nhục nhả khốn cùng, nên chàng tủi thân thỉnh thoảng lại ứa nước mắt khóc. Ngày ngày chàng đi theo bọn hành khất chầu chực ở các nhà có giỗ chạp, ma chay để xin ăn, tối về ngủ ở xó chợ, đầu đình. Phong trần dày dạn cực khổ đến thế là cùng. Một tối, vì mệt mỏi quá chàng nghỉ chân ở dưới mái cổng gạch ngay đầu làng nọ, rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Đến nửa đêm, đang lúc mơ màng, chợt văng vẳng có tiếng người quát tháo ầm ỉ. Choàng thức dậy, thấy một bọn người lố nhố dưới ánh đuốc sáng rực. Một người cầm gậy đập mấy chiếc vào lưng chàng nói to:
- Tên ăn mày sống hay chết, định gieo vạ cho người ta chắc?
Rồi có tiếng người đàn bà lanh lảnh tiếp theo:
- Đừng đánh nó mà tội nghiệp.
Kim Chung gượng ngồi dậy, thều thào đáp:
- Bẩm bà, chúng tôi nghèo khổ, không chỗ nương tựa, phải làm nghề hành khất kiếm ăn. Xin bà rộng lòng thương cho ngủ nhờ một đêm dưới cổng, mai chúng tôi xin đi sớm.
Có tiếng đàn bà quát:
- Tên kia, hãy lánh sang một bên, để chúng ta vào nhà đã rồi sẽ hay.
Kim Chung vừa bước xuống đường thì cửa mở. Người đàn bà vào trước, gia nhân đi theo sau rất đông. Hai cánh cửa từ từ khép lại. Kim Chung thở dài, ngồi xuống tựa lưng vào tường nhắm mắt ngủ.
Nguyên người đàn bà ấy là Bảo Thị, lấy chồng họ Vương, ở làng Siêu Hạ, huyện Siêu Loại. Năm nàng 25 tuổi thì chồng chết, để lại mẹ già và đứa con trai là Vương Trọng Lâm, mới lên 4 tuổi. Nàng giữ tiết, nhất định không chịu tái giá, ở với mẹ chồng rất hiếu thuận. Khi Trọng Lâm lên 12 thì nàng đón thầy dạy con học tập văn bài, cho đến năm 18 thì học võ nghệ. Vì thế mà Trọng Lâm mới ngoài 20 tuổi mà văn võ đều thông thạo. Khi nàng đoạn tang mẹ chồng thì Trọng Lâm đã 25 tuổi mà vẫn chưa thành gia thất. Bảo Thị nhờ mối lái hỏi người con gái ở làng bên cạnh cho con. Hai họ đã thoả thuận, và sính lễ đã đầy đủ. Hôm ấy, Bảo Thị sang bên thông gia ăn giỗ, định ngủ lại một đêm, nhưng đang dở câu chuyện chợt có tin báo Trọng Lâm cảm nặng, nên mặc dầu đêm khuya nàng tức tốc thúc gia nhân cùng về.
Bảo Thị vào thăm con, thấy nằm li bì, người nóng ran như lửa đốt, sợ quá khóc ầm lên. Vú già nuôi Trọng Lâm lựa lời khuyên giải:
- Bà chớ sợ, cậu con bị cảm qua loa, chỉ một thang thuốc là khỏi.
Bảo Thị gạt nước mắt nói:
- Trong làng không có lương y, biết tìm đâu ra thuốc bây giờ?
- Đến sáng mai lên huyện tìm Trần tiên sinh.
- Cứu bệnh như cứu hoả để lâu cảm nhập tâm thì nguy to.
Các gia nhân bộc phụ xúm xít chung quanh đều lộ ra vẻ lo lắng vô cùng, nhưng cũng không tìm được phương kế nào để cứu chữa Trọng Lâm. Một vài ngườoi xin liều mình đi suốt đêm lên huyện, nhưng Bảo Thị gạt đi, nói:
- Từ đây lên huyện xa mấy chục dặm, đêm hôm khuya khoắt, đường xá nguy hiểm, các người tuy có lòng tốt đối với tiểu chủ nhưng cũng không nên.
Đang lúc ấy, bỗng có tiếng đập cửa rất gấp. Mọi người đều sửng sốt nhìn nhau yên lặng. Một tên gia nhân chạy ra hỏi:
- Ai đập cửa?
- Tôi.
- Hỏi gì?
- Mở cửa tôi có thứ thuốc giải cảm rất tốt.
Mọi người đều mừng rú lên như bắt được của. Lại nói Kim Chung đang lúc chập chờn nửa thức, nửa ngủ, thoáng nghe có tiếng đàn bà khóc, lắng tai nghe hiểu rõ sự tình, chợt nhớ ra là mình hãy còn mấy viên thuốc cảm ở trong túi.
Chàng vốn am hiểu về nghề thuốc, nên trong khi đi lang thang trên đường, có để ý tìm tòi các rễ cây, giả nhỏ, rồi luyện thành những viên thuốc để phòng khi cảm sốt. Cũng may hôm ấy chàng để dành được mấy viên, lại nghe tiếng khóc, động lòng trắc ẩn, nên đập cửa gọi cho thuốc. Bảo Thị sai mở cửa đón Kim Chung vào. Tên gia nhân ngạc nhiên hỏi:
- Nhà ngươi đã cùng khổ thế, mà còn có thuốc trữ trong mình. Nếu tiểu chủ khỏi bệnh, ắt được thưởng to.
Kim Chung lẳng lặng đi vào trong nhà. Chàng cầm tay bắt mạch Trọng Lâm rồi nói:
- Công tử cảm mạo qua loa. Uống viên thuốc này xong, hễ thấy toát mồ hôi thì khỏi.
Chàng lấy trong mình ra một viên thuốc to bằng hạt ngô, mài vào chén nước mưa, rồi sai người nhà nâng đầu Trọng Lâm đổ vào miệng.
Bảo Thị đắp chăn cho con cẩn thận rồi bảo Kim Chung:
- Nhà ngươi tạm xuống nhà dưới nghỉ chân. Nếu mai công tử khỏi bệnh, sẽ có trọng thưởng.
Kim Chung vâng lời lui xuống. Sáng hôm sau, Trọng Lâm tỉnh hẳn, ngồi dậy được. Bảo Thị mừng quá sai gia nhân nấu cháo và làm cơm để thết đãi Kim Chung.
Trọng Lâm được mẹ kể chuyện cho nghe, cảm kích vô cùng, vội sai người mời Kim Chung lên để tạ ơn.
Trọng Lâm hỏi:
- Nhà ngươi mua được viên thuốc ấy ở đâu?
- Tôi biết làm thuốc, và đã từng chữa khỏi được nhiều người.
- Sao không làm cái nghề cứu nhân độ thế lại chịu đi hành khất?
Kim Chung thở dài đáp:
- Tôi không mai gặp cơn gia biến, nên mới phải khổ sở thế này. Xin công tử đừng hỏi đến nữa, khiến tôi lại đau lòng.
Trọng Lâm đứng dậy ghé vào tai mẹ thì thầm mấy câu. Bảo Thị gật đầu ra ngoài. Lát sau, một tên gia nhân mang một bộ quần áo mới vào thưa rằng:
- Chủ mẫu tôi bảo mời tiên sinh ra tắm rửa, rồi thay quần áo.
Trọng Lâm cũng thêm vào:
- Nhác trông diện mạo, chúng tôi cũng biết tiên sinh không phải là hạng người ti tiện. Chẳng qua gặp bước không may, nên phải long đong vất vả. Vầng thái dương kia dẫu có bị mây đen che lấp, nhưng rồi cũng có lúc xuất đầu lộ diện, thì ánh hào quang lại rực rỡ như xưa. Xin tiên sinh nhận lời để chúng tôi được vui lòng.
Kim Chung cảm tạ, đứng dậy ra ngoài. Một chốc, gia nhân bưng cơm lên. Trọng Lâm ngồi thù tiếp Kim Chung rất chu đáo. Hết chuyện thơ phú lại đến binh thư võ nghệ, lại bàn khúc chiết mạch lạc khiến cho Kim Chung cũng phải khen thầm. Đang lúc đậm đà câu chuyện, bỗng thấy gia nhân mang hai tờ giấy hồng điều vào, ghé tai nói nhỏ với Trọng Lâm. Chàng thiếu niên mỉm cười gật đầu nói:
- Thế à? Được bảo đợi đến mai sẽ lấy, ta còn bận có khách.
Kim Chung vội tiếp:
- Nếu công tử có việc bận, xin cứ tự nhiên.
Trọng Lâm gạt đi đáp:
- Chả có việc gì can hệ cả. Xin mời tiên sinh dùng rượu.
Kim Chung gặng hỏi. Trọng Lâm đành phải thú thật:
- Nguyên trong làng có ngôi miếu thờ bà Cửu Thiên Huyền Nữ, rất linh thiêng, nhưng đã lâu năm nên đổ nát nhiều. Dân xã chúng tôi có chung tiền thuê thợ sửa chữa lại thành một ngôi đền khang trang, mỹ lệ. Vài hôm nữa thì làm lễ khánh thành, chỉ còn thiếu một đôi câu đối thờ. Tiểu sinh sức học còn non chưa dám cầm bút, nên ngần ngừ khất đến ngày mai.
Kim Chung cười nói:
- Công tử vừa mới yếu khỏi, tinh thần chưa được sảng khoái, để tôi viết giúp.
Trọng Lâm vui mừng đáp:
- Vâng, xin tiên sinh cho biết tài nhả ngọc phun châu.
Nói đoạn sai người đem bút mực đến, và giải hai tờ giấy hồng điều lên án sách.
Kim Chung cầm bút viết:
Anh linh thiên cổ tại
Cảnh sắc vạn niên tân.
Trọng Lâm tấm tắc khen:
- Nét bút tươi như hoa, câu van lại hợp với cảnh. Thật đáng là danh sĩ bậc nhất ở hạt này.
Nói đoạn, giao câu đối cho người nhà mang đi rồi chắp tay vái Kim Chung.
- Chúng tôi đại phúc nên gặp được cao nhân. Xin chớ giấu diếm hành tung, chúng tôi nguyện không dám tiết lộ.
Kim Chung cầm tay Trọng Lâm bùi ngùi nói:
- Chúng ta coi nhau như bạn, đừng giữ lễ khách sáo. Cuộc gặp gỡ hôm nay thật là hạn hữu, làm cho tôi cảm động vô cùng. Sau này chúng ta chia tay nhau, chưa biết đến bao giờ được hội diện.
- Tiên sinh ăn ở lẫn với bọn hành khất, khác nào như hòn ngọc đem vùi vào đống bùn. Tài học như thế mà để mai một đi, thì đáng tiếc quá chừng. Nếu tiên sinh không chê chúng tôi là thô lậu, thì xin lưu lại đây ít lâu để dạy bảo chúng tôi thì thật là phúc đức vô cùng.
Kim Chung cúi đầu không nói gì.
Trọng Lâm nói tiếp:
- Chúng tôi phỏng đoán thì tiên sinh trong lòng còn chứa chấp một mối ẩn tình, nên tạm lánh cửa phồn hoa, xa nơi gác phượng sống chung với bọn hành khất mai danh ẩn tích, lưu lạc giang hồ. Hoặc vì sự nghiệp dở dang ôm tấm lòng hoài bảo, cao cả, tiên sinh bắt chước người gửi tâm sự vào gió sớm, mây chiều, mặc đời đảo điên, hay dở. Chúng tôi đã biết cầm quyển sách, cũng biết qua loa đạo lý của thánh hiền, thực không dám tiết lộ hành tung. Xin tiên sinh cứ thực thà giải bày tâm sự.
Kim Chung thấy Trọng Lâm khẩn khoản nói mãi, xem cách cư xử cũng ra vẻ là tay hào hiệp, nên đem gia cảnh của mình kể hết cho biết. Đoạn thở dài nói:
- Hiện nay tôi quả lâm vào bước đường cùng dẫu có chút tài học cũng không có dịp thi thố được. Công tử có mắt tinh đời lại thêm kiến văn rộng rãi, khiến tôi cảm phục vô cùng.
Trọng Lâm nghe chuyện, ngậm ngùi thương cảm khuyên giải Kim Chung rồi nói:
- Tiên sinh hãy tạm ở chơi ít lâu. Mấy hôm nữa tôi có người nhà sang An Phong chơi, tiện đường dò la tin tức Hồng cô nương một thể.
Thấm thoát được hơn ba tháng. Một hôm, Kim Chung đang ngồi xem sách trong buồng, chợt thấy Trọng Lâm hấp tấp đi vào nói:
- Tôi phải tạm xa tiên sinh ít lâu.
Kim Chung ngạc nhiên hỏi:
- Công tử đi đâu?
- Tôi phải lên Đường Lâm có chút việc.
- Nếu vậy tôi cùng đi với công tử cho vui.
Trọng Lâm lắc đầu nói:
- Đường xá hiểm trở lắm, tiên sinh là văn nhân, không biết cưỡi ngựa đi làm sao được, vả lại nhiều nơi thảo khấu vẫn còn hoành hành dữ dội, nếu không biết võ nghệ thì nguy hiểm lắm.
- Công tử đi một mình không sợ à?
- Tôi cùng đi với mấy người bạn, bản lĩnh rất giỏi, dẫu có gặp cướp cũng chẳng ngại. Chầy lắm là mươi hôm thì tôi về.
Nói đoạn, Trọng Lâm sai gia nhân thu xếp hành lý, vào nhà trong bẩm với mẹ rồi lên ngựa đi.
Kim Chung một mình ở nhà, ngày ăn hai bữa, lại nằm đọc sách, hay lửng thửng đi chơi quanh quẩn khắp làng. Một tối, chàng thấy trong người khó chịu, tắt đèn đi nằm. Một lúc bụng quặn đau, muốn đi ngoài. Lúc trở về, qua nhà bếp, chàng nghe thấy tiếng đàn ông cười đùa, chuyện trò, thoảng có người nhắc đến tên mình. Chàng dừng chân lại nghe. Một người nói:
- Anh có biết thằng ăn mày quê quán ở đâu không?
Có tiếng trả lời:
- Quê quán thì làm gì. Chỗ nào tốt ăn thì là quê hương bản quán. Anh còn lạ gì bụng dạ ăn mày?
- Nghe nói hắn học giỏi lắm mà?
- Chao ôi! Biết dăm ba chữ quèn, nay sa vào chĩnh gạo thì cơm no áo ấm. Nếu có tài đã chẳng phải gõ cửa thiên hạ.
- Không biết sao cậu Trọng Lâm quý trọng hắn lắm và coi như bậc thầy?
- Anh còn lạ gì tay bịp già, miệng lưỡi đưa đẩy, liến thoắng như khướu, trẻ người non dạ như cậu Lâm lại càng dễ tin lắm.
- Bà chìu cậu quá nên không nói gì. Chẳng biết anh thế nào, chứ tôi thì ngờ lắm, anh ạ.
- Ngờ thế nào?
- Biết đâu hắn chẳng là đồng đảng của bọn cướp nào, đến dò la rồi thừa cơ làm nội ứng. Anh thử nghĩ xem, đời này làm gì có tên ăn mày nào biết chữ, biêt làm thuốc bao giờ? Chúng ta ở với chủ, cơm ăn tiền lấy, cũng nên vì chủ mà bày tỏ sự lợi hại. Đến mai tôi thử nói qua với bà xem sao.
- Ông nói phải. Kể cũng đáng sợ lắm!
Đến đây Kim Chung nghe đã chán tai, thủng thỉnh về thư phòng. Chàng đặt mình xuống giường, óc vẩn vơ nghĩ ngợi, nẩy ra cái tư tưởng muốn rời khỏi chốn này. Chàng tự nhủ: “Mình đối với nhà này không phải thân thích gì, ở lâu cũng bất tiện. Tuy Bảo Thị và Trọng Lâm có lòng tốt, nhưng gia nhân bộc phụ có tính đố kỵ, đặt điều nói xấu mình. Riêng đối với Trọng Lâm, thì đời còn dài ắt sau này ta còn có dịp báo đáp lại. Đành rằng ta đi là phải, nhưng trong tay một đồng không có, lấy gì mà sinh sống? Không khéo lại phải quay về nghề cũ thì nhục nhã vô cùng. Chàng ngồi dậy, khêu ngọn đèn, thu xếp quần áo gói vào một bọc, rồi lấy giấy viết mấy chữ để lại cho Trọng Lâm.
Sáng hôm sau, chàng sai tên gia nhân là Vương Tam lên trình với Bảo Thị về việc mình sắp lên đường. Vương Tam đi một lúc rồi trở lại thưa rằng:
- Chủ mẫu không dám ngăn cản cuộc hành trình của tiên sinh, nhưng muốn đợi cậu Trọng Lâm về sẽ hay.
Kim Chung đáp:
- Bác lên thưa với chủ mẫu rằng tôi cần phải đi ngay, nếu đợi công tử về thì lỡ cả công việc.
Vương Tam đi một lúc, rồi trở lại tay cầm một bọc nặng, thưa với Kim Chung:
- Chủ mẫu tôi có 30 lạng bạc kính tặng tiên sinh làm tiền lộ phí, xin chớ có từ chối.
Kim Chung cầm tiền, gửi lời cảm ơn, đoạn trao phong thư cho Vương Tam dặn đưa cho Trọng Lâm, rồi khăn gói ra đi.
Một mình dong ruổi trên con đường cát bụi, chàng chỉ biết là đi thật xa đến một nơi nào có thể sống cho qua ngày. Với số tiền đó, chàng nhất định sẽ sắm một gánh hàng, quanh quẩn nơi góc chợ ven sông, miễn là có thể gây được một cuộc đời tự lập. Chàng mãi miết đi, quên cả mệt, đến quá trưa thấy đói bụng, bèn dừng chân nghỉ ở một quán bên đường, ăn lưng cơm rồi lại rảo cẳng đi. Nhưng chàng bỗng giật mình vì thấy trời đã ngã về chiều, chung quanh xóm làng thì xa, hàng quán không có, mà hai chân đã thấy mỏi đờ. Chàng đưa mắt nhìn bốn phía: đàn chim ríu rít gọi nhau về tổ, hoàng hôn đã dần dần nhuộm đen cả cây cỏ. Dưới góc cây đa cách chỗ chàng đứng, độ dăm chục bước, một toà cổ miếu ẩn hiện trong làn sương mù. Chàng rảo cẳng đến, đẩy cửa bước vào, bốn bề hiu quạnh. Tường vôi loang lổ, hương lạnh khói tàn. Khách tha phương dù can đảm đến đâu cũng phải rùng rợn khi thấy mình cô độc giữa cảnh tịch liêu của buổi chiều tà. Một con chim cu rúc lên một hồi dài, vỗ cánh phành phạch, một con vật thấy động tiếng chân người, vụt nhẩy ra ngoài cửa miếu rồi biến vào bóng tối.
Kim Chung khép chặt cửa lại, đặt gói bạc lên bệ, rồi ngã lưng bên cạnh, miệng lẩm bẩm khấn: “ Tôn thần linh thiêng, xin che chở cho đệ tử.” Thế rồi, mệt quá, chàng ngủ thiếp đi. Đang lúc mơ màng, chợt có tiếng kẹt cửa, rồi thấy một bọn con gái cầm đèn đi vào, người nào ăn mặc cũng lịch sự, mùi hương xạ thơm nức. Người đàn bà đi đầu, tay cầm lẳng hoa, phục sức như một cung nhân, lên tiếng gọi:
- Cha ơi! Tỉnh dậy, con đến thăm cha đây.
Kim Chung ngạc nhiên dụi mắt nhìn, bỗng kêu to:
- Kìa! Hồng Thanh, con. Cha khổ công đi tìm kiếm con mãi, ai ngờ gặp con ở đây.
Hồng Thanh nức nở khóc nói:
- Thưa cha, con bây giờ không phải là người nữa đâu. Con chết đã lâu rồi.
Kim Chung không bằng lòng đáp:
- Sao con nói gỡ thế? Nếu con chết rồi thì lẽ nào gặp được cha?
Hồng Thanh nín khóc, kể cho cha nghe sự tình ở chùa Tiêu Sơn, cho đến khi tới chùa Ứng Tâm, nàng lâm bồn rồi mất ở đấy.
- Mẹ con đâu?
- Mẹ con đã vui cảnh Tây Phương.
- Hiện nay con làm gì?
- Phật tổ thương con là người ngay thẳng, lại có lòng mộ đạo nên điểm hoá cho con rồi. Hôm nay con phải ra Đông Hải có việc, tiện đường con vào thăm cha.
- Lê Phùng ở đâu?
- Hắn đã đầu thai được mấy tháng nay.
- Cha bây giờ cũng chán cảnh đời, muốn gửi tâm sự vào tiếng mõ, câu kinh biết có nên chăng?
- Khi nào mãn kiếp, con sẽ đón cha về. Tám năm sau, cha lên đến Tiêu Sơn tìm cháu, khai sáng cơ nghiệp lâu dài.
Nói đoạn, Hồng Thanh quay ra, Kim Chung giơ tay toan nắm lại, bỗng có tiếng quát to:
- Chạy mau, có quỷ dạ xoa lại bắt.
Kim Chung giật mình tỉnh dậy, mới biết mình chiêm bao. Nửa tin, nửa ngờ, phân vân trăm mối tơ vò, vừa thương con gái, vừa ngán phận mình. Chàng chớp mắt một lúc nữa, thì vừa sáng. Ngoài cửa tiếng người lao xao, chân đi thình thịch. Chàng ngồi nhỏm dậy, khoác khăn gói vào vai rồi bước xuống đất, hướng về phía trong lạy mấy lạy, đẩy cửa ra ngoài, nhập bọn vơi người đi chợ.
Gần tới Gióng, chàng thấy mấy ngôi nhà bỏ không, nảy ra ý tưởng muốn lập một cái quán hàng cơm đón khách. Chàng vào làng ngõ ý với xã trưởng và hứa sẽ đóng thuế cho làng mỗi năm 60 mươi lạng bạc. Được dân làng bằng lòng, chàng tìm thợ sửa sang căn nhà, mướn đầu bếp và các tửu bảo. Khách buôn đi lại ăn uống rầm rập suốt ngày. Nhà cửa làm thêm ra mỗi năm một nhiều. Xóm “Lòng Lợn” trở nên sầm uất vui vẻ. Kim Chung gặp dịp thành ra giầu có. Vì giặc hãy còn xuất hiện ở một vài nơi trong hạt Đông Ngàn, nên muốn tránh những sự bất trắc xảy ra trong đêm tối, chàng đã dụng công tổ chức một hệ thống phòng thủ rất chu đáo. Bề ngoài thì hàng cơm nom có vẻ trang nghiêm thuần nhã, nhưng ở trong từ nhà bếp đến vườn hoa, những ổ canh phòng bí mật đã được xây đắp cẩn thận.
Buồng ngủ của chủ quán lại càng ghê gớm nữa, đó là cái bẫy chuột khổng lồ, kẻ nào đã sa vào thì đừng có hòng ra thoát. Buồng lát bằng ván gỗ, dưới là một cái hầm rộng xây bằng gạch. Khi bấm cái khuy nhỏ ở tường, ván gỗ thụt về phía sau, lộ miệng hầm rộng bằng mặt giường ở ngay cửa buồng ra vào. Đồng thời một then máy tung cái lưới bằng thép rất tốt buông thỏng từ miệng hầm xuống đất. Kẻ nào vô ý, đêm tối lần vào buồng thì sa ngay xuống hố, và nằm gọn trong lưới. Nếu kẻ đó dẫy dụa tìm cách thoát, tức làm rung động cái chuông báo hiệu, rồi một tửu bảo lực lưỡng đã chực sẵn ở đấy, chạy ra vẫy ít thuốc mê vào mặt. Địch thủ mê man, dù có binh khí cũng không làm gì được, đành chịu để bắt sống. Lúc đó tên tửu bảo bấm cái then máy, ván gác từ từ khép lại, che kín miệng hầm và hất tung cái lưới ra một bên, thằng người chui qua lọt ra miệng lưới…
Nhờ có cái bẫy chuột tài tình đó, mà nhiều kẻ gian phi đã bị bắt, và người khách khốn nạn mà ta đã gặp ở quán lúc ban tối, cũng chung một số phần.
Dưới ánh sáng tờ mờ của ngọn đèn dầu ta trong gian phòng bí mật, người khách bị trói chặt, nằm chổng gọng ở mặt đất. Kim Chung và tên tửu bảo đứng nhìn mỉm cười. Bỗng hai con mắt đều đổ dồn vào một cái bọc con bằng vải rơi gần đấy. Kim Chung nhặt lên, cởi ra xem thấy có một ít bạc vụn và một lá thơ đã nát nhầu, thủng nhiều chỗ. Kim Chung dở thư đọc, chỉ nhận được mấy chữ rõ như … “Trẩm huynh…cuộc đời lương thiện… Hồng Thanh lâm bồn và thở hơi… Dưới ký tên Thắng Bảo”.
Kim Chung đoán tên này chắc cũng dính líu đến việc Hồng Thanh, mà một sự ngẫu nhiên đã giúp chàng khám phá ra. Chàng quay lại nói với tửu bảo:
- Giải tỉnh.
Tên tửu bảo lấy ở trong túi một cái lọ con, mở nút dí vào mũi người khách, hắn vùng vẫy một lúc rồi lại nằm im. Tên tửu bảo xóc nóch hắn để ngồi vào cái ghế con đối diện với Kim Chung. Kim Chung cất tiếng nói:
- Nếu mày nói thực, thì ta sẽ tha cho. Bao nhiêu tài liệu về mày và đồng đảng ta đã nắm trong tay. Nếu không khai mau, ta sẽ tra tấn đến chết thì thôi.
Người khách nhìn Kim Chung bằng con mắt hằn hộc, rồi cười nhạt đáp:
- Mày ngu lắm con ạ! Tao đã bị mày bắt được thì chỉ có chết là xong. Mày có muốn biết tên tao không? Tao tên là Trẩm Tam, tướng cướp ở rừng ngang. Mày mang ta lên huyện giao cho Đào Cam Mộc thì sẽ được trọng thưởng con ạ.
Kim Chung giật mình, mặt tái đi, hỏi luôn:
- Chính bọn mày đã cướp phá thôn Liễu Trang ở An Phong cách đây non sáu năm phải không?
- Phải.
Kẻ thù ở trước mắt, Kim Chung chỉ việc vung con dao lên là rửa được oán cừu. Giòng máu hận thù đã cùng với thời gian đang nhạt dần thì bỗng nhiên lại sôi lên sùng sục.
Nhưng chàng cố nén giận hỏi:
- Mày có thù gì với họ Phạm mà nở đang tay thiêu huỷ cả cơ nghiệp của người ta?
- Sao mày ngu thế, con? Bọn lục lâm chúng tao chỉ lấy việc đốt nhà, giết người làm thú vị, có kể chi thù oán với ân tình?
- Mày bắt Phạm Hồng Thanh mang đi đâu?
- Định mang về trại làm vợ, nhưng lại bị thằng ôn vật nào đến phổng mất.
- Mày có biết Phạm Kim Chung không?
- Thằng đồ gàn ấy thì tao chỉ nghe danh nhưng không gặp lần nào.
- Sao mày lại bảo người ta là đồ gàn!
- Chứ không gàn à! Tự nhiên mua dây buộc vào người. May mà gặp Đào Cam Mộc là một vị quan nhân đức, chứ phải tay khác thì Kim Chung đã rơi đầu từ lâu rồi.
- Kim Chung cũng vì nước bày tỏ với Đào Huyện Lệnh một vài ý kiến về sự tòng quân, chứ có làm gì là phi pháp?
- Tao tuy làm nghề lạc thảo nhưng cũng tán thành công việc đó: hắn là người đọc sách mà dám kháng cự mệnh lệnh của triều đình thì chết cũng không nên oán.
- Nay đã hiểu thế, sao lại tụ họp nhau, cướp bóc dân lương thiện, chống cự với triều đình.
- Giang sơn là của chung trong thiên hạ, ai có tài đức thì được. Chúng tao kết nạp anh hùng, chiêu mộ binh sĩ, hễ thuận lòng thì phất cờ khởi nghĩa, được thì làm vua, mà thua thì làm giặc. Xưa nay chán vạn các vị đế vương cùng xuất thân ở đám lục lâm cứ gì chúng tao. Mày là thằng rửa bát hầu thiên hạ, hiểu sao được công việc của tiền nhân mà hỏi mãi.
- Tao không quen biết Kim Chung, nhưng nghe thấy nói là một người học thức có nhiệt tâm với quốc dân, sao mày lại phỉ báng người ta.
- Phỉ báng cũng chưa đủ, nếu tao gặp hắn thì quyết cho một lưỡi dao giết chết tên đồ gàn.
Kim Chung cắn chặt môi, cố nén giận, dằn từng tiếng nói:
- Hạng chúng mày uống máu người không tanh, chỉ lấy sự chém giết làm thú, không còn biết gì là cương thường đạo lý cả.
Trẩm Tam cười chế nhạo:
- Còn hạng mày thì biết nhiều nhỉ?
Đoạn hắn quay lại trợn mắt nhìn hai tên tửu bảo đứng bên cạnh hét to:
- Người đời chỉ vì danh lợi mà xô đẩy nhau vào vòng chém giết, chà đạp lên cả luân thường đạo lý. Tao tuy là giặc cướp, nhưng chưa đến nỗi mất hết lương tâm đâu. Chúng mày ngoài mặt thì làm ra vẻ hiền lành, tử tế, mà tâm địa độc hơn nọc rắn. Ngày thì niềm nở tiếp đãi khách hàng, đêm lại tìm mưu bóc lột kẻ giàu có. Tao sống không làm gì được chúng mày, nhưng sẽ làm ma thiêng moi ruột, móc gan chúng mày.
Kim Chung tái mặt, nghiến răng đứng phắt dậy. Một tên tửu bảo nhẩy xô vào giơ dao toan đâm. Trẩm Tam ngửa cổ cười khà khà nói:
- Mày cứ giết tao đi. Tao có phải là hạng tham sinh uý tử đâu!
Kim Chung sỉ vả:
- Thằng khốn nạn hãm hiếp vợ con người, đốt nhà cướp bóc của cải, ngươi chết thật là đáng.
Đoạn chàng hất đầu ra hiệu. Tên tửu bảo vung dao nhắm giữa ngực địch thủ thẳng tay đâm xuống. Bỗng Trẩm Tam hét to:
- Hãy khoan!
Tên tửu bảo dừng tay đưa mắt nhìn chủ. Kim Chung vẫy tay cười mĩa mai:
- Thằng khốn nạn sợ chết.
Trẩm Tam thản nhiên đáp:
- Mày nhầm rồi con ơi! Tao có phải là hạng người sợ chết đâu. Nhưng tao muốn rằng trước khi nhắm mắt, tao được mày hứa giúp tao một việc.
- Được, mày cứ nói.
- Chắc mày cũng biết Phạm Kim Chung ở thôn Liễu Trang?
- Có biết tiếng.
- Hay quá! Trong túi tao còn 2 lạng bạc vụn, mày lấy số tiền đó làm lộ phí sang bên Liễu Trang tìm ông ta.
- Để làm gì?
- Mày nói hộ rằng: tao, Trẩm Tam, tên tướng cướp rừng ngang rất hối hận vì đã làm tan nát gia đình ông ta.
- Sao mày chóng đổi thái độ thế?
- Thì tao đã bảo mày rằng, tao chưa đến nỗi mất hết lương tâm kia mà! Một đời tao tung hoành trong rừng xanh, chém giết người đã nhiều, nhưng đại đa số là những hạng trọc phú, bỉ ổi, những tham quan ô lại. Những việc đó, tao không hề hối hận chút nào. Riêng có việc của Kim Chung làm cho tao nhiều lúc phải nghĩ ngợi, ăn năn vì quá tay bạo động. Kể cả cái tính gàn dở ương nghạnh của lão thì đáng ghét thật, nhưng tài học uyên bác của lão thì ai cũng phải kính phục…
- Còn gì nữa, nói nhanh lên.
- Khi tao chết rồi, trên mộ tao, mày cho trồng một phiến đá con có khắc mấy dòng như sau: “Kẻ nằm dưới đây đã hối hận vì làm tan nát một gia đình lương thiện.” Thôi! hết rồi. Bây giờ cho phép mày được giết tao.
Đoạn hắn ung dung ngửa cổ đợi.
Kim Chung tự nhiên thấy cõi lòng xúc động, cúi đầu ngẫm nghĩ. Sự trả thù này thật là dễ dàng, nhưng chàng thấy nó hèn hạ, ti tiện, nhất là đối với kẻ đã biết ăn năn, hối lỗi. Sự căm hờn hằng bao nhiêu năm đè trĩu lên tâm hồn vụt chốc tiêu tan hết.
Chàng thấy mình nhẹ nhàng, sung sướng và muốn tha thứ cho kẻ thù. Chàng ngồi xuống ghế, mắt chớp chớp mấy cái để rơi vài giọt lệ.
Thốt nhiên, Trẩm Tam lại giục:
- Kìa nhanh lên, nóng ruột quá!
Kim Chung lặng yên một lát rồi đứng dậy tiến lại chỗ Trẩm Tam ngồi tiếp luôn:
- Hiền khế trông ta có giống Kim Chung không?
Trẩm Tam phì cười đáp:
- Một thằng nhu mày mà dám ví với một danh sĩ hạt An Phong. Mày không sợ thiên hạ người ta chửi cho à?
Kim Chung quay lại nói với tên tửu bảo:
- Cởi trói cho hắn.
Tên tửu bảo còn đang lưỡng lự thì Kim Chung lại giục:
- Mau lên!
Trẩm Tam được tự do. Hắn nhìn Kim Chung, ngờ vực, sợ lại bị lừa một chuyến nữa, nhưng Kim Chung đã ôn tồn nói:
- Tôi chính thực là Phạm Kim Chung, vì cơn gia biến nên phiêu bạt đến đây. Chẳng qua cũng là số mệnh xui nên. Tôi không oán trách gì hiền khế cả. Có một điều là hiền khế bị truy nã rất ngặt; phải cải trang khéo lắm mới thoát khỏi được bàn tay của thám tử ở huyện. Bây giờ quá giờ sửu, các người đi chợ cũng sắp sửa lên đường, hiền khế đi lẫn với họ, hễ qua được điếm canh cách đây non một dặm là thoát.
Chàng quay lại mở hòm lấy một gói bạc lớn để lên bàn, nói tiếp:
-Trước kia chúng tôi đang cảnh ba đào, được người giúp cho ba mươi lượng bạc, mà gây dựng được cơ nghiệp. Tôi xin đem số bạc này giúp hiền khế để xây đắp tương lai, và mong rằng hiền khế sẽ thành công như tôi.
Trẩm Tam bấy giờ mới tin là thực. Hắn cúi đầu xuống như xấu hổ, không dám nhìn mặt kẻ thù. Đối với hắn, Kim Chung bây giờ là hiện thân của tấm lòng cao cả vô biên, của tinh nhân loại siêu việt. Hắn tự nhận thấy mình khốn nạn và hối hận trót đã có một dĩ vãng xấu xa, đầy dẫy những hành vi vô nhân đạo. Người mà hắn coi như thù địch đã có một cử chỉ hào hiệp vượt quá sức tưởng tượng của hắn. Hắn cảm động quá suýt nữa thì ngã xuống đất.
Gà gáy lần thứ ba. Kim Chung vổ vai Trẩm Tam giục:
- Sáng rồi, hiền khế sửa soạn lên đường.
Trẩm Tam vụt nảy ra một ý nghĩ khác thường. Hắn cầm tay Kim Chung ngập ngừng nói giữa hai giọt lệ:
- Quý hoá thay tấm lòng cao cả của tôn ông. Bài học luân lý mà tôn ông vừa ban cho tôi thật là thâm trầm tế nhị. Tôi chưa phải là người mất hết lương tâm, nên đã biết ăn năn tội lỗi. Ngày nay bốn bể không nhà, tấm thân cát bụi đã dầy dạn sương gió, tôn ông có thể dung cho tôi ở đây, để trở lại cuộc đời lương thiện được không?
- Tôi e đời sống ở tửu điếm không vừa ý hiền khế.
- Mấy năm trà trộn với bọn lục lâm, tội ác đã nhiều mà chưa làm được việc gì phúc đức. May gặp được tôn ông lấy đức mà cảm hoá được người, khiến cho tôi lòng tràn ngập một tình thương nhân loại. Tôi xin phát nguyện ở lại hầu hạ tôn ông, ngõ hầu cải thiện đời sống và học hỏi ít nhiều về giáo lý của đạo Khổng.
Kim Chung cả mừng tiếp lời:
- Tôi đang mong được người bầu bạn sớm khuya, may mắn lại gặp hiền khế, thật là duyên trời.
Từ đó Trẩm Tam yên thân ở lại với Kim Chung.

*

Năm Canh Thìn (980) niên hiệu Thiên Phúc của Đại Hành Hoàng Đế. Ngài giáng chiếu cho thần dân biết và ban bố phóng thích các tù nhân. Các quan đại thần như bọn Đinh Diên, Nguyễn Bặc đem quân chống cự đều bị giết cả. Dân gian thì hoang mang không biết nên trung thành với nhà Đinh hay uốn gối tòng phục tân quân.
Ở miền Bắc, quân Tống lăm le vượt biên thuỳ để thôn tính nước ta. Dân chúng lo sợ bồng bế con cái, tránh nạn về xuôi, mỗi ngày một đông.
Một buổi sáng ở xóm “Lòng Lợn”, có ba chàng thanh niên đang ngồi uống rượu chuyện trò rất thân mật. Người ngồi quay mặt ra đường trạc độ 30 tuổi, mình mặc áo xanh, chân đi hài đen, sau lưng giắt một thanh bảo kiếm. Hai chàng kia nom còn ít tuổi hơn nhưng sức vóc to lớn: một người mặc áo màu hồng, còn người kia bận toàn sắc đen. Hai cây trường thương để ở góc tường, ánh sáng lấp lánh như bạc.
Lúc bấy giờ, Trẩm Tam ngồi ở quầy sai khiến tửu bảo, thấy ba người có khí phách hiên ngang, tính tình hào sảng, đoán biết không phải là hạng tầm thường, nên giả vờ tính toán tiền nong, nhưng tai vẫn để ý đến câu chuyện của họ.
Người mặc áo xanh đặt chén rượu xuống mâm, thở dài nói:
- Trong triều, loạn thần tiếm vị, truất bỏ ấu chúa. Ngoài biên cương, quân Tống mượn cớ để xâm lăng nước ta. Cái hoạ nhà tan nước mất có lẽ không tránh được.
Người mặc áo đen trợn mắt đáp:
- Giặc sang thì đánh, chứ sợ gì! Chúng có binh cường, tướng mạnh, dễ ta chịu kém à?
Người mặc áo hồng mỉm cười tiếp:
- Đành rằng đó là bổn phận của chúng ta, dẫu có phải xả thân ở sa trường cũng không oán hận gì. Nhưng Lê Hoàn lợi dụng lúc tiên đế mới thăng hà đem lòng thoán nghịch, gây hoạ đao binh với ngoại bang, thật đáng ghét vô cùng.
- Người gián tiếp gây ra cuộc động binh là Dương Hậu!
- Sao vậy?
- Nếu Dương Hậu không luyến ái Lê Hoàn, và đem ngai vàng dâng cho hắn, thì ấu chúa không đến nỗi bị phế, mà quân Tống cũng không có lý do xác đáng để xâm lăng nước ta.
Chàng thanh niên áo xanh giận dữ nói:
- Đó là lý do của kẻ mạnh. Họ định đánh mình thì thiếu gì cách. Nếu Lê Hoàn không tiếm vị thì họ lại viện cớ rằng Đinh Tuệ còn nhỏ không thể cai trị nước, cần phải để Tống triều cho quan quân sang giúp ấu chúa, tổ chức việc hành chính trong nước. Nếu ta từ chối họ sẽ can thiệp bằng binh lực. Việc Lê Hoàn làm rất thích nghi với hoàn cảnh nước ta hiện giờ, và phù hợp với nguyện vọng của dân. Nhưng ta chỉ thắc mắc có một điều là không biết tân quân có đủ binh hùng tướng dũng để ngăn giặc Bắc khỏi lan tràn không?
- Mặc cho quân Tống băm vằm mổ xẻ kẻ loạn thần. Đó cũng là một cách mượn tay ngoại bang để trả thù cho tiên đế.
Người mặc áo đen vừa nói xong, thì chàng thanh niên áo xanh đã rút thanh kiếm gõ xuống giường tiếp lời:
- Không được, nếu Lê Hoàn thua thì còn gì là giang sơn đất nước nữa. Nạn ngoại xâm đành là không thể tránh được, vậy thì ta phải đồng tâm hiệp lực đánh kẻ thù để duy trì nền độc lập cho tổ quốc. Nếu quả Lê Hoàn là người có tài đức xứng đáng làm chủ muôn dân, thì hà tất gì mà ta cứ tưởng vọng nhà Đinh mãi? Chẳng qua khí số nhà Đinh đã hết, nên mới sinh ra sự biến loạn trong gia đình, anh em chém giết lẫn nhau, và xui nên việc Đỗ Thích ám sát Tiên Hoàng. Bây giờ không phải lúc ngồi kể xấu Dương Hậu hay vạch tội Lê Hoàn. Ta hãy đợi xem tân quân tổ chức việc kháng chiến ra sao. Nếu quả hắn có nhiệt tâm với dân, với nước, nhất quyết bảo vệ giang sơn thì danh chính ngôn thuận, công nhiều mà tội ít. Bằng hắn ham mùi phú quí, định đem bán rẻ đất nước cho Tống triều thì lưỡi gươm này không khi nào để yên cho loạn thần ngồi trên ngai vàng được.
Trẩm Tam nghe mấy người nói chuyện với nhau, tấm tắc khen thầm, nhất là chàng thanh niên áo xanh, có một tư tưởng khoáng đạt, biết xót thương giống nòi. Trẩm Tam muốn thử gan ba người, liền giả vờ đập tay xuống quầy quát to:
- Tụi ôn con gớm thật, dám lăng mạ tân quân. Ta sẽ điệu các người lên huyện để trị tội.
Người thanh niên áo xanh cười gằn đáp:
- Ta lăng mạ tên loạn thần thì việc gì đến mày. Coi chừng kẻo ta xẻo lưỡi lúc nào không biết.
Trẩm Tam trợn mắt đáp:
- Ôn con, trông quả phật thủ của ta!
Nói đoạn, nhẩy phắt tới, hươi quyền đánh người thanh niên. Người này cũng không kém, xông vào ứng chiến liền. Hai người quần thảo đang hăng hái, thì bỗng có tiếng quát ở đằng xa:
- Vương hiền đệ, hãy dừng tay, có anh đây.
Chàng thanh niên nhìn ra cửa rồi kêu to:
- Phạm đại huynh!
Kim Chung hấp tấp chạy lại can hai người, cầm tay Trọng Lâm nghẹn ngào nói:
- Ai ngờ lại gặp hiền đệ ở đây, bá mẫu có được mạnh giỏi không?
- Gia mẫu mất đi đã lâu rồi, chốc nữa em sẽ nói chuyện cho anh nghe.
Kim Chung mời ba người vào trong, phân chia ngôi chủ khách xong xuôi. Trẩm Tam vái Trọng Lâm xin lỗi:
- Chúng tôi ngu dại, trót phạm đến tôn uy, xin đừng chấp.
Trọng Lâm cũng đáp lễ rồi nói:
- Chúng tôi quá nóng nên thất lễ với đại huynh.
Kim Chung hỏi chuyện. Trẩm Tam kể lại đầu đuôi rồi tủm tỉm cười:
- Chúng tôi thấy ba vị giàu lòng ái quốc, nên muốn thử tài nghệ đôi chút, thành ra lại gặp người quen. Vương huynh quả là tay vũ dũng siêu quần, chậm chút nữa thì tôi bị đánh ngã.
Mọi người cười ầm lên. Kim Chung hỏi Trọng Lâm:
- Bá mẫu mất hồi nào?
- Anh đi được năm hôm thì em tới nhà. Thấy gia mẫu cho biết anh về quê, em lại cưỡi ngựa sang An Phong tìm anh ở thôn Liễu Trang nhưng không thấy. Tết năm ấy, em lập gia đình, và được một trai năm nay đã lên bốn. Hai năm sau gia mẫu lâm bệnh rồi mất. Em buồn quá, mấy lần sai gia nhân sang An Phong hỏi tin anh, đều về không. Ngày ngày, em cùng vói hai người bạn là Quách Hải và Nguyễn Lâm luyện tập võ nghệ, hay ưu du những nơi thắng cảnh. Hôm nay chúng em sang Gióng để chiêm bái đền Đức Phù Đổng Thiên Vương, không ngờ lại gặp anh. Thật là may quá!
Kim Chung ngậm ngùi nói:
- Bá mẫu mệnh chung mà anh không được biết để sang chịu tang. Hiền đệ đừng nên chấp kẻ bội bạc này làm gì.
Trọng Lâm gạt đi:
- Anh rõ hay, đã không biết thì còn tội lỗi gì.
Kim Chung hỏi tình hình ở An Phong. Trọng Lâm ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:
- Em được tin Đào Huyện Lệnh có chiếu, dời vào kinh và hình như cả Tư Chiềng nữa thì phải. Có lẻ trung tuần tháng này thì quan mới đến nhậm chức. À! Anh có biết sư cụ Lý Khánh Vân không?
- Có, nhưng ít khi giao thiệp.
- Sư cụ đã viên tịch tháng chín năm ngoái và tháng một thì đến lượt sư cụ Thượng Lâm ở chùa Ứng Tâm.
Kim Chung thở dài nói:
- Cuộc đời của Thượng Lâm thật là kỳ dị. Một tay tướng giặc giết người không ghê tay, mà thay đổi được tâm tính, an phận ở cửa thiền, đáng kính thay! Ngẫm lại thân mình, năm nay đã ngũ tuần, nhân tình thế thái đã trải, cũng muốn vui cảnh từ bi, phóng khí hình hài, tiêu dao cùng tuế nguyệt. Hiềm vì còn vướng đứa ngoại tôn, hiện nay không rõ lưu lạc phương nào, và biết đến bao giờ mới gặp mặt.
Trẩm Tam cúi đầu, sắc mặt có vẻ bẽn lẽn. Trọng Lâm đứng dậy từ tạ ra về. Kim Chung hẹn sang chơi luôn luôn, rồi tiễn ba người ra cửa…
Hàng quán mỗi ngày mỗi phát đạt. Phần lớn là nhờ ở tài điều khiển công việc của Trẩm Tam. Kim Chung điều đình với dân làng mua thửa đất, và mượn thợ xây thêm mấy lớp nhà ngói nữa. Cả khu đất rộng ước độ năm sào, phòng ốc xếp đặt ngăn nắp, chạy chung quanh một cái sân rộng làm nơi luyện tập võ nghệ.
Trẩm Tam sai gia nhân đi các nơi mua ngựa tốt mang về, bắt mọi người phải tập cưỡi cho thành thạo. Ngoài công việc hầu hạ khách hàng, các tửu bảo phải thay phiên nhau cày cấy, kiếm củi, đánh cák, hay khai khẩn những mảnh đất bỏ hoang, và cho phép những vợ con của họ được làm nhà ở đấy. Nhờ có Trẩm Tam mà Kim Chung nghiểm nhiên làm chủ nhân một giang sơn nho nhỏ, và gây được uy tín với dân chúng quanh vùng Phù Đổng.
Một hôm Trẩm Tam bàn rằng:
- Hiện nay tình thế trong nước đang rối ren, tân quân chưa được toàn thể dân chúng qui phục. Ở miền Bắc, quân Tống đã tập trung rất đông ngoài biên giới. Nếu mai kia, ngòi lửa chiến tranh bùng nổ, vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) ắt phải đem binh chống cự ở mặt Bắc, những phần tử còn luyến ái nhà Đinh, sẽ lợi dụng tình thế, quấy rối ở thôn quê để làm hậu thuẫn cho Tống binh. Lúc bấy giờ, tính mạng con người không bằng loài sâu bọ. Quán hàng nhỏ xíu này khó lòng tránh khỏi nanh vuốt của chúng. Vài chục gia nhân không phải là một lực lượng hùng hậu để bảo đảm tài sản của chủ nhân đâu. Tôi tuy có chút võ nghệ, nhưng trong bọn lục lâm còn nhiều nhân vật cừ khôi, một bàn tay che sao nổi được mặt trời. Tôi xin hiến một kế mọn. Nếu chủ nhân cho phép, tôi sẽ gọi các bạn hữu của tôi về giúp chủ nhân. Trước kia, vì vấn đề mưu sinh nên họ bất đắc dĩ phải làm nghề lục lâm. Ngày nay họ đã lập gia đình và sống lương thiện bên cạnh đàn con nhỏ. Nếu cho gọi họ đến lập nghiệp ở đây; một khi có biến cố, họ muốn cho vợ con được an toàn thì phải nhất tâm giũu gìn trang trại, chủ nhân nghĩ sao?
Kim Chung gật đầu ưng thuận.
Trẩm Tam lập tức viết thơ sai gia nhân đi triệu tập các bạn cũ. Mấy hôm sau, chồng nào vợ nấy, con cái lốc nhốc gồng gánh kéo nhau đến.
Trẩm Tam sai dọn dẹp các phòng ốc để các gia đình ở, và hối gia nhân mổ lợn bầy tiệc tẩy trần. Trừ có Lương Công Xuý cáo bệnh không đến, còn Thắng Bảo, Phương Diện Tư, Cẩm Thái Hoà đều đủ mặt. Bữa tiệc hôm ấy thật là vui vẻ, mọi người hai ba lần đứng dậy tạ lỗi với Kim Chung, và thề xin hết lòng trung thành để chuộc lại lỗi xưa. Kim Chung cũng khiêm tốn nói mấy lời cảm tạ.
Kỳ thay! Đang là cựu thù mà thành ra bạn tâm giao. Đó chẳng phải là do tính tình hào hiệp của Kim Chung đã cảm hoá được lòng người sao?
Thấm thoát được 8 tháng, đến tháng 3 năm Tân Tỵ (981), vua Lê Đại Hành phá tan quân Tống ở Chi Lăng. Toàn dân thẩy đều vui mừng, hoan hô vị anh hùng đã gỡ được mối nguy cho đất nước, và duy trì nền độc lập trên toàn cõi lãnh thổ.
Từ những đô thị lớn đến các làng hẻo lánh, đâu đâu cũng thấy mở hội ăn mừng ngày chiến thắng. Sau đó, hình ảnh của vị vua “bông lau” cũng mờ dần trong ký ức của mọi người.