Mấy sáng nay, trời thật dịu. Dường như tháng Giêng đã dùng một cái rây lọc khỏi mặt trời những tia gay gắt, ánh nắng chỉ còn rớt nhẹ một màu mật vàng ươm sóng sánh đầy khung cửa. Nó âu yếm đưa mắt nhìn bầy sẻ đang ríu rít bên cột điện. Giờ giải lao, lớp ồn ào như chợ vỡ. Vân lách vào chỗ, miệng lầm bầm: "Rắc rối!" Nó rời khung cửa, nheo mắt "Sao!" Vân dài giọng:
- Còn sao nữa, ông Khôi đó, lúc bảo không lúc bảo đi - Rồi lăm lăm cây bút trong tay, nhìn nó - Còn Thục Anh nữa, quyết định xong chưa?
Nó cười nhăn nhó:
- Thằng Bin.
Vân cắt ngang:
- Tưởng gì, vậy bù qua thứ sáu, đi có hai ngày thôi mà, vậy nha - Vân đẩy xấp tiền qua nó, cười nịnh - Xếp dùm Vân đi. Ê lớp trưởng, vụ xe cộ ông lo đến đâu rồi.
*
Nó lôi cái ba lô ra, tỉ mỉ lau sạch bụi rồi xếp vào mấy bộ đồ, thêm cái váy hoa xanh, tưởng tượng cảnh lang thang trên biển. Không biết cảm giác sóng dạt vào và cát mịn tan ra dưới chân sao nhỉ! - và một chàng trai đi bên cạnh? Nó rùn vai khi thấy chàng trai đó mang một cặp mắt kiếng cận. Vặn đồng hồ, Vân đã dặn đi dặn lại: "5 giờ nghen, Vân qua chở Thục Anh đi mua bánh mì!" Đúng là làm thân con gái! Nhưng nếu cho mình chọn, thì mình vẫn thích làm con gái hơn. Cây ngọc lan nhà bên lùa vào căn gác nhỏ một mùi hương dịu dàng, nó chìm dần vào giấc ngủ.
*
Ra khỏi thành phố độ 10 phút mà trên xe vẫn nhốn nháo không thể tả. Tiếng la hét, cười giỡn ồn ào. Những trái táo được thảy khắp nơi. Nó vuốt lại mái tóc rối bung vì gió, lấy kính ra đeo vào. Diễm quay xuống.
- Kính đẹp qua ta, mua bao nhiêu vậy!
Nó lúc lắc không biết, mẹ mình mua. Liếc qua thấy Khôi đang nhìn mông lung ra cửa xe, nó bỗng thắc mắc không biết lúc này, nét mặt Khôi như thế nào nhỉ.
*
Nét mặt Khôi luôn buồn buồn, lặng lẽ. Có lẽ vì vậy mà ngay từ những ngày đầu nhập học, nó đã chú ý tới Khôi. Nhất là sau cái bận nó không có tiền lẻ, xe đằng sau ùn ùn một đống bóp còi bin bin, may sao có người can thiệp: Tôi gửi tiền giùm bạn ấy luôn. Nó quay lại, bắt gặp một cái nhìn rất hiền sau cặp kính, lúng túng cảm ơn.
Trong lớp, Khôi luôn ngồi gần cửa sổ, và ít nói một cách lạ kỳ. Nhưng bũa nào cũng nhớ nhúng khăn lau bảng. Rồi mỗi lần gặp ở cầu thang, không hiểu sao tim nó lại đập khác thường.
Xe xóc thật mạnh, Vân la lên nho nhỏ, đưa tay bụm lấy miệng. Nó vội vã đưa cho bạn cái bịch, an ủi: sắp tới rồi. Hai bên đường, nhà cửa thưa thớt, mấy đứa trẻ con cởi trần đen nhẻm đứng thơ thẩn, mắt mở to, trong veo. Mẹ bảo "Thôi đi con gái, thơ văn như ba cô có đẻ ra đồng nào không!" Và nó nộp đơn vào Ngoại Thương. Khôi cũng có lần cười: Thương ngoại mà không thương nội. Từ lên năm hai, Khôi thưa đến lớp hẳn rồi thì mỗi lần thi mới thấy mặt. Tụi bạn kháo nhau: "Thằng cận nó im im mà lanh ra phết, làm cho công ty nước ngoài, lương cao lắm" "lương cao rồi bỏ học sao" đứa khác vặc lại - Mày học làm gì cũng để ra trường đi làm kiếm tiền thôi!
Nó bỏ dần thói quen nhìn về cửa sổ, nhưng thấy vắng vắng thế nào. Khôi không còn đến mượn nó những cuốn sách, cũng không chìa cho nó xem những bức vẽ nghệch ngoạc. Khôi bây giờ khác lắm, chỉ toàn mặc jean hiệu Guess hay Tackbon với cái máy nhắn tin kêu bíp bíp.
Xe lịch xịch rồi dừng hẳn. Một giọng hồ hởi kêu lên "Tới rồi!" Mấy chục cái đầu đồng loạt ló ra khỏi xe. Ôi, cái màu biển xanh thăm thẳm trong ánh mắt tinh khiết. Nó lay bạn "Vân ơi, biển!"
Cả đám lục tục nhảy xuống xe, guốc dép gom lại một đống - đủ mở một shop giày da thời trang - nó mỉm cười với ý nghĩa này, ngồi xuống một gốc dương thong thả gỡ lại mái tóc. Bỗng dưng cảm thấy một tia nhìn rất nóng, nó quay lại. Khôi hơi bối rối nhưng vẫn giữ nguyên ánh nhìn "Biển xanh quá?" Nó xuýt phì cười. Diễm chạy lại: "Khôi ơi đợi với, nóng chân quá ". Lớp trưởng chạy ngược chạy xuôi, mặt đỏ lựng:
- Yêu cầu không được ra xe, mỗi nam kèm một nữ!
- Hay một nữ kèm một nam - Khánh An chanh chua đáp lại. Tiếng cười vỡ ra, át cả tiếng sóng biển, Vân đã thay cái quần short đỏ chạy lại, mặt tươi rói. - Sao còn ngồi đó hở cô nương!
*
Đánh vật hết nửa tiếng đồng hồ, rốt cuộc đám con trai cũng thắp được ngọn lửa trại. Và lúc này, ngọn lửa đã bừng lên soi rõ mấy mươi gương mặt sáng rỡ. Đêm yên lặng và mênh mông, chỉ có tiếng sóng biển êm êm, hàng dương như lao xao một nỗi khát khao thầm kín. Hưng xuýt xoa:
- Làm sao bảy triệu người có thể chen chúc nhau trong những căn nhà bé tí, hít thở cùng một không khí đầy bụi và khói nhỉ?
Một giọng nữ cao vút:
- Để coi ra trường ông có ở lại thành phố không.
Lại cười. Cây guitar được chuyền tới Khôi. Khôi đón lấy, giản dị: "Nhạc Thanh Tùng nghen" rồi bấm vài nốt, giọng trầm trầm: "Mùa xuân đến, đạp xe trên phố, tóc xõa vai mềm. Mùa xuân hát."
Nó dựa hẳn vào vai Vân, nghe Lam thì thầm: "Ông Khôi bỏ việc rồi". Khánh An tỏ vẻ am hiểu: "Cự với xếp làm gì, cứ nhắm mắt lại là xong!"
Vậy là Khôi đã không thể nhắm mắt! Nó ngước lên, trăng 14 tràn trề một luồng dịu mát. "Mùa xuân lại đến với những tiếng hát bát ngát, với những con người, cuộc đời mang con tim say trong tương lai." Nó lẩm nhẩm hát theo, Vân huých vai nó: "Ra song ca đi". Trăng đã lên hẳn, dát xuống mặt biển những mảng bạc lấp lánh rực rỡ. Không ai bảo ai, cả bọn đứng dậy lếch thếch quàng vai nhau đi ra biển. Nó loay hoay với cái váy dài, ngẩng lên đã thấy Khôi. Con ốc biển trên tay Khôi trắng tinh: "Thục nghe đi!" Nó đón lấy con ốc, cẩn thận áp tai vào, ôi thật kỳ diệu! Khôi cho hai tay vào túi quần, di di cát dưới chân.
- Khôi tặng Thục đó, có lần Thục bảo giá mà có con ốc - mang - tiếng - sóng - biển đặt ở bàn học mà!
Nó gật dầu, nhưng lúc đó, nó tưởng loài ốc này không thật, rằng nhà văn đó chỉ viết cho thơ mộng thế thôi. Khôi nhỏ giọng:
- Thật ra Thục nói gì, Khôi đều nhớ hết.
Nhưng còn nó, nó đã phải tập quên đi nhiều thứ. Song lúc này đây, tia nhìn Khôi ấm áp rọi lên tai, ngó lơ ra biển.
Sóng mơn man và cát mịn tan ra dưới chân, êm êm. Đúng là có tiếng sóng biển thật!