Khi gió bấc lùa về là mẹ tôi lại húng hắng ho. Mẹ dùng qua loa vài viên thuốc cảm, và cứ thế mẹ không bỏ sót một buổi chợ nào. Vời đôi quang gánh kẻo kẹt trên vai, tiếng mẹ tan trong sương sớm:
- Ai... xôi bắp, xôi đậu xanh hôn...
Lâu ngày, tiếng rao đã trở thành lời ru êm đềm và ngọt ngào giữa lòng tôi. Và tôi đã lớn lên nhờ tiếng rao miệt mài ấy. Tôi mồ côi cha năm lên năm tuổi. Gần mười năm lặn lội nuôi con, mẹ tôi nay đã già yếu đi nhiều. Làn khói bếp từ canh gà thứ nhất đã hong lên tóc mẹ nhiều sợi bạc. Canh gà thứ ba mẹ cất gánh hàng nặng trĩu lên đôi vai gầy còm, bước những bước chân xiêu vẹo ra khỏi nhà. Gánh hàng vơi dần khi vầng trán người nhuể nhoại mồ hôi... Ngoài việc học tập, tôi chỉ biết giúp mẹ vài chuyện lặt vặt như quét dọn, nấu cơm, còn mọi công việc khác mẹ giành làm tất. Biết phận nhà nghèo, tôi tự hứa với lòng phải cố gắng học hành và chi tiêu tiện tặn.
Nhưng mùa đông năm nay, cái rét cứ kéo dài. Những cơn ho của mẹ thêm dài dẳng và dày hơn. Những viên thuốc đắng, những nồi lá xông, những mũi chích lể vẫn không đủ sức đẩy lui cơn bệnh của mẹ, nhưng mẹ không chịu bỏ sót một buổi chợ nào:
- Mẹ không cố gắng đi bán thì lấy tiền đâu sinh sống và thang thuốc đây con. Bệnh mẹ vẫn y như mọi năm, rồi mai mốt mẹ sẽ khỏi thôi.
Nhưng lực bất tòng tâm, mẹ tôi đã sốt mê man vào một đêm mưa gió. Cô y tá Lan cuối phố vội giục tôi đưa mẹ đến bện viện và người ta giữ mẹ luôn ở đấy. Lần đầu tiên, tôi tự viết giấy phép xin nghỉ học để nuôi mẹ bệnh. Không hiểu nhà trường có chấp nhận cái giấy phép ngoại lệ này không. Nhưng mẹ - người thân duy nhất của tôi - đang nằm liệt giường và nhất là tôi không muốn mẹ tôi phải lo lắng về việc nghỉ học của tôi... Bác sĩ bảo mẹ tôi bị lao cấp tính, thời gian điều trị không lâu nhưng tiền thuốc khá nhiều. Vét hết số tiền còn lại trong nhà tôi vẫn chưa đủ đóng lệ phí nhập viện. Cũng may dì Chín bán cháo lòng ở cuối chợ cho tôi mượn tạm một trăm ngàn nhưng với điều kiện phải trả gấp bởi đấy là tiền chơi hụi cần phải đóng đúng hẹn cho người ta.
Tôi yên lòng khi thấy mẹ tôi chóng bình phục sau một tuần nằm bệnh viện. Nhưng niềm vui vừa chớm thì nỗi buồn thấn thía kéo đến với mẹ con tôi, nguồn tài chánh gia đình tôi đã khánh kiệt và nợ nần đã ngày phải trả.
Tôi như người mất hồn khi trở lại với trường lớp. Những con chữ đôi khi chao đảo, hoa đi và biến mất trước mắt tôi. Tâm trí tôi bề bộn trong mối ưu tư đào đâu ra tiền để giúp mẹ tôi... Trên đường về, tôi đăm chiêu nhìn theo những em bé bán vé số...
Về đến nhà, nhìn mẹ còn quá xanh xao bên bữa cơm chiều đạm bạc với chén nước mắm, dĩa rau muống luộc, mẹ tôi lấy gì bồi dưỡng để chóng lại sức đây? Tôi không cầm được nước mắt, ôm đôi bờ vai xương xẩu của mẹ vào lòng. Mẹ tôi buông tiếngt hở dài rung giọng:
- Mẹ Nghĩ chẳng còn cách nào hơn ngoài việc bán một số vật dụng trong nhà. Mẹ còn một xấp vải trắng định để giành may áo dài cho con khi con vào cấp III và một cái áo len của mẹ...
- Nhưng mẹ ơi, rồi mẹ sẽ lấy gì mặc trong những ngày đông lạnh lẽo như thế này?
- Mẹ sẽ mặc nhiều áo thường cũng được. Việc trước mắt là phải có tiền trả nợ. Dì Chín đã quá tốt khi ứng tiền cho chúng mình mượn lo thuốc thang, mình không thể khất nợ khi biết rằng dì ấy cũng nghèo như mình.
- Mẹ tính thế cũng được, nhưng trước hoàn cảnh khó khăn này, con muốn tạm nghỉ học một thời gian để đi bán vé số, phụ giúp mẹ một tay.
- Không được! - Mẹ tôi cao giọng -Trước khi nhắm mắt, cha con từng căn dặn mẹ phải nuôi con ăn học thành tài, mẹ đả hứa và không thể thất hứa trước vong linh của cha con được.
-Nhưng con có nghỉ học luôn đâu. Rồi một ngày nào đó con sẽ trở lại trường kia mà.
- Mẹ đã bảo không được là không được!
Sau bữa cơm, tôi vội dọn rửa chén bát và lấy những tập vở của nhỏ Kỳ cho mượn để chép nốt số bài vở mà tôi còn thiếu trong tuần lễ nghỉ học vừa qua. Tập vở Sử của nhỏ Kỳ được bao bằng tờ giấy báo ảnh tuyệt đẹp, tôi lần mở ra xem. Bỗng hai tờ giấy bạc hai mươi ngàn đồng rơi ra. Tôi ngơ ngác đến sững sờ trước số tiền này. Trước hoàn cảnh quá bi đát của gia đình, tôi muốn mượn tạm số tiền này quá. Nếu được vậy, ít nhất chiếc áo ấm của mẹ tôi sẽ không phải vĩnh viễn ra đi. Nhưng khi nhìn tấm chân dung cảu ba tôi khi đọc được những ý nghĩ không mấy trong sáng của tôi. Mẹ tôi thường nói, cha tôi là một nhà giáo mô phạm, ước nguyện của ông là tôi sẽ trở thành người tốt về tài năng lẫn đức độ...
Chẳng lẽ vì một phút yếu lòng tôi lại phạm một sai trái trước lương tâm. Tôi vội đặt xấp tiền vào vị trí cũ cố vùi tâm trí vào việc chép bài...
Sáng hôm sau đến trường, tôi tìm trả lại nhỏ Kỳ những tập vở và không quên nhắc nhỏ về số tiền nói trên. Nhỏ Kỳ ngạc nhiên:
- Có thật hay không?... À, mình nhớ ra rồi, số tiền này là do chú mình lì xí dịp đầu năm. Vậy mà mình quên khuất. Nếu mà cậu không nhắc đến, só lẽ mình cũng quên luôn rồi... Thôi thế này nhen, chiều nay hai đứa mình đi nhà hàng “chén” hết số tiền này, chịu không?
Trước giọng điệu nhà giàu của nhỏ Kỳ khiến tôi đâm tủi mình giận người, tôi buông hai tiếng "cám ơn" và vội bỏ đi. Kỳ giương mắt ngơ ngác nhình theo tôi.
Sáng nay chủ nhật, mẹ tôi đã giặt sạch và ủi láng cái áo bông duy nhất của mẹ. Mẹ xếp nó trên xấp vải lụa trắng tinh trong một chiếc giỏ. Mẹ luyến tiếc nhìn chiếc áo ái ngại:
đây là kỷ vật mà ba con đã tặng mẹ vào một dịp sinh nhật của mẹ, giờ phải bán đi thật tiếc.
- Mẹ ơi, chiếc áo tốt như thế này, bán đi thì dễ, nhưng sắm lại thật khó, hay là mẹ để con bán chiếc áo len của con, mẹ nhé?
- Không được, áo của con không cao giá bằng áo của mẹ. Rồi lấy đâu đủ tiền trả nợ và gây vốn sinh sống đây con? Thôi, con cứ nghe theo lời mẹ, đem cái áo và xấp vải này ra chợ trời dọ giá bán giúp cho mẹ. Mẹ phải cử gió máy vài ngày để đủ sức đi buôn bán tiếp.
Tôi nuốt nước mắt xách chiếc giỏ từ tay mẹ trao đi ra đến cổng, tôi vui mừng khi nhận ra cô giáo Tâm và bảy nhỏ bạn cùng lớp đang tươi cười tiến về phía tôi. Tôi loay hoay mãi chưa biết phải chào cô và các nhỏ bạn như thế nào cho phải phép thì cô Tâm đã lên tiếng:
- Em Hiền định đi đâu đó? Có mẹ em trong nhà không? Cô và các bạn đến thăm gia đình em đây.
Nghe tin, mẹ tôi vội lên nhà và niềm nở:
- Ôi, quí hoá quá, chẳng mấy khi cô giáo và các cháu tới chơi. Hiền, con hãy pha trà mời cô giáo và các bạn đi con! Mời cô giáo cà các cháu ngồi tạm vào đây.
Cô Tam đến bên mẹ tôi:
- Nghe tin bác vừa bị bệnh nặng nên chúng cháu đến thăm. Bác cảm thấy đỡ hẳn chưa?
- Cám ơn cô, bệnh của tôi đã lành rồi, nhưng tôi còn thấy hay xây xẩm và yếu lắm.
Cô Tâm đặt một quà khá lớn lên bàn và nói:
- Chẳng dám giấu gì bác, nghe nói nhà bác vừa neo đơn vừa khó khăn, học trò lớp cháu, kẻ ít người nhiều góp lại để đem biếu bác một ít quà và số tiền nhỏ gọi là chút tình tương trợ, xin bác nhận cho.
- Ấy chết, các cháu còn ăn học, làm gì ra tiền mà cho bác hậu thế này... Thôi để bác nhận sữa và cam, còn số tiền này bác xin gởi lại và xin chân thành cảm ơn cô giáo và các cháu.
- Không sao đâu bác, đây là chút lòng tốt của các em đối với bác và em Hiền. Xin bác hãy nhận cho các em nó vui...
Trước những lời chí tình của cô Tâm và các bạn đồng lớp, mẹ tôi bằng lòng nhận quà với hai dòng lệ lăn nhanh trên đôi gò má hốc hác. Nói dăm câu chuyện, uống đôi chén nước, cô giáo và các bạn tôi đứng dậy kiếu từ.
Phong thư đựng đến một trăm ngàn đồng. Thế là mẹ tôi đủ tiền trả nợ cho dì Chín. Nhưng còn tiền vốn để mẹ tôi còn tiếp tục buôn bán nữa, mẹ tôi cương quyết nói:
- Mẹ tính bán cái áo bông của mẹ, còn xấp vải của con nên giữ lại.
Tôi không dám cãi lời mẹ, nhưng đã có ý định khi ra đến chợ, tôi sẽ bán xấp vải thay vi bán chiếc áo. Ðến khi về mẹ có mắng, tôi sẽ nói: "Người ta chê áo mẹ cũ quá ", thế là yên chuyện...
Vừa ra đến cổng, tôi đã gặp nhỏ Kỳ:
- Ê Hiền, cậu đi đâu đó? Mình có chuyện muốn nói với cậu.
Thực sự Kỳ chỉ là bạn hàng xóm của tôi, tuy hai đứa học đồng nhau nhưng khác lớp. Nhớ lại những lời nói dẫu vô tình của nhỏ Kỳ vào chiều hôm qua, lòng tôi vẫn còn mang một nỗi buồn giân vô cớ:
- Mình định ra chợ bán cái này, bạn có gì cứ nói đại ra đi!
- Ừ, mình mớ vừa nghe mẹ cậu bệnh nặng... Mình muốn đến thăm bác và định... gởi bạn một số tiền nhỏ để giải quyết bớt phần nào khó khăn của gia đình bạn.
Vừa nói, nhỏ Kỳ vừa nhét vào ta tôi một phong thư:
- Số tiền bốn mươi ngàn này, nếu không có bạn phát hiện thì mình cũng quên luôn. Hôm qua, mình tưởng bạn nghỉ học vì những chuyện bình thường nên có những lời nói vô tình có lẽ làm bạn buồn... mình xin lỗi bạn và mong bạn không từ chối nhận số tiền này gọi là chút lòng thành của mình...
Tôi sững sờ nhìn vào mắt Kỳ, đôi mắt trong sáng, chân tình khiến tôi không nói được lời nào. Tôi ôm nhỏ Kỳ vào lòng với đôi dòng lệ ấm sung sướng, tôi nghẹn ngào:
- Cám ơn bạn vậy mà mình đã hiểu lầm về bạn... Bọn mình sẽ mãi mãi là bạn tốt của nhau Kỳ nhen.
Tôi với tay lấy từ trong giỏ xách của mình ra một xấp lụa trắng thả dài xuống người tôi và nói:
- Xấp vải này coi như của bạn tặng mình đó. Kỳ ngơ ngác nhìn tôi không hiểu...

Nguyễn Duy Tẩm


Xem Tiếp: ----