Cũng tại bác Ba Hiền, mượn ghe nhà tôi đi bán bí đao cả tháng trời mới đem trả. Bây giờ có dầu trong dầu chai đầy đủ nhưng mưa hoài, hổng có miếng nắng làm sao kéo ghe lên bờ để trét chai, để quét dầu trong được. Ba tôi cười trừ khi bác Ba chống ghe qua trả: “Phải chờ qua mùa mưa – sang mùa nắng coi con nước rồi mới tính”. Ba tôi lúc nào cũng dễ dãi như vậy đó. Còn má tôi, có giận lẫy nhưng không nói vì còn một lẽ khác: má tôi thích con Nhi, con gái lớn của bác Ba. Năm nay nó học lớp 11, hơn tôi một lớp. Tôi không ưa con nhỏ đó. Nói thiệt tình là tôi ghét nó. Ai biểu nó giỏi, nó siêng, nó chăm chỉ, nó ngoan hiền làm chi? Từ thời còn học lớp 6-7, hở một chút là tôi bị má rầy: “Trời ơi, con với cái. Lớn tồng ngồng mà còn đi nhảy dây thun, không lo học hành, không lo dọn dẹp nhà cửa gì ráo trọi...” Nhưng tức nhất vẫn là lúc má tôi so sánh này nọ: “Mày thấy con Nhi hông? Có lúc nào nó để cho tía má nó la rầy hông chớ? “ (sao mà tôi biết được nó có bị rầy rà, mắn mỏ hay không. Biết đâu tại tía má nó không la lớn như má tôi rồi sao!) Tôi tự an ủi lòng để khỏi trả lời “tiếng qua tiếng lại” dễ bị má tôi cho ăn chổi chà. Về tới bến, cặp ghe bên sàn nước, tôi lấy tấm sạp mũi bắt lại cho ngay ngắn. Cơn mưa đã dứt hạt. Trong nhà có tiếng nói cười. Ðúng là giọng nói của Huy. Tôi đâm sanh nạnh: “Ðể ảnh bưng mấy bao gạo lên”. Sau khi gỡ cột chèo để xuống lườn ghe, tôi vác cặp chèo te te lên bến. Phần vì lạnh, phần vì run, chưa kịp dựng cặp chèo tôi đã trượt chân cái “ạch”. Mấy đứa em tôi chạy ra: “Ha... ha... chị Ba chụp ếch rồi má ơi!” Tôi bặm môi, trợn mắt hăm he tụi nó. Cùng lúc, anh Huy từ dưới bếp đi lên thấy tôi ngồi bẹp dưới đất bên cạnh hai cây chèo. Nhìn xuống bến, thấy ghe chất đầy đồ. Anh hất hàm dò hỏi: “Ðem lên hông?” Tôi gật đầu. Anh bước xuống bến. Một người từ trong nhà bước theo sau lưng ảnh với cái đầu có mái tóc dựng đứng. Hắn nhìn tôi tỏ ý chào. Tôi gật đầu rồi gượng đứng lên dẫu rằng cái giò phải đang bị vọp bẻ. Tôi bước cà nhắc, sượng sùng. Ngang qua nhà bếp thấy mấy cái chai đã rửa sạch dốc ngược trên kệ, kế bên là thau bột đã nhồi sẵn còn đầy, mấy cái cung xắt bánh để trên cái thau bột, tôi biết chút nữa mình sẽ được tiếp má nấu bánh canh. Vội vàng tắm cho có, tôi lủi vô bếp. Trái dừa khô đã được lột vỏ và cạo sạch xơ. Tôi cầm trái dừa úp hai cái mắt ngược xuống. Giơ sống dao nhắm ngay giữa trái dừa, “bụp” một cái, trái dừa tét hai miếng “như ý”. Nạo chưa xong miếng dừa đã thấy ông anh và ông khách sà xuống bên bếp lửa đòi làm tiếp. Chẳng lẽ cho ảnh nạo dừa, còn ông bạn của ảnh thì ép bột lên chai. Tôi cũng muốn nạnh hẹ anh Huy nhưng thấy kỳ kỳ. Tôi chỉ mấy cái chai, anh Huy quay qua người bạn ướm hỏi: “Ê, Tín đầu đinh, mày thử tay nghề tao coi, duyệt hay không là do anh Huy của mày nè!” Ông bạn liếc nhìn tôi thật nhanh, rồi cười trả miếng: “Anh Hai ơi, để đó Tín làm cho. Bảo đảm với anh là hai đứa tui sẽ hoàn thành nồi bánh canh một cách tuyệt hảo”. Nghe tiếng "hai đứa", tôi biết hắn ám chỉ ai rồi. Làm như vô tư, tôi lấy mũi dao cạy một miếng dừa, vừa nạo vừa nhai rệu rệu cho bỏ tức. Má biểu tôi lấy cái cà-mên đựng bánh canh đầy hai ngăn. Múc một dá nước cốt dừa chế lên lớp mặt, rắc thêm ít tiêu xay. Má nhìn tôi dò hỏi. Còn tôi biết tỏng là má sẽ đem qua nhà ai (đã nói là tôi hổng ưa con nhỏ đó, tới bây giờ cũng chưa ưa. Thế nào rồi má cũng sai mình đem qua đó thôi). Tự nhiên má tôi kêu anh Huy: “Huy à, đem qua cho bác Ba Hiền đi con”.. Anh Huy hú bạn. “Ðầu gáo” (bạn ảnh kêu ảnh như vậy. Nhìn đầu ảnh cũng giống cái gáo múc nước lắm chứ!) xách cà-mên, đầu đinh theo chân bạn và cả hai thoăn thoắt bước qua cầu khỉ. Anh Huy thích cô bạn nhà ở Cái Răng. Thị trấn này cách Cần Thơ vài cây số nên mọi sinh hoạt y chang như ở chợ. Công nhận chỉ đẹp. Da trắng, tóc ngang vai đen tuyền. Môi son. Mắt to long lanh, mơ mộng. Trong trường nhiều người trồng cây si nên vẫn chưa rõ ai là người đầu tiên nắm tay chỉ. Chỉ tên Dung. Theo như lời anh Huy kể thì chị ấy tự kêu lắm. Nhưng con gái “càng kiêu càng có giá”, càng là “mục tiêu” để đeo đuổi “phấn đấu đạt được” của mấy chàng, trong đó có ảnh. Kệ, cứ đeo. Thắng thua hạ hồi phân giải. Chỉ lãng mạn ghê. Chỉ đố sẽ kết môđen với người hái tặng hoa vông. Vì lời thách đố “không giống ai” mà cả chục tên si tình đã tự động rút lui. Anh tôi hiếu thắng và can đảm nên đâu có dễ dàng bỏ cuộc thi hấp dẫn và kỳ cục này. Vả lại, đâu cần phải đi xa mà tìm kiếm. Ngay sau hè vườn nhà bác Ba Hiền là một cây vông cổ thụ. Ruột nó bộng thang, trống rỗng làm thành cái hang cho mấy con mèo hoang trú mưa và ngủ tối. Tán lá rộng che bóng mát cho mấy ngôi mộ đá cổ của ông bà xưa. Tôi ủng hộ anh tôi. Nếu không anh Huy nghe lời má thì sao? Dẫu biết rằng hoa vông chỉ nở vào tháng chạp vào thời gian từ khi đơm bông đến khi tàn vỏn vẹn trong vòng 10-15 ngày. Ai biết nó sẽ nở vào ngày nào. Và hái bông nó là cả một vấn đề chớ đâu phải như đi hái lá gói nem, sắc thuốc. Ði rọc vỏ còn sướng hơn nhiều. Lấy dao vạt gai sạch rồi thọt mũi dao vô tách từng khúc, chặt miếng dài 2-3 phân, phơi khô, rang vàng hạ thổ trị mát gan, khó ngủ “bá phát”. Nhưng hái bông thì... Cây vông năm sáu năm tuổi mới cho bông lứa dầu chứ không phải như cây cam, mới chiết ra trồng hai ba năm đã cho trái oằn nhánh. Càng ngày người ta càng chú trọng đến những cây trồng sinh lợi trước mắt. Do đó, tìm một cây vông cổ thụ như cây vông của nhà bác Ba là một điều không phải dễ dàng. Bây giờ người ta chỉ dùng nhánh để làm hàng rào, làm nọc cho cây tiêu hoặc lấy lá, rễ, vỏ làm thuốc nam trị bịnh mất ngủ, an thần. Màu hoa vông đỏ thắm, rực rỡ, sang trọng. Mỗi chùm có khoảng sáu đến mười bông, đỏ thật đỏ, ngẩng đầu kiêu hãnh tận chót vót ngọn cây. Chúng tôi chưa từng bẻ bông, nhưng nhặt cánh héo rụng thì có. Nhìn gai lởm chởm đã thấy muốn sợ, tội gì phải leo. Cũng có thể tại vông không cho trái ăn được nên tụi tôi ngại leo. Chứ cây vông đó đâu có bằng cây sắn nhà dì Út. Vậy mà, nhìn cây sắn tả tơi, chẳng có nhánh nào còn nguyên vẹn ta sẽ biết ngay giá trị của trái sắn đối với lũ trẻ miệt vườn. Bông sắn nở trắng hồng như bông cây sầu đông tôi chẳng thèm để ý. Bông vông đỏ sắc kiêu kỳ tôi chẳng bận tâm. Nhưng từ nay tôi có trách nhiệm để ý cây vông cho anh tôi... và tôi tin chắc rằng anh tôi sẽ chiến thắng trong cuộc đua ngoạn mục này. Mùa hè đã đi, gió heo may lại về. Dù rất bận rộn cho bài ôn tập giữa học kỳ nhưng ảnh đã cùng Tín “đầu đinh” phóng gấp về nhà khi nhận được tin tôi báo “hoa vông nở”. Hai anh em tôi cùng Tín khiêng cái thang dài đặt lên thân cây vông già. Cũng chưa thấm tháp gì. Nối hai khúc nhánh tre làm thành cái sào dài, anh tôi biểu tôi và Tín vịn thang cho vững. Cây sào yếu nên cứ quất qua quất lại thấy ớn xương sống. Hơn nửa tiếng đồng hồ mà vẫn chưa được tích sự gì, Tín xẳn giọng: “Thôi cha nội, tao thấy con Dung đâu đáng để mày phải hy sinh như vậy. Nếu nó thích đứa nào, nó cứ tỏ vẻ nó thích thì người khác sẽ rút lui thôi. Ai đời, làm như chỉ một mình nó đẹp rồi muốn nhỏng nhẻo với ai, đày đọa ai cũng được sao? Mày thì khoái vậy chứ còn tao, hừm: Dẹp!” Vừa lúc đó con Nhi bưng một rổ rau chai đi ngang nhìn thấy cảnh tụi tôi dàn trận trên đất nhà nó, nó gật đầu chào rồi cười tươi với anh tôi. Nó hỏi chuyện học thi, chuyện ngày nghỉ của anh Huy và Tín... Một lúc sau, chợt nhớ ra điều gì, nó hỏi: “Bộ anh tính hái bông vông hả?” Anh tôi gật đầu. Nó bảo anh tôi và Tín theo nó vô nhà. Một lúc sau cả ba trở lại, anh tôi và Tín khiêng một cái thang lớn. Trên tay con Nhi là cái sào dài cột sẳn cái lưỡi hái bén ngót. Anh tôi thoăn thoắt leo lên. Quá mừng rỡ hay lúng túng mà ảnh chọc hoài chẳng thấy nhánh hoa nào rớt cả, chỉ có vài chiếc lá rơi tả tơi trên mặt đất. Nhỏ Nhi bảo để nó hái cho. Anh tôi sượng sùng leo xuống. Nhỏ Nhi trèo lên mức thang cao nhất, tay nó cầm cây sào. Một cơn gió nhẹ thoảng qua, tôi rùng mình nhìn nó, nhìn những bông hoa đỏ đang thách thức trêu người... Khều nhánh bông vông đầy gai, anh tôi xé miếng lá chuối khô bao ngoài nhánh bông đó (sợ gai đâm chăng?) Anh tôi cám ơn nhỏ Nhi, bảo tôi mang nhánh bông vào nhà. Hai anh ì ạch mang cái thang trả cho bác Ba. Nét rạng rỡ ngời lên trong ánh mắt anh tôi. Còn Tín, hắn nhìn tôi và nở nụ cười. Hổng biết bà mụ có khiến không mà tôi cũng nhe răng ra cười đáp lễ! Nhận thấy nụ cười thân thiện của tôi, Tín mạnh dạn nói: “Thanh Nhi đẹp hơn Hồng Dung nhiều, chỉ tại nước da hơi ngăm thôi. Mái tóc Nhi dài, mặt đầy đặn như trăng rằm, nét đằm thắm dễ thương vậy mà Huy chê. Phải chi... mà thôi”. Tôi lặng thinh. Ừ hén, tại sao tôi cứ ghét nó hoài vậy? Nó có làm điều gì cho tôi giận đâu. Có phải do câu nói lấp lửng của Tín “Thúy mà được như Thanh Nhi chắc cây cầu khỉ này phải gãy vì các gã si tình đến thăm. Trong đó có Tín nữa đó”. Tôi quay mặt lại nhìn Tín giận hờn (vì lời nói vừa rồi ngụ ý chê nhiều hơn là khen) nhưng thấy Tín nhìn mình không chớp, tôi cảm thấy mặt nóng bừng và bối rối vô cùng.
*
Thời gian thấm thoát trôi, chuyện riêng tư của anh tôi với “hoa Phù Dung” chẳng đi được tới đâu. Người ta nói thì dễ nhưng thật lòng người ta đâu muốn vậy. Người ta đùa cợt. Còn anh tôi hiếu thắng. Chẳng biết là ai thắng ai thua trong cuộc thi này, nhưng sự thật anh tôi đã thua với tỉ số quá đau lòng dành cho ba má tôi: một kỳ thi tốt nghiệp với điểm số phải xét phúc khảo mà vẫn không đủ. Chỉ tại vì đóa Phù Dung ấy. Anh tôi mải mê tìm hoa vông tặng nàng, nhưng nàng không đón nhận và sau đó là chuổi ngày dài bên nhau ôn tập, luyện thi... nhưng không phải như thế. Anh tôi trở về nhà không phảli với Dung sau lưng – như anh tôi đã nói – mà chỉ có Tín lặng lẽ đi cùng. Còn gì vui thú hơn sau một ngày lao động mệt nhọc, được đắm mình dưới dòng nuớc trong xanh, vui đùa cho thỏa thích, cho quên đi những nỗi buồn riêng. Anh tôi đã vui đùa trở lại. Anh cùng Tín bắc lại cây cầu ván thay cho cây cầu khỉ giữa mương rãnh nhà tôi và nhà Nhi. Thật khó quên những buổi trăng rằm đi lễ chùa hoặc chèo xuồng ngắm ánh trăng đang ngả ngớn cười cợt trên sông. Có Tín tôi như vui hơn. Có Nhi anh tôi đã tươi cười trở lại. Và má tôi, dù giận anh Hai tôi nhưng thấy tôi và Nhi thân thiện, cùng nhau đi xay bột, làm bánh chuối, bánh xèo, bánh khọt... để bồi dưỡng cho anh Huy, để đãi Tín... má tôi vui lắm. Tín trở về Cần Thơ để chuẩn bị cho năm học đầu tiên ở trường đại học. Sợ anh Huy buồn, Tín chỉ kể dự định cho tôi nghe. Tín hứa một tháng sẽ kiểm tra bài của tôi một lần. Anh còn nói sẽ tìm mua những quyển sách “học làm người” để tặng tôi. Những lời anh nói “dễ làm người khác tự ái nhưng nó thật lòng” (anh Huy bảo tôi vậy). Lời Tín nói như những cái gai vông non đâm nhẹ vào tay nhưng thấm sâu. Tín động viên anh Huy ôn bài năm sau thi lại. Anh tôi và tôi tin Tín thật thà như chính bản thân mình. Hoa vông không chen vai nở vào mùa hè. Nó sẽ bị che khuất bởi hoa phượng rực đỏ cả góc trời quê. Nó nở muộn màng vào cuối đông, vào những ngày bận nhất của một năm. Dẫu rằng muộn màng nhưng thời khắc đó thật thiêng liêng, đáng quý. Anh Huy “ngả ngựa” trong vòng tay thân ái của bạn bè, của gia đình. Còn tôi, tôi vững tâm vì có ba má. Và hy vọng Tín sẽ như tàn lá vông xanh thẳm động viên, che chở, nâng bước tôi đi vào từng trang sách học. Dĩ nhiên cây sẽ xanh hơn. Hoa vông sẽ nhiều hơn. Màu hoa vông sẽ thắm đỏ hơn, kiêu hãnh hơn và kỳ vọng vào tương lai, dẫu muộng...Ðỗ Ngọc Hoa Nam