Lên cơm trưa xong Tân định đi nằm nghỉ trưa một tí rồi sẽ dậy tiếp tục ra xưởng. Mặc dù công việc nhiều vì Nhung đi phép vắng để ứ đọng lại, nhưng cũng không thể nào bỏ qua giấc ngủ trưa. Nhất là với tiết nắng gay gắt của trưa mùa hè và bụng no thì không ai buồn làm gì cả. Hường dọn dẹp xong ở nhà bếp, bưng chén nước uống dở lên nhà trên vừa đi vừa xỉa răng. Hai người bỗng ngạc nhiên vì tiếng xe hơi thắng ngay trước cửa tiệm. Vào một giờ vắng vẻ thế nầy mà có tiếng xe thì cũng là chuyện ít có. Tân ra đến cửa mời khách vào. Viên phó mật thám Tây, quen thuộc vì Tân hay đến sửa máy đèn, quạt điện tại văn phòng hắn. Tân tưởng hắn đến gọi đi sửa chửa máy móc gì hoặc là mang đồ đến chữa gấp. Nhưng với vẻ khác thường, hắn nghiêm giọng: - Xin ông bà cho phép chúng tôi khám xét trong nhà. Không đợi Tân trả lời, hắn đã bước thẳng vào tủ sách giữa nhà và bắt đầu lục soát tỉ mỉ. Hường định đi ra nhà sau nhưng vừa bước qua cửa ngang đã thấy một nhân viên mật thám khác tay cầm súng chận lại. Hắn đang lục soát ở nhà dưới. Hường chạy đến cầm tay Tân trống ngực đánh liên hồi, mặt tái xanh. Tân vẫn chưa biết đầu đuôi gốc ngọn gì cả. Sau một hồi tìm kiếm hết phòng trong ra phòng ngoài, sách vở, áo quần, vật dụng, thậm chí đến cái nôi thằng bé Tùng đang ngủ ngon cũng bị lật ngược lên. Tân ngạc nhiên không hiểu cái vật họ muốn tìm to hay nhỏ mà họ lục soát quá kỹ càng. Xem chừng không hy vọng tìm ra, viên phó mật thám hỏi Tân: - Ba tấm hình ông để đâu hãy đưa ngay cho chúng tôi. - Oâng hỏi ba tấm hình gì, tôi không được rõ. - Đừng giả vờ nữa. - Thật tình tôi không biết ông nói chuyện gì cả. Hắn nguýt Tân ra vẻ hằn học và hăm dọa: - Oâng không biết thì chúng tôi mời ông đến sở để trả lời cho ông chánh. Quay lại phía Hường hắn cười xã giao: - Bà hãy yên tâm, ông đi chừng nửa giờ sẽ trở về. Hường nghẹn ngào run sợ. Bé Tùng trong nôi bỗng khóc ré lên. Hường chạy vội đến bồng con dậy. Tân bước lên xe mắt nhìn lui từ giã vợ, lòng ngậm ngùi khi thấy đứa con hai tháng như cảm được sự chia ly để gào thét đòi cha. Trong đám bụi mù Tân thấy rõ một vài người hàng xóm láng giềng đang thấp thỏm nhìn theo, có lẽ đang ái ngại cho số phận của Tân. Thành phố Huế quá vắng vẻ giữa một buổi trưa hè. Tân nhìn con đường phía sau xe cố tìm lấy một bóng người quen nào cho đỡ cô độc. Xe chạy qua trường bà Phước, quanh về Bưu điện, đến rạp xi nê Mô Ranh và rẽ tay trái vào ngay trong sân Liêm Phóng Liên Bang. Con đường quen thuộc ấy gây lại cho Tân nhiều kỷ niệm thời thơ ấu. Tân đang mơ quá khứ tự do thì xe ngừng hẳn trước cửa hầm. Viên Phó Mật thám nhã nhặn mời Tân tạm vào nghỉ trong căn phòng dưới hầm để chờ hắn lên trình với ông Chánh. Tiếng cửa khóa chặt lại mới làm cho Tân nhận định được sự quan trọng của câu chuyện đã xảy ra. Tân thở dài: - Thế là hết! Lại một lần đi ở tù nữa! Tân ôn lại những chuyện xảy ra từ hôm gặp thằng bé liên lạc đưa thư Long cho mình. Tân đã mạnh dạn gởi quà và sách báo cùng trao đổi thư từ tâm sự với Long. Tân nhất định là việc làm của Tân không có gì sơ hở để cho một người thứ ba biết. Càng suy nghĩ Tân vẫn càng không hiểu gì đến câu chuyện ba cái ảnh mà viên Phó Mật thám đã hỏi. Tiếng mở cửa hầm giam thức tỉnh Tân. Một nhân viên đến đưa Tân lên văn phòng. Vừa thấy mặt Tân, viên Chánh Mật thám đã áp đảo tinh thần: - Lần nầy thì không còn chạy chối đâu nữa nhé. Tù mọt gông đến nơi rồi. Có muốn nhẹ tội thì đưa ba tấm ảnh thằng Lê Dương đây cho tao. Tân vẫn chưa hiểu đầu đuôi câu chuyện nên gân cổ cãi: - Xin lỗi ông tôi không biết ảnh Lê Dương nào cả. - Được rồi. Hắn ra hiệu. Nhanh như chớp hai viên phụ tá đến hiệp sức cùng với lão phó tấn công vào Tân. Ba hung thần đứng ba góc, kẻ đấm người đá túi bụi và chuyền cho nhau cái thân thể của Tân như là chuyền quả bóng hay là hổ vồ mồi. Tân không kịp nín thở để đỡ đòn thì đã bị những cú khác liên tiếp. Vừa ngã xuống đã bị xốc dậy để tiếp tục nhận những quả đấm thôi sơn vào khắp toàn thân. Ban đầu Tân còn hét được. Nhưng rồi tiếng hét yếu dần để thay thế bằng những tiếng ậm ực của buồng phổi, lồng ngực tức hơi. Viên Chánh ra hiệu cho đàn em ngừng tay và hỏi Tân: - Mầy có biết thằng đội Tư là ai không? - Tôi không biết ông nào tên Tư cả. Hắn bấm chuông. Cửa bên trái mở. Một bóng người xuất hiện trong bộ áo ngủ sọc xanh trắng nhưng đầy cả máu. Tân cố nhìn qua khuôn mặt sưng húp đầy thương tích và ngạc nhiên khi thấy rõ là Thu. Lão Chánh hỏi: - Bây giờ mầy biết chưa? Ba cái ảnh thằng “Tư” đưa cho mầy đâu? Tân lắc đầu oán hận khẻ trách Thu: - Tại sao anh lại buộc tôi vào? - Xin lỗi anh! vì tôi chẳng biết khai cho ai nữa! Lão Chánh hơi ngạc nhiên khi nghe viên thông ngôn nói lại cho biết cuộc đàm thoại bằng Việt ngữ giữa hai người. Hắn ra lịnh đưa Thu về nhà giam và đem gởi Tân vào lao xá Thừa Thiên. ° Ba giờ chiều, Viên chánh mật thám thân hành đưa xe đến lao xa Thừa Thiên để đón Tân về. Từ cửa xà lim đi thẳng ra cổng, Tân theo chân lão Chánh đi ngang qua đám đông anh em phạm nhân đang công tác ở sân lao. Mọi người đều nhìn theo Tân với vẻ ái ngại, cố tìm qua những nét bầm tím và những mảnh thịt sưng húp trên mặt Tân xem thử có quen biết không. Viên chánh ghé lại sở Liêm Phóng đỗ xe trước cửa để Tân ngồi một mình với chiếc xe còn nổ máy. Hắn chạy vào chừng mười lăm phút. Tân nhìn chiếc xe đang nổ máy sẳn sàng chạy, bổng có ý tưởng cướp xe đi trốn. Dễ lắm, chỉ cần gài số rú ga là chạy ngon lành. Xe đã quay đầu hướng về hướng Vĩ Dạ thì cứ việc nhắm mắt phóng nước đại xuống phía ấy. Qua được Đập Đá, xuống đến Lại thế là vất xe lại trốn vào làng, đến chỗ Long ở thì thánh cũng không bắt được. Nhưng Tân nghi ngờ. Biết đâu viên Chánh đang gài bẫy. Thường thường người ta để xe nổ máy khi chỉ cần ghé một, hai phút và vì xe xấu hay bình điện yếu. Đằng nầy xe có vẻ mới như thế chắc là hắn muốn rình xem Tân có định trốn chăng. Biết đâu hắn đã bố trí nhân viên quanh rồi. Hắn chỉ đợi Tân rục rịch là túm cổ và thẳng tay trừng trị bởi vì hiện giờ hắn chưa có tang chứng gì cả để buộc tội Tân. Một hồi lâu hắn lại ra xe và lái về nhà. Tân đang thắc mắc không hiểu sẽ bị đưa đi đâu thì hắn nói: - Tôi không thể cho anh về trong trạng thái nầy được. Anh hãy ở lại nhà tôi vài ngày. Vợ tôi sẽ săn sóc anh cho lành mạnh rồi hẵn về. Tôi có gặp Ba anh hồi trưa rồi. Tân biết hắn quen với cha mình nhưng không rõ hắn gặp để làm gì và ông cụ đã nói gì với hắn mà hắn lại thay đổi thái độ một cách đột ngột như thế. Hắn lại có vẻ ân hận lắm. Hắn đưa Tân lên lầu trong một căn phòng riêng có đủ tiện nghi và nói: - Anh sẽ ở đây. Sách vở báo chí đầy đủ, tha hồ đọc, sẽ có cơm nước hẳn hoi và cần gì cứ gọi bồi. Hắn giới thiệu Tân với vợ hắn rồi bỏ Tân ở lại nhà hắn để lên xe về sở làm việc. Người đàn bà dù là vợ của một tên tướng cướp cũng còn một vẻ nhu mì, nhân đạo hơn thằng đàn ông. Bà Chánh ái ngại trước những vết thương của Tân mà bà ta biết chính tay chồng mình đã gây ra. Bà ta săn sóc ân cần như để chuộc lỗi cho chồng. Tân nhân cơ hội đã nhờ được người bồi mang tin về nhà để cho vợ yên tâm. Đồng thời nhờ lấy áo quần để thay đổi và cố ý gởi bộ áo quần “đại chiến” đầy máu me về cho ở nhà biết rõ tình rạng của Tân. Cứ chiều đi làm việc về là tên Chánh lại ngồi uống rượu với Tân và “ lấy khẩu cung” hòa bình, nghĩa là nói chuyện để cốt cho Tân phơi gan vạch ruột và hiểu rõ tư tưởng của Tân. Hắn ca tụng kháng chiến đề cao sự hy sinh của giới thanh niên, lòng dũng cảm của các chiến sĩ Việt Nam... nhưng hắn thất vọng vì Tân không tỏ ra một thái độ nào khả dĩ cho hắn biết được thâm tâm mình. Chiều hôm thứ tư, Tân tự nhiên cảm thấy nóng ruột khác thường Trong người Tân bồn chồn khó chịu như sắp xảy ra tai biến gì. Ba giờ chiều Tân nghe ồn ào ở phía dưới lầu. Tên Chánh ở sở về sớm và hình như có đông người về nữa. Hắn nói oang oang như đang chất vấn ai. Rồi bỗng có những tiếng hét vang lên rùng rợn, như người kêu cứu khi bị bóp cổ. Tân rùng mình trước những tiếng gào thét bi đát ấy. Linh tính báo sẽ có chuyện liên lụy đến mình nên Tân lại càng lắng tai nghe và cố mở hé cửa phòng. - Mầy khai đi! thằng Tân nó đã nói thật cả rồi. Chính mầy mưu mô quyến rủ bọn Lê Dương đào ngũ. TaÂn nghe rõ lời tên chánh cật vấn và Tân chỉ cầu cho thằng Thu đừng mắc mưu cáo già để khai bậy. Sự thật Tân chưa hề nói gì với tên chánh trong suốt bốn ngày ở tại nhà hắn. Rồi lại một tràng la hét rùng rợn nữa. Lần nầy Tân biết rõ là tên Chánh đã cho con chó Berger vồ cắn Thu cho nên mới có tiếng vật lộn và la hét đó. Tân ái ngại không biết sức người có đủ can đảm để chịu đựng sự tra tấn dã man ấy không. Tân tưởng tượng hàm răng con chó nhọn bén ngoặm vào yết hầu cắn đứt mạch máu cổ. Chắc là Thu sẽ khai bậy để thoát thân, cũng như hắn đã bảo với Tân là “không biết khai ai nữa.” Tân nhìn quanh căn phòng. Nắng chiều buồn tẻ chiếu qua khung cửa. Ngoài kia là cánh đồng An Cựu bát ngát. Đàn xa trường dòng Chúa Cứu Thế lạnh lùng nằm ngủ dưới những rặng phi lao già. Tân còn đủ thì giờ để trốn. Chỉ leo ra cửa, bò qua mái hiên, đến nhà bếp theo ống xối xuống ngả sau, lách qua hàng dậu là ra đến ruộng. Chạy một mạch tới nhà dòng Cứu Thế và xin các cha ẩn núp. Lẽ nào “Chúa Cứu Thế” và các cha lại không cứu Tân. Mãi tưởng tượng thì có tiếng gõ cửa. Tên thư ký mật thám gọi Tân xuống lầu. Hồi hộp phập phồng trước cái tấn kịch mới lạ. Một người máu me đầy cổ áo quần rách nát, một con chó nằm thở hồng hộc và có vẻ đe dọa, đợi chờ, một tên khát máu vô lương tâm đang sừng sộ nhìn Tân. Tưởng như mọi hôm, Tân không ngần ngại ngồi xuống ghế trước mặt tên Chánh: - Ai cho phép mầy ngồi! hắn buộc mồm hỏi Tân. Biết là tình thế đã đổi thay, Tân đứng dậy, hiểu rõ thân phận mình. Hắn hỏi tiếp: - Thằng Thu đã khai hết sự thật mà mầy dấu tao. Tao buộc lòng phải giao mầy cho Ty Hình cảnh lưu động. Thế là hết. Cái viễn tượng tự do mà Tân ấp ủ bốn hôm nay, trong phút chốc đã tiêu tan chỉ vì sự điêu ngoa của tên chánh đã gài bẫy cho Thu mắc mưu khai bậy. Ty Hình cảnh lưu động giam tạm Tân ở hầm rượu dưới lầu để đợi tra tấn. Có một vài người khác nữa, già trẻ đủ các giới, kẻ mới bị bắùt mặt mày còn tái mét vì lo sợ, người đã bị tra tấn đang nằm lăn như xác chết không nhận ra hình thù mặt mũi nữa. Từ 4 giờ chiều đến 9 giờ tối, Tân lắng tai nghe những tiếng xe hơi chạy trên sân sạn, tiếng chân bước đi thoăn thoắt, tiếng mở cửa, xen lẫn vào những tiếng rú từng cơn từ xa vọng lại. Tỉnh thoảng cửa mở để đưa thêm một vài người mới bị bắt nạn nhân của vài lời khai do kẻ bị bắt mắc mưu bọn Mật thám. Ở đây chỉ là lò giam tạm nên không ai nghĩ đến chuyện cho ăn uống, nhưng có một người trong đám dã man độc ác ấy lại còn chút lương tâm đã mang cơm nguội và thức ăn thừa đến bố thí cho bọn tù giam cứu. Họ phải đợi nửa đêm mới dám đưa rỗ cơm nguội đến cửa và lén lút mở ra cho anh em chia nhau ăn đỡ đói. Người ấy là ai không thấy rõ trong đêm tối, vả lại họ cũng không dám lên tiếng nên chẳng ai biết cả. Chỉ đoán chừng là người gác sở mật thám, ở thường trực tại đó. Đêm đêm hắn mở cửa cho từng người ra tắm rửa và làm việc vệ sinh. Hai hôm giam ở đây Tân vẫn chưa thấy gọi đến mình. Suốt cả ngày nằm dài giữa xàn xi măng gác tay lên trán suy nghĩ. Tân lại có ý định đi trốn. Lần nầy thì có đủ thì giờ để lập một kế hoạch chu đáo. Tân đã biết rõ địa hình địa vật, các vọng canh gác, các cơ sở kế cận. Cơ hội đã có sẵn. Đợi đến khuya khi người gác cho ra ngoài là sẽ thoát luôn. Đường đi thì dễ. Băng qua đường Lý thái Tổ đến bến sông Hương và bơi ngược lên Bạch Hổ rồi lên bờ vào vùng Phường Đúc là yên ổn. Bơi ngược giòng sông hơn ba cây số là một chuyện khó. Lúc còn khỏe mạnh may ra đủ sức chứ sau những ngày xác thịt và tinh thần đều tổn thương, nhịn đói khát đã dễ gì mà bơi được dai sức. Song chuyện ấy không thành vấn đề. Hẳn lo thoát đã. Chi tiết màn thứ nhấ t: Thoát khỏi nhà giam. Tân định hễ khi người gác gõ cửa vào cho cơm là núp ở sau cửa và vật ngã tên ấy ngay rồi ra ngoài khóa cửa nhốt hắn lại để thay đổi tình thế. Có cây gỗ tam giác thường ngày dùng để bắt tù nhân quỳ gối lên khi lấy khẩu cung, Tân sẽ dùng để đập vào đầu tên gác dan là hắn bất tỉnh ngay. Chỉ có một cách ấy vì nếu đợi hắn cho ra tắm rửa thì hắn canh gác cẩn thận quá vả lại chắc có người nhà hắn thì thêm khó lòng. Còn một điểm lương tâm. Tân nghĩ: - Hắn đối xử tốt với mình tốt như thế, nỡ nào nhẫn tâm đập hắn để thoát thân và gây họa cho hắn. Tội nghiệp hắn lắm. Nhưng Tân lại tự bào chữa: Không nên để cảm tình và lương tâm điều khiển. Mật thám đánh Tân không tiếc tay thì tội gì mà đi thương hại người của sở mật thám. Biết đâu cử chỉ tốt của hắn chỉ là “tích cốc phòng cơ, tính y phòng hàn“, gây phúc đức cho con cái mai sau, hoặc giả phòng hờ một sự thay đổi cuộc diện chính tri... Cứ thẳng tay. Tân đứng dậy tập thể thao. Chạy tại chỗ cho mềm dẻo tay chân. Múa men đủ trò cho giãn gân cốt và tìm lại sức lực hầu áp dụng tối hôm ấy. Nhưng rồi một ý nghĩ khác thoáng qua trí óc Tân. Tưởng tượng màn chót của tấn tuồng đi trốn. Lên đến khu an toàn ở ngoại ô rồi đi đâu? Theo ai? Tìm ai? Tân đã trở về rồi cơ mà? Không thể ở bên hàng rào tre được. Trốn để làm gì. Có lợi gì chăng? Bao nhiêu câu hỏi dồn dập trong đầu óc Tân. Nhưng rồi Tân lại cương quyết. “Bị mất tự do thì phải tìm tự do. Ở tù thì phải trốn, đó là lẽ phải ở đời. Mọi sự ra sao hạ hồi phân giải“. Tân lại tiếp tục tập dượt và diễn trước các cảnh để nắm chắc sự thành công. Nhưng “nhân định không thắng thiên”, năm giờ chiều hôm ấy, tên mật thám mở cửa ân cần mời Tân theo hắn lên xe để về Lao Thừa Thiên cho có chỗ ăn ngủ đàng hoàng. Thế là mộng đào ngục đã tan. Số anh chàng gác sở mật thám còn may mắn và số Tân chưa được tự do. Lao xá Thừa Thiên hồi Pháp thuộc là một đồn lính khố xanh chứa được một đại đội. Lúc bấy giờ lại biến thành một trại giam hơn bốn trăm tù ở tầng dưới và năm, sáu chục quân phạm của Bộ đội Pháp nhốt ở tầng trên. Tầng dưới chia làm hai la o: Lao bố, giam những tù mới bắt, đa số là do quân đội bố ráp hay do sở mật thám đưa đến. Lao án, giam những tù đã ra tòa lãnh án và đang đợi chống án hoặc đợi tàu vào Nam để đi ra đảo. Tân được nhốt chung với những tù nhân ở lao bố. Tương đối đỡ buồn khổ phần nào vì phải sống cô độc trong buồng tối. Dù sao đời tù đối với Tân cũng không lạ và những đồng bào cùng chung cảnh ngộ cũng an ủi nhau được phần nào. Những người bạn cũ, tay bắt mặt mừng. Mừng hơn hết là vì gặp được bạn mình cùng chung số phận. Những người bạn mới ân cần chỉ vẻ lề lối sinh hoạt cho kẻ mới nhập môn. Một vài người quen đến nói nhỏ với Tân: - Hú vía! Hôm kia thấy Mật thám đến mang mầy đi, rồi lại thấy gạch tên mầy ở sổ cái, chúng tớ đinh ninh là mầy bị bắn như mấy đứa khác rồi. Thường ngày hễ được tha thì có giấy đến và tự ra về. Đàng nầy có kẻ mang đi đột ngột như thế, thì các bạn thân sơ gì cũng ái ngại cho số phận. Có một việc cần nhất là phải làm sao liên lạc với gia đình báo tin để ở nhà khỏi lo và tính bề tiếp tế. Sáng hôm sau đúng kỳ nhà lao đi lãnh gạo, Tân cũng tình nguyện vào đoàn tù khuân vác. Cả đời thư sinh, từ nhỏ đến lớn, ăn bao nhiêu gạo, song chưa biết một bao gạo to lớn là chừng nào và cái trọng lượng một tạ đặt trên lưng thì sẽ ra sao. Tên cai Lê Dương ra lệnh sắp hàng một bước vào khọ Tân như là một kẻ anh hùng mù quáng, mạnh dạn bước đi, cởi áo choàng vào cổ để lộ bộ xương sườn đói cơm đã hơn một tuần với nước da xanh xao ốm yếu. Người đi trước làm gì thì Tân làm theo, ra vẻ thành thục lắm. Song đến khi người cai đặt bao gạo lên lưng, Tân không chịu nổi sức nặng quá bất ngờ, nên toàn thân ngã quỵ và bị đè bẹp dưới bao gạo. Tên cai Lê Dương phải phát cười ra tiếng. Tân thử lại một lần thứ hai, cố hết sức bình sinh để nhận cái tạ gạo trên lưng. Song hình như không bao giờ Tân làm được cái việc ấy. Tên cai đá mạnh vào đít, đuổi Tân ra khỏi hàng. Người Tân toát mồ hôi lạnh buốt như vừa lên cơn sốt. Tân ngồi vào một góc nhìn các bạn thi nhau vận tải như máy móc. Có nhiều người gầy yếu hơn Tân mà họ vẫn khuân tạ gạo đi ung dung như thần Atlas khuân quả địa cầu, Tân cảm thấy lạc loài và bỡ ngỡ như kẻ không được thời thế đắc dụng. Dù sao buổi “đi ra” ấy cũng giúp cho Tân liên lạc được với người nhà để nhờ mang tin tức về cho gia đình. Trưa ngày hôm sau, Tân mong mỏi kết quả, trong buổi tiếp tế hàng ngày. Dưới ánh nắng gay gắt, qua cánh cửa nặng nề thỉnh thoảng mở rộng để cho một chiếc xe hơi ra hay vào, bọn người trong tù và bọn người ngoài lại được trông thấy nhau trong giây lát. Gần đến giờ cho tiếp tế nên những tù nhân có gia đình đã sắp hàng ngồi la liệt để gọi tên. Những kẻ không bà con thân thích cũng ngồi để xem một cảnh tượng hàng ngày giết thì giờ. Ở trong tù người nào cũng thừa thì giờ để đi nhìn, nghe và tham gia cuộc sống của kẻ khác. Phía ngoài bên kia vệ đường đối diện với của nhà lao, hàng trăm thân nhân, già trẻ, bé lớn, chen chúc nhau cố tìm đứng ngay cửa để đợi khi hé mở mà nhìn vào, mong gặp người thân quyến. Những xách lác, giỏ tre, gói, bọc giấy, hộp và bất cứ thứ gì tiếp tế đều tập trung lộn xộn trước cửa lao.