Mỗi lần suy nghĩ đến những việc vừa qua Tân không khỏi tức giận thằng Thu và luôn cả Nhung nữa. Từ hôm bị bắt sau khi viên chánh mật thám giao Tân cho Hình cảnh lưu động điều tra thì Tân cũng chẳng biết rõ gì hơn về trường hợp của mình ra sao nữa. Qua những câu hỏi của lão Trưởng ban điều tra, Tân chỉ biết là họ cần bắt cho được Nhung. Chính hắn ta đã hứa: - Nếu ông chỉ chỗ Nhung để chúng tôi đến bắt thì ông sẽ được thả ngay! Ông không có tội gì và dù có thì cũng có thể được giảm khinh. Tôi biết chính Nhung và Thu đã tổ chức mọi việc nầy. Tân nhớ rõ trước hôm bị bắt Nhung đã mượn năm trăm bạc và chiếc xe đạp của xưởng để xin phép đi về quê thăm nhà. Còn tuyệt nhiên mọi việc giao dịch giữa Nhung và Thu, Tân hoàn toàn không hay biết gì hết. Bởi thế dù có muốn, Tân cũng không thể nào chỉ chỗ ở của Nhung. Tân trông đợi gặp Thu để hỏi cho ra đầu đuôi câu chuyện và cần nhất là biết Thu đã khai gì với sở Mật Thám. Thời gian Thu bị giam giữ ở sở Mật Thám càng dài thì Tân càng sợ Thu khai bậy thêm nhiều chuyện. Lắm lúc Tân căm hờn Thu hết sức, ước chừng như gặp mặt là có thể cho ngay những quả đấm thôi sơn cho hắn chết mới bỏ giận. Thà ở tù vì tội cố sát hơn là bị vu khống và liên lụy vì một việc không dính líu gì đến mình. Không hiểu tại sao Thu lại khai cho Tân! Nếu chỉ vì "chẳng biết khai cho ai nữa" như lời Thu nói hôm hai người gặp nhau trước mặt viên chánh Mật Thám thì quả thật là tai bay vạ gió cho Tân. Có lẽ Tân đã không may là hình ảnh được lưu lại trong trí óc Thu và Thu đã nhắc đến Tân trước hết, sau cái tên Nhung vắng mặt, căn cứ trên đó sở Mật Thám bắt ngay Tân và khi lật hồ sơ cũ thấy đen tối thì không lý gì mà họ không nghi Tân. Từ đó "bói ra ma, quét nhà ra rác", lại thêm vào mỗi ngày một sự xác nhận ngu dại của Thu thì tội trạng Tân càng nặng dần. Lời đoán của Tân không sai. Ba tuần sau khi Tân lên lao Thừa phủ thì Thu cũng được chuyển đến đó. Có lẽ sở Mật Thám đã hoàn tất hồ sơ nên không cần giữ Thu để khai thác nữa. Gặp Thu với những vết thương chó cắn ở cổ và vết bầm tím ở hai mắt chưa lành hẳn, bao nhiêu ý nghĩ hạch tội nung nấu từ trước đều tiêu tan, nhường chỗ cho một lòng thương hại rộng lớn. Trông thấy Thu bệnh tật rách rưới và có vẻ ân hận, Tân chỉ còn biết thở dài chán ngán. Thu nhỏ nhẹ trình bày: - Xin anh tha lỗi cho tôi. Tôi biết là anh giận tôi lắm và cả gia đình anh oán ghét tôi vô cùng. Giờ này tôi rất ân hận anh ạ! Tôi tưởng anh có thế lực của gia đình và bọn Pháp nể nang không bao giờ bắt anh nên mới khai bừa tên anh để cho có chuyện khai và tránh những trận đòn tàn ác. Tân ngắt lời: - Nhưng mà sao anh dại thế? Tôi có khai gì cho anh như anh đã buộc tôi đâu. Anh đi tin những lời bịa đặt của bọn thẩm vấn để vẽ vời thêm nhiều chuyện không hề có. - Thật trong lúc đau quá thì biết gì tôi nói cái ấy. Không ngờ càng nói thêm lại càng buộc tội nặng cho tôi và anh. - Các anh đã hoạt động bí mật mà không biết chịu đựng tra tấn. Mới bị khảo vài trận đã khai bậy. Anh lại đi khai cho tôi là một thằng có sổ đen, tiền án thì cũng chẳng khác gì anh giết tôi và vợ con tôi! - Xin anh tha cho tôi! Nếu tôi còn sống ngày nào thì sự ân hận nầy sẽ đeo đẳng mãi để dày vò tôi! - Anh biết ân hận là khổ sở sao anh không suy nghĩ trước khi khai. Anh đã nói gì về hành động của tôi anh nhớ không? - Chúng nó hỏi tại sao anh để cho Nhung đi trốn. Tôi bảo Nhung xin anh nghỉ phép một tuần về quê thăm nhà. Hôm ấy Nhung gặp tôi trước khi đi. Hắn cho biết là anh có cho hắn mượn xe đạp để về nhà. Ngoài ra tôi không nói gì khác nữa. - Anh và Nhung giấu ba chiếc ảnh gì để cho bọn nó đến lục soát nhà tôi vậy? - Đó là ba chiếc ảnh của thằng Cốc, Lê dương vừa trốn bỏ đi Khụ Hôm ấy Nhung mang về cho tôi xem. - Chuyện các anh làm các anh không cho tôi biết gì cả, để đến khi vỡ lỡ lại kéo tôi vào chịu đựng. Các anh vô nhân đạo! Tất cả sự tức giận ngợp trời của Tân chỉ phát xuất ra ở một câu vắn tắt ấy. Thấy Thu không có bà con thân thuộc để tiếp tế cho nên Tân không nỡ bỏ bơ vợ Tân dẹp một chỗ cạnh bên mình và nhường cho Thu nửa chiếc chiếu. ° Hồ sơ của Thu nặng lắm. Tân lại cùng ở trong một vụ với Thu nên cả hai người đều không được hành dịch ở ngoài nhất là trong thời kỳ còn đợi bổ túc điều tra trước khi ra tòa. Hằng ngày Thu và Tân lãnh nhiệm vụ quét. Tân quét ở sân ngoài. Thu quét các phòng, hành lang và khu vực quanh trại giam. Về cuối thu những buổi trời lộng gió, lá vàng thi nhau rụng tơi bời khắp mặt sân. Tân cảm thấy công việc mình làm chẳng khác gì con dã tràng xe cát trên bờ biển. Quét chưa xong thì gió đã lại thổi, lá rụng thêm, sân lại bẩn như trước. Chiều nay Tân để ý thấy Thu cứ giả vờ quét quanh quẩn khi xà lim. Thường ngày Thu cũng có tạt qua và chuyền vào cho tên tử tù một mẩu thuốc lá, nhưng hôm nay Tân để ý thấy Thu quét khu ấy hơi lâu và chổi sút luôn phải sửa lại mãi. Trong lúc sửa chổi Thu cúi sát cửa xà lim đối diện với phòng giam tử tù. Tân nghi ngờ hành động của Thu có chuyện mờ ám. Thu thú thật: - Có thằng lính lê dương mới bị giam vào xà lim hôm kia. Hắn bị cạo trọc đầu, hình như bị ti gì nặng lắm. Mặt mày có vẻ dễ thương tộ nghiệp quá. - Anh có cho hắn thuốc hút phải không? - Có! Anh trông thấy à? Ngày nào hắn cũng xin thuốc hút cả. Tôi bảo hắn có cần gì thì cho biết. Hình như hắn ở trong bọn thắng Cốc thì phải. - Anh cẩn thận đấy! Anh tưởng anh làm không ai thấy nhưng mà tôi đã thấy. Tất nhiên có thể còn kẻ khác biết nữa đó. Đừng tưởng vào đây là yên thân đâu! Thu đã bằng lòng đổi tất cả những phiên quét rác với các anh em khác để được lảng vảng ở gần xóm xà lim. Thu xin Tân rất nhiều thuốc lá thơm và có hôm Thu mượn bút viết những gì vào bao thuốc lá rồi giấu kín không cho ai biết. Tân bắt chợt, tra mánh Thu: - Liên lạc với thằng lê dương ấy à? Bộ anh định tổ chức gì nữa sao? - Tôi đâu có dại gì mà làm bậy nữa. Tôi cho nó vài điếu thuốc vì nó thèm quá. Năm giờ chiều. Tên quản ngục và lão cai hùng hổ tức giận bước vào phòng giam tù bố. Lão cai quát: - Thằng Thu đâu rồi? Thu đoán biết chuyện chẳng lành, tiu nghỉu bước ra cửa phòng. Tên quản ngục vừa đưa cái bao thuốc lá Thu gởi ban sáng vừa nói: - Mày viết thư này cho thằng lê dương phải không? Lấy đồ đạc vào xà lim lập tức. Chuyến nầy thì mầy không chạy chối đâu được nữa. Thu ôm chăn chiếu bước vào chiếc xà lim của thằng lê dương nhường lại. Sẽ không có một thằng Thu thứ hai nào tiếp tế cho Thu nữa vì mọi người đều khiếp đảm cái mưu mô sâu độc của Sở Liêm phóng Liên Bang. Trong lúc Thu tủi thân một mình trong nhà giam, thì tên lê dương kia sau bản phúc trình tỉ mỉ về mọi hành động của Thu, đã lãnh một phần thưởng quan trọng để đền bù lại những ngày bị đóng kịch ở tù. Tân thương hại cho Thu và tự bảo: - Hắn đã lãnh giùm cái họa mắc vào cạm bẫy mà đáng lẽ Tân gặp thì cũng không thể nào tránh khỏi! Tân rùng mình: - Loài người còn có kẻ lợi dụng và chà đạp trên lòng tốt của kẻ khác để đi đến thành công. "Cứu cánh vẫn chứng minh cho phương tiện hành động"! Sức khỏe của ông Án càng ngày càng sút kém. Một phần lớn vì tinh thần đau khổ buồn chán. Con người khi đang làm việc thì khí sắc tươi vui, luôn luôn cảm thấy mình hăng hái, phấn khởi và đầy tin tưởng ở đường đời dài trước mặt. Trái lại khi được lệnh về hưu trí, tinh thần như giao động lung lay trước ngọn dốc xuống đưa đến hố sâu thăm thẳm của cõi chết. Họ tự cảm thấy quá gần với Tử thần, tự liệt mình vào hạng vô dụng của xã hội, như một đồ vật phế thải, nằm phơi ở bãi sắt vụn tan rã dần hồi trước sức tàn phá nhanh chóng của trời đất. Họ không còn một tin tưởng gì để sống hăng hái và duy trì cuộc sống êm đẹp của tuổi già. Nếu gặp những éo le oan trái nữa thì họ càng chóng tự thiêu hủy. Mái tóc ông Án ngã bạc sau những ngày câu lưu dưới mái nhà lao. Buồn vì nhân tình thế sự, chán những nghịch cảnh chung quanh, nhất là sau ngày Tân bị bắt thứ hai, ông Án đâm ra ốm nặng. Bà Án phần thì lo chạy tiền thuốc thang, phần thì buồn vì con bị giam cầm, trở nên ưu tư trầm lặng. Hường một mình lo công việc nhà chồng và tiếp tế hằng ngày cho Tân. Số vốn nhỏ nhặt dành dụm từ ngày mở xưởng đã tiêu hết, những vật dụng bắt đầu được bán dần để lo việc bới xách cho chồng. Lắm lúc nhìn Hường vất vả trong công việc, bà Án phải gạt nước mắt thương hại. Nhưng nhiều lần bà Án tự bảo: - Giá thằng Tân nó cưới con Tuyết thì chưa chắc giờ phút nầy hắn còn có vợ để bới xách cho hắn! Càng nghĩ thương nhớ con bà lại càng thấy thương Hường và cố xóa hẳn những thành kiến sai lầm từ trước đối với Hường. Những bức thư Tân gởi ra, Hường muốn đọc cho ông Án nghe, và nhờ ông Cụ vận độg giúp đỡ cho Tân. Nhưng khi thấy ông cụ đau ốm liên miên thì Hường cũng đành bỏ qua cơ hội. Chiếc vòng vàng cuối cùng kỷ niệm ngày cưới đã bán nốt để thêm vào khoảng tiền bới xách cho Tân. Những tháng đầu được bới hàng ngày về sau giảm xuống hai lần một tuần rồi đến một lần. Sự hạn chế tiếp tế gây cho Hường một sự nhẹ nhõm vì bớt tốn kém nhưng Hường cảm thấy khổ sở vì lo sợ Tân ăn uống không được. Ngân quỹ gia đình cạn dần và cái giỏ tiếp tế hàng tuần nhẹ dần làm cho Hường tủi buồn vì không biết tìm phương thế nào trước vấn đề nan giải ấy. Bức thư Tân báo tin ngày ra tòa sắp đến lại càng làm cho Hường đau khổ nữa. Tân cho biết là những người giàu có quyền thuê luật sư ở Saigon hay Hanoi đến bào chữa. Họ rất hy vọng được miễn tố hay trắng án nhưng phải tốn bạc vạn. Những người nghèo không thuê trạng sư riêng thì cũng sẽ được tòa chỉ định một sĩ quan bào chữa lấy lệ. Nghĩ đủ mọi cách, Hường không biết xoay đâu ra tiền để thuê luật sự Một vài người bạn còn cho biết là không phải thuê được luật sư giỏi là trắng án. Có người vẫn tốn tiền bào chữa và vẫn có án như thường. Hường nghĩ nếu mình ở vào hạng đó thì chồng mang tù và mình mang nợ trả biết đời nào mới hết được. ° Tân không muốn cho Hường biết ngày tòa xử vì sợ Hường sẽ bị xúc động có hại cho sức khỏe. Trái lại Hường hy vọng ôm cả con dại ra khóc lóc ở pháp đình may ra kêu gọi được lòng bác ái của các quan tòa. Tân viết cho Hường: "Em không nên đi dự phiên Tòa làm gì vô ích. Nếu anh trắng án thì sớm muộn gì cũng về. Nếu anh bị tù thì em sẽ không chịu nổi cảm xúc mãnh liệt khi nghe bản án và sẽ có hại cho em lắm! Dù sao anh cũng tin ở sự sáng suốt của công lý. Anh cho em biết là anh đã được một ông Trung úy biện hộ cho anh." Những lá thư kiểm duyệt của Tân gởi ra cho Hường không bao giờ cho biết được rõ ý muốn và tâm trạng của Tân. Hai chiếc xe chở Tân và những người bị xử cùng hôm ấy chật ních, đổ cả bọn trước cửa toà Án binh trước giờ làm việc buổi chiều. Toà còn vắng vẻ vì các quan chưa đến. Nắng chiều gay gắt chiếu trên mảnh sân rộng không có một bóng cây. Mái ngói của căn nhà Tòa Án mới phản chiếu màu đỏ gạch tươi, hanh nắng khó chịu. Hiến Binh lần lượt mở xích cho các phạm nhân và đưa vào hành lang đợi. Những đại diện công lý bắt đầu đến. Tòa khai mạc. Vụ thứ nhất kéo ra một loạt mười lăm người. Số còn lại bàn tán với nhau: - Có lẽ họ xử những vụ đông người trước! Nửa giờ sau, cả bọn kéo ra. Người thì vui vẻ, kẻ khác buồn, có kẻ khóc thảm thiết. Nhìn nét mặt có thể biết được ai miễn tố, ai có án nặng hay nhẹ. Cả bọn xầm xì bàn tán: - Nặng nhất năm năm khổ sai. Nhẹ nhất sáu tháng. Có bảy người được trắng án. Kể ra phiên tòa chiều nay kêu nhẹ đấy! Người khác lại thêm vào: - Biết đâu họ xử vụ nhẹ trước rồi vụ nặng sẽ đến sau! Mộ phạm nhân già mỉa mai: - Xử mười lăm người trong ba mươi phút, mỗi người trung bình hai phút để quyết định tám bản án tổng cọng là hai mươi lăm năm tù. Còn gì là công lý! Vụ thứ hai, mười người vừa ra sau non nửa giờ. Án nặng nhất là ba năm,và có bốn người trắng án. Một người trong bọn lập luận: - Thế này là vụ nặng xử trước vụ nhẹ xử sau rồi đấy! Người khác cãi: - Không! Đông người xử trước, ít người xử sau! Biết đâu ít người mà nặng cũng có! Tân chộdạ nghĩ đến vụ của mình chỉ có hai người là Thu và Tân. Nếu anh chàng vừa nói mà đúng thật cho Tân thì nguy lắm. Một ông Đại úy người Pháp, mang kính cận thị, bước vào tìm Tân. Ông ta giới thiệu: - Tôi được bà cô của anh xin biện h giùm cho anh và thay thế vị luật sư đã được chỉ định cho anh từ trước. Tôi đã nghiên cứu rõ hồ sơ của anh và hy vọng sẽ cãi cho anh trắng án. Việc anh chẳng có gì quan trọng. Tân sung sướng đến cảm động. Những người Hiến binh giữ tù thoáng nghe vị quan Ba luật sư nói với Tân đâm ra tử tế với Tân hơn. Có lẽ vì họ tin rằng Tân sẽ được trắng án không cần phải đối xử như tù. Một người hiến binh mời Tân hút thuốc. Nhìn qua khói thuốc bay cuộn vòng giữa thinh không, về phía cánh đồng bên cạnh viện bài lao Phan Châu Trinh, Tân hoài niệm đến quá khứ và tưởng nhớ đến người cộ Đã lâu Tân không gặp lại người cô ấy và cũng không nghe gia đình nhắc nhở đến tên cô ấy. Những thư từ Hường gởi vào cũng không bao giờ đả động đến. Bỗng dưng chiều nay được một vị luật sư do cô gởi đến.Tân mừng thầm: - Nếu chẳng phải là trời muốn giúp ta thì không bao giờ có chuyện may mắn như thế nầy được. Tân cố tưởng tượng người cô ấy trong trí óc nhưng hình ảnh quá lu mờ bởi vì từ nhỏ đến lớn ít khi Tân được gặp và tiếp chuyện lâu với cô. Nắng chiều ngã dần trên mặt hồ rau muống xanh. Một người nhà quê lặn lội ngắt từng ngọn rau bó thành bó. Hồ rau quá rộng. Con người bé nhỏ. Tân tự hỏi: - Biết bao giờ mới rồi việc? Hay nửa chừng lại bị tai bay vạ gió đưa vào tù để một ngày kia ngồi đây nhìn đến hồ rau yêu quý của mình. Vụ thứ sáu đã xử xong. Còn những hơn mười người nữa mà đồng hồ của gả Hiến binh đã chỉ năm giờ. Bây giờ không ai lập luận ức đoán gì nữa. Từ nãy giờ đã có những bản án mười năm, mười lăm năm, đã có những vụ hai ba người, trước những vụ sáu bảy người. Không có một luật lệ nào đứng vững và không ai buồn bàn tán nữa. Mây đen kéo một góc chân trời. Mưa đổ mỗi lúc còn nặng hạt. Gió lùa vào mái hiên lành lạnh. Một người lên tiếng oán trách: - Tự nhiên sao lại đỗ mưa lạ lùng thế này! E có điềm xấu rồi! - Mưa đầu mùa mà lại rơi vào phiên tòa xử muộn thế nầy, chắc có ảnh hưởng đến bọn sắp xử lắm. Một người khác an ủi tất cả: - Ảnh hưởng gì mà ảnh hưởng. Bộ các anh tưởng ra đến đây mới xử chúng mình sao! Đứa nào án bao nhiêu đã định sẵn rồi. Thu gân cổ cãi: - Thế còn trạng sư biện hộ làm gì? - Trạng sư chỉ là bù nhìn đóng kịch! Tân hơi buồn trước nhận xét bi quan của người bạn đồng cảnh ngộ. Tòa gọi Tân và Thụ Tân bước đến trước vành móng ngựa ngập ngừng luống cuống. Lần đầu tiên trong đời bị đưa ra một phiên tòa án quân sự đứng trước mặt năm quan tòa lớn man lon đi mũ, với quân lính chỉnh tề, lưỡi lê sáng chói làm cho Tân mất bình tĩnh. Công tố viện đọc bản tội trạng đúc kết tất cả những cái gì thẩm vấn viên đã thu nhặt từ sáu tháng trước, thêu dệt vẽ vời thêm cho thành câu kéo mạch lạc để đưa đến một chuyện tày trời mà vai chính là Thu và Tân. Giữa sự im lặng hoàn toàn của cử tọa, giọng đanh đá hà khắc của vị quan Tư buộc tội vang lanh lảnh: - Tên Thu là Quân nhân thuộc Bảo vệ đoàn trong khối Liên Hiệp Pháp đã hai lần cố ý quyến rũ lê dương lên chiến khụ Tội địch vận trong phạm vi lãnh thổ Pháp hay Liên Hiệp Pháp buộc phải xử tử. Tân sửng sốt gần như đứng tim khi nghe lời buộc tội Thu. Công tố viên nói tiếp: -.. Tên Nhung là tòng phạm nhưng đã trốn thoát nhờ có tên Tân giúp đỡ. Khi biết chuyện vỡ lỡ Tân cho Nhung chiếc xe đạp và năm trăm đồng để Nhung đi trốn. Tên Tân như thế cũng là tòng phạm trong vụ nầy. Nhưng xét hoàn cảnh và gia thế của Tân, tôi đề nghị một bản án nhẹ hơn... Tân sung sướng tưởng tượng đến giá trị của chữ nhẹ và nghĩ ngay đến bản án treo. Nhưng Tân thất vọng vô cùng khi nghe đến câu: -... Tám năm khổ sai, tám năm biệt xứ và tịch biên tài sản! Hai gã Hiến binh đến dẫn Tân về ghế ngồi. Những hình ảnh chung quanh phòng nhảy múa hỗn loạn, bao nhiêu tiếng huyên náo hòa lẫn làm ù cả tai. Viên quan Ba luật sư đứng dậy biện hộ. Tân không còn đủ bình tĩnh để mà nghe hết cả những lời binh vực cho mình. -... " Chúng ta đang đánh Cộng sản ở Đông dương chúng ta cần diệt trừ bọn cộg sản. Nhưng không nên hồ đồ để xét oan cho những kẻ chỉ vì nặng tinh thần quốc gia mà đã chống đối với tạ Trong giai đoạn hiện tại ta cần có những tâm hồn quốc gia chân chính để hợp tác với ta mới mong chống cộng hữu hiệu được. Luật sư nói thao thao bất tuyệt đi từ biện luận khúc chiết, đanh thép, đập lại từng lý lẽ buộc tội của công tố viên, những luận lý khá vững chắc và nhiều giá trị về hành vi của Tân trong lúc làm việc với Việt Minh, để chứng minh một tinh thần quốc gia thuần túy, đến những công trạng của ông Án và sau cùng là biện luận tình cảm: - Tôi xin tòa khoan hồng đối với Tân. Gia đình Tân đã phục vụ mấy đời với Triều đình và luôn thân thiện với nước Pháp. Người cô của Tân là một nữ giáo chức tên tuổi hiện đã về hưu trí và sẽ sẵn sàng nhận Tân về để bảo đảm mọi hành vi sau nầy. Nếu những hạng thanh niên như Tân mà có tội thì chúng ta hãy tự xét lại vì một phần lớn chính vì những khuyết điểm của chúng ta đã gây ra. Tòa nghị án trong mười phút, kéo dài sự hy vọng của Tân. Không khí trong phòng nặng nề ngột ngạt. Bảy giờ rưỡi. Vị quan Năm chánh án tuyên bố y bản án của công tố viện. Tiểu đi Hiến binh bắt súng chào bản án và chào luôn cả nền công lý sáng suốt của nước Pháp! Giá trị tù của Tân đã có từ giờ phút ấy nên gã Hiến Binh phải đến xin phép xích tay cẩn thận để dẫn ra ngoài. Tân hoang mang bước theo, đầu nóng rang như lên cơn sốt. Đại úy Luật sư đến gặp Tân: - Tôi rất thất vọng không mang được kết quả mong muốn. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi biện hộ mà không kết quả. Tân nhã nhặn đáp: - Ông yên tâm. Tôi biết rõ giá trị lời biện hộ của ông là đủ. Có lẽ tòa buộc tội tôi là đã có tinh thần quốc gia theo như ông nói. Hai người Hiến binh ghé thầm tai an ủi: - Dù ông có bị mười lăm hay hai mươi năm, cũng có ngày mãn về. Nhưng ông đã tránh được sự tố cáo một người bạn và lương tâm ông sẽ nhẹ nhõm, tinh thần khoan khoái suốt đời. Tân liếc nhìn gã Hiến Binh với vẻ e dè sợ một cạm bẫy như Thu đã mắc phải. Những con vi trùng sốt rét trong cơ thể Tân trốn biệt một dạo hơn sáu tháng kể từ hôm bị trận đòn một đấu với ba trước mặt lão chánh Mật thám, nay mới gặp cơ hội để trở lại hoành hành. Tân sốt liên miên hai ngày từ lúc nghe tuyên án. Thu phải dọn vào xà lim tử tù chờ đợi kết quả chống án. Tân dọn qua khám án để đợi ngày vào Nam. Hường được tin chồng bị án cũng ngất xỉu và phát ốm mấy ngày. Bà Án hay tin nhưng không dám cho chồng biết sợ bị xúc động. Bà Án cũng gắng gượng an ủi Hường: - Con đừng khóc lắm có hại đến sức khỏe, mà rồi thằng Tùng nó buồn lây có thể sinh bệnh nữa. Việc đâu rồi sẽ vào đó cả, con hãy cứ vững tâm cầu Trời khấn Phật đi cho tai qua nạn khỏi! Chuyến xe lửa đưa mười sáu tù nhân vào Nam khởi hành vào một buổi sáng trời mưa lạnh. Dù Tân có muốn báo tin cho Hường cũng không thể được vì thư từ bị kiểm duyệt cẩn thận lắm. Tuy vậy cửa nhà lao vẫn có sẵn thân nhân chờ đợi và chiếc xe hơi bịt kín rẽ về hướng ga là cả đám người ùa chạy theo. Những người hiến binh không nỡ cấm đoán những gói quà tiễn chân cuối cùng dù chúng có lòng sắt dạ đá cho mấy đi nữa. Tân nhìn đám người mang áo tơi lá đang chen lấn dưới mưa, để cố tìm Hường, nửa hy vọng Hường đừng đến vì sợ phải xúc động trước cảnh chia ly, nhưng nửa lại cầu mong chỉ gặp Hường trong giây phút ấy. Gả hiến binh thấy Tân ăn nói có vẻ nhã nhặn, học thức và thấy Hường khác hẳn trong đám thân nhân bới xách nên bằng lòng cho hai người được nói chuyện với nhau trước khi lên xe. Hường nghẹn ngào khóc lóc. Tân nhìn vợ ngậm ngùi, hồi lâu mới hỏi được: - Sao em không cho con đi để anh thăm. - Em không biết là anh đi hôm naỵ Mấy hôm nay cứ nghe đồn anh đi và chờ đợi mãi. Sáng nay trời mưa em sợ con ốm nên để nó ở nhà. Hường cho Tân biết tin tức gia đình, bệnh tình của cha và sức khỏe càng ngày càng kém của mẹ. Hường cũng nói ý định của mình cho Tân biết. Tân an ủi: - Mình bản tính nhưng trời quyết định, cái gì cũng có số cả em ạ. Cái họa của mình thế nầy cũng là may lắm. Giá anh bị chết ở mặt trận thì em sẽ khổ biết bao nhiêu! Còi tàu thúc dục. Gã hiến binh xích tay từng hai người một. Hường không chịu nỗi hình ảnh chiếc xích sắt bạo tàn trên tay chồng nên cúi đầu khóc sướt mướt. Bánh xe nghiến đường sắt chát chúa và chuyển động nhanh dần bỏ lại đám người thân nhân giữa sân ga vắng lạnh. Chiếc xe hòm kín mít đã chờ sẵn để đón bọn Tân về lao xá. Không bao giờ Tân có thể ngờ rằng mình phải trở lại nhà tù năm xưa một lần thứ hai cả. Nhưng mà sự thật vẫn xảy đến mỉa mai. Cũng một buổi chiều nào Tân vừa khăn gói bước ra khỏi cánh cửa nầy với sự tự do thì chiều nay Tân lại tìm về đường cũ. Sân lao bên trong vẫn không thay đổi. Vẫn những ngọn phi lao phơi mình dưới ngọn nắng chiều, vẫn cái giếng nước và chiếc gàu muôn thuở để hành hạ bọn tù. Những con ma cũ đứng trong sân đều ngừng việc để nhìn đón bọn ma mới. Họ sung sướng vì được có thêm bạn mặc dầu họ biết là sự sung sướng của họ vô lý vì xây dựng trên sự đau khổ của kẻ khác. Những chú cai được bước ra vòng cửa ngoài để giúp ban giám đốc lập thủ tục giấy tờ, lục xét và nhận lãnh khách hàng mới. Cái chú Tư vẫn không thay đổi, người cao ráo mình bận xà rông rằn ri thân thể xăm đầy rắn rồng thú vật. Thấy Tân chú ấy bảo: - Ta biết lắm mà! Mầy ra dìa làm gì cho dô ích. Cứ lãnh cái chung thân như tao là "phẻ". Bửa hổm mầy mãn dìa, mấy người anh em trong nầy nó nhớ mầy, nó kêu tên mầy nơi lỗ "phá". Tao biết làm sao mầy cũng trở dô lợi. Tân mỉm cười nhìn chú Tư và thầm nghĩ sao mà họ có thể tin chuyện kỳ lạ thế được. Cái lỗ khóa nơi cửa chính của nhà lao đã nhiều lần làm đầu đề bàn cãi sôi nổi giữa các anh em. Một phe thì bảo rằng hễ ai mãn về mà bị anh em đưa mồm qua lỗ khóa gọi đến tên là thế nào cũng khăn gói "Tú Tài" nghĩa là "Tái Tù" hay là đi vào lại nhà lao. Tân không tin vì nó hoàn toàn phản khoa học song cũng rùng mình nghĩ lại. - E vì thế mà ta vào lại nơi đây lần nầy chăng? Trên đoạn đường ngắn từ cổng chính vào xà lim, nhiều người bàn tán về Tân. Họ ái ngại muốn biết cái án của Tân bao nhiêu mà phải vào thẳng xà lim. Họ chờ đợi xem nếu có lệnh gọi phó rèn mang búa đe đến vào lúc ấy thì tất là biết bị chung thân khổ sai. Bởi vì hễ cạo đầu vào xà lim mà có phó rèn đến tức là để xích còng vào chân. Chỉ có tù hạng nhất mới được ưu đãi như vậy. Cứ nhìn một người tù mới vào, xem cách họ bị lục soát, xem họ có bị húi trọc đầu hay không, xem người ta đưa họ về khám nào là có thể phỏng đoán được bản án của họ. Tân không nhớ rõ đã phải nằm trong xà lim số 2 ấy bao nhiêu lâu, trước thuyên chuyển qua khám nặng án, song một điều mà Tân không bao giờ quên, là trong suốt thời gian lưu trú tại đấy, không đêm nào ngủ được yên giấc. Hễ chợp mắt một lúc là thấy như có kẻ nằm chung. Người lạ mặt không nói năng gì, không cười đùa, không tỏ một thái độ bất bình hay vui vẻ. Tân phải nằm ép vào tường để nhường chỗ cho người bạn vô hình ấy. Hễ mỗi khi hắn cựa quậy thì lại nghe tiếng rỗn rảng xích sắt ở phía chân. Bừng mắt dậy thì mọi sự lại yên tĩnh, không còn thấy một bóng ai ngoài bóng đèn ở bức tường nhà lao in hình những song sắt vào vách xà lim. Quang cảnh căn phòng tĩnh mịch với bốn bức tường kiên cố càng làm tăng vẻ lạnh lẽo cô đơn. Mảnh trần đúc xi măng cốt sắt như đè nặng trĩu trên người Tân và gây một bầu không khí bực tức khó chịu muốn ngạt thở. Cánh cửa sắt nặng nề và những thanh sắt to lớn lại càng làm cho tinh thần thêm khó chịu. Đêm ở nhà lao bao giờ cũng dài mà riêng ở xà lim thì lại càng dài đăng đẳng. Ngày đêm không có giới hạn rõ rệt. Cửa xà lim luôn luôn đóng kín như tuyệt giao với bên ngoài. Người tù xà lim vì thế không biết làm gì hơn là ăn và ngủ. Không được đọc sách, không được viết, không có gì tiêu khiển và phải thức cho hết ngày, ngủ cho hết đêm. Một hôm ngủ ngày quá nhiều, đêm đến không nhắm mắt được, Tân cảm thấy bực mình vô cùng. Không phải là sợ cảnh đêm tối âm u cô độc hay là sợ ma quỷ của nhà lao, cũng không phải buồn vì hoàn cảnh. Những lúc ấy thì mọi cảm giác trong người như đã đến trình độ bão hòa không thay đổi, không cảm xúc. Tân ngồi tựa lưng vào tường nhắm mắt nhưng không ngủ được. Bên tai vẫn văng vẳng những tiếng côn trùng rên rỉ. Thỉnh thoảng tiếng kiểng cầm canh các vọng gác trả lời cho tuần trưởng xen lẫn với những tiếng thở dài ảo não thương tâm của một vài tù nhân đang nặng mối ưu phiền. Tiếng thở dài nghe rõ dần. Tân đoán chắc là các bạn ở xà lim kế cận đã thốt lên. Tiếng thở dài lại rõ lần như gần bên tai, ngay trong xà lim số hai. Tân tưởng chừng như mình đã tự thở ra mt cách vô tình không để ý. Nhưng không phải, Tân vẫn còn tự nhủ và thức tỉnh. Tân bảo thầm: - "Hay là tiếng thở dài từ bộ ván ngựa". Bộ ván nầy đã lâu đời lắm rồi. Nhà lao bao nhiêu năm thì bộ ván bấy nhiêu tuổi. Nó đã gặp biết bao nhiêu người vào đây với nỗi niềm tâm sự, lòng trắc ẩn. Bao nhiêu nước mắt đã rơi trên bộ ván nầy cũng trong những đêm khuya canh vắng, bao nhiêu niềm đau khổ, oan ức đã được in sâu vào thớ gỗ đến tận lòng gỗ. Tân không tin ma quỷ, nhưng Tân tin rằng mọi việc xảy ra trong không gian đều để lại một dấu vết. Dấu vết có thể phai mờ một cách dễ dàng hay tồn tại lâu dài tùy theo hoàn cảnh và tâm trạng tác giả đã cấu tạo ra nó. Một việc tầm thường mà tái diễn liên tục cũng có thể ghi lại một hình ảnh rõ rệt lâu dài như một việc quan trọng xảy ra trong khoảnh khắc. Tiếng thở dài lần nầy lại quá rõ, chính ngay tự xà lim số 2 mà Tân đang ngồi. Rồi những tiếng xích sắt cọ vào nhau nghe có có không không giữa cõi u minh thế giới. Tân chắc là đêm khuya vì sự im lặng quá nặng nề và sương đêm đã lạnh. Tiếng xích sắt lê quanh hồ nước trên lớp đá sỏi nghe càng rõ rệt. Tân tưởng tượng như có bóng người vơ vẩn đi dạo quanh sân nhưng mà không nhận được rõ là ai. Chừng nửa giờ sau thì tiếng xích sắt lại nghe xa lần về phía cổng chính. Bóng người lê bước chầm chậm đến cái miễu con thì cũng không còn nghe thấy gì nữa. Tân nằm xuống nhưng không sao ngủ được bởi những hiện tượng quái gở và âm thanh kỳ dị vừa chứng kiến. Rùng mình ớn lạnh với làn gió lạnh của đêm khuya thổi qua song cửa. Tân kép chăn phủ kín cả đầu để cố ngủ quên và dĩ nhiên là để bớt sợ. Sáng hôm sau chú Cai mở cửa cho phép Tân dọn đến khám nặng án vì thời hạn nhốt xà lim đã mãn. Chú Cai hỏi: - Mầy có thấy gì trong xà lim không? Tân kể chuyện cho chú ấy nghe thì chú nói tiếp: - Tao không cho mầy biết kẻo mầy sợ. Cái xà lim số 2 nầy hồi trước khi mầy mãn ra có thằng Thanh khổ sai chung thân bị nhốt để đợi tàu ra đảo. Nó bị xiềng chân, ba tháng sau nó bại, mỗi ngày phải cho đi dạo vòng quanh hồ nước một lần, đến khi đau nặng không đi được nữa thì nó chết luôn trong xà lim. Thợ rèn phải vào chặt đứt xiềng sau khi bác sĩ khám. Tân nổi ốc đầy mình. Giá biết trước thì chắc không bao giờ Tân có đủ can đảm để vào ở đấy.