Nguyên tác Triển Ngọc Quan Âm

Vượt qua được ba chặng sông Trường Giang lên mạn ngược quả thật kinh tâm động phách, nguy hiểm vạn phần. Dẫu sao cuối cùng tôi cũng đến được phủ đệ của viên tri phủ từ quan về ở ẩn nơi đây. Ông này là người nổi danh trong giới sưu tầm cổ ngoạn, bút thiếp và tranh vẽ. Có người bảo rằng khi còn tại quyền, ông ta lắm phen lợi dụng thế lực để cưỡng đoạt nhiều món đồ cổ quí giá. Mỗi khi ông ta chủ tâm lấy món gì, dù đồng khí hay tự họa, nếu dùng tiền mua không xong thì phải đủ mọi cách có bằng được mới thôi. Người ta kể rằng nhà kia không chịu bán một món đồ đồng đời Thương, ông ta đã làm cho họ phải nhà tan, người chết. Những điều ấy thật khó mà kiểm chứng, hoặc có khi vì ghét bỏ mà người ta bịa đặt không chừng, nhưng tính thích đồ cổ như chính mạng mình của ông ta thì ai cũng biết. Vả lại, trong bộ sưu tập của ông ta có những món trên đời hiếm thấy.
Viên hưu quan tiếp tôi tại căn phòng phía Tây. Đi qua ba dẫy nhà mới đến khách sảnh. Phòng khách của một người chuyên về cổ ngoạn mà sao chẳng có món gì đặc biệt ngoài những bàn ghế bằng gỗ gụ, trên mặt lót da báo. Nhưng toàn cục xem ra đầy vẻ phong nhã, giản phác chứng tỏ chủ nhà là người có khí tượng cao nhân. Tôi vừa tiếp chuyện, vừa quan sát chiếc bình màu huyết dụ, cắm một cành mai in lên nền núi cao ngoài song cửa. Sát bên phòng khách là một vườn hoa.
Viên tri phủ nói năng thật từ hòa, dễ mến. Có thể vì tuổi già nên ông không còn sắc mắc nhưng cứ như con người trước mặt thì thật khó mà có thể bảo ông ta tàn nhẫn như lời đồn. Ông ta tiếp tôi chẳng khác gì một người bạn cũ đến thăm. Còn tôi thì hơi nóng ruột vì những gì tôi dặn người giới thiệu tôi chuyển lời sao mãi không thấy nhắc tới, hay vị hưu quan vì tuổi già nên đã lẫn rồi chăng?
Tôi quả thực kính trọng con người này, dám về đây tự cất một căn nhà để tiêu dao ngày tháng. Vì thế tôi không thể đường đột mà chỉ lịch sự khen qua về những đồ cổ quí giá ông đã sưu tầm được mà thôi. Ông lão mỉm cười:
- Hôm nay thì người ta bảo là của tôi, nhưng một trăm năm sau thì lại về tay người khác rồi. Ông xem, có nhà nào mà giữ được một món đồ đến hơn trăm năm đâu. Đồ cổ cũng có số mệnh của nó, nếu nó biết, hẳn nó cũng cười chúng ta đấy.
Nói đến đây, dường như thú vị, ông già lấy ra một cái tẩu thuốc ngậm trên môi.
- Thật thế ư?
- Đương nhiên là thế.
Tôi e dè hỏi lại:
- Ngài nói như thế là nghĩa làm sao?
- Bất cứ món nào, hễ là đồ cổ đều có nhân cách riêng, sinh mệnh riêng.
- Tiên sinh nói vậy chẳng lẽ nó cũng có linh hồn ư?
Ông già hỏi ngược lại:
- Thế theo ông thì linh hồn là cái gì? Linh hồn chẳng qua là nói về cái đời sống, mà hễ có đời sống thì hẳn có linh hồn. Ví thử như một nghệ phẩm, người nghệ sĩ đem hết sức tưởng tượng và sinh lực của mình dồn vào đó, có khác gì người mẹ đem khí huyết của mình nuôi cái bào thai. Một khi sinh lực người nghệ sĩ đem vào tác phẩm, thì tác phẩm đó ắt có sinh mệnh, còn hoài nghi gì nữa? Có khi vì sinh mệnh của tác phẩm mà người nghệ sĩ phải mất mạng như trường hợp pho triển ngọc Quan Âm của tôi.
Tôi vốn dĩ chỉ muốn đến xem một bức viết danh quí, trước nay chẳng hề nghe nói đến triển ngọc Quan Âm, mà nói đúng ra chẳng mấy ai biết. Tôi chỉ vô tình hỏi không ngờ lại được nghe một câu chuyện lạ lùng. Khi ông ta nói về lịch sử của pho tượng này, tôi thật cũng chưa biết ông ta nói gì, nhưng cốt ý đến xem chữ nên tìm cách quay trở lại đề tài. Tôi chỉ tay lên một bức thủ cảo:
- Đương nhiên là trong tác phẩm phải thể hiện được phần nào con người của tác giả, và đó chính là một phần của con người lưu cho hậu thế rồi còn gì.
- Ông nói không sai, cái gì tốt đẹp cũng còn lại cái sinh mệnh cũng như nghệ gia có con có cháu vậy.
Viên tri phủ khi nói tới đây xem chừng tin vào quan điểm của mình lắm.
- Nếu như trong khi sáng tạo tác phẩm, nghệ gia phải hi sinh tính mạng của mình thì đó là trường hợp pho tượng ngọc của tiên sinh chăng?
- Pho tượng Quan Âm thì tình trạng lại đặc biệt, tác giả không chỉ vì tác phẩm mà chết, nhưng cái chết của ông ta thật cũng xứng đáng – vì hoàn thành được một tác phẩm như thế rồi nằm xuống thì cũng không uổng một đời.
Ngưng lại một chút, ông ta nói tiếp:
 Nếu ông xem pho tượng này thì sẽ cảm thấy như vì tác phẩm mà ông ta sinh ra, rồi cũng vì tác phẩm mà phải hi sinh tính mệnh. Nếu không như thế, thật không thể nào hoàn thành được tác phẩm này.
 Nếu thế ắt hẳn phải là một vật quí giá phi thường, chẳng hay chúng tôi có duyên được xem chăng?
Tôi phải khẩn khoản đến nửa ngày, ông lão mới bằng lòng cho tôi xem. Những đồ trân quí, ông ta để trên lầu hai, còn riêng pho tượng ngọc thì để tận lầu ba.
 Tác giả của nó là ai vậy?
 Tên ông ta là Trương Bạch, trên đời chẳng ai biết đến đâu. Tôi nghe được câu chuyện về đời ông ta từ nữ trụ trì ở am Kê Minh, và tôi phải hiến cho ni cô ở am này một tài sản lớn - cho mụ trụ trì già giảo hoạt - bà ta mới chịu giao cho tôi pho triển ngọc Quan Âm. Khi đó, người chủ của pho tượng này qua đời rồi, nó vào tay tôi thật đáng hơn ở trong am nhiều.
Pho tượng nhỏ được khắc bằng một khối ngọc cực kỳ trong trắng, đặt trên một cái bệ bằng ngọc xanh trong một cái hộp pha lê ngay giữa lầu ba, chung quanh có song sắt đúc hoa nặng nề, không ai lay nổi.
 Ông thử đi vòng quanh mà xem, mắt pho tượng lúc nào cũng nhìn theo ông đấy.
Nghe ông ta nói, pho tượng này quả thực lạ thường. Tôi đi quanh một vòng, mắt pho tượng đích thực lúc nào cũng theo dõi tôi không ngoa. Thế nhưng hình dáng Quan Âm thật buồn, tưởng như diễn tả đúng vào lúc đang toan bay lên, một tay giơ cao, đầu hơi ngửng về phía sau, một tay phải đưa ra phía trước, linh động chẳng khác gì một nữ nhân hòa ái trong lúc thương tâm, tựa như Quan Âm bồ tát sắp bay lên trời còn cố giơ tay ban phúc cho chúng sinh. Thế nhưng nhìn vào khuôn mặt thì không cảm thấy hình ảnh giáng phúc. Một pho tượng chỉ cao mười tám phân, mà người điêu khắc nên nó có thể làm cho kẻ xem khó có thể quên vì ngay cả y phục cũng đặc biệt sáng tạo.
 Tại sao người ni cô lại có được pho tượng này?
 Ông nhìn kỹ tư thế của điêu tượng này, trong đôi mắt chứa đầy yêu thương, sợ hãi, thống khổ.
Nói tới đây ông ta ngưng lại một chút, rồi thốt nhiên tiếp:
 Thôi mình xuống dưới lầu, tôi sẽ kể cho ông nghe từ đầu đến cuối.
°
° °
Người ni cô ấy tên là Mỹ Lan, khi sắp chết mới kể câu chuyện này. Cũng có thể bà ni cô trụ trì thuật lại cho tôi không hoàn toàn đúng, có thêm thắt cho câu chuyện thêm sinh động nhưng viên tri phủ ngoài việc đổi một số tên đất, xác quyết với tôi chuyện này không sai. Cũng theo như bà trụ trì, người ni cô này trầm mặc, ít nói, khi còn sống chẳng truyện trò với ai bao giờ.
Vào khoảng hơn một trăm năm trước, Mỹ Lan khi ấy là một thiếu nữ đang tuổi thanh xuân, sống trong trạch đệ quan trấn thành Khai Phong. Nàng vốn là con gái duy nhất của Trương thượng thư, xinh đẹp bội phần. Cha cô là người cực kỳ nghiêm chính, nhưng với con lại cưng chiều vô cùng. Cũng như bao nhiêu quan to thời đó, trong gia phủ có rất nhiều họ hàng thân thích ở, người nào biết chữ thì làm việc quan, người nào dốt nát thì làm việc nhà.
Một hôm, có một đứa cháu họ xa đến Trương phủ. Tên anh ta là Trương Bạch, rất thông minh, hoạt bát đầy vẻ tinh anh. Tuy mới mười bảy tuổi nhưng thân hình cao lớn, ngón tay búp măng dài, không có vẻ nào một cậu bé nhà quê. Cả phủ ai cũng mến anh ta nhưng ngặt vì không biết chữ nên phu nhân giao cho Trương Bạch việc tiếp khách.
Anh ta hơn Mỹ Lan một tuổi, cả hai đều còn trẻ con, thường hay chơi đùa với nhau. Trương Bạch hay kể chuyện đồng quê cho Mỹ Lan nghe và cô nàng thích lắm. Qua độ hơn mười ngày, mọi người đã bớt vồn vã, phần vì chàng ta tính tình lạ lùng thích tìm nơi cô tịch, phần khác lơ đễnh hay quên việc, nên thường bị mắng. Vì thế phu nhân cho anh ta ra coi vườn và xem chừng Trương Bạch thích việc này hơn.
Trương Bạch vốn là kẻ trời sinh thích sáng tạo, không thích theo lối người thường học hành. Được sống chung với chim chóc, cỏ hoa có vẻ thích thú, vừa đi vừa gọi, tưởng như một vì chúa tể quần sinh. Nếu không ai để ý đến anh chàng thì anh ta lại làm được nhiều điều lạ. Không ai dạy mà anh ta biết vẽ. Khi rảnh rỗi anh ta làm được những chiếc đèn lồng tuyệt đẹp, hay lấy đất sét nặn chim nặn thú trông như sống thực.
Đến năm mười tám tuổi, xem ra anh ta vẫn chẳng có gì gọi là sở trường. Thế nhưng vì đâu mà lôi cuốn Mỹ Lan, nàng cũng không biết nữa. Trương Bạch thân hình cao ráo, thanh tú, ngoài cha cô ai ai cũng mến gã. Hai anh em họ ngày càng thân nhau, nhưng một điều rõ ràng là hai người cùng họ làm sao có thể lấy nhau.
Một hôm, Trương Bạch nói với phu nhân anh ta muốn đi kiếm nghề để học. Anh ta đã kiếm ra một cửa hiệu bán ngọc khí, và đã nói với người ta để xin học việc. Phu nhân thấy vậy cũng ưng vì càng ngày anh ta và Mỹ Lan xem càng thân thiết quả không hay. Tuy nhiên Trương Bạch vẫn sống trong phủ, tối tối lại về và càng có nhiều chuyện để kể cho Mỹ Lan nghe.
Phu nhân mới nói với con rằng:
 Mỹ Lan, con và biểu huynh con đều đã lớn khôn, tuy là anh em họ, nhưng hai người không được gặp nhau nữa.
Nghe mẹ dặn, Mỹ Lan càng nghĩ càng buồn. Trước đây nàng chưa bao giờ nghĩ rằng mình đã yêu Trương Bạch. Tối hôm đó, nàng vào hoa viên gặp anh ta. Ngồi dưới ánh trăng, trên một phiến đá, Mỹ Lan nói cho Trương Bạch nghe lời mẹ.
 Này anh Bạch, mẹ em dặn là em không được gặp anh nữa.
Nói đến đây, hai má nàng ửng hồng.
 Đúng rồi, chúng ta đều đã lớn.
Cô gái cúi đầu làm như tự hỏi mình:
 Thế ư, vậy là thế nào?
Trương Bạch choàng một tay qua lưng Mỹ Lan nói:
 Thế có nghĩa là em càng ngày càng làm cho anh say mê, càng ngày càng làm cho anh muốn gặp. Nếu em ở bên cạnh anh, anh thấy vui sướng, nếu em không ở bên anh, anh thấy tịch mịch thê lương.
Mỹ Lan thở dài hỏi lại:
 Thế bây giờ anh vui lắm ư?
Giọng Trương Bạch trở nên trìu mến:
 Phải rồi. Có em ở bên cạnh, tâm hồn anh xao xuyến khác thường. Mỹ Lan, em là của anh mà anh cũng là của em.
 Chắc anh biết rồi, em không thể nào lấy anh được. Chẳng bao lâu cha mẹ em sẽ gả chồng cho em.
 Đừng em, đừng nói chuyện ấy.
 Thế nhưng anh cũng nên biết như thế chứ.
 Anh chỉ biết cái này thôi.
Nói đến đây Trương Bạch kéo Mỹ Lan vào lòng:
 Từ thuở khai thiên lập địa, em vì anh mà sinh ra, anh cũng vì em mà có mặt trên đời, anh không bao giờ để em đi. Anh yêu em không biết bao nhiêu mà kể.
Mỹ Lan vùng ra khỏi tay Trương Bạch, đi một mạch về phòng.
Tình yêu chớm nở trong tuổi thanh xuân thật bồi hồi, mà khi cả hai bên đều hiểu rằng họ ở trong một hoàn cảnh ngang trái thì lại càng thấy thấm thía mùi vị vừa ngọt ngào, vừa đắng cay. Đêm hôm ấy, Mỹ Lan trằn trọc, khi thì nghĩ đến lời mẹ dặn, khi thì nhớ lại những gì Trương Bạch nói với mình lúc ban chiều, như chỉ một đêm mà nàng trở nên khác hẳn. Hai người càng muốn thoát ra khỏi sợi dây ái tình, càng thấy mình bị trói chặt. Cả hai cùng cố tránh mặt nhau. Ba ngày sau, Mỹ Lan e e ấp ấp đến kiếm Trương Bạch. Vì hai người chỉ lén gặp nhau, lửa tình càng thêm mãnh liệt. Hôm ấy, ái tình của tuổi xuân, êm đềm của nuối tiếc, sâu xa của thề nguyền, ngọt ngào hơn, mà cũng đắng cay hơn. Hai người cùng biết rằng họ không thể nào cưỡng lại được quyền của đấng sinh thành. Nhưng họ không biết phải làm gì, chỉ biết yêu.
Cứ như phong tục thời ấy, cha mẹ Mỹ Lan ngấm nghé một thư sinh cho con nhưng nàng cực lực từ chối. Có lần nàng còn nói nàng không muốn lấy chồng khiến cho mẹ nàng giật mình. Nhưng Mỹ Lan tuổi cũng còn nhỏ, nên hai ông bà cũng có ý muốn để nàng ở nhà thêm vài năm.
Trong thời gian ấy, Trương Bạch vẫn tiếp tục đi học nghề. Trong nghề khắc tượng, anh ta cảm thấy mình có thiên tư, chẳng khác gì một người được sinh ra để làm việc này, nên chẳng bao lâu đã trở thành một người thợ xuất sắc. Anh ta mê điêu khắc lạ lùng, mỗi khi làm việc quên ăn quên ngủ, ngay cả những chỗ tỉ mỉ nhất cũng thập toàn thập mỹ, khiến cho ông thầy dạy cũng phải kinh ngạc. Những nhà phú quí càng ngày càng đến đặt mua nhiều hơn.
Một hôm, nhân lễ thọ của hoàng hậu, cha Mỹ Lan quyết định dâng một lễ vật tuyệt hảo, nên tìm được một khối ngọc lớn, loại thượng đẳng. Theo ý của phu nhân, ông tự mình đem đến nơi Trương Bạch làm việc nói rõ nguyên nhân. Khi xem những tác phẩm của anh ta, ông càng thán phục.
 Này cháu, đây là một lễ vật dâng lên hoàng hậu, nếu cháu làm khéo, ta sẽ thưởng một món tiền lớn.
Trương Bạch xem kỹ khối ngọc, lấy tay vuốt ve tảng đá chưa từng đẽo gọt, trong lòng vui sướng vô cùng. Chàng nói rằng đã lâu vẫn mong có cơ hội tạc một pho tượng Quan Âm, và tin rằng sẽ hoàn thành một nghệ phẩm cổ kim chưa từng có.
Trong khi điêu khắc, Trương Bạch không cho ai xem và khi xong, quả nhiên pho tượng Quan Âm là một tác phẩm tuyệt hảo, đúng qui củ từ xưa truyền lại. Từ nghi thái, phong tư, chỗ nào cũng hoàn toàn. Hơn nữa chàng còn làm được một điều chưa ai có là ở hai tai pho tượng khắc hai vòng đeo chuyển động được. Trái tai cũng thật tinh xảo, chỗ dày mỏng, chỗ lên xuống chẳng khác gì người thật. Thêm một nét, khuôn mặt pho tượng y hệt Mỹ Lan.
Viên thượng thư vui mừng không sao kể xiết. Trong bao nhiêu bảo vật của hoàng cung, không gì có thể sánh với pho tượng này. Ông bảo:
 Khuôn mặt cháu khắc sao giống hệt Mỹ Lan.
Trương Bạch đắc ý đáp:
 Dạ đúng vậy. Chính nàng là cảm hứng cho cháu.
Ông quan thưởng cho Trương Bạch một món tiền lớn, rồi tiếp:
 Thôi, từ nay sự thành danh của cháu không còn là vấn đề nữa. Ta đã cho cháu cơ hội này, vậy phải biết ơn ta nhé.
Trương Bạch thế là đã nổi tiếng, nhưng điều tâm nguyện của chàng lại chưa thành. Thành danh mà làm gì nếu không có được Mỹ Lan. Chàng biết rằng nguyện vọng ấy không sao thành được, nên làm việc không còn hứng thú, nhiều mối hàng lớn cũng chẳng buồn nhận. Chẳng biết sao hơn, ông chủ phường khắc chỉ còn có nước thở dài.
Đến nay, Mỹ Lan đã hai mươi mốt tuổi, đáng lẽ phải là tuổi vui tươi của một thiếu nữ chưa chồng. Đúng lúc ấy, có người đã mai mối nàng cho một gia đình rất thế lực, và nàng không còn cách gì lần khân được nữa. Chẳng bao lâu hai bên đã cử hành lễ đính hôn, troa đổi lễ vật cực kỳ long trọng.
Mỹ Lan và Trương Bạch thất vọng vô cùng, tưởng muốn phát điên nên bàn nhau trốn đi. Mỹ Lan tin rằng tài nghệ của Trương Bạch chắc đủ nuôi thân nên chỉ đem theo một ít tư trang, tính sẽ đi đến một nơi thật xa sinh sống. Hai người định một đêm kia sẽ theo vườn hoa phía sau mà đi. Nào ngờ đêm ấy, một lão bộc nhìn thấy hai người ở trong hoa viên nên đâm nghi, vì chuyện hai người thì cả nhà ai ai cũng rõ. Ông lão không muốn để cho phủ quan thượng thư mang tiếng xấu nên ra giữ chặt Mỹ Lan lại. Không cách gì hơn, Trương Bạch xô lão ra. Tuy lảo đão, lão nhất định không buông, chàng bèn đấm cho một quả. Ông ta ngã văng vào tòa giả sơn, đầu đập vào một cạnh đá, gục xuống tắt thở. Hai người thấy ông ta chết, hoảng sợ vội chạy ngay.
Sáng hôm sau, trong nhà phát hiện hai người tư bôn, ông lão bộc táng mệnh. Quan thượng thư giận đến cực điểm:
 Ta nhất định sẽ cho tìm khắp thiên hạ đem chúng nó về giải quan trị tội.
Khi ra khỏi kinh đô, đôi nhân tình không dám ngừng bước, cứ đi thẳng nhưng tránh những thành thị lớn. Vượt sông Trường giang, vào đến Giang Nam. Trương Bạch nói với Mỹ Lan:
 Anh nghe nói Giang Tây có nhiều ngọc đẹp.
Mỹ Lan ngần ngừ hỏi lại:
 Anh vẫn còn định khắc ngọc sao? Nét khắc của anh ai cũng nhận được, chỉ nhìn qua là biết thôi.
Trương Bạch nói:
 Thế mình chẳng định khắc ngọc kiếm sống là gì?
 Đó là chuyện tính khi lão Đái không chết. Bây giờ ai cũng cho là mình mưu sát lão. Anh làm việc khác không được sao? Như làm đèn lồng hay nặn đất sét anh vẫn làm thuở nào?
 Chẳng lẽ anh lại làm những việc ấy. Anh đã nổi danh khắc ngọc rồi mà!
 Thì chính là phiền ở chỗ đó.
 Anh nghĩ rằng mình không nên lo quá. Giang Tây cách kinh đô cả hơn nghìn dặm, chắc chẳng ai biết đến mình đâu.
 Hay anh đổi cách đi, đừng khắc cái gì thật đẹp, chỉ cốt sao bán được là đủ rồi.
Trương Bạch cắn môi, không nói một lời. Chẳng lẽ chàng cũng như bao nhiêu người thợ ngọc tầm thường khác, ẩn tính mai danh, sống thừa sống nhục? Chính mình hủy diệt nghệ thuật của mình chăng? Hay để cho nghệ thuật hủy diệt mình? Quả thực chàng chưa hề nghĩ đến tình cảnh này.
Thế nhưng trực giác của đàn bà không sai. Mỹ Lan e rằng điêu khắc những vật tầm thường không hợp ý chồng. Sau khi qua khỏi Trường Giang, một sức mạnh vô bờ lôi cuốn Trương Bạch khiến hai vợ chồng theo đường cái quan đi Giang Tây. Từ Giang Tây họ đi qua những ngọn núi hùng vĩ tỉnh Quảng Đông, qua các đồng bằng. Hai người không ngừng ở Nam Xương mà đi thẳng tới Cát An. Khi tới Cát An, người vợ lại năn nỉ xin chồng cải trang. Xứ Giang Tây nổi tiếng về đất sét, có những đồ sứ tuyệt đẹp. Nhưng làm đồ sứ Trương Bạch cũng không hài lòng, chàng nói:
 Nếu có làm đồ sứ, người ta cũng nhận ra tài của anh. Ở đây có làm đồ ngọc chắc cũng không sao đâu.
Lời đề nghị đó ngược với linh tính của đàn bà. Mỹ Lan chẳng biết sao hơn, đành chiều ý chồng. Nàng nói:
 Anh ơi, vì em trăm lần ngàn lần anh đừng nổi danh nữa nhé. Hai đứa mình hiện đã khổ sở đến mức này, nếu như anh lại nổi danh thì mình chỉ còn có chết mà thôi.
Mỹ Lan sợ mà nói như thế, nhưng nàng cũng hiểu rằng, chồng nàng nếu không hoàn thành những vật thập toàn thập mỹ, thì đâu chịu cam lòng. Chàng là người yêu thích vẻ đẹp, có trình độ nghệ thuật cao siêu, lại tự hào về tác phẩm của mình, thêm lòng đam mê ngọc khí. Tránh sai dịch bắt bớ hay không là ở chàng. Thật là đầy đắng cay trong cái bi kịch này.
Trương Bạch lấy châu báu của vợ bán đi, mua về đủ các loại ngọc khác nhau mở một tiệm nhỏ. Mỹ Lan xem chồng làm, thường phải nói:
 Thôi đẹp rồi, người khác không ai làm đẹp đến thế đâu. Vì em đi, anh đừng phí công thêm làm gì, để vậy thôi.
Trương Bạch chỉ còn có nước nhìn nàng mà chua chát mỉm cười. Lúc đầu, chàng chỉ tạc các vòng đeo tai thường thôi. Thế nhưng mỗi loại ngọc có cái hồn riêng của nó, mỗi loại phải dùng một cách khác nhau. Dùng ngọc khắc vòng đeo tai, dẫu đẹp mấy cũng chẳng khác gì đào tiên cho khỉ hái, không đáng gì. Thành thử chàng vẫn lén – lúc đầu trong lòng bất an nên chàng phải dấu vợ – điêu khắc đôi ba vật đẹp tuyệt trần, để lộ chút thiên tài. Vừa làm xong là có người mua ngay, thật là mèo mù vớ cá rán. Mỹ Lan lại cầu khẩn chồng:
 Anh ơi, em lo quá. Tên tuổi anh mỗi lúc lại nổi như cồn. Em lại đang có thai, anh nên giữ gìn một chút mới phải.
 Có con ư? Thế thì mình là một tiểu gia đình rồi còn gì?
Chỉ trong khoảnh khắc, chàng thấy những gì Mỹ Lan lo lắng chẳng qua chỉ như người nước Kỷ lo trời sập, lập tức tiêu tan. Mỹ Lan nói một mình:
 Mình sống như thế này thật hạnh phúc.
Những gì Mỹ Lan nói không sai. Chỉ một năm sau, danh của tiệm Bảo Hòa đã vững. Bảo Hòa là tên cửa hiệu của Trương Bạch. Những người giàu có trong vùng ai cũng lại mua ngọc khí của chàng, cả thành Cát An ai cũng biết. Ngay cả những người từ tỉnh đi ghé ngang qua thấy ngọc đẹp cũng mua.
Một hôm, có một người vào tiệm, nhìn quanh quất một hồi rồi hỏi chàng:
 Có phải ông là Trương Bạch, bà con của Trương thượng thư ở phủ Khai Phong không?
Trương Bạch nằng nặc chối, nói từ trước tới nay chưa tới phủ Khai Phong bao giờ. Người đó có vẻ nghi, chăm chú nhìn Trương Bạch một hồi rồi nói:
 Nghe giọng ông đúng là người phương Bắc, thế ông đã có vợ chưa nhỉ?
 Có vợ hay chưa có vợ liên quan gì đến ông?
Mỹ Lan ở trong nhà ghé mắt qua khe cửa dò thám. Khi người nọ đi khỏi, nàng cho chồng hay gã là một viên thư lại trong phủ của thân phụ nàng. Chính đồ ngọc của Trương Bạch đã làm lộ thân thế chàng.
Hôm sau, người đó lại đến. Trương Bạch nói:
 Tôi nói cho ông hay, tôi không hiểu ông định làm trò gì?
 Tốt lắm. Để tôi nói cho ông hay về gã Trương Bạch này. Y phạm tội mưu sát, lại còn dụ dỗ tiểu thư con quan Thượng Thư, ăn cắp châu báu vàng bạc. Nếu như ông muốn cho tôi tin ông không phải là Trương Bạch thì mời bà nhà ra cho tôi xin một chén trà. Nếu như không phải là Trương tiểu thư thì thôi.
 Tôi mở tiệm ở đây làm ăn đứng đắn, hẳn hòi. Nếu ông muốn làm phiền tôi, tôi sẽ đuổi ông ra khỏi cửa.
Người nọ cười khẩy một tiếng rồi đi ra. Vợ chồng Trương Bạch vội vàng thu nhặt những ngọc khí và đồ quí giá, thuê một cái thuyền gỗ, trời chưa sáng đã vội vàng ngược giòng sông chèo đi. Lúc đó đứa con mới được ba tháng.
Âu cũng là vận mệnh xui xẻo, hay trời làm ra thế nên đến Cống Huyện thì đứa nhỏ khởi bệnh, không thể không ngừng lại. Một tháng trời đi thuyền tiền bạc tiêu hết sạch. Trương Bạch đành phải lấy ra một món ngọc khí tuyệt đẹp bán cho một gã lái buôn họ Vương. Đó là một con chó, mắt nửa thức, nửa ngủ.
Tên lái buôn vừa thấy đã reo lên:
 Ôi chà, đây là ngọc của tiệm Bảo Hòa đây mà! Không đâu có thể làm được mà cũng không đâu bắt chước được.
Trương Bạch mừng thầm:
 Vâng, tôi mua ở Bảo Hòa đấy.
Cống Huyện nằm ở chân một dãy núi cao. Lúc đó trời đang mùa đông. Trương Bạch càng thích cảnh trí và không khí trong lành. Hai vợ chồng bàn nhau ở lại đây. Khi đứa nhỏ khỏi bệnh, Trương Bạch lại bắt đầu tính chuyện mở tiệm. Cống Huyện là một thành phố lớn, nên ho đi cách đó chừng hai mươi dặm cho chắc ăn. Trương Bạch bàn với vợ bán đi một món ngọc khí làm vốn. Mỹ Lan hồ nghi hỏi:
 Tại sao anh lại phải bán ngọc?
 Có thế mới đủ tiền mua hàng.
 Kỳ này anh nên nghe lời em, mở một tiệm bán đồ sứ.
 Sao lại …
Chưa dứt câu, Trương Bạch đã hiểu ý vợ.
 Thì tại anh không nghe lời em, suýt nữa mình bị bắt. Đồ ngọc với anh chẳng khác gì tính mệnh, bộ anh không nghĩ đến vợ con hay sao? Đợi bao giờ êm êm hãy nghĩ tới việc khắc ngọc.
Bất đắc dĩ, Trương Bạch phải mở tiệm bán đồ sứ, bán những tượng đất nung. Chàng nặn vài trăm tượng Phật. Mỗi đầu tháng, khi thấy những lái ngọc đi từ Quảng Châu qua, lòng chàng lại nao nao nghĩ đến điêu khắc. Khi đi ngang qua các tiệm bán ngọc, nhìn những món đồ xấu xí bày bán, máu nóng lại nổi lên bừng bừng. Về nhà nhìn thấy những tượng đất đang phơi, chàng lấy ngón tay di nát cả.
 Hừ, đất bùn. Ta có thể khắc ngọc mà sao phải đi nặn đất bùn.
Nhìn thấy chồng lên cơn giận dữ, Mỹ Lan sợ lắm vội khuyên:
 Thế anh không sợ chết sao?
Một hôm, gã lái buôn họ Vương gặp Trương Bạch, mời chàng vào nhà uống nước, mong mua thêm được vài món ngọc. Trương Bạch hỏi:
 Ông đi đâu về thế?
 Tôi đi Cát An về đây.
Gã mở bọc ra, nói:
 Này ông xem, đồ của tiệm Bảo Hòa bây giờ thế này đây.
Trương Bạch lặng thinh không trả lời. Khi gã Vương lôi ra một con khỉ bằng mã não, chàng la lên:
 Đồ giả rồi.
Gã Vương thở dài:
 Ông nói không sai. Mặt con khỉ chẳng có thần khí. Nghe ông nói, ông có vẻ rành ngọc lắm nhỉ.
Trương Bạch lạnh nhạt đáp:
 Thì đương nhiên tôi rành.
 A, thì ra thế. Hôm trước ông có bán cho tôi một con chó, chẳng dấu gì ông, tôi bán lời gấp trăm lần. Ông còn món nào khác không?
 Để tôi cho ông xem con khỉ bằng mã não thứ thiệt của tiệm Bảo Hòa.
Trương Bạch dẫn gã Vương về nhà, cho y xem con khỉ mã não chàng khắc hồi ở Cát An. Gã lại năn nỉ hết lời để chàng bán lại cho món ngọc đó. Hôm sau, họ Vương đến Nam Xương khoe ầm lên với các bạn ngọc khác là y mua lại được từ tay một gã bán đồ sứ, rồi chép miệng:
 Người như thế mà có những món ngọc đẹp, kể cũng lạ.
Độ sáu tháng sau, ba người nha dịch đến tiệm, đem theo công sự bắt hai vợ chồng giải về kinh đô. Tên bí thư của Trương thượng thư cũng đi theo. Trương Bạch nói:
 Để chúng tôi lấy ít đồ mang theo.
Mỹ Lan cũng tiếp lời chồng:
 Chúng tôi đem ít đồ cho cháu bé.
Rồi dọa thêm:
 Các ngươi đừng quên rằng nó là cháu ngoại quan thượng thư, đi đường nếu nó bệnh, các ngươi phải chịu trách nhiệm.
Những tên nha dịch vốn đã được lệnh quan thượng thư đi đường phải lo cho chu đáo nên đâu dám từ chối. Trương Bạch và vợ ra đằng sau, bọn công sai chờ đằng trước. Quả thực là một cuộc biệt ly đau lòng. Trương Bạch hôn vợ, rồi hôn con, theo cửa sổ thoát ra ngoài. Mỹ Lan nói vói theo:
 Đời em lúc nào cũng yêu anh, nhưng anh đừng khắc ngọc nữa nhé.
Hai người nhìn nhau một lần cuối. Khi Trương Bạch đã đi khuất, Mỹ Lan mới quay vào. Nàng cố gắng trấn tĩnh, một mặt dọn đồ, một mặt giả vờ nói chuyện với chồng. Nàng ra ngoài giao cho một tên nha dịch bế con rồi quay vào trong. Đến khi bọn công sai khởi nghi, xông vào tìm thì Trương Bạch đâu còn nữa.
Khi Mỹ Lan về đến nhà, mẹ nàng đã mất, cha đã già đi nhiều. Nàng quì xuống xin lỗi cha, nhưng quan thượng thư mặt lạnh như tiền. Chỉ đến khi trông thấy đứa cháu ngoại, ông mới dịu đi một chút. Cũng may, Trương Bạch đã trốn được, chứ nếu như bắt được y, ông cũng không biết xử sao cho phải. Thế nhưng ông vẫn không thể nào tha thứ cho Trương Bạch được vì y đã làm hỏng đời con ông, làm gia đình ông tan nát.
Qua mấy năm, không ai nghe tin tức gì của Trương Bạch cả. Một hôm quan tri châu họ Dương ở Quảng Châu lên kinh đô. Trương thượng thư thiết yến tiếp Dương tri châu tẩy trần. Trong khi hai người đàm đạo, Dương tri châu cho hay ông có mang theo một pho tượng ngọc cực quí giá, không kém gì pho tượng Quan Âm mà Trương thượng thư dâng lên hoàng hậu ngày nào. Dáng cũng tương tự, mà nét khắc cũng không sai bao nhiêu. Ông định dâng lên hoàng hậu để cùng với pho tượng cũ thành một đôi.
Bàn tiệc ai cũng hoài nghi vì không ai tin có thể có người khắc được pho tượng đẹp như thế. Dương tri châu cao hứng:
 Thế thì để tôi đem ra mời quí vị coi.
Khi bữa ăn xong, bàn đã dọn dẹp, Dương tri châu sai lính hầu mang ra một hộp gỗ bóng như mun, mở đem pho tượng Quan Âm để trên bàn. Cả phòng bỗng nhiên không một tiếng động. Chính là pho tượng Quan Thế Âm đại từ, đại bi với nét buồn mênh mang.
Một tì nữ vội vàng vào báo cho Mỹ Lan hay. Khi Mỹ Lan từ vườn sau lên thoạt nhìn pho tượng để trên bàn, mặt nàng bỗng xanh như tàu lá. Nàng lẩm bẩm:
 Chàng lại khắc ngọc nữa rồi. Chính là của chàng.
Cố gắng trấn tĩnh, Mỹ Lan lắng nghe xem Trương Bạch còn sống hay đã chết. Một người khách hỏi:
 Chẳng hay người nghệ sĩ ấy còn sống chăng?
Dương tri châu đáp:
 Con người ấy kể ra thật là lạ lùng. Y không phải là một thợ ngọc thường. Tôi biết được y là do cô cháu gái kể lại. Khi cháu tôi đi lấy chồng có mượn của nhà tôi một cái vòng đeo tay cổ. Vòng này nguyên có một đôi, trên có khắc hai con rồng quấn vào nhau, cực kỳ tinh mỹ. Cô ta sơ ý chẳng may đánh vỡ, sợ lắm vì không thể nào mua đâu mà đền, mà cũng chẳng có ai khắc đẹp như vậy. Cô ta đi lùng khắp các tiệm bán ngọc, nhưng đâu đâu cũng nói là bây giờ không ai có thể làm được như thế. Không biết sao hơn, cô nàng mới dán giấy khắp phố để tìm người.
Không bao lâu, có một người áo quần lam lũ đến nhận làm. Khi đem chiếc vòng ra cho y xem, y bảo y có thể làm được và quả nhiên y khắc một chiếc vòng y hệt chiếc kia. Đó là lần đầu tôi nghe nói đến y.
Sau đó, khi tôi nghe nói hoàng hậu đang đi tìm người nào có thể khắc được một pho tượng giống như pho tượng Quan Âm bà đang có để thành một đôi, tôi nghĩ ngay đến người này. Tôi mua được ở Quảng Châu một khối ngọc tuyệt đẹp nên mời gã ta lại. Khi gã đến, có vẻ như sợ hãi lắm chẳng khác gì một tên ăn trộm bị bắt. Tôi phải mất biết bao công phu mới nói cho y hay là muốn khắc một pho tượng Quan Âm. Khi tôi nói về đôi vòng tai có thể xoay được dường như gã có điều úy kị.
Gã đi chầm chậm vòng quanh khối ngọc, xem kỹ mọi góc độ một lần. Tôi hỏi:
 Ông thấy sao? Khối ngọc này có tốt không?
Anh ta ngẩng đầu nhìn tôi, giọng lộ chút tự kiêu:
 Khối ngọc này dùng được, khắc tốt lắm. Đã bao nhiêu năm nay, tôi đi kiếm một khối ngọc trắng, nay đã thấy đây. Đại nhân, tôi sẽ khắc một pho tượng, nhưng không muốn ai làm rộn – tôi muốn làm gì thì làm, đừng ai quấy rầy tôi.
Tôi dọn cho anh ta một phòng, trong phòng chỉ giản dị có một cái giường và một cái bàn cùng các vật dụng cần thiết. Người này lạ thật, chẳng nói chuyện với ai, còn có vẻ thô lỗ với những người đem đồ vào cho y.
Khi y bắt đầu vào việc, tưởng chừng như có thần linh nhập vào người. Sau năm tháng làm việc, y cũng không cho tôi ngó tới một lần. Lại thêm ba tháng nữa, y mới đem thành phẩm ra ngoài. Tôi vừa nhìn thấy, chân tay bủn rủn đứng không vững, chẳng khác gì quí vị mới rồi. Y nhìn tác phẩm của mình, mặt lộ một vẻ vô cùng kỳ bí. Y nói:
 Đại nhân, tôi muôn vàn cảm tạ ngài. Pho tượng này chính là lịch sử đời tôi.
Tôi chưa kịp đáp lời, gã đã đi mất dạng. Tôi cho người đi tìm nhưng chẳng thấy anh ta đâu, biến mất vô hình vô ảnh.
Bỗng một tiếng đàn bà rú lên thảm thiết từ trong nhà đưa ra, nghe rợn người. Tiếng kêu như xé ruột gan, ai nấy đều chết lặng. Lão thượng thư lật đật chạy vào, Mỹ Lan đã nằm sóng sượt dưới đất. Một người bạn thân cận với gia đình thượng thư, thấy Dương tri châu nghi hoặc, ghé tai nói nhỏ:
 Tiếng kêu đó chính là của tiểu thư Mỹ Lan, con gái quan thượng thư. Tôi có linh cảm rằng, người nghệ sĩ này chẳng ai xa, chính là chồng của tiểu thư tên Trương Bạch.
Khi Mỹ Lan tỉnh lại, nàng chạy ra như mê như tỉnh, vuốt ve pho tượng. Nàng ôm lấy pho tượng vào lòng, tưởng như ôm Trương Bạch trong tay. Ai ai cũng thấy, khuôn mặt của pho tượng và Mỹ Lan y hệt nhau, chính là một người.
Khi Dương tri châu nghe xong câu chuyện, ông nói với Mỹ Lan:
 Này cháu, cháu giữ lấy pho tượng này. Ta kiếm một lễ phẩm khác dâng lên hoàng hậu cũng được. Pho tượng này sẽ làm cháu nguôi ngoai phần nào. Cháu chưa gặp lại chồng, có pho tượng này cũng đỡ nhớ.
Từ ngày đó, mỗi ngày Mỹ Lan thêm tiều tụy, như người nhiễm phải một căn bệnh lạ lùng. Khi ấy, Trương thượng thư chỉ mong tìm ra Trương Bạch, bao nhiêu chuyện cũ bỏ qua hết. Mùa xuân năm sau, Dương tri châu cho người đến báo, ông đã tìm đủ mọi cách mà không sao tìm ra được tung tích của chồng Mỹ Lan.
Hai năm qua, một cơn ôn dịch lan đến toàn thành. Đứa con của Trương Bạch cũng nhiễm bệnh chết. Mỹ Lan cắt tóc, vào một am ni cô xuất gia, chỉ mang theo duy nhất pho tượng Quan Âm. Cứ như bà ni cô trụ trì, nàng sống một mình một thế giới riêng, không cho một ai vào phòng, kể cả chính bà.
Bà ni cô cũng kể cho quan thượng thư nghe, đêm đêm nàng hay ngồi viết những lá thư dài đem đốt trước pho tượng. Nàng không tiếp xúc với ai, nhưng tựa hồ rất sung sướng mà cũng chẳng làm hại ai.
Mỹ Lan tu ở đó chừng hai mươi năm thì chết. Pho tượng Quan Âm bằng xương bằng thịt tuy chết đi nhưng pho tượng ngọc vẫn còn lại với nhân gian.
Nguyễn Duy Chính
8/1997

Xem Tiếp: ----